trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Dịch thuật
Loạt bài: 240 năm sinh Nguyá»…n Du (1765-1820)
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12 
7.12.2005
Phạm Tú Châu
Sóng gió bất kỳ từ một bản dịch
 
Gần bốn mươi năm trước đây, trong bối cảnh lịch sử “núi liền núi, sông liền sông” giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như tình hình hữu nghị giữa các nước Á – Phi cần được tăng cường, năm 1958, Giáo sư Hoàng Dật Cầu ở Học viện Sư phạm Hoa Nam tại Quảng Châu đã bỏ nhiều công sức để dịch Truyện Kiều Việt Nam sang Trung văn hiện đại. Sách được đưa vào Tùng thư Văn học Á – Phi và do Nhà xuất bản Nhân dân văn học xuất bản tháng 8 năm 1959.

Trong “Lời nói đầu”, Giáo sư Hoàng có viết:

“Nguyễn Du từ khi tạ thế đến nay đã hơn trăm năm, cuốn thơ trường thiên này (Truyện Kiều, P.T.C chú) vẫn lưu truyền rộng rãi trong quần chúng nhân dân các tầng lớp của cả nước Việt Nam. Cuốn sách là một trong những tác phẩm văn học cổ điển nổi tiếng của Việt Nam, cũng là một tác phẩm lớn ra đời trong sự kết hợp hoàn mĩ giữa văn hóa giữa hai nước Trung – Việt, chẳng khác nào tấm bia kỷ niệm tình hữu nghị về văn hóa giữa hai nước, trước đây và sau này, mãi mãi khắc sâu tình hữu nghị chân thành không thể phai mờ” (tr. 10).

Trong “Lời cuối sách”, Giáo sư Hoàng cho biết thêm:

“Văn học cổ điển Việt Nam và văn học cổ điển Trung Quốc có mối liên hệ cực kỳ sâu sắc, đó là điều ai cũng biết. Song le, nhiều tác phẩm cổ điển nổi tiếng của Việt Nam được rất ít người – thậm chí có thể nói chưa có ai dịch và giới thiệu… Người dịch không quản nông cạn kém cỏi, được sự khuyến khích mạnh mẽ của Phòng Nghiên cứu khoa học Học viện chúng tôi, lại được Giáo sư Trần Văn Cáp và Ban Văn Sử Địa Việt Nam và Giáo sư Đào Duy Anh Trường Đại học Việt Nam gửi tặng cho các bản Kim Vân Kiều, cả cũ lẫn mới, cùng nhiều tư liệu mới nhất, giúp cho người dịch được ung dung học tập để cuối cùng vào mùa thu năm ngoái bước đầu dịch toàn bộ.

Nhưng nên dùng hình thức nào để dịch đây?

Nếu là dịch thơ phương Tây vấn đề này dễ dàng giải quyết. Song đối với tác phẩm cổ điển của Việt Nam mà nói, có hai tình huống khiến chúng tôi phải đắn đo.

Một là, nói chung, tác gia cổ điển Việt Nam đều tinh thông văn học Trung Quốc, rèn luyện rất sâu trong văn hóa Trung Quốc. Họ tiếp thu di sản văn học phong phú của Trung Quốc rồi chuyển qua dùng tiếng Việt (chữ Nôm) mà sáng tác. Mặc dù trong tác phẩm có sắc thái dân tộc và cách luật nhất định nhưng chúng ta vẫn có thể thấy dấu ấn sâu sắc của văn học Trung Quốc.

Hai là, chữ Nôm Việt Nam về cơ bản dựa vào Lục thư của Trung Quốc mà sáng tạo nên, một chữ một âm, tương tự với thơ chữ Hán về mặt cách luật. Hơn nữa các tác gia cổ điển Việt Nam có bề dầy tu dưỡng về văn học Hán văn, tất nhiên nhiều câu qua thôi xao trong thơ, từ, khúc có sẵn của Trung Quốc được vận dụng, đã dung hợp có lựa chọn và được dệt một cách thành thạo vào tác phẩm thơ của họ…

Vì vậy, để kết hợp với đặc trưng trên đây, để giữ được phong cách của nguyên tác, trong khi tiến hành dịch, người dịch sơ lược định ra mấy thể lệ như sau:

  1. Đối với câu chữ Hán văn vốn có trong bản chữ Nôm, cố gắng hết sức giữ nguyên dạng (chẳng hạn câu 17: “Mai cốt cách, tuyết tinh thần”; câu 189: “Sương in mặt, tuyết pha thân” của nguyên thi).

