trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
2.1.2006
Đông La
Đối thoại với kỳ nhông
 
Tôi rất ngạc nhiên và có cảm tưởng như bị hất vào mặt một chậu nước bẩn khi đọc đoạn: “Thực ra, tôi biết là anh cũng giống khá nhiều các "nhân hào trí thức" khi nói cứ phải trông trước trông sau. Cái hoàn cảnh ấy tuy khó, nhưng bản thân nó cũng không biện minh được cho sự ti tiện trí trá đâu anh ạ” trong bài trả lời tôi của Cố Nhân mới đây. Kể tôi tìm mọi cách viết để mong cầu lợi một cách hèn hạ nhỏ nhen như thế nào đó thì sự xúc phạm trên là có lý, đằng này tôi hoàn toàn không mưu cầu bất cứ một điều gì, hoàn toàn không phải ăn tiền để phát ngôn cho bất kỳ một cơ quan, đảng phái, băng nhóm nào, mà đơn giản là một người viết, tôi chỉ thể hiện quan điểm của mình trước một hiện tượng văn học như đã bao lần mà thôi. Dù ý của tôi có sai đi chăng nữa thì một người đối thoại đàng hoàng cũng không bao giờ nói bừa như vậy. Nhưng ngay trên diễn đàn talawas gần đây, nhất là qua mấy bài của Thuận, Vương Văn Quang, Vũ Ngọc Tiến, Hà Văn Thùy, xem chừng ý của tôi trùng với ý nhiều người. Vậy có phải do đuối lý, Cố Nhân đã nói liều theo kiểu “chó cùng rứt giậu” không? Như vậy, vô cớ phỉ báng người khác “ti tiện trí trá” thì chỉ có chính bản thân mình “ti tiện trí trá” mà thôi!

Thực ra ngay từ bài trước Cố Nhân cũng đã xúc phạm tôi rồi, khi cho tôi là một kẻ “thấy người sang bắt quàng làm họ” đối với Chế Lan Viên. Tôi đã muốn cho qua chuyện riêng để tập trung vào chuyện văn chương chung. Nhưng giờ thì tôi buộc phải xin phép độc giả cho tôi đuợc thanh minh vì đây thuộc về danh dự. Sự thực, với Chế Lan Viên, tôi có rất nhiều tình cảm sâu đậm, đơn giản chì vì ông cũng rất quý tôi. Chính do tình cảm ấy mà tôi, cách đây đã 20 năm, đang làm ở một viện nghiên cứu về dược của Bộ Y tế, đã có ý thức dấn thân vào văn chương. Bắt đầu từ sự phát hiện của nhà thơ Anh Thơ: “Từ trước tới nay cô thấy cháu là người thông minh nhất. Chỉ có ông Chế Lan Viên mới làm thầy của mày được thôi. Cháu đưa thơ cho ông ấy đọc, ông ấy mà thấy được là chắc chắn thành công. Nhưng ông ấy cũng khó lắm đấy!”; rồi đến tận một kỳ thi thơ của Hội Nhà văn TPHCM, tôi không được vào ngay từ vòng sơ khảo, biết ông chấm chung khảo nên tôi mới có dịp nhờ bà Vũ Thị Thường đưa thơ cho ông coi, không ngờ ông đã cho tôi giải ngay tại nhà: “Tôi có thể cho ông giải nhất cũng được, nhưng ông chưa có lực khéo người ta giết ông đấy. Thôi, tôi cho ông đứng đầu giải ba”. (Kỳ này Phạm Sĩ Sáu đang ở Căm-pu-chia nóng hổi nên giải nhất, Trần Mạnh Hảo giải nhì). Rồi ông đã quý tôi từ đó. Ông đã đến báo Văn nghệ TPHCM giới thiệu tôi; ông bảo tôi đến nói với anh Chim Trắng là ông nhờ anh cùng ông đứng ra giới thiệu tôi vào Hội Nhà văn TPHCM; ông còn giới thiệu tôi đi làm ở một tờ báo nữa... Tôi với ông cũng có nhiều kỷ niệm, nhớ nhất là lần tôi chở ông đến nhà bà Mộng Tuyết chép thơ Hàn Mặc Tử để ông in tuyển tập cho Hàn Mặc Tử, và lần lóc cóc chở ông bằng xe đạp từ phía tít mù Bà Quẹo đến tận trường Y ở quận 5 để xem điểm thi đại học cho Vàng Anh. Rồi tôi đã được chứng kiến toàn bộ hành trình từ lúc ông bị ung thư, lúc mổ, lúc hồi phục, rồi dần dần đi vào cái chết của ông; chứng kiến cảnh liệm và thiêu xác ông, đến nơi để hũ tro xương ông ở chùa Vĩnh Nghiêm... Như vậy, là một người viết trẻ, quan hệ với một người nổi tiếng, tuổi hơn bố mình, tôi không có ấn tượng gì thì có lẽ chỉ là một con vật! Bao thứ lăng nhăng vặt vãnh, ngay như giờ phải phân tích những điều tối sơ giản về đạo lý với Cố Nhân đây mà còn viết được, thì việc tôi đã đôi lần viết về thơ Chế Lan Viên lồng với những kỷ niệm riêng của mình cũng là lẽ thường tình, sao Cố Nhân lại xỏ xiên giễu cợt tôi? Vậy có phải Cố Nhân là loại người luôn dị ứng với lòng tốt, sự chung thủy, nghĩa thầy trò, đề cao sự “ăn cháo đá bát”, lừa thầy, phản bạn phải không?

