trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
Loạt bài: Vấn đề chính tả
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21 
21.8.2002
DÅ©ng VÅ©
Trả lời anh Ðoàn Xuân Kiên
về bà i "Thảo luận cùng anh Vũ Dũng"
 
Trước nhất, xin cảm ơn bài tham luận của anh Kiên. Ðối với tôi, tôi không ngại bất cứ cuộc thảo luận bổ ích nào trở thành "cơn bão trong tách trà" như anh ngại. Chúng ta cứ thảo luận theo đúng ý nghĩa của nó. Có vậy mới ra vấn đề. Sau đây tôi xin được phép làm rõ vấn đề thêm lần nữa và trả lời anh.
  1. Như đã biết, kể từ thế kỷ 20 trở đi, tiếng Việt đã dùng mẫu tự Latinh để mô tả "tiếng". Tuy biện pháp này tinh vi hơn cách mô tả tiếng bằng chữ Nôm song không phải là tuyệt đối.
    Vấn đề chính trong việc sử dụng mẫu tự Latinh là không tự chứng minh được tính đồng nhất trong cách đọc và viết, dù người Âu châu vẫn xem đó là phương tiện hữu hiệu dùng để ghi âm. Cùng một chữ "be", người Anh đọc là /bi/, người Ðức đọc là /bê/, người Việt đọc là /be/.


  2. Khi nhận thấy mối quan hệ ngữ âm giữa mẫu tự và cách phát âm chỉ là tương đối (cách phát âm không phản ánh đúng con chữ, cũng như ngược lại), tôi đã chọn giải pháp phân tích từ vựng và ngữ nghĩa để đưa ra các quy tắc thuần chính tả (dành cho ai muốn thế).
    Trong bài viết, anh cho biện pháp dùng kỹ thuật vi tính của tôi là máy móc và anh đã giải thích bằng ngữ âm. Mọi người thừa hiểu chuyện viết "y" và "i" là một đề tài chính tả, thế nhưng muốn biết rõ tại sao có lúc viết "i", có lúc viết "y", thì phải đi tìm nguyên nhân, và tất nhiên ngữ âm là một trong những điều cần được phân tích chính xác chứ không thể kết luận một cách thuần cảm giác theo quán tính xưa nay. Phải nói, đụng đến khía cạnh này, tôi rất cẩn thận. Cho nên một lần nữa bắt buộc tôi phải dùng đến phương tiện phân tích âm bằng kỹ thuật vi tính. Trước khi đưa ra những dữ liệu chính xác, tôi có nói là sẽ gặp vấn đề. Tựu trung, tôi đã làm không khác ý anh.

  3. Theo tôi, dùng "i" như một mẫu tự chính quy nhằm mô tả âm /i/ là đúng, đúng hơn dùng "y". Cũng theo tôi, đã gọi là chính quy thì mẫu tự "i" phải thỏa điều kiện là giữ chức năng chính trong việc mô tả một âm /i/ đồng nhất trong mọi điều kiện. Hãy tạm gọi là âm /i/ nặng.

Theo đúng nguyên tắc, De Rhodes đã coi "i" như một mẫu tự chính quy. Hễ thấy chỗ nào cần mô tả âm /i/ là ông dùng "i", chứ chưa nghĩ tới nặng nhẹ. Ðến một lúc, ông nhận thấy có những trường hợp không thể sử dụng "i" (tiêu biểu là "i" đứng sau cụm nguyên âm, v.d. "ai" khác "ay"), ông phải dùng thêm một mẫu tự phụ nữa là "y" (để mô tả âm /i/ của "ay" chẳng hạn). Dùng "y" để mô tả âm /i/ không có gì sai, nếu người ta quy ước thế. Chỉ có điều hơi mâu thuẫn là đã đóng vai một mẫu tự phụ, "y" lại được dùng để mô tả một âm /i/ cũng nặng như "i" mà đáng lý "i" phải làm công việc này. Ta xem lại những phân tích thêm lần nữa (tóm tắt từ bài trước):

Trường hợp 1: "I" hoặc "y" là nguyên âm duy nhất trong chữ, thì dĩ nhiên /i/ là âm chính. Trường hợp này không xét đến (trivial).

Trường hợp 2: Nếu "i" hoặc "y" đứng trước một cụm nguyên âm, thì không có sự khác biệt.

Trường hợp 3: Nếu "i" hoặc "y" đứng sau một cụm nguyên âm, thì "i" diễn tả âm /i/ với tần số nhỏ, trong khi đó "y" diễn tả âm /i/ với tần số lớn hơn.

