trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Mĩ thuật
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
6.8.2003
Vô Danh Nghệ
Dòng cảm hứng với Nhiếp ảnh
 1   2 
 
Chương thứ tư:
Gà nhà bôi mặt, cáo chực ngoài sân
Bạng duật tương tranh, Ngư ông đắc lợi

Lại nói về những vị tu dai "đắc đạo" thành Nghệ sĩ, phải luôn đấu trí căng thẳng với các đồng nghiệp về mọi lãnh vực để không bị thua sút và tồn tại trong thời buổi mà cái gì cũng cạnh tranh: tước hiệu, đồ nghề, lớp dạy, học trò, khách hàng, chức vị… Quân tử gọi là "cầu tiến" nhưng đời éo le sinh thêm từ "bon chen" sặc mùi tiểu nhân đi song song cho trọn đạo âm dương. Hên là mấy ông chưa bày trò lấy cung Điền trạch của mình ra đấu nhau để rồi có nhiều ông phải hận đời tủi phận vì trọn đời cống hiến tranh đấu cho sự nghiệp mà vẫn chưa có được một căn nhà cho nên thân, cuối đời vẫn còn phải ở căn hộ tập thể ọp ẹp (nếu đem cung Phu thê ra đấu nhau nữa thì tận thế!)

Vốn chửa có trường nhiếp ảnh chính quy nào cho tới nay để phát một bằng cấp có giá trị ra hồn cho mấy vị, lo bằng cũng không có chỗ mà chạy lo, thì chỉ còn cái tự khẳng định bằng số lượng huy chương mà thôi. Như đếm sẹo trên đầu để biết chức vị Hòa thượng vậy. Xem báo thấy mấy ông bà tướng huy chương đeo xệ ngực thiếu điều rách áo thì cả thiên hạ chết vì khiếp. "Nhất tướng công thành, vạn cốt khô" mà! Nhưng huy chương nhà binh thì đã dự tính để cài áo mà huy chương Nhiếp ảnh chửa ai tính tới. Ông nội design nhà ta nát óc tới nay vẫn chửa "binh" ra cách đeo nên đeo không được, đếm không xong trước một số lượng lớn. Giả sử đeo được nếu áo quần không bị tuột rách vì nặng thì đeo tới đầu gối cũng chưa hết. Trò bất lịch sự sẽ sinh ra khi người kính cẩn quỳ xuống chân ta mà săm soi nghía mấy cái "chiến tích oai hùng". Cái vòng lẩn quẩn "Đếm lựa để đeo, đeo thì phải đếm" thật là phiền toái kiểu bà già lẩm cẩm đếm tiền suốt ngày mà chẳng biết tiêu đầu nào. Đợi đến đại hội, muốn thuê xe ba gác hiệu, tiêu chuẩn "a còng", cộ hết đống cồ-lec-xông huy chương lủ khủ đi khoe thì phu xe nó không chịu đi vì chê trả "giá thợ" rẻ quá. Tệ hơn nữa là nếu ghi chức "hiệu" trên cạc vi sít những chữ như Artist, EFIAP, VAPA… ai có tiền cũng có thể in y khuôn thì hơn nhau chỗ nào? Đụng hàng! Thêm một cái khó nữa. Kinh không, thưa bà con?

Từ lâu đã có thơ rằng:

"Một thương đồ hiệu hẳn hoi
Hai thương nâng cấp "đồ" chơi hoài hoài,
Ba thương "sô lẻ" lai rai,
Bốn thương "đám" đậm, dư xài dư ăn.
Năm thương dàn dựng kỹ càng,
Sáu thương có sẵn mặt bằng studio.
Bảy thương đông đảo học trò,
Tám thương người mẫu mong chờ, vấn vương…
Chín thương Nghệ sĩ Trung ương,
Mười thương, ủ sẵn huy chương cả hầm".

