trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
talaFemina
  1 - 20 / 43 bài
  1 - 20 / 43 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộitalaFemina
18.11.2005
Marina Mai
Chị em nhà chồng tôi ở Việt Nam
Phạm Việt Vinh dịch
 
Tối chủ nhật. Mai và cô em tên là Bình phải vất vả khá lâu với chồng bát đĩa rếch. Những giờ phút cuối cùng của ngày nghỉ duy nhất trong tuần này là lúc đám phụ nữ có thể tán chuyện một cách thoải mái. Còn lại cả tuần, họ làm việc hầu như chẳng có lúc ngơi tay.

Bình, cô em, đang lo dạy nói cho đứa con trai vừa tròn 2 tuổi. Cô nhớ lại cái hồi mới lên 4 đã phải bám theo bà chị 14 tuổi ra đồng. Mai, cô chị, lớn lên trong thời chiến tranh chống Mỹ. Mới 5 tuổi cô đã phải ngồi đạp máy may, mỗi ngày mấy tiếng. Sau này, hết giờ học là giờ trông mấy đứa em. Trường lớp, đối với cô, sau lớp 6 là kết thúc.

Sau lúc rửa bát, thì buổi quần tụ gia đình cũng tan. Mai và Bình đến ăn cơm cùng với mẹ; bà sống cùng với một người anh trai của họ tại ngôi nhà thời thơ ấu của hai chị em, ở ngoại thành Hà Nội. Sau những giờ nghỉ ngơi ít ỏi của ngày chủ nhật, họ lại ai về nhà nấy. Bình, 29 tuổi, lắc lư trên ghế sau chiếc xe máy. Ngồi kẹp giữa cô và người chồng là cậu con trai. Họ đi về nhà, một căn nhà riêng cách đấy 3 cây số. Mai, lớn hơn Bình 10 tuổi, thì đi bộ cùng với chồng và mấy đứa con trai về một căn nhà rách rát. Họ không có xe máy, mà đường về nhà cũng không xa.


Những người đạo đức

Căn nhà có 2 buồng; đó là nơi trú ngụ của vợ chồng Bình, mấy đứa con trai, cùng với bố mẹ chồng và một cô em chồng còn độc thân. Nhà không có chỗ để bầy ghế, nên ban ngày cả nhà phải ngồi trên một chiếc giường trải chiếu mỏng. Cửa sổ không có kính, nên gió mùa đông cứ tự do rú rít. Bù vào đó, mùa hè lúc nào cũng có gió mát. Một vòi nước duy nhất nằm ở ngoài sân; còn nhà vệ sinh thì là một cái lỗ, cũng ở trên sân, và được che bằng một tấm ván. Sự khởi sắc kinh tế tại Việt Nam vẫn còn ít ỏi vào những năm 90, nhưng cũng có mặt nơi đây: từ 3 năm nay, Mai đã sắm một chiếc tủ lạnh, và từ mùa hè năm ngoái, nhà cô đã mắc điện thoại.

Dù gia cảnh nghèo, nhưng tại cái xã Yên Kỳ [1] ở ven Hà Nội này, Mai là một phụ nữ được kính trọng: Cô làm ở Ủy ban xã, phụ trách vấn đề giáo dục. Ai đăng ký cho con đi học, hay nộp lệ phí trường học hàng tháng, là phải đến văn phòng của Mai. Người phụ nữ 39 tuổi này được tiếng là nguyên tắc và đức hạnh, có khả năng gánh vác các việc nặng nhọc với danh dự, sức lực, sự khéo léo và tôn trọng truyền thống. Người trong xã biết là Mai phải nuôi bố chồng là một thương binh. Cả chồng Mai cũng được làng xã kính trọng, mặc dù anh rất vụng về và thường đãng trí trong những việc quan trọng: anh là bí thư Ðảng ủy, và vì thế, chịu trách nhiệm về đường lối của Yên Kỳ. Nhiệm vụ của anh là duyệt xét việc thăm viếng của các gia đình, lo chỗ ăn ngủ cho khách nước ngoài. Anh cho dán khẩu hiệu lên các bản thông tin của xã, giám sát để cho các gia đình không đẻ quá 2 con như quy định từ 10 năm nay của chính phủ, và anh cũng có mối quan hệ khá tốt với một số quan chức ở Hà Nội để có lúc giúp ích cho ai đó trong xã. Lương tháng của Mai là 46 đô-la, còn lương của chồng là 60 đô-la. Ở Việt Nam, thu nhập từ 120 đô-la mỗi tháng được coi là khá cao. Là nhân viên nhà nước nên vợ chồng Mai chẳng được nhiều lợi lộc từ sự bùng phát kinh tế vào những năm 90 tại cái quốc gia vùng Ðông Nam Á này. Trong khi từ năm 1991 đến 1999, mức tăng trưởng kinh tế đạt từ 7 đến 11 phần trăm, với một chút may mắn trong kinh doanh tư nhân là người ta có thể làm giàu nhanh chóng, thì lương viên chức nhà nước chỉ được tăng gấp đôi một lần vào năm 1996: Nó là sự đối phó với một thực trạng là ngày càng có nhiều viên chức có khả năng chuyển sang làm cho các hãng tư, hoặc là phải đảm bảo cuộc sống gia đình bằng nguồn thu hối lộ.

