trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngĐại hội X và cải cách chính trị tại Việt Nam
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
8.3.2006
Nguyá»…n Quang A
Vài ý nhân đọc nửa bài “Nhà sư có được… ăn thịt hay không?” của Đoàn Tiểu Long
 
1. Tôi nghĩ tác giả nên ngó kĩ triết lí của Đức Phật. Theo tôi biết, Đức Phật không cấm nhà sư ăn thịt! Sát sinh thì bị cấm. Nhà sư được ăn ba loại thịt sạch (gọi là tam tịnh nhục: bất văn, bất kiến, bất nghi), tức là nếu nhà sư không nghe thấy, không nhìn thấy, không nghi ngờ là người ta sát sinh con vật, con cá vì nhà sư, thì thịt cá đó nhà sư có thể ăn. Thực ra các nhà sư theo Phật giáo Nam Tông không kiêng thịt, và sư ở nhiều nước và cả ở Việt Nam vẫn ăn thịt. Nói việc ăn thịt trái với giáo huấn của Đức phật là sai. Hãy thử xem cuốn biên dịch của Nguyễn Văn Sáu: “Vấn đề ăn chay và ăn mặn trong Phật giáo” do Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2002, với lời giới thiệu của Giáo sư Minh Chi, Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, với nhiều bài viết của các vị cao tăng thì rõ. Chắc ông Đoàn Tiểu Long chỉ nghe về một tông phái (truyền từ Bắc xuống), hay chỉ nghe dân chúng nói “khơi khơi” vậy nên mới dùng ẩn dụ nhà sư không được ăn thịt để ám chỉ rằng những người không chấp nhận chủ nghĩa Marx thì đừng có xen vào, và những người Marxist không được vượt quá “hệ toạ độ” của mình hệt như “nhà sư không thể đặt ra vấn đề ‘nhà sư có được ăn thịt hay không’, đơn giản vì điều đó trái với giáo lí nhà Phật”. Ngần ấy chắc là đủ với ẩn dụ và cách đặt vấn đề. Tôi rất sợ là tác giả cũng chỉ hiểu “khơi khơi” về các giáo huấn của Marx, hay cũng lại chỉ qua các dị bản của một tông phái truyền từ phương Bắc vào Việt Nam!

2. Chính vì thế chuyện tranh luận của những người ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như của các đảng viên về "đảng viên có được làm kinh tế tư bản hay không?" “dĩ nhiên là” KHÔNG “trật lất” như tác giả nhận định. Tất cả những người muốn làm cho “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” đều có quyền bàn đến những việc ảnh hưởng đến dân, dẫu họ có là đảng viên hay không, dẫu họ ở trong nước hay ở nước ngoài. Còn những người cứ cột mình vào lí thuyết này học thuyết khác [hay vào các dị bản của các học thuyết ấy] thì tất nhiên họ có thể cho rằng vấn đề là không thể bàn cãi, y như chuyện bàn về “nhà sư có được ăn thịt hay không” mà tác giả có ý nói là không thể được. Còn ở trên tôi vừa chỉ ra là có thể được, và tác giả hiểu “trật lất” giáo huấn của Phật.

3. Tôi nghĩ người ta không phải không hiểu lí luận của Giáo sư Nguyễn Đức Bình, người ta quá hiểu là đằng khác, ông là một người kiên định với học thuyết ông tin. Đấy là một điều đáng trân trọng. Vấn đề bàn cãi ở đây chỉ là cái mô hình ấy có phù hợp hay không, có dùng được tốt cho việc phát triển đất nước hay không? Như tôi đã nói khá rõ trong bài của mình: Tất cả các mô hình, lí thuyết, học thuyết đều là sản phẩm trí tuệ của một (số) người (có thể sai) tạo ra với hy vọng chúng mô tả tốt thực tế. Không có mô hình đúng hay mô hình sai, chỉ có chuyện một mô hình mô tả sát thực tiễn hơn mô hình khác mà thôi (mô hình tự mâu thuẫn về mặt logic không được tôi coi là mô hình hay lí thuyết). Ở đây lại nảy ra vấn đề “tốt”, “sát” là thế nào, tức là chúng ta phải thống nhất với nhau về các số đo, về các metric, hay nói cách khác về các tiêu chuẩn để đánh giá. Và tình hình còn rắc rối hơn là, các tiêu chuẩn đó cũng chẳng phải là bất di bất dịch, là vĩnh cửu, chúng có thể thay đổi. Nếu chúng ta không có cùng các tiêu chuẩn thì việc tranh luận là khó ngã ngũ, và chắc gì đã cần ngã ngũ (vì có nhiều vấn đề không có lời giải, cho nên mới phải lựa chọn, mới phải ra quyết định), nhưng tranh luận giúp chúng ta hiểu nhau hơn.