Nên nghĩ rồi đây chắc chắn mấy ông bả này sẽ nảy sáng kiến đặt xì tăng đa "Phi Nghệ sĩ bất thành phu phụ" thành văn bản để chọn bạn đời giàu sụ huy chương cho môn đăng hộ đối.
Mà giàu huy chương bắt buộc chứng minh từ đâu mà có như phải khai nguồn gốc tài chánh cho thanh tra. Chỉ có làm triển lãm. Báo hại nhiều anh muốn nổi tiếng phải tổ chức triển lãm cá nhân mà phùng xoè trước đối phương, phải rặn bụng bóp hầu bao thuê làm ảnh khổng lồ, ép la mi na theo lệ ngày nay cho sang, tăng phần áp đảo. Còn phải in thiệp mời, bờ rồ sua tặng quan khách. Nếu in sách được nữa thì ngon vì dễ bán hơn bán ảnh. Quan trọng là phải có kèm "liên hoan nhẹ" thì khách mới hứng thú tới đông đảo. Nên có triển lãm thì anh lab và anh lamina hốt bạc trước. Kế đó là đám bạn bè khách khứa được dịp nhào vô đánh chén một chầu bí tỉ như giỗ làng. Các tăng nhậu chén thù chén tạc tiếp sau đó, kết hợp "Kàrà OK" về khuya càng không hề thiếu, thậm chí diễn ra gần như hàng hôm để củng cố quan hệ làm ăn với nhau. Rồi để tiết kiệm kinh phí thì nhiều người hay nhóm liên kết triển lãm theo kiểu làm ăn tập thể cho tăng hiệu quả. Thành công thì không ai thèm nói. Nhưng thỉnh thoảng có ép phê ngược khá nghiêm trọng do nạn đụng hàng trong khi lựa ảnh chuẩn bị triển lãm. Nếu hòa giải êm thấm thì lúc trình làng cũng sinh chuyện khác. Là do nể mặt nhau rồi anh em đặt ảnh xen kẽ giữa các nhóm cho có tính hòa đồng mà chẳng dè các chủ đề của từng bức ảnh tự đá nhau chơi khiến cụt hứng người xem dễ sợ. Cứ hệt như cái trò mời ăn đĩa trái cây chua sau một món bánh ngọt (chưa dám nói giống như ăn măng cụt non chấm đường cát cho ngọt miệng). Chưa thấy ai để ý góp ý kiến trước cái trò cù léc cắc cớ này. Chỉ thương mấy nghệ sĩ có thực tài mà nghèo không tiền làm triển lãm bị thiên hạ coi thường ra mặt.

Từ những cái đó mà rau muống rau lang hục hặc với nhau. Chẳng ai dám trao đổi kỹ thuật gì ráo vì sợ bị ăn cắp nghề. Ít nói thì họ mới nghĩ mình cao siêu. Không nói ra thì chẳng ai biết mà nói nhiều như vẹm thì càng bị lộ tẩy, lòi đuôi. Chèn đét ơi, lại khổ nữa! Thôi vậy, mạnh ai nấy lo tích lũy huy chương cùng lúc với đầu tư đồ nghề hết ga như kinh phí quốc phòng bắt buộc. Riết cũng chẳng ai hơn được ai. Lợi lộc chưa thấy mà bao nhiêu tiền vốn tiền lời đều khăn gói rủ hết nhau ra Lê Lợi, Nguyễn Huệ. Hàng mới về tay mình không lâu rồi cũng trở về vựa cả. Giống như nhà cái gom sạch tiền con bạc. Ai nấy đều o bế mấy chủ tiệm để riêng "hàng độc" cho mình. Hễ dành được nó trong tay rồi thì tin đồn phát ra làm mình thêm nổi tiếng như thắng đấu giá. Mà hễ xui làm hư đồ chơi thì không khéo chúng hê ầm rằng mình chơi ẩu bị "banh nòng" cho thối óc. Vì design ấn tượng nên đồ nghề được đeo sao cho "bặm trợn" mỗi khi có dịp. Cũng kè kè chân máy như xạ thủ vác M60 đi càn quét. Cũng xỏ "áo khỉ" nhét đầy "đạn" (film). Mô bai lâu lâu móc ra "a lô" như truyền tin điện đài. Ai cũng xem mình là "người hùng Charlie" vừa "đánh" quảng cáo về vậy. Oai chứ!

Mấy quán "cà phê cóc" xưa nay vốn là bãi đáp khoe máy, tranh luận hàng, ai đến cũng được. Trước lạ sau quen là chuyện thường tình. Lâu lâu cũng có đụng trận choảng nhau qua quít do bất đồng ý kiến. Nhưng vì "tứ hải giai huynh đệ" và "đánh đau mới biết bạn hiền" nên dù có sứt đầu bể trán cỡ nào thì cũng được giảng hòa ổn thỏa. Xưa nay chưa nghe chú nào bị "phú lích" [1] xúc do ẩu đả cả. Thông tin thì dồi dào. Thầy thợ ta ưa nghe tin tức "trong luồng" từ "Đài tiếng nói Nghệ sĩ Chính quy" kết hợp tin "ngoài luồng" của "Đài phát thanh Cây Dầu Tự do". Hai đài cạnh tranh phục vụ bá tánh nhiều bài vừa giật gân, vừa tràn trề mê ly cụp lạc mà vẫn chính xác tuyệt đối. Internet giúp nhiều người sáng mắt khi tham khảo chất lượng, giá cả hàng mới ra. Cái hay hơn là từ đó giúp học trò tỉnh ngộ mà tẩy chai bớt đám "thầy giáo máu con buôn" để bảo vệ danh dự mấy thầy chân chính.

