trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Văn học
  1 - 20 / 257 bài
  1 - 20 / 257 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
21.2.2006
Tiêu Dao Bảo Cự
Ðọc thơ Ðông Trình, suy nghĩ về văn nghệ, chính trị và sám hối
 1   2 
 
Trước Cách mạng Tháng Tám, một thế hệ nghệ sĩ đầy tài năng đã xuất hiện. Tác phẩm của họ thời đó đã làm rung động tâm hồn, chiếm lĩnh tình cảm của cả dân tộc qua mấy thế hệ, cho đến tận ngày hôm nay. Thơ Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính… Văn của Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, nhóm Tự Lực Văn Ðoàn… Nhạc Phạm Duy, Văn Cao, Lê Thương, Cung Tiến, Ðặng Thế Phong…

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, khi người nghệ sĩ với lòng tự nguyện, dấn thân cho sự nghiệp độc lập dân tộc, với hào khí vinh quang của người chiến sĩ ra trận, các tác phẩm của họ cũng đã đi vào cuộc sống, trở thành tiếng hát chính trái tim mỗi người. Nhưng khi người nghệ sĩ đã “giác ngộ”, tôn thờ một chủ nghĩa, phục vụ cho một chế độ chính trị, tác phẩm của họ chỉ còn là những bài tuyên truyền gượng gạo, lố bịch, những bản tụng ca một chiều. Nếu người nghệ sĩ thực sự đầy tài năng thì tài hoa của họ cũng chỉ phết được lớp sơn màu mè lên một nội dung thô nhám.

Tố Hữu là nhà thơ cộng sản số một, rất tài năng nhưng đã tạo nên “quái thai văn học” (theo kiểu nói của Nguyễn Ngọc Lan) “Ðời đời nhớ ông” khóc Stalin. Xuân Diệu, nhà thơ đắm say của tình yêu và tuổi trẻ, những kiệt tác trong tập Thơ thơ của ông đã được chép nắn nót trong sổ tay của hàng triệu thanh niên qua nhiều thế hệ, sau năm 1954 ông sáng tác được gì?

Tôi vẫn hoài nghi và chưa kiểm chứng được không biết những “vần thơ” sau đây có phải thực sự là của Xuân Diệu (trích dẫn trong cuốn Trăm hoa đua nở trên đất Bắc do Mặt trận Bảo vệ Tự do Văn hóa xuất bản năm 1959 ở Sài gòn):

Mỗi lần tranh đấu gay go
Chúng con lại được Bác Hồ tới thăm
Nghe lời bác dạy khuyên răn
Chúng con ước muốn theo chân của người…
Chúng con thề nguyện một lời
Quyết tâm thành khẩn… lột người từ đây.
Anh em ơi, quyết chung lưng
Ðấu tranh tiêu diệt tàn hung tử thù
Ðịa hào, đối lập ra tro
Lưng chừng phản động đến giờ tan xương
Thắp đuốc cho sáng khắp đường
Thắp đuốc cho sáng đình làng đêm nay
Lôi cổ bọn nó ra đây
Bắt quỳ gục xuống, đọa đày chết thôi.

Nếu quả đúng thơ Xuân Diệu thì thật là khủng khiếp khi chính trị chi phối, chỉ đạo trực tiếp văn nghệ, thật là khủng khiếp cho thơ ca phục vụ chính trị! Nhưng còn thơ tình Xuân Diệu? Người ta ca ngợi nhiều bài thơ “Biển” Xuân Diệu viết năm 1962:

… Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi
Ðã hôn rồi, hôn lại
Cho đến mãi muôn đời
Ðến tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt.

So với những “Giục giã”, “Tương tư, chiều”… trong Gởi hương cho gióThơ thơ của Xuân Diệu hay những “Ngậm ngùi”, “Áo trắng”… trong Lửa thiêng của Huy Cận đã ru hồn bao thế hệ với tình sầu và nỗi cô liêu của kiếp người, thì các thi sĩ “phục vụ nhiệm vụ chính trị” sau này còn sáng tác được bài thơ nào ra hồn, hay đã trở thành cán bộ, quan chức văn nghệ chỉ biết thảo công văn, đọc báo cáo và đi dự tiệc?

Chế Lan Viên tài hoa và mê đắm trong Ðiêu tàn cũng vẫn tài hoa, điêu luyện trong những bài tụng ca “Người đi tìm hình của nước”, “Tổ quốc có bao giờ đẹp như thế này chăng”, nhưng những bài thơ này phảng phất “mùi nghị quyết” và không che được cái giả, cái gượng ép của một người làm thơ muốn “nịnh Đảng, nịnh lãnh tụ” để lập công.