Họa đồ trường hợp 2: Ví dụ phát âm "ia" và "yên". (Sở dĩ tôi chọn hai chữ khác nhau vì nếu đọc "iên", "yên", sẽ không phân biệt được, hoặc đọc "tiên", thì lại dính phụ âm "t").

Trong hình, sóng sinus của "ia" nằm bên trái, "yên" nằm bên phải. Ta thấy tần số/biên độ phát âm /i/ của hai sóng (ia, yên) đều lớn hơn so với "a" và "ê". Có thể nói, "i" và "y" đều mô tả /i/ nặng. Ở đây cũng xin lưu ý là, thời gian phát âm "ia" và "yên" hầu như bằng nhau. AÂm /n/ (trong "yên") chiếm một số thời gian làm phần âm tiết /ie/ bị ngắn lại so với /ia/. Ðiều đó không quan trọng, chủ yếu là xem tỉ lệ tần số giữa /i/ và /a/ hoặc giữa /i/ và /e/.




Họa đồ trường hợp 3: Ví dụ phát âm "ai" (bên trái) và "ay" (bên phải).




Như đã nói, khi phát âm chữ "ai", thực chất là phát âm /a/ và /ay/ (hình bên trái). Ðọc "ai", chúng ta cảm thấy nó dài hơn đọc "ay" là vì thế. AÂm /a/ và /ay/ đi sát nhau làm tăng thời gian phát âm /a/. Có thể ký hiệu: /a:i/.

Ðó là trường hợp "ai", còn khi phát âm "ay" (hình bên phải), thực chất là phát âm /ay/ và /i/. Ðể ý kỹ, ta sẽ thấy thời gian phát âm /ay/ ngắn hơn /i/ nhưng tần số của âm /i/ cộng chung lại vẫn cao hơn tần số của âm /a/ (trong ngữ âm học gọi là stressed, được nhấn mạnh). Có thể ký hiệu: /ai:/. (Theo tôi hiểu, đây là điểm "i hai chấm" mà De Rhode muốn nói tới, nay xin làm rõ lại).

Kết quả cho thấy, khi dùng "i" để khép âm tiết thì tần số của âm /i/ bao giờ cũng ngắn hơn, nghĩa là ít được nhấn mạnh hơn so với kết quả dùng "y". Kết quả này không khác những gì anh Kiên đưa ra:
(a) "quy tắc 3: khi âm chính của âm tiết là một nguyên âm ngắn thì chữ quốc ngữ hiện nay đều chọn viết bằng y: rày, rảy, thay, nấy, đứt dey (dây), ley, léy (trong từ điển De Rhodes); (b) "quy tắc" 5: khi âm chính là một nguyên âm dài thì chữ quốc ngữ đều nhất loạt viết i. Ví dụ: bĩi, xơi, ngơi, nuơi, ủi, uoi (voi) (trong từ điển De Rhodes).

Nhưng nên nhớ, đó là trường hợp "y", "i" đứng sau cụm nguyên, còn nếu đứng trước, dùng "y" hoặc "i" gì cũng như nhau: cả hai đều mô tả âm /i/ nặng (s.s. họa đồ trường hợp 2).

(Nhân đây cũng xin lưu ý: nên hiểu ý nghĩa nặng/nhẹ theo yếu tố tần số/biên độ trong ngữ âm học. Tôi tránh dùng khái niệm "trọng âm" của Cao Xuân Hạo vốn muốn ám chỉ, trong một cụm chữ, chữ nào được đọc mạnh thì chữ đó có trọng âm).

Nói tóm lại, đứng trước hoặc sau cụm nguyên âm, "y" đều mô tả âm /i/ nặng, trong khi đó, "i" không phải thế. Ðứng trước cụm nguyên âm, "i" mô tả âm /i/ nặng (giống trường hợp "y"), còn nếu đứng sau, "i" sẽ mô tả một âm /i/ nhẹ. Sự thật này đã chứng minh tính bất đồng nhất của "i" trong việc mô tả âm /i/.

Thực ra, đây là một vấn đề thực dụng mẫu tự Latinh như đã nói. Nhiều ngôn ngữ dùng loại mẫu tự này đều bị vấn đề chứ không riêng gì tiếng Việt. Giả như ngay ban đầu, người ta quy ước "i" mô tả âm /i/ nặng, còn "y" thì âm /i/ nhẹ, thì sẽ không có cái vấn đề phi logic này. Ví dụ, viết "ai" thay vì "ay" (đọc /ai:/), viết "ay" thay vì "ai" (đọc /a:i/).

