Văn há»cVăn há»c nÆ°á»›c ngoà i 20.11.2002
Nguyễn Chà Hoan
Không "đồng sà ng", không "dị mộng"?
Ãá»c "NgÆ°á»i đẹp tặng ta thuốc bùa mê" - Ãối thoại văn há»c của VÆ°Æ¡ng Sóc và Lão Hiệp. NgÆ°á»i dịch: VÅ© Công Hoan, NXB Văn hoá Dân tá»™c, Hà Ná»™i, 2002 Lẽ ra Vương Sóc cũng có thể mở đầu tập đối thoại - tiểu luận này bằng một câu mà tiên sinh mở đầu Phần VII, chương cuối cuốn sách: "Nghĩ thoáng qua thì nền văn hoá Trung Quốc rực rỡ đấy, phong phú đấy, uyên thâm sâu xa lâu dài đấy. Nhưng ngẫm nghĩ kỹ thì có những ai, chẳng có ai cả". (Ai trụ vững trong lịch sử văn học?/tr.331). Còn đối tác của Vương Sóc trong cuộc đối thoại này - Lão Hiệp, có vẻ một chứng nhân/đại diện của tri thức học thuật - thì nói: "Người đi truyền bá kiến thức trước hết phải xem mình có vô tri không, nhất là vô tri làm người. Người giáo dục trước hết phải được giáo dục" (Người thừa kế truyền thống vô vị/tr.304). Vương Sóc cùng Lão Hiệp bắt đầu cuộc trò chuyện với đề tài văn chương, về một vài cuốn tiểu thuyết của Vương Sóc. Nhưng rất nhanh chóng, cỗ pháo hai nòng này đã chuyển làn đạn của mình lên các toạ độ phê bình văn hoá.
Và đây là một cuộc phê phán đầy mùi vị chất nổ không gói bọc, nhằm vào những nền tảng của văn hoá từ văn chương nghệ thuật, điện ảnh cho đến các thể chế xã hội của tư tưởng, triết lý và truyền thống tư tưởng Trung Hoa, và tất nhiên, nhằm vào nhiều nhân vật trong thể chế văn hoá đương thời. Nhưng, có điều không rõ lắm: toàn bộ quá trình phê phán văn hoá này đưa con người phê phán đi từ đâu đến đâu?
Cuốn sách gồm bảy Phần, và lẽ ra các cái tên chương mục này cũng có thể in cả lên bìa sách, có thể còn hùng hồn hơn cả cái tựa của sách: I. Sống bằng sự chân thực. II Hợp mưu của văn hoá đại chúng. III. Khó sống với những người trí thức. IV. Phim Trung Quốc học đòi phong nhã. V. Chuyện vô liêm sỉ. VI. truyền thống lừa đời cướp danh. VII. Văn hoá hiện đại không hồn.
Dưới những đầu đề nổi bật ấy của các chương là những tiết không kém phần kích thích, như Sáng tác và đời sống giả tạo. ... môi giới truyền thông tàn khốc... ai đã tạo ra khủng long văn hoá ... hỗn loạn do "tính dục" gây nên... tìm mưu lược từ trong "thuyết đen dầy" tàn khốc... bi kịch lỗ tấn...
Xuyên suốt những chương mục ấy, sự phê phán nhằm vào một tầng lớp văn nghệ sĩ, một tầng lớp trí thức học giả, một bộ phận nổi bật của điện ảnh và truyền hình - với mẫu số chung là sự giả dối, hãnh tiến, vụ lợi tầm thường - trên một nền tảng chung là sự phổ biến tràn lan của văn hoá đại chúng mà theo Vương tiên sinh thì: "Tầm thường" là phẩm chất tiên thiên của văn hoá đại chúng, giống như có người vừa sinh ra đã thối mồm ấy mà".