  2. Khi tác giả vận dụng thơ và từ Trung Quốc, do hạn trong thể lục bát nên thường có tình hình thêm, bớt đối với câu nguyên có; khi dịch, người dịch cố gắng hoàn nguyên một cách thích đáng (chẳng hạn câu 1231 dẫn thơ Tiết Đào, câu 2030 dẫn thơ Ông Đình Quân đều có tình hình này. Câu thơ Ôn Đình Quân trong bản chữ Nôm là “Tiếng gà điếm nguyệt, dấu giầy cầu sương” đã được bớt đi hai chữ, ngoài ra tương tự như thế cả).

  3. Nguyên thi gồm hơn ba ngàn dòng liền thành một mạch. Để cho chia đoạn được phân minh, liên tiếp khít khao, ở chỗ nối tiếp của các đoạn, người dịch dùng thêm những từ “truyện rằng, “lại nói”… để dẫn sang đoạn khác, nhằm tránh lỗi rời rạc về kết cấu.
Vì tác phẩm cổ điển Việt Nam chưa từng có bản dịch ra chữ Hán [1] nên không có được sự vay mượn đáng kể. Về mặt thể tài, người dịch chỉ là cố gắng theo cho kịp nên đã dùng hình thức xướng tụng gần gũi với nguyên thi, hy vọng về cơ bản đạt tới mức có từ ngữ và vần điệu riêng có ở văn học cổ điển. Còn như những chỗ cực vi diệu khúc chiết của nguyên thi, đương nhiên chưa có khả năng thực hiện việc truyền đạt như thật được” (tr. 155 - 156).

Sự nghiêm túc, thận trọng của dịch giả Hoàng Dật Cầu còn đạt tới mức: “Sau khi bản dịch bước đầu hoàn thành, người dịch đã nhân thành nhiều bản, chia ra nhờ nhiều đồng chí Việt Nam và nhiều đồng chí làm công tác khoa học về văn, sử của Việt Nam ở trong nước góp ý kiến. Người dịch đã dựa vào những chỉ giáo quý báu lần lượt nhận được đó để tiến hành sửa chữa. Người dịch còn được một vài lưu học sinh Việt Nam bậc cao… ở Quảng Châu, trong lúc bận rộn vẫn dựa vào nhiều loại văn bản để đối chiếu sửa chữa từng câu từng rất tỉ mỉ cho bản dịch của tôi. Tình hữu nghị quốc tế thật là đáng quý” (“Lời cuối sách”, tr. 157).

Trong “Lời tựa” cho bản dịch nói trên, cụ Bùi Kỷ lúc bấy giờ là Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Trung, sau khi đọc kỹ cũng nhận xét: “Hoàng tiên sinh với nghị lực kiên quyết và nhiệt tình nồng hậu đã dùng nhiều công phu mà nên được bản dịch này, làm cho giới văn nghệ Việt Nam thêm rạng rỡ, cung cấp cho giới văn nghệ Trung Quốc một tư liệu tham khảo mới, nhất là đối với vấn đề giao lưu văn hóa Trung- Việt có cống hiến nhiều lắm… Tác phẩm của Hoàng tiên sinh dịch ra, Trung mà Việt, Việt mà Trung, chẳng khác nào động, tĩnh mạch trong cơ thể con người tuần hoàn không nghỉ, nhất khí lưu thông, khiến cho tôi cảm nhận được mối nhân duyên lớn và mật thiết giữa văn tự hai dân tộc, mà tình hữu nghị của hai nước đang có ý nghĩa lớn, càng đi sâu, càng kết càng vững” (tr. 1).

Kể từ đấy, bản dịch Truyện Kim Vân Kiều ra Trung văn sóng im gió lặng lưu hành ở hai nước Trung – Việt cho tới đầu những năm 60 rồi hầu như chìm vào quên lãng trong hai chục năm tiếp theo. Cho tới năm 1986, sóng gió bất kỳ bắt đầu nổi lên từ bài viết “So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam” của nhà nghiên cứu Đổng Văn Thành gồm phần I và phần II đăng trên Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng, tập 4 (1986) và tập 5 (1987), do Xuân Phong văn nghệ xuất bản. Gần đây, bài viết với hai phần trên đã được tác giả Đổng Văn Thành tập hợp trong cuốn Thanh đại văn học luận cảo (tập bài viết bàn về văn học đời Thanh) của ông và do Xuân Phong văn nghệ xuất bản năm 1994.

