trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
1.12.2005
Hà Dương Tường
Về ngạch giáo sư đại học Pháp
 

Mọi sự so sánh đều khiên cưỡng

Sau khi đọc bài viết của Nguyễn Đình Đăng trên talawas ngày 26.11.2005, tôi mới tìm đọc bài của Hoàng Lê trên VietNamNet ngày 21.11, và thấy có vài điểm xin được bàn thêm để rộng đường dư luận.

Trước hết, về đại thể, tôi chia sẻ cảnh báo ẩn trong bài viết của anh Đăng về những bài báo có tính chất «tôn vinh» người này, người khác, thường thấy ở báo chí trong nước, trong đó có khá nhiều điều đáng nói. Sự chính xác của thông tin là một trong những điều này. Tuy phải nói cho đúng rằng đó là một vấn đề chung của báo chí, có thể nặng hơn ở những báo chí độc quyền – dù là quyền chính trị như ở Việt Nam hay quyền kinh tế ở nơi khác. Và đôi (nhiều) khi, nạn nhân của những thông tin sai lạc lại chính là những người được (bị) «tôn vinh» đó. Thực ra, bàn về triết lý của những bài báo kiểu đó theo tôi là một đề tài lý thú hơn. Tuy nhiên, bài viết ngắn này chỉ xin tập trung vào vài khía cạnh liên quan tới ngạch giáo sư mà anh Đăng nêu lên nhân bài viết của Hoàng Lê, vì đó cũng là đề tài chính trong bài của anh Đăng.

Anh Đăng đã trích trang web của Bộ Quốc gia Giáo dục Pháp, nhưng tiếc rằng anh lại chỉ lấy trong đó thông tin về lương hướng của hai chức vụ (hay biên chế) «maître de conférences» và «professeur» mà không nói rõ hơn rằng đó là hai chức vụ thường trực (xin tạm dịch chữ «permanent», có lẽ chưa hợp lắm ở đây) duy nhất trong ngạch «cán bộ giảng dạy-nghiên cứu» («enseignant-chercheur») của đại học Pháp [1] , kể từ đạo luật cải tổ giáo dục đại học Pháp cách đây hơn 20 năm. Khác, và do đó không thể so sánh với hệ thống 3 chức vụ «professor», «associate professor» và «assistant professor» của Mỹ.

Vậy thì dịch các chức vụ đó như thế nào, đánh giá tương đương giữa chúng như thế nào, là những vấn đề không đơn giản. Tôi vốn không thích lắm cái cụm từ «phó giáo sư» (họ có là «phó» của ai đâu?) nên chẳng mặn mà gì khi phải dịch «maître de conférences» là «phó giáo sư». Nhưng nếu chỉ so hai hệ thống Pháp – Việt, thì thấy dịch «professeur» là «giáo sư» và «maître de conférences» là «phó giáo sư» có lẽ cũng không sai lắm (trừ khi đã có nghị định của chính phủ là «phó giáo sư» chỉ được phép dịch ra tiếng Anh để tương ứng với «associate professor» của Bắc Mỹ thì lúc đó mới đặt ra vấn đề tương đương giữa ba hệ thống – vấn đề quá tế nhị và vượt sức của người viết bài này) [2] . Còn so trình độ khoa học trung bình mà hệ đại học của hai nước đòi hỏi khi bổ nhiệm một «maître de conférences» (Pháp) và khi phong hàm cho một «phó giáo sư» (Việt Nam) thì… tuỳ!

Tôi chỉ có chút kinh nghiệm ở Pháp [3] nên không dám lạm bàn. Chỉ xin nói thêm mấy thông tin như sau:

Nhà báo Hoàng Lê hơi liều khi khẳng định rằng ở các đại học Pháp, mỗi vị trí PGS hay GS «thường có khoảng 50 đến 100, thậm chí 200 hồ sơ» (chưa kể việc ông đặt ra cái «bằng postdoc » hoặc bày ra cái việc «tính hệ số điểm» các bài báo hay bài trình bày tại các hội nghị, theo kiểu quy định của Bộ Giáo dục Việt Nam). Tỉ lệ chọi này (số hồ sơ cho một vị trí) rất khác nhau giữa các ngành (nhiều ngành tỉ lệ này chỉ là 2, 3, dù là ở các đại học danh tiếng), và cũng rất khác nhau giữa các đại học. Con số HL đưa ra sau đó trong trường hợp của TS Phan Thị Hà Dương («Năm đó, Khoa tin học ĐH Paris 7 cần tuyển 3 PGS mà có tới 100 đơn»), phù hợp hơn với những điều tôi biết qua kinh nghiệm hơn mười năm làm việc xét tuyển cho khoa toán của trường tôi và theo dõi công việc này ở các trường, khoa khác. Đây đã là một tỉ lệ rất cao, một trong những tỉ lệ cao nhất theo tôi nhớ, nhưng chỉ hay xảy ra trong các ngành như toán, tin học những năm gần đây, nhất là ở vài trường danh tiếng, do số sinh viên đeo đuổi cái «nghiệp» nghiên cứu khoa học xuống quá thấp. Vì thế, ít ra trong hai ngành này, đúng là việc xét tuyển rất căng.