Trong những năm gần đây, tình trạng tham nhũng đã đạt đến độ chóng mặt, tới mức vấn nạn tham nhũng đã trở thành đề tài được nói tới nhiều nhất, và Ðảng Cộng sản độc quyền lãnh đạo đã phải phát động một chiến dịch chống tham nhũng, với kết quả là những nhân vật nổi tiếng như một Phó Thủ tướng và vài đại biểu Quốc hội đã bị giáng chức. Trong 5 năm vừa qua, 41 vị lãnh đạo, viên chức nhà nước và giám đốc công ty thậm chí đã bị tử hình vì tội tham nhũng.

Mặc dù lương của Mai đã tăng gấp đôi từ năm 1996, nó vẫn còn kém xa so với khu vực kinh tế tư nhân. Nhưng, đó là một thu nhập chắc chắn. Từ 2 năm nay, cô em chồng sống cùng trong nhà không hề có thu nhập. Cô là công nhân trong một xí nghiệp làm pháo, nhưng đã bị mất việc. Ðó là vào thời điểm khủng hoảng ở Châu Á.


Những người thành đạt

Ðịa vị của Bình, em Mai, được xây dựng theo một cách thức khác. Bình được coi là một người phụ nữ mang thành quả của thế giới văn minh vào văn hóa truyền thống Việt Nam: tốt nghiệp Ðại học Y khoa, cô là người đầu tiên trong nhà học xong phổ thông và đỗ vào đại học. Cô là trưởng phòng của một công ty bào chế dược liệu của Mỹ. Dân xã Yên Kỳ chấp nhận việc Bình không theo một số lề thói truyền thống, vì cô thu nhập những 270 đô-la một tháng. Ðó là đồng lương có thể bịt miệng mọi nghĩa vụ truyền thống.

Không như những bà mẹ chồng Việt Nam khác coi đó là bằng chứng của sự kính trọng, mẹ chồng của Bình không bao giờ đòi hỏi cô phải làm việc gia đình. Ngược lại, sau khi Bình sinh con được 4 tháng, bà đã bỏ nghề giáo viên với đồng lương bèo bọt để ở nhà trông cháu. Và, để mẹ chồng khỏi phải ngập đầu trong đống việc nhà, Bình đã sắm một chiếc máy giặt. Chiếc máy này cũng làm cho Bình đỡ day dứt lương tâm trước mẹ chồng: Vì, ở Việt Nam, người phụ nữ có đức bao giờ cũng phải tự giặt quần áo của mình. Chỉ đối với những người phụ nữ ở nấc thang xã hội thấp nhất, người ta mới dám dùng tiền để thuê giặt giũ quần áo bẩn, là những thứ che đậy thân thể người khác. Theo nguyên tắc xã hội tôn trọng người cao tuổi, trong gia đình, bố mẹ chồng bao giờ cũng đứng trên con trai và con dâu. Bình biết ơn sự rộng lượng của mẹ chồng, và chấp nhận những lời đàm tiếu trong xã nói xấu bà đã làm hộ việc con dâu. Hơn nữa, bà còn cho gia đình Bình ra ở riêng, chứ không bắt họ phải sống cùng trong nhà với bố mẹ chồng và mấy cô em chồng như truyền thống xưa nay. "Không có gì quý hơn độc lập, tự do!", câu nói này của ông Hồ Chí Minh đã được cô trưởng phòng Bình giải nghĩa theo kiểu riêng: khi đi làm về nhà mệt mỏi, cô muốn được yên tĩnh, chứ không bị ràng buộc bởi những nghĩa vụ truyền thống đối với công việc nội trợ trong một gia đình ba thế hệ như khi còn ở nhà bố mẹ chồng. Nghĩa vụ này, vào mấy năm đầu sau khi cưới, đã làm cho Bình nhiều khi chẳng kịp ăn tối. Ở hãng bào chế dược phẩm, Bình phải làm việc 11 tiếng mỗi ngày, và 6 ngày trong 1 tuần. Và, sau 11 tiếng đó, cô còn phải mỉm cười. Chuyện này chỉ có thể kết thúc khi cô có một nơi ở riêng.

