trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
24.2.2006
Simon Sebag Montefiore
Quái vật mang tên Karl Marx
Nguyên Trường dịch
 
Lời người dịch: Với đầu đề như thế, tác giả Simon Sebag Montefiore (Daily Mail ra ngày 16 tháng 7 năm 2005) đã trình bày quan điểm của mình về kết quả thăm dò ý kiến thính giả đài BBC Radio 4: Karl Marx được coi là triết gia vĩ đại nhất của mọi dân tộc và mọi thời đại. Bài được dịch lại từ website tiếng Nga: http://www.inosmi.ru/text/translation/220997.html như một cách mua vui cùng ông Đông La. Còn theo thiển ý, trong các trước tác của Marx nhất định phải có những câu, những ý thể hiện tình yêu bao la của ông với giai cấp cần lao, nếu không làm sao có hàng trăm triệu người sẵn sàng lao vào hòn tên mũi đạn dưới ngọn cờ của ông, nhân danh học thuyết mang tên ông? Nhưng chắc chắn rằng trong các trước tác của ông cũng có những câu, những ý có thể làm tấm bình phong che đậy, biện hộ cho những tội ác tày trời của những tên đao phủ như Stalin, Mao Trạch Đông, Pol Pot… Vậy có lẽ đã đến lúc nên coi giáo điều mác-xít như một trái táo đẹp dành cho nàng Bạch Tuyết trong truyện của Grimm. Nhìn bên ngoài thì nó đẹp thật, nhưng xin đừng xúi con người ta ăn. Nguy hiểm lắm, chết người là cái chắc. Quả táo ấy chỉ nên để trong viện bảo tàng, cũng như học thuyết mác-xít chỉ nên để trong thư viện cho những người như ông Đông La học tập, nghiên cứu, chớ dại dột biến nó thành quốc đạo; nơi nào nó đã trót biến thành quốc đạo rồi thì nên dẹp bỏ ngay cho dân nhờ.
Chưa có học thuyết triết học nào từng biện hộ cho nhiều vụ giết người đến như thế. Tín điều của ông ta là “công bằng và tự do” đã trở thành gần như một tôn giáo, các môn đồ của nó đã cai trị một nửa thế giới và nô dịch hàng trăm triệu người.

Các vụ hành hạ, tra tấn, bỏ đói, diệt chủng, được thực hiện nhân danh ông ta, đã trở thành công việc thường nhật của những kẻ cầm quyền tàn độc trên toàn thế giới.

Thế nhưng theo kết quả thăm dò ngày hôm qua do đài BBC Radio 4 tiến hành thì Karl Marx, người sáng lập chủ nghĩa cộng sản và ông tổ của chủ nghĩa xã hội, người không đội trời chung với chủ nghĩa tư bản và giai cấp tư sản lại được coi là nhà triết học vĩ đại nhất của mọi dân tộc và mọi thời đại.

Làm sao lại xảy ra cái sự kiện là tên tuổi của con người vốn được những kẻ độc tài chuyên chế dùng để biện hộ cho những tội ác man rợ của họ lại được người thời nay coi là một trong những vĩ nhân của thế giới văn minh?

Có thể vấn đề là ở chỗ định nghĩa khái niệm. Trong trường hợp này phải chăng người “vĩ đại nhất” là người mà tư tưởng để lại dấu ấn sâu sắc nhất trong lịch sử? Theo ý nghĩa đó thì không có gì để nghi ngờ rằng giá trị của di sản của Marx chỉ có thể so sánh với những hậu quả hậu quả thảm khốc mà ông đã để lại mà thôi.

Không phải vô tình mà Marx đã nói: “Các nhà triết học chỉ giải thích thế giới, nhưng vấn đề là cần phải cải tạo nó”.

Quả thật ông đã thành công. Như Francis Wheen đã viết trong cuốn sách về Marx: “100 năm sau khi Marx qua đời, một nửa nhân loại đã nằm dưới sự cai trị của những chế độ coi chủ nghĩa Marx là chủ thuyết”.

Không có Marx thì đã không có chiến tranh lạnh. Không có Marx thì đã không có “bức màn sắt”, không có quần đảo GULAG.

