trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTôn giáo
7.3.2006
Martin Luther King Jr.
Thư từ ngục Birmingham
Khiêm dịch
 
Thưa quý đạo hữu,

Đương khi bị giam ở ngục Birmingham, tôi bắt gặp tuyên bố mới đây của quý vị gọi những hoạt động hiện giờ của chúng tôi là “thiếu khôn ngoan và không đúng lúc.” Hiếm khi, tôi dừng lại để trả lời sự phê bình về công việc và ý tưởng của mình. Nếu tôi tìm cách trả lời mọi phê bình đến trên bàn viết của mình, các thư ký của tôi có lẽ chỉ còn lại chút thời giờ ít ỏi cho các công việc khác trong ngày, và tôi sẽ không có thời gian cho công việc có tính xây dựng. Nhưng vì tôi cảm thấy quý vị là những người thật sự thiện chí, và phê bình của quý vị được thảo ra một cách thành thật, tôi xin đáp lại tuyên bố của quý vị trong cách mà tôi hy vọng sẽ là những ngôn từ hữu lý và nhẫn nại.

Tôi nghĩ tôi nên đưa ra lý do cho sự hiện hiện của mình ở Birmingham, bởi vì quý vị bị ảnh hưởng bởi lập luận về “bọn người ở ngoài kéo tới.” Tôi có vinh dự được phục vụ như là chủ tịch của Nghị hội Lãnh đạo Ki Tô miền Nam, một tổ chức hoạt động ở mọi tiểu bang miền nam, với đầu não ở Atlanta, Geogia. Chúng tôi có khoảng tám mươi lăm tổ chức thành viên xuyên khắp miền nam - một trong số đó là Phong trào Ki Tô Alabama vì Nhân quyền. Bất kỳ khi nào cần thiết và có thể chúng tôi chia sẻ nhân viên, nguồn lực tài chính và giáo dục với các chi nhánh. Mấy tháng trước, tổ chức thành viên địa phương ở Birmingham đây đã mời gọi chúng tôi trực sẵn để tham gia trong một chương trình hành động trực tiếp bất bạo động nếu như cần phải làm vậy. Chúng tôi đã sẵn sàng thuận theo và khi tới lúc chúng tôi đã làm đúng lời hứa của mình. Vì thế tôi ở đây, cùng với nhiều thành viên khác của ban tham mưu, bởi vì chúng tôi được mời tới đây. Tôi ở đây vì tôi có những ràng buộc tổ chức căn bản ở đây.

Sâu xa hơn, tôi ở Birmingham vì bất công đang xảy ra ở đây. Cũng như những nhà tiên tri của thế kỷ thứ tám rời bỏ những ngôi làng nhỏ bé của họ và mang theo lời “Chúa đã nói như thế” của họ ra thiệt xa ngoài ranh giới bản quán; và cũng như Tông đồ Paul rời bỏ ngôi làng Tarsus của mình và mang theo lời giảng của Jesus Christ tới hầu như mọi thôn xóm và thành thị của thế giới Hy La, tôi cũng bị thôi thúc mang theo phúc âm tự do ra khỏi bản quán mình. Như Paul, tôi phải đáp lại không ngơi nghỉ lời kêu cầu trợ giúp từ Macedonia.

Hơn thế nữa, tôi nhận thức được mối liên thông giữa các cộng đồng và các tiểu bang. Tôi không thể ngồi ì ở Atlanta và không quan tâm về những gì xảy ra ở Birmingham. Bất công ở bất kỳ đâu là một mối đe doạ tới công lý ở mọi nơi. Chúng ta bị mắc trong một mạng lưới không trốn tránh được của tính hỗ tương, bị cột trong một mảnh đơn nhất của định mệnh. Bất kỳ điều gì ảnh hưởng trực tiếp tới một người sẽ ảnh hưởng gián tiếp tới tất cả. Chúng ta không thể sống với cái ý tưởng “bọn gây rối từ bên ngoài” cục bộ, địa phương nữa. Đừng bao giờ bị coi bất kỳ ai sống ở Mỹ là một ngoại nhân ở bất kỳ đâu trong quốc gia này.

Quý vị lên án những cuộc biểu tình đang xảy ra ở Birmingham. Nhưng tôi tiếc là tuyên bố của quý vị không biểu thị một mối quan tâm tương tự tới những điều kiện dẫn tới biểu tình. Tôi chắc rằng mỗi quý vị muốn đi xa hơn các tay phân tích xã hội nông cạn chỉ nhìn ở hậu quả và không nắm được các nguyên nhân tiềm ẩn. Tôi sẽ không ngần ngại nói rằng thật không may cái gọi là các cuộc biểu tình lại xảy ra ở Birmingham vào lúc này, nhưng tôi cũng sẽ nói trong những ngôn từ nhấn mạnh hơn rằng còn hơn cả không may nữa khi cơ cấu quyền lực da trắng ở thành phố này đã khiến cho cộng đồng Da Đen không còn chọn lựa nào khác.

Trong bất kỳ vận động bất bạo động nào có bốn bước căn bản: (1) Thu thập chứng cớ để xác định bất công có tồn tại không. (2) Đàm phán. (3) Tự thanh lọc và (4) Hành động trực tiếp. Chúng tôi đã đi qua hết những bước này ở Birmingham. Có thể không cần nói lấy được về cái sự thực rằng bất công chủng tộc đang vây bủa cộng đồng này.

Birmingham có lẽ là thành phố phân cách chủng tộc triệt để nhất ở Mỹ. Cái kỷ lục xấu xí của nó về sự tàn bạo của cảnh sát được biết tới ở mọi nơi của quốc gia này. Đối xử bất công của nó với người Da Đen ở các toà án là một sự thực đầy tai tiếng. Có nhiều vụ đánh bom nhà ở và nhà thờ của người Da Đen ở Birmingham không được giải quyết hơn ở bất kỳ thành phố nào khác ở quốc gia này. Đây là những thực tế khó tin, tàn bạo và hóc búa. Trên căn bản của những điều kiện này, các lãnh tụ Da Đen tìm cách đàm phán với các vị cầm chịch ở thành phố. Nhưng giới lãnh đạo chính trị liên tục từ chối tiến hành đàm phán chân thật.

