trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
25.10.2005
Trịnh Cung
Dương Tường và cuộc trình diễn nghệ thuật đa phương tiện trên chủ đề thơ “Chiều buông đầy những thở dài”
 


L’Espace – Trung tâm Văn hoá Pháp, Hà Nội, 24 phố Tràng Tiền, chiều 14 tháng 10 vừa qua nêm kín công chúng yêu văn học và nghệ thuật đương đại của Hà Nội đến với cuộc trình diễn nghệ thuật đa phương tiện (multi media) xoay quanh nhà thơ, dịch giả nổi tiếng Dương Tường với chủ đề thơ: Chiều buông đầy những thở dài.

Trong một không gian rộng khoảng 300m2, lịch sự và hiện đại của toà nhà L’Espace, nhóm nghệ sĩ đương đại trong số những người từng đã có nhiều năm khai phá, mở đường cho một nền mỹ thuật đương đại Việt Nam hàng đầu của Hà Nội kể từ thời đổi mới như: Vũ Dân Tân, Trương Tân, Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Quang Huy, đã góp sức cùng Dương Tường dựng nên một đêm văn hoá đương đại Việt Nam bằng sự kết hợp hoàn mỹ giữa thi ca, nghệ thuật sắp đặt, trình diễn, âm nhạc và video art.

Sau Dương Tường, Vũ Dân Tân - người lớn tuổi nhất trong nhóm (sinh năm 1946) là một nghệ sĩ đa tài từ hội hoạ đến âm nhạc, rất đĩnh đạc trong chiếc áo “phong lưu hiền triết” được thiết kế theo phong cách trang phục phương Đông thời trung cổ. Vũ Dân Tân như một pháp chủ mở khúc ouverture ngẫu hứng bằng tiếng dương cầm linh diệu, tạo cảm hứng cho sự xuất hiện nhân vật chính của Chiều buông đầy những thở dài - nhà thơ Dương Tường. Khác với trang phục của Vũ Dân Tân, cũng do Trương Tân thiết kế, Dương Tường bước ra giữa những tràng pháo tay rộn rã trong một bộ “suit” lộng lẫy sắc mầu, mềm mỏng tha thướt, nửa như long bào nửa như đồ bộ phụ nữ, và những trang thơ rưng rưng trên đôi bàn tay xanh gân thời gian câm lặng. Và rồi tiếng dương cầm đột ngột vỡ ra bao cung oán quá khứ, như đôi mắt đã khô kiệt của nhà thơ bỗng rươm rướm lệ xanh. Mọi cái nhìn bị hút theo những cảm xúc thăng hoa chưa từng bao giờ trong đời của một người làm văn hoá đã bước qua tuổi thất thập đang tiến về phía hai hàng 73 chiếc cối đá đã được viết đầy những câu thơ nặng trĩu nỗi niềm. Những chiếc cối đã trơ mòn vì thời gian, đã lãng quên những nhịp chày đớn đau nhưng vẫn đa đoan chứa đựng trong lòng bao nỗi niềm uẩn khúc. Cuối “hành lang cối đá” – tác phẩm sắp đặt của Nguyễn Minh Thành ấy là bức chân dung nhà thơ khổ lớn cũng do anh vẽ trên giấy dó. Vàng rực trong chiếc áo bào thơ, Dương Tường lộng lẫy buồn như một ông vua xưa, xoáy vào người xem cái nhìn đau đáu day dứt, ám ảnh. Nhà thơ rưng rưng trong câm lặng tung hê những trang thơ mình và trao tặng tận tay những người ái mộ xung quanh. Mọi người hồ hởi đón nhận, thậm chí chen lấn để mong giành được cho mình, dẫu có khi lại chỉ là một trang toàn giấy trắng. Cùng lúc này, tác phẩm video art của nghệ sĩ Nguyễn Quang Huy với những đối-thoại–độc–thoại của nhà thơ trong căn phòng đã phủ đầy bóng tối cũng được trình chiếu bên dưới vòm cầu thang của sảnh lớn. Từng lời từng câu của nhà thơ nghe xa xăm như tiếng vọng về từ hoài niệm, lan toả mênh mông như những tiếng thở dài.

Sự thành công của cuộc trình diễn của Dương Tường và các nghệ sĩ đã nêu không dừng ở hình thức và nội dung đêm diễn, mà đặc biệt hơn, loại hình nghệ thuật đương đại này đã có một lượng công chúng rất đáng kể, họ gồm khá đông những trí thức trẻ bên cạnh nhiều trí thức bậc thầy. “Ðiều thành công nhất của đời tôi – điều mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy rất rõ ràng như thế sau đêm diễn chính là tình cảm chân quý của bè bạn và tất cả mọi người dành cho mình. Sinh nhật tuổi 73 này là sinh nhật đầu tiên và thực sự trong cuộc đời tôi...”. Nhà thơ Dương Tường đã rưng rưng như thế khi tâm sự sau buổi diễn và còn cứ mãi rưng rưng khi kể về cảm xúc của mình lúc lần giở những trang thơ do các em nhỏ của trung tâm L’Espace tự sáng tác và trình bày thành 2 cuốn và đã rất trân trọng trao tặng ông trong đêm đó. Ông không chỉ thực sự cảm động vì tình cảm trong sáng, hồn hậu của các em nhỏ dành tặng cho mình mà còn vì ông đã nhìn thấy ở đây đó, trong những vần thơ vẫn còn đầy hồn nhiên của các em những tài năng hứa hẹn cho một nền văn nghệ Việt đương đại của tương lai, khiến nhà thơ cao tuổi này đã không khỏi hạnh phúc khi nghĩ đến những người kế tục của các thế hệ sau mình. Và trong đôi mắt cạn của người nghệ sĩ suốt đời vì nghệ thuật long lanh những tia sáng xanh của niềm tin vào những giá trị của nghệ thuật đích thực.

Và sẽ rất thiếu sót nếu không đề cập đến cuốn sách Chiều buông đầy những thở dài dầy 54 trang trên khổ 25x25cm, được in khá đẹp và trình bày hiện đại, gồm nhiều hình ảnh về cuộc triển lãm, tiểu sử của 5 thành viên tham gia dự án và 12 bài thơ do Dương Tường viết bằng Pháp ngữ đã được dịch ra Việt ngữ bởi Phạm Toàn (Châu Diên), Ngô Tự Lập, Ðặng Tiến và chính tác giả, vừa giống một brochure triển lãm vừa là một tập thơ được tác giả và Trung tâm Văn hóa Pháp Hà Nội thực hiện dành tặng công chúng.

Chiều buông đầy những thở dài thật sự là một buổi trình diễn nghệ thuật đa phương tiện hấp dẫn, hoàn hảo và đầy ấn tượng.

Hà Nội, mùa Thu 2005

© 2005 talawas