Còn Nguyên Hồng sau Bỉ vỏ, Nguyễn Công Hoan sau Kép Tư Bền, Nguyễn Tuân sau Vang bóng một thời…, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, tác phẩm của họ còn có gì sẽ đứng được với thời gian?

Trong âm nhạc, Văn Cao làm sao có thể sáng tác nổi thêm một “Thiên thai”, một “Tiến quân ca”… trong chế độ gọi là xã hội chủ nghĩa ưu việt. Và còn bao nhiêu nhạc sĩ tài hoa khác tương tự như Văn Cao?

Người nghệ sĩ tự hủy hoại chính mình và tác phẩm của mình khi phục vụ cho một chủ nghĩa, một chế độ chính trị, hay chủ nghĩa và chế độ chính trị đã làm thui chột tài năng, hay cả hai điều này cộng lại đã tạo nên sự tàn phá khủng khiếp cho văn học nghệ thuật trong những thời kỳ lịch sử?

Ðã đến lúc chưa, chúng ta tự hỏi và lý giải về điều này một cách nghiêm túc?

Tôi không viết được nhiều như một số bạn cùng thời nhưng bản thân tôi cũng cảm thấy không thích khi đọc lại truyện ngắn “Tự do hay là chết” của mình đăng trên tạp chí Ðối diện năm 1972. Cùng với một số bài viết khác có xu hướng tương tự đăng trên báo chí Miền Nam lúc đó (truyện ngắn này đã được đài Tiếng nói Việt Nam, Ðài Phát thanh Giải phóng tuyên truyền rộng rãi). Có sự thật ở nơi này nơi khác và tôi đã lắp ghép, cường điệu để vẽ nên một bức tranh khủng khiếp tố cáo chế độ lao tù của chính quyền Sài Gòn. Ðiều đối với tôi vẫn còn nguyên giá trị là ý tưởng “Tự do hay là chết”. Nhưng điều làm ngạc nhiên (hay không nên ngạc nhiên) là khi nó được in lại trong tuyển tập Bút máu của nhà xuất bản Giải phóng, người ta tự ý đổi thể loại từ “truyện ngắn” sang “bút ký” và cắt bỏ một phần đoạn kết. Lúc đưa truyện ngắn này vào tuyển tập Mùa xuân chim én bay về (Nhà xuất bản Cửu Long 1986) và Tiếng hát những người đi tới (Nhà xuất bản Trẻ 1993), những người biên tập lại tự ý đổi thêm tựa đề thành “Ðịa ngục trần gian” mặc dù tác giả đã có ý kiến chính thức phản đối. Văn nghệ đã tự mình gò ép, thế mà chính trị vẫn còn tiếp tục bóp méo và luôn nghi kỵ, cảnh giác, sẵn sàng trù dập khi văn nghệ đòi quyền sống với tự do, tự do đích thực chứ không phải là tự do có điều kiện, tự do có lãnh đạo theo một chế độ, một chủ nghĩa.

Chế độ xã hội chủ nghĩa luôn tự đề cao là chế độ ưu việt nhất, phát huy nhiều nhất giá trị của con người, nhất là tài năng của người nghệ sĩ, nhưng thực tế đã diễn ra như thế nào? Tôi không phải là người đầu tiên nói về điều này. Tập thơ Chân dung nhà văn của Xuân Sách, một người trong cuộc, đã khắc họa rất rõ điều đó và đã làm không ít người phẫn nộ (thậm chí đã làm đơn ký tên tập thể kiện và đòi trừng trị tác giả). Họ phẫn nộ vì không chịu nhìn nhận sự thật, vẫn còn tự huyễn hoặc, vẫn còn mù quáng. Phẫn nộ vì những bài thơ rất ngắn không tựa đề của Xuân Sách lại đâm xuyên suốt nhân cách và sự nghiệp của những nhà văn, nhà thơ bao lâu nay được ngợi ca và tự cho mình là tài năng, vĩ đại.

Hà Sĩ Phu đã nhận ra ngay và khái quát được điều đó khi làm bài thơ cảm tác nhân đọc chân dung Hoài Thanh của Xuân Sách:

Hai nửa chân dung

Vị nghệ thuật nửa cuộc đời
Nửa đời sau lại vị người ngồi trên”
Nét này vẽ bác Lan Viên?
Bác Hữu? Bác Cận? Hay riêng bác Hoài?
Chân dung các Bác ngời ngời
Chém cha riêng cái nửa đời phía sau
Cuộc đời hai nửa vì đâu
Nửa say quỷ kế, nửa đau nhân tình.