Mà hễ chụp thì có ảnh. Khởi đầu khi sáng tác, cái chiêu nhắm mắt bóp ra phan, nhấp bracket tốn hàng chục, hàng trăm cuộn kiểu "bắn lầm không bỏ sót", nòng 72,77 ly thụt tới bắn lui xối xả, sàng qua chỉa lại đủ "trente six modes" dợt bao người mẫu mê mệt phủ phê và "khè" người xem lé xanh mắt. Bỏ phịch một rổ phim trong lab bảo "làm hết" thì chủ lab mừng rơn trong bụng dù giá thợ rẻ bèo. Vác hình về một bao thì được tiếng "đại gia" chơi xộp. Nghe đồn có "đại gia" to gan bao lab làm trọn buổi để rọi ảnh lớn cho mình tốn cả chục triệu.

Gần hết hạn gởi ảnh dự thi thì các lab làm việc hết hơi, bơi không hết việc. Mấy anh thợ làm hình thủ công đen trắng cũng bị quay như dế vô guồng máy để kịp thời hạn. Tiền nghệ sĩ đổ tràn vô lab như triều cường. Đến coi tiệm giao hình cũng đã mắt nhưng đừng tò mò hỏi chi vì tác giả ảnh thường làm biếng trả lời linh tinh mất thì giờ "hiệu" cho cái thằng tôi chẳng đáng cái đinh gì.
Cuối năm, thời tiết mát mẻ là vô mùa trai gái hè nhau ôm cưới ồ ạt. Ấy là lúc thợ thầy dưới tỉnh, trên thành đua nhau chạy lên lab làm hình nườm nượp. Lab bấm tới khuya cũng chẳng hết khách. "Lab gổ", "lab hộp" [2] nhờ vậy mà được theo đuôi kiếm sống đở khổ.

Ảnh làm xong, nghèo thì vô album 10x15, khá hơn thì ép pờ lát tích, giàu nữa thì la mi na, xì can ảnh vô CD. Thứ nào cũng có thầy dạy để phục vụ nhu cầu của thợ. Có thầy thứ gì cũng dạy (trừ món trang điểm người mẫu vì quá vụng tay), hốt tiền đã! Giá cả, chất lượng thượng vàng hạ cám cạnh tranh tá lả. Lời ít cũng tạm đủ sống. Cái gì mà "đời chỉ có một lần" thì thầy thợ vẽ mắm muối chi chi khách cũng OK xì tiền tới bến đặng nở mặt với bà con với hy vọng đoạt danh "nhà vô địch". Đúng là nghệ thuật vô giá, văn hóa hữu tồn. Các dịch vụ dài hạn "ăn theo" hay chung sống với nghề ảnh như studio, "tút" [3] hình, thuê áo cưới, thuê xe, thuê phòng, nhà hàng, khách sạn, rồi nhà bảo sanh, phục hồi ảnh người chết, trại hòm, thầy chùa…vân vân… nhiều không kể xiết mà đặc biệt là Photoshop được cơ hội nhập trận ngon lành. Ấy là chuyện về sau.

Mấy ông khổng lồ sản xuất thiết bị photo lợi dụng cái cơ hội béo ngậy này để tung vào đủ thứ hàng hiệu "thơm như mít" mà thầy thợ nhìn là phải mua cho được vì nhu cầu sinh sống và chưa kể khách hàng nó đòi mới khổ (lại KHỔ!). Có anh chỉ mới nghía sơ hàng rồi về nhà nằm tương tư mê mệt, "chịu không nổi" đành nổi máu vét hết tiền lãnh "sô" ra tậu hàng về như nạp thiếp. Vợ cũng phải thông cảm vì nếu không e chồng mình khó sống. Rồi thêm mấy cú tài trợ, khuyến mại làm ai nấy cứ nhắm mắt vung tay bỏ tiền ra tham dự còn hơn mua vé số cặp. Người trúng đã mừng, người trật cũng ưng vì được hàng tốt. Mấy tờ "lá cải" cũng nhờ tài trợ mà lấy sức lết dài tuổi thọ. Chung cuộc chỉ mấy ông khổng lồ "trúng mẻ lưới" đậm hơn ai hết.

Dân nhiếp ảnh cạnh tranh làm ăn với nhau là nhiều ngành khác thừa cơ hốt bạc như diều gặp gió. Lại được cái hay ở mùa dịch vụ, hễ có hái ra tiền là thế chân vạc nghệ thầy thợ vững vàng. Hết chuyện kèn cựa ganh tỵ. Người nào cũng được dịp may gỡ vốn nên tích cực làm ăn với sự bình đẳng trên thương trường. Phong trào "hàng hiệu" tạm lắng chờ thời vậy.

Rồi "chiến tranh lạnh" trở lại sau mùa dịch vụ. Mấy Nghệ, nay "hết khứa" trở lại rảnh rang cùng cái túi bạc dày cộm giấy "xăng" (tờ 100). Sau nhiều trận bất phân thắng bại thì cái giải pháp chót là đấu chức vị trong chốn quan trường. Mấy thầy chú chóp bu vì thế đau đầu vì lo đối phó mãi hệt nhà vua trước cảnh bầy con tranh giành ghế Đông cung Thái tử.

