trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
9.3.2006
N. B. Davletshina, B. B. Kimlika, R. J. Klark, D. U. Rai
Chế độ dân chủ: Nhà nước và xã hội
Phạm Minh Ngọc dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8 
 
Chương 3: Nhân quyền trong xã hội dân chủ


1. Các quyền của con người và nguồn gốc của chúng

Tôn trọng các quyền của con người là dấu hiệu của xã hội văn minh. Nhưng cái qui tắc tưởng như đã được mọi người công nhận này lại không được thực hiện tại nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, tại đó các quyền con người, kể cả quyền được sống cũng bị xâm phạm. Khi nói đến quyền con người thì phong tục, tập quán, đặc điểm dân tộc và các giá trị văn hóa lại tỏ ra có ảnh hưởng rất lớn.

Trước khi nói đến các tính chất của quyền con người, những đặc trưng tại những khu vực khác nhau trên thế giới, ta cần phải ghi nhận ngay rằng nguyên tắc căn bản nhất của chế độ dân chủ là chính phủ không cho, cũng không ban phát các quyền cơ bản của con người, mà có trách nhiệm bảo vệ tự do và các quyền mà con người được thiên nhiên ban cho ngay từ khi chào đời. Vì vậy điều quan trọng là phải tạo ra được các điều kiện và cơ chế mà nhờ đó quyền của từng người riêng biệt không thể bị xâm phạm, như nhà sử học Leonard Levy đã nói một cách hình tượng: “Người ta chỉ có thể trở thành tự do khi các chính phủ không được tự do”. Thực tiễn các nước có nền cai trị hợp hiến cung cấp cho ta nhiều ví dụ khẳng định nguyên tắc này. “Quốc hội không được ban hành bất cứ đạo luật nào liên quan đến việc thiết lập tôn giáo hoặc cấm thực hành tôn giáo, hoặc cản trở tự do ngôn luận hay báo chí, hoặc quyền hội họp một cách hòa bình và đệ trình chính phủ các các thỉnh nguyện về việc đáp ứng các đòi hỏi của dân chúng”, tu chính thứ nhất (1791) của Hiến pháp Hoa Kì đã viết như thế. Nói một cách khác, không phải chính phủ Hoa Kì cho người Mĩ tự do tín ngưỡng, tự do báo chí, tự do ngôn luận, mà là đạo luật nền tảng của Mĩ buộc chính phủ không được can thiệp cũng như hạn chế các quyền này của công dân.

Bây giờ chúng ta sẽ cùng nhau đưa ra các nguyên tắc căn bản liên quan đến quyền con người. Trước hết hãy xem những thí dụ sau đây:

  1. Một người bị gọi công khai là kẻ nói dối. Anh ta cho rằng như thế là làm mất uy tín của mình và đòi được bảo vệ. Người đó có quyền được bảo vệ không? Nếu đa số cho rằng anh ta là kẻ nói dối thì anh ta có mất quyền được bảo vệ không? Nếu đa số đồng ý rằng quyền của anh ta cần được bảo vệ thì như vậy đã đủ để bảo vệ anh ta chưa?

  2. Một người ngoại quốc bị rắc rối với luật pháp. Có vẻ như người này đã phạm tội. Người này có quyền mời luật sư bảo vệ, có quyền gặp đại diện sứ quán nước mình không?

  3. Một nhân viên cơ quan chính phủ được phân nhà nghỉ, ô tô và tài xế riêng. Máy bay có thể giúp thực hiện công vụ. Anh ta có quyền đi máy bay không? Có sự khác nhau giữa việc cấp cho nhân viên chính phủ ô tô, máy bay, căn hộ và nhà nghỉ không? Khác nhau như thế nào?

  4. Cai ngục bị kết tội đối xử tàn bạo với các tù nhân. Tù nhân được tha có thể báo thù không? Báo thù như thế nào?

  5. Không nghi ngờ gì rằng quyền của phạm nhân đã bị vi phạm. Ai có thể và phải ngăn chặn điều đó?

  6. Cơ quan điều tra chứng minh rằng cai ngục không hành động theo đúng qui chế và vi phạm quyền của tù nhân, nhưng phạm nhân lại không báo cáo cho trưởng trại. Nếu đưa ra tòa thì ai là người có tội? Tại sao?

  7. Người ta định giết một con ngựa đua già thay vì để nó tự chết trên đồng cỏ. Nó có quyền chết trên đồng cỏ không? Súc vật có quyền gì? Khác với quyền con người ở chỗ nào?
Khi phân tích các thí dụ nêu trên có thể các bạn đã thấy những nguyên tắc khác nhau trong việc thực thi quyền con người: đấy là đòi hỏi, quyền, ưu tiên, giới hạn, trách nhiệm, vi phạm.

Đòi hỏi là lời khẳng định về việc bị lăng mạ, bị đối xử bất công, được trình cho các cơ quan bảo vệ pháp luật với hi vọng được đền bù. Đòi hỏi phải được kiểm tra rồi sau đó đưa ra phán quyết: đáp ứng hay không đáp ứng.

Quyền là một đòi hỏi được pháp luật công nhận. Sẽ bất công nếu quyền không được đáp ứng. Bản thân từ “quyền” đã có nghĩa rằng mọi đòi hỏi phù hợp với luật pháp đều phải được đáp ứng. Quyền con người khác với quyền của súc vật và cây cối, v.v... là những vấn đề không được xem xét trong cuốn sách này.

Ưu tiên là công nhận rằng một đòi hỏi nào đó là không có cơ sở và những đòi hỏi khác tương tự cũng không bắt buộc phải được đáp ứng.

Giới hạn là sự biện hộ cho việc không đáp ứng một đòi hỏi nào đó. Thay đổi nội dung của đòi hỏi: không phải là quyền mà là một ưu tiên nếu hoàn cảnh không cho phép thỏa mãn điều kiện đó.

Trách nhiệm là công nhận quyền. Thí dụ quyền trẻ em phụ thuộc rất nhiều vào trách nhiệm của các bậc cha mẹ.

Vi phạm là hành vi dẫn đến mất quyền.

Quyền con người được chia ra thành: quyền chính trị, quyền công dân, quyền văn hóa, quyền kinh tế, quyền xã hội.

Những trường hợp dưới đây nói đến quyền nào?