Những nhà văn sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa ở Miền Bắc trước đây đã có hai nửa chân dung như thế, còn những người mới sống dưới chế độ chủ nghĩa từ sau 75 có thay đổi chân dung không? Anh em nhóm Việt chúng tôi và bao nhiêu nhà văn đầy lòng phản kháng ở Miền Nam trước đây, sau 75 đã viết được gì? Một số ít đã có thời gian viết tụng ca (kể cả Ðông Trình), hoặc sáng tác về những đề tài vô thưởng vô phạt, không phải để làm văn nghệ chân chính mà chỉ để kiếm sống. Trần Duy Phiên viết “Kiến và người”, “Mối và người” (hai truyện ngắn đăng trên tạp chí Ðất Quảng và Sông Hương) chỉ có thể dùng bút pháp tượng trưng mà đã bị đe dọa. Ðông Trình còn viết được không những vần thơ tâm huyết đầy lửa như trong Rừng và Hoa? Thế Vũ với “Những vòng hoa ngụy tín”, Nguyễn Hoàng Thu với “Người bắt ruồi”, Hàng Chức Nguyên với “Tiếng hát của người thương binh mất trí” năm xưa nay viết được gì? Còn Lê Văn Ngăn, Lê Nhược Thủy, Chinh Văn, Phan Duy Nhân, Nguyễn Tường Văn…? Thế Vũ mới chỉ viết một bài báo ngắn “Ðiều đáng sợ nhất của văn học: Ðánh mất lòng tin ở độc giả” (Phụ trang tạp chí Cánh Én 1989) phê phán Ban Chấp hành Hội Nhà Văn Việt Nam trong vụ Nguyên Ngọc và Tuần báo Văn nghệ, đã bị đánh tơi bời như một “tên ngụy, phản động…”, bị mất chức, cho nghỉ việc rồi đi sửa mo rát, biên tập thuê kiếm sống. Làm sao để giữ được quan điểm và nhân cách của mình là điều hoàn toàn không dễ dàng.

Các nhạc sĩ sinh viên thời phong trào đấu tranh đô thị như Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn… và các bài hát đầy hào khí, lôi cuốn cả một thế hệ thanh niên xuống đường nhập cuộc đấu tranh, nay khi đã trở thành những quan chức, có bao giờ còn thao thức như những “đêm không ngủ” năm nào, dù tình hình hiện nay có nhiều chuyện không khác xưa bao nhiêu và những bài hát cũ của các anh hát lên bây giờ cũng hoàn toàn phù hợp. Rồi còn nữa, đâu rồi những bài ca hào hùng của Trương Quốc Khánh, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Văn Sanh, Nguyễn Xuân Tân, La Hữu Vang, Trần Xuân Tiến…?

Dù muốn dù không, thời kỳ đổi mới, cải tổ rồi sụp đổ, suy thoái của toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới đã mang đến cho Việt Nam những thay đổi nhất định về chính trị và văn nghệ.

Ở Hà Nội, sau những gì đã làm, đã viết trong bước đầu đổi mới, người ta mong chờ gì ở các nhà văn Nguyên Ngọc, Ma Văn Kháng, Xuân Cang, Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Trần Huy Quang, Lê Lựu, Bảo Ninh…, các nhà nghiên cứu phê bình Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Ðăng Mạnh, Nguyễn Văn Hạnh, Ngô Thảo… các nhà làm điện ảnh như Trần Văn Thủy, Ðặng Nhật Minh…?

Ở Miền trung, người ta có thể hi vọng gì với Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Ðắc Xuân, Nguyễn Khắc Phê, Trần Vàng Sao, Thanh Thảo, Trần Huyền Ân, Triệu Phong… và lớp trẻ hơn như Trần Thùy Mai, Nguyễn Quang Lập, Ngô Minh, Trần Thức, Hoàng Dũng, Phạm Phú Phong…?

Còn Sài Gòn và Nam Bộ? Vùng đất mới năng động và rực lửa đấu tranh trong lịch sử trẻ trung của mình với truyền thống bất khuất đã sản sinh ra bao nhiêu nhà văn, nghệ sĩ tài năng và đầy lòng phản kháng, lẽ nào chỉ nhạy bén với nền kinh tế thị trường?

