trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
2.11.2005
Hoàng Khoa Khôi
Ðọc và bình luận Giọt nước trong biển cả của Hoàng Văn Hoan
4 kì
Phan Thị Trọng Tuyến dịch
 1   2   3   4 
 
Phần II
Bình luận: Cần phải viết lại lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam không?

Ðọc Giọt nước trong biển cả của Hoàng Văn Hoan, chúng ta phải công nhận đây là một quyển hồi kí quan trọng vào bậc nhất. Không phải chỉ vì sách viết hay, rõ ràng là tác giả có văn tài. Văn phong giản dị, trong sáng, bút pháp bình dân thích hợp với chủ đề mà không thiếu phần thanh nhã. Hồi kí mà ta đọc như đọc tiểu thuyết. Ðộc giả không hề nhàm chán một phút giây ngay dù không hoàn toàn đồng ý với tác giả. Ðiều đáng chú ý nhất chính là nội dung của sách. Ðây là lần đầu tiên, một lãnh tụ cao cấp nhất của Ðảng Cộng sản Việt Nam trở thành kẻ li khai, tự do kể lại những biến cố mà mình đã tham dự. Nhờ những sự kiện mới này, tác giả giúp chúng ta phục hồi một số sự thật mà Ðảng đã cố tình giấu diếm từ bấy lâu nay.

Ðộc giả nhận ra rằng khá nhiều sự kiện và biến cố không hề được ghi trong các văn kiện chính thức của Ðảng, từ hoạt động của Hồ Chí Minh tại Xiêm và Trung Quốc, từ vai trò của ông Hồ trong Ðệ tam Quốc tế, cho đến đường lối chính trị của ông và Ðảng CSVN vào thời điểm nắm chính quyền năm 1945, từ những cuôc thương thuyết với Pháp năm 1946 cho đến thái độ của Ðảng trước phong trào hạ bệ Staline sau đại hội Ðảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 20 cũng như về những trận đánh cuối cùng ở miền Nam trước chiến thắng 1975, ông Hoan đã đem lại một cái nhìn mới cho những người như chúng tôi, vốn không tin bài bản chính thức của Ðảng đã đưa ra.

Khác hẳn với Trường Chinh, Lê Duẩn hoặc với các nhà lãnh đạo đương thời của Ðảng thường hay sửa đổi lịch sử cho ăn khớp với các biến cố mới hoặc vì tuân theo mệnh lệnh Ðảng, ông Hoan là một người stalinít khá đặc biệt. Ông vẫn trung thành với Staline và chủ nghĩa Staline, điều này được độc giả cảm nhận trong từng trang hồi kí, ông coi như không có bài báo cáo mật của Khrushchev về Staline, coi như không biết những gì xảy ra trên thế giới từ ba mươi năm nay. Chính vì thế mà quyển hồi kí của ông là một tài liệu quí giá giúp chúng ta hiểu rõ hơn lịch sử Ðảng CSVN.


Các bậc thiên tài không bao giờ nhầm lẫn

Quay lưng với thực tại, Hoàng Văn Hoan dường như chỉ sống với dĩ vãng. Trước kia ông tôn thờ Staline, bây giờ ông vẫn sùng bái Staline. Những bài học thời thanh niên, với ông bây giờ vẫn còn là chân lí. "Liên Xô vẫn mãi mãi là tổ quốc của chủ nghĩa xã hội ", là "ngọn hải đăng soi đường dẫn lối cho các dân tộc bị áp bức" mặc dù có những “hóa thân dị dạng” sinh ra từ chủ nghĩa xét lại của Khrushchev. Ðối với ông, Hồ Chí Minh cũng như Staline, vẫn là bậc thiên tài, mà thiên tài thì không bao giờ nhầm lẫn.

Hoàng Văn Hoan điềm nhiên kể lại mọi lời nói và hành động của Hồ Chí Minh mà không hay rằng mình đã nhầm thời điểm, vô tình ông đã hạ thấp thay vì đề cao vai trò ông Hồ.

