trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
16.1.2006
Claudio Magris
Kitsch và đam mê - Hannah Arendt và Martin Heidegger
Vũ Ngọc Thăng dịch
 
“Em sẽ là người em muốn. Anh sẽ là anh”, Heinrich Blücher viết cho Hannah Arendt trước lúc cưới bà ít lâu để nói với bà rằng cuộc sống chung của hai người sẽ không cản trở sự trưởng thành tự do của bà về nhân cách [1] . Blücher – người chồng thứ hai của Hannah Arendt, một chiến sĩ can trường trong hàng ngũ những người Spartakus [2] , một người hào phóng – là một người bạn chung thủy, song mối quan hệ hứng cảm từ lòng tôn trọng và từ sự bình đẳng này không phải là mối quan hệ đã để lại dấu ấn trong cuộc đời Hannah, bởi vì, có lẽ như Dostoievski viết, đối với chúng ta, chỉ có những kẻ chúng ta yêu là quan trọng, còn những kẻ yêu chúng ta, thì dường như họ không hiện hữu.

Blücher yêu Hannah, nhưng Hannah tự chuốc cho bà nỗi bất hạnh này: bà yêu Heidegger, và hẳn là đã xúc động, không bởi tình yêu chân thật và phóng khoáng chứng thực trong lá thư của Blücher viết vào tháng 9/1936, mà bởi lá thư đầu của Heidegger ngày 10/2/1925 – một lá thư đường mật và sâu sắc giả tạo, qua đó vị giáo sư lỗi lạc của Đại học Freiburg, một trong những bậc thầy của triết học thế kỷ 20, ra tay quyến rũ cô học trò 19 tuổi, khi ông ca ngợi trí tuệ và tâm hồn cô, khi ông đề nghị với cô sự hướng dẫn ân cần của mình để giúp cô luôn luôn trung thành với chính cô, khi ông bảo rằng ông cảm thông với những nỗi lo lắng không tả xiết của cô và mong cô cảm thông với nỗi cô đơn khủng khiếp của ông trong cuộc sống khổ hạnh dâng hiến cho sự nghiên cứu và cho tri thức.

Qua lá thư này – một trường hợp tiêu biểu về cách thức mà một người có thể lừa dối ngay cả chính những cảm xúc của mình để giả cách đau khổ và qua đó, khống chế người khác hết sức hiệu quả, đặt họ trong vị thế phục vụ cho mẫn cảm giả vờ của mình – một chuyện tình bất hạnh bắt đầu, được Elžbieta Ettinger nghiêm túc dựng lại. Câu chuyện tình này – với giai đoạn đầu nồng nàn và sau đó chuyển sang tình bạn trìu mến, với những khoảng thời gian trống vắng lớn và đứt đoạn – dàn trải toàn bộ cuộc đời hai người và gắn liền với những sự kiện lịch sử bi thảm như: sự chiếm quyền của chủ nghĩa Quốc xã, cuộc lưu vong của một Hannah Do Thái, Thế chiến II, nước Đức bị chia cắt và lúng túng xét lại quá khứ và những nỗi kinh hoàng của cuộc diệt chủng.

Martin Heidegger và Hannah Arendt vẫn là hai vai chủ chốt của cái “Thế kỷ 20 kinh hoàng”, hai nhân cách mà tầm quan trọng và ý nghĩa không thể bị giảm bớt bởi một mối quan hệ tình cảm, mà nếu nói về sự cao đẹp, thì đó là lòng can đảm của Hannah, và trước hết, sự trung thành về cảm xúc của bà, không bị xóa nhòa qua thời gian, cũng không bị xóa nhòa bởi những cuộc đấu tranh và bởi những tội ác ngoài sức tưởng tượng xảy ra trong thời gian ấy. Giữa hai người, Heidegger hẳn là một nhân vật quan trọng hơn, một vai trò cốt yếu trong lịch sử văn minh, và là người mà câu chuyện tình này soi rọi những tình tiết lúc thì quanh co, lúc thì nhỏ nhen, đan xen với những thỏa hiệp với chủ nghĩa Quốc xã [3] .