4. Marx có thể định nghĩa bóc lột là gì thì tuỳ Marx với tư cách một nhà lí thuyết. Lí thuyết giá trị thặng dư với tư cách một lí thuyết nó đơn thuần là một lí thuyết, nó có thể dùng tốt để mô tả thực tiễn hay không lại là chuyện khác. Cũng phải nói thêm không cần đến lí thuyết giá trị thặng dư để giải thích lí thuyết về bóc lột của Marx (chẳng hạn xem chương 20 của cuốn Xã hội mở và Những kẻ thù của nó của Karl. R. Popper). Tôi cũng không khẳng định được bóc lột là gì, vì đây là một vấn đề khó, vì thế mới có nhiều lí thuyết và tranh luận về vấn đề này cho đến tận ngày nay. Tôi chỉ nói nhà tư bản chẳng phải là kẻ ăn không ngồi rồi, “ngồi mát ăn bát vàng” như người ta vẫn nói về họ. Tất nhiên nếu đã gán cho bóc lột một định nghĩa thì có thể quy kết việc bóc lột dễ dàng vì đấy là vấn đề lặp thừa (tautology). Chính thế nên những câu hỏi của tác giả về sự bóc lột của Bill Gates hay sự bóc lột giả định 90 triệu của Nguyễn Quang A là khó thể tranh luận được vì mỗi người ở các hệ quy chiếu khác nhau. Tuy vậy tôi chỉ muốn hỏi lại một vài câu. Nếu không có Bill Gates thì có hàng chục vạn lập trình viên làm cho Microsoft trực tiếp hay gián tiếp không? Có hàng trăm triệu phú là nhân viên của Bill Gates hay không? Tại sao người khác lại không tụ tập được ngần ấy nhân tài? Công của Bill Gates so với các nhân viên của mình là gì? Bill Gates hơn người khác là ở cái đầu của ông, ở tài năng của ông, thế mà tác giả muốn cho Bill Gates một “hệ số tài sản” giống như hệ số lương của viên chức ở Việt Nam ư? Tôi hỏi, theo ông Đoàn Tiểu Long hệ số ấy gấp bao nhiêu lần so với nhân viên của Bill Gates là vừa? Là 10, 100, 1000 hay vài vạn là hợp lí? Câu trả lời chắc là khó? Tôi thì bảo câu hỏi đó là vô nghĩa. Ông Đoàn Tiểu Long không phân biệt rõ thu nhập, lương và giá trị tài sản. Tôi không biết lương của Bill Gates là bao nhiêu, của nhân viên hay của Tổng giám đốc Steve Ballmer là bao nhiêu. Tài sản của họ ở Microsoft (chủ yếu là số cổ phiếu của công ty mà họ nắm) nhiều người biết. Không có họ tài sản của Bill Gates không lớn thế, ngược lại không có Bill Gates thì tài sản của người điều hành Ballmer làm sao lên cả chục tỷ (khoảng 14 tỷ) USD được, và hàng trăm nhân viên của hãng có thể coi mình là triệu phú được? Đấy là cuộc chơi ai cũng thắng, đấy là sự tương thuộc lẫn nhau, đấy là tương duyên theo minh triết nhà Phật. Tôi cam đoan nếu Gates rao bán một nửa cổ phiếu của mình, thì giá cổ phiếu của hãng sẽ rớt xuống đáng kể, và kéo theo là sự sụt giá trị tài sản của bao nhiêu nhân viên của ông cũng như của cổ đông của hãng. Bàn chuyện Bill Gates bóc lột nhân viên hay nhân viên bóc lột Bill Gates một sách sơ sài theo các học thuyết như vậy là vô bổ. Mối quan hệ nương tựa vào nhau, tương thuộc lẫn nhau mà tồn tại và phát triển được Phật giáo gọi là duyên, và có vai trò vô cùng quan trọng. Cái duyên đó cũng được khoa học tự nhiên và xã hội hiện đại nghiên cứu mới đây dưới các khoa học như khoa học mới về mạng, lí thuyết về vốn xã hội, về các hệ thống phức hợp, và làm cho chúng ta hiểu sâu thêm các hiện tượng tự nhiên và xã hội. Tôi nghĩ cứ nhất quyết phải tìm ra, hay giải thích kẻ này bóc lột, người kia bị bóc lột là chưa hiểu được cái nguyên lí tương duyên thâm thuý của nhà Phật. Cái chết của những người “tự giam mình” vào các lí thuyết là cứ muốn áp cái ý của mình, hay của giáo chủ của mình cho cuộc sống. Cuộc sống nó cứ tiến, áp cũng chẳng được. Thí dụ, nêu ra “hệ số” như trên là ta tự vẽ ra vấn đề cho ta, để rồi cố tìm cách “giải quyết” chúng một cách “sáng tạo”.

