trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
10.2.2006
Thanh Hải
Chính sách tập quyền và chính trị hoá thông qua việc thiết lập và cơ cấu chương trình đào đại học
 
Trong bài “Hiện tượng đồng phục tư tưởng trong sinh viên hiện nay’’ tôi đã nói về mục tiêu, chức năng và nhiệm vụ của giáo dục đại học Việt Nam trên những nét chung. Trong bài này, tôi sẽ thử phân tích chương trình đào tạo ở bậc học này để định hình những phương thức mà các nhà lãnh đạo thực hiện nhằm cụ thể hoá những mục tiêu đặt ra thông qua quy trình thiết lập và sự phân bố kiến thức trong các chương trình đào tạo.

Từ khi thực hiện chính sách Ðổi mới (kể từ Ðại hội Ðảng lần thứ VI, 1986), để theo kịp những biến đổi kinh tế, xã hội, các nhà lãnh đạo thấy cần phải từ bỏ mô hình đào tạo theo lối Liên Xô cũ và thay vào là mô hình đào tạo theo “tín chỉ’’ [1] phỏng theo các nước “tư bản ’. Theo mô hình mới này, lộ trình đào tạo đại học được phân thành hai giai đoạn: đại cương và chuyên ngành. Chương trình của mỗi giai đoạn là một tập hợp các môn học đã được lượng hoá bằng đơn vị tín chỉ mà sinh viên phải hoàn tất trong một thời hạn nhất định trước khi được xét thi hoặc làm luận văn tốt nghiệp. Ưu điểm của mô hình đào tạo này là sinh viên có quyền chủ động chọn lựa môn học, sắp xếp thời gian học thích hợp cũng như có thể dễ dàng chuyển đổi ngành hoặc trường học tuỳ theo điều kiện của họ, nó cũng kích thích các trường có thể cạnh tranh cũng như dễ dàng hợp tác với nhau. Tuy nhiên khi áp dụng vào Việt Nam, các nhà làm chương trình đã cải biến nhằm làm “phù hợp với tình hình’’, đã tạo ra loại mô hình thứ ba thường gọi là “bán tín chỉ’’, nghĩa là lưng chừng giữa mô hình tín chỉ và niên chế. Mô hình lỡ cỡ này đang được áp dụng trong hầu hết các trường đại học hiện nay và làm nảy sinh nhiều vấn đề đáng bàn.

Thường thì trên thế giới, việc thiết lập chương trình giảng dạy là công việc của các trường, trường này hơn trường kia cũng một phần nhờ vào khâu xây dựng chương trình này. Ở ta, các nhà lãnh đạo đã thực hiện chính sách tập quyền ngay trong công việc soạn thảo các chương trình của các trường đại học bằng cách ban hành các “chương trình khung’’ và bắt buộc tất cả các trường phải áp dụng trong các giai đoạn đào tạo đại cương cũng như chuyên ngành.


Chương trình giáo dục đại cương

Giai đoạn giáo dục đại cương kéo dài trong vòng ba học kỳ đầu của lộ trình đào tạo bậc cử nhân hoặc kỹ sư. Chương trình của giai đoạn này được cấu tạo bởi hai nhóm kiến thức bắt buộc và tự chọn.

Với nhóm thứ nhất, Bộ Giáo dục và Ðào tạo bắt buộc các trường phải đem vào chương trình giảng dạy của mình. Nhóm này chiếm khoảng 70% khối lượng kiến thức toàn chương trình đại cương, bao gồm hai mảng kiến thức:

