trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
26.12.2005
Lý Đợi
4 lí do để xem bài của Trúc Linh là không đáng trả lời
 
Bài "Nhóm Mở Miệng với thứ rác rưởi được gọi là thơ" của Trúc Linh trên trang 3, báo CATP ngày 22.12.2005
Sau khi bài của Trúc Linh in trên báo Công an TP. HCM (CATP), định viết một bài trả lời, nhưng khi đọc kĩ lại, tôi thấy có mấy lí do để không cần phải trả lời, nên đây không phải là bài mà tôi viết để trả lời:


1.

Báo CATP (hay bất kì tờ báo nào) cũng thường/và phải thiếu chuyên môn trong một số lĩnh vực, nhưng (báo CATP) lại thích chen chân vào quá nhiều, nên thường nhìn mọi vấn đề chỉ với con mắt của nhà hình sự. Mà ai cũng biết, ngoài đời sống, có hàng tỉ cách nhìn khác nhau, và cách nhìn của nhà hình sự chỉ là ăn theo cách nhìn của đời sống, của nhiều nhà chuyên môn khác, trong đó có các nhà làm luật. Cho nên, dù là nhà hình sự, thì nhìn một vấn đề nào, cũng cần có chứng cứ và sự đồng bộ. Vậy mà khi viết bài, Trúc Linh cứ ngang nhiên viết một câu như: "Họ tự nhận rất thèm khát được nổi tiếng với tư cách 'thi sĩ', song tài thơ... hơi bị thiếu nên phải dùng đến những trò thô bỉ nhất để gây chú ý trong dư luận. Khi bị ai đó trách mắng, khinh bỉ vì những trò quái gở, bệnh hoạn, các nhân vật trong 'trường phái mới' này lại đắc thắng, hãnh diện". Họ ở đây là chúng tôi, chúng tôi "tự nhận rất thèm khát", "đắc thắng", "hãnh diện" ở đâu, và bao giờ, sao không có dẫn chứng cụ thể. Chẳng lẽ với logo là báo CATP rồi thì muốn nói gì thì nói sao? Đó là chưa kể, chúng tôi đâu nhận mình là thi sĩ, và cũng không nhận rằng mình đang làm thơ (đọc bài: "Thơ và chúng tôi không làm thơ"). Ngoài ra, cũng có vài chi tiết sai hoặc xuyên tạc trong một bài viết rất ngắn. Ví dụ Rich Trần, một giảng viên thỉnh giảng về nghệ thuật thị giác của Đại học Mỹ Thuật TP. HCM, thì dính dáng gì vào đây? Rồi cả chuyện bài thơ “(N)ép)”, nhóm Mở Miệng làm gì có bài thơ này? Hay cả câu: "Đáng nói hơn, giữa tháng 6-2005, Lý Đợi và Bùi Chát còn đòi làm 'đại diện của thơ trẻ Sài Gòn' đứng ra nói chuyện về thơ tại Hà Nội". Viện Goethe mời đích danh 2 chúng tôi, như là 2 đại diện của Mở Miệng, chứ họ đâu có mời đại diện của thơ trẻ Sài Gòn. Thông tin này có đăng tải chính thức trên một số websites. Phân biệt giữa vị trí khách mời, với vị trí của kẻ "kêu đòi", "biểu tình" cũng không được thì làm sao mà viết báo, chưa nói là viết báo về những vấn đề vốn cần nhiều chuyên môn để minh chứng, thiết phục và tranh luận, như văn học.


2.