Riêng đối với tiếng Việt, khi quan sát lối viết "y"/"i", chúng ta thử tự thắc mắc, tại sao lại có hiện tượng viết "y" không thống nhất, ví dụ: "bác sĩ", "bác sỹ", "kĩ sư", "kỹ sư", ... Riêng tôi, tôi có giả thuyết như thế này. Chỉ thuần là giả thuyết, còn anh Kiên hoặc bạn đọc, nếu có thể giải thích thật khoa học, xin chỉ giáo giùm.

Theo tôi, sở dĩ người ta viết "y" là vì xem cách viết này như hình thức nhấn mạnh âm /i/. Tiêu biểu là người Bắc. Người Bắc thường có khuynh hướng dùng âm /i/ khá nặng. Họ viết "dậy" (học) thay vì "dạy", "thầy" thay vì "thày", "cầy" (bừa) thay vì "cày", "giầy" thay vì "giày", v.v.. Cái âm "ay" đã nhanh rồi, "ây" còn nhanh hơn nữa, nghĩa là /i/ còn được nhấn mạnh nữa. Phải chăng, từ đó người ta mới có huynh hướng dùng "y" để làm rõ cái âm /i/ và từ đó mới có cách viết "bác sỹ", "kỹ sư", ... ?

Ðó là trường hợp một chữ chỉ có một nguyên âm duy nhất: "i"/"y". Kế đến là trường hợp "y" đứng đầu cụm nguyên âm: "yên", "yết", "yêu", ... Phải chăng De Rhodes (?) hoặc người Việt không viết "iên", "iết", "iêu" cũng là do tâm lý tin vào khả năng mô tả âm /i/ nặng của "y" ? Dùng "i" thì sợ bị những âm đằng sau át mất. Thế nhưng trên thực tế, "i" hoặc "y" đứng trước cụm nguyên âm đều mô tả âm /i/ giống nhau, nghĩa là cùng tần số/biên độ cao (đã chứng minh). Ðâu có gì mà phải sợ.

Nhưng nếu sợ dùng "i" sẽ bị các phụ âm khác lấn át, tại sao người ta không dùng "y" để viết "byết" mà là "biết"; không viết "vyên" mà là "viên", không viết "thyêu" mà là "thiêu", ... ? Cách viết này mâu thuẫn đối với các trường hợp viết "y" ở đầu chữ: "yên", "yết", "yêu" (không có phụ âm đi trước).

Ai đã từng phân tích sóng âm hẳn phải thấy một điều, phụ âm không trà trộn với nguyên âm mà có một khoảng cách ngừng rất nhỏ giữa hai phần, như thể sóng của phụ âm bị "cúp" một cái xong rồi mới tới sóng của nguyên âm. Biên độ của nguyên âm theo sau sẽ vút lên cao, vẫn lớn như thể không có phụ âm đứng trước. Ví dụ trong trường hợp âm /i/, nó sẽ không bị phụ âm phía trước làm lu mờ mà vẫn rõ ràng. Chúng ta thấy, trên thực tế, trong trường hợp này, người ta đã dùng "i" để mô tả âm /i/ nặng: "biết", "viên", "thiêu", ... bất kể phụ âm phía trước. Có thể nói, phần phụ âm phía trước coi như độc lập đối với phần nguyên âm theo sau. Thế nhưng thử đặt câu hỏi, có hay không có phần phụ âm đứng trước, mẫu tự "i" vẫn mô tả âm /i/ nặng thì tại sao người ta không viết "iết", "iên", "iêu" mà là "yết", "yên", "yêu" ? Ðưa "y" vào đấy làm gì ? Ðể mô tả âm /i/ nặng ?

Lại nữa, tại sao có hiện tượng khi viết "nguyễn", "khuyên", "thuyết", "khuya", ... người ta dùng "y" (nằm bên trong cụm nguyên âm) mà không dùng "i" ? À, ngay đây, tôi lại khám phá ra mấy điểm khá thú vị: Một, /u/ là một âm có biên độ cao, rất dễ lấn át /i/. Có lẽ do vậy mà người ta phải dùng "y" để nhấn mạnh cái âm /i/ cho đừng lẫn lộn giữa /ui/ và /uy/. Người ta nghĩ, "nguyễn" phải đọc là "nguy" rồi "ễn", chứ không phải "ngui" rồi "ễn". Thực ra chẳng có gì mà phải sợ nhầm "nguy" với "ngui", bởi trên thực tế, người ta đọc nhanh đến nỗi không thể phân biệt được giữa "nguyễn" và "nguiễn" (có thể chứng minh được bằng Speech Analyser). Chỉ vì tâm lý sợ mất âm /i/ nặng, người ta mới biểu thị nó bằng "y" thay vì "i": "nguyễn" thay vì "nguiễn", "khuyên" thay vì "khuiên", "thuyết" thay vì "thuiết", ... giống như trong trường hợp không có "u" đứng trước "y": "nghiên", "kiên", "tiên", ...