Trong bài viết gồm hai phần nói trên, tất cả luận điểm và ý kiến đánh giá Truyện Kiều của Nguyễn Du, từ số phận tác phẩm, nhân vật, cốt truyện, tư tưởng chủ đề cho chí nhiều chi tiết khác về nghệ thuật, về kiến thức, học vấn… đều được rút ra từ kết quả so sánh giữa Kim Vân Kiều truyện bằng văn xuôi với bản dịch Truyện Kiều ra Trung văn hiện đại của Giáo sư Hoàng Dật Cầu. Một người thì vì niềm say mê học thuật, muốn phát hiện ra một điều gì đó mới mẻ, một người thì vì tình cảm nồng nhiệt đối với Việt Nam, muốn cho đông đảo bạn đọc Trung Quốc biết đến Truyện Kiều nổi tiếng, nhưng kết quả thì trái ngược hẳn lại với lòng mong muốn của cả hai. Các bạn đều có điều kiện đọc toàn văn bản dịch bài viết của ông Đổng Văn Thành ắt sẽ thấy nếu chỉ dựa trên bản dịch một tác phẩm để tiến hành nghiên cứu, bình giảng, bình luận về tác phẩm đó, hoặc nếu không thật am hiểu ngôn ngữ của nguyên tác định dịch thì dù xuất phát từ tình cảm tốt đẹp như thế nào đi nữa, kết quả đạt được có khi trở thành “yêu nhau mà lại bằng mười phụ nhau!”.

Trong bài viết với đầu đề “Đọc Truyện Kiều – bản Trung văn” (báo Văn nghệ số 44, ra ngày 3–11-1990), chúng tôi đã đề cập sơ qua một vài chỗ bất ổn trong bản dịch của Giáo sư Hoàng Dật Cầu. Ở bài viết này, chúng tôi nêu hầu hết những chỗ bất ổn của bản dịch nói trên dẫn tới những lầm lẫn trong phê bình của ông Đổng Văn Thành ở cả phần I và II của bài nghiên cứu so sánh. Còn những lầm lẫn khác trong bài phê bình bắt nguồn chủ yếu ở chỗ tác giả bài viết đánh đồng sáng tác với dịch, đánh đồng hai thể loại khác hẳn nhau là thơ và văn xuôi, không đếm xỉa gì đến đặc điểm bút pháp nghệ thuật của chúng thì chúng tôi xin dành cho một bài viết khác. Theo trình tự ý kiến phê bình, bản dịch Truyện Kiều ra Trung văn gồm những sai sót như sau:


1.

Trăm năm trăm cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Lạ gì bỉ sắc tư phong,
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.

Sáu câu mở đầu Truyện Kiều trên đây được dịch thành:

Nhân sinh bất mãn bách,
Tài mệnh lưỡng tương phương.
Thương tang đa biến ảo,
Xúc mục sự kham thương.
Bỉ sắc tư phong, nguyên vô túc dị,
Hồng nhan thiên đố, sự diệc tầm thường.

(Đời người không đầy trăm năm,
Tài mệnh ngáng trở nhau.
Biển dâu nhiều biến ảo,
Mắt thấy việc mà thương.
Bỉ sắc tư phong vốn không đáng lạ,
Hồng nhan trời ghét, việc cũng tầm thường.)

Để dịch chữ “quen thói”, dịch giả đã dùng hai chữ “tầm thường” mà trong Trung văn có nghĩa “bình thường”, “thông thường” (thường xảy ra, đồng thời còn để hiệp vần với “phương” ở những câu trên. Nhưng “tầm thường” còn có nghĩa là nhỏ mọn bởi “tầm” là đơn vị đo lường cổ xưa, bằng 8 thước ta và thường gấp đôi tầm, bằng 16 thước ta, tức 1 trượng 6 (khoảng 5 mét chiều dài); “bình thường” (thông thường) cũng có nghĩa khác mang ý xấu, không tốt, rất hay được dùng trong nhận xét lý lịch của cấp chủ quản với cấp dưới hoặc nhận xét về nhau – “thanh danh bình thường” có nghĩa là thanh danh rất có vấn đề. Bởi vậy “quen thói” mà dịch là “tầm thường” là rất không ổn. Chính hai chữ “tầm thường” này đã là cái cớ để cho ông Đổng Văn Thành phê bình Nguyễn Du là “đối với bi kịch của người phụ nữ rất lạnh nhạt, bảo đó chẳng qua việc cũng “tầm thường”.


2.

Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan,
vô duyên là phận hồng nhan đã đành (câu 2660)

Một mình mình biết, một mình mình hay (câu 2674)

Chị sao phận mỏng đức dày (câu 1715)

Năm câu này được dịch là:

Thúy Kiều thông minh tuyệt u lân,
Hồng nhan bạc mệnh thiên chú tựu.

(Thúy Kiều thông minh không ai bằng,
Hồng nhan bạc mệnh trời định sẵn.)

Đoan vị đa tình chiêu họa,
Đa tài thức dã chiêu oán hưu.

(Nguyên vì đa tình mà chuốc họa,
Tài nhiều biết lắm cũng chuốc oán lo.)

Nhĩ bạc mệnh tài cao

(Chị mệnh bạc tài cao)

Thúy Kiều vốn rất thông minh (“Thông minh vốn sẵn tính trời”, câu 26) nhưng trong lời sư Tam Hợp, bà chỉ nói nàng “sắc sảo khôn ngoan”. Vẫn biết sắc sảo khôn ngoan quá mà vô duyên đủ kiểu. Nhưng sắc sảo không mà dịch thành “thông minh tuyệt luân” thì khoảng cách với nguyên nghĩa đã xa; đến câu “Một mình mình biết, một mình mình hay” mà dịch thành “Đa tài thức dã chiêu oán ưu” thì khoảng cách xa tít mù đến mức không còn thấy bóng dáng của nhau nữa. Chắc hẳn dịch giả đã hiểu “biết” và “hay” ở câu này là tài năng và kiến thức, còn “một mình” là không ai bằng được do đó dịch thành “đa”. Còn “dã chiêu oán ưu” là dịch giả thêm vào để cho chữ “ưu” hiệp vần với “tựu” ở câu trên. Riêng chữ “đức dày” ở câu 2715 thì chúng tôi chịu không hiểu được vì sao dịch giả lại dịch thành “tài cao”. Tài và đức có khi thống nhất với nhau ở một con người nhưng không vì thế mà dịch “đức” thành “tài” được. Một loạt những “thông minh tuyệt”, “đa tài thức”, “tài cao” trong đoạn dịch này là cái cớ cho nhà phê bình họ Đổng khẳng định “động cơ sáng tác” của Nguyễn Du là chỉ “nhằm phát tiết nỗi phẫn uất bất bình với việc có tài mà không gặp thời của mình”, và “chỗ nào ông cũng cho thẩm thấu quan niệm của mình vào”, làm nhỏ hẳn, thấp hẳn chủ đề mang ý nghĩa xã hội lớn lao của nguyên tác.


3.

Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi.
Râu hùm, hàm én, mày ngài,
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.
Đường đường một đấng anh hào,
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

Đội trời, đạp đất ở đời,
Họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông.
Giang hồ quen thói vẫy vùng,
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo (câu 2166 - 2174)

Sang bản dịch Trung văn, đoạn trên đây thành:

Hữu nhất biên cương khách nhân, hốt nhiên lai câu lan du đãng.
Tha sinh đắc hổ tu, yến hàm, tàm mi,
Khoát kiên bàng, thể mạo hiên ngang,
Hùng tư anh phát,
Tinh thông quyền côn, cánh kiêm tài lược cao cường.
Đính thiên lập địa nam tử hán,
Tha danh hoán Từ Hải, nguyên lai Việt Đông sinh trưởng.
Tha quán tại giang hồ gian, tứ ý lưu lãng,
Bán kiên cầm kiếm, nhất bả tương, phiêu quá cao sơn dữ hải dương.

(Có một người khách biên cương, bỗng tới cầu lan du đãng,
Người ấy râu hùm, hàm én, mày ngài.
Vai rộng, thể mạo hiên ngang,
Dáng vẻ anh hùng toát lên,
Tinh thông quyền côn, càng thêm tài lược cao cường.
Đội trời đạp đất trang nam tử.
Tên gọi Từ Hải, vốn ở Việt Đông sinh trưởng.
Quen ở chốn giang hồ, mặc tình lưu lãng,
Nửa vai đàn kiếm, một mái chèo, vượt qua núi cao với hải dương).