Hồ Chí Minh, được ông Hoan xem là người cộng sản, đã lợi dụng tôn giáo để làm vũ khí tuyên truyền ư? Hoàng Văn Hoan thấy điều này không những đương nhiên mà còn là tài tình nữa. Ông Hồ đã chẳng triệt để thi hành chỉ thị của Quốc tế Cộng sản: quyết định đổi Đảng Thanh niên (Việt Nam) tại Xiêm thành Đảng Cộng sản Xiêm, và chính vì thế ông đã ném hàng trăm chiến sĩ của phân bộ đảng này vào cuộc mạo hiểm không ngày mai? Hoàng Văn Hoan xem đấy là chuyện tất nhiên. Là đại diện của Quốc tế Cộng sản tại Xiêm, ông Hồ phải thi hành mệnh lệnh của Quốc tế Cộng sản. Ông Hoan không hề đặt lại vấn đề và xem xét cơ sở chính đáng của quyết định này. Thật ra trước hậu quả tai hại của quyết định đó, rốt cục, ông cũng có tự vấn. Nhưng tự vấn để rồi đổ lỗi cho "đồng chí Tăng có lẽ đã báo cáo sai lạc cho Quốc tế Cộng sản” về tình hình thực tiễn tại nước Xiêm. Rõ ràng ông Hoan đã không hiểu rằng tai hại đó đến từ cái gọi là "thời kì thứ ba" trong chính sách của Ðệ tam Quốc tế mà Staline đã chọn áp dụng cho phong trào cộng sản thế giới vào thời điểm đó.

Sau khi thất bại nặng nề tại Trung Quốc vì áp đặt chủ nghĩa cơ hội cực đoan đối với Tưởng Giới Thạch, Staline và ban lãnh đạo Quốc tế Cộng sản thay đổi chiến thuật, quyết định áp dụng đường lối chính trị tả khuynh cực đoan "giai cấp chống giai cấp“ và "chiến đấu đến người lính cuối cùng", v. v. [1] Sự thành lập Đảng Cộng sản Xiêm cũng như cuộc khởi nghĩa phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đều được tiến hành trong tinh thần đó. Nghĩa là nhằm bóp nghẹt tiếng nói của phe đối lập trong Quốc tế Cộng sản và để chứng tỏ cho thế giới thấy ràng sự thất bại ở Trung Quốc không hề làm suy giảm sinh lực cũng như sức mạnh của tổ chức Quốc tế Cộng sản. Bằng chứng trước mắt là sự thành lập Đảng Cộng sản Xiêm và sự khởi động phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh như nói trên. Mặc cho hậu quả đã xô đẩy cả một thế hệ chiến sĩ hi sinh cho chiến thuật mới này.

Trong một phần khá dài, ông Hoan kể lại chuyện hội nghị Việt Cách (một đảng quốc gia thân TQ) và nhấn mạnh sự kiện ông Hồ đã thành công trong việc đắc cử vào Ban Chấp hành trung ương của đảng này. Chuyện nói trên dĩ nhiên không hề được ghi trong bất cứ một văn kiện chính thức nào của Đảng CSVN. Vậy mà ông Hoan rất hãnh diện kể lại, coi như một thành tích đáng phục của ông Hồ và đinh ninh rằng độc giả chắc chắn sẽ đồng ý với mình. Chúng tôi rất muốn hỏi ông, nếu là một người khác làm như thế chứ không phải ông Hồ thì ông nghĩ sao? Như chuyện những người Ðệ tứ Việt Nam chưa hề tham gia vào chính phủ Trần Trọng Kim bao giờ, thế mà trước nay Đảng cứ nói ngược lại để bêu rếu Ðệ tứ. [2]


Về chiến lược "Chính sách các khối"

Chiến lược này của Hồ Chí Minh, trong chính trị người ta gọi là "chính sách thâm nhập". Do ông Hồ sử dụng nó thì ông Hoan xem như điều tự nhiên mà nếu do người khác, như người Trung Quốc hay người Việt quốc gia, áp dụng đối với Việt Minh thì ông phỉ báng nào là "âm mưu" nào là "việc làm đê tiện, bẩn thỉu", ông rất thiên vị đối với "Bác" nhưng không công bằng đối với người khác. Mâu thuẫn này bàng bạc trong suốt quyển hồi kí.