Chính Heidegger là người đã khiến quan hệ này trở nên một tình tiết vượt quá phạm vi tình cảm cá nhân và dính dáng đến trách nhiệm khách quan của ông về chính trị và đạo đức – và của cái dòng văn hóa mà ông biểu trưng – bởi chính ông đã trộn lẫn bình diện tư và bình diện công, và ở những năm cuối đời, đã lợi dụng một cách bất nhẫn chuyện tình giữa ông và Hannah, để che giấu những vết nhơ trong những việc đã làm thời Quốc xã, tự phục hồi danh dự cho mình, hoặc thậm chí, tự tán tụng mình như là một nạn nhân của Đệ tam Đế chế [4] thay vì là kẻ đồng lõa. Câu chuyện về một phụ nữ Do Thái–Đức thiên tài yêu một vị giáo sư thiên tài, một đấng nam nhi Đức bài Do Thái trì độn, giữa nhiều khía cạnh, là một cách biểu đạt tượng trưng thậm chí quá dễ dãi về cuộc gặp gỡ bi đát giữa văn hóa Đức và văn hóa Do Thái–Đức vốn là linh hồn của nước Đức, trước khi nó bị ám sát.

Khởi đầu của câu chuyện không mấy độc đáo. Hannah mê đắm nhà triết học và cái dòng triết học Đức lớn lao mà ông hiện thân, và có lẽ không ai khác, là người đã nghiên cứu, trải nghiệm cái bước ngoặt của lịch sử đương đại, sự biến đổi triệt để của thế giới, cuộc lưu vong và chuyến đi tìm một cuộc sống đích thực, một sự chân thực hiện sinh. Không có dòng triết học này, cũng như không có dòng văn hóa Do Thái và bi kịch của nó, thì hẳn là sau đó người ta sẽ không chứng kiến những tác phẩm lớn của Hannah Arendt, từ tác phẩm về chủ nghĩa toàn trị [5] cho đến tác phẩm về sự vô vị của cái ác [6] .

Cô sinh viên yêu thương, hồ hởi và toàn tâm phục vụ vị giáo sư, người vui vẻ đón nhận mà không yêu, ngay cả khi vị giáo sư đang sống trong một kinh nghiệm tính dục làm rung chuyển những tập quán có phương pháp của ông – những tập quán, vốn được vị giáo sư bảo vệ hết sức cẩn thận, định rõ từng giờ từng phút cho những buổi hẹn hò và cấm cô không được viết thư cho ông. Cô chấp nhận tất cả những quy tắc và những biện pháp dự phòng áp đặt bởi người thày, nhưng cô không phải là một nàng Margarita thơ dại bị Faust quyến rũ, mà là một nhân cách tự do và kiên quyết: cố biết điều cô muốn.

Yêu có nghĩa là yêu người kia, tôn trọng người kia, muốn sự tốt đẹp cho người kia và muốn họ vẫn là họ, ngay cả khi điều này có thể mang lại đau khổ cho mình. Hannah Arendt biết tình yêu là gì, cô không bao giờ có ý định thao túng Heidegger và tìm cách không để mình cảm thấy là mình đang bị thao túng. Heidegger – sung sướng đón nhận sự quản lí sắt thép của Elfride, người vợ gốc Đức cứng rắn và hiệu quả, theo chủ nghĩa Quốc xã – chỉ biết yêu chính mình; ông cần làm thần tượng cho người phụ nữ trẻ và ông cần cô như một “tác nhân kích gợi” – nói theo lời ông – để ông cảm thấy cái cường độ mãnh liệt của cuộc sống. Trong quan hệ với cô, ông đan xen: trìu mến, mệnh lệnh, buồn phiền, nịnh hót, khoảng cách, tình cảm mĩ miều, dăm ba vần thơ kitsch vốn chỉ có thể nảy sinh từ nền văn hóa Đức ở những khía cạnh “trớ trêu” nhất của nó – vốn cấu thành một kiểu tự giễu nhại ngoài ý muốn.