Rồi cũng đã có một cơ hội để nói chuyện với vài lãnh tụ của cộng đồng kinh tế hồi tháng Chín vừa rồi. Trong những cuộc đàm phán này, các thương gia đã có một số lời hứa – như là lời hứa gỡ bỏ các tấm bảng lăng nhục chủng tộc khỏi các cửa tiệm. Trên căn bản các lời hứa này, đức cha Shuttlesworth và các lãnh tụ của Phong trào Ki Tô Alabama vì Nhân quyền đã đồng ý kêu gọi một cuộc tạm ngưng bất kỳ các hình thức biểu tình nào. Ngày tháng trôi qua, chúng tôi nhận ra mình là nạn nhân của sự bội hứa. Các tấm biển vẫn còn treo. Như nhiều kinh nghiệm của quá khứ, chúng tôi buộc phải đối mặt với những niềm hy vọng tan vỡ, và bóng tối của thất vọng sâu xa trùm lên chúng tôi. Vì vậy chúng tôi không còn chọn lựa nào khác ngoài việc chuẩn bị cho hành động trực tiếp, ở đó chúng tôi sẽ trình ra chính thân thể mình như một phương tiện để phơi bày trường hợp của chúng tôi trước lương tâm của cộng đồng quốc gia và địa phương. Chúng tôi không phải không lường trước được những khó khăn liên quan. Vì vậy chúng tôi quyết định trải qua một tiến trình tự thanh lọc. Chúng tôi bắt đầu có những buổi thực tập về bất bạo động và hỏi đi hỏi lại chính mình các câu hỏi, “Bạn có chấp nhận những cú đánh mà không phản đòn?” “Bạn có chịu được thử thách tù ngục?” Chúng tôi quyết định khởi sự chương trình hành động trực tiếp của mình vào dịp lễ Phục sinh, nhận thức được đây là mùa mua sắm lớn nhất trong năm, không kể dịp Giáng sinh. Biết được rằng một chương trình rút lui kinh tế sẽ là sản phẩm phụ của hành động trực tiếp, chúng tôi cảm thấy đây là thời điểm tốt nhất để gây áp lực lên giới thương gia cho những thay đổi cần thiết. Rồi lại có cuộc bầu cử tháng Ba phía trước vì thế chúng tôi gấp rút quyết định hoãn hành động, nhờ đó các cuộc biểu dương không thể bị lợi dụng để che phủ những vấn đề tranh cử. Tại thời điểm này chúng tôi đã đồng ý khởi lại sự chứng nhận bất bạo động của mình vào ngày ngay sau vòng đấu thêm.

Điều này cho thấy chúng tôi đã không lăn xả một cách vô trách nhiệm vào hành động trực tiếp. Chúng tôi cũng muốn trông thấy ông Connor bị đánh bại; vì thế chúng tôi đã hoãn đi hoãn lại để hỗ trợ nhu cầu cộng đồng này. Sau đó chúng tôi cảm thấy hành động trực tiếp không thể bị trì hoãn nữa.

Quý vị cũng có lẽ sẽ hỏi, “Sao hành động trực tiếp? Sao biểu tình ngồi, tuần hành, vân vân? Đàm phán không phải là phương cách tốt hơn sao?” Quý vị hoàn toàn đúng trong kêu gọi đàm phán. Thực vậy, đây là mục đích của hành động trực tiếp. Hành động trực tiếp bất bạo động tìm cách tạo ra một tình trạng khủng hoảng và thiết lập một sự căng thẳng, khiến một cộng đồng luôn từ chối đàm phán bị buộc phải đối mặt với vấn đề. Nó nhắm tới điều đó để kịch tính hoá vấn đề, do đó không thể bị lờ đi được nữa. Tôi chỉ viện tới sự tạo ra căng thẳng như một phần công việc của người phản kháng bất bạo động. Điều này có lẽ gây sốc. Nhưng tôi phải thú nhận rằng tôi không e ngại từ căng thẳng. Tôi đã làm việc một cách dứt khoát và giảng thuyết chống lại căng thẳng bạo lực, nhưng có một loại căng thẳng phi bạo lực có tính xây dựng cần thiết cho tăng triển. Cũng như Socrates cảm thấy cần thiết tạo ra căng thẳng trong đầu óc, nhờ đó các cá nhân có thể thoát khỏi sự cầm giữ của những huyền thoại và sự thật dối trá để bước vào cõi tự do của phân tích sáng tạo và thẩm định khách quan, chúng ta phải nhìn thấy sự cần thiết của có những người công kích phi bạo lực để tạo ra một loại căng thẳng trong xã hội mà sẽ giúp con người thoát khỏi các vực sâu tối tăm của thành kiến và phân biệt chủng tộc để bước lên những đỉnh cao huy hoàng của hiểu biết và tình huynh đệ. Vì thế mục đích của hành động trực tiếp là để tạo ra một tình trạng đặc nghẹt khủng hoảng mà có phần chắc sẽ mở ra một cánh cửa đàm phán. Mảnh đất miền Nam yêu dấu của chúng ta đã sa lầy quá lâu trong một cố gắng có tính thảm hoạ để sống trong độc thoại hơn là đối thoại.

Một trong những điểm căn bản của tuyên bố của quý vị là các hành động của chúng tôi không đúng lúc. Vài người đã hỏi, “Tại sao các ông không để chính quyền mới có thời gian để hành động?” Câu trả lời duy nhất mà tôi có được cho câu hỏi này là chính quyền mới phải được thúc cũng nhiều như chính quyền cũ trước khi nó có hành động. Chúng tôi sẽ bị mắc một lỗi lầm đáng buồn nếu chúng tôi cảm thấy rằng cuộc bầu cử của ông Boutwell sẽ đem lại một kỷ nguyên mới cho Birmingham. Trong khi ông Boutwell rành mạch và hoà nhã hơn nhiều so với ông Connor, cả hai đều là những người chủ trương phân cách chủng tộc, bỏ sức lực ra để giữ nguyên trạng. Mối hy vọng mà tôi nhìn thấy ở ông Boutwell là ông ta sẽ có đủ lý trí để thấy ra cái vô nghĩa của sự chống đối to lớn đối với giải phân cách chủng tộc. Nhưng ông ta sẽ không nhìn ra nếu không có áp lực từ những người ủng hộ nhiệt thành cho nhân quyền. Quý đạo hữu, tôi phải nói với quý vị rằng chúng tôi sẽ không tạo được một thắng lợi đơn lẻ nào trong nhân quyền mà không dùng tới áp lực bất bạo động và pháp lý cương quyết. Lịch sử là một chuyện dài bi thảm của thực tế là các nhóm đặc quyền hiếm khi nào từ bỏ đặc lợi của họ một cách tự nguyện. Các cá nhân có thể nhìn ra ánh sáng đạo đức và tự nguyện từ bỏ thái độ bất công của mình, nhưng như Reinhold Niebuhr đã nhắc nhở chúng ta, các nhóm thì vô đạo đức hơn các cá nhân.