Hoạt động của ông Hoan và Hồ Chí Minh ở Xiêm, theo như ông kể lại, chủ yếu là những thủ đoạn, âm mưu, móc nối, gạt gẫm, lừa đảo địch thủ hay kẻ thù.

Nếu vì cuộc tranh đấu, bị một địch thủ mạnh hơn đặt ngoài vòng pháp luật, người chiến sĩ cách mạng có lúc cũng phải buộc lòng hành động như thế. Nhưng ở đây HVH lại nêu thành nguyên tắc hoạt động thường xuyên, ông có vẻ hãnh diện và muốn sử dụng nó bất kì trong trường hợp nào cho đời sống hằng ngày. Qua những hành động như thế HVH cho chúng ta thấy một Hồ Chí Minh hoàn toàn khác hẳn với Hồ Chí Minh do Ðảng vẽ ra.

Trong một chương khá quan trọng (tr. 272-278) HVH đã kể lại rõ ràng và tỉ mỉ nguyên nhân và ý nghĩa những điều khoản kí kết với Pháp trong Hiệp định Sơ bộ ngày mồng 6 tháng ba năm 1946. Theo ông, Hồ Chí Minh đã dự thảo Hiệp định này từ 1941, giữa hai kì hội nghị tại Tân Trào. HVH tự hỏi tại sao Ðảng lại "che giấu" một sự kiện quan trọng như thế. HVH còn giải thích thêm rằng phương hướng hành động chung được Hồ Chí Minh vạch ra ở Tân Trào không chỉ từ 1941 mà trước đó nữa, vào năm 1938 bởi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản. Ðó là theo chính sách "khối các nước đồng minh chống lại khối các nước phát-xít". Việt Nam ở vào khối đồng minh, mà trong khối này lại có cả Pháp, nên phải làm hoà với Pháp, bằng một bản hiệp định. Tại Tân Trào, Hồ Chí Minh còn nói "Cho dù chúng ta có muốn đánh Pháp, chúng ta cũng không đủ sức".

Thì ra lí do đầu tiên và cũng là lí do chính của việc kí hiệp định là chính sách này. Nhưng lí do thứ hai quả là vô lí. Làm sao "Bác" có thể nói về tương quan lực lượng giữa ta với Pháp khi mà ở thời điểm đó, chưa có phong trào kháng chiến nổi dậy (nó chỉ phát động từ 1945). Cơ bản vấn đề là Hồ Chí Minh và Ðảng của ông bị lệ thuộc vào chính sách hai khối do Moscow định đoạt, Hồ Chí Minh và Ðảng không thể nào tạo dựng một phương sách ở ngoài cái "khối đồng minh" đã định này.


Hậu quả tai hại của Hiệp định Sơ bộ


Chính vì phải làm hoà với người Pháp mà Đảng đã giới hạn, ít ra là trong giai đoạn đầu, sự phát triển tính năng động của Cách mạng tháng Tám 1945.

Phải hòa với Pháp, cho nên Ðảng đã cấm nông dân không được lấy ruộng của phong kiến địa chủ và Ðảng cũng đã đàn áp tất cả những lực lượng kháng Pháp trong nước. Chính vì thế mà Việt Minh ra lệnh tàn sát những người Ðệ tứ dù họ chỉ có cái “tội duy nhất” là đòi lấy đất ruộng chia cho nông dân nghèo [3] và muốn tiếp tục cuộc đấu tranh không nhân nhượng với người Pháp.

Cùng lúc đó Việt Minh cũng triệt hạ những người của các đảng phái quốc gia vì những người này cũng đòi quân đội Pháp phải rút khỏi Việt Nam.