Mảng thứ nhất gồm các môn học chính trị, (chiếm khoảng 25% khối lượng kiến thức, xem đồ thị dưới đây), quốc phòng (5%, được quy thành 4 tuần), và giáo dục thể chất (5%). Các môn học chính trị như Triết học Marx – Lenin, Kinh tế chính trị Marx – Lenin, Lịch sử Ðảng, Chủ nghĩa cộng sản khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh hoàn toàn thuộc quyền của BộGDĐT, nói đúng hơn là của Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương. Các cán bộ phụ trách tư tưởng độc quyền kiểm soát toàn bộ năm môn học này, từ việc lập chương trình, nội dung, đến việc tổ chức giảng dạy chi tiết ở các trường, việc đào tạo, bồi dưỡng, quản lý các giảng viên. Nội dung các môn học này hàm chứa những “tín điều’’ về mọi mặt trong đời sống kinh tế xã hội do Hội đồng Quốc gia soạn thảo các môn khoa học Marx – Lenin và Tư tưởng Hồ chí Minh soạn thảo. Giảng viên các bộ môn chính trị này tựa như những phát ngôn viên, những “linh mục’’ của Ðảng. Vai trò của họ là giữ gìn, truyền thụ những gì đã được các nhà lãnh đạo “định tín’’ trong nội dung các tài liệu phục vụ cho các môn học này, là những người lo về đời sống tinh thần, tư tưởng, đạo đức, nói chung là rèn luyện mặt “hồng’’ cho các trí thức tương lai nhằm cụ thể hoá mục tiêu đào tạo của các nhà lãnh đạo. Ðây là phần “tín lý’’ mà các sinh viên phải học, phải tin và phải tuyên xưng. Không có chuyện tranh luận đúng sai trong các môn học này vì nó được xem như những chân lý “bất khả ngộ’’. Giảng viên các môn học này chỉ việc lặp lại những gì có sẵn trong tài liệu, nhiệm vụ của họ là cắt nghĩa, giải thích, minh hoạ cho sinh viên hiểu chứ không có quyền phản bác các nội dung đó. Cũng vậy, nhiệm vụ của sinh viên là ghi chép, học thuộc lòng để trả bài trong các kỳ kiểm tra cuối môn học. Tôi mạn phép xin được so sánh cách thức giảng dạy các môn học chính trị này trong giáo dục đại học Việt Nam với hình thức giảng dạy giáo lý trong Giáo hội Công giáo. Mục đích giảng dạy giáo lý là làm cho người học hiểu giáo lý, hiểu lời Chúa để sống đạo, chứ không đặt vấn đề, phê bình phản bác Lời Chúa hay các tín điều đã được định tín. Ðể tạo ra sự hợp nhất trong niềm tin, Giáo hội đã thiết lập Bộ Ðức tin và Ban Chú giải Kinh Thánh cũng như Việt Nam có Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương thuộc Bộ Chính trị, nơi duy nhất có thẩm quyền chính thức chú giải các văn kiện của Ðảng và quy định những điều buộc phải tin và giữ. Ban này đã độc quyền quản lý về mọi mặt việc giảng dạy các môn chính trị nhằm tạo ra một sự thống nhất về mặt tư tưởng trong toàn giới sinh viên. Tuy nhiên, Giáo hội thuộc về lĩnh vực tôn giáo, giáo dân được học giáo lý một cách miễn phí và tự nguyện, còn những gì sinh viên chúng ta phải học thuộc về chính trị, họ buộc phải học và trả tiền cho việc học “giáo lý’’ này. Giáo hội thường chỉ dạy giáo lý cho những tín hữu của mình còn các nhà cầm quyền Việt Nam buộc tất cả sinh viên phải học cho dẫu họ là Đảng viên, Đoàn viên hay chẳng tham gia đoàn thể chính trị nào.

Tôi cũng xếp giáo dục quốc phòng vào danh sách các môn học chính trị bởi nhiệm vụ của môn học này là giảng giải cho sinh viên các chính sách, đường hướng chiến lược quân sự và chính trị của Ðảng nhằm chống lại các “thế lực thù địch’’ trên cả mặt trận tư tưởng và quân sự. Như vậy vấn đề “đồng phục hoá trong sinh viên’’ đâu chỉ hiểu theo nghĩa bóng về mặt tư tưởng mà còn đúng trong nghĩa đen của nó. Trong chương trình, các em buộc phải tập trung học và huấn luyện bốn tuần lễ trong quân phục bộ binh, thực tập trên vũ khí giống như bộ đội chính quy huấn luyện trên quân trường.