Như vậy chúng ta có thể đồng ý với nhau như sau: về mức độ tác động lên tiến trình lịch sử thế giới thì không có triết gia nào có thể so sánh với Marx. Nhưng nhất định từ “vĩ đại” phải bao hàm ý nghĩa tích cực. Nhưng chẳng lẽ ta có thể đánh giá một cách tích cực một con người khi mà tư tưởng của ông ta đã sinh ra nhiều kẻ sát nhân đến như thế?

Không có Marx thì Lenin và Stalin không thể có hệ tư tưởng cho phép họ thực hiện những vụ đàn áp chống lại chính nhân dân nước mình với con số nạn nhân lên đến 60 triệu người. Không có Marx thì Mao Trạch Đông không thể trở thành kẻ giết người hàng loạt khủng khiếp nhất trong lịch sử, 75 triệu người đã trở thành nạn nhân của ông ta.

Nước Anh và phương Tây nói chung được hưởng sung túc và tự do là vì xã hội của họ không xây dựng trên cơ sở học thuyết mác-xít mà trên cơ sở của chủ nghĩa tư bản tự do, một chế độ mà Marx rất khinh bỉ.

Tôi thật vô cùng kinh ngạc khi thấy thính giả của đài BBC Radio 4, những người thông minh và đầy lòng nhân ái - phẩm chất đặc biệt của thính giả đài này - lại có thể đưa lên bục vinh quang con người đã mang lại cho thế giới chúng ta nhiều tai hoạ hơn bất kì ai khác.

“Các vị đã bỏ qua điều cốt yếu, các vị đã đơn giản hoá”, những người biện hộ cho Marx có thể nói như thế. Họ khẳng định rằng không thể bắt Marx chịu trách nhiệm thay cho những kẻ đã xuyên tạc học thuyết của ông, những kẻ đã lợi dụng học thuyết của ông cho những mục đích riêng. Những kẻ độc tài khát máu đã không đếm xỉa đến những tư tưởng vĩ đại trong học thuyết của ông, họ chỉ chọn những ý tưởng riêng lẻ, thí dụ thắng lợi tất yếu của giai cấp vô sản, có sức lôi cuốn quần chúng mà thôi. Marx, họ khẳng định, sẽ phát hoảng nếu biết rằng người ta đã lợi dụng tên tuổi ông để thực hiện những tội ác tày trời như thế.

Có thể là như vậy, nhưng liệu có thể tha thứ cho Marx khi những điều khủng khiếp như thế được làm nhân danh ông hay không? Tôi nghĩ là không.

Để lí giải vì sao tôi lại nghĩ như thế ta cần nghiên cứu kĩ lưỡng xem thực chất Marx đã tranh đấu vì cái gì. Cần phải hiểu cá nhân ông và tìm hiểu xem ông có nhận thức được hậu quả của lí thuyết triết học của mình hay không.

Mặc dù những người kế tục Marx đã tiêu diệt hàng triệu sinh mạng, chính Marx chưa từng hại ai: Dù nghèo khổ ông đã sống ở London như một trí thức tư sản bình thường.

Marx sinh năm 1818 trong một gia đình Do Thái khá giả đã cải sang Thiên Chúa giáo, ở thành phố Trier, nước Đức, sau khi tốt nghiệp đại học ông trờ thành một nhà báo cấp tiến, phê phán tất cả mọi thứ trên đời.

Năm 1843 ông đến Paris và bị trục xuất khỏi thủ đô nước Pháp vì người ta coi ông là một phần tử cách mạng nguy hiểm. Năm 1848, tại Bỉ, ông đã cùng với người bảo trợ giàu có của mình là Friedrich Engels viết Tuyên ngôn của đảng cộng sản.

Năm 1852 ông chuyển đến London và hoàn thành bộ Tư bản luận, tác phẩm quan trọng nhất của mình vào năm 1867.

Trong đời sống bình thường Marx là người háo danh, hung hăng và khó gần, đúng như Francis Wheen mô tả, nhưng đồng thời ông lại rất yêu thương vợ là bà Jenny von Westphalen và đã đau khổ rất nhiều khi ba trong sáu người con của ông bị chết. Trong khu Soho, một khu vực hoang vắng của thành phố London, ông đã sống như một người trung lưu, song cuộc sống của ông phụ thuộc rất nhiều vào lòng tốt của những người bảo trợ. Wheen viết: “Marx liên tục dội bom thư những ông chú ông bác giàu có với mục đích vòi tiền và quỵ lụy trước những người họ hàng giầu có để họ nhắc tên ông vào trong di chúc”.