  1. Cấm kì thị
  2. Bảo đảm việc làm
  3. Được học bằng tiếng mẹ đẻ
  4. Được theo bất kì tôn giáo nào
  5. Bảo đảm về nhà ở
  6. Tự do đi lại
  7. Cấm chế độ nô lệ
  8. Lựa chọn chính phủ
  9. Giáo dục miễn phí
Xin đừng buồn nếu ý kiến của bạn khác với ý kiến của giáo viên hay của những người xung quanh. Điều đó là do, đôi khi một hoàn cảnh có thể được coi là thuộc phạm vi những quyền khác nhau. Thí dụ như tự do đi lại. Một mặt, nếu ta coi nó có ý nghĩa cá nhân thì đấy là quyền xã hội. Nhưng nếu quyền đi lại hoặc ra nước ngoài bị hạn chế thì đã xuất hiện khía cạnh chính trị. Còn nếu hạn chế là do không có đủ ngoại tệ thì có thể coi là thuộc lĩnh vực kinh tế. Các trường hợp nêu trên đều như thế cả.

Quyền con người bao gồm: quyền cá nhân và quyền của nhóm.

Trên thế giới người ta đã chia ra như sau: quyền chính trị, quyền công dân được coi là các quyền cá nhân, nghĩa là quyền do từng người thực hiện, không phụ thuộc vào những người khác; quyền xã hội, quyền văn hóa, quyền kinh tế được coi là quyền của nhóm, được thực hiện bằng cách tham gia vào một nhóm nào đó.

Xin phân tích các tình huống gây tranh cãi dưới đây. Hãy xác định các hạn chế hợp lí, theo bạn, có thể áp dụng trong từng tình huống.

  1. Người thợ ảnh tham gia cuộc thi và giành được giải nhất. Nhưng mọi cố gắng nhằm công bố bức ảnh đều thất bại. Biên tập viên các tòa soạn giải thích rằng bức ảnh thiếu tinh thần yêu nước. Quyền của ai đã bị xâm phạm? Những quyền nào? Bởi ai? Nếu thay đổi lí do từ chối công bố, thí dụ như khiêu dâm hay trái ngược với niềm tin tôn giáo thì sao? Khi nào thì có thể áp dụng “hạn chế hợp lí”?

  2. Cô gái học xong trung học và đi đến thành phố khác làm việc một thời gian. Cô không có họ hàng nào ở đây cả. Cô có con nhưng không đủ khả năng chăm sóc. Vì vậy cô mang nó đến bỏ gần một nhà thờ. Các ông cố đạo đã tìm thấy đứa bé, mang về nuôi và đăng báo tìm mẹ nó. Quyền của ai bị xâm phạm? Bởi ai? Những quyền nào?

  3. Một người bị cảnh sát bắt. Anh ta khẳng định rằng không làm gì sai, nhưng cảnh sát nói rằng anh ta chống người thi hành công vụ, đánh anh ta và nhốt vào nhà giam. Sáng hôm sau người ta thả anh ta, đồng thời rút lại lời buộc tội về việc chống người thi hành công vụ. Nạn nhân phát đơn kiện cảnh sát. Quyền của ai bị xâm phạm? Những quyền nào?

  4. Có một số bức ảnh được đăng tải trên một tờ báo lớn. Có thể thấy rõ hình ảnh cảnh sát đang đánh đập. Cánh sát phải ra tòa và được công nhận là vô tội. Xã hội bất bình. Tòa phải xử lại, cảnh sát bị kết án. Cảnh sát có thể coi thường luật phát khi thi hành nhiệm vụ không? Dư luận xã hội có thể ảnh hưởng đến phán quyết của tòa không?

  5. Lính biên phòng được lệnh nổ súng nếu có người vượt biên. Một người có ý định vượt biên bị bắn. Người lính thực hiện lệnh trên và người chỉ huy bị đưa ra tòa và bị kết tội theo điều luật được đưa ra sau sự cố nói trên. Quyền của ai đã bị xâm phạm? Những quyền nào bị xâm phạm? Liệu như vậy có nghĩa là quyền lợi quốc gia phải được thay bằng các chuẩn mực quốc tế không?

  6. Thành viên một nhóm yêu chuộng hòa bình tổ chức biểu tình bên cạnh nhà máy sản xuất thiết bị hạch tâm. Cuộc biểu tình và phản đối một cách hòa bình đã có ảnh hưởng đến dư luận xã hội. Nhưng vì không đi làm anh ta đã bị đuổi việc. Quyền của ai bị xâm phạm? Quyền nào bị xâm phạm?

  7. Một bé gái bị ông bác đánh vì những lí do không rõ ràng. Bố mẹ cô bé vì sợ ảnh hưởng đến uy tín của gia đình nên không báo công an. Nhưng thày giáo của cô bé đã kiên quyết khuyên phải báo cho công an biết. Quyền của ai bị xâm phạm? Những quyền nào?

Nguồn gốc quyền con người. Quyền con người được nói đến lần đầu tiên trong kinh Cựu ước. Đấy là mười điều răn mà mọi người đều phải tuân theo:

“Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, đã rút ngươi ra khỏi xứ Ê-dip-tô, là nhà nô lệ.

Trước mặt ta ngươi chớ có các thần khác.

Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống các các vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp này, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quì lạy các hình tượng đó và cũng đừng hầu việc chúng nó…

Ngươi chớ lấy danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi mà làm chơi, vì Đức Giê-hô-va chẳng cầm bằng vô tội kẻ lấy danh Ngài mà làm chơi.

Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh. Ngươi hãy làm hết công việc mình trong sáu ngày, nhưng ngày thứ bảy là ngày nghỉ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi…

Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa trời ngươi ban cho.

Ngươi chớ giết người.

Ngươi chớ phạm tội tà dâm.

Ngươi chớ trộm cướp.

Ngươi chớ nói chứng dối cho kẻ lân cận mình.

Ngươi chớ tham nhà kẻ lân cận ngươi, cũng đừng tham vợ người, hoặc tôi trai, tớ gái, bò, lừa hay là vật chi thuộc về kẻ lân cận ngươi”

(Bản dịch Holy Bible in Vietnamese. Published by the United Bible Societies. 8M-1992 - ND)

Những qui định đạo đức tương tự như thế có mặt trong các tôn giáo khác và các nền văn minh khác. Một số các quyền xuất hiện trong một nền văn minh giành ngay được sự tôn trọng và trở thành định chế pháp lí của các dân tộc khác. Một số khác, ngược lại, không được chấp nhận, thậm chí bị lên án hay lãng quên. Thí dụ tòa án hội thẩm, tham gia bầu cử được áp dụng rộng rãi trong các nền văn minh khác nhau, trong khi án tử hình, lao động khổ sai bị một số xã hội bác bỏ. Đến mãi thời gian gần đây tục ăn thịt người còn được chấp nhận trong một số khu vực. Một số nước vẫn còn chế độ nô lệ, lao động nặng nhọc với đồng lương chết đói vẫn còn hiện diện khắp nơi... Theo nhiều tuyên bố quốc tế thì đấy chính là sự vi phạm quyền con người.

