trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Triết học
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
9.3.2006
Kim Minh
Mười sai sót của giáo trình triết học Mác-Lênin
 
Cuốn sách được biên soạn bởi một hội đồng gồm các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành triết học, đặc biệt đó lại là giáo trình chuẩn quốc gia về bộ môn khoa học lý luận nền tảng [1] , vậy mà không tránh khỏi những sai sót dễ dàng phát hiện ra.


1.

Một sai sót phải nói là khó bỏ qua, nhất là với tính chất một giáo trình chuẩn quốc gia, đó là nhiều phần được biên soạn thiếu tính logic. Có thể do nhiều người viết, nhưng không có hoặc nếu có thì các tác giả không tuân thủ nghiêm túc một đề cương chung, rồi những người chủ biên không có sự kiểm tra, quản lý thống nhất.

Ví dụ, tại “chương VI. Các cặp phạm trù cơ bản của phép biện chứng duy vật”, mỗi phần trình bày một cặp phạm trù, xin xem từ trang 275, phần “VI. Bản chất và hiện tượng”. Trong khi các phần khác với nội dung và cấu trúc tương đương chỉ có ba tiểu mục, riêng phần này có đến năm, trong đó các tiểu mục “2. Sự tồn tại khách quan của bản chất và hiện tượng”, “3. Sự thống nhất giữa bản chất và hiện tượng”, và “4. Tính chất mâu thuẫn của sự thống nhất giữa bản chất và hiện tượng” đáng ra phải gộp làm một tiểu mục với tiêu đề “Mối quan hệ biện chứng giữa bản chất và hiện tượng” giống như tiểu mục 2 của các phần khác trong chương. Tương tự, từ trang 286, phần “VII. Khả năng và hiện thực” cũng có đến năm tiểu mục với những sự phi logic so với các phần khác.

Hoặc, ở “chương VII. Những quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật”, hãy bắt đầu theo dõi từ trang 303 với phần “II. Quy luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng thành những thay đổi về chất và ngược lại”, tiểu mục 1 có tiêu đề “Về phạm trù chất và lượng”. Sang phần “III. Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập”, tiểu mục 1 là “Lý luận chung về mâu thuẫn”. Phần “IV. Quy luật phủ định của phủ định”, tiểu mục 1 là “Phủ định biện chứng và những đặc điểm cơ bản của nó”. Cách đặt tên và trình bày nội dung của ba tiểu mục 1 của ba phần về ba quy luật đều hoàn toàn không có logic, không thống nhất với nhau, trong khi đáng ra tiểu mục 1 của mỗi phần đều nên là “Một số khái niệm, định nghĩa về...”. Các tiểu mục tiếp theo của ba phần này cũng lặp phải lỗi tương tự về logic.


2.

Trang 30 với tiểu mục “3. Thuyết không thể biết”. Việc thừa nhận hay không thừa nhận khả năng nhận thức thế giới của con người đã phân chia các học thuyết triết học thành khả tri (có thể biết) và bất khả tri (không thể biết). Vì thế, nếu đã có riêng một tiểu mục về thuyết “không thể biết” thì cũng phải có một tiểu mục về thuyết “có thể biết”, hoặc gộp chung thành một tiểu mục “Thuyết có thể biết và thuyết không thể biết”.


3.

Với báo chí (chẳng hạn báo Nhân dân), do tính phổ biến mà các danh từ nước ngoài thường được phiên âm cho dễ đọc, còn trong khoa học với những tên người, tên địa danh có gốc latinh thì phải được viết nguyên. Trừ những trường hợp đặc biệt như Mác vì đã quá quen thuộc thì viết theo phiên âm (thực tế, một số nhà khoa học vẫn viết nguyên gốc là Marx). Thế mà trong hầu hết giáo trình, nguyên tắc này hầu như không được tuân theo, đặc biệt là ở chương II và chương XV khi phải nhắc đến tên nhiều triết gia nước ngoài. Đơn cử: Phranxi Bêcơn (đáng lẽ phải là Francis Bacon), Tômát Hốpxơ (Thomas Hobbes), Rơnê Đêcáctơ (René Descartes). Do không viết nguyên gốc, dễ dẫn đến sai lệch, phi khoa học khi đọc và nhận dạng tên người, địa danh (do phiên âm có thể sai), gây khó khăn cho tra cứu. Hãy nhìn ví dụ về ba triết gia vừa đưa ra ở trên đã thấy phiên âm sai. Đáng chú ý là không phải chỉ với giáo trình này, mà nhiều giáo trình triết học (của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của các trường) cũng mắc sai lầm như vậy (do “tham khảo” lẫn nhau?).


4.

Thuộc “chương II. Khái niệm về lịch sử triết học trước Mác”, phần “III. Triết học thời Phục hưng và cận đại””, tại trang 94, dòng trên cùng, người ta thấy tiểu mục “2. Một số triết gia tiêu biểu”, thế nhưng khi xem ngược lên, tìm mãi không thấy tiểu mục 1 đâu cả (?). Trong khi đó, theo nội dung các trang từ 90 đến 93 thì đây đáng ra nên là tiểu mục 1 với tiêu đề có thể là “Khái quát về triết học thời kỳ này”.