Trong đoạn trên đây, có mấy chữ dịch rất không đạt, dễ gây hiểu lầm: “sang chơi” dịch thành “du lãng”, “vẫy vùng” dịch thành “lưu lãng”. Dùng “du” để dịch “sang chơi” là đủ ý, nhưng dịch giả phải dùng “du lãng” cho vần với “ngang”, “cường”, “trưởng”, “đương” ở những câu tiếp theo. Bởi vậy Nguyễn Du mới bị phê bình là tới ngọn bút của ông, “bậc anh hào thảo dã Từ Hải ôm chí lớn ngút trời bị thay đổi thành võ sĩ giang hồ lưu lãng khắp nơi… Ở đây ra sức nói về quãng đời lưu lãng của Từ Hải rõ ràng có liên quan tới quãng đời 15 năm lưu lãng của Nguyễn Du ở tỉnh Thái Bình”.

Về uy thế áp đảo tuyệt đối quân đội triều đình của Từ Hải, bản Trung văn dịch cũng không đạt. Mặc dù dịch giả đã chuyển hầu hết ý trong nguyên thi sang bản dịch song ông không thể nào làm cho bạn đọc ta có được cảm giác khoái trá như bạn đọc Việt Nam khi đọc đoạn sau đây trong bản Truyện Kiều của Nguyễn Du:

Thừa cơ trúc chẻ ngói tan,
Binh uy từ ấy sấm vang trong ngoài.
Triều đình riêng một góc trời,

Gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà.
Đòi con gió quét mưa sa,
Huyện thành đạp đổ năm tòa cõi Nam.
Phong trần mãi một lưỡi gươm,
Những phường giá áo túi cơm sá gì! (câu 2439 - 2446)

Nếu dịch giả am hiểu tiếng Việt, hẳn sẽ thấy câu dịch “Chiến quả liên miên” không gây ấn tượng mạnh mẽ bằng “trúc chẻ ngói tan” bởi đã bỏ mất hình tượng sinh động. Những câu tiếp theo như “Khí tượng vạn nghìn” để dịch “Đòi cơn gió quét mưa sa”; “Phong trần lắm chuyện, gươm báu cầu vồng” (“Phong trần đa sự, bảo kiếm như hồng”) để dịch “Phong trần mài một lưỡi gươm” cũng mắc nhược điểm tương tự. Chính vì lẽ đó, ông Đổng Văn Thành mới đi đến nhận xét: “Dưới bút Nguyễn Du, ưu thế áp đảo tuyệt đối quân đội triều đình của Từ Hải giảm nhẹ rất nhiều”.


4.

Họ Chung có kẻ lại già
Cũng trong nha dịch lại là từ tâm.
Thấy nàng hiếu trọng tình thâm,
Vì nàng nghĩ cũng thương thầm xót vay.
Tính bài lót đó luồn đây,
Có ba trăm lạng việc này mới xuôi (câu 607 - 612)

Giáo sư Hoàng Dật Cầu dịch đoạn trên như sau:

Hữu nhất cá tính Chung lão lại, lão luyện thâm trầm,
Tuy thị nha dịch, dãn bỉnh từ tâm.
Thể lượng tha chí tình trọng hiếu,
Bất cấm lân mãn thâm thâm.
Tha ám trung an bài biện pháp,
Sách ngâm tam bách, tác vi kết án phạt kim (câm).

(Có một viên lại già họ Chung lão luyện thâm trầm,
Tuy cũng nha dịch nhưng có từ tâm.
Thông cảm nàng chí tình trọng hiếu,
Bất giác thương xót hết lòng.
Bèn ngầm thu xếp biện pháp,
Đòi ba trăm lạng bạc làm tiền phạt kết thúc vụ án.)

Hai câu “Tính bài lót đó luồn đây, Có ba trăm lạng việc này mới xuôi” mà dịch thành “Bèn ngầm thu xếp biện pháp, Đòi ba trăm lạng bạc làm tiền phạt để kết thúc vụ án” là đã bỏ mất nhiều ý hay và hình tượng quan trọng, làm sai lạc cả nội dung nguyên thi. Ngoài ra, cũng trong phần này, dịch giả dịch “Trong tay đã sẵn đồng tiền” chỉ chung giới “cầm cân nảy mực” tham nhũng thành “Vạn quan tiền giắt lưng” (“Vạn quan yêu triền”) chỉ kẻ giàu có khiến người phê bình hiểu câu này nói riêng Mã Bất Tiến (Mã Giám Sinh) mà thôi. Chính vì dựa vào mấy câu dịch này mà người phê bình lớn tiếng chỉ trích Nguyễn Du “giữ thể diện cho quan lại phong kiến”, và “đứng trên lập trường quan lại phong kiến mà cắt bỏ nội dung chống tham quan ô lại của nguyên tác”.


5.