Tới năm có đại hội kiểu Đại hội Anh hùng Võ lâm bình bầu đại bang chủ thì có "chuyện dài Nhân dân Tự vệ" kể hoài chẳng dứt. Cảnh vận động, cải cách một ít vào giờ chót cuối nhiệm kỳ, hứa hẹn để lấy lòng cử tri rồi đắc cử tính sau đúng theo chiêu bài bầu cử tổng thống Cờ Hoa làm xôn xao toàn giới Sĩ Phô Nghệ Sởi. Vì cửa chính Hội đầu não nhà ta vốn nằm trúng cung Khẩu Thiệt nên ở năm "khí vượng" này, các chiêu võ mồm từ công khai, bán công khai đến bí mật của các bang hội được tung ra hết công lực. Nhưng đây là dịp được tài trợ vé xe tàu đi đại hội tiện bề sáng tác luôn thể nên ai nấy cũng vui bụng "cố đấm ăn xôi" vừa có tác phẩm ôm về rải dự thi tứ xứ.

Đọc sử Việt ai cũng đau xót ám ảnh một câu lặp tới lui hoài đại khái: "Nhân lúc nước Nam loạn lạc thì phương Bắc lăm le dòm ngó" mà loạn "Mười Hai Sứ quân" tương tàn huynh đệ là điển hình để so sánh với bầy gà Nghệ mải mê bôi mặt xanh, tô móng đỏ, mài cựa sắt đá lộn ì xèo nhau. E rằng có một tay Sĩ cáo già đang canh me cả đàn đang "mất phương hướng" mà xổ ra thịt trọn bầy đặng ôm phức cái "danh vị" về riêng mình. Thầy bói bảo lúc thấy gà mái gáy trước cửa Hội phó nháy là coi chừng. Đầy huyền bí dị đoan bố ma nào hiểu để mà tin vớ vẩn. Nhưng dù đúng hay sai thì dự phòng vẫn hơn. Miễn đừng ai ngu ham "mút vòi" mà "rước voi" phe khác, sờ lầm chổ, voi điên giày đừng trách!

Thương anh em vùng tỉnh xa vì kinh tế khó khăn, đói thông tin nên cứ hít hơi bắt chước "đại gia Sài Gòn" như Tư Ếch của La Fontaine ráng phổng trướng bụng để mong to bằng Sáu Bò đặng rồi quên cái khôn David của mình đã thừa sức hạ gục Goliath. Phe ta ở thành thị có "đụng trận" nhau thì miểng "moọc chê pháo kích lạc đạn" cũng làm xính vính anh em miệt dưới với tư tưởng

"Hàng đại gia dùng đều là hàng độc,
Tài đại gia giống như ngọc như vàng,
Ruộng cò thẳng cánh chẳng màng,
Anh mê Fi ap, bỏ nàng mà dự thi"

khiến kinh tế nhà nhà đã khốn đốn càng thêm khốn đốn. Lý do vì người người lo è lưng xoáy nòng ép dên nhắm mắt đua theo đuôi các "đại gia". Cái biệt tài David của các anh đâu mất? Khiến qua chờ hoài không thấy và lăm le chọc mấy anh "xuất chiêu" để học hỏi nữa kìa. Cái độc lập tư tưởng, tự cường thực lực của mấy anh bị dú rục bởi bùa mê ngãi lú của mấy "đại gia lụi" ấy sao? Chưa nói là cuộc đua ngày nay đã tới cực điểm bằng Digital của thời đại thông tin thì ai theo hoài nổi? Cứ xem chương sau biết ngay!

*


Chương thứ năm:
Photoshop tung hoành trên tác phẩm
Digital thao túng khắp thị trường

Cái anh nhà Photoshop cũng tiện đáo để, nhất là giải quyết cho tác phẩm anh em ta cái chuyện điều chỉnh sáng tối, tương phản, đổi sang đen trắng, đổi trắng sang đen, "tút hình"… Mấy ông bà khuất núi ngậm cười vì con cháu nó có dịp phục hồi lại ảnh sinh tiền của mình cho đẹp mà đặt lên bàn thờ với giá phải chăng. Người mẫu sung sướng khi chân dung láng e vì hết tàn nhang, mụn nhọt lẫn nốt ruồi "sát phu". Cái câu "tiền nào của nấy" thành vô nghĩa vì từ mười ngàn rồi xuống sáu bẩy ngàn đồng bạc ta là mua dễ dàng một CD Photoshop có khuyến mãi thêm hàng chục phần mềm khác để dùng, có lúc bạn bè cho chép "chùa" thêm khoẻ. Cái còn lại là học thêm một ít để thao tác. Rẻ tròm trèm giá tờ lá cải mà anh em ta thường mua đọc khi ế độ ngồi uống cá phê chờ khách.