Như vậy, chúng ta không thấy sự thuyên giảm về liều lượng trong chủ trương chính trị hoá giáo dục đại học của các nhà lãnh đạo. Ngược lại, mức độ của hành động áp đặt tư tưởng này ngày càng gia tăng, mặc cho những thay đổi trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội. Thật vậy, càng về sau, số lượng các môn học thuộc nội dung giáo dục này càng gia tăng, trước Ðổi mới, sinh viên chỉ buộc phải học bốn môn, kể từ năm 2004 họ phải học thêm môn thứ năm là Tư tưởng Hồ Chí Minh. Số lượng tín chỉ các học phần chính trị này cũng ngày càng gia tăng: Trước Ðổi mới, sinh viên buộc phải học các môn này trong 18,6 tín chỉ, sau Ðổi mới con số này tăng lên là 22 tín chỉ và hiện nay là khoảng 24 tín chỉ (tuỳ trường), chiếm khối lượng lớn, tương đương hoặc hơn so với thời lượng dành cho các môn học cốt lõi chuyên ngành trong chương trình giáo dục đại cương. Chứa hết, Bộ GDĐT đã ký quyết định ngày 23/02/2004, theo đó, sẽ đem nội dung các môn học này vào chương trình thi tốt nghiệp cuối khoá bên cạnh các môn chuyên ngành kể từ khoá học 2002.




Ðồ thị lập từ chương trình đào tạo đại cương được áp dụng chung trong nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn tại Đại học KHXHNV Tp. HCM.

Mảng thứ hai trong các học phần bắt buộc là các môn “cốt lõi’’ làm nền cho đào tạo chuyên ngành trong giai đoạn kế tiếp. Với các môn học này, Bộ GDĐT bắt buộc các trường phải đem vào giảng dạy, Bộ quản lý danh mục các học phần, còn nội dung bên trong được giao cho trường đại học tự lo.

Nhóm kiến thức thứ hai trong chương trình đào tạo đại cương là nhóm tự chọn, chiếm khoảng 30% khối lượng kiến thức toàn chương trình. Với nhóm này, Bộ GDĐT để cho trường và các khoa tự lựa chọn môn học theo sở trường của mình trong số những môn học mà Bộ đề nghị, đây là vùng tự do eo hẹp mà các trường có thể sử dụng để làm nên những nét riêng của mình trong giai đoạn giáo dục đại cương.

Tóm lại, trong cấu tạo chương trình giai đoạn đào tạo đại cương, chúng ta nhận thấy vai trò chủ đạo của Bộ GDĐT trong mọi khía cạnh, nhất là về lĩnh vực giáo dục chính trị tư tưởng. Ðây là phần cứng, phần chung liên quan đến các tiêu chuẩn “hồng’’ mà các nhà lãnh đạo đã đặt ra trong mục tiêu đào tạo. Nhóm nội dung này được áp dụng trong tất cả các trường không phân biệt chuyên môn.


Chương trình giáo dục chuyên ngành

Chương trình này trang bị mặt “chuyên’’ nơi sinh viên, được cấu tạo bởi hai nhóm bắt buộc và tự chọn. Với các môn bắt buộc, Bộ GDĐT quản lý về mặt tên gọi và đề nghị một khung lý thuyết cho từng môn học như là nền tảng, trên đó các giảng viên chuẩn bị nội dung cho môn mà mình phụ trách. Khuynh hướng chung hiện nay là bắt chước bộ phận các bộ môn chính trị. Nghĩa là thành lập các hội đồng chuyên môn cấp quốc gia các chuyên ngành để lo soạn thảo các tài liệu học tập cho từng chuyên môn áp dụng chung cho tất cả các trường cùng ngành trong nước. Phần các học phần tự chọn thuộc thẩm quyền của nhà trường và các khoa trong việc lựa chọn các môn học và soạn thảo các nội dung giảng dạy cho mình.

