trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Pháp luật
  1 - 20 / 28 bài
  1 - 20 / 28 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiPháp luật
30.11.2005
Lê Tuấn Huy
Nguyễn Tường Vân và Tình người
 
Đến khi đọc bản tin mới nhất sáng hôm nay, “Án tử hình gây chia rẽ Singapore”, tôi không thể nào kiềm chế được nữa - một sự kiềm chế khiến tôi cắn rứt lương tâm - phải tranh thủ viết, trong thời gian quá bận bịu này.

Hôm 25.11, báo Tuổi Trẻ dành góc chính nơi trang cuối, trang “Thế giới hôm nay”, để đưa tin Nguyễn Tường Vân lại bị chính quyền Singapore bác đề nghị ân xá. Sợ mình lầm rằng đây là lần thông tin chính thức đầy đủ đầu tiên trong nước về trường hợp này, tôi tìm kiếm trên Google với chọn lựa chỉ ở các trang tại Việt Nam. Kết quả có nhiều hơn con số một. Ý nghĩ thoáng đến, rằng vậy là số phận anh thanh niên này cũng được trong nước chú ý, lập tức tắt ngay khi mở ra những trang này, vì từ tin của Người Lao Động, Saigonnews, đến Người Viễn Xứ của Vietnamnet cũng chỉ toàn là đưa lại mẩu tin ngày 17.11 từ Thanh Niên mà thôi.

Tôi hỏi một số người, trong đó có những người trẻ, hầu như họ không biết đến hoặc dửng dưng trước sự kiện này - như bao sự dửng dưng mênh mông khác của họ. Nhưng cũng không thể trách: tình hình ma túy trong nước gây bao tai họa, bao bức xúc…, và họ cũng không có, không tự có đủ thông tin để có thể có được nhận định hay cảm xúc nào đó về trường hợp này.

Bản thân tôi cũng vô cùng căm phẫn tội phạm ma túy. Theo dõi những bản tin, phóng sự về việc các trùm ma túy Việt Nam “đi” đến mấy trăm “bánh” - tiền bạc, biệt thự họ xây lên bằng những đồng tiền tội lỗi đó, trên bao cảnh đời bất hạnh vì ma túy - có những lúc bức xúc, tôi nghĩ rằng chuyện “bắn bỏ” những trùm này thật chẳng oan uổng. Nhưng cũng có một thời gian tôi tiếp xúc được, qua văn bản, với những tình cảnh thật đáng buồn: những người nghèo, ở những xóm nhà khó, đa phần trong tuổi thanh niên, với một ói nhỏ bán lẻ cho con nghiện, mà thu nhập từ đó chẳng bao giờ khiến họ thoát một ly nào khỏi cảnh nghèo khó, nhưng phải trả giá bằng 7, 8 năm tù - mức trung bình. Đó là thời gian sẽ làm họ mất hẳn tuổi thanh niên. Hết hạn tù, trở về với ngôi nhà nghèo khó, trong khu xóm nghèo khó, không nghề nghiệp, không chuyên môn, với bản án đi theo lý lịch, với những chai sạn được đào luyện ở chốn lao tù…, con đường tái phạm tội, tái vào tù ở vào một khả năng rất cao. Không chỉ là mất đi tuổi thanh niên, cuộc đời gần như sẽ mất trắng với cái vòng luân chuyển đó.

Cái chết bằng án tử hình có làm tội phạm ma túy, các trùm ma túy chùn bước, có cải thiện tình hình tội phạm này? Trước thực tế hoàn toàn có thể khẳng định rằng không!

Nếu chưa nói đến chuyện quyền được sống là một trong những quyền con người căn bản nhất, suy nghĩ theo kiểu bình thường nhất, kiểu trả đúng với cái giá của tội phạm, trường hợp của Nguyễn Tường Vân có đáng để nhận án tử hay không? Anh ta có gây cái chết cho ai chưa, hay tổng số những nguy hại mà từ những nạn nhân tiềm tàng của hành động quá cảnh ma túy của anh ta gộp lại có sẽ bằng một cái chết của ai đó hay không?

