trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiKinh tế
Loạt bài: Người Việt ở Đông Âu
 1   2   3   4   5   6   7   8 
8.2.2006
Christine Xuân Müller
Người Việt ở Đông Đức: Ông Phương và cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản
Trình Mân, Lu Tuấn dịch
 
Người Việt ở Đông Đức là những công nhân trước kia đã sang Cộng Hoà Dân Chủ Đức trong khuôn khổ các hiệp định hợp tác lao động. Sau khi chế độ chính trị Đức chuyển đổi, họ đã lao động đến kiệt lực qua các nghề buôn bán hoa quả hay mở quán cóc. Giờ đây „kinh tế thị trường kiểu Việt Nam“ này đang bắt đầu lâm vào cảnh suy sụp.


Berlin - Ông Phương đã không chần chừ khi dẹp phăng cả sự nghiệp đời mình. Lập tức đóng cửa tiệm cách đây 2 năm khi các quán cóc châu Á ở phường Marzahn nằm ở phía đông thành phố Bá Linh bắt đầu thưa khách. Doanh nhân 45 tuổi này nêu lý do: „Kinh doanh không chạy, tiền vào quá ít“. Trong tương lai, ông ta muốn kiếm sống bằng nghề „thầy giáo hay chuyên viên tư vấn“. Ngoài ra không nói thêm gì và chỉ cười. Có thể đó là thái độ khiêm tốn của người Việt, nhưng cũng có thể ông không muốn người khác soi mói vào phương cách làm thế nào để „xoay được nhiều tiền hơn“.

Nhưng trong những năm vừa qua, ít đồng hương nào của ông có thể phản ứng một cách bình thản trước tình trạng kinh tế xuống dốc như thế. Sau biến đổi chính trị, cộng đồng người ngoại quốc lớn nhất ở Đông Đức này đã tìm cách ổn định đời sống của mình qua những nghề buôn bán hoa, trái cây hay mở quán cóc và bây giờ thì vô số người Việt đang bị đe doạ vỡ nợ. Những người am tường tình hình nhận định rằng „các tiểu thương người Việt sắp chết hàng loạt“. Một nữ cố vấn doanh nghiệp – không muốn nêu tên - cho biết, nội trong vòng vài tháng tới „hàng ngàn cửa hàng bán „xon“ ở các tân tiểu bang [1] sẽ bị phá sản. Sẽ sập rầm rầm“. Hình như các vùng Dresden, Leipzig, Berlin và Rostock nay đã bị ảnh hưởng.

Họ bị lâm khó khăn đến thế, mặc dù phần lớn những thương nhân người Việt đã chịu khó cày cuốc đến cật lực. Để có thể cạnh tranh, việc trả lương giờ từ 4 đến 5 Euro không phải là hiếm hoi. Ngày phải làm từ 12 đến 14 tiếng, tuần 6 ngày, không có ngày phép thường niên. Ông Phương lý giải: „Người Việt đã tận dụng từng phút từng giây để kiếm tiền. Bởi thế có cửa hàng thường mở đến 22 giờ khuya, mở luôn cả vào cuối tuần và ngày lễ khi các siêu thị Đức đã đóng cửa nghỉ“.


Ngõ cụt của các cửa hàng bán „xon“

Việc cạnh tranh lẫn nhau thường không liên quan đến người Đức mà chính với các đồng hương Việt Nam. Ông Phương cho biết: „Họ tìm cách bán rẻ hơn người khác hay tìm cách triệt hạ việc kinh doanh của đối phương“. Mới đây, một người mà ông quen biết đã đổ át-xít butyric vào cửa tiệm của một đồng hương khiến cả tiệm hôi thối nồng nặc không ai vào nổi.

Nhiều nhà buôn người Việt cho rằng việc phát hành đồng Euro - qua đó sức mua bị kìm lại - chính là sự tồi tệ cơ bản đưa đến khủng hoảng hiện tại. Vào thập niên 90 thì tình hình khác hẳn. „Hồi đó có khi mấy cụ bà mua đến 10 chiếc khăn bàn trong một tuần. Đúng là khoái thật“, ông Phương hồi tưởng. Đủ cả mọi mặt hàng rẻ tiền nhập từ châu Á, từ nịt ngực của phụ nữ, hoa nhựa đến cả tượng người lùn trang trí trong vườn. Rồi ông thú nhận: „Giờ thì người Đức chả còn hứng thú mua sắm những thứ quái quỉ này nữa“.

Có người lại thấy nguyên nhân gây nên làn sóng phá sản này nằm ở khiếm khuyết trong cách „tiến hành kinh tế thị trường kiểu Việt Nam“. „Hầu như chẳng có cựu công nhân hợp tác lao động nào chịu tham dự các khoá hướng dẫn kinh nghiệm làm ăn tự lập hay tương tự“, bà Tamara Hentschel, người điều hành Hội Reistrommel e.V. - hiệp hội bảo vệ quyền lợi người Việt sinh sống tại Đông Đức – cho biết. Thay vì kịp thời đáp ứng nhu cầu thay đổi và „đôi khi cũng cần bán tống toàn bộ hàng rẻ mạt với giá bèo“ thì ngược lại nhiều thương nhân lại thuê thêm kho để tích trữ các mặt hàng tồn đọng như cách làm ăn thông thường ở Việt Nam.