5.

Trang 348 và 349 có đưa ra ba dạng cơ bản của thực tiễn: hoạt động sản xuất vật chất, hoạt động chính trị - xã hội, hoạt động thực nghiệm khoa học. Xin hỏi: vậy các hoạt động khác như hoạt động văn hóa nghệ thuật, hoạt động nghiên cứu khoa học xếp vào loại thực tiễn nào, hay không được tính đến?


6.

Trang 475, khi đưa ra khái niệm về dân tộc, tác giả mặc dù đã lưu ý nhưng vẫn không phân biệt được rõ ràng về mặt học thuật hai khái niệm khác nhau: dân tộc (ethic) với tư cách là dân tộc-tộc người, và dân tộc (nation) với tư cách là dân tộc-quốc gia.


7.

Từ trang 559 ở tiểu mục “3. Hình thức và phương pháp cách mạng”, tác giả không nói rõ hình thức cách mạng là gì, có những hình thức nào, phương pháp cách mạng là gì, có những phương pháp nào, khiến người đọc càng đọc càng… bí.


8.

Chương XIII, trong phần “III. Các hình thái ý thức xã hội”, liệt kê có tất cả sáu hình thái ý thức xã hội, và mỗi hình thái được dành một tiểu mục riêng để phân tích, nhưng người đọc dù có tìm kiếm mỏi mắt cũng chỉ thấy có năm chứ không thấy hình thái ý thức khoa học đâu cả, chắc là… quên!

Tiểu mục về hình thái ý thức tôn giáo, tác giả chỉ loanh quanh nói mãi về nguồn gốc tôn giáo, trong khi một nội dung rất quan trọng là định nghĩa tôn giáo lại không có. Hầu hết những thành tựu hiện đại của khoa học nghiên cứu tôn giáo không được cập nhật, thậm chí những quan điểm mới, chính sách mới về tôn giáo của Đảng và Nhà nước cũng không được đề cập bao nhiêu.

Tiểu mục về hình thái ý thức thẩm mỹ, căng mắt ra không tìm thấy định nghĩa về hình thái ý thức này ở đâu cả. Ngoài ra, tên tiểu mục là “Ý thức thẩm mỹ”, nhưng nội dung chỉ nói đến “nghệ thuật” mà không có bất kỳ một sự giải thích nào về sự thay thế này. Trong khi đó, khái niệm “ý thức thẩm mỹ” và “nghệ thuật” có quan hệ gần gũi chứ không phải là một, không thể thay thế nhau được. Nghệ thuật thiên về chỉ các hình thức biểu hiện có tính thiết chế như văn học, ca nhạc, phim ảnh, sân khấu; còn ý thức thẩm mỹ thiên về quan điểm thẩm mỹ nói chung, trong đó có quan điểm về nghệ thuật.


9.

Chương XV, người được phân công viết phần này, khi nhắc đến các triết gia phương Tây hiện đại, đã không chua thêm năm sinh năm mất của họ khiến người đọc không biết họ sống vào thời điểm nào. Cũng chương này, từ trang 639 khi nói về chủ nghĩa hiện sinh, tác giả chỉ liệt kê một vài cái tên ở trang 641 mà không phân tích tư tưởng của từng đại biểu, trong khi đó đây là một trong những trào lưu triết học có nhiều nhân vật có tiếng tăm, với nhiều tư tưởng khác nhau đáng chú ý. Trang 646, khi viết về “chủ nghĩa Phơrơt”, tác giả lại quên mất một nội dung cơ bản của học thuyết này là phân tâm học tôn giáo khiến nó trở nên khập khiễng. Chương này cũng không hề nhắc đến chú giải học - một học thuyết triết học hiện đại khá tiêu biểu.


10.

Những sai sót về ngôn từ không phải không có. Ví dụ, trang 17 viết “Thuật ngữ ‘triết học’ có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là ‘yêu thích (philos) sự thông thái (sophia)’”. Tóm lại, gốc tiếng Hy Lạp của thuật ngữ “triết học” là gì? Chịu, vì tác giả đã chẻ nát mất rồi. Trang 77 có câu “tự nhiên thích dấu mình”, trong khi phải là “giấu” mới đúng. Trang 117 “Truyện Kiều của Nguyên Du” phải là Nguyễn Du mới chính xác. Trang 172 viết “phản Proton”, proton ở đây sao lại viết hoa?

Những ý kiến về các sai sót, bất cập trên đây của cuốn sách được đưa ra với mong muốn trong những lần tái bản sau sẽ được quan tâm bổ sung, sữa chữa.

© 2006 talawas



[1]Hội đồng trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Giáo trình triết học Mác-Lênin, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999.