Nhà của Bình gồm 2 tầng, có ống dẫn nước riêng, và cửa sổ có lắp kính. Quạt gió mát cho căn nhà là nhiệm vụ của mấy chiếc quạt điện. Cậu con trai 2 tuổi của Bình chỉ được nhìn thấy mẹ vào lúc sáng sớm, và vào ngày chủ nhật. Bố nó đang xây cho nó một phòng riêng. Chồng Bình đã học triết ở Mạc Tư Khoa, về nước năm 1992 nhưng không có chỗ làm việc. Vậy là anh học thêm nghề điện. Cho đến cách đây 2 năm, nhờ khéo tay và sự bùng phát của ngành xây dựng, anh cũng kiếm được khá nhiều tiền. Giờ đây, vì ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Châu Á, do bị bắt buộc mà anh lại có nhiều thời gian để sửa sang cho xong ngôi nhà riêng.


Chiến thắng muộn màng

Lúc đầu, công việc của Bình cũng chẳng mấy may mắn. Lúc sắp kết thúc 7 năm học ngành Y, cô chưa nhìn ra cơ may cho mình trên thị trường lao động. Bình tốt nghiệp phổ thông, vào trường đại học ở cái thời mà việc học hành không phụ thuộc vào túi tiền của gia đình. Khác với học sinh, sinh viên ngày nay, Bình không phải đóng lệ phí nhà trường hay lệ phí đào tạo. Ngay cả chỗ làm sau khi học cũng sẽ được giới thiệu chẳng mất tiền, người ta bảo cô như vậy. Nhưng khi cô tốt nghiệp trường Y vào năm 1993, thì sự việc hoàn toàn khắc. Muốn có một phòng mạch thì phải có ai đó cho cô quyền thừa kế. Mà trong nhà Bình thì chẳng có ai làm nghề bác sỹ. Còn để có chân làm trong một bệnh viện nào đó thì gia đình cô hoàn toàn không có những mối quan hệ cần thiết. Ðến mức, Bình đã nghĩ đến nước tìm vận hội ở Châu Âu. Một người anh họ khá giả sống ở Thành phố Hồ Chí Minh nhận trợ giúp Bình tiền bạc. Nhưng anh chỉ còn 1700 đô-la, một số tiền quá ít cho chuyến mạo hiểm Châu Âu. Khi Bình còn đang tìm nguồn vay tiền, thì bất ngờ, một hãng dược của Hà Lan mở chi nhánh tại Hà Nội. Phải có một chiếc xe máy riêng để làm vốn xuất phát cho công việc của một bác sĩ mới ra trường với chức năng là người giới thiệu dược phẩm. Số tiền 1700 đô-la đủ để mua một chiếc xe máy, và để chi cho một khóa học tiếng Anh. Bình được nhận việc với lương khởi điểm 120 đô-la, mức lương cao của thời điểm 1992.

Sau đó là sự thăng tiến vù vù. Năm 1994, Mỹ bỏ cấm vận, một hãng dược của Mỹ tuyển Bình với mức lương 200 đô-la. Trước đây một năm rưỡi, sau khi nghỉ sinh con 4 tháng, đi làm lại, Bình được bổ nhiệm chức trưởng phòng.

Mỗi tuần Bình đảo qua thăm Mai, cô chị, ở căn nhà rách nát hai lần, trước hết là để cấp thuốc cho ông bố chồng ốm nặng. Không ai trong gia đình họ phiền lòng về chuyện Bình đang làm việc cho một công ty của một nước đã có thời là kẻ thù chiến tuyến. Ðối với nhiều người, sự mở cửa của kinh tế Việt Nam đồng nghĩa với một mức sống cao hơn, hay ít ra cũng là một niềm hy vọng như vậy. Còn Mai thì lại có nỗi lo khác: Cô sợ là sự cắt đứt của cô em đối với những quan niệm Khổng giáo truyền thống sẽ lây sang những đứa con của cô. Ðứa con trai lớn đang bắt cô phải tổ chức cho nó lễ sinh nhật 14 tuổi, và đòi dì Bình sẽ phải làm lễ sinh nhật đầy năm cho con của dì thật linh đình. Như yêu cầu tôn kính người già và tổ tiên, Mai chỉ chăm lo cho các ngày giỗ, và cô không tổ chức lễ sinh nhật cho những người đang còn sống.



[1]Địa danh do Tòa soạn thay đổi
Nguồn: Nguyên bản tiếng Đức đăng trên Tuần báo WOZ, Thụy SÄ©, bản tiếng Việt được đọc trong Vietnam Kongress 2005, Berlin 16.10.2005)