Cái giá phải trả cho sự cạnh tranh ác liệt đó chính là sức khoẻ của con người. Bà nhân viên xã hội này cho biết: „Trong thời gian qua, chúng tôi quan sát được sự gia tăng từ chứng đột quỵ, các bệnh tâm thần cho đến cả tự vẫn“.


Xung đột giữa các thế hệ và sức ép của thành tích

Bên cạnh cuộc chiến cạnh tranh hàng ngày, người ta còn phải chế ngự được sự xung khắc ngày càng mạnh giữa các thế hệ. Sau khi chế độ Cộng Hoà Dân Chủ Đức sụp đổ, nhiều cựu công nhân hợp tác lao động đã có con vì lúc đó họ không còn bị cấm sinh đẻ nữa. Có những trẻ em nay đã khoảng 15 tuổi. Thế hệ sinh ra tại đây - khác với bố mẹ chúng - nói trôi chảy tiếng Đức và xem như đã hoàn toàn hội nhập.

Trẻ em Việt Nam đặc biệt khác với trẻ của các cộng đồng di dân khác ở điểm học giỏi. Bà Karin Weiss, chuyên gia xã hội học tại Đại học Potsdam, xác nhận: „Con em của các công nhân hợp tác lao động tại Cộng Hoà Dân Chủ Đức cũ nói chung đều có chứng chỉ khá hơn học sinh Đức cũng như hoàn tất được cấp học cao hơn“. Bà Weiss cho rằng, nhờ tính xã hội hoá của thể chế Đức nên các trẻ em Việt Nam đạt được các thành tích cao nói trên. Hầu hết trẻ em đều sớm được vào vườn trẻ. Một lý do khác nằm ở truyền thống quý trọng giáo dục trong nếp sống văn hoá của người Việt.

Thế nhưng, theo bà Hentschel, lý tưởng giáo dục này cũng có mặt trái: „Các phụ huynh người Việt thường gây sức ép để con cái phải đạt thành tích tốt, kể cả việc áp dụng bạo lực về mặt tâm lý và cơ thể“. Khi gửi các cháu nhờ Hội Reistrommel trông coi 3 tiếng thì bố mẹ thường đòi hỏi ít nhất trong đó phải có 2 tiếng học gạo. Bà bình luận: „Họ thật sự cứng nhắc ở điểm này“.


Dùng roi đòn gây sức ép

Bé Hà, một cháu gái 11 tuổi, thỉnh thoảng thích trượt giầy có bánh lăn Inline-Skate như chúng bạn Đức hoặc ngồi chơi không. Cháu biết cách qua mặt bố mẹ và tiết lộ: „Cháu bảo, con đang làm bài tập, thật ra là ngồi trước máy tính để tán gẫu với các bạn gái qua mạng“.

Vì phụ huynh thường bận làm việc cả ngày ở cửa hàng nên họ hầu như chẳng còn thì giờ cho con cái, thí dụ như để kiểm tra bài tập ở nhà. Nếu kết quả ở học đường sút kém hơn mong đợi thì „roi đòn trở thành một phương tiện gây áp lực“, bà Hentschel cho biết. Ngoài ra cha mẹ còn muốn những đứa con lớn tuổi hơn phụ giúp ở cửa hàng hay thông dịch cho mình tại các cơ quan công quyền. Mặt khác, những thanh thiếu niên gốc Việt này đã hội nhập toàn diện vào cuộc sống Đức và ý thức rõ rằng nhân phẩm con người là bất khả xâm phạm. Càng ngày các cháu càng đối kháng mạnh hơn với các bậc phụ huynh là những người gắn bó rất chặt với nếp văn hoá cổ truyền. Bà Henttsschel cho biết „Chúng đã bỏ nhà ra đi, trở nên hư hỏng hay thậm chí lao vào con đường ma tuý“.

Ông Phương thì trấn an và giải thích rằng, tuy có những chuệch choạc trong sự hoà thuận của một số gia đình người Việt thật, „bố mẹ thường chẳng hiểu con cái nói gì, lại dành quá ít thời gian để trao đổi với chúng về các suy tư nội tâm. Nhưng khi họ nhận thức đúng vấn đề, thì cũng tìm được hướng giải quyết“.

Nhìn về tương lai của những người đồng hương ở Đông Đức, ông ta cũng cố tìm một thế cân bằng. Tuy „sự xuống dốc về kinh tế“ của các thương nhân người Việt có thể chưa chấm dứt, nhưng với triết lý cơ bản của người Việt „cần cù, kinh doanh và kiếm tiền“ thì người Việt thể nào cũng sẽ nảy ra được những phương cách kinh doanh mới nào đó. „Thí dụ giải bóng đá thế giới là một sự kiện. Người ta cũng có thể lợi dụng cơ hội này chứ. Nhưng làm gì thì chưa biết“, nhà kinh doanh cắt nghĩa và nhoẻn miệng cười.


Bản tiếng Việt © 2006 talawas



[1]Tân tiểu bang (neue Bundesländer): Chỉ các bang vốn thuộc Đông Đức, nay trở thành các bang mới trong Liên bang Đức thống nhất.