Chính vào lúc ấy, cựu hoàng Bảo Ðại, trở thành hoàng tử Vĩnh Thụy, được cử làm "cố vấn tối cao" cho chính phủ Hồ Chí Minh và triều đình Huế được trọng đãi. Phần tiếp theo thì ai cũng biết! Ông hoàng cố vấn tối cao đã "phản bội", lợi dụng một chuyến công du ngoại quốc, trốn khỏi Việt Nam! Ngài cố vấn tối cao hợp tác với người Pháp, thành lập một chính phủ và một quân đội chống lại Việt Minh. Người Pháp thì phản bội Hiệp định Sơ bộ 6/3/46, gây chiến sau khi mở những cuộc tấn công giành đất. Việt Minh chỉ còn một lối thoát duy nhất là tổ chức cuộc chiến đấu vũ trang. Sự thực lịch sử là thế. Nhưng trong Lịch sử Ðảng CSVN, chúng ta được đọc một lối diễn dịch lịch sử khác: Ðảng đã tiên liệu được tất cả: từ sự phản bội của người Pháp cho đến sự phản bội của quân Ðồng minh người Anh và người Mĩ. Nhân nhượng của Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 chỉ là một kế hoãn binh để nghỉ ngơi và để chỉnh đốn lại tổ chức kháng chiến!

Ngược lại với văn bản chính thức, HVH đã nhìn nhận rằng Hiệp ước được kí kết vì những lí do quốc tế chứ không phải vì những điều kiện quốc gia. Ông còn đi xa hơn nữa khi cho chúng ta biết rằng phong trào Cách mạng tháng Tám năm 1945 của hàng triệu người dân thuở ấy được tạo nên không phải để đánh đuổi thực dân Pháp mà chỉ để nhắm mục tiêu tạo điều kiện đi tới một cuộc thỏa hiệp với Pháp. Mục đích trước mắt và ngay sau đó chưa phải đấu tranh cho một nền độc lập hoàn toàn. Theo Hồ Chí Minh, độc lập hoàn toàn chỉ có thể giành được sau thời hạn năm năm.

Trình bày tất cả những sự kiện lịch sử đã thật sự xảy ra như đã nói trên, HVH thật ra chỉ cho ta biết có một nửa sự thật, còn nửa kia ông giấu nhẹm, đó là hậu quả tai hại do đường lối chính trị thoả hiệp này mang đến cho đất nước Việt Nam. Khi tàn sát những người Ðệ tứ và người quốc gia bất khuất, khiến những người này không còn có thể cùng tiếp tục góp phần vào phong trào kháng chiến chống Pháp, Việt Minh không những đã phá hoại một phần lớn những tiềm năng của đất nước mà họ còn tạo ra những điều kiện khách quan gây khó khăn cho sự tổ chức cuộc kháng chiến này. Chỉ trong vòng vài tháng quân Pháp nắm vai trò chủ động. Họ đẩy lùi quân đội Việt Minh ra khỏi các thành phố khá dễ dàng và không mấy tổn thất. Còn về chuyện người Ðệ tứ đòi hỏi cải cách ruộng đất, phải hơn năm năm sau, Ðảng CSVN mới đề cập đến. [4]

Và bởi vì chủ nghĩa cơ hội chỉ là mặt trái của chủ nghĩa bè phái (sectaire), cuộc cải cách ruộng đất này đã được thực hiện một cách cực kì tàn bạo và hoàn toàn ngược lại với những nguyên tắc sơ đẳng nhất của chủ nghĩa Lenin về vấn đề này.

HVH đã tố cáo điều ấy trong hồi kí. Năm 1956, Ðảng CSVN đã phải sửa sai, kiểm thảo. Nhưng hàng chục nghìn nạn nhân có sống lại để được phục hồi hay không?


Về viện trợ Trung Quốc và Liên Xô cho Việt Nam

Bàn về chiến thắng Pháp và Mĩ của Việt Nam, một số sử gia và nhà văn kể cả những người cực tả, giải thích rằng khi Hồ Chí Minh và đảng của ông lên cầm quyền, tất nhiên họ đã đoạn tuyệt với Staline và chủ nghĩa Staline. Nhưng sự thật, và quyển hồi kí của HVH cũng xác nhận, là khác với Mao và Tito, Hồ Chí Minh hướng dẫn cuộc kháng chiến Việt Nam theo khuôn khổ, chính sách do Staline và Liên bang Xô Viết đã quy định.

Hồ Chí Minh đã chẳng bênh vực khẩu hiệu "Liên Hiệp Pháp" như Đảng CS Pháp hay sao?

