trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 51 bài
  1 - 20 / 51 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngĐại hội X và cải cách chính trị tại Việt Nam
11.3.2006
Trà Ðóa
Cô thợ may và ly rượu tây
 
Tôi còn nhớ một truyện ngắn (hình như của Chekhov) kể lại câu chuyện anh công chức bậc 39 (thấp nhất là 40) đi đón một người bạn cũ đến thăm. Khi biết bạn mình là công chức bậc 4, anh ta cứ một mực “thưa ngài” khiến cho người bạn giận dữ phải bỏ ra về.

Rõ ràng không thể có một tình bằng hữu giữa hai người có “thứ bậc” quá chênh lệnh nhau như vậy. Dù muốn hay không thì một thứ tôn ti, phân bậc luôn hiện diện và chi phối hoạt động của con người trong xã hội. Khi bạn sống trong cộng đồng, bạn buộc phải tuân theo điều đó, nếu không sẽ bị cho là “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Thỉnh thoảng tôi hay nghe được những câu chuyện như vầy: “Thằng đó hồi trước cùng học và đi chơi với tao, bây giờ quyền cao chức trọng, giàu có rồi thì chẳng nhớ đến bạn cũ nữa!” Nhưng người bạn quyền cao chức trọng, giàu có kia không có lỗi gì cả, chỉ đơn giản anh ta đã được “đẩy” sang một vị thế khác trong xã hội, và ở đó anh ta phải hành xử (hay buộc phải hành xử) cho phù hợp với cái vị trí mà anh ta vừa gia nhập. “Mã tầm mã, ngưu tầm ngưu” mà! Trong truyền thống kịch tuồng Việt Nam có một câu chuyện rất lý tưởng về tình bạn, đó là vở tuồng Lưu Bình, Dương Lễ. Nhưng rất tiếc đó chỉ là kịch mà thôi.

Ðó là nói về tình bạn. Còn những “tình” cao hơn như : tình đồng chí, tình anh em... chắc phải khắt khe hơn nhiều. Bởi vậy khi đọc dự thảo văn kiện đại hội Ðảng và những góp ý cho nó, tôi không khỏi thắc mắc về cái tính “đại diện” mà Ðảng muốn vơ về phía mình: đại diện cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động, và cho toàn dân tộc. Nghe thật dễ sợ. Nhưng thử hỏi, có một tình huống như thế này xảy ra hay không: trong một đại hội Ðảng, ông Mai Văn Dâu (hay ông Bùi Tiến Dũng, hoặc một ông đảng viên nào đó cũng được!) nâng ly rượu tây mời cô thợ may công nghiệp cùng uống để chúc mừng cho đại hội “thành công tốt đẹp” và để gắn kết cho tình đồng chí, ý thức giai cấp giữa một vị quan chức đảng viên và một công nhân?

Anh bạn tôi làm trợ lý cho ông giám đốc một công ty may xuất khẩu. Ông ta thuộc loại mới phất nhờ đầu cơ đất đai trong giai đoạn nóng. Hiển nhiên là ông ấy rất giàu có: nhà lầu vài căn mặt tiền, xe hơi hai chiếc Toyota đời mới, và một công ty. Nhưng theo lời bạn tôi, ông ấy chả là gì so với những người đã giúp (hay ông ta may mắn bám vào được) ông ta giàu có. Ðó là một vài quan chức có cỡ, nghĩa là những người nắm được thông tin về quy hoạch đất đai của thành phố, những người mà chỉ cần phẩy vài cái vào bảng vẽ quy hoạch thì lập tức trở thành tỷ phú. Với giai tầng và tài sản của họ, dĩ nhiên họ không thể ngồi bên vỉa hè để ăn đĩa xôi hay tô hủ tiếu vài ngàn. Họ có chỗ của riêng họ, đó là những nơi, mà theo bạn tôi, được dành riêng cho những giới như vậy. Anh bạn tôi kể có vài lần đi theo ngài giám đốc nên được tham gia vài bữa ăn nhẹ của họ. Anh nói một bữa ăn như vậy thường vài triệu, chỉ riêng rượu, mỗi ly vài trăm ngàn đồng, đã ngốn hết không ít tiền. Anh tính, có lần cao hứng anh uống 2 ly vị chi hết gần năm trăm ngàn đồng. “Hơn lương tháng của một công nhân may xuất khẩu” – anh nhận xét tiếp. Ðến đây, tôi cam đoan rằng, không có gì chênh lệch hơn giữa hai danh từ: rượu tây và công nhân may. Rõ ràng bạn không thể xếp hai danh từ này vào cùng một chỗ (ngoại trừ trường hợp có chủ ý làm cho tính tương phản mạnh hơn!) Quý vị cũng có thể có được điều tương tự nếu thay danh từ “công nhân may” bằng các danh từ khác như: “nông dân”, “công nhân”..., hay mở rộng hơn là “thường dân”.

Trở lại tình huống ở trên, chắc cô công nhân may sẽ hai tay run run nâng cao ly rượu, lòng trào lên một cảm xúc mãnh liệt về tình đồng chí, ý thức giai cấp của mình. Trong trạng thái cảm động như vậy, cô đã uống từng ngụm rượu một như đang uống tình cảm chan chứa mà những người đồng giai cấp với cô chia sẻ. Vâng, khi uống xong ly rượu, hơi men chếch choáng của nó sẽ làm cô không thể nhận ra rằng: mình vừa nuốt trọn một tháng lương!