Dòng văn hóa ấy lớn là nhờ tầm nhận thức triết học-mĩ học-tôn giáo của nó, cho phép nó thấm xuống tận đáy sâu của cuộc sống và của lịch sử và tự phơi mở nó trước cảm thức thần thánh và cảm thức về cái tuyệt đối, để từ đó có thể sản sinh ra một dòng thơ tối cao, như những vần thơ trữ tình cháy bỏng của Hölderlin. Nhưng chỉ cần đi trệch, dù chỉ qua một sắc thái, khỏi cái tính cách tuyệt đối ấy, thì người ta sẽ sa vào một nỗi bi thiết rườm rà và ngớ ngẩn, vào cái gu thẩm mĩ rởm cường điệu và ngọt xớt ra vẻ sùng mộ tín ngưỡng, giống như khi sự gian dối được thay chỗ cho sự ngay thật trong tôn giáo. Từ dòng văn hóa Đức ấy, không chỉ sinh ra một tính cách tâm linh cao cả, mà còn sinh ra cái bức biếm họa về nó, kì vọng đều đặn đến với thánh thần như uống một tách trà, kì vọng độc quyền về cái thiêng liêng, xuống cấp nó thành những món hàng vớ vẩn – ngay cả nhà chăn dắt Hữu thể, vốn được Heidegger tiến cử, có thể bị xuống cấp thành một phái viên hành chánh của Hữu thể, như thể cái tính hướng nội nhuần nhị ngân vang trong những bài Lieder (Ca khúc nghệ thuật) bị uốn gò thành một kiểu cách trữ tình sướt mướt.

Chuyện tình giữa Hannah Arendt và Heidegger trĩu nặng – chính vì Heidegger – một kiểu tình cảm ướt át mà làm ra vẻ mang tính vô cùng, mà làm ra vẻ siêu phàm và phục vụ cho việc giả mạo thực tại và giả mạo cái cảm thức đích thực về tính vô cùng – như Broch có thể đã nói, người mà sau đó cũng được Hannah Arendt yêu. Khi đọc câu chuyện tình yêu đượm nhiều – thậm chí quá lố – “tính chất Đức” này, người ta nhận ra sự thiếu vắng của một tính cách thế tục vắn gọn cần thiết cho một tình cảm có thực, có khả năng trực diện cuộc sống trong sự chằng chịt đắm say và xấu xí, chân thực và ảo tưởng của nó.

Người ta cảm thấy thiếu vắng một tính cách sáng suốt da diết và thức tỉnh mà những nhà văn Pháp – từ Madame Lafayette cho tới Laclos, từ Flaubert cho tới Proust – đã sử dụng để rà soát những địa ngục của đam mê, những mối trầm luân đọa đày tình ái và của sự tàn nhẫn tham lam, mà không bọc đường viên thuốc và không giả cách làm một con tim mang một sự ngây thơ khó có thể có.

Trong công trình đặc sắc gần đây về tính biểu trưng của cái chết trong văn học thế kỉ 19, Necropoli immaginairie (Những nghĩa địa tưởng tượng), Ernestina Pellegrini đề cập về việc Flaubert đã thanh toán những điều mà ông gọi là những “buồng xí của con tim”, cái khả năng đương đầu ngay cả với sự khốn khổ của Dục tính vốn đã cho phép ông, một cách không khoa trương hoa mĩ, đón nhận được mọi thứ đắm say, buông xả, và rúng động.

Mối quan hệ tình cảm, cắt đứt do ý muốn của Heidegger năm 1928, xác lập trong khung cảnh nước Đức ở những năm ấy, sự bừng nở kì diệu của Heiderger về mặt trí thức và cuộc khủng hoảng chính trị ngày càng tăng. Cuộc đời của đôi tình nhân đan chéo với cuộc đời của những nhân vật như Husserl hoặc Jaspers, người cũng say mê Heidegger, nhưng cũng phải chịu đựng những sai trái từ ông.