Về bài viết lần này Cố Nhân nói đúng là có nhiều vấn đề tôi không trả lời, đơn giản chỉ vì tôi không muốn sa vào việc bắt bẻ câu chữ vụn vặt, làm phiền độc giả. Tôi không trả lời nghĩa là đã nhường cho Cố Nhân quyền nói một chiều, tất nhiên tôi cũng có ý tin vào sự phán xét công minh của “quan tòa độc giả”. Còn nội dung đợt trả lời lần này, tôi thấy có nhiều cái buồn cười, có những điều hiển nhiên Cố Nhân đã đồng ý với tôi rồi mà vẫn cố bám vào đó vặn vẹo; có những vấn đề sơ đẳng của phê bình không hiểu sao Cố Nhân lại không biết, và có những lập luận của tôi Cố Nhân đã không chịu hiểu cho đúng, để rồi lại lấy cớ vặn vẹo tiếp. Có lẽ tôi lại phải nhờ độc giả làm trọng tài giúp thôi.

Riêng chuyện Đỗ Hoàng Diệu ám chỉ cuộc kháng chiến thống nhất đất nước với những “chông mìn”, “kẽm gai” và đã gây ra bao “ngăn cách chia lìa” thì tuy còn không ít người chế độ cũ chưa vượt qua được nỗi tự ái của người thua trận, nhưng vào những ngày cuối năm này, mỗi ngày cũng lại có đến mấy ngàn Việt kiều về nước; ngay gia đình tôi nội ngoại ruột thịt cũng có đến vài chục người ở Mỹ; họ cũng thỉnh thoảng về, mà mỗi lần về đều nấn ná ở lại, không phải vì yêu chủ nghĩa xã hội mà vì kiếm tiền ở Mỹ về Việt Nam xài sướng quá, đồ ăn Sài Gòn tươi ngon quá, quán xá nhiều quá, tiếp viên đẹp quá, người nhà ở Sài Gòn sao dư thời gian sống thoải mái quá... Về điều này tôi thấy có chuyện đặc biệt, có những người Mỹ như hai thượng nghị sĩ J. Kerry và Mc Caine (tôi nhớ không chính xác ông này), ông cựu đại sứ P. Peterson, ông phi công xưa vừa ném bom xong bị bắn rơi vẫn được người dân bắt mình nấu cháo gà cho ăn, và mấy người thám báo gìn giữ Nhật ký Đặng Thùy Trâm nữa; họ đều là những người lính thua trận, nhưng với tầm cao văn hóa và lòng vị tha lớn lao đã vì Việt Nam và yêu Việt Nam còn hơn cả nhiều người Việt Nam! Thật đáng kính trọng và khâm phục biết bao!

