trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
16.11.2005
Trần Nguyễn Bảo Anh
Việt Nam đang xây dựng xã hội trong tình trạng không có hệ thống lý thuyết cơ bản
 
Có một điều không thể phủ nhận là một trật tự thế giới mới đã được hình thành và xác lập. Trong điều kiện này, mở cửa và hội nhập là điều bắt buộc để tồn tại và phát triển của tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Toàn cầu hoá là gì? Nó có phản ánh đúng quy luật phát triển của xã hội hay không? Làm sao để nhận diện được đầy đủ điều đó? Làm sao để đi tắt đón đầu? Việt Nam cần phải ứng xử như thế nào với quá khứ, hiện tại và tương lai cả trong nhận thức lẫn hành động cụ thể?... Có quá nhiều những câu hỏi quan trọng và cấp bách cần phải trả lời. Tại sao cấp bách? Bởi Việt Nam đã bỏ lỡ quá nhiều những cơ hội. Với thời điểm và điều kiện thế giới hiện nay, Việt Nam chỉ còn lại một cơ hội mỏng manh để thực hiện mục đích của mình. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ đưa ra những nét chính mà không có ý định phân tích chi tiết cũng như chú thích dẫn giải..

Sau gần 20 năm đổi mới, Việt Nam đã gặt hái được một số những thành quả đáng mừng, từng bước hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Những thành quả bước đầu ấy thực chất là kết quả của việc sửa chữa các sai lầm trong quá khứ và tốc độ phát triển như hiện nay sẽ không kéo dài bao lâu nữa. Những vấn đề nhức nhối không có hướng giải quyết dưới đây chính là rào cản cho sự tiếp tục phát triển của đất nước trong tương lai:

Vấn đề sử dụng và phát triển tài nguyên thiên nhiên. Việt Nam không phải là một nước giàu tài nguyên nhưng trong thời gian qua đã sử dụng một cách bừa bãi nguồn tài nguyên này. Kết quả là sự cạn kiệt tài nguyên, làm mất cân đối nghiêm trọng môi trường sống v.v.

Vấn đề giáo dục đào tạo chất lượng con người. Nội dung, phương pháp giảng dạy và tổ chức xã hội của ngành giáo dục đã không theo kịp xu hướng phát triển chung của thế giới và còn tồn tại nhiều bất hợp lý.

Vấn đề xã hội. Cụ thể là sự không hoàn chỉnh của cấu trúc xã hội, sự bất hợp lý và thiếu hiệu quả của vấn đề tổ chức và điều hành xã hội trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá và tư tưởng.

Những bế tắc nêu trên không có hướng giải quyết bởi Việt Nam đang xây dựng và phát triển trong tình trạng không có hệ thống lý thuyết cơ bản - đây là một vấn đề thực sự mới mẻ và khó khăn trong tình trạng học thuật và lý luận của Việt Nam hiện nay. Việt Nam bắt buộc phải xây dựng một hệ thống lý thuyết cơ bản của mình để hội nhập với thế giới.

Hệ thống lý thuyết cơ bản là gì? Để hiểu được hệ thống lý thuyết cơ bản là gì, dùng Duy vật biện chứng và Duy vật lịch sử, chúng ta sẽ xây dựng lại quá trình hình thành nên xã hội một cách tóm tắt như sau:

Tự nhiên có trước và trong quá trình vận động của nó đã tạo ra điều kiện cần và đủ để sinh ra sự sống và con người. Tự nhiên và sự sống được sắp đặt thành một hệ thống logic cân bằng và hợp lý với nhau.

Con người phát triển chế tạo ra công cụ và phương tiện lao động tác động vào tự nhiên để thoả mãn nhu cầu ngày càng cao của mình. Ngược lại, tự nhiên và lao động tác động trở lại con người, đẩy nhanh quá trình phát triển nhận thức tư duy và năng lực.

Con người phát triển cả về chất cũng như số lượng là điều kiện cần và đủ để sinh ra sự phân công lao động. Sự phân công và chuyên môn hoá lao động đã dẫn đến nhu cầu trao đổi những sản phẩm lao động, làm ra đời công cụ và phương tiện trao đổi. Xã hội được hình thành hoàn chỉnh.