Sau khi Marx chết vào năm 1883, mộ ông ở Highgate trở thành địa điểm thiêng liêng nhất đối với những người mác-xít toàn thế giới; hiện nay nó vẫn còn là như thế. Marx đã trang bị cho họ ý tưởng rằng chủ nghĩa tư bản và sở hữu tư nhân là xấu, ác, còn chủ nghĩa xã hội và kinh tế nhà nước là tốt đẹp. Xúc động vì những khổ đau của những người công nhân nghèo đói, ông đã lập nên một học thuyết giáo điều, bao trùm tất cả, vạn năng, kêu gọi giải phóng xã hội khỏi mọi bất công.

Marx tin tưởng rằng hành vi và số phận của con người không phải được quyết định bởi tính cách và đạo đức của anh ta mà chính tác động của các lực lượng kinh tế đã không cho phép người nghèo thoát khỏi cảnh bần cùng. Theo ông, khái niệm đạo đức chỉ là một tập hợp các qui định giúp cho giai cấp cầm quyền cai trị công nhân vô sản, nhằm vĩnh viễn trói buộc họ vào địa vị thấp hèn mà thôi.

Hơn nữa Marx còn khẳng định rằng lịch sử chỉ là một loạt các bước đi tiền định hướng tới việc thực hiện lí tưởng: lật đổ chế độ tư bản và thiết lập chế độ cộng sản công bằng.

“Sự cáo chung của nó (tư sản) và thắng lợi của giai cấp vô sản là tất yếu”, ông đã viết trong Tuyên ngôn như thế. “Những người cộng sản… tuyên bố công khai rằng mục đích của họ chỉ có thể đạt được bằng cách lật đổ bằng vũ lực toàn bộ chế độ xã hội hiện nay… Giai cấp vô sản toàn thế giới liên hiệp lại!”.

Chính niềm tin vào sự cần thiết, tính tất yếu và tính thiện của cách mạng và của cuộc đấu tranh giai cấp, tin rằng mục đích là biến không tưởng mác-xít thành hiện thực đã biện hộ cho tất cả các phương tiện, đã tạo cho lí thuyết của ông sức mạnh và tính chất phá hoại đến như thế. Chính nó đã lợi dụng niềm tin của giai cấp công nhân rằng họ đã bị đối xử bất công và biện hộ cho bạo lực nhân danh công cuộc cải tạo xã hội.

Những người biện hộ cho Marx có thể cứ nhắc đi nhắc lại rằng ông sẽ kinh hoàng khi biết đến GULAG, khi biết cuộc đàn áp của Stalin đã giết hại hàng triệu người nhân danh ông, hoặc khi biết tình trạng của những người công nhân Liên Xô phải làm việc với đồng lương chết đói ngay dưới những bức chân dung của ông, những bức chân dung đang dõi theo họ từ mọi bức tường. Nhưng chính vì vậy mà ta không thể coi Marx là một triết gia vĩ đại được. Marx đã không hiểu những hậu quả mà lí thuyết của ông sẽ mang đến cho nhân loại.

Nhưng nhiều nhà độc tài đã hiểu rõ có thể đạt được gì nếu họ lấy tư tưởng của Marx làm vũ khí đấu tranh. Lenin, với khả năng chính trị xuất sắc đã nhận ra ngay lập tức hiện thực dã man của chủ nghĩa Marx và ông ta chỉ cần đưa thêm vào đó một cơ chế chính trị để có thể biến tư tưởng thành hiện thực. Lenin tuyên bố rằng chủ nghĩa cộng sản không thể được xây dựng bởi phong trào quần chúng của những người vô sản vụng về - những người trí thức như Marx và Lenin thực ra rất khinh thường những người lao động “ngu dốt” – mà phải được xây dựng bởi đội ngũ những người mác-xít cách mạng ưu tú, những người hành động nhân danh giai cấp công nhân. Nói một cách khác, cách mạng phải do đảng cộng sản bao gồm những người như ông và Stalin tiến hành.