Thái độ cũng như chương trình hoạt động của Đảng CSVN chẳng phương hại gì cho chính sách của các Đảng CS Pháp và Liên Xô. Người ta thường hay quên điểm quan trọng này: chiến tranh Việt Nam mở đầu cùng lúc với cuộc chiến tranh lạnh thế giới.

Liên bang Xô Viết, lúc ban đầu, không hề nhiệt tâm giúp đỡ kháng chiến VN, bây giờ với chiến tranh lạnh, họ cũng chẳng có lí do gì để phá hoại kháng chiến Việt Nam, như trong trường hợp cuộc kháng chiến Nam Tư hay Hy Lạp. Cuộc kháng chiến VN trở nên con bài khá tốt cho chính sách của giới lãnh đạo Liên Xô Viết trong cuộc chiến tranh lạnh này.

Không ưa Liên Xô, HVH ra mặt chọn phe Trung Quốc. Ðể bênh Trung Quốc, ông đã lập một danh sách thật dài những viện trợ TQ cho Việt Nam. Viện trợ này quả thật vô cùng quan trọng, nếu không có nó, sẽ không có chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Nhưng HVH quên nói với chúng ta rằng sau Ðiện Biên Phủ, viện trợ TQ lại kém xa viện trợ Liên Xô. Và ai cũng biết cho đến trước ngày chiến thắng 1975, Trung Quốc chống lại việc thống nhất Việt Nam, y hệt như Liên Xô chống việc thống nhất Việt Nam trong những năm 1950.

HVH có lí khi ông phê bình thái độ Liên Xô về chuyện này nhưng ông lại quên tư thế của Trung Quốc. Sự thật là viện trợ Liên Xô hay viện trợ Trung Quốc, cả hai đều nhằm phục vụ cho quyền lợi chính trị của giới quan liêu lãnh đạo hai nước này.

Về hiệp định Genève năm 1954, HVH đã nói dối khi ông bảo rằng Trung Quốc ủng hộ vô điều kiện mọi quyết định của Việt Nam, và nói dối lần nữa khi ông khẳng định rằng trong cuộc chiến tranh chống Mĩ, Trung Quốc không hề tìm cách gây khó khăn trong việc chuyên chở các viện trợ Liên Xô ngang qua lãnh thổ Trung Quốc để tiếp tế cho Việt Nam.

HVH có lí khi ông trách Liên Xô đã gọi về nước tất cả các chuyên viên Liên Xô đang làm việc ở Trung Quốc khi xảy ra vấn đề tranh chấp giữa hai nước. Nhưng Trung Quốc đã chẳng đối xử như thế với Việt Nam hay sao? Tệ hơn nữa, họ đã kéo quân sang xâm phạm lãnh thổ Việt Nam để cho một bài học và gây ra bao nhiêu tội ác không thể tha thứ được. Bài học ấy rất đắt giá cho cả hai bên nhân dân Hoa-Việt, là những người hoàn toàn không có lí do gì để huỷ diệt nhau bằng cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn.

Cũng như về việc quân đội Việt Nam chiếm đóng Campuchia, chúng ta cũng hoàn toàn đồng ý với những chỉ trích của tác giả. Ông nói, rất đúng, rằng mục đích của Hà Nội không phải "tiêu diệt Pol Pot" mà chính là nhằm thực hiện Liên bang Ðông Dương bằng võ lực. Chủ nghĩa "đại quốc gia" là động lực chính chứ không hề là chủ nghĩa nhân đạo vô vị lợi mà người ta đã lầm lẫn trao tặng cho giới lãnh đạo Việt Nam.

Nhưng HVH lại không nói gì đến tội ác diệt chủng của Pol Pot cũng như việc Trung Quốc mưu toan đặt Việt Nam vào vòng lệ thuộc của họ. Chủ nghĩa "đại quốc gia" không phải bản sắc riêng của Việt Nam, nó cũng tượng trưng cho bản sắc Trung Quốc và Liên Xô, bởi nó thể hiện trên bình diện chính trị một trong những nguyên tắc của chủ nghĩa Staline mà chính tác giả cũng chưa gột bỏ được.


Nên thay đổi giới lãnh đạo hay thay đổi chế độ?

Trong chương cuối, HVH đả kích có bài bản kẻ thù số 1 của mình là Lê Duẩn. Ðả kích về mặt chính trị lẫn cá nhân.