Nhiều năm sau, tôi kịp thời có dịp được tiếp xúc với cái môi trường hàn lâm ngoại hạng ấy ở Freiburg, nơi vẫn đang được một số nhân vật xuất chúng lui tới, và có dịp làm quen với vài người được đề cập trong những trang sách này: Hans Jonas, anh sinh viên trẻ, người đã cung cấp địa chỉ của Hannah cho Heidegger, lúc tôi gặp, đã trở thành một lão niên khả kính. Benno von Wiese, người theo đuổi Hannah hồi trẻ (và khi Heidegger biết chuyện ấy, thì quả là một sự thích chí vị kỉ điển hình của đàn ông), sau đó trở thành người chủ trì môn Đức-học. Tôi gặp lại ông ở Torino, to lớn và kiêu kì, trong một buổi hội nghị mà chúng tôi đã phải kéo thêm những người thân không biết tiếng Đức tới tham dự, bởi ông sẽ nổi giận trước một công chúng quá thưa thớt. Cái thế giới văn hóa ấy mang tính nội hôn, và cũng như mọi môi trường nội hôn – giáo phái, nhóm nghệ thuật, nhóm chính trị, sa-lông văn học, câu lạc bộ hoặc hiệp hội hàn lâm – nó mang tính sở hữu và làm tê liệt các thành viên của nó, nó thuyết phục họ phải quy phục trật tự thứ bậc và tôn thờ những người có thẩm quyền như những ngẫu tượng. Để được tự do, để không dễ bị quyến rũ bởi những vị thày thiết tha với việc hớp hồn và uốn nặn những môn đệ, thì về mặt trí thức, cần phải mang tinh thần “đa hôn” và “đa thần”. Giả dụ Hannah còn có những mối quan tâm khác và lui tới những thế giới khác và những tình bạn khác, thì có lẽ cô đã tự do hơn và hạnh phúc hơn.

Nhiều năm trôi qua, sau cuộc chiến tranh, sau cuộc lưu vong, sau Auschwitz, hai người liên lạc trở lại và quan hệ của họ trở nên có tính ma quái. Hannah sống ở Mỹ, trở thành một nhà luận văn lớn, nhân chứng và nhà diễn giải về những địa ngục của thế kỷ 20. Heidegger thì bị đình chỉ việc giảng dạy – mà sau đó được phục hồi một phần cũng là nhờ Hannah – vì sự thỏa hiệp của ông với chủ nghĩa Quốc xã. Ông không phạm tội ác, nhưng đã tiến hành rất nhiều vụ dèm pha nho nhỏ đối với nhiều người: thày dạy (như Husserl chẳng hạn), đồng nghiệp, sinh viên Do Thái, và cả sinh viên Thiên Chúa giáo. Những nhân vật lớn khác của thế kỷ 20 thỏa hiệp với chủ nghĩa Quốc xã, như trường hợp Céline và Hamsun, đã khoác lấy những lập trường trầm trọng hơn – và kém thận trọng hơn – nhưng họ thừa nhận trách nhiệm của họ về những hành vi ấy, trong lúc Heidegger thì hầu như muốn tự biến mình thành một nạn nhân của chủ nghĩa Quốc xã, và đã thiếu đi tính trung thực và phẩm cách một cách thảm hại.

Theo nghĩa này, hành vi của ông trong thời Quốc xã không chỉ can dự như một thái độ cá nhân – không đáng kể trên bình diện văn hóa, nhưng rất đáng chê trách về mặt đạo đức – mà còn can dự như một vai trò có tính cách bao trùm, đảm nhận bởi ông và bởi tư tưởng của ông, cực kì tư biện về nhiều khía cạnh. Trong triết gia này, đôi lúc cũng có những yếu tố xoàng xĩnh hẳn không hề thích hợp với một nhà chăn dắt Hữu thể hoặc với một nhà toàn quyền về Hư vô, để viện dẫn hai định nghĩa của ông, thế nhưng nó lại thích hợp với vị giáo sư trong bộ trang phục nông dân truyền thống Rừng Đen được ưa chuộng, qua một số hình chụp, trông như một trong bảy Chú Lùn.

Hannah, trong thâm tâm vẫn chung thủy với ông, bà hỗ trợ ông trong cuộc phục hồi lại cương vị của ông, bà không muốn nhìn ra những hành vi quỉ quyệt và nhỏ mọn của ông, bà muốn tin vào những lời nói dối mà ông – một cách giả trá và mĩ miều, Elžbieta Ettinger viết – đã tự lừa mình và lừa bà. Đối với bà, Heidegger vẫn là một người đàn ông được yêu, với một tấm lòng trong sáng biểu lộ qua việc bà giúp đỡ gia đình ông. Đối với ông, Hannah là một công cụ tối hảo – bởi vì sự nổi tiếng quốc tế và cái quá khứ Do Thái bị ngược đãi của bà – cho việc ông được phục hồi và đảm nhận lại những cương vị danh giá và quyền thế.