Mối quan hệ giữa tự nhiên, con người và xã hội là mối quan hệ đa phương,hai chiều và cân bằng với nhau.

Sự kết hợp giữa tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên con người (tức hệ thống giá trị nhân bản), công cụ phương tiện lao động-lao động, trao đổi sản phẩm lao động, công cụ và phương tiện trao đổi hình thành nên xã hội. Nhà nước phát triển hoàn chỉnh với chức năng tổ chức quản lý điều hành hệ thống môi trường xã hội.

Xã hội và hệ thống môi trường xã hội bao gồm:

  • Văn hoá, giáo dục và hệ thống môi trường văn hoá, giáo dục
  • Lao động và hệ thống môi trường lao động
  • Thông tin và hệ thống môi trường thông tin
  • Khoa học công nghệ và hệ thống môi trường khoa học công nghệ
  • Trao đổi và hệ thống môi trường trao đổi
  • Giá trị và hệ thống môi trường giá trị
  • Luật pháp và hệ thống môi trường pháp luật
  • Sức khoẻ và hệ thống môi trường y tế v.v.
Tất cả những hệ thống môi trường đó được sắp đặt với nhau theo một cấu trúc nhất định, thống nhất, cân bằng và hội nhập vào nhau. Tuy nhiên xã hội và hệ thống môi trường xã hội phải thoả mãn những điều kiện như:

  • Quan hệ trực tiếp và cân bằng trong mọi mối quan hệ
  • Hệ thống giá trị nhân bản cân bằng và phù hợp với hệ thống môi trường xã hội và ngược lại
  • Cung và cầu
  • Lợi ích cân bằng với giá trị
  • Công cụ phương tiện sản xuất cân bằng với công cụ và phương tiện trao đổi
  • Sở hữu cân bằng với năng lực và lợi ích lao động
  • Kiến trúc thượng tầng cân bằng với cơ sở hạ tầng
  • Quan hệ giữa nhà nước và công dân v.v.
Những nguyên tắc tồn tại, quy luật vận động và phát triển của hệ thống môi trường xã hội sẽ đem lại tự do, dân chủ, công bằng, bình đẳng, hạnh phúc và phát triển thật sự. Hệ thống môi trường xã hội cân bằng và thống nhất nêu trên lại cần được đặt trong một hệ cân bằng và thống nhất lớn hơn, bao trùm, đó là hệ cân bằng và thống nhất trong mối quan hệ đa phương, hai chiều của tự nhiên, con người và xã hội.

Nhận thức, nghiên cứu và lý luận về những vấn đề đó chính là xây dựng và phát triển hệ thống lý thuyết cơ bản, tức Chính trị xã hội học, môn khoa học tổng quát trong đó có Kinh tế chính trị học, và Kinh tế chính trị học phải đặt trong Chính trị xã hội học mới đảm bảo tính khách quan, chính xác, đầy đủ của khoa học.

Những nước công nghiệp phát triển mà điển hình là Nhật Bản, Đức, Mỹ đạt được những thành quả trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội bởi vì họ đã thoả mãn những điều kiện của quá trình hình thành, tồn tại và phát triển xã hội.

Do đó phát triển hệ thống lý thuyết cơ bản hay Chính trị xã hội học là việc làm cực kì hữu ích, cấp bách và bắt buộc của Việt Nam hiện nay. Đây chính là phương tiện cơ bản giúp Việt Nam có thể thoát khỏi tình trạng chậm phát triển như hiện nay, tăng tốc đuổi kịp thế giới.

Thế giới đang mở cửa, Việt Nam cần mạnh dạn bước vào với đầy đủ hành trang cần thiết để đi đến một tương lai mà con người được phát triển tối đa hệ thống giá trị nhân bản. Và hệ thống môi trường xã hội sẽ được phổ cập một cách rộng rãi. Một thế giới đại đồng đang chờ đón Việt Nam.

© 2005 talawas