Qua kinh nghiệm đau thương, chúng tôi biết được rằng kẻ áp bức không bao giờ tự nguyện ban tặng tự do; kẻ bị trị phải đòi hỏi nó. Một cách thẳng thừng, tôi chưa hề tham gia một phong trào hành động trực tiếp nào mà “đúng lúc” hết, theo đúng thời biểu của những người mà chưa bao giờ chịu đau khổ một cách thích đáng căn bệnh phân cách chủng tộc. Đã nhiều năm tôi nghe từ “Chờ đó!” Nó réo the thé bên tai của mỗi người Da Đen. Từ “Chờ” này hầu như luôn có nghĩa là “Không bao giờ”. Nó là một liều thuốc giảm đau đẻ, làm dịu căng thẳng xúc cảm một lúc, rồi chỉ để sinh ra một đứa trẻ dị dạng của bực tức. Chúng ta phải nhìn cùng một cách nhìn với một nhà luật học xuất sắc của ngày hôm qua rằng “công lý bị trì hoãn quá lâu là công lý bị từ chối.” Chúng tôi đã chờ đợi hơn ba trăm bốn mươi năm cho những quyền được thượng đế ban tặng và hiến định của mình. Các quốc gia Á, Phi đang di chuyển với tốc độ phản lực về mục tiêu độc lập chính trị, và chúng ta thì vẫn nhón từng bước một về hướng có được một ly cà phê ở quầy ăn trưa. Tôi đoán là sẽ dễ cho những ai chưa hề cảm thấy những mũi lao nhức nhối của phân biệt chủng tộc để nói, “Chờ đó!” Nhưng khi quý vị nhìn thấy những đám đông hằn học treo cổ cha mẹ mình tuỳ thích và nhận nước anh chị mình tuỳ hứng; khi quý vị nhìn thấy các cảnh sát viên đầy thù hận chửi mắng, đấm đá, bạo hành và thậm chí giết những anh chị em da đen của mình mà không bị trừng phạt; khi quý vị nhìn thấy đại đa số hai mươi triệu anh em da đen của mình thoi thóp trong cái chuồng ngột ngạt của nghèo khó giữa một xã hội giàu sang; khi quý vị bất ngờ nhận thấy mình lưỡi mình líu lại và giọng mình lắp bắp khi bạn tìm cách trả lời đứa con gái sáu tuổi của mình tại sao nó không thể đến công viên giải trí vừa mới được quảng cáo trên ti vi, và nhìn thấy nước mắt tuôn ra từ đôi mắt nhỏ bé đó khi nó được bảo rằng Hỉ Phố (Funtown) cấm cửa trẻ em da màu, và nhìn thấy những đám mây u ám của thân phận thấp kém hình thành trong bầu trời ý thức nhỏ bé của nó, và nhìn thấy nó bắt đầu méo mó tính cách của mình bởi phát triển một cách vô thức sự cay đắng đối với người da trắng; khi quý vị phải bịa ra một câu trả lời cho đứa con trai năm tuổi khi nó hỏi với vẻ khổ sở: “Ba, sao người da trắng đối xử người da màu ác quá vậy?”, khi quý vị lái xe xuyên bang và thấy mình phải ngủ không thoải mái trong những góc xe hết đêm này qua đêm khác vì không lữ quán nào nhận mình; khi quý vị bị lăng nhục hết ngày này qua ngày khác bởi những tấm biển “Trắng” và “Da màu” khó chịu; khi tên của quý vị thành “mọi” và chữ lót của quý vị thành “thằng” (bất kể bao nhiêu tuổi) và họ của quý vị thành “John”, và khi vợ và mẹ mình không bao giờ được gọi kính trọng bằng “Bà”; khi quý vị phiền muộn ban ngày và ám ảnh ban đêm bởi thực tế quý vị là một người Da Đen, luôn sống trong tư thế rón rén, không bao giờ hoàn toàn biết được điều gì sẽ xảy ra, và ray rứt với những nỗi lo bên trong và sự oán giận bên ngoài; khi quý vị sẽ chiến đấu mãi với cái ý thức thoái hoá “không là ai hết”; khi đó quý vị sẽ hiểu tại sao chúng tôi thấy rất khó chờ nữa. Ly nước chịu đựng đã tới lúc tràn, và con người không còn muốn bị sa xuống vực thẳm bất công, nơi họ kinh nghiệm được cái đen tối của tuyệt vọng mỏi mòn. Tôi hy vọng quý vị có thể hiểu được sự mất kiên nhẫn không thể tránh được và chính đáng của chúng tôi.

Quý vị biểu lộ một mối lo ngại to lớn về ý chí bẻ gãy luật lệ của chúng tôi. Chắc chắn đây là một lo ngại chính đáng. Vì chúng tôi cần mẫn thuyết phục dân chúng tuân thủ quyết định năm 1954 của Tối cao Pháp viện đặt ra ngoài vòng pháp luật sự phân cách ở trường công, quả lạ lùng và mâu thuẫn khi thấy chúng tôi phá luật một cách tỉnh táo. Một người có thể hỏi, “Sao ông có thể chủ trương buất tuân các luật này và tuân thủ những luật kia?” Câu trả lời được tìm thấy ở thực tế là có hai loại luật: có những luật công bằng và có những luật bất công. Tôi đồng ý với Thánh Augustine rằng “một luật bất công thì chẳng là luật.”

Hai cái đó khác nhau ra sao? Làm sao một người xác định được khi một luật công bằng hoặc bất công? Một đạo luật công bằng là một quy tắc nhân tạo phù hợp với đạo lý và luật của Thượng Đế. Một luật bất công là một quy tắc không hài hoà với đạo lý. Theo ngôn từ của Thánh Thomas Aquinas, một luật bất công là một luật nhân tạo không có gốc rễ trong luật tự nhiên và vĩnh cửu. Bất kỳ luật nào nâng cao nhân cách thì công bằng. Bất kỳ luật nào hạ thấp nhân cách thì bất công. Tất cả các đạo luật phân cách chủng tộc đều không công bằng bởi vì phân cách chủng tộc làm biến dạng tâm hồn và làm tổn hại nhân cách. Nó cho những kẻ chủ trương phân cách chủng tộc một ý thức sai lầm về giống nòi ưu đẳng, và những người bị phân cách một ý thức sai lầm về giống nòi hạ đẳng. Theo ngôn từ của Martin Buber, nhà triết học Do Thái vĩ đại, phân cách chủng tộc thế chỗ mối quan hệ “tôi – anh” bằng “tôi – nó” và kết cục đẩy cá nhân xuống tư cách của đồ vật. Vì vậy phân cách chủng tộc không chỉ vô căn cứ về xã hội, kinh tế và chính trị, mà còn vô đạo đức và tội lỗi. Paul Tillich đã nói rằng tội lỗi là sự gây ra phân ly. Phân cách chủng tộc không phải là một biểu thị hiện sinh của sự gây ra phân ly có tính thảm hoạ của một người, một biểu thị của sự ghẻ lạnh xấu xí, sự đầy tội lỗi kinh khủng của hắn sao? Vì vậy tôi tha thiết kêu gọi mọi người bất tuân các điều luật phân cách chủng tộc, vì chúng sai trái về đạo đức.

Chúng ta hãy xoay qua một ví dụ cụ thể hơn của các luật công bằng và bất công. Một luật bất công là một qui tắc mà một đa số áp đặt lên một thiểu số nhưng mình thì không bị ràng buộc. Đây là sự khác nhau tạo thành tinh thần của luật. Ngược lại, một luật công bằng là một qui tắc một đa số buộc một thiểu số phải tuân theo trong khi mình cũng phải tuân theo. Đây là sự như nhau tạo thành tinh thần của luật.

Hãy để tôi đưa ra một cách lý giải khác. Một luật bất công là một qui tắc áp đặt lên một thiểu số mà thiểu số đó lại không dự phần trong soạn thảo hoặc ban hành bởi vì họ không có quyền bỏ phiếu. Ai có thể nói lập pháp của Alabama, mà thiết lập các đạo luật phân cách chủng tộc, được bầu một cách dân chủ? Xuyên khắp tiểu bang Alabama, mọi kiểu đồng loã được sử dụng để ngăn không cho người Da Đen trở thành cử tri có đăng ký, và có nhiều quận hạt không có cả một người Da Đen đăng ký đi bầu, mặc dù người Da Đen tạo thành đa số dân chúng. Có bất kỳ luật nào thiết lập ở một tiểu bang như vậy có thể được coi là được kết cấu một cách dân chủ hay không?

Đây là những ví dụ của các luật công bằng và bất công. Có vài trường hợp khi một luật ngoài mặt thì công bằng nhưng không công bằng khi áp dụng. Ví dụ, tôi bị bắt giữ một ngày thứ Sáu với tội diễu hành không có giấy phép. Không có gì sai với một điều luật đòi hỏi giấy phép cho một cuộc diễu hành, nhưng khi điều luật này được dùng để bảo toàn phân cách chủng tộc và để từ chối công dân đặc quyền được tụ họp hoà bình và phản đối hoà bình theo Tu chính án thứ nhất, khi đó nó trở thành bất công.