Ở đây, tôi cũng muốn nói đôi lời về khía cạnh tổ chức đào tạo, giáo dục của một chế độ đối với hoạt động văn học. Chế độ xã hội chủ nghĩa có các tổ chức đào tạo, bồi dưỡng những người viết văn, có trường đại học viết văn, trả lương cho những người viết văn chuyên nghiệp, nhưng đã sản sinh ra bao nhiêu nhà văn, trong đó có bao nhiêu nhà văn lớn? Ý thức phục vụ chính trị và tính chất rập khuôn đã làm hạn chế tài năng và tinh thần tự do sáng tạo của nhà văn như thế nào? Lại còn các tổ chức văn học nghệ thuật mang tính chất nhà nước. Những hội gọi là sáng tạo mà cũng phải gò vào một tổ chức bất kể quan điểm, xu hướng, phong cách sáng tác. Trong những tổ chức này người ta lại điều hành theo kiểu hành chính, quan liêu, lôi bè kéo phái, tranh giành quyền lực, chia chác quyền lợi, đấu đá lẫn nhau, không còn gì gọi là văn học nghệ thuật nữa. Những người lãnh đạo văn nghệ có khi lại không có khả năng sáng tác văn nghệ hoặc khi đã trở thành lãnh đạo, những người làm quan lại không còn khả năng sáng tác.

Văn nghệ sĩ chân chính cần gì các tổ chức này. Cùng xu hướng, tâm đắc với nhau thì tự động tập hợp lại thành nhóm, thành hội, hoặc cứ một mình mà đi trong thênh thang trời rộng, giữa dân tộc và loài người, cần chi phải chui đầu vào tổ chức.

Hiến pháp ghi rõ quyền “tự do lập hội”, nhưng mọi hội đoàn dưới chế độ xã hội chủ nghĩa đều là hội đoàn của Ðảng và Nhà nước. Nếu các văn nghệ sĩ tự mình lập hội thì Ðảng và Nhà nước có cấm và cấm được không? Tại sao văn nghệ sĩ không dám làm điều hiến pháp đã cho phép? Không phải chỉ có quyền tự do này mà còn bao nhiêu quyền khác đã được ghi rõ trong hiến pháp. Nếu văn nghệ sĩ, trí thức và nhân dân nói chung không dám thực hiện những điều đã ghi trong hiến pháp thì phải chăng việc chịu đựng áp bức, mất tự do là điều tất nhiên, như có người đã nhận định?

Chế độ cũ trước đây ở Miền Nam không có các cơ chế văn nghệ nhà nước như dưới chế độ xã hội chủ nghĩa nhưng vẫn có vô số nhà văn, nhà thơ, trong đó không ít người có tài năng và khẳng định được phong cách riêng, sự độc đáo của mình. Dĩ nhiên, nói như thế không phải để ca ngợi chế độ cũ, nhưng để nói đến một bầu khí như thế nào để văn học có thể phát huy tinh thần sáng tạo, điều cần thiết đối với văn học nghệ thuật như hơi thở đối với cuộc sống con người.

Ở thời chúng tôi, chỉ mấy lớp ban Việt văn của trường Ðại học Sư phạm Huế bé nhỏ, mỗi lớp chỉ có hơn 10 sinh viên, trong những năm 60, đã sản sinh không ít các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, dịch thuật: Ngô Kha, Ðoàn Khoách, Phùng Khánh, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Ðắc Xuân, Trần Quang Long, Trần Duy Phiên, Ðông Trình, Trần Hữu Lục, Trần Hồng Quang, Tần Hoài Dạ Vũ, Huỳnh Ngọc Sơn, Ngô Văn Ban… (Chưa nói đến tài năng, chỉ nói đến việc họ đã sáng tác, nghiên cứu và có tác phẩm xuất bản, đăng trên báo chí. Một số trong họ được người đọc và các nhà phê bình công nhận là thực sự có tài năng.)

Tôi nói điều đó không phải để khoe khoang vì chẳng có gì để khoe khoang, mà là để dẫn chứng và so sánh. Ở thời chúng tôi, phần lớn sinh viên vào các ban văn vì người ta có “tâm hồn văn chương”, ngoài một số người trở thành nhà văn, không ít người đã học, sống và đi dạy học bằng tất cả say mê và “lý tưởng văn chương” của mình. Còn ban văn các trường Ðại học Tổng hợp, Ðại học Sư phạm từ sau 1975 đến nay đã thu nhận sinh viên như thế nào và đào tạo các giáo sư văn chương ra sao, rồi cả mấy thế hệ học sinh đã học tiếng Việt như thế nào? Ðiều này báo chí gần đây đã nói đến nhiều và đưa ra tỉ lệ học sinh yếu kém môn văn một cách báo động trong các trường học.