Phương pháp bảo vệ quyền con người quan trọng nhất là soạn thảo và ban hành luật pháp (bộ luật). Bộ luật đầu tiên (Luật Hammurapi) xuất hiện tại Babilon cách đây gần 4.000 năm. Tại Athens, các đạo luật nghiêm khắc của Draco được thi hành suốt hai thế kỉ trước khi có bộ luật “công bằng” của Solon, cùng với thời đại vàng son của nền dân chủ Hi Lạp (cách đây 2.500 năm), được ban bố. Đấy là những bộ luật do nhà cầm quyền chứ không phải nhân dân soạn thảo. Nhưng người Hi Lạp cổ đại đã hiểu rằng có cả luật tốt cũng như luật xấu, luật xấu thì phải bãi bỏ. Những đánh giá như vậy từ thời cổ Hi Lạp có thể được coi là đóng góp có giá trị vào việc bảo vệ quyền con người.

Tại La Mã cổ đại đã hình thành quan niệm dễ hiểu về lẽ công bằng và có thể ứng dụng cho đến tận hôm nay, một quan niệm đã trở thành cơ sở của luật pháp châu Âu. Bộ luật có thể hạn chế nhà cầm quyền ban bố các đạo luật không công bằng khác hẳn với các đạo luật do chính nhà cầm quyền ban hành. Điển hình nhất là Đại Hiến chương Tự do (Magna Carta). Một nhóm các nhà quí tộc Anh quốc đã buộc vua John kí Bộ luật này vào năm 1215 nhằm ngăn chặn việc tăng thuế và bắt người tùy tiện. Quốc hội thường xuyên họp tại London từ năm 1295. Cơ cấu quyền lực tương tự lần lượt xuất hiện tại Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, San-Marino. Đa số các điều khoản của Magna Carta (tất cả có 63 điều) đều nhằm củng cố quyền lợi và địa vị của giới quí tộc và tăng lữ Anh, nhưng cùng với thời gian đã mở rộng sang cả các tầng lớp dân cư khác. Thí dụ như điều khoản qui định rằng khi giải quyết những vấn đề quan trọng của quốc gia, kể cả việc xác định thuế khoá, nhà vua phải tham khảo ý kiến của các nam tước, về thực chất đã trở thành cơ sở của chế độ quân chủ lập hiến ở Anh. Điều khoản này cũng đóng vai trò quan trọng đối với những người di dân ở Mĩ khi họ đưa ra khẩu hiệu “chưa có đại diện thì không đóng thuế”.

Có thể nói rằng người ta đã dựa vào Đại Hiến chương Tự do để soạn ra Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kì năm 1776, đã sử dụng và hoàn thiện các luận điểm chủ yếu của nó. Từ quan điểm quyền con người thì đây là hai văn kiện cực kì quan trọng đối với giai đoạn ra đời của chúng vì chúng đã hạn chế quyền của kẻ giàu và ngăn không cho nhà cầm quyền lạm dụng quyền lực. Ở Mĩ Latin, thí dụ như Brazil, Peru, Venezuela, Columbia ngay từ đầu thế kỉ XIX người ta cũng đã soạn thảo được các văn kiện tương tự nhưng chúng đã không được đưa ra áp dụng trong giai đoạn đó.

Cần phải ghi nhận rằng cho đến thế kỉ XIX chỉ những người hữu sản mới được quyền bầu cử và ứng cử mà thôi. Tài sản là nguồn gốc gây ảnh hưởng chủ yếu đối với quyền lập pháp. Nhiều nước gọi là dân chủ nhưng cho đến nay vẫn chưa có hệ thống bầu cử hoàn thiện, họ đặt ra nhiều hạn chế, không cho tự do bầu cử và ứng cử, cũng như không qui định trong hiến pháp thời hạn cầm quyền tối đa. Kết quả là đôi khi có những nhà lãnh đạo giành được quyền lực bằng con đường dân chủ lại thoán đoạt quyền lực. Quyền của dân chúng và hiến pháp được soạn thảo theo lối dân chủ bị hạn chế hoặc có thể bị bãi bỏ hoàn toàn. Nhưng từ sau Thế chiến thứ II, dư luận xã hội đã có ảnh hưởng rất lớn đối với quá trình phát triển của nền văn minh và áp lực của cộng đồng quốc tế đối với các nước vi phạm quyền con người cũng ngày một gia tăng. Những nước như thế thật khó giữ được quan hệ với các nước khác, tuy nhiên vẫn chưa tìm ra được các biện pháp gây áp lực hữu hiệu. Các sự kiện gần đây ở Nam Phi, ở Philipines, ở Somalia hay Haiti chứng tỏ rằng đôi khi tác động hay thậm chí áp lực của cộng đồng quốc tế cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng, nhưng mặt khác cần phải hoàn thiện cơ chế tác động của cộng đồng quốc tế trong những hoàn cảnh khẩn cấp.

Bây giờ ta sẽ xem xét một số quyền một cách cụ thể hơn.


2. Các quyền chính trị và quyền dân sự

Các quyền chính trị bao gồm quyền tự do ngôn luận, quyền bầu cử và ứng cử, quyền tham gia bằng những cách khác nhau vào việc ban hành và thực hiện các quyết định chính trị. Thí dụ người Hi Lạp cổ đại đã từng tham gia bầu ra những người lãnh đạo, họ đã có quyền góp ý kiến về các vấn đề kinh tế và chính trị quan trọng, và để tránh phải đóng thuế thân, họ ủng hộ việc tự nguyện đóng góp cho nhu cầu của nhà nước. Tại Athens xưa, có sự phân biệt giữa những người được gọi là công dân - nghĩa là những người có quyền chính trị, và những người không được hưởng các quyền đó (người ngoại quốc, phụ nữ, nô lệ, trẻ con).

Trong thời đại ngày nay, nhiều nước vẫn còn những hạn chế về quyền công dân. Vấn đề này vẫn thường được đem ra thảo luận trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Thí dụ theo luật pháp Latvia chỉ đại diện những gia đình đã từng sống ở nước này trước năm 1939 mới được quyền bầu cử. Ở Đức chỉ những người nhập cư gốc Đức mới có quyền trở thành công dân nước này mà thôi. Thí dụ khác là San-Marino. Đất nước nhỏ bé và cổ kính này đã thay đổi hiến pháp vào năm 1939. Hiện nay tất cả những người sinh tại San-Marino đều có quyền bầu cử dù người đó đang sống ở đâu và mang quốc tịch nào.