Việc xếp thứ tự các ứng viên trong vòng cuối lại thể hiện sự đánh giá khác nhau (căng cũng một phần vì thế!) của các uỷ viên hội đồng xét tuyển về tiềm năng khoa học của ứng viên, so với những dự án, phương hướng nghiên cứu mà các uỷ viên đó muốn phát triển (đối với các ứng viên trẻ vào chức vụ «maître de conférences», có khi tiềm năng này chưa thể hiện trong danh sách những bài báo - vì từ khi bài đưa cho một tạp chí tới lúc bài được đăng, khoảng thời gian khá xa, nhất là ở các tạp chí danh tiếng -, mà ngay trong luận án tiến sĩ). Dĩ nhiên, điều này không mâu thuẫn với việc những ứng viên được chọn thường là trong số những người xuất sắc nhất của đợt tuyển.

Còn số bài báo được đăng cũng rất khác nhau giữa các ngành khoa học, nên không thể có quy định hay «chuẩn» chung cho tất cả các ngành. Trong ngành toán, một ứng viên chỉ có vài ba bài báo nhưng được chọn làm giáo sư ở độ tuổi 30 không phải là hiếm (không chỉ ở Pháp, theo tôi biết). Nói như anh Đăng, rằng «ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản ngày nay không thể có chuyện một người mới 26 tuổi và chỉ với số lượng (chưa nói tới chất lượng) 8 bài báo được đăng (hoặc đang được chờ đăng) lại có thể trở thành phó giáo sư tại một đại học danh tiếng», e chưa phản ánh được thực tế đó. Ít ra, nếu có một ngành mà các trường hợp «tài không đợi tuổi» không quá hiếm, thì đó chính là ngành toán. Mà tài thì chỉ có thể đánh giá qua chất lượng các công trình. Số lượng đôi khi là điều phù phiếm.

Tác giả Hà Dương Tường là Giáo sư toán tại Đại học Công nghệ Compiègne (Pháp)

© 2005 talawas



[1]Tham gia giảng dạy ở các đại học Pháp còn có một số giảng viên theo hợp đồng, trong đó có các «ATER» (assistant temporaire d’enseignement et de recherche) dành cho những người sắp hoặc mới xong luận án tiến sĩ mà chưa có được một vị trí «maître de conférences», và một số giáo viên trung học có bằng agrégé (ngày xưa trong Nam dịch là «thạc sĩ») được tuyển để giảng dạy một số bộ môn ở hai năm đầu đại học. Ngoài ra, còn có những giảng viên có kinh nghiệm về nghiên cứu và phát triển (recherche et développement) ở ngoài đại học, thường được tuyển để giảng dạy một số bộ môn có tính ứng dụng nhiều hơn tính hàn lâm. Tất nhiên, còn có các giáo sư thỉnh giảng được mời từ các viện nghiên cứu, các trường đại học nước ngoài.
[2]Anh Đăng có trích một câu của từ điển mạng wikipedia nói về «maître de conférences», là một biên chế mà nhà khoa học muốn tiếp tục sự nghiệp hàn lâm có thể lấy «sau luận án tiến sĩ hay tốt nghiệp một trường lớn». Câu này sai, vì việc tốt nghiệp một trường lớn không nằm trong tiêu chuẩn về bằng cấp «tiến sĩ hay tương đương» (được xét qua các công trình nghiên cứu) để được bổ làm «maître de conférences». Ví dụ này cho thấy các thông tin trên mạng không phải luôn luôn là chính xác, và việc xử lý các thông tin đó không hề dễ!
[3]Hai nhiệm kỳ làm chủ tịch hội đồng xét tuyển «cán bộ giảng dạy-nghiên cứu» (commission des spécialistes) trong ngành toán ở đại học công nghệ Compiègne. Ở các đại học Pháp, các hội đồng này được lập ra theo các khoa, gồm các giáo sư và «phó giáo sư» của khoa cộng với từ 30 đến 40 % giáo sư được bổ nhiệm từ các trường khác. Hội đồng chỉ xét đơn của các ứng viên đã được một uỷ ban cấp nhà nước (theo chuyên ngành) xét là đủ tiêu chuẩn khoa học cho chức vụ được tuyển. Tiêu chuẩn tối thiểu cho «maître de conférences» là bằng tiến sĩ hoặc tương đương. Nhưng đây không phải là điều kiện đủ. Tiêu chuẩn tối thiểu cho các «professeur» là chứng chỉ có «quyền hướng dẫn nghiên cứu» (habilitation à diriger les recherches), chính thức không phải là một bằng cấp (diplôme), và trình độ thì tương đương với bằng «tiến sĩ nhà nước» (doctorat d’état) nay đã bãi bỏ.