Nhìn chung với chương trình giáo dục chuyên nghiệp, mặc dù chịu sự quản lý của Bộ GDĐT, nhưng khoảng trống tự do được nới rộng hơn so với chương trình giáo dục đại cương. Bộ GDĐT không thể chen sâu vào lĩnh vực chuyên môn của các giảng viên, chính những người này là tác giả chính của nội dung các môn học chuyên ngành, thông qua đó, họ góp tiếng nói của mình mà ít nhiều có tác động đến những thay đổi trong hệ thống giáo dục tập quyền hiện nay. Trong khoảng trống bị canh gác đó, xuất hiện những xung đột và mâu thuẫn công khai hoặc ngấm ngầm giữa não trạng “xô viết’’ và tư duy thời kinh tế thị trường, giữa quyền lực chính trị và quyền lực khoa học, giữa tính khoa học và tính Ðảng. Những xung đột này xảy ra nhiều nhất trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, bởi nội dung các môn học này thường xuyên đụng chạm tới những môn học chính trị. Ví dụ, cũng là vấn đề giai cấp, nhưng thầy có gốc đào tạo ở Âu - Mỹ thì thường giới thiệu cho sinh viên các lý thuyết khác nhau với các lối tiếp cận có tính tương đối, còn thầy dạy lý thuyết Marx – Lenin lại thường khẳng định chắc nịch sự đúng đắn của lý thuyết chính thống’ này về giai cấp như thể đó là chân lý duy nhất. Sự xung đột này đẩy sinh viên vào thế “một cổ hai tròng’’, bởi cả hai bên đều có chuẩn mực riêng của mình khi đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Trước đây, sự mâu thuẫn này không xảy ra gay gắt vì các nhà lãnh đạo chủ trương chính trị hoá cao độ nội dung các môn khoa học xã hội và nhân văn, biến nó thành môn công cụ phụ hoạ cho những môn chính trị. Trong nhiều môn học, lý thuyết Marx – Lenin đã trở thành nguồn trích dẫn chính thức trong các tài liệu học tập, lý thuyết này cũng là điểm đến, điểm kết luận dẫu cho sinh viên có được học các lý thuyết khác trước đó. Một thời trên các mặt báo, chúng ta hay thấy xuất hiện cụm từ “khoa học kỹ thuật xã hội chủ nghĩa’’, nghĩa là ngay trong tên gọi các môn khoa học kỹ thuật cũng đã nặc màu chính trị huống hồ là nội dung các môn khoa học xã hội và nhân văn. Trong bối cảnh như vậy, những người có tư tưởng “tư sản’’ làm gì có chỗ đứng trên giảng đường đại học để có thể làm cho sinh viên phân tâm. Ngày nay với sự trợ giúp của các phương tiện truyền thông, đặc biệt với Internet, và sự di chuyển đi lại dễ dàng hơn trước, các giảng viên không bị hoàn toàn khép kín trong chủ thuyết thống trị, nhờ vậy các nội dung giảng dạy của họ (những người yêu nghề) cũng có phần thêm màu và chất, nhiều người trong họ cảm thấy dị ứng với chủ trương chính trị hoá nội dung giáo dục. Ðiều này tạo ra một mâu thuẫn gay gắt ngay trong chính nội tại của trường đại học hiện nay.

Về mặt cấu tạo chương trình giáo dục chuyên ngành, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy dấu ấn của chủ trương chính trị hoá. Ví dụ trong trường Đại học KHXHNV Tp. HCM, chúng ta không kể khoa Triết là nơi đào tạo các giảng viên chính trị, các cán bộ tư tưởng của Ðảng, đương nhiên nội dung đào tạo chuyên môn chính là các môn học chính trị. Ngành văn học cũng không quên nghiên cứu về Hồ Chí Minh – tác giả và tác phẩm, ngành báo chí phải giảng dạy Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về báo chí, ngành lịch sử không thể xem nhẹ các giai đoạn kháng chiến oanh liệt dưới sự lãnh đạo của Ðảng, v.v. (xem website của trường Đại học KHXHNV Tp. HCM: www.hcmussh.edu.vn). Nói chung, nội dung giảng dạy phải đảm bảo tính Ðảng, phải phù hợp với đường hướng chính trị mà Ðảng vạch ra.