Bởi đó là một thứ văn hoá chung trên bề mặt tầng lớp thị dân hỗn hợp, nó không biểu hiện một nền văn hoá đặc thù nào và chẳng có một tương lai nào ngoài sự kéo dài vô độ. Nhưng Vương Sóc và Lão Hiệp đẩy cuộc khảo sát văn hoá đương đại này theo hướng truy nguyên.
Bình diện truy cứu đầu tiên là nguồn gốc và cấp độ giá trị của văn hoá đại chúng. Lão tiên sinh cho rằng đấy là "cái ẻo lả mềm thuỗi của Quỳnh Dao, cái đánh đánh giết giết của Kim Dung, trong chốc lát đã bỏ rơi những trí thức, những nhà văn lớn bé còn đang tranh giành quyền lãnh đạo văn hoá" (tr.113). Và điều tệ hại là "những trí thức, những nhà văn lớn bé" ấy ngả theo những phẩm chất dung tục của dòng văn hoá này, "bợ đỡ cái tầm thường" nơi con người, khiến cho văn hoá theo "mốt" Ðài Loan - Hồng Kông và "văn hoá tinh anh" của lục địa vốn rất quan phương cao đạo trở nên xâm nhập lẫn nhau và "đều nép mình vào dòng chủ lưu" của văn hoá chính thống. Vương tiên sinh, khẩu ngữ và thẳng thừng, bảo rằng một khi đi theo thứ văn hoá ấy "thì rất hay có cảm giác bị cưỡng dâm, bán mình, đầu hàng...", nhưng lâu dần sẽ quen, "nỗi sỉ nhục ban đầu từng bước tiêu tan... Chỉ còn lại có hưởng thụ... nào tiền, nào danh, nào tiếng vỗ tay, cùng hoa tươi gái đẹp" (tr.148). Tóm lại là cái nồi hầm thập cẩm văn hoá đại chúng biến tất cả "tầm thường" và "tinh anh" vào một món lẩu khoái khẩu. Các giá trị tóm lại chỉ là giá trị ngon miệng - Tại sao lại không?!
Bình diện truy cứu thứ hai là "sự đê tiện của một số người trong giới trí thức". Vương tiên sinh bảo "tôi cho rằng mình là một phần của tri thức, là người có lương tri, không đến nỗi vô liêm sỉ tới mức đem tri thức đi lừa người". Nhưng tiên sinh thấy "Tầng lớp trí thức Trung Quốc quả thực có rất nhiều chỗ đáng nghi ngờ", xuất phát từ kinh nghiệm thời Ðại CM Văn hoá đã thấy giữa trí thức với nhau mà dán báo chữ to "anh tố giác tôi, tôi vạch mặt anh. Tôi đã đọc và cảm thấy chẳng có ai sạch sẽ" (tr.59); nhưng điều làm cho "về cơ bản tôi không hâm mộ họ" là bởi "xét từ góc độ giá trị tri thức, kể cả sự phát triển đối với tư tưởng, về cơ bản họ không làm được gì" (tr.60). Lão tiên sinh bèn bảo: "Những người có văn hoá ở Trung Quốc xưa nay... nếu không dẫn đến thảm đỏ... thì ngả vào lòng cô thôn nữ. Quyền lực và nhân dân là hai vị thượng đế" (tr.97). Nhị vị tiên sinh Vương và Lão bắn chéo cánh sẻ: Vương tiên sinh nhấn mạnh đến việc có hay không có giá trị mới về tri thức và tư tưởng học thuật, Lão tiên sinh tán đồng và nhấn thêm - qua trường hợp học giả thời danh Tiền Chung Thư - "đã im thin thít trước bất công xã hội và khổ đau hoạn nạn, lại nhào nặn mình có nhân cách như thần ở Trung Quốc... là một thứ vô liêm sỉ khôn khéo - Một sách lược sinh tồn. Mặc dù là nhà học vấn to đến mấy, một khi đã quá yêu quý bộ lông của mình, thì sẽ mất lương tri" (tr.160 - 161). Vương tiên sinh bảo: "Thứ vô tri của giới trí thức có phần nào gần giống "những kẻ lưu manh" tôi đã viết..." (tr.193). Lão tiên sinh kết luận: "Cho nên nói, vấn đề của giới trí thức Trung Quốc là không biết "thành thật là thế nào". ở đằng sau sự thành thực về tri thức là sự kính nể và khiêm tốn của một người trí thức. Có những người hơi một tý liền nói đến sự vô tri, ngu muội và trơ lì tri của đại chúng. Loại trí thức này thì điểm mù lớn nhất của họ không phải là sự vô tri về tri thức, mà là sự vô tri về nhân cách, về làm người" (tr.192 - 193). Tóm lại, hàng loạt tên tuổi văn nhân học giả bị nêu danh ở đây, về đạo đức thì Philixtanh, về trí tuệ thì vụ lợi cò con "Dùng một lý do đường hoàng, chỉ để vớt nửa cọng rơm" (tr.190).