Anh ta phạm tội lần đầu, sẵn sàng hợp tác trong điều tra, thành khẩn thừa nhận tội lỗi của mình ở cái tuổi 22, cái tuổi mà còn quá nhiều xốc nổi, liều lĩnh khi phải đối mặt với những tình huống nguy nan hay nan giải. Và đúng như thế, anh ta phạm tội không vì lợi ích của bản thân, mà vì chuyện nợ nần chồng chất, không có lối thoát, của người anh em sinh đôi tên Khoa. Có lẽ đây là tình tiết khiến đau lòng nhất của tử tội này. Ai đó trong đời đã có lần dám làm điều này điều kia, không phải vì bản thân mình, mà vì những người thân yêu, vì bạn bè, hay vì bất cứ điều gì khác, dù biết rằng mình sẽ chịu thiệt thòi, chịu hậu quả… có lẽ không tránh khỏi chạnh lòng trước sự việc này. Nguyễn Tường Vân không thể không biết đến cái chết rình rập mình trên đất Singapore khi liều mình vì người anh em sinh đôi.


*


Người Đông Á luôn tự hào với thái độ đầy “tính ý thức hệ”, nói phương Đông thiên về tình - phương Tây thiên về lý; không những thế, cư xử và luật pháp của phương Đông là trên cơ sở “có lý, có tình”.

Thực tế, càng xuôi về thời đương đại, thế giới này càng ngược trong hành xử địa-văn hóa.

Xem ra, người phương Đông có tình, nhưng là cái tình của một đại gia đình-quốc gia, trong đó có những trưởng lão, những bậc phụ mẫu có quyền định đoạt, sinh sát đối với con em “được” hưởng cái tình đó.

Người phương Đông cũng có lý (vừa tình vừa lý mà) nhưng là cái lý gia trưởng, trong đó tiếng nói pháp trị làm lý để trị là tuyệt đối đúng và chỉ có một chiều: chiều tuân phục vô điều kiện của cá nhân trước cộng đồng (mà đúng hơn, trước một bộ phận nhân danh sự công chính của cộng đồng).

Xem ra, đối với phương Đông, hay đúng hơn, với những người phương Đông của cái tình và lý đại gia đình đó, họ tự hào mình vừa có lý vừa có tình vì người phương Tây không có lý mà cũng chẳng có tình.

Đúng vậy. Người phương Tây không có tình là phải, vì đó là cái tình của cá nhân, về cá nhân, vì cá nhân, tức cái tình của con người cụ thể và đối với những phận người cụ thể. Người phương Tây không có lý là phải, vì cái lý của họ là nằm ở cái quyền của cá nhân đòi cộng đồng phải hành xử đúng mức với họ và đúng mức ở giới hạn của cộng đồng và những gì nhân danh cộng đồng.


*


Trường hợp Nguyễn Tường Vân đây, ai theo lý còn ai theo tình, ai có lý - có tình, ai chẳng có tình mà cũng chẳng có lý?

Người Singapore, hay đúng hơn, lãnh đạo của Singapore nói gì? Họ nói Nguyễn Tường Vân có tội và họ không thể có bất kỳ nhân nhượng nào với tội phạm ma túy. Thế, chỉ có thế, và nhất quyết là thế! Điều đó là vì nhân danh cái lý cộng đồng, cái tình của họ là cái tình lớn: yêu thương toàn thể nhân dân mà quyết hy sinh một con người, thể diện quốc gia hơn là sinh mạng một con người.

Người Australia không nói Nguyễn Tường Vân không có tội, mà nói tội đó không đáng tử hình, mà nói anh ta còn cần cho việc tiếp tục điều tra tội phạm trên đất Úc. Họ nói đến cái tuổi 22, đến cái chuyện vì người khác trong tình huống tội phạm. Họ nói đến một bà mẹ vượt biển đơn độc, sinh hai trai cùng lúc ở trại trung chuyển trước khi được tiếp nhận định cư, để giờ đây đón chờ cái chết treo cổ của một trong hai đứa trẻ đã từng sinh ra và lớn lên trong gian khổ đó.