Có người nói môn văn là môn học làm người, và ai cũng thừa nhận, nói chung, ngành giáo dục là nơi đào tạo con người, đào tạo những người chủ tương lai của đất nước. Ðào tạo con người, ngoài kiến thức, chuyên môn, kỹ thuật, còn có đạo lý, nhân cách, bản lãnh. Thế nhưng một điều lạ lùng là trong các chế độ không phải là xã hội chủ nghĩa, mà là “thực dân phong kiến”, “ngụy quyền tay sai”, sinh viên học sinh lại đầy lòng phản kháng, nhận thức rất rõ và dám đứng lên đấu tranh cho độc lập tự do của tổ quốc, cho công bằng xã hội (trong đó có nhiều người sau này là lãnh tụ cộng sản); nhưng sinh viên học sinh trong chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt ở Miền Bắc trước 1975 và cả nước sau 1975 lại hầu như tê liệt lòng phản kháng, chỉ biết phục tùng và sa vào chủ nghĩa thực dụng. Nếu giải thích điều này bởi chủ nghĩa xã hội ưu việt thực, không có bất công áp bức và có đầy đủ mọi quyền tự do dân chủ nên không ai muốn kêu đòi gì nữa, nói như thế chắc chẳng ai tin. Vậy phải chăng chỉ có thể giải thích đây chính là sự ưu việt của chủ nghĩa xã hội trong việc đàn áp, thống trị tư tưởng và hành động của con người?

Cho đến khi chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ ở Liên Xô và các nước Ðông Âu, đã bộc lộ những sai lầm nhược điểm không thể chối cãi, ngay trên đất nước này, những người cộng sản kiên cường nhất đã làm gì để sửa chữa? Sửa chữa ở đây bao hàm những thay đổi từ cơ bản của sai lầm.

Dĩ nhiên ai cũng thấy những người lãnh đạo cộng sản gần đây đã chủ trương mở cửa, chấp nhận kinh tế thị trường và đã mang lại những thay đổi, kết quả bước đầu, nhưng mặt khác, lại vì lý do “ổn định chính trị” nên ra sức đàn áp dân chủ, bóp nghẹt tư tưởng, vi phạm nhân quyền. Thực chất, người cộng sản phải tự cứu về mặt kinh tế để khỏi sụp đổ và chỉ muốn duy trì mãi mãi độc quyền lãnh đạo. Nhưng người dân không phải là con vật chỉ cần được ăn no là đủ. Thực ra con vật cũng không phải chỉ cần được ăn no và thực tế chỉ một số người no mập, phủ phê, xa xỉ, còn đại bộ phận nhân dân vẫn cùng cực. Hơn nữa, với nền kinh tế thị trường, việc nhận viện trợ của các nước ngoài, nếu lãnh đạo không đủ tài trí, bản lĩnh sẽ mang lại tai họa lâu dài cho đất nước trên tất cả mọi phương diện từ kinh tế cho đến văn hóa giáo dục, xã hội, truyền thống, đạo đức…

Bạn hay thù đều phải công nhận Phạm Văn Ðồng, Võ Nguyên Giáp là những lãnh tụ cộng sản thông minh, tài trí, nhưng nay các ông hoàn toàn bất lực dù các ông thấy rõ. Phạm Văn Ðồng đã công khai nói về sự sa sút, xuống dốc của tổ chức bộ máy Ðảng và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Ðảng như một “căn nhà rác rưởi”. Nguyễn Hữu Thọ đã tập họp được bao nhiêu người yêu nước dưới ngọn cờ Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam, sau 75 đã nhiều lần kêu gọi đấu tranh đòi dân chủ, dân quyền, ông có đau xót và hổ thẹn không khi tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mà ông đứng đầu chỉ là cái bung xung, vật trang trí dân chủ của một chế độ độc tài? Trần Ðộ, một vị tướng yêu văn nghệ, một thời làm trưởng ban Văn hóa Văn hghệ Trung ương, người đã làm hết sức mình cho việc ra đời của nghị quyết 5 về văn hóa văn nghệ, một nghị quyết cấp tiến nhất từ trước tới nay của Đảng Cộng sản Việt Nam, để rồi nghị quyết bị vô hiệu hóa, xóa sổ khi mới chuẩn bị thực hiện. Một số cán bộ cấp cao có tâm huyết , đau lòng về tình hình cũng chỉ có thể đến mức xin về hưu và trong chỗ riêng tư, tự nhìn nhận là vì hèn nên không dám tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng sản. Những người lãnh đạo cộng sản khác ở mọi cấp đã thực sự nhận thức như thế nào dù họ vẫn luôn bị guồng máy cuốn đi? Còn một số người ở Miền Nam trước 1975 được coi là cấp tiến, có tinh thần phản kháng như bà Ngô Bá Thành, Lý Chánh Trung, trong thời gian được Đảng Cộng sản trọng dụng, đã hết sức ca ngợi chế độ, to mồm nhất trong các cuộc họp quốc hội để đàn áp quyền tự do báo chí, hạn chế quyền tự do ứng cử và bầu cử khi thông qua các luật , nay bị vứt qua bên lề, có cay đắng và ăn năn không?