Tòa án công bằng. Việc bảo vệ quyền con người phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động của hệ thống pháp luật. Theo chúng tôi, sự công bằng của hệ thống luật pháp được quyết định bởi ba thành tố sau đây:

  1. Không thiên vị
  2. Có các thủ tục xác định được sự thật
  3. Lòng từ bi.
Mỗi thành tố trên đây có nguồn gốc từ các nền văn hóa và văn minh khác nhau. Nếu xem xét các thành tố của một tòa án công bằng như thế trong suốt chiều dài lịch sử thì ta thấy rằng một số thành tố, ở những nước khác nhau, vì những lí do khác nhau đã biến mất, rồi lại được khôi phục, đôi khi phải vượt qua những trở ngại vô cùng to lớn.

Không thiên vị. Đây là một khái niệm rất tương đối, để có những phán quyết không thiên vị, người ta thường mời các hội thẩm tham gia. Người ta thường nghĩ rằng các công dân bình thường (không phải các chuyên gia - quan tòa) ít bị mua chuộc hơn, họ ít bị lệ thuộc vào thù lao vật chất hơn. Người Hi Lạp cổ đại dùng rất nhiều hội thẩm: số lượng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của phiên tòa nhưng bao giờ cũng là số lẻ. Mỗi hội thẩm có hai viên sỏi, một trắng và một đen. Mỗi người bỏ một viên vào hòm: nhiều đen hơn nghĩa là có tội. Quan tòa sẽ tuyên án phù hợp với qui định của pháp luật. Tại nước Nga xưa cũng từng có cách xử án tương tự.

Trả lương thật cao cho các quan tòa, đút lót không còn ám ảnh cũng là biện pháp làm cho tòa án đỡ thiên vị. Các quan tòa thường là những người được xã hội rất tôn trọng, đấy cũng là cách “chiêu hiền”. Mức độ tự giác phải rất cao vì chỉ cần một sai lầm nhỏ cũng đủ làm bại hoại thanh danh, không gì bù đắp được, người có lỗi sẽ bị thải hồi hoặc phải ra đi vì áp lực của đồng nghiệp.

Sự thật. Có những trường hợp tòa không xác định được sự thật. Trong quá khứ bị cáo hoặc nhân chứng thường bị tra tấn để họ phải nhận tội. Hiện nay cũng vẫn còn những biện pháp gây áp lực, thường là rất tinh vi để gây áp lực về thể xác hoặc tinh thần. Theo truyền thống pháp lí của nhiều nước, những lời thú tội do bị tra tấn hoặc lừa dối không được tòa công nhận. Dĩ nhiên là phương pháp xác định sự thật tại tòa án của các nước khác nhau và các khu vực khác nhau thì khác nhau. Nhưng chỉ trong trường hợp, thứ nhất, sử dụng các biện pháp văn minh; thứ hai, có vật chứng và nhân chứng, và cuối cùng, có tranh tụng (buộc tội và bào chữa) tại tòa thì người dân mới công nhận phiên tòa và phán quyết của tòa là công bằng mà thôi.

Lòng từ bi. Đôi khi có những lí do chính đáng để không áp dụng các biện pháp trừng phạt thông thường. Thí dụ bị cáo giết người để tự vệ, ăn cắp vì đói quá, nói dối để che giấu một người khác. Những lời biện hộ như thế được sử dụng để kết án hay coi là tình tiết giảm nhẹ. Người La Mã cổ đại đã đưa ra nguyên tắc “thà để lọt tội phạm còn hơn là trừng phạt người vô tội”. Nhiều hệ thống pháp luật đòi hỏi chứng cứ phải hoàn toàn xác đáng. Ngay cả khi đã có phán quyết vẫn có thể kháng án, nếu là án tử hình thì có thể được ân giảm. Khái niệm “từ tâm” được hiểu một cách khác nhau, phụ thuộc vào tôn giáo và nền văn hóa của từng khu vực. Có thể vì vậy mà trong các nước khác nhau người ta áp dụng những hình phạt khác nhau cho cùng một tội lỗi. Đấy là tác nhân quyết định thái độ đối với tội phạm trong những nước khác nhau có cùng hoàn cảnh. Thí dụ sau cuộc cách mạng “nhung” ở Tiệp Khắc (năm 1989) các nhà độc tài và tay sai của họ đã được tha bổng, trong khi tại Argentine, Philippines, và Iraq tình hình hoàn toàn ngược lại.

Tự do cá nhân là quyền của các công dân được làm những việc mà không cần chính phủ cho phép. Luật pháp La Mã cho các công dân (trẻ con, phụ nữ, nô lệ và người ngoại quốc không phải là công dân) uy quyền tuyệt đối trong gia đình, họ có thể ra lệnh đánh đập, thậm chí giết người. Truyền thống đó còn tồn tại ở một số nước đến tận ngày nay, nạn nhân của những “quyền” như vậy chính là phụ nữ, trẻ em, người già, người ốm hay người tàn tật. Đột nhập vào nhà người khác bị coi là hành động lăng nhục và xâm phạm quyền tự do cá nhân. Quyền sở hữu tài sản được ghi trong Tuyên ngôn về tự do, mặc dù quyền này đã tồn tại từ trước đó. Hiện nay quyền bảo vệ sở hữu cá nhân vẫn được công nhận, cũng như những hành động lạm dụng quyền lực cá nhân đều bị lên án và trong các nước dân chủ được giao cho chính phủ giải quyết. Mặc dù xúc phạm phụ nữ và trẻ em bị chính thức cấm, nhưng thực tế thì điều này vẫn thường xảy ra.

Quyền tự do cá nhân còn bao gồm tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại, tự do lựa chọn bạn đời, v.v…

Tự do ngôn luận: là một trong những quyền quan trọng nhất của con người. Công dân các nước dân chủ tin rằng nhờ trao đổi ý kiến công khai mà quan điểm và giá trị của các bên được thấu hiểu, sự thật cuối cùng sẽ chiến thắng dối trá. Nhà triết học người Anh, ông J. S. Mill, trong tác phẩm Luận về tự do viết năm 1859 đã bảo vệ quan điểm này như sau: “Nếu ý kiến là đúng thì người ta sẽ bị tước mất cơ hội biến sai thành đúng; còn nếu ý kiến đó sai thì người ta mất cơ hội cảm nhận… hình ảnh rõ ràng và ấn tượng sinh động của cái đúng khi nó va chạm với cái sai”.

Quyền tự do tôn giáo (hay là tự do lương tâm) có nghĩa là các công dân tự chọn tôn giáo cho chính mình. Tư tưởng này đã trở thành quyền cá nhân sau thời gian đối địch lâu dài giữa các tôn giáo với nhau. Loài người đã phải trải qua các cuộc thập tự chinh, các tòa án giáo hội, các cuộc cải cách và phong trào phản đối giáo hội, v.v… và chỉ sau đó người ta mới có lòng khoan dung đối với các tôn giáo khác, mới chấp nhận cho cá nhân quyền tự lựa chọn tôn giáo cho chính mình. Các chính phủ dân chủ bị luật pháp cấm không được bắt buộc các công dân chấp nhận tôn giáo chính thống hay từ bỏ tôn giáo. Trong các nước dân chủ có một số hình thức quan hệ giữa nhà thờ với nhà nước: nhà thờ tách khỏi nhà nước hoặc là một phần của cơ cấu nhà nước nhưng người dân có toàn quyền tự do lương tâm.