Bình diện truy cứu thứ ba, là truyền thống văn hoá Trung Quốc. Hai tiên sinh cùng than rằng "người văn hoá Trung Quốc đã là nô tài mấy ngàn năm, làm kẻ tiếp tay nối giáo mấy ngàn năm mà không tự biết" (tr.203). Hai tiên sinh cùng thấy rằng chỉ có vài người tỉnh táo trong suốt lịch sử văn hoá bị những cơn bóng đè của thể chế làm cho méo mó: ấy là Trang Tử, Tư Mã Thiên và Kê Khang. Cái ảnh hưởng méo mó truyền thống ấy, Vương Sóc kết luận trong nhận xét về nhà đạo diễn thời danh Trương Nghệ Mưu: "Trào lưu có thay đổi, thì ông ta sẽ thay, nhưng cho dù thế nào đều là để sống" (tr.233). Và hai tiên sinh đúc kết những khúc đoạn hoại thư của văn hoá ấy vào chuyện vô liêm sỉ (phần V từ tr.247), trong đó thì từ Khổng Tử đến Quách Mạt Nhược, Bạch Cư Dị và Ba Kim, v.v... đều không thoát khỏi đội mũ tai lừa... Tóm lại, hai tiên sinh thấy trong truyền thống nếu không toàn những lý lẽ và thái độ dạy đời thì cũng là những cái cớ để cho các văn nhân trí giả đời sau làm tấm màn che hay "học đòi phong nhã"; ngoài ra thì đều dạy cho người ta "thuyết đen dầy "lạnh lùng tàn khốc thời cổ" (tr.321), những "quyền thuật" mưu mô, thủ đoạn và bạo lực chính trị.
Chỉ có Lỗ Tấn - người lính còn sống sót, vác kích đi lại bàng hoàng trên chiến địa(*) - là được hai tiên sinh khá còn nương tay phê phán. Có lẽ bởi về phương diện phê phán, hai tiên sinh thấy mình có gốc gác ở "Bàng hoàng" chăng?
Nhưng, xuyên qua việc luận chứng phê bình sắc sảo mạnh mẽ "lật đổ các thần tượng" thì Vương qui chiếu về tính chân thực của nhân cách, tính liêm sỉ, đạo đức không xu thời; thì Lão qui chiếu về nhân tính (đạo lý) - là những thứ vốn không xa lạ gì truyền thống Trung Hoa mà hai ông phê bình đã không thương xót. Và tình thế ở đây giống như trong một nhận xét của Mác: "Khi tôi phủ nhận những đầu tóc giả rắc phấn, tôi vẫn còn gặp những đầu tóc giả không rắc phấn"!!
Xem ra, hai ông tuy không muốn cùng "lội dòng nước đục" văn hoá đương thời, không muốn "đồng sàng", nhưng cũng không "dị mộng".
© Talawas 2002
(*) Ý một câu thơ trong tác phẩm của Lỗ Tấn
|