Những điều này có phần nào liên quan đến bộ máy tổ chức. Ðảng Cộng sản của những người đấu tranh cho công bằng, nhân đạo, giải phóng giai cấp khi trở thành Đảng cầm quyền đã trở thành Đảng độc tài, quan liêu, bè phái. Thậm chí gần đây nhiều người đã nhận định Đảng trở thành một tập đoàn mafia, với những thủ đoạn tinh vi và hiểm độc, tàn bạo để thanh toán nội bộ, bị chi phối bởi một vài cá nhân hoặc tập thể như tập đoàn Lê Ðức Thọ mà Hoàng Minh Chính đã tố cáo, với sự cám dỗ của quyền lực và quyền lợi, tất cả đã làm cho những người trong guồng máy hầu như tê liệt lòng phản kháng hoặc không có khả năng phê phán.

Lúc còn làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phạm Văn Ðồng đã có lần kêu lên về sự bất lực của mình. Võ Nguyên Giáp một thời gian phải đi làm “kế hoạch hoá gia đình”, đến nỗi trong dân gian đã có câu ca dao mới:

Ngày xưa đại tướng oai hùng
Ngày nay đại tướng đặt vòng cho em

Lẽ nào vị đại tướng danh tiếng lừng lẫy thế giới với hai chiến thắng Ðiện Biên Phủ và 30/4/75 lại không có việc gì để làm hơn là kế hoạch hóa gia đình, dù việc này cũng rất quan trọng? Không phải nhân dân mỉa mai đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng người ta cay đắng hộ cho ông và phê phán, bất bình đối với tổ chức, bộ máy của Đảng Cộng sản không gì khác hơn là một tập đoàn bè phái, sẵn sàng gạt ra ngoài những người không ăn cánh.

Trên đây, tôi có đề cập đền một vài người để phân tích theo mạch suy tưởng của mình. Ðối với tôi và đối với nhân dân nói chung, không có ai là bất khả xâm phạm, kể cả những anh hùng, lãnh tụ vĩ đại nhất. Mọi người, mọi việc đều phải được nhìn nhận dưới áng sáng của trí tuệ, lương tri và công luận.

Không phải tôi viết lan man cốt động chạm đến việc này việc khác, người này người khác. Tôi chỉ muốn chứng minh có một nhận định mà nhiều người thừa nhận là những người cộng sản độc quyền lãnh đạo đã làm thui chột thay vì phát huy những phẩm chất tốt đẹp nơi con người như họ vẫn rêu rao trong các nghị quyết, sắc luật và các khẩu hiệu tuyên truyền. Công bằng mà nói, chủ nghĩa xã hội cũng phát huy được một số đức tính nào đó, nhưng điều nổi bật là đã làm cho con người trở nên cuồng tín, ngụy tín, hèn nhát và dối trá. Phan Ðình Diệu, một trí thức cỡ lớn do chế độ đào tạo đã nhiều lần công khai nói về chuyện độc quyền tất sẽ dẫn đến độc tôn, độc tài, độc ác. Trong tháng 9/92, khi trả lời phỏng vấn một phóng viên nước ngoài, ông đã chính thức kêu gọi Đảng từ bỏ chủ nghĩa cộng sản và chấp nhận dân chủ đa nguyên. (Tập san Bắc Âu Nghiên cứu Á Châu số 2/1993, xuất bản tại Ðan Mạch.)

Tôi nói đến nhận định trên không phải vì hận thù. Chủ nghĩa cộng sản đã là niềm mơ ước của hàng triệu triệu người, nhưng cũng đã là niềm cay đắng và tội ác đối với hàng triệu triệu người, trong đó có những người đã mơ ước nó, trong những người đó có tôi.