Các nhà văn, các nhà bác học và hoạt động xã hội trong quá khứ cũng như hiện tại đã và tiếp tục có ảnh hưởng rất lớn đối với việc bảo vệ các quyền và quyền tự do công dân. Voltaire có ảnh hưởng cô cùng to lớn đối với các nhà lãnh đạo quốc gia của Nga, Phổ và Áo; J. S. Mill có thể được coi là “cha đẻ” của tư tưởng tự do… Quan điểm của họ được phản ánh trong Tuyên ngôn Độc lập, trong Hiến phápTu chính hiến pháp (Bill of Rights) của Mĩ. G. Washington, B. Franklin, Thomas Jefferson là những chiến sĩ đấu tranh cho quyền tự do cá nhân mặc dù họ chưa giải phóng được người nô lệ da đen ở Mĩ. Trong số những chiến sĩ đấu tranh không khoan nhượng cho quyền tự do và tự do cá nhân còn có: Lev Tolstoi, Rabindranat Tagor, Bertrand Russell, Aleksandr Solzhenitsyn, Andrey Sakharov.

Quyền tự do cá nhân hay là sự hạn chế quyền lực của chính phủ được ghi trong Hiến pháp nhiều nước, bao gồm quyền tự do thân thể, tự do lập hội, tư do đi lại, v..v.. Năm 1941 Tổng tống nước Mĩ lúc đó là F. D. Roosevelt đã đưa ra một tuyên bố quan trọng góp phần vào cuộc đấu tranh bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tư do mơ ước, thậm chí cả tự do sợ hãi nữa.

Chiến tranh lạnh đã tạo ra nhiều nỗi lo lắng bên trong Hợp chủng quốc Hoa Kì và Thượng nghị sĩ McCarthy dành nhiều công sức nhằm cứu nước Mĩ khỏi họa cộng sản. Nhiều khi chỉ vì các tin đồn hoàn toàn thiếu bằng chứng, ông đã đưa nhiều người vào danh sách các công dân không đáng tin cậy. Những người lọt vào danh sách này coi như vô phương, thanh danh bị hủy họai, sự nghiệp cũng tan tành. Hiện nay đã rõ rằng đa số người bị kết án kiểu đó đều là người vô tội nhưng một số người đã bị cho thôi việc. Ai thực sự là nạn nhân? Nguyên nhân của chính sách đó là gì?

Tự do lập hội cũng là quyền tự do cá nhân. Điều đó có nghĩa là một số người hoặc rất nhiều người có thể tham gia vào các tổ chức khác nhau. Thí dụ, đấy là việc chọn bạn đời, tham gia vào tổ chức công đòan hay đảng phái chính trị, câu lạc bộ, v.v… Ngoài ra, người ta còn có quyền ra khỏi tổ chức bất cứ lúc nào, dù đấy có là đảng phái chính trị hay câu lạc bộ bóng đá. Đồng thời người ta cũng có trách nhiệm: không được phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính, sắc tộc, đảng phái khi nhận người vào làm việc hay phân phối nhà ở, v.v... Cho đến tận thời gian gần đây tại Liên Xô, những người bất đồng chính kiến vẫn bị săn đuổi, các tổ chức không được cấp trên ưng thuận bị cấm thành lập. Dĩ nhiên đấy là vi phạm quyền con người.

Nếu ta công nhận quốc gia, thì ta phải bảo vệ các dân tộc thiểu số khỏi các cuộc tấn công nếu họ cũng không tấn công các sắc tộc khác. Thí dụ quyền của người Armenia, người Nga La Tư, người Do Thái hoặc bất kì dân tộc nào khác hiện sống trên lãnh thổ nước Nga đều phải được tôn trọng. Dĩ nhiên là quyền của người Nga sống ở Armenia, ở Latvia hay ở bất kì nước nào khác cũng phải được tôn trọng như thế. Các nước đều phải tôn trọng quyền của các dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho họ được học hành bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, tạo khả năng bảo vệ nền văn hóa dân tộc, tự do đi lại.

Các nước cộng hòa khác nhau được thành lập sau khi Liên Xô tan rã đã xây dựng chính sách dân tộc khác nhau. Ví dụ chỉ người gốc Estonia mới có quyền trở thành công dân Estonia, người gốc Latvia mới có quyền thành công dân Latvia, trong khi tại Litva thì tất cả mọi người sống một thời gian nhất định nào đó là có quyền nhập quốc tịch. Như thế có nghĩa là người Nga dù có sống ở Estonia hay Latvia hàng chục năm, có nhà ở, có công ăn việc làm cũng không phải là công dân các nước này. Dư luận thế giới coi đây là vi phạm quyền con người và đã lên tiếng phản đối các đạo luật như thế. Trong khi đó luật pháp Đức cho phép người Đức sinh ra ở Nga được quyền hồi hương, cho nhập quốc tịch và giúp đỡ để có thể hòa nhập. Ngoài ra, nước Đức cũng giúp đỡ những người gốc Đức muốn ở lại Nga nữa.


3. Các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá

Năm 1966, Liên hiệp quốc đã thông qua và sau đó gửi cho tất cả các nước phê chuẩn hai văn kiện: Công ước Quốc tế về các Quyền Chính trị và Dân sự, và Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa. Sau khoảng mười năm nhiều nước đã phê chuẩn các văn kiện này và hai Công ước nêu trên trở thành một phần của luật pháp quốc tế. Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa bao gồm các điều khoản lí tưởng, đảm bảo quyền được học hành, trợ cấp xã hội, chăm sóc y tế, nhà ở, việc làm.

Các quyền văn hóa được hiểu là quyền thành lập các hiệp hội mang tính dân tộc hay tôn giáo và các hiệp hội khác; văn hóa ở đây không có nghĩa là văn học, nghệ thuật, nhạc, v.v... Các quyền này thường được coi là thước đo của tiến bộ, văn minh. Ngoài ra, quyền văn hóa còn bao gồm quyền giữ gìn và phát triển các truyền thống, các nền văn hóa của các dân tộc, giữ gìn bản sắc các dân tộc ít người, các nhóm sắc tộc. Việc cấm các dân tộc thiểu số sử dụng tiếng mẹ đẻ, thái độ coi thường các giá trị văn hóa của họ, việc sử dụng thánh tích tôn giáo vào mục đích khác cũng như việc đồng hóa các dân tộc thiểu số, đều là những trở ngại cho việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Những việc như thế đã từng gặp sự phản kháng suốt hàng thế kỉ qua và được phản ánh trong thơ ca, nhạc, họa của các dân tộc. Thường thì các dân tộc thiểu số chỉ nhận được các quyền đủ để sống còn mà thôi.