Ðó là bức tranh tương phản và hài hước. Nó tương phản hơn những gì mà Karl Marx đã chỉ ra trong lý thuyết của ông ta. Trong đó, ông ấy đã vẽ cho chúng ta một bức tranh xã hội đầy mâu thuẫn của giai đoạn mà Karl Popper gọi là “chủ nghĩa tư bản vô độ”. Ðây là giai đoạn mà sự làm giàu dựa trên sự chiếm đoạt “giá trị thặng dư” (surplus value). Nghĩa là, giá trị thật của một sản phẩm do người lao động làm ra, được đo lường bằng số giờ công lao động của họ, sẽ bị giai cấp tư bản giữ lại phần lớn và chỉ trả cho họ một phần rất nhỏ. (Theo Marx, người lao động phải được hưởng tất cả giá trị của sản phẩm họ làm ra thì mới công bằng). Ðây chính là sự bóc lột.

Nếu ta gọi V là giá trị thật của một sản phẩm, ta sẽ có:

V = A + B
A: giờ công lao động của công nhân để hoàn thành sản phẩm;
B: Tổng các chi phí khác, như nguyên vật liệu, vận chuyển, chi phí quản lý,...

Trong một giai đoạn nhất định, và với những sản phẩm đã ổn định, thì B gần như cố định. Vì thế lợi nhuận sẽ được “cấu xé” vào A. Vì thế ta có:

A = Lương công nhân + Giá trị thặng dư

Theo Karl Marx, đáng lẽ người công nhân phải được hưởng trọn vẹn A. Nhưng giai cấp tư bản đã lấy đi phần lớn và chỉ trả cho người lao động một “đồng lương chết đói”.

Trở lại với cô công nhân may công nghiệp, tiền lương khoảng 450 ngàn/1 tháng của cô khó có thể giúp cô “tồn tại”, cho dù là ở mức tối thiểu nhất của mọi nhu cầu của một con người. Rõ ràng cô đã bị bóc lột một cách thậm tệ. Mức độ bóc lột sẽ tăng lên nếu ta biết được giờ công lao động mà cô đã bỏ ra. Một ngày vào làm việc vào lúc 7 giờ sáng cho tới khoảng 10 giờ khuya, chỉ trừ giờ ăn cơm. Có khi tăng ca cho kịp hợp đồng phải làm đến 12 – 1 giờ khuya là chuyện thường.

Tôi có một cô em họ làm công nhân may xuất khẩu. Trong những lần cô đến nhà và tâm sự với vợ tôi, tôi mới hình dung ra sự khốn khổ của một công nhân may thời hiện đại là như thế nào:

  • Ở trọ chen chúc nhau trong những khu ổ chuột tạm bợ;
  • Chưa bao giờ đi khám bịnh;
  • Chưa bao giờ biết bất kỳ trò giải trí nào, dù là bình thường như xem tivi...

Có lần cô nhờ vợ tôi chỉ bảo thuốc men vì bị nhiễm trùng đường sinh dục. Khi vợ tôi hỏi rõ cô mới nói là do chỉ xài 1 – 2 băng vệ sinh cho một kỳ hành kinh nên bị nhiễm trùng! Cô đã “tiết kiệm” đến mức tối đa để có thể để tồn tại được với đồng lương trên.

Trong vụ Mai Văn Dâu, khi báo chí tiết lộ thông tin về cách mà ông ta đã “ăn chặn” của doanh nghiệp, mới lộ vài con số có ý nghĩa. Một cat hàng xuất đi Châu Âu có giá 24$, khi đến tay doanh nghiệp may chỉ còn 8$. Ở đây, “giá trị thật” của sản phẩm khi đến tay nhà tư sản chỉ còn một phần ba. Vì thế cả “giá trị thặng dư” và “lương công nhân” cũng giảm chỉ còn một phần ba. Nếu gọi phần bị mất đi này là “giá trị ăn cướp” ta có:
Giá trị ăn cướp: (Giá trị thặng dư + Lương công nhân) = 2

Nếu không có “giá trị ăn cướp” thì lương công nhân có thể = 1.500.000 đồng. Cứ cho là nhà tư sản sẽ giữ lại mất số thêm vào, thì công nhân vẫn còn được lãnh 1.000.000 đồng. Ðây là mức lương sống được của công nhân, mức lương có thể giúp họ không phải đình công. Và nhà nước cũng không cần phải vội vã tăng lương tối thiểu (cũng đâu có bao nhiêu!) Và nhà doanh nghiệp cũng tích lũy được để mở rộng sản xuất.

Rõ ràng Karl Marx đã không tiên liệu được giá trị bị mất đi này, nếu không ông đã phải sửa đổi học thuyết của mình. Bởi vì ở tình huống này thì cả nhà tư sản và công nhân của họ đều đã bị bóc lột. Hay nói cách khác, người công nhân đã bị hai tầng bóc lột! Và họ sẽ đi đến chỗ bần cùng chỉ sau vài tháng làm việc. Còn những doanh nghiệp, họ cũng sẽ càng ngày càng khánh kiệt, và dẫn đến phá sản.

Karl Marx đã chết từ lâu, thời đại của ông cũng đã qua từ lâu, mọi thứ mà ông thấy ngày nay cũng không còn. Vì thế ông không thể biết được rằng có một giai tầng mới xuất hiện sau ngày ông mất, rất tàn ác và phản cách mạng hơn cả bọn tư bản vô độ phản động ở thời của ông. Nếu ông có đội mồ mà đứng dậy, chắc ông phải hét lên: “Hỡi những đệ tử của ta, hãy đưa ra lý luận và phương pháp mới, hãy hành động cách mệnh đi để cách... mẹ mấy cái mệnh của bọn khốn nạn ấy đi!”

Sài Gòn, ngày 27/02/06

© 2006 talawas