Mà cái thực tế hơn cho nữa là anh Photoshop sẵn sàng xóa luôn cả tiền cảnh hậu cảnh, dọn "rác" trên ảnh sạch tưng khiến ảnh trở nên đúng chóc câu "nổi bật chủ đề" theo sách thầy dạy. Mà nếu phim bị xuống cấp thì anh Photoshop cũng phục hồi "láng" cả. Cứ scan vào rồi tha hồ chế biến ra sao thì ra. Ảnh sửa xong thì mướt rượt, dở cũng thành hay. Thành ra nhiều người khoái, tự nguyện đăng ký hay mua sách đi học làm "lao công photo", tệ lắm cũng mở mang kiến thức ít nhiều để khỏi bị người khác chơi qua mặt.

Học lâu cũng thành cao thủ. Mấy anh áp dụng luôn các kỹ thuật phòng tối: solar, tram hạt, phân sắc…, khiến mấy anh làm phòng tối thủ công hay rọi hình đen trắng thấy vậy mà lo sốt vó vì sợ khách ngày càng ít đi. Thêm nay giấy đen trắng không tiêu thụ được nhiều nên mấy "ông khổng lồ" chẳng đoái hoài tới.

Học cao hơn nữa thì biết thêm trò ảo thuật không thành có, có thành không, ghép tới ghép lui chế tác phẩm mới, khỏi sợ mệt vì chạy đi sáng tác. Anh nào ưa xuất thần nhập "Cõi Thiên Thai" mà bày đặt ghép bậy bạ thì đừng trách bị Văn Hóa nó "gõ". Ảnh được xử lý "tới bến" thì bị quở là làm "sạch" quá lòi tẩy dàn dựng mất hết tự nhiên (?!). "Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo" lo chi mệt óc. Vui là cứ chơi trò "đi mây về gió" đủ kiểu trên ảnh rồi gửi dự thi để cắc cớ test tài năng BGK. Chọc cho chư vị quê độ vì bị "chơi" qua mặt lia lịa để rồi Photoshop bị cấm như cấm tài liệu trong thi cử. Nhưng đâu lại hoàn đấy vì hàng giả luôn đẹp hơn hàng thiệt. Khi ảnh trúng giải mà có ai biết tác giả có móc ngoặc với Photoshop thì dư luận phản ứng lung tung, làm ung nhọt tầy huầy. Nhưng trăm sự đều êm xui vì BGK biết khôn mà hoan hỉ ngậm bồ hòn làm ngọt. Trừ trường hợp quá đáng khi lấy ảnh chụp nơi này ghép qua cảnh nơi khác để dự thi thì xạo quá mức nên phải loại thẳng tay cho công bằng, nhân tiện rửa quê luôn thể. Chung quy người chấm lầm chứ người thi không bao giờ lầm. Oan mạng cho các anh chơi ảnh kỹ thuật kiểu truyền thống chân chính cứ bị "chụp mủ" tòng phạm với Photoshop hoài. Cái gì lạ là bảo Photoshop làm. May là còn ảnh contact làm chứng cứu bồ. Hay hay dở, hễ lạ là đổ đầu Photoshop đại trước cái đã rồi tính tiếp. Photoshop vào huyền thoại như thế đó.

Rồi trong phong trào vi tính bột phát, máy ảnh Digital được tung vào thị trường như một cuộc cách mạng. Hễ Digital là hay. Giá càng "bay", khách càng say vì "thuốc". Mà nạn nhân trước hết là khách hàng của giới nhà ta. Báo hại cho một số anh em phải chạy lo nâng cấp hay đúng hơn là chuyển hệ từ từ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Bù lại thì khách hàng bắt buộc chi tiền nhiều hơn vì chất lượng, hay đúng hơn là vì thời cuộc đòi hỏi; mà không chịu theo thì bị mang tiếng không "thời thượng". Mà mua máy digital phải mua phụ tùng kèm theo, điển hình là cái máy vi tính tệ lắm cũng phải có chức năng để lưu ảnh và chép CD cho khách. Cái máy vi tính cho ra hồn cũng tròm trèm một ống kính loại khá. Lại tốn tiền học vi tính trong khi tiền vô chưa nên thân. Nay thêm dịch vi rút hoành hành vì "chít chát" internet bừa bãi. Trúng liều "Photo bí sử" bằng "meo pháo kích" thì cơn ghiền của giới thầy chú lên cực độ, gây nổi mề đay toàn thân mà chẳng xác định được đâu dù là chỉ để khều khều cho đã ngứa. Tức căm gan khi bọn xấu thừa cơ chơi "truyền đơn" bịa đặt bêu rếu một cách vô văn hóa chuyện riêng tư của "con kia, thằng nọ" cho bất cứ ai mà chúng ganh tỵ. Nghệ hay thì đã quá muộn vì sự đã nổ tùm lum, đố mà bưng bít. Rồi tiếp là cái trò

"Truyền tay, phổ biến, photo,
F3, F4 chữ mờ vẫn phô.
Biết bao tin lạ không ngờ,
Theo đường bưu điện gởi vô tận nhà"

từng anh khiến mấy hai "đài phát thanh" cũng phải tăng cường chạy đôn chạy đáo săn thêm tin để cạnh tranh phòng mất khách.