Phải công nhận, cái lỗ tai của De Rhodes và người Việt khá thính khi nghe âm /i/ nặng/nhẹ. Theo cảm nhận tự nhiên, họ tự quyết định bao giờ dùng "y", "i". Chỉ có điều, qua phân tích sóng âm, chưa chắc họ đã hoàn toàn có lý. Thực sự là như thế. Hơn thế nữa, cái dụng năng miêu tả âm tiết của mẫu tự Latinh từ lâu đã có vấn đề thì làm sao có thể dựa trên cái đó mà xây dựng được cái đúng. Thử nhìn vào vấn đề dùng mẫu tự Latinh trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence) mà các đồ án nghiên cứu chuyên về nhận diện ngôn ngữ con người đã từng gặp (v.d. dịch tiếng nói sang dạng chữ viết cho Editor, điều khiển Robot bằng tiếng người và ghi lại/truyền thông bằng dạng văn bản (text), ...).

Ta biết, tiếng nói là âm. Mỗi âm là một sóng. Mỗi sóng có thể được mô tả bằng một hàm số hàm lượng giác (sinus chẳng hạn). Ðối với máy tính, đây là một hàm rất phức tạp. Muốn mô tả hoặc cất giữ nó, ta phải cần rất nhiều chỗ nhớ (memory). Ví dụ, giữ dưới dạng WAV-file. Chỉ cần đọc "ai", "ây" như trên là đã tốn 2-3 MByte rồi. Còn nếu ghi lại dưới dạng văn bản, nghĩa là ở dạng ký tự (character), ta chỉ tốn 5 Bytes (ASCII-8 Bits). Rõ ràng là có một sự khác biệt khủng khiếp về dung lượng. Bằng những kỹ thuật nhất định, người ta có thể mô tả một sóng với cả mấy trăm KByte bằng dạng ASCII mà chỉ tốn 1-2Bytes.

Cụ thể: mô tả sóng âm /i/ có tần số cao hoặc thấp bằng một ký tự nhất định. Giả sử "y" không có khả năng mô tả /i/ với tần số thấp mà là "i". Ngay đây sẽ gặp vấn đề. Chẳng hạn ứng dụng cho tiếng Việt: đọc "ai", "ây", "yêu", "tiên". Gặp trường hợp "y" đứng sau cụm nguyên âm (/i/ có tần số cao), máy dịch đúng là "ây". Gặp trường hợp "i" đứng sau cụm nguyên âm (/i/ có tần số thấp), máy dịch đúng là "ai". Gặp trường hợp "y" đứng trước cụm nguyên âm (/i/ có tần số/biên độ cao), máy dịch đúng là "yên". Gặp trường hợp "i" đứng trước cụm nguyên âm (/i/ có tần số/biên độ cao), máy dịch thành "tyên". Sai mất ! Hoặc lúng túng không biết dịch thế nào. Thử tưởng tượng, còn biết bao nhiêu trường hợp chữ chứa "i"/"y" sẽ gặp vấn đề như vậy nữa.

Tóm lược:
  1. "Y" và "i" đều có thể được dùng để mở/khép âm tiết (chứ không hẳn chỉ để khép như nhận định của anh Kiên). Vài trường hợp mở âm tiết của "y": "yên", "yêu", ... hoặc "i": "ỉa", "chết ỉu", ...
  2. Cách dùng "i"/"y" trong chữ Việt rõ ràng có vấn đề giữa cách phát âm và cách viết. "Y" bao giờ cũng mô tả âm /i/ nặng (có tần số/biên độ cao). "I" mô tả âm /i/ nhẹ (có tần số/biên độ thấp) nếu đứng sau cụm phụ âm. Ngược lại, "i" giống như "y", nếu đứng trước cụm phụ âm.

Nếu "i"/"y" đứng một mình hoặc nằm trong một chữ chỉ có một nguyên âm duy nhất là "i"/"y", thì âm /i/ vẫn nặng gần như trường hợp có (cụm) nguyên âm khác theo sau.