Tôi hy vọng quý vị có thể nhìn ra sự khác biệt tôi cố nêu ra. Không lý gì tôi lại chủ trương trốn tránh hoặc coi thường luật pháp như những kẻ phân cách chủng tộc điên cuồng. Điều này sẽ dẫn đến vô chính phủ. Người bẻ gãy một luật lệ bất công phải làm điều đó một cách công khai, yêu thương (không phải một cách thù hận như những bà mẹ da trắng đã làm ở New Orleans khi người ta thấy họ gào thét “đồ mọi, đồ mọi, đồ mọi” trên ti vi), và với một ý chí chấp nhận hình phạt. Tôi xin nêu ra rằng nếu một cá nhân bất tuân một luật mà lương tâm mách bảo là bất công, và chấp nhận hình phạt bằng cách ở tù để khơi dậy lương tâm của cộng đồng về sự bất công của nó, trong thực tế biểu thị sự kính trọng cao nhất dành cho luật pháp.

Dĩ nhiên, không có gì mới về loại dân sự bất phục tùng này. Nó được trông thấy một cách tuyệt vời trong sự từ chối của Shadrach, Meshach và Abednego để tuân theo các luật của Nebuchadnezza, bởi vì một đạo lý cao hơn được viện tới. Nó được thực hiện một cách siêu đẳng bởi những người Thiên Chúa giáo đầu tiên chấp nhận đối mặt với những con sư tử đói và sự đau đớn trên thớt lóc thịt, trước khi chịu phục tùng một số luật bất công nhất định của đế quốc La Mã. Về một mức độ nào đó, tự do học thuật là một thực tại hôm nay là nhờ Socrates đã thực hành dân sự bất phục tùng.

Chúng ta có thể không bao giờ quên rằng mọi chuyện Hitler đã làm ở Đức là “hợp pháp” và mọi chuyện các chiến sĩ tự do người Hung đã làm ở Hungary là “bất hợp pháp”. Sẽ “bất hợp pháp” nếu giúp đỡ và an ủi một người Do Thái ở nước Đức của Hitler. Nhưng tôi chắc chắn rằng nếu tôi sống ở Đức lúc đó tôi sẽ trợ giúp và an ủi những người anh em Do Thái của mình, cho dù là bất hợp pháp. Nếu tôi sống ở một nước cộng sản hôm nay, nơi mà một số nguyên tắc rất tôn quý đối với niềm tin Thiên Chúa giáo bị đàn áp, tôi sẽ công khai chủ trương bất tuân những luật chống tôn giáo này. Tôi phải có hai thú nhận chân thực với quý vị, những người anh em Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo. Trước hết, tôi phải thú nhận rằng, vài năm lại đây tôi thất vọng kinh khủng với những những người da trắng trung dung. Tôi hầu như đạt đến một kết luận đáng tiếc là vật cản lớn nhất của người Da Đen trên đường rảo bước tới tự do không phải là người của Hội đồng Công dân Da Trắng hoặc người của Ku Klux Klan, mà là những người da trắng trung dung vốn tận tâm hơn cho “trật tự” hơn là công lý; vốn ưa thích nền hoà bình tiêu cực (vắng bóng căng thẳng) hơn là nền hoà bình tích cực (có sự hiện diện của công lý); vốn luôn nói, “Tôi đồng ý với mục tiêu của bạn, nhưng tôi không thể đồng ý với các phương pháp hành động trực tiếp”; vốn cảm thấy một cách gia trưởng rằng ông/bà ta có thể lập một thời gian biểu cho tự do của người khác; vốn sống bằng huyền thoại thời gian và luôn khuyên người Da Đen nên chờ cho tới “lúc thuận tiện.” Hiểu biết nông cạn của những người có thiện ý thì gây khó chịu hơn so với sự thiếu hiểu biết tuyệt đối của người có ác ý. Sự chấp nhận giả dối gây hoang mang hơn nhiều so với từ chối thẳng thừng.

Tôi hy vọng người da trắng trung dung sẽ hiểu rằng luật pháp và trật tự tồn tại cho mục đích thiết lập công lý, và khi chúng không làm được điều đó chúng trở nên những cái đập được kết cấu một cách nguy hiểm để chặn dòng nước của tiến bộ xã hội. Tôi hy vọng người da trắng trung dung sẽ hiểu rằng căng thẳng hiện tại ở miền Nam chỉ là một pha cần thiết của chuyển đổi từ một nền hoà bình tiêu cực đáng ghét, nơi mà người Da Đen chấp nhận một cách thụ động khổ nạn bất công, tới một nền hoà bình tích cực đầy thực chất, nơi tất cả mọi người sẽ kính trọng phẩm giá của nhân cách. Thực ra, chúng tôi, những người tiến hành hành động trực tiếp bất bạo động, không phải là người tạo ra căng thẳng. Chúng tôi chỉ rinh lên bề mặt sự căng thẳng ngấm ngầm đã tồn tại. Chúng tôi mang nó ra công khai nơi nó có thể được thấy và xử lý. Như một vết phỏng mà sẽ không bao giờ chữa được chừng nào mà nó còn bị bó kín mà cần phải được mở ra với tất cả vẻ xấu xí lở loét của nó tới phương thuốc tự nhiên của ánh sáng và không khí, bất công phải được phơi bày, với tất cả căng thẳng mà sự phơi bày nó tạo ra, tới ánh sáng của lương tâm nhân loại và bầu không khí của quan điểm quốc gia trước khi nó có thể được chữa trị.

Trong bản tuyên bố quý vị quả quyết rằng hành động của chúng tôi, cho dù đầy hoà bình, phải bị lên án vì chúng khơi mào cho bạo lực. Nhưng lời quả quyết này có lô gich không? Nó có giống như lên án người bị cướp không, vì sở hữu tiền bạc của người đó khơi mào cho hành động cướp bóc xấu xa? Nó có giống như lên án Socrates không, vì cam kết không gì lay chuyển được của ông ta đối với sự thật, và những tìm tòi triết lý của ông ta đã khơi mào cho cái năng lực trí tuệ đại chúng lệch lạc bắt ông ta phải uống cần độc? Nó có giống như lên án Jesus không, bởi vì Ý thức Thượng đế duy nhất của ông và sự hiến mình cho ý thức đó đã khơi mào cho hành động đóng đinh người lên thập giá ác độc? Chúng ta phải nhận ra, như các toà án liên bang hằng xác nhận, rằng sẽ vô đạo đức nếu thúc giục một cá nhân từ bỏ các cố gắng để đạt được các quyền hiến định căn bản bởi vì sự tìm kiếm công lý khơi mào cho bạo lực. Xã hội phải bảo vệ người bị cướp và trừng phạt kẻ cướp.