Chủ nghĩa Marx-Lenin không những không xây dựng được một xã hội hoàn thiện: nó đã trở thành công cụ thô thiển để giành và giữ chính quyền của một nhóm những kẻ háo danh.

Năm 1917 Lenin giành được chính quyền ở nước Nga. Sau khi phát hiện ra rằng hàng triệu công nhân và nông dân không chấp nhận tư tưởng mác-xít, ông ta quyết định rằng chỉ có thể giữ được quyền lực cho đảng cộng sản bằng vũ lực, bằng khủng bố và áp bức. Cuối cùng mục đích đã biện minh cho phương tiện. Lenin chính là một tín đồ cuồng nhiệt của chủ nghĩa Marx và vì vậy ông ta đã hạ lệnh bắn giết hàng ngàn người và bỏ cho chết đói hàng triệu người khác, ông ta đã dùng tư tưởng của Marx về tính tất yếu của cách mạng để biện hộ cho những quyết định đó của mình. “Cho bọn nông dân chết đói đi”, Lenin đã nhiều lần nói như vậy. Ông ta còn nói: “Muốn hoàn thành cách mạng mà không bắn giết được ư?”

Khi tiến hành thu thập tài liệu cho cuốn sách Stalin: The Court of the Red Tsar (tạm dịch: Stalin: Cung đình của Sa Hoàng đỏ), được làm việc với hồ sơ cá nhân của Stalin, tôi không thể hiểu được vì sao nhà độc tài Xô Viết và các cộng sự gần gũi của ông ta lại thích giết người như thế. Họ là những người điên hay là những nạn nhân của việc “tẩy não”, hay đối với họ giết người là phương tiện để tiến thân?

Nhưng sau khi đọc thư từ của họ thì tôi đã hiểu. Tôi nhận ra rằng họ đã dùng tín điều mác-xít để biện hộ cho những hành động của mình, họ sẵn sàng giết người, thậm chỉ tử hình ngay những người thân của mình vì tin tưởng tuyệt đối rằng giết chóc là để xây dựng xã hội lí tưởng, xã hội không tưởng phi giai cấp của Marx.

Giết người hàng loạt đã trở thành một loại thống kê: năm 1937, khi khởi sự vụ “đàn áp lớn” Stalin đã giao chỉ tiêu giết người cho từng tỉnh, không khác gì giao chỉ tiêu sản xuất gang thép vậy.

“Một người chết là bi kịch, hàng triệu người chết là con số thống kê”, Stalin từng nói như thế. Có thể Marx sẽ vô cùng kinh ngạc khi nghe thấy những lời như thế, nhưng chính ông là người đã hạ thấp đời sống con người xuống đến mức một mắt xích đơn giản trong quá trình “sản xuất” Chế Độ Không Tưởng.

Chúng ta cũng không được quên một điều nữa: Marx đã khẳng định rằng học thuyết của ông không chỉ là lí thuyết triết học mà là một chân lí khoa học. Chính vì tính “khoa học” này mà hàng triệu những tên du thủ du thực đã biến thành những kẻ sát nhân khi cho rằng chúng đang thực hiện “ý chí của lịch sử”: họ không biết rằng các “chân lí” mác-xít thực ra chỉ là tập hợp các câu chữ khoa trương mà thôi.

Trước ngày Stalin chết vào năm 1953, ba mươi triệu người đã bị giết, ba mươi triệu người khác đã đi qua các trại cải tạo khác nhau. Theo các tác giả Jung Chang và Jon Halliday thì bảy mươi lăm triệu người đã bị giết hoặc bị chết đói dưới thời cai trị của “người cầm lái vĩ đại” Mao Trạch Đông (1949-1976).

Nhưng đấy chưa phải đã hết: con số các nạn nhân của học thuyết mác-xít ở các nước khác cũng lên đến hàng triệu. Năm 1975 Pol Pot và Khmer Đỏ quyết định cải tạo Campuchia theo đường lối mác-xít: kết quả là hai triệu người bị giết. Năm 1974 Mengistu Haile Mariam, đầu đảng tổ chức mác-xít Ethiopia, lật đổ Haile Selassie: hàng triệu người đã bị giết hại dưới thời ông ta.

