1.
Tố giác, vạch trần, quả quyết, khẳng định, kết án, kêu gọi - lấy những cái đó làm lập luận; lại lấy các thán từ và câu cảm thán, mỹ từ và những câu chữ ngoa ngoắt báng bổ hay rủa xả, ca tụng, dùng những phép so sánh tuyệt đối hóa (...) làm phương cách diễn đạt, bài “
Về một nhà văn bị bóng đè” của Nguyễn Văn Lục (talawas, 21.11.2005) thật rõ là đã theo đòi một kiểu từ chương hùng biện. Văn hùng biện kiểu này khiến người ta nghĩ đến một diễn văn chính khách hay bài phát biểu trước nghị viện, trước một cuộc hội nghị đảng phái, trước một cuộc mít tinh ở một góc công viên hay quảng trường nào đó, để công kích một đối thủ chính trị, để công kích một chính sách này nhằm đề cao quảng bá cho một chính sách/ cương lĩnh kia v.v… Tóm lại là quyết không thể tầm thường, không bao giờ mà lại không tự động xác lập một vị thế sáng suốt mạnh bạo “ăn trên ngồi trốc”, “hướng dẫn dư luận”. Chữ “Về...” ở tựa đề bài viết nêu trên là một dấu vết rất thú vị. Ðó là chữ “Về” viết hoa, đứng đầu một ngữ đoạn thật súc tích nhằm vào đối tượng (từ ngữ) thường là thuật ngữ về một phạm trù, một hiện tượng to lớn. Chữ “Về” đó chứng tỏ “mũ cao áo dài” vì nó hàm ngụ hành động “bàn về...” của một “chủ nhân ông” mà “nếu không nói ra thì ai cũng biết”! Cái kiểu tựa đề này, ở đâu thì không biết thế nào chứ ở đây đã có một thời thịnh hành mà “đằng sau...” (chữ trong bài “Về một nhà văn bị
bóng đè”) chúng lấp ló những khuôn mẫu lừng danh “Bàn về thực tiễn”, “Bàn về mâu thuẫn” (của cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Ðông)... Cái lối nghĩ ăn theo cái bóng “đằng sau…” ấy, trong một chữ “Về…” đặc trưng, là một chuyện cũng đã lâu lắm rồi, bây giờ thấy thế này mà nhắc lại kể cũng nhiêu khê. Nhưng cái ngữ cảnh “bàn về...” là hoàn toàn có thật. Chỉ hiềm nỗi nó đã tha hóa so với cái nguồn gốc sinh ra nó. Nó không có tư tưởng gì là thật sự, mà chỉ “theo voi ăn bã mía”. Nó thường không có lập luận gì là thật sự, mà thường chỉ chắp nối vặt vãnh một số đoạn logic hình thức (mà cũng không đầy đủ về hình thức). Và nó cũng thường giấu ở “đằng sau...” ngôn luận của nó một “bồ dao găm” đạo đức mà không phải đạo đức gì thực sự, thường chỉ là đạo đức kiểu philixtanh, đạo đức “của bè biệt phái và luật sĩ” từ thời Giêsu Nazarét đã được gọi là “đạo đức giả hình”.
2.
Cái lối hùng biện xã luận nói trên bao giờ cũng có hàm ý đạo đức. Trước hết bởi vì từ chương hùng biện không ăn nhập với luận lý có tính khoa học khách quan hay tính suy ngẫm băn khoăn triết lý. Cái lối hùng biện đó tự nó bao giờ cũng đòi hỏi “chân lý” đứng về phía mình cái đã. Mà chân lý thì ngày nay đã được xác định không phải là một lĩnh vực thuộc về /gắn với khoa học. Chân lý đòi hỏi phải có niềm tin, do đó người ta bảo nên để cho các niềm tin nắm giữ lấy chân lý của mình. Còn cái lối hùng biện đòi chân lý để ném đá xử tội nhân thường chỉ là một kiểu mượn áo thầy tu, cho nên để có vẻ “chân lý” thì phải mượn đường “đạo đức”. Cách làm này thực sự là khá đơn giản: để tôi xem động cơ hành động của anh là gì, tôi sẽ bảo cho mà biết anh là ai. Cái môn luân lý qui mọi đúng sai về động cơ hành động, từ đời cụ Khổng Tử san định ra, nay vẫn lưu hành như một tư duy phổ quát. Nhưng việc theo đòi cái môn luân lý ấy nhiều khi chỉ làm cho nó tha hóa suy đồi, bởi việc xác minh một động cơ hành động đòi hỏi ít nhất phải thành thạo về tâm lý học, và đến lượt nó thì tâm lý học lại đòi hỏi tính khoa học khách quan, luận lý nghiêm túc chặt chẽ, chứ không cần đến những quả quyết hùng hồn về câu chữ, những bức xúc cảm thông sồn sồn trên thái độ hành ngôn. Kiểu mượn đường đạo đức như vậy thường vẫn làm tổn hại ngay chính cái lối từ chương hùng biện vốn dĩ thật sự hùng hồn sắc bén từ miệng các nhà thuyết khách hay nhà chính trị tài giỏi. Bởi hùng biện thật sự thì không phải bạ cái gì cũng biện, cho hùng cho hồn. Với một cái đề tài tầm thường, không có thực chất, lại muốn hùng biện thì thường là “việc bé xé thành to”, ngụy tạo các tình huống và các mối liên hệ liên kết, tận dụng các kỹ xảo viết lách và lạm dụng các từ ngữ to lớn bóng bẩy trang trọng. Rồi thì ngầm qui tất cả về đạo đức. Bởi vì đạo đức ở đây coi như một cái nhà ga đường sắt, vô số người đông đúc khác nhau nhưng ai ai thì cũng phải lên tàu, đi đến ga nào khác tính sau. Thế mà người viết lại vừa bán vé vừa soát vé: đó thật là “Bắt phong trần phải phong trần. Cho thanh cao mới được phần thanh cao”.
3.
Cái lối hùng biện đạo đức giả ấy xem thế mà kinh. Bởi vì có khi người ta nghe thấy “mùi” đạo đức ấy đã sợ vãi cả linh hồn. Không phải sợ đạo đức, vì ai mà chả có đạo đức (nếu không thế thì còn gì là đạo đức). Mà là sợ cái (người) “đằng sau...” cái đạo đức ấy hay là cái đạo đức “đằng sau...” cái (người) ấy. Bởi vì việc “cầm cân” nhưng không “nảy mực” mà “cầm cân” để bán lẻ đạo đức thì cầm chắc có chuyện cân điêu bán thiếu. Mà đã thế thì luôn cần phải cho thấy mình nghiêng hết, dốc hết vào tất cả những gì gần xa liên quan động chạm đến cái đạo đức mà mình mặc nhiên cho mình nắm ấy.
Ðấy là cảm tưởng đầu tiên và bao trùm khi tôi đọc cái bài “Về…” nêu trên. Nó khiến tôi nhớ đến câu châm ngôn “Nhất biên đảo” thời Cách mạng Văn hoá bên Trung Quốc: “Nhảy hết sang một phía”!
Có phải đấy là cái tư duy “bàn về...” lại lên tiếng nữa không đây?! Nếu thế thì tôi không đi khiếu nại nữa. Tôi định đi khiếu nại Nguyễn Văn Lục vu cáo tôi viết bài phê bình văn chương là do có “ai” ở “đằng sau...”. Vì tôi biết chắc trong số rất ít người biết ở “đằng sau...” tôi là “ai” thì không có cái tên Nguyễn Văn Lục nào cả.
© 2005 talawas