Nếu Nguyễn Quang A biết được người tài hơn mình và trả cho anh ta 10 triệu, thì 10 triệu ấy đâu phải giá trị lao động của ông Quang A. Ông Đoàn Tiểu Long sao có thể biết được làm thế nào mà ông Quang A lại kiếm được ông giám đốc tài đến vậy và cái công lao ông ấy tạo ra bao nhiêu giá trị? Vậy nên 90 triệu kia chắc chắn không phải là khoản ông Quang A bóc lột anh giám đốc nọ và nhân viên của công ty. Và kỳ thực tôi cũng chẳng hiểu con số 100 triệu, 10 triệu và 90 triệu mà ông Đoàn Tiểu Long đưa ra trong ví dụ giả định đó là thế nào. Nếu đúng như tôi hiểu ẩn ý của tác giả là: lợi nhuận 100, lương của giám đốc 10 và giá trị thặng dư mà ông Quang A (hay công ty của ông) chiếm đoạt là 90 triệu, thì tôi phải thưa lại như sau. Nếu tôi điều hành và có lợi nhuận 100 triệu, chắc đâu khi thuê ông giám đốc lợi nhuận cũng là 100 triệu. Mặt khác, cứ giả như tiền công của ông giám đốc là 10 triệu bằng giá trị ông ta tạo ra và lợi nhuận cũng là 100 triệu như khi ông Quang A tự điều hành, thì 100 triệu (chứ không phải 90 triệu kia như Đoàn Tiểu Long nghĩ) là cái gì? Ông thì cho rằng 100 triệu trừ đi giá trị mà ông Quang A tạo ra là giá trị thặng dư. Mà giá trị tôi làm ra thì ông không biết, ông lại phải giả sử cũng là 10 triệu, một giả thiết vô căn cứ. Tôi hỏi ai làm ra giá trị đó? Chắc ông cũng khó trả lời. Nếu ông bảo do lao động thặng dư của nhân viên công ty thì tôi chưa chịu. Theo tôi, ít nhất có mấy thứ vốn tạo ra giá trị đó (không chỉ có vốn lao động như ông tưởng): vốn của công ty chắc cũng phải sinh lời (nếu vốn của công ty là 2 tỷ đồng thì lợi nhuận chỉ bằng nửa lãi gửi tiết kiệm); vốn tri thức của chủ doanh nghiệp ông có tính không? Vốn xã hội là do nhà nước duy trì quân đội, công an, toà án, các cơ quan chính phủ để có an ninh và pháp luật, đảm bảo cho công ty hoạt động, cũng tạo ra một phần giá trị đó (và công ty phải nộp 28% lợi nhuận trả thuế thu nhập công ty, tức là 28 triệu, cho nhà nước vì các dịch vụ công mà nhà nước cung cấp; nói cách khác, xã hội lấy lại phần lời, hay giá trị thặng dư nếu ông thích gọi thế, của vốn xã hội của mình). Vốn tri thức chắc ông không tính được. Vốn của công ty cho hoạt động ông không biết. Giả như vốn của công ty là 2 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế là 72 triệu đồng, thì người chủ lỗ nặng (vì không thu được phần công sức của mình [ông không thể giả thiết rằng người chủ không lãnh đạo, theo dõi mà phó thác toàn bộ cho tay giám đốc kia, nhà tư bản nó không ngu như ông tưởng đâu], mà còn thiệt hơn so với gửi 2 tỷ đồng tiết kiệm, còn công ty thì vẫn có lợi nhuận 100 triệu, kém gửi tiết kiệm 100 triệu! Khi đó ông chủ là kẻ bị bóc lột và sẽ sa thải cái tay giám đốc ấy ngay; và cũng phải nói là việc sa thải cũng là lao động đấy). Còn nhiều thứ phức tạp khác (từ 72 triệu lợi nhuận sau thuế đó phải trích lập quỹ phúc lợi, khen thưởng theo luật định, v.v.) mà tôi không nêu ra, chỉ ngần ấy cũng thấy các con số của ông chẳng khẳng định được gì.

Tóm lại, vấn đề phức tạp hơn ông Đoàn Tiểu Long nghĩ nhiều, cho nên đừng áp đặt lí thuyết của mình lên người khác và lên cuộc sống. Đó là ý kiến của tôi. Tất nhiên tôi tôn trọng tác giả khi ông cho rằng “quan niệm của Marx về bóc lột thông qua chiếm đoạt giá trị thặng dư đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đừng nhìn như người thường mà cho rằng chủ doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, người lao động thấy hài lòng với thu nhập là không còn bóc lột”. Có ai bảo “không còn bóc lột” đâu, ấy là ông gán cho người khác vậy chứ. Vâng, người thường nó vẫn khó bảo vậy đó. Nhưng tôi phải kiên quyết bác bỏ khẳng định của ông Đoàn Tiểu Long ở câu ngay sau đó: “Cố chứng minh nhà tư bản không bóc lột là hành động mỵ dân, lừa bịp”. Tôi không chứng minh gì cả, tôi chỉ nói đời phức tạp hơn lí thuyết của các vị nhiều, và lí thuyết ấy theo tôi không xài được nữa, còn các vị chỉ nghe “khơi khơi” về môn phái của mình mà đã lên mặt khinh người và gán cho người ta “là mỵ dân và lừa bịp” thì thật quả là hết chỗ nói. Những kẻ hay đánh tráo khái niệm thường vu cho người khác đánh tráo khái niệm. Tôi nghĩ bình luận một nửa bài viết của ông Đoàn Tiểu Long như thế là đủ.

© 2006 talawas