Cái đáng nói hơn cả là cuộc đua vũ trang vẫn tiếp tục dưới hình thức vốn có của nó nhưng bảo đảm sẽ khốc liệt hơn vì trước mắt hàng digital xuống giá liên tục. E rằng kế sách "bù tiền đổi máy" theo hoài không nổi. Tạm chấp nhận cái tiêu chuẩn "5 chấm" hiện nay như mức khởi điểm, nhưng tồn tại bao lâu? Các bảng test máy digital được cập nhật hoài khiến thầy thợ đọc lòi cặp mắt mà chưa kịp có quyết định nào cho chắc cú. Mà đọc vậy chứ chưa chắc hiểu bao nhiêu. Bí quyết khuyên chỉ cần đọc đoạn kết luận "mấy sao" là đủ để không sợ ai cười mình lạc hậu. Lúc giao thời, thầy cũng cố gắng học qua mặt trò mà mở lớp. Thợ thì ráng đầu tư lập thêm một "phòng nhì" digital để thả câu mồi chài khách sộp. Ai nấy đều ào ào đổ xô vào cái digital mới lạ như phong trào chim cút hay patin rùm beng ở Saigon một dạo. Không biết có ai rủ nhau bán đổ bán tháo hết đồ nghề củ của mình để sang digital làm cho toàn bộ máy móc truyền thống hạ giá đồng loạt hay chưa? Sự việc mới xảy ra chưa lâu nên chưa có ý gì nhiều để bàn tán. Cứ chờ. Chỉ biết vắn tắt: lịch sử lặp lại theo đường xoắn ốc với mức độ cao dần. Thế thôi. Chương này tạm dứt.

*


Chương thứ sáu:
Thuốc sự thật, bịnh kinh niên lòi mặt,
Chuyện phủ phàng, lời thắc mắc nêu ra

Đầu năm Dê, thay vì đúng điệu tặng mỗi người chai thuốc đặc trưng của năm, tôi lại xin lỗi đã đùa dai mà "thuốc" (nói cho đúng chuyên môn) anh em bằng một viên thuốc bọc nhiều đường, đang chờ ép phê. Đã vậy viết xong thì tôi gom lại trong đầu vài thắc mắc mà chẳng ai giải thích cho xuôi tai…

Một ông vua trần truồng đi trước thần dân mà vẫn hãnh diện tin rằng mình được mặc chiếc áo quý vô hình. Chẳng ai dám nói không thấy áo vì sợ bị bắt tội không thành thật với vua. Tất cả lẫn nhà vua chỉ vỡ lẽ và can đảm nhìn nhận sự thật không chối cãi khi một thằng nhóc 3 tuổi thấy la lên: "Ô kìa, Hoàng đế trần truồng!" (Ý chuyện cổ của Andersen)

Bây giờ tôi nói nghiêm chỉnh.
Cái gọi là "góp ý xây dựng" nghe ra rả như cuốc kêu đã lâu mà đến nay cái cơ sở từ thượng đến hạ tầng của "sân chơi" nhà ta vẫn đâu vào đấy. Thêm vào khi thành viên gia nhập đại trà sinh ra bịnh nhân mãn. Dân đông thì dễ gây ô nhiễm kèm với đủ tệ nạn, mà sân thì chẳng ai thèm dọn sạch để chơi chung dù gọi là nghĩa vụ. Trong sân ai cũng giành quyền lợi làm "vua phá lưới" mà chẳng thấy thủ môn hay hậu vệ đâu. Trọng tài thì chỉ toàn là "trọng tài quen" lâu năm nên cứ đá vô tư khỏi sợ thẻ vàng, thẻ đỏ. Thấy nhà nước đã sáng suốt cải tổ liên tục và thành công đáng kể. Còn nhà phe ta chưa thấy cải cách cái chi chi hầy cho nó "tới".

Cảnh "cụng hàng" thường xuyên trong và giữa các triển lãm cứ kéo lê từ năm này qua năm khác. Số trường phái không nhiều, ý tưởng lẫn danh sách hội đồng BGK không thay đổi lâu năm vô tình tạo một công thức sáng tác khuôn mẫu gần như áp đặt cũng là một nguyên nhân. Mà nghệ thuật có tính máy móc như thế thì hết hay.