Lí do thứ hai. Vậy thì Trúc Linh viết bài này vì mục đích gì? Hẳn nhiên không phải vì "tiếng Việt" và "tâm hồn người đọc" như đoạn kết mà tác giả này đã hùng hồn tuyên bố. Bởi ngôn ngữ (và thơ ca, văn chương) là đời sống. Nó phải trải qua và phải chịu những áp lực về "lây nhiễm", sinh sôi và đào thải là tất nhiên, là tự nhiên, đâu cần và đâu thể những cá nhân như Trúc Linh mà lo hết được. Chính đời sống sinh ra ngôn ngữ và các cuốn từ điển, chứ không phải các cuốn từ điển sinh ra đời sống. Rất nhiều kẻ giống Trúc Linh, rất cứng nhắc, cái gì cũng tra từ điển, mà thường là thứ từ điển phổ thông, lạc hậu, hoặc quá dỏm, làm sao tra được. Ví dụ, khoảng những năm đầu thập niên 80, tra từ "computer" (mà một số bài báo chuyên ngành vi tính lúc ấy đề cập) trong các từ điển Anh-Việt phổ thông in trước 1985 tại Việt Nam thì làm sao tìm ra. Năm 1981 từ này mới chính thức vào từ điển của Oxford với nghĩa là "máy vi tính" như ngày nay, năm 1986 mới có vài cuốn từ điển Anh-Việt tại Việt Nam đề cập tới… Một tựa đề quá đơn giản như “(N)ép)” mà còn không hiểu, không tra cứu được thì làm sao nói tới chuyện phân tích, chứng minh những vấn đề phức tạp, trừu tượng và siêu hình? Cho nên có thể nói rằng Trúc Linh viết bài này không phải vì "lương tâm" mà vì "lương tháng" hay vì một "đơn đặt hàng" nào đó, nhằm khẳng định lại sự độc quyền về ngôn luận, thẩm mĩ và tư tưởng, vốn xưa nay đã độc quyền. Cho nên bài viết cứ ngang nhiên phán xét, vu khống, xuyên tạc thẳng đuột một lèo, không cần dẫn chứng hay chứng minh gì cả. Nên dù nhìn từ góc độ nào, thì đây vẫn là bài viết không thành công, vì nó lạc đề từ đầu đến cuối, cái ý định minh chứng cho luận điệu: "Nhóm Mở Miệng với thứ rác rưởi được gọi là thơ" đã bị sụp đổ ngay từ đầu. Mà với vai trò người đọc, biết làm gì với những bài viết lạc đề, ngoài việc phải ném nó vào thùng rác? Nhưng có lẽ, nói vậy cũng hơi vội vàng, khi mà bài viết của Trúc Linh ra đời trong chuyên mục "Vấn đề hôm nay", ngay dưới bài "Sáng mãi phẩm chất bộ đội cụ Hồ" của tác giả Lê Quang Hồi; và sau khi tập thơ Khoan cắt bê tông với sự tham gia của 23 tác giả vừa do Nxb Giấy Vụn ấn hành được hơn 3 tháng, và khiến vài người có chuyên môn quan tâm – chẳng lẽ không có ý gì? Bài viết này cũng ra đời vào dịp cuối năm, khi mà cuối năm 2003, một vụ đọc thơ của Mở Miệng sắp diễn ra, và bị "đàn áp" – chẳng lẽ cũng không có ý gì sao? Bài viết này cũng ra đời khi mà Mở Miệng và các nhóm thơ, nhà thơ khác ồ ạt ra tác phẩm dưới dạng in vi tính, photocopy; rồi một số chuyện có liên quan khác nữa… Cho nên, nếu nhìn dưới góc độ tuyên truyền, xuyên tạc, chụp mũ… thì cũng khó mà thuyết phục mọi người tin đây là bài viết lạc hướng – bởi hình như nó đúng định hướng.


3.