Có lẽ không nước nào trên thế giới lại có một hình thức giáo dục tập trung cao độ như ở nước ta. Hệ thống đại học xuất hiện như một đại học khổng lồ, Bộ GDĐT đóng vai như ban giám hiệu, ôm đồm hết mọi thứ từ việc tuyển sinh, làm chương trình, soạn nội dung, v.v. Các đại học như những phân khoa, là nơi mà các nhà lãnh đạo sử dụng như những công cụ thực hiện ý đồ chính trị của họ. Mục đích của chính sách tập quyền này là nhằm bảo đảm “tính thống nhất’’ trong đào tạo, nhưng cũng nhằm bảo đảm vị trí quyền lực chính trị của các nhà lãnh đạo trong giáo dục đại học. Nói cách khác, chính sách tập quyền cao độ trong việc thiết lập các chương trình và lựa chọn nội dung giảng dạy có lợi cho chủ trương chính trị hoá giáo dục đại học, phục vụ sự tái tạo trật tự, các chuẩn mực, các giá trị riêng của các nhà cầm quyền nhằm củng cố sự thống trị của họ. Tuy nhiên, nó đã kìm hãm sự phát triển của hệ thống đại học. Thứ nhất, trong một hình thức giáo dục tập trung như vậy, đương nhiên những vai diễn chính như giảng viên và sinh viên sẽ bị lấn át. Họ thụ động và mất hút trong một hệ thống khổng lồ với các quy chế kiểm soát cứng nhắc, tập trung và độc đoán, cản ngăn tính sáng tạo và sự chủ động, linh hoạt của các trường nói chung và từng vai diễn nói riêng. Nó cũng làm hạn chế sự đóng góp của xã hội, của những người sử dụng lao động vào quá trình đào tạo, làm khoảng cách giữa đào tạo và thực tế xã hội ngày càng xa vời.

Chính sách tập quyền và chủ trương chính trị hoá giáo dục đại học cũng là một trong những nguyên nhân căn bản của sự chệch choạc, bế tắc, khủng hoảng trong việc đi tìm một hướng đi, một minh triết cho giáo dục đại học hiện nay. Làm sao bảo đảm được tính khách quan, những chuẩn mực của khoa học đòi hỏi khi phải tránh những “vùng cấm’’, làm sao nhà khoa học có được sự tự do để nhận định, đặt vấn đề, hoài nghi, phản bác, phân tích... nhằm có thể cho ra đời những phát kiến, phát minh, khi họ không có quyền đi ra khỏi định hướng chính trị có sẵn, công trình nghiên cứu của họ phải bảo đảm tính Ðảng, tài liệu giảng dạy của họ phải là “giáo trình pháp lệnh’’, v.v. Ðây là nguyên nhân của sự khô cằn trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam hiện nay. Tôi xin trích ý kiến của một tác giả phản ánh về tình trạng này để kết thúc bài viết: “Trong một thời gian dài, khoa học xã hội bị đồng nhất một cách đơn giản với chính trị, hoạt động khoa học xã hội bị đồng nhất với công tác tuyên truyền cổ động. Các cán bộ khoa học được giao nhiệm vụ chủ yếu là thuyết minh quan điểm, đường lối của Ðảng, chứ chưa thực hiện chức năng đi vào thực tiễn, khảo sát, nghiên cứu, phân tích các vấn đề trong cuộc sống...’’ (Phạm Tất Dong chủ biên, Trí thức Việt Nam thực tiễn và triển vọng, 1995, NxbChính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 109).

© 2006 talawas



[1]Ðơn vị tín chỉ (gần tương đương với đơn vị học trình) được sử dụng để lượng hoá thời gian và khối lượng kiến thức giảng dạy. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Ðào tạo thì một tín chỉ tương ứng với 15 giờ dạy lý thuyết, từ 30 đến 45 giờ thực hành thí nghiệm , 45 - 60 giờ chuẩn bị luận văn tốt nghiệp (Bộ GDĐT, Giáo dục học đại học (quyển 1): Các tài liệu chính, Hà Nội, 1997, tr. 60)