Tôi cũng đã hy vọng rằng người da trắng trung dung sẽ từ bỏ cái huyền thoại về thời gian. Sáng nay tôi nhận được một bức thư từ một người anh em da trắng ở Texas nói rằng: “Mọi người Thiên Chúa giáo biết là người da màu cuối cùng sẽ nhận được các quyền bình đẳng, nhưng có lẽ các bạn đang ở trong một sự quá vội vã về tôn giáo. Thiên Chúa giáo hầu như cần tới hai ngàn năm để hoàn tất những gì nó có. Phúc Âm cần thời gian để đến với con người.” Tất cả mọi điều được nói ở đây trỗi ra từ một quan niệm sai lầm có tính thảm hoạ về thời gian. Nó là một nhận thức thiếu lý trí đến lạ lùng rằng có một cái gì đó trong dòng thời gian tất yếu sẽ chữa lành mọi bệnh hoạn. Thực ra thời gian thì trung tính. Nó có thể được sử dụng một cách phá hoại hay xây dựng. Tôi có cảm giác là người có ác ý sử dụng thời gian hiệu quả hơn nhiều so với người có thiện ý. Chúng ta sẽ phải ăn năn ở thế hệ này không chỉ vì những ngôn từ và hành động cay độc của người xấu, mà còn cho sự im lặng khủng khiếp của người tốt. Chúng ta phải nhận ra rằng tiến bộ nhân loại không bao giờ lăn theo bánh xe tất yếu. Nó đến từ những cố gắng không ngừng nghỉ và công việc kiên trì của những người muốn là đồng nghiệp với Thượng đế, và không có sự khổ công này, bản thân thời gian trở thành một đồng minh của các lực trì trệ xã hội. Chúng ta phải sử dụng thời gian một cách sáng tạo, và luôn mãi nhận thức được rằng thời gian thì luôn chín muồi để làm điều đúng. Nay là lúc để biến thành hiện thực hứa hẹn của dân chủ, và biến khúc bi ai quốc gia thành bài tụng ca của tình huynh đệ. Nay là lúc để nâng chính sách quốc gia của chúng ta từ nền cát chảy của bất công chủng tộc sang nền đá cứng của phẩm cách con người.

Quý vị nói về hành động của chúng tôi ở Birmingham như là cực đoan. Trước tiên tôi khá là thất vọng vì các đạo hữu khác nhìn những cố gắng bất bạo động của mình cũng không khác gì các cố gắng của những kẻ cực đoan. Tôi đã bắt đầu suy nghĩ về thực tế là tôi đứng giữa hai lực lượng đối nghịch nhau trong cộng đồng Da Đen. Một cái là lực lượng tự thấy thoả mãn được tạo bởi những người Da Đen mà, như một kết quả của những năm tháng áp bức lâu dài, đã hoàn toàn cạn kiệt lòng tự trọng, và cái ý thức “mình là ai đó” mà họ đã điều chỉnh theo sự phân cách chủng tộc, và, của vài người Da Đen trung lưu mà, bởi vì một mảnh bằng và sự an ninh kinh tế, và bởi vì ở một vài điểm họ thu lợi từ phân cách chủng tộc, đã trở nên vô cảm trước các vấn đề của quần chúng. Lực lượng kia là lực lượng của cay đắng và thù hận, và đến gần một cách nguy hiểm với chủ trương bạo lực. Nó được biểu lộ ra trong những nhóm dân tộc chủ nghĩa da đen khác nhau mà trỗi lên khắp quốc gia, lực lượng lớn nhất và trội nhất được biết là Phong trào Hồi giáo của Elijah Muhamad. Phong trào này được nuôi dưỡng từ sự bực bội đương thời đối với sự tiếp tục tồn tại của nạn phân biệt chủng tộc. Nó được tạo bởi những người mất niềm tin ở nước Mỹ, những người tuyệt đối phủ nhận Thiên Chúa giáo, và những người đã kết luận rằng người da trắng là một “con quỷ” hết cách chữa. Tôi cố đứng giữa hai lực lượng này, nói rằng chúng ta không cần theo hoặc “chủ nghĩa không làm gì hết” của lực lượng thoả mãn hoặc sự thù hận và tuyệt vọng của những người da đen dân tộc chủ nghĩa. Có một phương cách tuyệt hảo hơn của yêu thương và phản kháng bất bạo động. Tôi biết ơn Thượng đế rằng, thông qua giáo hội Da Đen, khía cạnh bất bạo động đã nhập vào cuộc tranh đấu của chúng tôi. Nếu triết lý này không nổi lên, tôi tin là hiện giờ nhiều đường phố miền Nam hẳn sẽ ngập máu. Và tôi còn được thuyết phục xa hơn nữa rằng nếu những người anh em da trắng gạt bỏ những người của chúng tôi đang làm việc thông qua các kênh của hành động trực tiếp bất bạo động như là những kẻ “kích động quần chúng” hoặc “bọn gây rối từ bên ngoài”, và từ chối ủng hộ cố gắng bất bạo động của chúng tôi, hàng triệu người Da Đen, do bất bình và tuyệt vọng, sẽ tìm kiếm an ủi và an ninh trong ý thức hệ dân tộc chủ nghĩa da đen, một phát triển mà sẽ dẫn đến một cách tất yếu cơn ác mộng chủng tộc ghê rợn.

Người bị áp bức không thể chịu áp bức mãi. Thúc giục tự do kết cục sẽ đến. Đây là những gì đã xảy ra với người Da Đen Mỹ. Có gì đó bên trong đã nhắc nhở anh ta về quyền tự do; Có gì đó bên ngoài đã nhắc nhở anh ta rằng anh ta có thể giành được nó. Tỉnh thức và vô thức, anh ta bị cuốn theo bởi những gì người Đức gọi là Zeitgeist (Tinh thần thời đại), và cùng với các anh em da đen ở Phi châu, các anh em da vàng và da nâu ở Á châu, Mỹ La tinh và Caribbean, anh ta đang chuyển dịch với một ý thức cấp bách về miền đất hứa của công bằng chủng tộc. Thừa nhận sự thúc bách thiết yếu này, mà đã phủ trùm cộng đồng Da Đen, người ta nên sẵn sàng để hiểu các cuộc biểu tình nơi công cộng. Người Da đen có nhiều oán hận lởn vởn và bực bội ngấm ngầm. Anh ta phải trút nó ra. Vậy hãy để anh ta tuần hành đôi lúc; hãy để anh ta làm các cuộc hành hương cầu nguyện tới toà thị chính; hãy ráng hiểu tại sao anh ta phải có những cuộc biểu tình ngồi lỳ và những lần đi trên các phương tiện di chuyển công cộng với tinh thần tự do. Nếu cảm xúc bị đè nén của anh ta không thể hiện ra trong những phương thức bất bạo động này, chúng sẽ hiện ra trong những biểu thị bạo lực đáng ngại. Đây không phải là một đe doạ. Đây là một thực tế lịch sử. Vì vậy tôi đã không nói với nhân dân mình là “hãy trút bỏ hết những bất bình đi.” Nhưng tôi đã cố nói với họ rằng sự bất bình lành mạnh và bình thường này có thể được hướng vào cửa sáng tạo của hành động trực tiếp bất bạo động. Giờ đây lối tiếp cận này đang bị gạt bỏ như là cực đoan. Tôi phải thừa nhận rằng lúc đầu tôi thất vọng vì bị xếp loại như vậy.