Còn về thực trạng xã hội, nếu cứ đeo kính bôi hắc ín rồi nói trời tối là không đúng. Một đất nước sau chiến tranh biết bao xáo trộn, bao hận thù, vậy mà đã ba mươi năm không có một sự khủng bố nào, một sự ổn định kỳ diệu mà nhiều nước phát triển cũng không có được. Xung quanh nhà tôi ở toàn nhà lầu, nhiều nhà có xe hơi, Sài Gòn tràn ngập khu nhà mới như thế. Quê tôi xứ Thanh Miện Hải Dương cách Hà Nội có mấy chục cây vậy mà xưa cũng “khỉ ho cò gáy” lắm; nhưng giờ đường nhựa chạy qua rồi, có đến 99,9% nhà xây, sân gạch, dân không thiếu ăn, có thiếu là thiếu tiền tiêu thôi, nhưng khi con cái lớn ra các thành phố làm, mỗi tháng gởi về vài trăm ngàn là tiêu cũng đỡ vì giá đồ ăn ở quê rất rẻ. Còn quê vợ tôi ở Long An, dân ít xây nhà hơn nhưng nhậu nhiều hơn. Chỉ có dân vùng sâu, vùng xa, nơi gặp thiên tai, dịch hại, còn có nhiều người khổ cũng là lẽ đương nhiên; và cũng có một ít người đây đó bị bọn xã hội đen, được cán bộ địa phương bao che, ức hiếp... Nhưng phải thấy một sự thực là: nước ta hết hạn đến lụt, hết lụt đến bão, hết bão lại rầy nâu, hết rầy nâu lại cúm gà, lại Sars... mà xã hội vẫn không có xáo trộn lớn thì phải công nhận mấy ông lãnh đạo nước mình cũng tài thật! Trong khi nhiều người kiếm ăn cho vài miệng ăn trong cái gia đình bé tí teo thôi đã không nổi rồi lại tối ngày đi chê lãnh đạo ngu dốt. Còn chuyện tôn giáo thì ngay nhà tôi, chú ruột vợ từng là cha tuyên úy bị tù hơn 10 năm, giờ cũng thành cha sở một nhà thờ lớn, ông bệnh rất nặng nhưng tối ngày lo xây dựng, sửa sang nhà thờ, nên Chúa thương đã giải bệnh cho ổng hay sao đấy; rồi em ruột vợ tôi cũng mới thành linh mục, hôm phong chức người ta làm lễ mừng rất lớn ở nhà thờ Mỹ Tho...; tôi có thấy ai bị đàn áp ngăn cấm gì đâu!... Tuy vậy, tôi vẫn không phải nhìn đất nước chỉ thấy một mầu hồng như mấy người bồi bút ăn bổng lộc, mà tôi vẫn thấy có những nguy cơ lớn, mà có lẽ chính tôi là người đầu tiên viết nếu nước ta pháp luật không nghiêm thì sẽ dẫn đến việc “ta sẽ không theo một chủ nghĩa nào cả mà chỉ là một thứ chủ nghĩa đục nước béo cò, chủ nghĩa tham lam”. Sao Cố Nhân dám nói tôi “trí trá”?

Cố Nhân viết: “...anh thử giải thích cho tôi nghe xem ai đáng mặt hơn Đỗ Hoàng Diệu để được ông Hoan hạ cố cho phép đi xa hơn mức độ có tham vọng luận bàn? Ai không phô bày cái tham vọng nhận thức cái thực tại? Và ai hiểu cái thực tại đến nơi đến chốn?"”.