Họ vận động hết lần này đến lần khác, hình thức này rồi hình thức khác, từ chính trị gia này rồi đến chính trị gia khác. Có những tiếng nói kêu gọi trừng phạt ngoại giao và trừng phạt kinh tế nếu Singapore không thay đổi quyết định. Amnesty International Australia mở cả một chiến dịch cho Nguyễn Tường Vân. Giáo hội Công giáo tại Úc khẩn thiết yêu cầu Singapore xem xét lại. Thủ tướng đương nhiệm John Howard 5 lần lên tiếng xin tha án tử cho Nguyễn Tường Vân. Cựu Thủ tướng Gough Whitlam phẫn nộ nặng lời. Chưa hết, người Úc còn vận động cả Thủ tướng New Zealand, bà Helen Clark lên tiếng. Rồi cộng đồng người Việt tại Australia đau buồn nhưng sục sôi vận động đất nước sở tại… Những gì tôi nói ở trên về Nguyễn Tường Vân cũng chỉ là lập lại từ người Australia khi họ tranh đấu cho người tử tội này. Họ còn trưng ra nhiều chứng lý hơn nữa cho việc người thanh niên này không đáng tội chết, từ tình tiết phạm tội, đến kết luận của những nghiên cứu về người phạm tội ma túy và hiệu quả bản án tử hình…

Cái tình của người Úc là cái tình của cộng đồng dành cho số phận một cá nhân. Cái lý của người Úc là trừng phạt của cộng đồng chỉ ở mức tương xứng với hành vi cá nhân, trong tương quan quyết định của việc tôn trọng các quyền của chính con người đó.


*


Mà người Úc đang tranh đấu, và tranh đấu với tất cả sự hăng say, thương cảm và nỗ lực có thể được, đó là cho ai vậy? Cho công dân của họ - xét về lý. Cho một người hoàn toàn ngoại tộc - xét về tình. Hành động của họ nay tác động đến chính đất nước đưa ra bản án. Nhưng họ đã thực hiện điều lý đó bằng tất cả tình, và tất cả tình đó là vì lý. Ngay cả nhiều người Singapore cũng đã bắt đầu vượt lên nỗi sợ hãi, trong một chế độ sắt đá khoác chiếc áo pháp trị hoàn hảo, để chê trách bản án không đáng này.

Thế nhưng hành động đó lại không tác động được đến cái tộc người mà chính Nguyễn Tường Vân mang dòng máu: người Việt trên đất Việt. Giới chức Việt Nam hoàn toàn không lên tiếng. Báo chí Việt Nam đưa tin ít ỏi và dửng dưng như hoàn toàn chẳng có gì đáng lưu tâm với “người dưng”, ngoại tộc…

Về lý, phải thôi, Nguyễn Tường Vân không có quốc tịch Việt, anh ta là người Úc “hoàn toàn”. Về lý, tội phạm ma túy Việt Nam cũng trừng phạt nặng. Về lý, quan hệ ngoại giao với một quốc gia ASEAN như Singapore là mật thiết hơn so với một quốc gia phương Tây như Úc. Về lý, tầm vóc quan hệ nhà nước tuyệt đối quan trọng hơn là tầm vóc của một sinh mệnh cá nhân.

Nhưng về tình, có như vậy được không? Có thể nào trước một cái chết không đáng - chiếu theo chính luật pháp Việt Nam - của một người dân tộc Việt, trong khi người Việt tại Úc, người Úc, các tổ chính chính trị-xã hội và truyền thông tại Úc, rồi chính trị gia Úc, lãnh đạo nước Úc, lãnh đạo New Zealand…, và cả người Singapore lên tiếng, thì người Việt trong nước gần như hoàn toàn lặng tiếng, là cư xử đúng với cái tình của người Việt?

Chúng ta luôn xem người Việt hải ngoại là bộ phận không thể tách rời của đất nước, vậy có thể nào làm ngơ trước một vận động chính đáng của họ?