Riêng về nước Nga thì trong nhiều thế kỉ đã hình thành nhiều ngôn ngữ và nhiều truyền thống khác nhau. Đã có những giai đoạn khi tiếng Pháp được coi là ngôn ngữ cung đình. Sau này công tác giáo dục được thực hiện bằng tiếng Nga nhưng người ta có thể học cả bằng tiếng Ukraine hay Grudia nữa. Theo chủ ý của Peter I và những người kế tục ông thì tiếng Pháp là chìa khóa cho giới thượng lưu Nga tiếp xúc với nền văn hóa Âu châu. Nhưng đồng thời điều đó lại gây khó khăn cho các tầng lớp dân cư khác tham gia vào đời sống xã hội vì họ không thể giao tiếp được. Ta cùng xem xét thí dụ sau đây: Mọi người đều biết rằng một trong những chỉ thị đầu tiên của công tước Potemkin khi chiếm được các tỉnh thuộc Crimea của người Tatar là cho dân chúng hoàn toàn tự do tín ngưỡng, cấm không được động đến nhà thờ Hồi giáo, cho giới quí tộc Tatar được chuyển thành quí tộc Nga. Người nào muốn sang Thổ Nhĩ Kì cũng được tự do, không những không ngăn cản, ông còn phát cho họ giấy thông hành và tiền ăn đường nữa. Tại sao Potemkin lại làm như thế? Các quyền văn hóa của các dân tộc thiểu số ở khu vực của bạn được bảo vệ như thế nào?

Dưới thời Liên Xô, các nhà ngôn ngữ học đã sáng tạo chữ viết cho nhiều dân tộc thiểu số. Vì dân cư thưa thớt, thí dụ như ở Bắc cực hay vùng Siberia xa xôi, việc tổ chức học tập cho đồng bào dân tộc chưa được tổ chức tốt. Người Nga cũng không chú ý học tiếng các dân tộc ít người. Người ta đổ xô vào học các thứ tiếng nước ngoài có nhiều khả năng thăng tiến hơn. Trong các trường học tại Nga hiện nay, việc học tập được thực hiện bằng 75 thứ tiếng. So với các nước khác thì đây là một thành công rất lớn trong việc bảo vệ quyền của các dân tộc thiểu số. Có thể chỉ có Ấn Độ, Philippines, Indonesia, Trung Quốc và Anh là có thể so sánh với Nga về số lượng ngôn ngữ dân tộc thiểu số được nghiên cứu mà thôi. Các dân tộc thiểu số cũng tăng cường học tập bằng tiếng mẹ đẻ của họ.

Quyền kinh tế. Ngay từ năm 1924 Tổ chức Lao động Quốc tế đã yêu cầu cải thiện vị thế của người công nhân và điều kiện lao động tại tất cả các nước trên thế giới. Khi nói về quyền kinh tế thì đấy trước hết là quyền đình công, nhờ đó mà lương bổng cũng như điều kiện lao động được cải thiện. Đình công nhằm lật đổ chính phủ không được khuyến khích dù Tổ chức Lao động Quốc tế có thể có thái độ tiêu cực đối với chính phủ đương quyền.

Đa số các nước đều có luật về tiền lương tối thiểu đủ đảm bảo mức sống tối thiểu cho người làm công. Nhưng thường thường các chính phủ không có điều kiện đảm bảo cho nhu cầu của người lao động khi nền kinh tế rơi vào khủng hoảng hoặc bị lạm phát phi mã, v.v… Trong những trường hợp như thế người ta phải trợ cấp cho những người không có tài sản hoặc có ít tài sản. Một số chính phủ không cho tăng lương nhằm tạo ra một phong cách sống đoan chính, thay vì thế người ta lập ra hệ thống cung cấp các nhu cầu tối thiểu như nhà ở, thức ăn, học hành, chữa bệnh, giao thông, thậm chí cả các chương trình văn nghệ miễn phí hoặc chỉ đòi một khoản tiền tối thiểu. Cách đây chưa lâu, đây là cách thức phân phối đặc trưng của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Đôi khi chính phủ còn trợ cấp cho ngành đường sắt, hàng không, nông nghiệp và công nghiệp chế biến nữa. Một số nước còn cố tình hạ thấp tỉ lệ thất nghiệp bằng cách gia tăng số binh lính tại ngũ với mức lương không đáng kể. Một số nước còn cố tình che dấu sự quản lí thiếu hiệu quả bằng cách tạo việc làm hoặc cung cấp khẩu phần ăn cho tất cả mọi người… Đa số dân chúng nước Đức phát xít chấp nhận các biện pháp cai trị độc tài vì họ được đảm bảo công ăn việc làm, mà trước đó do khủng hoảng cuối những năm 20 đầu những năm 30 nhiều người đã bị thất nghiệp, do quân số gia tăng và sự mở rộng các tổ hợp quân sự công nghiệp. Các nhà độc tài ở Argentine, Brazil, Nigeria, Indonesia cũng đi theo đúng con đường như thế. Chủ nghĩa mị dân kiểu đó có thể phản ánh ước muốn tạo sự công bằng của chính phủ, nhưng trên thực tế các chương trình như vậy không thể kéo dài được lâu. Nói một cách khác, khẩu hiệu “mỗi người dân một con gà” là tốt với điều kiện có đủ gà. Nếu tổ chức sản xuất nông nghiệp thiếu hiệu quả thì điều đó là bất khả thi. Việc quyền kinh tế của người dân không được thực hiện đã buộc chính phủ phải thay đổi không chỉ chiến thuật mà cả chiến lược kinh tế như đã từng xảy ra với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu.

Trên thế giới luôn có những tiêu chuẩn để đánh giá tình trạng kinh tế của mỗi nước và mức sống của người dân và căn cứ theo đó đánh giá việc đảm bảo quyền kinh tế cho người dân từ phía chính phủ mỗi nước. Trong một thời gian dài tổng sản phẩm quốc dân (GDP) được coi là một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất. Ngày nay các nhà khoa học thường không sử dụng chỉ số GDP nữa mà người ta tiến hành so sánh chất lượng cuộc sống nghĩa là thời gian lao động để đảm bảo một mức sống nào đó và chất lượng thức ăn, đồ dùng, v.v... Mặc dù đây là vấn đề còn đang tranh luận, nó không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa pháp lí vì liên quan đến quyền con người.