Quả thật, trong lịch sử văn chương Việt Nam chưa có ai “đáng mặt hơn” Đỗ Hoàng Diệu về mặt báng bổ, hỗn hào, sai lạc với tinh thần sắt máu thật. Đây chính là món khoái khẩu của những nhà phê bình loại Cố Nhân, cứ đánh hơi thấy có mùi chống đối là khen vống lên ngay, bất chấp những tiêu chí cơ bản của nghệ thuật đích thực! Ngược lại, đã có vô vàn tác giả “đáng mặt hơn” Đỗ Hoàng Diệu về khả năng sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị văn học cao hơn; họ chính là những nhà văn có tài, có tâm, có học và từng trải, tác phẩm của họ được xây dựng bằng vốn sống và tri thức cao cấp nên chặt chẽ, sinh động, phong phú và chính vì thế mới có khả năng chuyên chở những tư tưởng cao rộng và thâm sâu, có tác dụng tích cực đối với cuộc sống. Điều này rồi tôi sẽ chứng minh bằng chính những bài phê bình về những tác phẩm của họ. Mà tôi cũng đã gởi cho talawas một bài rồi. Tất nhiên với “cơ sở lý luận” cho tính chống đối chế độ là phẩm chất cao nhất của văn chương như Cố Nhân thì không tài nào hiểu được, và với cái khả năng thẩm định “người viết một đằng lại đi bình một nẻo”, tán hươu tán vượn, thì có dùi mài kinh sử đến 70 tuổi cũng không tới được đích văn bản tác phẩm của họ đâu. Còn về mảng văn học không phải chống đối mà mang tính phê phán, báo động, thức tỉnh, thì chỉ ngay mấy người bạn và người quen thôi, tôi có thể kể ra những “tác giả đáng mặt hơn” Đỗ Hoàng Diệu như: Triệu Xuân với Mafia Việt Nam (Khi in bị đổi là Sóng lừng, cũng từng bị rầy rà), thơ Nguyễn Quang Thiều, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp; riêng Phạm Thị Hoài, có những quan điểm tôi chưa nhất trí lắm nhưng với trí tuệ và sự sắc sảo, văn của chị có thể địch với thiên hạ chứ không phải chỉ với Đỗ Hoàng Diệu. Ngay cả bản thân tôi cũng hoàn toàn tự tin khi đưa ra những dẫn chứng bằng chính những tác phẩm của mình. Có điều, với khả năng thẩm định của Cố Nhân, liệu có nhận ra nổi những điều tôi cất giấu trong mấy câu chữ giản dị này không?

Những cánh hoa sặc sỡ
Nằm sõng soài trên thảm cỏ biếc
Con ba tuổi ngây thơ
Say sưa cóp nhặt.

(“Những cái xác”)

rồi:

Ngày ngày ba chở các con trên những con đường Sài Gòn
như những dòng sông luôn dâng lên vô tận
Chi chít người xe
Chi chít số phận Tất cả bị bó chặt bởi những giới hạn
Nhưng các con có biết không?
Chúng ta đang đi trong giới hạn không phải của lề đường
mà giới hạn của những suy nghĩ...

(“Dưới ánh sáng những ngôi sao”)

Rồi nữa:

Cong cong như lưng ong
Cong cong như lưng tôm
Như mẹ tôi
Như ông nội tôi
Như tổ tiên tôi
Những nhịp cầu
Trên bao cánh đồng quê

Không phải bằng sắt thép bê tông
Những nhịp cầu xương thịt
Không phải để nước chảy qua
Mà máu chảy
Không phải để xe cộ đi qua Mà lịch sử đi qua

Trên đó có bước đi của văn minh
Có bước đi của vinh quang
Cuộc sống đã vươn tới những tầm cao nhất Luôn ở tầng thấp nhất những nhịp cầu.
(“Những nhịp cầu”)