Việc đề cao "tính dân tộc" là đáng hoan nghênh nhưng chưa có định nghĩa nào cho thuyết phục. Nhìn những tác phẩm nổi tiếng thế giới thì càng chẳng ai cắt nghĩa thỏa đáng dù là sơ sài. Cái "phong cách cá nhân" lại chưa khẳng định được rõ nét trong từng tác phẩm. Mà cách tự khẳng định bằng huy chương thì huy chương cái nào cũng như cái nấy, chỉ khác ở số lượng và tên gọi. Để rồi khi ảnh giống nhau, ê hề như hàng sida thì chẳng ai thèm mua nhất là khi giá lại cao. Ế, ôm về chứa chật nhà. Chưa nói, ai cũng "nhái" ảnh được, ngay cả khách hàng. Đụng "sô" thì thợ thầy chơi xấu phá giá nhau rồi kẻ thắng người thua từ từ đều lỗ. Khách hàng cũng chẳng được chất lượng mong muốn vì ham của rẻ. Mất uy tín lẫn nhau, đói lại chẳng thèm ôm nhau chờ chết. Thơ rằng:

"Xin ai chớ được thời tự đắc,
Lúc đói "sô" tức khắc biết liền,
Còn tiền, "Nghệ" khí trung kiên,
Hết tiền, hết bạc Phật Tiên cũng từ"

Chẳng thấy ai quy định một "barem" giá tối thiểu nào đó để bảo vệ quyền lợi cho anh em đủ sống. Theo nguyên tắc chúng ta nên lập một Nhiếp ảnh đoàn để bảo vệ quyền lợi anh em nhiếp ảnh. Mọi nhiếp ảnh gia đều được tự do đăng ký vào trước khi hành nghề. Rủi có thưa kiện giữa thợ và khách thì Nhiếp ảnh đoàn sẽ đứng ra phân xử công bằng cho hai phía. Vì trước mắt Hội nhà ta chỉ đủ sức bảo vệ quyền lợi về tước hiệu cho hội viên mà thôi. Còn số người xả thân vì quyền lợi chung của anh em không đánh kể, chỉ lèo tèo vài người trong các câu lạc bộ. Tôi cảm phục và nhớ ơn những anh em ấy. Nhìn chung cái hục hặc mất đoàn kết nội bộ càng ngày càng chồng chất như trăm căn nhà đua nhau mọc chễm chệ trên đê sông Hồng ngắm mùa nước lũ.

Những nguyên nhân chính gây bệnh:

  • Trình độ đa số còn hạn chế chưa đủ khả năng đào sâu nghiên cứu và chấp nhận cái mới
  • Chưa có sức mạnh đoàn kết và quá ít ngươì xả thân vì quyền lợi chung
  • Ảnh không bán được, thầy thợ không đủ khách để sống
Đó! Viên thuốc bọc đường của tôi, dù chẳng thần sầu kiểu "thuốc Huê kỳ" hay quỷ khốc như Xuyên Tâm Liên, nhưng cũng giúp tôi chẩn đúng bệnh rồi đó! Nguyên nhân kéo dài bệnh tới đây ai cũng biết. Viết dài có người mệt óc không đọc, kẻ quê độ xé phứt bài đi vì tự ái.

Xem bên Mỹ thuật, chẳng ai sáng tác giống ai, chẳng bao giờ có cụng hàng nên ai cũng có đất sống vì bán được tác phẩm của mình, mà lại cao giá thì làm gì có lục đục, ganh tỵ? Đại đa số đều qua trường lớp bài bản hẳn hoi. Chẳng có "chạy đua vũ trang", mà chẳng họa sĩ nào cần tự khẳng định mình bằng huy chương hay tước hiệu vẫn nổi tiếng như thường (mà nếu có làm thì làm một lần thôi, làm hoài có ai thèm để ý nữa đâu). Họ vẫn có tác phẩm để đời. Tôi thắc mắc không biết mấy ông nhiếp ảnh bậc thầy như Ansel Adam, Henri Cartier Bresson hay Edward Weston… suốt cuộc đời có được mấy cái mề đai loè thiên hạ? Đồ nghề xịn mức nào? Mà sau khi mấy ổng qua đời, vẫn còn nghe người đời nhắc vanh vách nhiều tác phẩm của mấy ổng.

Tôi thắc mắc là anh em nhà ta đang chơi ảnh hay là sưu tập huy chương và đấu hàng hiệu? Mà tác phẩm để đời là cái chi chưa thấy. Cũng dân nhiếp ảnh mà người với ta khác nhau quá cỡ. Tôi thắc mắc tiếp là với cái đà này thì ta sẽ có được cái gì để lưu cho hậu thế thưởng thức? Nhất là gần đây nghe giai cấp phó nháy tiến bộ truyền miệng mấy câu thơ như sau:

"Chết rồi "của quý" vất đi,
Xách ra Lê Lợi, chúng chê "hết xài".
Bằng tước hiệu, ve chai xé sạch,
Đống huy chương, thợ bạc còn chê"

thì tôi thấy tiếc cho thì giờ và công sức mà mấy anh em đã phung phí lâu nay. Mong rằng ta mau tỉnh ngộ để mà tránh cảnh:

"Nghệ hỡi Nghệ, muôn năm sầu thảm,
Tước hiệu còn một nắm xương thôi,
Thân tàn ma dại đi rồi,
Rầu rầu nước mắt bời bời ruột gan.
Nghe hơi gió ôm ngang lấy gió,
Tưởng chừng như trong có huy chương,
Của mình, mình quý, mình thương,
Nào hay gió tạt chẳng vương vấn gì"
(Cải biên thơ Hàn Mặc Tử)

Những anh còn u mê mê muội thì chắc phải mượn dùng tạm bài này nhờ ai hú gọi ba hồn chín vía của mấy anh về ngay mong rằng không quá muộn:

"Hồn trở về mau mau hồn hỡi,
Hồn trở về tôi đợi tôi mong.
...
Hỡi hồn nước nước non non!
Hồn về tôi sẵn lòng son giúp hồn.
Tôi đây cũng không khôn cho lắm,
Nhưng cũng không dại lắm cho nhiều,
Tôi nay chỉ một lòng yêu,
Nên mong nên mỏi nên chiêu hồn về.
Hồn hỡi hồn! - Hồn về hồn hỡi!
Hồn hỡi hồn! - Hồn hỡi hồn ơi!
Đêm khuya cảnh vắng êm trời,
Khôn thiêng chăng hỡi hồn ơi hồn về!
Bút viết xong, tay nghe miệng đọc,
Miệng đọc xong giọt ngọc nhỏ sa.
Nhỏ sa nên chữ xóa nhòa,
Xóa nhòa nên mới in ra nghìn tờ.
In nghìn tờ mà đưa công chúng,
Công chúng xem mong bụng đổi dần,
Đổi rồi thúc kẻ xa gần,
Rằng mau nên trả nợ nần non sông!"
(Trích "Chiêu Hồn Nước" của Phạm Tất Đắc 1927)

Ngẫm lại thấy thằng nhóc trong chuyện kể trên tuy là thường dân nhưng nó còn hơn cả dân thường vì đã làm cho vua tới dân sáng mắt. Tôi liều mạng bắt chước nó mà vọt miệng nói lên cái sự thật phủ phàng căn bệnh kinh niên đã bị lậm thuốc lâu năm. Có anh khuyên phải thông cảm cho phe ta còn non trẻ thỉnh thoảng dính lỡ lầm, từ từ chơi riết mới có kinh nghiệm, đòi hay liền sau được?! Tôi bác bỏ cái ngụy biện ấy khi sự việc đã kéo dài hơn nửa thế kỷ, phe ta nay cũng đã sồn sồn giá chót năm sáu chục tuổi thừa kinh nghiệm để sáng mắt sáng nòng cỡ khẩu 1.2-2.8. Vả lại thời đại thông tin hiện nay cập nhật cho ta cái mới để học và sửa sai liên tục.

Tôi chỉ có khả năng chẩn đoán bệnh. Vì kinh nghiệm hạn chế nên không dám bạo tay trị dứt điểm bịnh bằng "dose d'attaque" trong ngày một ngày hai. Chờ thầy cao tay hơn. Ai cũng biết công thức thuốc trị song pha chế ra sao còn tùy.
Thấy thẹn vì chưa xứng đáng với câu:

"Thông minh nhứt nam tử
Yếu vi thiên hạ kỳ"
(Nguyễn Công Trứ)

Vì trước mắt:

"Phải tự chinh phục mình trước khi chinh phục người"
(Vô Danh)

Ý đã cạn. Lai rai món ăn tinh thần đầu năm với anh em phe ta cho vui. Cũng giang rộng tay mời nhiều anh em phe khác cùng tự do thưởng thức. Thà khao mọi người món ăn không ngon còn hơn đóng cửa ăn một mình mang tiếng xấu bụng. Chúc anh em luôn làm ăn phát đạt, mạnh khoẻ và nhất là đoàn kết.

Ngày mùng 2 Tết Quý Mùi (2.2.2003)

Chân thành cảm ơn mọi sự giúp đỡ, góp ý của tất cả các anh em trong quá trình hoàn chỉnh bài này. Bài viết có dùng và cải biên một số văn thơ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du, Tú Xương, Hồ Dzếnh, Hàn Mặc Tử, Trạng Quỳnh, ca dao Việt Nam và nhiều thơ vô danh cùng một số tư tưởng, danh ngôn để phù hợp với ý tưởng bài.
Tác giả chỉ chấp nhận sự phê bình của ai có lương tâm thật sự trong sạch với anh em và ngành nghề của mình.

"Đời tôi để lịch sử xử" (Nhất Linh)

© 2003 talawas




[1]Từ chữ Police ra (thường dùng trước 75)
[2]Tiệm chụp hình nhỏ, nhận hình của khách rồi giao cho tiệm lớn hơn có minilab rọi, lấy tiền lời bằng giá chênh lệch (thường ở ngoại thành hay vùng xa xôi)
[3]Retouch, after-work: dậm vá lại