Từ đó có thể kết luận rằng, chỉ có một khác biệt duy nhất giữa "y" và "i" là cách mô tả âm /i/ nặng hoặc nhẹ sau một cụm nguyên âm. Ở những chỗ khác không có sự khác biệt. Vì lẽ ấy, chắc chắn sẽ có người đặt câu hỏi, tại sao phải dùng "y" ?

Tôi đã chứng minh cách phiên âm chữ Việt thì không đồng nhất. Song nên nhớ một điều, De Rhodes chỉ là một người sử dụng mẫu tự Latinh để phiên âm tiếng Việt theo lối ghi âm của tiếng Ý, tiếng Bồ, chứ ông không trực tiếp gây ra lỗi lầm. Chính tính thực dụng mẫu tự Latinh một cách bất nhất quán mới là tác nhân. Trong đó, sự thiếu chính xác của cảm xúc là một tham tố đã làm sai chệch hệ thống ngữ âm, khiến mẫu tự Latinh không còn có thể tự biện minh được khả năng phiên âm hoàn hảo của mình.

Giải pháp: Theo nhận xét của tôi về cách viết "y"/"i" trong chữ Việt, xưa nay chỉ có một mục đích duy nhất mà người ta thường hướng tới là làm sao viết cho thống nhất, bất kể sai hay đúng. Cải thiện một cách triệt để thì rất khó. Không thể sửa được cái phi lý của lịch sử thì bất kỳ biện pháp triệt để nào cũng đều không thực tế. Ngược lại, chọn nguyên tắc "đã sai thì sai cho thống nhất" thì rất dễ. Dù tự nó đã phản lại tinh thần cải thiện nhưng người ta vẫn dễ dàng chấp nhận. Tuy vậy, tôi cứ đưa ra mọi biện pháp dành cho ai có quan tâm, tùy người ngẫm nghiệm, lựa chọn; còn tôi, tôi vẫn giữ quan điểm của mình.
  1. Theo cách ghi âm của De Rhodes, nếu một chữ chỉ chứa một nguyên âm duy nhất là /i/, thì viết "i" cho thống nhất, dù "i" không có khả năng mô tả một âm /i/ đồng nhất. V.d.: đổi "y" (hắn) thành "i", "kỹ sư" thành "kĩ sư", "ca sỹ" thành "ca sĩ", "Khánh Ly" thành "Khánh Li". Hoặc:


  2. Vì "y" là một nguyên âm có khả năng mô tả /i/ đồng nhất, cho nên, nếu một chữ chỉ chứa một nguyên âm duy nhất là /i/, thì viết "y" cho thống nhất. Hoặc:


  3. Chỉ dùng "y" trong trường hợp đứng sau cụm nguyên âm (khép âm tiết). Mấy chỗ khác hoặc không dùng hoặc sửa lại: "y" thành "i". Hoặc:


  4. Tổng quát nữa, nếu xem "i" là mẫu tự chính quy nhằm mô tả âm /i/ nặng, còn "y" thì nhẹ, thì nên hoán vị những trường hợp dùng "y" sang "i" và ngược lại. Ðây là quy tắc đồng nhất và logic nhất, nhưng chắc chắn sẽ bị mọi người phản đối; người phản đối trước tiên và kịch liệt nhất là người mang tên "Thúy".
Thực ra xưa nay người ta thường tranh cãi về trường hợp một chữ chỉ chứa một nguyên âm duy nhất là /i/ và muốn chọn một giải pháp chuẩn hóa cách viết. Ở những trường hợp khác, ít ai dám thay đổi, có lẽ chỉ trừ các ông bà nhà văn, nhà thơ thích biến đổi con chữ cho lạ mắt. Giả sử vậy thì cũng nên trang bị một chút kiến thức ngôn ngữ học và nên có luật lệ để hệ thống chữ viết tiếng Việt đừng bị lộn xộn thêm.

Xét cho cùng, tuy có vài điểm bất ổn, nhưng hệ thống viết "y"/"i" vẫn chưa đến nỗi nằm ngoài vòng kiểm soát như ở trường hợp "gi", "d". Ðã vậy còn có ý kiến muốn đưa thêm "z" vào. Càng chết nữa. Tôi sẽ nói về vấn đề này ở bài sau.

Stuttgart, 10.08.2002

PS.: Biết Talawas khó đăng những bài viết có dung lượng lớn, tôi phải hạn chế phần dẫn chứng bằng BMP-files, WAV-file. Nếu anh Kiên cần dữ liệu để nghiên cứu, xin liên lạc với tôi về địa chỉ: DungVu@web.de hoặc Tien-Dung.Vu@siemens.com , tôi sẽ gửi cho anh. Một lần nữa xin cảm ơn anh.