Về mặt chính trị ông kê khai một số lỗi lầm của Lê Duẩn trong đó có ba lỗi lầm quan trọng: cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, chủ nghĩa xét lại kiểu Khrushchev và đường lối chính trị trước và sau Hiệp định Paris.

Ðây là lần đầu tiên một nhân vật lãnh đạo quan trọng của Đảng CSVN dám công khai chỉ trích như vậy. Thật là đáng cho chúng ta lưu ý khi biết rằng cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 này được xem như một cuộc "phiêu lưu mạo hiểm" bởi vì ban lãnh đạo Đảng CSVN đã "đánh giá quá thấp" lực lượng quân thù. Rằng Lê Duẩn là tín đồ (không dám công khai ra mặt) của Khrushchev trong khi Hồ Chí Minh chống lại Khrushchev và chống lại việc hạ bệ Staline.

Một điều đáng lưu ý khác nữa là Lê Duẩn và các lãnh tụ khác đều tỏ ý ngạc nhiên trước chiến thắng 1975, vì họ đã "đánh giá quá thấp" tính năng động của cách mạng và "đánh giá quá cao" sức mạnh của chế độ Nguyễn Văn Thiệu. Vì đã chuẩn y một tiến trình đấu tranh chính trị lâu dài, họ muốn tôn trọng nghiêm nhặt tất cả các điều khoản của Hiệp định Paris, nên họ không muốn quân giải phóng trả đũa những vi phạm Hiệp định của quân đội ông Thiệu.

Chỗ này HVH đã vô tình ghi lại tình trạng đất nước giống y hệt như sau ngày kí kết Hiệp định Sơ bộ mồng 6 tháng 3 năm 1946. Việt Minh nghĩ rằng có thể cứu vãn được những thoả ước đã kí, trong khi quân Pháp đã vi phạm trắng trợn Hiệp định bằng cách tấn công về chính trị cũng như quân sự.

Như vậy Thỏa hiệp án (modus vivendi) mà Hồ Chí Minh đã kí với Marius Moutet ngày 14 tháng 9 năm 1946, trước ngày lên tàu về nước, có ý nghĩa gì?

HVH có lí khi chỉ trích Lê Duẩn. Nhưng những điều ông coi là xấu cho Lê Duẩn lại được trình bày là tốt cho Hồ Chí Minh. Cho nên càng bênh vực “Bác Hồ” chừng nào, ông lại ra công chỉ trích Lê Duẩn chừng ấy.

Về mặt cá nhân, HVH phê bình Lê Duẩn cũng giống y hệt như Khrushchev phê bình Staline. Tất cả mọi xấu xa đều tập trung vào một mình Lê Duẩn. Lê Duẩn nhiều tham vọng, thích sùng bái cá nhân, dùng nhiều thủ đoạn chiếm lấy tất cả quyền lực về tay mình v.v. Ông còn ngụ ý rằng tập đoàn Lê Duẩn-Lê Ðức Thọ đã ám hại một nhân vật có trách nhiệm lớn trong Đảng (tướng Nguyễn Chí Thanh, tr. 420).

Nhưng những chỉ trích của HVH đem đến một câu hỏi: nếu quả thật Lê Duẩn đã loại bỏ bằng phương pháp quan liêu mọi địch thủ của mình, nếu quả thật Lê Duẩn đã cài công an vào tất cả các cơ quan của bộ máy Ðảng và Nhà nước, nếu quả đúng Lê Duẩn đã khiến chế độ trở thành một "chế độ phát xít", thì phải hỏi vì sao ra nông nỗi này?


Chắc chắn phải tìm câu trả lời ngay trong chính cái cấu trúc của chế độ.

Vấn đề không phải là thay thế tập đoàn Lê Duẩn bằng một tập đoàn khác như HVH đã đề nghị mà là xây dựng lại một thể chế hoàn toàn khác hẳn. HVH có sẵn sàng chấp nhận trong chế độ xã hội chủ nghĩa một thể chế dân chủ từ dưới gốc, một nền kinh tế tự quản, một chế độ đa đảng và nhiều nghiệp đoàn?