Chúng ta luôn chào mời người Việt hải ngoại khi nhắm đến tiềm lực kinh tế, tri thức… của họ, vậy có đúng với đạo lý Việt hay không khi phớt lờ những chuyện không dính dáng đến tiền bạc và chuyển giao… của họ?

Cuộc sống của cá nhân hay của cộng đồng dân tộc cũng vậy, tình nghĩa hay không không phải chỉ ở những lúc hoan hỉ, xuôi chèo mát mái, bộ phận của người Việt hay không không phải chỉ ở khi đóng góp, ở tầm mức quốc gia…; mà tình nghĩa với nhau, không thể tách rời những bộ phận của nhau là còn ở khi gian khó, hoạn nạn, còn ở tầm mức của những con người - những mảnh đời con người, với tất cả những thuận lợi và rủi ro, hạnh phúc và đau khổ của họ…


*


Thật tình, tôi cảm thấy hổ thẹn về sự lặng yên trong nước về trường hợp này trong bối cảnh nỗ lực đến cùng trên đất Úc.

Người trẻ Việt Nam có thể được hướng đến những sự việc quá khứ đầy hào hùng và to tát bằng những phong trào như Petition cho nạn nhân chất độc da cam hay Nhật ký Đặng Thùy Trâm, nhưng sao lại không được hướng đến những việc đương thời có phần “trầm lắng” và “nhỏ nhoi” hơn, như quan tâm đến sinh mạng của một người cùng trang lứa? Báo chí trong nước có thể nhanh chóng thổi bùng sự ngưỡng mộ với một người đã qua đời, nhưng sao không thể kịp thời vận động giữ lấy một sinh mạng không đáng phải chết? [1] So sánh này là rất khập khễnh nhưng không phải không đáng suy nghĩ.

Những hành động, những công cụ phản đối - để những người có quyền quyết định sinh sát nhận thấy phản ứng của công luận - ngày nay rất nhiều, nhưng sao tất cả dường như yên lặng như tờ?

Chỉ vài bản email của mỗi người, nhưng nếu nhiều người hay tất cả mọi người cùng làm điều đó, có thể người ta không thể hoàn toàn làm ngơ. Xin đừng phớt lờ trước số phận và sinh mạng một con người. Xin đừng nghĩ rằng chỉ là “bỏ qua” một con người, còn biết bao việc quan trọng khác phải quan tâm, một người mất đi cũng không làm thay đổi xã hội hay thay đổi gì đến mình; vì biết đâu, cứ như thế, có lúc ai đó trong chính chúng ta không chủ ý rơi vào tình huống bị bỏ qua đó!

Tôi hoàn toàn không có đủ uy tín để hô hào một điều gì, nhưng qua bài này, mong rằng tất cả những ai đã biết đến tôi, đã đánh giá tốt về “cái tâm” của tôi, xin hãy cùng cái tâm đó góp lời để cứu lấy sinh mạng một con người.

Tôi cũng hoàn toàn không phải là một tác giả được biết đến nhiều, nhưng qua bài viết này, mong rằng những ai đã post lại bài này bài kia của tôi tại các diễn đàn khác, một lần nữa hãy góp lời cùng tôi tại diễn đàn đó để cứu lấy sinh mạng một con người.

Xin hãy, như anh Lê Anh Dũng đã nói, “tiếp tục gửi thỉnh nguyện thư về Singapore cho tới ngày chót” vì một lẽ tình người, bằng tất cả lòng khoan dung dành cho một người thanh niên đã buộc phải dấn mình vào một tình huống không may không phải vì bản thân mình.

Tối 28, rạng sáng 29.11.2005

© 2005 talawas



[1]Tôi còn nhớ báo Tuổi Trẻ và phóng viên Thủy Cúc từng đi chủ lực trong việc minh oan trước công luận cho Phạm Minh Chánh tại nhà máy bột ngọt Thiên Hương (hy vọng không nhớ sai tên người và sự việc), người bị tuyên tử hình mấy lần. Theo tôi, chính báo và phóng viên này là tác nhân cứu mạng cho con người “nhỏ mọn” bị vu oan này.