Nhận thức được điều này, một số người đã nghĩ, đã nói đến sám hối.

Nguyễn Minh Châu đã viết “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn chương minh họa”. Ðó là những lời chân thành và dũng cảm, dù Ðảng và Nhà nước, các nhà văn cùng thời thừa nhận hay không. Tiếc thay, Nguyễn Minh Châu bị mắc cơn bệnh ung thư máu nan y nên tác phẩm thể hiện sự sám hối của ông còn quá ít, cho dù đến những giây phút cuối cùng, trên giường bệnh, ông còn viết bài đấu tranh cho đổi mới trong vụ Nguyên Ngọc và tuần báo Văn nghệ cuối năm 1988.

Trong những chừng mực và cách thế khác nhau, những tác phẩm của Dương Thu Hương, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Huy Thiệp, Phùng Gia Lộc, Hà Văn Thùy, Lê Lựu, Trần Huy Quang, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Quang Lập, Bảo Ninh… thời đổi mới cũng là những biểu hiện sám hối.

Có những người sám hối quá muộn dù ý thức sám hối đã có từ trước như Chế Lan Viên. Biểu hiện sám hối chỉ nằm trong di cảo và người ta chỉ có thể suy diễn về tâm trạng của nhà thơ. Có phải Chế Lan Viên đã biết là bánh vẽ nhưng vẫn cầm lên nhấm nháp:

Chưa cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi cùng bạn bè
Cầm lên nhấm nháp
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Ðêm vui…
Bảo anh không còn khả năng nhai
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc
Thế thì còn dịp đâu nhai thứ thiệt?
Rốt cuộc, anh lại ngồi vào bàn
Như không có gì xảy ra hết
Và những người… khác thấy anh ngồi
Họ cũng ngồi thôi
Nhai ngồm ngoàm…

(Chế Lan Viên, “Bánh vẽ”, Di cảo)

Có phải trong thẳm sâu tâm thức, ông vẫn biết mình dối trá, che giấu sự thực:

Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi viết đâu.
Một nửa
Cái cần đưa vào thơ tôi đã giết rồi
Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười.
Giết một kỷ niệm, giết một ước mơ.
Giết cái cánh sắp bay… trước khi tôi viết.
Tôi giết bão ngoài khơi cho được yên ổn trên bờ
Và giết luôn cả mặt trời lên trên biển.
Giết mưa và giết cả cỏ mọc trong mưa luôn thể.
Cho nên câu thơ tôi gầy còm như thế.
Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình.
Và thơ này rơi đến tay anh
Anh bảo đấy là tôi
Không phải.
Nhưng cũng chính là tôi. Người có lỗi
Ðã giết đi bao nhiêu cái
Có khi không có tội như mình.

(Chế Lan Viên, “Trừ đi’’, Di cảo)

Có phải Chế Lan Viên thấy rõ tội lỗi của mình khi đối mặt với hiện thực của đất nước:

Ai? Tôi?
Mậu thân 2000 người xuống đồng bằng.
Chỉ một đêm, còn sống có 30.
Ai chịu trách nhiệm về cái chết của 2000 người đó?
Tôi! Tôi, người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi lúc xung phong
Một trong 30 người kia ở mặt trận về sau 10 năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ !
Ai chịu trách nhiệm vậy? Lại chính là tôi !
Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời
Tôi ú ớ.
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong
Mà tôi xấu hổ
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ…
Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười.

(Chế Lan Viên, Di cảo)

Tôi muốn trích dẫn cả ba bài thơ này của Chế Lan Viên vì những bài này ít người biết và vì con người, cuộc đời và thơ ca của ông là một “phản ánh hiện thực” rất đặc trưng và đầy bi kịch của một giai đoạn lịch sử có đầy đủ tính hùng tráng, đau thương, hiến dâng, phản bội, dối trá, ngụy trang và không thể nào tránh khỏi sám hối.

Sám hối là nhận thức lại và ăn năn về lỗi lầm của chính bản thân hay của cả một tập thể, một dân tộc đã đi sai đường, dù chính mình chủ động hay thụ động, tình nguyện hay bị bó buộc. Ăn năn sám hối vì đã cố tình hay vô ý làm điều sai, điều ác.

Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan đã sám hối với sự thừa nhận rõ ràng trong tên gọi của “Ba bài giảng sám hối”. Một số thành viên trong Câu lạc bộ Những người Kháng Chiến cũ thành phố Hồ Chí Minh những năm 88-89 như Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Ðỗ Trung Hiếu, Hồ Hiếu cũng đã sám hối. Còn những người lãnh đạo Cộng sản, có ai đã sám hối không hay chỉ mới dừng lại ở chỗ “sửa sai” nhẹ nhàng?

Sám hối phải có cắn rứt lương tâm, phải đau đớn, tiếp đến có ý thức và hành động chuộc lỗi. Sám hối đó mới có giá trị tích cực. Sám hối không phải chỉ tự đấm ngực và cầu xin tha tội. Sám hối là dấn thân vào cuộc đấu tranh chống lại sự hèn nhát, yếu đuối, sai lầm của bản thân, chống lại thế lực của sự ngu si, cuồng tín, tàn bạo đã tạo ra tội ác.

Những người không có và không cần quyền lực, hư danh, những kẻ thất cơ lỡ vận dễ sám hối hơn những người có địa vị, uy quyền. Ðối với loại người sau, ngụy tín dễ hơn sám hối, biện minh nhiều hơn nhận lỗi, quyền lợi mạnh hơn lương tri, sám hối thực không dễ dàng.

Nội dung, đề tài của văn nghệ là vô tận. Văn nghệ ca ngợi tình yêu, thiên nhiên, tuổi thơ, đắm mình trong huyền thoại, ước mơ về một tương lai viễn tưởng… Không thể cưỡng bức văn nghệ phải chuyên chở nội dung này, khai thác đề tài kia như các chế độ độc tài, nhất là độc tài cộng sản đã làm. Văn nghệ không phi chính trị nhưng không phục vụ chính trị một cách mù quáng. Văn nghệ không cần mang tính Đảng mà phải phi Đảng. Văn nghệ không tôn thờ chủ nghĩa. Văn nghệ phụng sự cho dân tộc và con người. Văn nghệ không biên cương quốc gia, biên cương thời gian và biên cương chủ nghĩa. Nhưng nếu văn nghệ vì con người thì không thể né tránh thân phận con người, nhất là khi thân phận hàng triệu người bị quy định, chi phối bởi các chế độ độc tài tàn bạo. Văn nghệ lúc đó phải biết và dám nói tiếng nói của lương tri. Ðó là văn nghệ dấn thân và phản kháng.

Văn nghệ phải đến được với công chúng, đối tượng, mục đích, môi trường và đất sống của mình. Các chế độ độc tài luôn ngăn chặn văn nghệ tự do, chỉ muốn lùa văn nghệ vào các chuồng nuôi thú làm cảnh. Văn nghệ phải biết cách chiến đấu. Từ xa xưa, ông cha ta đã biết điều này. Ðó là truyện tiếu lâm, câu đối, ca dao, hò vè, thơ ca châm biếm, sau này còn có cách viết “lách” trên sách báo hợp pháp, xuất bản sách báo bất hợp pháp, tổ chức “hát cho đồng bào tôi nghe”… Văn nghệ phải ươm mầm phản kháng, thức tỉnh lương tri, kêu gọi đấu tranh, đánh thẳng vào mặt cường quyền, đóng đinh tội ác vào giá của lịch sử.

Chính trị bao giờ cũng cần thiết cho một dân tộc, một xã hội và toàn thế giới. Ðường lối chính trị có thể đúng hoặc sai. Người làm chính trị có thể tốt hoặc xấu. Làm chính trị phải nắm được quyền lực. Quyền lực là sức mạnh vạn năng và là con dao hai lưỡi. Quyền lực xây dựng và cũng quyền lực hủy hoại con người, hủy hoại ngay chính người làm chính trị. Cám dỗ quyền lực rất lớn và nguy hiểm.

Dù sao người làm chính trị cũng có lương tri. Tiếng nói của lương tri và sức mạnh của quần chúng nhân dân sẽ ngăn chặn được sai lầm và tội ác. Mục đích chính trị có tốt đẹp tới đâu nhưng phương tiện, con đường đi là độc tài, chà đạp nhân quyền, vi phạm tự do, khủng bố bằng bạo lực, gây ra nội chiến, trả giá bằng máu và nước mắt đều không thể tự biện minh, không đạt đến mục đích.

Văn nghệ và chính trị đều phải biết sám hối. Tốt hơn là đừng để phải sám hối nhưng đã lỡ sai lầm thì phải sám hối trước khi quá muộn.

Ðộng Hoa Vàng, Ðà Lạt 12/10/1993

Nguồn: Đăng lần đầu trên tạp chí Đối thoại, 1993