Nhưng khi tiếp tục nghĩ về vấn đề, tôi dần dần thâu được một chút thoả mãn từ việc bị coi là một kẻ cực đoan. Jesus không là một kẻ cực đoan trong tình yêu thương sao – “Hãy yêu kẻ thù của bạn, cầu xin ơn huệ cho kẻ nguyền rủa bạn, cầu nguyện cho kẻ hại bạn.” Amos không là một kẻ cực đoan vì công lý sao – “Hãy để công lý tuôn ra như nước và sự chính trực như nguồn suối khổng lồ.” Paul không là một kẻ cực đoan vì lời dạy của Jesus Christ sao – “Tôi mang trong cơ thể mình những vết tích của Chúa.” Martin Luther không phải là một kẻ cực đoan sao – “Đây tôi đứng thẳng; tôi không thể làm khác. Thượng đế hãy giúp tôi.” John Bunyan không là một kẻ cực đoan sao – “Tôi thà chết trong tù chớ không giết chết lương tâm mình.” Abraham Lincoln không là một kẻ cực đoan sao – “Quốc gia này không thể sống nửa tự do nửa nô lệ.” Thomas Jefferson không là một kẻ cực đoan sao – “Chúng ta tin chắc ở sự thật hiển nhiên rằng mọi người được tạo ra bình đẳng.” Vì vậy câu hỏi đặt ra không phải là chúng ta có là những kẻ cực đoan không, mà là chúng ta sẽ là loại cực đoan nào. Chúng ta sẽ là những kẻ cực đoan vì thù hận hay chúng ta sẽ là những kẻ cực đoan vì tình yêu thương? Chúng ta sẽ là những kẻ cực đoan để bảo toàn bất công hay chúng ta sẽ là những kẻ cực đoan vì công lý? Trong khung cảnh kịch tính đó trên ngọn đồi Kỵ Binh, ba người đàn ông bị đóng đinh lên thập giá. Chúng ta không được quên rằng cả ba bị đóng đinh vì cùng một tội - tội cực đoan. Hai người là những kẻ cực đoan vì vô đạo đức, vì vậy đã tụt xuống thấp ở đời. Người kia, Jesus Christ, là một kẻ cực đoan vì tình yêu thương, sự thật, và tính thiện, bởi vậy đã vươn cao lên ở đời. Vì vậy, sau cùng, có lẽ miền Nam, quốc gia, và thế giới đang rất cần những kẻ cực đoan sáng thế.

Tôi đã hy vọng rằng người da trắng trung dung sẽ nhìn thấy điều này. Có lẽ tôi quá lạc quan. Có lẽ tôi chờ đợi quá nhiều. Tôi đoán tôi có lẽ đã nên nhận ra chỉ một ít thành viên của cái chủng tộc đã áp bức một chủng tộc khác có thể hiểu và cảm được tiếng rên siết và mong mỏi thiết tha của người bị áp bức, và số có tầm nhìn để nhận ra bất công cần phải bị trốc rễ bằng hành động cương quyết và kiên trì thì còn ít hơn. Tuy nhiên, tôi rất biết ơn một số người anh em da trắng đã nắm bắt được ý nghĩa của cuộc cách mạng xã hội này và cam kết bản thân mình với nó. Họ vẫn còn quá nhỏ trong số lượng, nhưng họ lớn ở chất lượng. Một vài vị như Ralph McGill, Lillian Smith, Harry Golden và James Dabbs đã viết về cuộc tranh đấu của chúng tôi trong những ngôn từ thông hiểu, tiên tri, và hùng hồn. Những người khác đã tuần hành cùng với chúng tôi trên những đường phố vô danh của miền Nam. Họ đã mòn mỏi trong các nhà tù đầy gián dơ dáy, chịu ngược đãi và bạo hành của những cảnh sát viên giận dữ coi họ như “bọn yêu mọi bẩn thỉu.” Họ, không như nhiều anh chị em da trắng của mình, đã nhận thức được sự thúc bách của thời điểm và ý thức được sự cần thiết của liều thuốc “hành động” giải độc mạnh mẽ để chống lại căn bệnh phân cách chủng tộc.

Hãy để tôi nói lên nỗi thất vọng lớn kia của mình. Tôi vô cùng thất vọng với giáo hội da trắng và vai trò lãnh đạo của nó. Dĩ nhiên, có vài ngoại lệ đáng kể. Tôi không thể không lưu tâm đến thực tế rằng mỗi quý vị đã giữ một số lập trường có ý nghĩa trên vấn đề này. Tôi ca ngợi Đức cha Stallings vì lập trường Thiên Chúa giáo trên vấn đề này ngày Chủ nhật vừa qua, trong việc chào mừng người Da Đen đến với buổi giảng của mình trên căn bản không phân cách chủng tộc. Tôi ca ngợi các lãnh tụ Cơ đốc giáo ở tiểu bang này vì hoà nhập học viện Springhill College nhiều năm trước đây.

Nhưng dù cho có những ngoại lệ đáng kể này, tôi phải chân thật lặp lại rằng tôi thất vọng với giáo hội. Tôi không nói điều đó như một nhà phê bình tiêu cực, người luôn tìm ra một cái gì đó sai trái ở giáo hội. Tôi nói điều đó như một mục sư phúc âm, người yêu mến nhà thờ; người được nuôi dưỡng trong lòng nó; người đã được cứu sống nhờ ở sự phù hộ của nó và luôn trung thành với nó chừng nào dây thời gian còn kéo.

Khi tôi được phóng bất thình lình vào vai trò lãnh đạo của cuộc phản đối xe buýt ở Montgomery nhiều năm trước đây, tôi đã cảm thấy rằng chúng tôi sẽ có được sự ủng hộ của giáo hội da trắng. Tôi đã cảm thấy rằng các mục sư, linh mục, và giáo sĩ da trắng ở miền Nam sẽ trở thành đồng minh mạnh mẽ nhất của mình. Nhưng thay vào đó, một số vị trở thành người phản đối thẳng thừng, từ chối hiểu trào lưu tự do và xuyên tạc các lãnh tụ của nó; quá nhiều người khác trở nên quá thận trọng hơn là dũng cảm và giữ im lặng phía sau sự an ninh vô cảm của các khuôn cửa sổ kính màu.

Bất chấp những giấc mơ bị tan vỡ trong quá khứ, tôi đã đến Birmingham với hy vọng rằng lãnh đạo tôn giáo da trắng của cộng đồng này sẽ nhìn ra công lý của trường hợp của chúng tôi, và với mối quan tâm đạo đức sâu xa, sẽ phục vụ như một kênh thông qua đó sự bất bình chính đáng của chúng tôi sẽ đến với cơ cấu quyền lực. Tôi đã hy vọng rằng mỗi quý vị sẽ hiểu. Nhưng một lần nữa tôi lại bị thất vọng. Tôi đã nghe nhiều lãnh đạo tôn giáo ở miền Nam kêu gọi người đi nhà thờ tuân thủ quyết định giải phân cách chủng tộc bởi vì nó là luật, nhưng tôi ao ước được nghe các mục sư da trắng nói, “Hãy tuân theo đạo luật này bởi vì hoà hợp đúng về đạo đức và người Da Đen là anh em của các bạn.” Giữa sự bất công trắng trợn giáng xuống người Da Đen, tôi trông thấy nhiều nhà giáo hội da trắng đứng ra ngoài lề và chỉ nói suông những chuyện lạc đề ra vẻ sùng đạo và những chuyện tầm phào ra vẻ cao đạo. Giữa cuộc tranh đấu to tát để rũ bỏ bất công kinh tế và chủng tộc khỏi quốc gia chúng ta, tôi đã nghe nhiều mục sư nói, “Đó là những vấn đề xã hội mà với nó phúc âm không có mối quan tâm thực sự,” và tôi nhìn thấy nhiều nhà thờ cam kết mình với một thứ tôn giáo hoàn toàn khác lạ mà tạo ra sự phân biệt lạ lùng giữa thân thể và linh hồn, giữa linh thiêng và trần tục.

Vì vậy ở đây chúng ta đang tiến về phần kết của thế kỷ hai mươi với một cộng đồng tôn giáo phần lớn được điều chỉnh theo nguyên trạng, đứng như cái đèn đuôi phía sau các cơ quan cộng đồng khác hơn là đứng như cái đèn đầu dẫn dắt con người đến những mức cao hơn của công lý.