Hannah bướng bỉnh tin vào những sự giả mạo của ông. Chỉ duy có hai lần, bà thừa nhận rằng, Heidegger “lúc nào cũng nói dối” và “có tiềm năng là một kẻ sát nhân”. Sự sáng suốt không kéo dài bao lâu, bà nhanh chóng đầu hàng sự kính ngưỡng, vì ông hoặc vì cái hình ảnh về ông mà bà giữ trong tim qua nhiều năm tháng, và bà hầu như biến mình thành một kẻ đồng lõa – bà, một người kiên cường yêu quý sự thật – với những sự giả tạo của ông, vốn không chỉ huyễn hóa một cuộc đời cá biệt, mà đánh lừa cả một trang sử thế giới. Heidegger biết ơn bà, ngay cả với sự trìu mến, nhưng khi ông không cần đến bà, thì ông kiềm giữ bà ở đàng xa và không cho phép bà làm mình sao lãng việc nghiên cứu, rập khuôn theo cái câu chuyện một thiên tài thích được một phụ nữ truyền sức sống, nhưng sau đó lại bảo rằng, thôi nàng hãy chịu khó tránh ra để ta làm việc.

Qua công trình đáng ghi nhớ về vụ xử Eichmann, Hannah Arendt khám phá ra sư vô vị của cái ác, điều mà bên cạnh sự đày đọa của nó còn là sự ngu xuẩn và cái kitsch (văn hóa rởm). Bà, một con người và một trí thức dũng cảm, lại không đủ can đảm để khám phá ra rằng, ngay cả một tình yêu cũng có thể vừa da diết vừa tẻ nhạt, rằng thậm chí người ta có thể yêu một người hằn những dấu vết ti tiện. Vậy thì tìm ở đâu câu trả lời cho sự mâu thuẫn này? “Tại tâm”, thiên hạ bảo thế, một nhân vật trong Vento sottile (Gió thoảng) của Stefano Jacomuzzi trả lời, “thế mà cái tâm lại thường ngổn ngang trăm mối, khó có thể trông cậy được”.


Bản tiếng Việt © 2005 talawas



[1]Trước khi kết hôn với Hannah Arendt năm 1940 tại Paris, nơi hai người cùng tị nạn phát-xít, Heinrich Blücher (1899-1970) đã trải qua hai cuộc hôn nhân. Hannah Arendt (1906-1975) cũng đã trải qua mối tình nổi tiếng với người thầy Martin Heidegger và cuộc hôn nhân với triết gia Günther Anders (các chú thích trong bài đều của talawas)
[2]Năm 1917, Heinrich Blücher gia nhập Spartakusbund (Hội Spartakus), tổ chức cánh tả li khai Đảng Xã hội Dân chủ Đức, với những gương mặt tiêu biểu như Rosa Luxemburg và Karl Liebknecht, cuối năm 1918 sáp nhập với một số nhóm chính trị cánh tả và cộng sản để trở thành Đảng Cộng sản Đức. Năm 1928, để phản đối chủ nghĩa Stalin, Heinrich Blücher li khai Đảng Cộng sản Đức.
[3]Martin Heidegger (1889-1976) gia nhập Đảng Quốc xã (tên gọi tắt của Đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Quốc gia NSDAP) ngày 01.5.1933, mặc dù giáo sư trong các trường đại học ở Đức không bắt buộc phải vào đảng này. 10 ngày sau, ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Đại học Freiburg. Quan hệ của ông với chế độ Quốc xã cho đến nay còn nhiều điều chưa sáng tỏ.
[4]Das Dritte Reich: Đệ tam Đế chế, khái niệm vốn được bộ máy tuyên truyền phát-xít sử dụng để chỉ đế chế Quốc xã vĩnh cửu, nhưng từ năm 1939 bị chính bộ máy này thanh lọc để tránh cọ xát với khái niệm Đệ tứ Đế chế của những người chống đối chế độ, từ năm 1943 được chính thức thay bằng Đại Đức Đế chế (Großdeutsches Reich). Sau này, Đệ tam Đế chế được dùng để chỉ 12 năm tồn tại của chế độ Quốc xã (1933-1945).
[5]The Origins of Totalitarianism. New York. 1951
[6]Eichmann in Jerusalem: A Report of the Banality of Evil. New York. 1963

Nguồn: Claudio Magris, “Kitsch e passione – Hannah Arendt e Heidegger”, Utopia e disincanto (Không tưởng và thức tỉnh), Garzanti Elefanti, 2001