Quyền xã hội liên quan đến việc phát triển các tiềm năng của xã hội trong lĩnh vực giáo dục, nghệ thuật, văn học, đảm bảo không có sự kì thị về giới tính, tuổi tác, hoàn cảnh gia đình, dân tộc. Sự kì thị có thể nấp dưới những hình thức tinh vi, phức tạp. Hình thức kì thị phổ biến nhất là kì thị giới tính và tuổi tác nghĩa là nhằm vào phụ nữ và trẻ em.

Để thấy rõ sự kì thị này, chúng ta hãy cùng nhau xem xét địa vị của phụ nữ trên thế giới. Chuyện cổ tích kể rằng người đàn bà mang trên vai mình một nửa thế gian. Nhưng ngay cả trong các nước dân chủ tiền lương của phụ nữ vẫn thấp hơn đàn ông, công việc gia đình do người đàn bà gánh vác là chủ yếu vì đàn ông thường ít chú ý đến việc nhà. Phụ nữ thường ít có cơ hội vào đại học hơn nam giới, tại một số nước thì ngay vào trung học đã bị hạn chế và người ta còn không cho nữ giới học một số nghề nhất định nữa. Luật pháp một số nước còn tước cả quyền thừa kế của phụ nữ. Trên thế giới vẫn còn những trường hợp buôn bán phụ nữ và trẻ em làm nô lệ, các em gái bị gả bán, phụ nữ không có quyền quyết định có con hay không và nếu có thì bao nhiêu đứa. Vì vậy cơ quan bảo vệ quyền con người của Liên hiệp quốc đã đưa ra một loạt công ước nhằm bảo vệ phụ nữ khỏi tệ kì thị.

Công ước về việc loại bỏ tất cả các hình thức kì thị đối với phụ nữ được thông qua vào năm 1979 và có hiệu lực vào năm 1981, sau khi được đa số các nước phê chuẩn, xác định rằng phụ nữ hoàn toàn bình đẳng với nam giới trong các lĩnh vực sau đây:

  • Trong bầu cử, được quyền bầu và ứng cử vào chính phủ và tham gia vào các tổ chức xã hội khác;

  • Lựa chọn thành phần dân tộc, quốc tịch, kể cả quyền thay đổi thành phần dân tộc của mình và của các con;

  • Học tập, nhận học bổng;

  • Công việc, được trả lương ngang với đàn ông khi cùng làm công việc giống nhau, được bảo vệ khỏi sự kì thị do mang thai và sinh con;

  • Chữa bệnh;

  • Được pháp luật bảo vệ;

  • Chọn chồng và quyền có một phần tài sản trong gia đình.
Ngoài ra, Liên hiệp quốc còn đưa ra nhiều văn kiện liên quan đến số phận người phụ nữ trong những hoàn cảnh khác nhau: phụ nữ nô lệ, phụ nữ không có quốc tịch, phụ nữ là nạn nhân của tra tấn và áp bức, phụ nữ di dân, v.v...

Các văn kiện quốc tế quan trọng nhất về quyền con người. Văn kiện quan trọng nhất là bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền được thông qua vào ngày 10 tháng 12 năm 1948. Cần ghi nhận rằng không phải tất cả các thành viên của Liên hiệp quốc lúc đó đều ủng hộ Tuyên ngôn. Đại diện của Arap Saudi và Nam Phi không bỏ phiếu. Điều đó tạo cớ cho một số nước như Irak (thời Saddam Hussein), Libya không công nhận văn kiện này. Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền được một nhóm chuyên gia trong Uỷ ban về quyền con người dưới sự lãnh đạo của Eleonora Roosevelt (Mĩ) và Rene Cassan soạn thảo. Hai người có vai trò quan trọng trong việc soạn thảo văn bản này là Iakov Malik (Libăng) và John Humfrey (Canada). Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền thể hiện được các tư tưởng quan trọng nhất của các nhà nghiên cứu chính trị học, trong đó thể hiện một cách ngắn gọn và rõ ràng các nguyện vọng trong lĩnh vực nhân quyền chứ không phải là ghi nhận những thành tích đã đạt được. Sau Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền là các văn kiện khác, cụ thể hoá các quyền công dân, thí dụ quyền kinh tế, xã hội và văn hoá được cụ thể hoá trong Công ước về Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hoá, Công ước về Quyền Chính trị và Dân sự đều được thông qua vào năm 1966. Ba văn kiện này được coi là những tài liệu quan trọng nhất trong lĩnh vực luật pháp quốc tế về quyền con người.


4. Quyền và quyền tự do của con người trong Hiến pháp Liên bang Nga

Ngày 12 tháng 12 năm 1993 nước Nga đã thực hiện trưng cầu dân ý với kết quả: đa số dân chúng ủng hộ Hiến pháp mới. Trong bản Hiến pháp này dân quyền và nhân quyền được tuyên bố là cơ sở của nhà nước pháp quyền. Con người được coi là cội nguồn của tự do của chính mình, chứ không phải thứ tự do do chính phủ ban ơn. Các quyền và quyền tự do của con người được ghi trong chương II của bản Hiến pháp mới, phù hợp với các văn kiện quốc tế như Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, v.v...

Theo Hiến pháp, Chính phủ Cộng hoà Liên bang Nga có trách nhiệm, thông qua các cơ quan chính quyền, toà án, viện kiểm soát và các cơ quan bảo vệ pháp luật khác, thực hiện và bảo vệ các quyền và quyền tự do của tất cả các công dân Nga.

Tất cả các quyền và quyền tự do tạo thành hệ thống các quyền công dân, quyền chính trị, quyền kinh tế, văn hoá và sinh thái.

Chúng ta sẽ cùng xem xét chương 21:

  1. Nhân phẩm của con người được nhà nước bảo vệ. Nhân phẩm không thể bị xâm hại trong bất cứ trường hợp nào.

  2. Không ai có thể bị tra tấn, cưỡng bức, hoặc bị đối xử hay trừng phạt một cách thô bạo làm giảm nhân phẩm của con người.
    Không ai có thể bị ép buộc để trở thành đối tượng của các cuộc thí nghiệm về y học và các thí nghiệm khác.
Chương này nói đến điều gì? Trước hết ta hãy xem nhân phẩm có nghĩa là gì. Nhân phẩm của cá nhân là sự nhận thức của chính người đó và của những người xung quanh sự kiện rằng anh ta có những phẩm chất về đạo đức và trí tuệ không thể bị bôi nhọ. Nhân phẩm của cá nhân được xác định không chỉ bằng cách anh ta nghĩ về mình như thế nào mà còn bởi danh giá của anh ta trong xã hội nữa (sự chín chắn, đạo đức, kiến thức, phong cách sống).