Bản dịch Trung văn còn có một số sơ xuất khác khiến người phê bình cũng sai theo:

  1. Bản dịch “mây Tần” (“Mây tần khóa kín song the”, câu 249) thành “mây lầu Tần” và đến người phê bình chỉ còn lại hai chữ “lầu Tần”. “Mây Tần” theo Từ điển Truyện Kiều cùng nhiều bản chú giải khác, dùng chỉ người đẹp, còn “lầu Tần” là tên gọi khác của kỹ viện. Lỗi dịch này khiến người phê bình chê Nguyễn Du: “Dùng lầm “lầu Tần” chỉ nhà chứa để chỉ khuê phòng của Thúy Kiều”.

  2. Câu “Tháng tròn như gửi cung mây, Trần trần một phận ấp cây đã liều” (câu 327 - 328) được dịch là “Cảnh cảnh thử tâm”, “Thủ chu đãi thố cảm từ si tưởng” (Lòng này chăm chăm, Đâu dám từ bỏ ý nghĩ si ngây ôm cây đợi thỏ). Theo Từ điển Truyện Kiều, “ấp cây” là ôm cột theo điển Vi Sinh hẹn gặp một cô gái ở dưới cầu. Cô gái không đến, Vi Sinh vẫn cứ ôm cột cầu đợi, mặc nước dâng đến nỗi chết đuối. “Ấp cây” không phải là ôm cây trong thành ngữ “Ôm cây đợi thỏ” tương đương với thành ngữ “Há miệng chờ sung” của Việt Nam. Thiếu sót này của bản dịch khiến người phê bình tưởng đâu Nguyễn Du hổng về kiến thức, nên đã “lầm lẫn về mặt vay mượn thơ từ cổ điển Trung Hoa”.

  3. Câu “Cứ lời lạy xuống mụ thì khấn ngay” (câu 940) được dịch thành “Dã tùy thanh quy hạ, thính môi bà đê thanh kỳ nhương” (Theo tiếng quỳ xuống, nghe bà mối thì thầm khấn khứa). “Mụ” trong câu này chỉ Tú Bà, không hiểu sao người dịch lại hiểu là “bà mối”, vì vậy cái lầm của bản dịch được quy thành cái lầm của Nguyễn Du.

  4. Câu “Dầu em nên vợ nên chồng” (câu 737) được dịch thành “Tha nhật lý đại đào cương, kết thành phu phụ” (Mai sau mận chịu tội thay đào, kết thành chồng vợ) cũng gây nên những lời phê bình không đáng có.
Trên đây là một số lầm lẫn của bản dịch mà trong bài viết của mình, người phê bình tưởng là của Nguyễn Du nên lên tiếng phê phán chê trách. Ngoài ra, bản dịch còn có nhiều lỗi dịch khác không thể bỏ qua. Sau đây là một vài chỗ:

  • Câu “Một lời đã biết đến ta, Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau” (câu 2203 - 2204) mà dịch thành “Phiến ngôn đạo pha”, “Ngã ủng hữu vạn chung thiên thặng, tận khả cộng hưởng vinh hoa” (Một lời nói toạc, Ta có vạn chung ngàn cỗ ngựa, khá cùng nàng hưởng hết vinh hoa) thì quả là đã bỏ mất một ý hay của truyện Nôm.

  • Câu “Tông đường chút chửa can lòng. Cắn răng bẻ một chữ đồng làm hai” mà dịch thành “Duy bởi trung niên mà không có con trai, lẽ đáng cùng nàng ly hôn” (“Duy thị trung niên vô tử, “Lý ưng hòa nhĩ ly hôn”). Tuy ngược với lỗi kể trên là thêm cho nguyên thi ý “trung niên” (đứng tuổi) nhưng cùng có điểm yếu chung là quá nôm na, làm mất hết chất thơ của nguyên thi.

  • Câu “Đào tiên đã bén tay phàm, Thì vin cành quýt cho cam sự đời” được dịch thành “Đào tiên giống quý không ai biết, Chẳng chuộng đào tiên chuộng cam quýt” (“Tiên đào giai chủng vô nhân thức, Bất ái tiên đào ái cam quýt”). Người dịch chú thích: “Đây là ngạn ngữ Việt Nam để nói trong xã hội, người nhận biết được thật giả không nhiều, có thể làm giả để lừa gạt” (sđd, tr. 149). Người phê bình cũng viết: “Câu ngạn ngữ Việt Nam này hình dung con người ta không phân biệt được thật giả, người Mã Giám Sinh bịp bợm, cho rằng dễ lừa bịp được người đời”… Ý chung của cả hai câu không có gì khó hiểu, mà chỉ khó hiểu ở nghĩa của chữ “quýt“ và xuất xứ của nó.
Cụ Đào Duy Anh giải thích: “Quýt là cây quýt… Tô Đông Pha có câu thơ: “Lão nhân du hí như nhi đồng, Bất chiên mai chi chiết quất chi” (Ông già chơi đùa như trẻ con, Không bẻ cành mai mà lại bẻ cành quýt), có ý chê ông già không đứng đắn mà còn chơi gái (Từ điển Truỵên Kiều, tr. 322).