Nhưng thí dụ về những tội ác trắng trợn nhất được thực hiện trong những ngày này chính là hành động của những nhà độc tài mác-xít châu Phi, từ Mugabe ở Zimbabwe cho đến đại tá Gaddafi ở Libya, họ đã không để cho châu lục này thoát khỏi vũng lầy trung cổ. Mugabe đã được những người cánh tả hết lời ca ngợi khi ông ta trở thành tổng thống Zimbabwe, song sau 18 năm cầm quyền theo đường lối mác-xít, ông ta đã biến đất nước thành nhà nước cảnh sát nghèo đói. Các chiến dịch khủng bố của ông ta có đầy đủ các tính chất của cuộc đấu tranh giai cấp theo đường lối mác-xít: việc truy bức một cách trơ trẽn những tầng lớp xã hội khác nhau đã dẫn đến những bi kịch như đói kém, giết người. Những người có tư tưởng tự do ở phương Tây vốn trước đây từng ủng hộ ông ta nói rằng Mugabe đã phát điên, nhưng tôi xin trả lời họ như sau: “Không, ông ta không điên, ông ta là một người mác-xít”.

Theo tính toán của tôi thì trong thế kỉ XX, hơn 150 triệu người đã bị giết theo lệnh của những người mác-xít.

Lenin, Stalin, Pol Pot, tất cả bọn họ từng nghiên cứu và học thuộc lòng các tác phẩm của Marx. Stalin tin vào các tư tưởng này đến nỗi theo lời viên chỉ huy cảnh sát mật của ông ta là Lavrenty Beria thì “niềm tin vào chủ nghĩa Marx của ông gần giống như sự cuồng tín của tín đồ Hồi giáo”.

Đối với những tín đồ của Marx, thần tượng của họ đã gần như trở thành một ông thánh: khi một người cộng sản Nga chết, người ta thường nói rằng người quá cố “đi gặp Marx”.

Không có gì nghi ngờ rằng không ai có thể so sánh với Marx nếu xét về những ảnh hưởng tiêu cực mà ông đã gây ra cho lịch sử hiện đại. Đấy là tôi chưa nói đến tác động xấu của các thuật ngữ mác-xít đối với xã hội chúng ta, thí dụ, như đối với hệ thống giáo dục Anh quốc, nơi sự ganh đua không được đánh giá đúng mức, tài năng nhiều khi lại bị trừng phạt, còn “tinh hoa” thì trở thành một từ mang tính thoá mạ.

Có thể cảm nhận được ảnh hưởng tiêu cực của Marx đối với xã hội trên mỗi bước chân, mặc dù những tư tưởng ấy đã từng gây ra cảnh khổ đau cho các nước khác. Nhiều đảng viên Đảng Lao động của Tony Blair vẫn coi chủ nghĩa Marx là nhân đạo. Trong chính phủ của ông ta đầy những nhân vật mà hôm qua còn tự nhận mình là mác-xít.

Vâng, Marx không chịu trách nhiệm nhiệm trực tiếp về những vụ giết người. Đấy là tội của những kẻ đã ra lệnh và đã bóp cò. Nhưng như thế không có nghĩa rằng ta có thể tha thứ cho chủ nghĩa không tưởng, thái độ bất dung, chế độ chuyên chế phi luân cũng như việc dứt khoát khẳng định rằng tư tưởng của Marx là khoa học mà người ta đã dùng để biện hộ cho những hành động khủng khiếp nhất trong thế kỉ XX.

Triết gia lỗi lạc Bertrand Russell từng nói: “Tư duy của Marx rất lộn xộn… và được khích lệ bởi lòng thù hận”. Kết quả của lòng thù hận còn đó cho đến tận hôm nay ở Zimbabwe, ở trong các phòng tra tấn bí mật của Bắc Triều Tiên hay trong những nước Đông Âu: trong các khu rừng dương bên ngoài Moskva vẫn còn những mồ chôn tập thể các nạn nhân của các vụ khủng bố do Stalin tiến hành, nếu hộp sọ có một vết đạn thì ta có thể nói chắc rằng đấy chính là họ.

Di sản thực sự của “nhà triết học vĩ đại nhất của mọi thời đại và mọi dân tộc” là như vậy đấy.

Simon Sebag Montefiore (1965) là tác giả cuốn Stalin: The Court of the Red Tsar.


Bản tiếng Việt © 2006 talawas