Mỗi người đều có quyền được những người xung quanh tôn trọng. Nhân phẩm cá nhân phải được tôn trọng trong trường hợp người đó bị bắt giữ. Thí dụ việc khám xét phải được thực hiện bởi một người có cùng giới tính với đương sự. Việc bảo vệ nhân phẩm của cá nhân về mặt pháp lí được thực hiện bởi những tiêu chuẩn của luật hình sự và luật dân sự. Hiến pháp cấm các hình thức tra tấn, cưỡng bức, hoặc bị đối xử hay trừng phạt một cách thô bạo làm giảm nhân phẩm của con người. Luật pháp trong lĩnh vực bảo vệ sức khoẻ công dân không cho phép thử nghiệm những phương pháp mới để chuẩn đoán, phòng ngừa và chữa bệnh cũng như sử dụng các loại thuốc mới mà không được sự đồng ý của chính bệnh nhân hay những người thân cận nhất của họ. Cấm sử dụng tù nhân làm đối tượng thí nghiệm.

Như vậy là trong chương II của Hiến pháp Cộng hoà Liên bang Nga đã liệt kê tất cả các lĩnh vực liên quan đến quyền con người. Nhân tiện cũng phải nói thêm rằng Hiến pháp trước đây cũng đã ghi nhận quyền bình đẳng của các công dân trước pháp luật, quyền bình đẳng không phụ thuộc vào nguồn gốc xuất thân, dân tộc hay chủng tộc, giới tính, v.v…; quyền lao động. nghỉ ngơi, bảo vệ sức khoẻ, hưu trí, quyền có nhà ở, quyền học hành, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, mính tinh, biểu tình, v.v... Nhiều quyền trong số đó không những không được tôn trọng mà còn bị nhà nước cố tình vi phạm. Điều đó chứng tỏ rằng chỉ tuyên bố về quyền công dân thôi chưa đủ, còn cần phải tạo ra một cơ chế hoạt động sao cho, một mặt, nghiêm chỉnh tôn trọng các quyền đó và mặt khác, ngăn chặn mọi hành động có thể dẫn đến việc vi phạm hay hạn chế các quyền đó từ phía các cơ quan quyền lực. Hiến pháp mới nhấn mạnh rằng các quyền và quyền tự do căn bản của con người là bất khả phân và được phú cho ngay từ khi người đó mới chào đời. Trong số những điều mới liên quan đến quyền con người có thể kể:

Điều 36:

  1. Bất cứ người nào có mặt hợp pháp trên lãnh thổ Liên bang Nga đều có quyền tự do đi lại, tự do lựa chọn chỗ ở.
Thực chất đây là việc bãi bỏ hệ thống hộ khẩu, là hệ thống cho phép các cơ quan nhà nước kiểm soát việc đi lại của các công dân. Phải nói thêm rằng hiện nay tại một số thành phố trong đó có thành phố Moskva vẫn còn một số hạn chế về điều khoản này.

  1. Mọi người đều có thể tự do đi ra ngoài lãnh thổ Liên bang Nga. Có quyền tự do trở lại Liên bang Nga.
Đây là điều khoản rất quan trọng của Hiến pháp Liên bang Nga, nó cho phép người ta tự do đi lại, nó phá vỡ “bức màn sắt” chia cắt công dân Liên Xô với phần còn lại của thế giới.

Điều 35:

  1. Quyền sở hữu cá nhân được pháp luật bảo vệ.

  2. Mỗi người đều có quyền có tài sản riêng, được sở hữu, sử dụng, mua bán như là người chủ duy nhất hoặc cùng với người khác.

  3. Không ai có thể bị tước đoạt sở hữu nếu không có quyết định của tòa án. Việc trưng dụng tài sản cho nhu cầu của nhà nước chỉ có thể được thực hiện với điều kiện đền bù trước và ngang giá.

  4. Quyền thừa kế được đảm bảo.
Lần đầu tiên sau cách mạng năm 1917, quyền sở hữu tư nhân được nói đến trong Hiến pháp, trong đó có cả điều khoản cực kì quan trọng, đấy là sở hữu đất đai.

Điều 36:

  1. Công dân và các hiệp hội có quyền sở hữu đất đai.

  2. Việc sở hữu, sử dụng, mua bán đất đai và các tài nguyên thiên nhiên khác được các chủ sở hữu quyết định một cách tự do nếu quyền này không gây tác hại cho môi trường xung quanh và không xâm hại quyền và quyền lợi hợp pháp của những người khác.
Phần ba của điều khoản này viết: “Điều kiện và chế độ sử dụng đất đai được qui định trên cơ sở luật pháp Liên bang”.

Mong rằng các luật và qui định trong tương lai, không chỉ liên quan lĩnh vực sở hữu mà các lĩnh vực khác, đều phù hợp với các tiêu chuẩn ghi trong Hiến pháp và không làm triệt tiêu các tiêu chuẩn đó, như đã từng xảy ra trước đây.

Tòa án và các cơ quan bảo vệ pháp luật có trách nhiệm theo dõi việc bảo vệ quyền con người. Gần đây nước Nga đã lập ra chức vụ Uỷ viên về quyền con người, người được bổ nhiệm vào chức vụ này có trách nhiệm giúp đỡ bảo vệ quyền tự do của các công dân. Mĩ, Canada và nhiều nước khác cũng có chức vụ tương tự như thế.

Như vậy nghĩa là việc tôn trọng các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp, quyền được pháp luật bảo vệ một cách công bằng, thượng tôn pháp luật và thủ tục pháp lí công chính, quyền chính trị, kinh tế và văn hoá là một phần không thể tách rời của nhà nước dân chủ. Mức độ tôn trọng các quyền đó phản ánh trình độ dân chủ của chính xã hội. Không chỉ nhà nước bị buộc phải giới hạn khả năng tước đoạt hoặc thu hẹp quyền của con người mà từng người cũng không được cho phép mình chà đạp lên quyền của những người khác. Nghĩa là sự phụ thuộc lẫn nhau và cộng đồng trách nhiệm giữa các công dân và các tổ chức của chính phủ tạo ra cơ sở cho sự thăng tiến của nền dân chủ. Như triết gia người Mĩ, ông Reinhold Niebuhr, từng nói: “Việc con người có thể trở thành công chính làm cho dân chủ trở thành khả dĩ, nhưng việc con người có khả năng trở thành bất công lại làm cho dân chủ trở thành cần thiết”. Xin nhớ lại mười điều răn của Kinh thánh, tôn trọng quyền của tha nhân cũng tức là tạo điều kiện cho việc thực thi và tôn trọng quyền của chính mình.


Bản tiếng Việt © 2006 talawas
Nguồn: N. B. Davletshina, B. B. Kimlika, R. J. Klark, D. U. Rai, Chế Ä‘á»™ dân chủ: Nhà nÆ°á»›c và Xã há»™i, Moskva, 1995; http://ihtik.lib.ru/politolog_14avg2005/