Ông Nguyễn Quảng Tuân giải thích: “Theo chúng tôi nghĩ thì quýt là trái rất ngọt nên tục ngữ có câu “Mê quýt lầm chanh”. Vịnh quả quýt, cây quýt, Lương Giản Văn đế có câu: “Phan chi chiết phiêu cán, cam chỉ nhược quỳnh tương thủy” (Vin cành ngắt nhánh cao, ngon ngọt tựa nước quỳnh tương). Như thế thì vin cành quýt là để hưởng trái ngon ngọt, đúng được với ý câu thơ của Nguyễn Du” (Truyện Kiều, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1995, tr.129).

Hai cách giải thích trên đây mỗi bên một vẻ nhưng vẫn chưa làm rõ được vì sao đang nói “đào” lại chuyển sang “quýt”, vì vậy có người cho “quýt” không phải là cây quýt mà có nghĩa là “tít”: cành quýt là cành cao tít, cao nhất. Dù còn mắc ở chữ này thì xưa nay cũng không có cách hiểu nào, cách dịch nào như cách của bản dịch Trung văn cả.

Những chỗ dịch không đạt, thậm chí dịch hỏng, gây hiểu lầm tai hại như trên có quá nhiều trong bản dịch Trung văn. Trong phần thơ được dẫn trong bài nghiên cứu so sánh còn có: “Công danh khoái tiệp phi thường” (Công danh chánh chóng phi thường) để dịch “Công danh ai dứt lối nào cho qua” (câu 2496); “Lân cư thế hảo” (Hàng xóm nhiều đời giao hảo) để dịch “Chung quanh vẫn đất nước nhà” (câu 153); “Phá tằng hà tu tái cố, Phanh khước thử sinh hoàn trái, tĩnh đãi tử vong” để dịch “Dẫu sao bình đã vỡ rồi, Lấy thân mà trả nợ đời cho xong” (câu 1195); “Tạo hóa tiểu nhi tác lộng, Chỉ vị liễu bạc cụ tư dung, thụ tận thiên trùng ma chướng” (Hóa nhi trêu cợt, Vì có chút nhan sắc mà phải chịu nghìn trùng ma chướng) để dịch “Hóa nhi thật có nỡ lòng. Làm chi giày tía vò hồng lắm nao!” (câu 1129)… Giở hú hóa trang nào trong bản dịch, chúng ta cũng có thể thấy có những lỗi dịch tương tự. Câu “Trông nàng chàng cũng ra tình đeo đai” (câu 1064) được hình thành “Tha dĩ ái thượng giá vị kiều mỵ đích cô nương” (Chàng đã đâm yêu cô gái kiều mỵ đó); câu “Đề huề lưng túi gió trăng” (câu 137) được dịch thành “Bối trước phong nguyệt hành nang” (Đeo túi gió trăng trên lưng…)

Truyện Kiều được chuyển thể từ tiểu thuyết Trung Quốc, mượn nhiều chữ nghĩa Trung Quốc. Nay do chính người Trung Quốc chuyển trở lại sang Trung văn, thế mà dịch giả còn không nhớ “lưng túi gió trăng” xuất xứ từ “bán nang phong nguyệt” trong thơ văn cổ Trung Hoa? Điều này khiến chúng tôi ngờ rằng dịch giả không am hiểu tiếng Việt hoặc vốn tiếng Việt của ông chưa đủ để dịch một tuyệt tác bằng ngôn ngữ tiếng Việt như Truyện Kiều. Trong bản dịch, ông có ghi rõ dựa theo bản Kim Vân Kiều của Éditons Alexandre de Rhodes, Hà Nội, 1942. Tiếc rằng cho đến nay, chúng tôi chưa tìm ra bản đó. Ở Thư viện Quốc gia Hà Nội có hai bản Kim Vân Kiều Éditions Alexandre de Rhodes nhưng đều in năm 1944: bản kí hiệu M. 16932 in xong ngày 20 Mai 1944; bản kí hiệu M.17193, Dexième édition, in xong ngày 23 Décembre 1944. Người viết „Lời nói đầu“ và có lẽ cũng là người dịch đề tên tắt M. R dịch ra tiếng Pháp bám sát nguyên thi từng câu một nhưng theo lối dịch nghĩa chứ không phải thành thơ và không kèm theo phần phiên âm Nôm ra tiếng Việt. Câu “Tông đường chút chửa cam lòng”, “Cắn răng bẻ một chữ đồng làm hai” được dịch là: Mais, envers l’autel des ancêtres, il, me restail un remords [2] , et, grincant des dents, j’ai du rompre en deux le caractère Union (tr. 110).