HVH có sẵn sàng chấp nhận từ bỏ hệ thống độc đảng và độc khối hay không?

Ông có sẵn sàng chấp nhận tự do giao lưu tư tưởng, tự do báo chí, quyền tự do lập hội và hội họp, quyền đình công, quyền biểu tình, tất cả được bảo đảm bằng một bản hiến pháp thật sự xã hội chủ nghĩa?

Tất cả những đòi hỏi dân chủ này là nền tảng cơ bản của chủ nghĩa xã hội mà chủ nghĩa Staline đã chà đạp trong nửa thế kỉ nay. Có thể nào nói tới đổi mới ở Việt Nam mà không lên án một cách rõ ràng chủ nghĩa Staline và mọi phó bản của nó?

Tháng 9 năm 1987




Tiểu sử Hoàng Khoa Khôi

Hoàng Khoa Khôi sinh tại làng Quý Nhất, tỉnh Nam Định trong một gia đình giầu có. Ông học trường Thành Chung ở Nam Định. Tới năm học thứ tư, ông bị sở mật thám Nam Định bắt oan vì tội "tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản". Nguyên do vì ông trọ học ở cùng một căn nhà ba tầng, (số nhà 24 Phố Hàng Đàn, nhà ông bà Cửu Thành) với hai nhà báo đảng viên của Đảng Cộng sản, phóng viên báo Tin Tức, tên là Phan Khải và Đồn Rạng [5] . Ông ở tầng trên. Hai người này ở tầng dưới, đi cùng một cầu thang. Khi mật thám tới bắt và khám nhà hai ông Phan Khải và Đồn Rạng, họ gặp ông đang ở nhà hai ông này. Họ liền bắt ông điều về Sở Mật thám. Sau hai tuần điều tra, ông được thả vì thiếu bằng chứng. Sau vụ này gia đình ông lo sợ gửi ông lên Hà Nội ghi tên học ở trường tư thục Thăng Long. Vụ bị bắt oan làm nẩy sinh trong óc ông ý nghĩ xuất ngoại. Nhân dịp chính phủ thuộc địa bắt lính thợ (công binh) qua Pháp làm việc thay công nhân Pháp, ông đăng ký làm thông ngôn cho Sở Nhân công MOI (Main d'oeuvre Indigène) với dự định sẽ tìm mọi cách ở lại Pháp sau khi chiến tranh chấm dứt.
     
Ngày 18-04-40 ông đặt chân trên đất Pháp. Sau đó, Sở Nhân công gửi ông đi Roanne rồi Vénissieux gần tỉnh Lyon làm thông ngôn cho cơ đồn 59, công tác trong các xưởng chế tạo súng đạn và vũ khí chiến tranh. Ở Vénissieux, sau một cuộc đình công bãi thực do ông và các bạn ông tổ chức để phản đối sự lạm quyền và ngược đãi của viên quản trại đối với lính thợ công binh, ông bị cách chức thông ngôn và bị tháng rưỡi tù ở nhà tù Sorgues (quận Vauclues) và bị 15 ngày nhốt trong xà lim, ông đã phản đối bằng cách tuyệt thực 7 ngày. Năm 1943, sau một kỳ thi để tuyển lựa một số thông ngôn, ông được trúng cử và được trả lại chức vụ. Tới năm 1944 ông lại bị cách chức một lần nữa vì đã phản đối ông giám đốc Decotton lợi dụng chức quyền ăn bám vào phần ăn hằng ngày của lính thợ công binh. Ngày 9-6-1944 ông và 10 người bạn của ông đào ngũ. Từ 1944 ông và một số bạn bè sống trong vùng bí mật không có giấy tờ hợp lệ cho tới 1950, nghĩa  là trong quãng thời gian 6 năm. Trong quãng thời gian này ông bị ghi tên vào sổ những người bị trục xuất khỏi nước Pháp. Trong vụ trục xuất 126 đại biểu công binh ở trại Mazargues (gần Marseilles), trong ban danh sách có tên ông, nhưng ông vắng mặt. Một lần khác, cảnh sát đến nhà bà cụ mẹ của người vợ chưa cưới của ông hỏi tin ông. Bà cụ trả lời không biết ông ở đâu. Ngoài ra sở công an Rue des Saussaies hai lần gửi thư về địa chỉ cũ của ông đòi ông lên trình diện. Nhưng ông vắng mặt. Năm 1950 hầu hết công binh về nước. Sở Nhân công MOI giải tán. Ông Hoàng Khoa Khôi mới ra mặt công khai xin giải ngũ. Và từ đó ông mới có giấy tờ hợp lệ. Từ đó ông không ngừng đấu tranh chống chiến tranh xâm lược ở Việt Nam. Đời sống thăng trầm chìm nổi của ông diễn tiến cùng nhịp với phong trào đấu tranh của công binh và phong trào chống chiến tranh xâm lược ở Việt Nam. Năm nay ông đã gần 87 tuổi. Ông muốn gửi cho thế hệ đi sau một thông điệp: anh hãy làm gì mà anh thấy cần phải làm. Còn kết quả thành công hay thất bại sẽ do thế hệ mai sau tiếp nối.