Trên đây là những bài thơ đều đã đăng ở báo Văn Nghệ, mỗi lần đăng xong, Nguyễn Quang Thiều đều gọi điện thoại báo và bình tán mươi phút, nói là nhiều người thích lắm, kể cả ông Hữu Thỉnh nữa. Kể những lời của Nguyễn Quang Thiều mà được viết ra rồi được đăng trên báo thì đỡ cho tôi biết mấy, tôi không còn vô danh đến bây giờ; mà tôi biết chỉ có anh là người hiểu tôi nhất vì anh cũng là nhà thơ tài năng và thông minh, lại là bạn thân, có nhiều điều tôi chưa viết anh đã hiểu rồi. Nhưng anh có viết ra cũng chưa chắc được đăng. Cái chuyện được đăng hay không ở nước mình cũng rắc rối thật. Thật buồn khi chúng ta lại phải sáng tác trong một nền phê bình vừa yếu kém vừa bất công, có vài nhà phê bình có máu mặt thì lại “tiên tiến” cỡ Cố Nhân, thường chỉ cảm nhận được vẻ ngoài sù sì và sặc sỡ của tác phẩm, họ thường kiếm một em bé xinh xinh nào đấy viết trúng ý họ, rồi như kẻ đỡ đầu, ban ơn, họ dựng lên ngọn cờ, rồi cũng có cờ thật nhưng chỉ là cờ đuôi nheo mà thôi! Vì thế, trong một bài tôi đã phải than là nhiều tín hiệu nghệ thuật của nhà sáng tác được viết ra như quăng vào chỗ không người; riêng tôi khi thấy có cái hay cũng muốn viết, nhưng ngại vì chưa chắc được đăng, và mình sáng tác cả đống có ai chịu giới thiệu đâu thì tội gì lại đi làm cho người khác! Với tâm trạng vậy tôi mới làm bài thơ này:

Một mình

Số phận giành cho ta môt độc đạo
Một mình lầm lũi đi trong cuộc đời này
Ở sau lưng là cỏ
Xung quanh là cát
Trước mặt là rừng núi và biển cả

Ta có thể buồn một mình
Vui một mình
Đau một mình
Chỉ sợ cô đơn khi thiếu người tri kỷ
Và có một điều em biết không?
Anh không thể một mình mà yêu được.

Và tôi còn có bài “Cơn khát” nữa mà có một nhà thơ nữ trẻ bây giờ cũng xôm trò lắm, không biết có đọc của tôi không mà sao tôi thấy cô như toàn triển khai cái tinh thần “khát” của tôi vậy:

Khi gặp em
Anh chợt thấy cơn khát của cánh đồng
Cánh đồng bị rang trên cái chảo mùa hạ...

Bây giờ tôi xin dừng cuộc đối thoại về Đỗ Hoàng Diệu với người lấy bút danh là Cố Nhân tại đây. Không phải tôi không đủ lý lẽ để tranh luận tiếp mà vì tôi không muốn chiếm dụng “quỹ đất” quý giá của talawas và làm phiền độc giả bởi những đôi co vụn vặt, với lại tôi cũng còn bận làm nhiều việc lớn khác. Tôi đang bắt tay vào viết một loạt bài để tự trả lời cái câu hỏi “Tại sao?” mà tôi đã đặt ra. Còn việc lấy bút danh là tự do, ngay bạn bè viết báo kiếm tiền lấy nhiều bút danh tôi thấy cũng bình thường, nhưng phải đổi bút danh để thể hiện chính kiến theo kiểu “ném đá giấu mặt” tôi thấy có cái gì đó cũng “trí trá”, “hèn hèn” thế nào ấy.

Còn viết bài này trong lòng tôi cũng thấy buồn lắm khi thấy mình sẽ mất đi một người yêu quý mình. Nhưng không sao, tôi còn nhiều người khác, có người còn muốn đến tận nhà để xem mặt cơ.

TPHCM 30-12-2005

© 2006 talawas