Câu “Đề huề lưng túi gió trăng”, dịch giả người Pháp cũng hiểu rõ chữ “lưng” (nhưng tiếc lại hiểu sai “gió trăng”) và dịch là: Tenant des sacs pas très remplis, légers comme vent et rayon de lune [3] . Như vậy không rõ bản Kim Vân Kiều Editions Alexandre de Rhodes năm 1942 ấy có ảnh hưởng nào đó đối với bản dịch Trung văn hay không.

Với tình cảm yêu mến nhiệt thành đối với Việt Nam và văn học Việt Nam, Giáo sư Hoàng Dật Cầu bằng nhiều bài nghiên cứu về văn thơ cổ Việt Nam cũng như về Nguyễn Du, đã thiết thực góp những nhịp đáng kể cho chiếc cầu nối tình hữu nghị giữa hai nước Trung – Việt. Dịch Truyện Kiều cũng là nhằm mục đích đó. Nhưng cũng có khi vì tình hữu nghị, nhiều vấn đề tế nhị về mặt chất lượng khoa học có thể cũng được phát biểu một cách tế nhị như thế. Chúng tôi đồ rằng cụ Bùi Kỷ đã thấy trước chất lượng dịch của bản Trung văn này nên trong vài Tựa cụ có nói “cung cấp một tư liệu tham khảo mới cho giới văn nghệ Trung Quốc”. Cụ không ngờ rằng ba chục năm sau, Truyện Kiều Trung văn lại được coi ngang như chính bản để tiến hành nghiên cứu so sánh, khiến cho kết quả rút ra đi ngược với mong muốn của chính dịch giả cũng như người viết Tựa là “làm rạng rỡ thêm cho giới văn nghệ Việt Nam”.

Sau năm 1990, tôi vốn không định viết thêm về chất lượng bản dịch Truyện Kiều ra Trung văn bởi xưa nay tôi vẫn tôn kính học giả hết lòng vì Việt Nam như Giáo sư Hoàng Dật Cầu. Nhưng gần đây tôi lại được biết nhiều sinh viên, cử nhân, nghiên cứu sinh Trung Quốc khi viết luận văn về Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân vẫn tham khảo bài nghiên cứu so sánh của ông Đổng Văn Thành ấy để đưa vào mục “Ảnh hưởng của Kim Vân Kiều truyện đối với Việt Nam”. Tất nhiên những luận điểm chính của bài đó vẫn được trích dẫn, chẳng hạn vẫn là “mượn câu chuyện trong Kim Vân Kiều truyện để kí thác nỗi cảm khái về hữu tài vô mệnh, để phát triển nỗi phẫn uất bất bình có tài mà không gặp thời của mình, đối với bi kịch của phụ nữ mà không có cảm thụ gì mạnh mẽ” (Luận văn Thạc sĩ của cô Vương Thiên Nghi, Phòng Nghiên cứu văn học Trung Quốc, Trường Đại học Đông Hải, Đài Loan, 1989, tr. 174 - 175).

Chính vì vậy mà có bài viết này.



[1]Trong Thư viện Hán Nôm có ba bản dịch chữ Hán có từ lâu.
[2]Le remords de n’avoir pas encore le fils pour le culte familial, et la conséquence de remords: l’ obligation de continuer à vivre avec sa femme.
[3]Le mince bagage du lettré en voyage, qui prête peu d’attention aux questions matérielles
Nguồn: Công bố lần đầu trên Tạp chí Văn học nÆ°á»›c ngoài, số 5, 1997, in lại trong Hai trăm năm nghiên cứu bàn luận Truyện Kiều, Nxb. Giáo dục, Hà Ná»™i 2005, tr. 1583 – 1593