trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
22.11.2005
Dương Tường
World cup hay nạn “Tây bồi”
 
Từ world cup xâm nhập tiếng ta từ năm 1994, khi giải vô địch bóng đá thế giới được tổ chức tại Mỹ và từ đó đến nay nghiễm nhiên chiếm chỗ của từ cúp thế giới trên các phương tiện truyền thông của ta. Thật vậy, giờ đây trên báo chí cũng như đài phát thanh và truyền hình, khi nói đến giải vô địch bóng đá thế giới, người ta hầu như không dùng từ cúp thế giới mà chỉ toàn là world cup, world cup, world cup. Ðiều tương tự đã xảy ra với từ mundial trong những năm 1980 và đầu 1990. Báo chí ta có cái tật dùng chữ theo quán tính, hễ quen với từ nào là cứ thế xài suốt. Giải vô địch bóng đá thế giới, khi được tổ chức ở nước nào, thì dùng tiếng nước đó để gọi vì sự tôn trọng nước chủ nhà, thí dụ: năm 1982 tổ chức ở Tây Ban Nha thì gọi là Mundial 1982 hay Espana 1982; năm 1986 ở Mêxico thì gọi là Mundial 1986 (Mêxico cũng là nước nói tiếng Tây Ban Nha) hay Mexico 1986; năm 1990 ở Italia thì gọi là Mondiale 1990 hay Italia 1990; năm 1994 ở Mỹ thì gọi là World Cup 1994 hay U.S.A 1994. Suốt từ năm 1982 đến 1994 theo cái trớn từ Espana 1982 qua Mexico 1986, các báo hễ nói đến cúp bóng đá thế giới là cứ “Mundial” mà “phang”, kể cả khi nước đăng cai là Italia (nói có sách, mách có chứng, xin giở lại báo chí thời đó mà coi). Rồi đến U.S.A. 1994, xuất hiện từ world cup, thay thế ngôi độc tôn của từ mundial cho đến nay.

Tôi tuyệt đối không phải là người thuần tuý chủ nghĩa, bài trừ việc dùng tiếng nước ngoài, mà, trái lại, luôn ủng hộ xu hướng hội nhập những từ quốc tế thông dụng để làm giàu cho tiếng ta. Nhưng hiện tượng lạm dụng từ world cup đến độ gần như xoá bỏ hẳn từ mẹ đẻ như đã nói ở trên, mà không cần biết nguyên do tại sao người ta dùng từ ấy, tôi cho là vô lối và kệch cỡm, thậm chí, nói cách nào đó, đáng khép vào “trọng hình” như Dante xưa đã bỏ địa ngục một nhà văn phạm tội “bất hiếu với tiếng mẹ đẻ”. Hãy thử lắng nghe các phát thanh viên các đài phát thanh và truyền hình của ta từ trung ương đến địa phương trẹo miệng phát âm cái từ tiếng Anh đó mà coi: “uơ cúp”, “uơ cắp”, “quơ cớp”... đủ kiểu, nhưng rất hiếm khi đọc chuẩn, tóm lại là... hơi bị “bồi”, trong khi đó, ba tiếng “cúp thế giới” đơn giản, gọn tiện thì không chịu dùng. Phải chăng đây là cái thói sính dùng tiếng “Tây bồi” đang gần như trở thành một thứ dịch bệnh. Tôi thấy nhiều cô, cậu một chữ Tây bẻ đôi không biết, nhưng hễ gặp nhau là “He-lô” (nhiều khi là “He-nô”) rối rít. Cái bơm tiêm, không ít người, kể cả một số y tá, gọi là “xi-lanh” (từ tiếng Pháp cylindre nghĩa là hình ống, hình trụ, khác hẳn seringue là bơm tiêm). Tấm nệm trải giường, tiếng Pháp là drap, lắm người cứ gọi là “ga”, thậm chí tại một cuộc triển lãm, tôi đã thấy một bức tranh ghi đầu đề là: Khoả thân trên ga, khiến đa số người xem nghĩ là khoả thân trên sân ga xe lửa? Không biết từ khi nào người ta đã quen dùng rất phổ biến cái từ “mô-đen”1 theo nghĩa: hiện đại - hễ thấy cái gì có vẻ tân kỳ là xuýt xoa: “Mô-đen quá!” Cách đây vài tháng khi vở kịch múa Ðêm không lời được công diễn ở Nhà hát thành phố Hà Nội, người ta đã viết rất to trên băng quảng cáo và in rất rõ trên tờ chương trình: Model ballet! Những lỗi kể trên tuy phổ biến, nhưng là của những người bình thường. Còn đây là của một nhà văn rất nổi tiếng: trong một truyện ngắn đăng trên một số Xuân của báo “Người Cao Tuổi” viết dưới hình thức một bức thư tâm sự rất nghiêm túc, tác giả nói trên đã đặt vào miệng nhân vật chính của mình câu tiếng Pháp như thế này: “Pour avoir amour, on doit aventure quelque chose” và không quên dịch sang tiếng Việt ở câu tiếp theo: “Muốn có tình yêu, người ta phải mạo hiểm tí chút”. Xin thề đây không phải chuyện cười!

Hôm vừa rồi, một người bạn, thấy tôi phàn nàn về hiện tượng tiếng “Tây bồi”, đã thân ái phê bình tôi như thế này: “Ông buồn cười thật? Ngay đến tiếng ta cũng đầy những hiện tượng “bồi” nữa là tiếng tây. Ông có xem cái phim Lời thề Hypôcrát trên truyền hình không? Trong phim, một ông có vợ bị chết khi ở cữ do sự vô trách nhiệm của bác sĩ phụ trách, song vì ân nghĩa trước kia, ông ta đã tự nguyện làm đơn xin miễn tố. Thế nhưng tất cả các nhân vật trong phim - toàn là giáo sư, viện trưởng, bác sĩ, có nghĩa là trí thức cao cấp cả - khi nhắc đến lá đơn ấy thuần gọi là “đơn bãi miễn”! Mà như thế hàng chục lần, toàn từ miệng các vị trí thức ấy cả? Tôi hiểu ông có lý khi phát tín hiệu S.O.S. tiếng Việt. Nhưng nào có ai nghe ông đâu, ông buồn cười thật đấy!”.

12/2002

Nguồn: DÆ°Æ¡ng Tường, Chỉ tại con chích choè, tạp luận, Nhà xuất bản Há»™i Nhà văn, Hà Ná»™i 2005, tr. 186-189. Bản đăng trên talawas vá»›i sá»± đồng ý của tác giả.