Tôi đã du hành ngang dọc Alabama, Mississippi và tất cả các tiểu bang miền nam khác. Vào những ngày hè nóng bức và những sáng thu lành lạnh tôi cứ nhìn vào những nhà thờ miền Nam đẹp đẽ với ngọn tháp cao hướng về thiên đàng. Tôi cứ nhìn những đường nét ấn tượng của những toà nhà giáo dục tôn giáo đó. Lần nào lần nấy, tôi đều tự hỏi mình: “Loại người nào dự lễ ở đây? Thượng đế của họ là ai? Tiếng nói của họ ở đâu khi cặp môi của Thống Đốc Barnett phủ đầy những từ ngữ can thiệp và vô hiệu hoá? Họ ở đâu khi Thống Đốc Wallace phát ra lời kêu gọi giục giã từ chối nhượng bộ và thù hận? Tiếng nói ủng hộ của họ ở đâu khi những người đàn ông đàn bà Da Đen rã rời, bầm dập và mệt mỏi quyết định vươn ra khỏi các ngục tối của tự thoả mãn để lên những đỉnh đồi sáng lạn của phản kháng sáng thế?”

Đúng vậy, những câu hỏi này vẫn còn lởn vởn trong đầu óc tôi. Trong thất vọng sâu sắc, tôi đã khóc trên sự lỏng lẻo của giáo hội. Nhưng hãy đoan chắc rằng nước mắt tôi là nước mắt yêu thương. Không thể có thất vọng sâu xa nếu không có tình yêu sâu sắc. Đúng vậy, tôi yêu nhà thờ; tôi yêu những bức tường thiêng. Sao tôi có thể làm khác được? Tôi ở một vị trí đặc biệt vì là con, cháu và chắt của những nhà giảng đạo. Đúng vậy, tôi coi nhà thờ như thân thể của Christ. Nhưng than ôi! Chúng ta đã làm hỏng vẻ đẹp và làm sẹo trên thân thể đó ra sao qua sự sao lãng xã hội và lo sợ trở thành kẻ bất tuân.

Đã có lúc nhà thờ rất hùng mạnh. Suốt thời kỳ đó, những người Thiên Chúa giáo đầu tiên mừng rỡ khi họ thấy đáng để chịu đau khổ vì những gì mình tin tưởng. Trong những ngày đó, giáo hội không chỉ là cái nhiệt kế ghi lại ý tưởng và nguyên tắc của quan điểm đại chúng; nó còn là một cái nhiệt kế chuyển hoá tập tục xã hội. Bất kỳ đâu, khi những người Thiên Chúa giáo tiền phong đi vào một thành phố, cơ cấu quyền lực lo âu và liền tìm cách kết tội họ là “kẻ gây xáo trộn hoà bình” và “bọn gây rối từ bên ngoài.” Nhưng họ đã tiếp tục với lòng tin vững chắc rằng họ là “dân nước chúa” và phải tuân theo Thượng đế hơn là tuân theo người. Họ nhỏ trong số lượng nhưng lớn ở sự cam kết. Họ quá say Thượng đế để có thể bị “hăm doạ.” Họ đã khiến những tục lệ ác độc cổ xưa như giết con nít và giác đấu phải kết thúc.

Giờ thì khác. Nhà thờ đương đại thường là một tiếng nói không hiệu quả, yếu ớt với một giọng không chắc chắn. Nó thường là kẻ ủng hộ chính cho nguyên trạng. Xa hơn cả không bị lo âu vì sự hiện diện của giáo hội, cơ cấu quyền lực của một cộng đồng trung bình còn được thông cảm bởi sự yên lặng của giáo hội và thường hơn sự chuẩn nhận bằng lời cho nguyên trạng.

Nhưng sự phán quyết của Thượng đế trên giáo hội thì vẫn như trước đây. Nếu giáo hội hôm nay không nắm bắt lại tinh thần hy sinh của giáo hội đầu tiên, nó sẽ mất chiếc nhẫn xác thực của mình, đánh mất sự trung thành của hàng triệu người, và sẽ bị coi như một câu lạc bộ xã hội lạc lõng, không còn ý nghĩa gì cho thế kỷ hai mươi. Tôi mỗi ngày gặp các thanh niên mà sự thất vọng với nhà thờ ở họ đã lên tới sự gớm ghiếc thẳng thừng.

Có lẽ một lần nữa tôi lại quá lạc quan. Tôn giáo có tổ chức có gắn bó chặt chẽ quá với nguyên trạng đến mức không thể cứu quốc gia của chúng ta và thế giới? Có lẽ tôi phải chuyển niềm tin của mình tới giáo hội thuộc linh, một giáo hội bên trong giáo hội, như là một ecclesia (giáo hội) thực sự và hy vọng của thế giới. Nhưng một lần nữa, tôi biết ơn Thượng đế rằng một số tâm hồn cao thượng từ hàng ngũ của tôn giáo có tổ chức đã thoát ly khỏi sợi xích bại liệt của sự tuân thủ, và nhập cuộc với chúng tôi như những thành viên tích cực trong cuộc tranh đấu cho tự do. Họ đã rời bỏ các giáo đoàn yên ổn của mình và đi với chúng tôi trên những đường phố của Albany, Geogia. Họ đã đi khắp các xa lộ của miền Nam trên các chuyến xe hành xác vì tự do. Đúng vậy, họ đã vào tù với chúng tôi. Một số bị đá ra khỏi nhà thờ của mình, bị mất sự ủng hộ của các giám mục và mục hữu. Nhưng họ đi với niềm tin rằng cái đúng bị đánh bại thì mạnh hơn chiến thắng của cái ác. Những người này là chất men trong khối chủng tộc. Sự làm chứng của họ là chất muối tinh thần, đã bảo toàn ý nghĩa thực sự của Phúc Âm ở thời buổi khó khăn này. Họ đã khoét một đường hầm hy vọng xuyên qua ngọn núi thất vọng tối tăm.

Tôi hy vọng giáo hội như một toàn thể sẽ đủ sức đối phó với thời giờ khắc quyết định này. Nhưng ngay cả nếu giáo hội không đến để hỗ trợ cho công lý, tôi cũng không tuyệt vọng ở tương lai. Tôi không lo ngại về kết quả của cuộc tranh đấu của chúng tôi ở Birmingham, ngay cả nếu các động lực của chúng tôi hiện thời bị hiểu sai. Chúng tôi sẽ đạt mục tiêu tự do ở Birmingham, bởi vì mục tiêu của nước Mỹ là tự do. Dù bị ngược đãi và mắng nhiếc, định mệnh của chúng tôi buộc chặt với định mệnh của nước Mỹ. Trước khi những người hành hương đổ bộ xuống Plymouth, chúng tôi đã ở đây. Trước khi ngòi bút của Jefferson khắc lên các trang sử những ngôn từ huy hoàng của Tuyên ngôn Độc lập, chúng tôi đã ở đây. Trong hơn hai thế kỷ, tổ tiên của chúng tôi đã lao động không lương ở quốc gia này; họ làm bông; và họ xây dựng nhà cửa cho các chủ nhân giữa bất công bạo liệt và lăng nhục đáng hổ thẹn – và tuy vậy nhờ ở sức sống vô hạn, họ tiếp tục phát triển. Nếu sự tàn ác khó mà diễn tả được không thể chặn đứng chúng tôi được, sự phản đối mà chúng tôi đối mặt hôm nay sẽ nhất định thất bại. Chúng tôi sẽ đạt tự do của mình vì di sản thiêng liêng của quốc gia chúng ta và ý muốn vĩnh cửu của Thượng đế được thể hiện trong các đòi hỏi vang vọng của chúng tôi.