[1]Câu này được tác giả trích dẫn trong phần nói về các hoạt động của ông ở Xiêm, nhưng tác giả Hoàng Văn Hoan không hiểu rõ ý nghĩa và xuất xứ của nó.
[2]Chúng tôi đã phỏng vấn bác sĩ Hồ Tá Khanh (hiện cư ngụ tại vùng ngoại ô Paris ) về vấn đề này. Bác sĩ Khanh từng là bộ trưởng trong chính phủ Trần Trọng Kim thuở đó, ông cam đoan với chúng tôi rằng không có Tạ Thu Thâu hay bất kì một người Ðệ tứ nào trong chính phủ Trần Trọng Kim. Khi có dịp, chúng tôi sẽ công bố bài phỏng vấn này.
[3]Trong quyển Cách mạng tháng Tám, tập II, nxb Sử học, 1960, Hà Nội, tr. 319, người ta đọc được lời thú nhận đáng kinh ngạc sau đây: "Sau khi chúng ta giành được chính quyền, bọn trốt-kít ra một tờ báo tên là "Ðộc lập" có vẽ ngôi sao đỏ sáng chói, nhằm chia rẽ phá hoại chính sách Ðảng ta. Báo này đòi tịch thu ruộng đất chia cho nông dân. Chúng ta đã đóng cửa tờ báo này và tố cáo bọn chủ báo, biên tập với đồng bào. Ðồng thời ta bắt giữ bọn thủ lãnh của chúng trốn tránh ở Dĩ An, Thủ Ðức (như Nguyễn Văn Sô, Phan Văn Hùm, Phan Văn Chánh, Trần Văn Thạch v.v.". Các tác giả của những dòng này không nói rõ số phận những tù nhân, nhưng chúng ta biết rằng họ đều bị giết chết.
[4]Khi đề cập đến chuyện cải cách ruộng đất, Ðảng Cộng sản Việt Nam thú nhận sự chậm trễ trong việc giải quyết vấn đề này.
[5]Đồn Rạng sau này đổi tên là Đặng Việt Châu, làm bộ trưởng Bộ Ngoại thương. Phan Khải đổi tên là Lê Đức Thọ, nhân viên quan trọng của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, người đã ký Hiệp ước năm 1973 với Mỹ chấm dứt chiến tranh Mỹ Việt.
Nguồn: Bản tiếng Pháp do Hoàng Khoa Khôi viết dÆ°á»›i bút hiệu Hà CÆ°Æ¡ng Nghị trong tờ Chroniques vietnamniennes,Trimestriel, Hiver Printemps 1988, Numéro spécial Paris, France (Việt Nam Thời Luận, báo định kì tam cá nguyệt, số đặc biệt Ðông Xuân năm 1988, xuất bản tại Paris, Pháp). Phan Thị Trọng Tuyến dịch năm 2000. In lai trong Hồ sÆ¡ đệ Tứ tập 3: Nhìn lại 60 năm tranh đấu cho Việt Nam do Nhóm đệ Tứ Việt Nam tại Pháp và Tủ sách Nghiên cứu thá»±c hiện. Mr HOANG 8 rue saint Ambroise 75011 PARIS- FRANCE