Mặc dù với những lí do rất khó "Ngậm Miệng" như đã nêu, nhưng tôi cũng không muốn trả lời bài của Trúc Linh, vì tác giả này (cũng như báo CATP) quá xem thường giai cấp lao động chân tay, dù tiêu chí của tờ báo này là phục vụ đại chúng, phục vụ tầng lớp bình dân (tôi là một người trong đó). Trong 2 đoạn đầu của bài viết, Trúc Linh tự cho phép mình (đại diện cho giai cấp, cho quyền lực, đảng phái?) khinh miệt những công việc như quét vôi, sơn nước, treo tranh, diễn viên, đạo cụ, nhiếp ảnh, dịch thuật… hay làm rẫy; và xem đây là những công việc không chính thức, không cần phải có học. Dù bị nhục mạ, nhưng cá nhân tôi không lấy làm buồn. Nhưng nếu nhìn hay nghĩ từ những người sống ngụ cư, "vạ vật" khác (đối tượng này rất đông) thì thật là xót xa. Theo thống kê, gần 80% sinh viên ở Việt Nam ra trường phải làm việc trái nghề, nghĩa là thất nghiệp trá hình, phải làm việc "không chính thức", vậy mà có những kẻ là con ông cháu cha, có thân thế, có tiền, có quyền lực hay may mắn xin được việc lại ra sức miệt thị. Đó là một chuyện buồn trong giới bạn đọc của báo CATP, bởi so với đa phần giai cấp này thì những kẻ làm được những công việc chính thức, như viết cho báo công an thì thật là quá hiếm hoi. Trúc Linh có chuyên môn, nghiệp vụ hay bằng cấp gì về báo chí không, thì qua bài viết cũng đã nói lên tất cả. Một xã hội lành mạnh, dân chủ, tự do… chỉ có thể được xây dựng bởi những con người trọng dân chủ, tự do. Trúc Linh có trọng dân chủ, tự do… của người khác qua bài viết này không, chắc cũng không cần phải chứng minh nữa làm gì.

Nhưng tự nhiên nghĩ tới đây, tôi không thất vọng, mà chợt có niềm tin vào những con người tầng lớp dưới (chiếm đa phần của 81 triệu người Việt Nam), bởi chắc họ cũng không lấy làm buồn gì trước thái độ của những kẻ nguỵ trí thức, trọc phú mới nổi, lên tiếng nói chuyện đạo đức… Vì kinh nghiệm và lịch sử cho họ thấy rằng, chính những người cộng sản – đa phần là bình dân đã được đa phần những người tầng lớp dưới, không có kiến thức trường lớp và không được làm việc chính thức nuôi dưỡng, chở che, tiếp sức. Ngay cả lãnh tụ thành công nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh, cũng phải vào vai và lí lịch của rất nhiều trường hợp bình dân, làm nhiều việc "không chính thức" để được xuống tàu đi nước ngoài, tìm và chờ cơ hội. Nay những cơ hội ấy đã thành công, thì có những kẻ mới tập tành "Tân Cộng sản", lại ra mặt khinh thường hoặc quay lưng lại. Đúng là bây giờ chỉ còn đa số Đảng viên, mà thiếu vắng trầm trọng những người cộng sản chân chính (nói theo quan điểm của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng).


4.

Lí do cuối cùng, dù có làm lơ hay lên tiếng phản đối, công kích cỡ nào đi nữa (và biết chắc rằng báo CATP sẽ không in, vì xưa nay vốn thông tin một chiều), thì bản thân tôi – một người trong Mở Miệng - cũng không tránh khỏi dư luận cho rằng tôi đã bỏ tiền ra thuê Trúc Linh làm một show quảng cáo trên CATP, nhân dịp Chúa sắp Giáng sinh. Nên tiện đây, tôi cũng xin gởi lời cảm ơn, dù Trúc Linh chẳng ban ơn gì cho tôi và Mở Miệng cả.

Tóm lại, với 4 lí do như vừa nêu, làm sao tôi lại có thể trả lời một bài viết như của Trúc Linh. Đó là chưa nói, làm sao có thể tranh luận về những điều chẳng có liên quan gì tới văn học, tới thơ, tới rác rưởi… mà Trúc Linh nói rằng có liên quan.

Với tư cách người đọc báo, tôi chỉ thực sự lo lắng trước những bài viết đúng, biết viết, hoặc có khả năng chứng minh có lập luận có dẫn chứng rằng nó đúng (dù nguỵ biện) – bài viết của Trúc Linh không đáp ứng được bất kì tiêu chí nào như thế, dù chỉ với tiêu chí mà rất nhiều người đã làm được trên báo CATP, là: Chửi đổng.

La Hán Phòng 23.12.2005

© 2005 talawas