Tôi phải kết thúc rồi. Nhưng trước khi kết thúc tôi buộc phải đề cập tới một điểm khác trong tuyên bố của quý vị mà gây phiền toái sâu sắc cho tôi. Quý vị ca ngợi nồng nhiệt lực lượng cảnh sát Birmingham đã giữ vững “trật tự” và “ngăn ngừa bạo động.” Tôi không tin là quý vị sẽ ca ngợi nồng nhiệt lực lượng cảnh sát như vậy nếu như quý vị nhìn thấy những con chó dữ tợn của họ đã cắn sáu người Da Đen bất bạo động và không vũ trang. Tôi không tin quý vị sẽ nhanh chóng ca ngợi các cảnh sát viên như vậy nếu như quý vị chứng kiến họ xô đẩy và chửi rủa những bà già và thiếu nữ Da Đen; nếu như quý vị nhìn thấy họ tát và đá những ông già và thiếu niên Da Đen; nếu như quý vị chứng kiến họ, như họ đã làm trong hai trường hợp, từ chối cho chúng tôi ăn bởi vì chúng tôi muốn hát thánh ca cùng nhau. Tôi lấy làm tiếc là tôi không thể cùng với quý vị tán dương sở cảnh sát.

Đúng là họ rất kỷ luật trong hành xử với cuộc biểu tình ở nơi công cộng. Trong ý nghĩa này họ “phi bạo lực” một cách công khai. Nhưng cho mục đích gì? Để bảo toàn hệ thống xấu xa của phân cách chủng tộc. Vài năm trở lại đây tôi luôn thuyết giảng rằng bất bạo động đòi hỏi những phương tiện chúng ta sử dụng phải tinh khiết như các mục tiêu chúng ta tìm kiếm. Vì vậy tôi đã cố làm rõ rằng sẽ sai trái nếu sử dụng các phương tiện vô đạo đức để thâu đạt những mục tiêu đạo đức. Nhưng giờ đây tôi phải xác nhận rằng cũng sai, hoặc còn hơn nữa, nếu sử dụng các phương tiện đạo đức để bảo toàn những mục tiêu vô đạo đức. Có lẽ ông Connor và các cảnh sát viên của mình phi bạo lực ở nơi công cộng, giống như ông cảnh sát trưởng Pritchett ở Albany, Georgia, nhưng họ đã sử dụng các phương tiện đạo đức của bất bạo động để bảo quản mục tiêu vô đạo đức của bất công chủng tộc trắng trợn. T.S. Elliot đã nói rằng không có sự phản bội nào lớn hơn là làm một hành động đúng cho một lý do sai.

Tôi ước gì quý vị đã ca ngợi những người ngồi lì và biểu tình Da Đen ở Birmingham vì lòng dũng cảm siêu phàm của họ, ý chí chịu đựng khổ đau của họ, và kỷ luật đáng kinh ngạc của họ giữa những khiêu khích vô nhân đạo nhất. Một ngày nào đó miền Nam sẽ công nhận những anh hùng thực sự của nó. Họ sẽ là những James Merediths, với một ý thức huy hoàng về mục đích, dũng cảm đối mặt những đám đông hằn học la ó và sự cô đơn thống khổ mà tạo nên đặc tính của đời sống của những người tiền phong. Họ sẽ là những người đàn bà Da Đen xạc xài, bị đè nén và già nua, được biểu tượng ở một bà già bảy mươi hai tuổi ở Montgomery, Alabama, người trỗi dậy với một ý thức phẩm cách và cùng với nhân dân mình từ chối không đi các chuyến xe buýt phân cách chủng tộc, và đáp lại người hỏi về sự mệt mỏi của mình bằng một sự sâu sắc sai văn phạm: “Chân tôi mỏi nhưng hồn tôi an nghỉ.” Họ sẽ là những học sinh, sinh viên, mục sư phúc âm trẻ trung và toàn bộ người lớn trong gia đình ngồi lì một cách dũng cảm và bất bạo động ở các quầy ăn trưa và sẵn sàng đi tù vì lương tâm. Một ngày nào đó miền Nam sẽ biết rằng khi những đứa con bị tước quyền thừa kế này của Thượng đế ngồi xuống tại các quầy ăn trưa, trong thực tế họ đã đứng lên cho những gì tốt đẹp nhất của giấc mơ Mỹ và cho những giá trị thiêng liêng nhất của di sản Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo của chúng ta, và vì vậy, mang toàn bộ quốc gia chúng ta về lại những nguồn giếng vĩ đại đó của dân chủ mà đã được đào sâu bởi những nhà lập quốc trong hình thức của Hiến pháp và Tuyên ngôn Độc lập.

Chưa bao giờ tôi viết một bức thư dài cỡ này (hoặc tôi có nên gọi nó là một cuốn sách?). Tôi ngại là nó quá dài đến mức không thể chiếm được thời giờ quý báu của quý vị. Tôi có thể đoan chắc rằng nó sẽ ngắn hơn nhiều nếu tôi viết nó từ một cái bàn viết tiện nghi, nhưng có làm gì khác được khi một thân một mình, ngày này qua ngày kia trong sự đơn điệu u ám của cái ngăn tù hẹp, hơn là viết những bức thư dài, suy nghĩ những ý nghĩ lạ lùng, và cầu nguyện những bài kinh dài?

Nếu tôi đã nói điều gì trong bức thư này mà nói quá sự thật và biểu thị một sự thiếu kiên nhẫn vô lý, tôi xin quý vị tha thứ. Nếu tôi nói điều gì trong bức thư này mà ít hơn sự thật và biểu thị một sự kiên nhẫn mà khiến cho tôi kiên nhẫn với bất kỳ một điều gì kém hơn tình huynh đệ, tôi xin Thượng đế tha thứ.

Tôi hy vọng bức thư này đến với quý vị mạnh mẽ trong niềm tin. Tôi cũng hy vọng rằng hoàn cảnh sẽ sớm cho phép tôi được gặp mỗi quí vị, không phải như một người chủ trương hoà hợp hay một lãnh tụ nhân quyền, mà như là một đạo hữu và một người anh em Thiên Chúa giáo. Chúng ta hãy hy vọng những đám mây u ám của thành kiến chủng tộc sẽ nhanh chóng trôi qua và lớp sương mù dày đặc của sự thiếu hiểu biết lẫn nhau sẽ được dỡ khỏi các cộng đồng bị thấm đẫm lo sợ của chúng ta, và trong một ngày mai không xa lắm, những ánh sao toả ngời của yêu thương và tình huynh đệ sẽ chiếu khắp quốc gia vĩ đại của chúng ta với trọn vẻ đẹp lấp lánh của nó.

Vì Hoà bình và tình Huynh đệ.


Bản tiếng Việt © 2006 talawas
Nguồn: M. L. King, Jr., “Tại sao chúng tôi không thể chờ đợi” (New York: Harper & Row, 1963), pp. 77-100. Nguyên thuá»· được xuất bản trong má»™t bản hÆ¡i khác má»™t chút ở Giải Phóng (Liberation) (June 1963), pp.10-16.
Bản gần với bản viết tay trong tù và bản tuyên bố của các giáo sĩ có thể được tìm thấy ở: http://www.nobelprizes.com/nobel/peace/MLK-jail.html