trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngĐại hội X và cải cách chính trị tại Việt Nam
23.3.2006
Đông La
Đường đi và đích đến
(Về chuyện đảng viên làm tư)
 
Khi nhìn vào thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta thấy có một nghịch lý: nếu đi “đúng đường” thì không hoặc khó “tới đích” và ngược lại! Điều này trong phạm vi ngoài xã hội, nước ta đã giải quyết bằng cách chấp nhận “đi sai”, cụ thể là sự chấp nhận một nền sản xuất theo kinh tế thị trường của xã hội “tư bản” và cho là “đổi mới” và gặt hái được những “thành quả tốt đẹp”! Như vậy, chấp nhận làm theo một hình mẫu tốt, có sẵn cũng khó khăn biết bao nhiêu, người ta phải vượt qua rào cản nhận thức của chính mình! Bây giờ đến phạm vi trong Đảng, cả nước lại đang tranh luận sôi nổi về vấn đề đảng viên cộng sản có được làm kinh tế tư bản không? Điều này theo cách nhìn cũ rõ ràng là một chuyện ngược đời. Khi suy nghĩ về sự kiện này, tôi liên tưởng ngay tới trường hợp Einstein phát minh ra thuyết Tương đối hẹp. Khi đó các nhà bác học phát hiện ra một chuyện lạ, là bất kể nguồn sáng đứng yên hay chuyển động, vận tốc ánh sáng phát ra luôn luôn là một hằng số. Lorentz đã đưa ra một phép toán để giải thích điều này, cho rằng không gian và thời gian đã co lại do chuyển động qua ê-te (ether). Einstein, lúc đó đang là một nhân viên vô danh của phòng cấp bằng sáng chế phát minh, cho rằng chẳng có ê-te, ê-tiếc gì hết, mà chỉ đơn giản là khi chuyển động, chính bản thân không gian và thời gian đã co lại! Thế đó, có những phát minh vĩ đại được xuất phát một cách giản dị như vậy. Nhưng để làm được cái điều giản dị ấy, Einstein đã phải nghĩ khác toàn bộ nhân loại, bao gồm cả những nhà bác học có trí tuệ siêu đẳng, vượt qua bao sự nhạo báng để bác bỏ cái định kiến sai lầm đã bám rễ chắc chắn trong nhận thức đời đời của con người, do chính cái khả năng nhận thức hạn hẹp về thế giới của các giác quan mang lại: không gian và thời gian là tuyệt đối!

Bây giờ chuyện đảng cộng sản làm kinh tế tư bản cũng từa tựa như vậy. Để có thể thấy được tính hợp lý của cái chuyện “vô lý” này, có lẽ người ta cũng buộc phải có cách nhìn cách mạng y như của Einstein vậy.

Trước hết, với tôi, nếu Đảng là đội ngũ những người “tiên tiến” nhất, Đảng lãnh đạo một nhà nước của dân, do dân, vì dân để đạt tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, mà trong thực tế “kinh tế tư bản” đã được kiểm chứng là công cụ tốt nhất để thực hiện, thì việc “đảng cộng sản làm kinh tế tư nhân” sẽ là một lẽ tự nhiên, và bản chất đảng cộng sản phải biến đổi theo cho phù hợp cũng là lẽ tự nhiên.

Nhưng Giáo sư Nguyễn Đức Bình, trên Tuổi trẻ Điện tử ngày 25.02.2006, trong “Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng X” đã có ý kiến ngược lại. Ông viết: Đảng cộng sản mà lại cho phép đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân... thì thật trái với “lẽ tự nhiên”. Bởi theo ông: Đảng là tổ chức chính trị. Đảng viên là chiến sĩ chính trị, chiến sĩ cách mạng. Vấn đề đảng viên là vấn đề chính trị, vấn đề giai cấp chứ không phải vấn đề kinh tế, vấn đề lực lượng sản xuất.

Tôi từng ngạc nhiên khi đọc những dòng chống đối chủ nghĩa Mác kiểu Mác nói một đằng phê phán một nẻo của Hoàng Minh Chính và Hà Sĩ Phu, và sự tán đồng họ kiểu không cần đúng sai, cứ chống đối là tốt của một số người, thì bây giờ tôi còn ngạc nhiên hơn nhiều lần khi đọc những dòng bảo vệ chủ nghĩa Mác của GS. Bình khi ông quá “son sắt”, quá “thuộc bài” như vậy! Viết như trên, dường như giáo sư đã nói về một đảng nào đó, đảng của những siêu nhân, những người chỉ sống bằng “chính trị” chứ không cần đến “cơm áo gạo tiền” như bao người bình thường khác. Còn cho “chính trị” ở trên nghĩa là “lãnh đạo” thì có sự lãnh đạo nào mà không liên quan đến “lực lượng sản xuất”, đến “kinh tế”; có lẽ nào Đảng lại đi lãnh đạo cái khoảng không. Tôi đồng ý vói giáo sư là nói đến Đảng nghĩa là nói đến giai cấp, nhưng “đội tiền phong của giai cấp” theo đúng lý thuyết có lẽ chỉ có trong kháng chiến, khi cuộc sống không có gì ngoài gian khổ hy sinh để chia nhau, còn giờ “đội tiền phong” lý tưởng đó có lẽ chỉ có trong trí tưởng tượng mà thôi. Nếu đúng như những điều người dân thường được dạy, được nghe, được đọc, đảng viên là những người luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động xã hội, vậy trong công cuộc đổi mới, sao Đảng lại tự cô lập trong vương quốc của mình, không cùng đi con đường của nhân dân? Không lẽ chỉ nhân dân cần phát triển kinh tế, cần “giàu mạnh”, còn cán bộ đảng viên thì không, hay đảng viên đã được Đảng lo cho hết rồi thì không cần phải làm gì!?

Đoàn Tiểu Long trên talawas ngày 07.3.2006, ngoài những ý bảo vệ quan điểm của GS. Bình cũng có nhiều ý cần được thảo luận. Tác giả đã đặt câu hỏi: “Nhà sư có được… ăn thịt hay không?”, rồi cho rằng Người không theo đạo Phật không thể lên báo Giác ngộ tranh luận điều này bằng lý lẽ phàm tục... Nếu có tranh luận, thì đó là việc nội bộ của nhà Phật. Từ đó cho việc góp ý cho Báo cáo chính trị của Đảng và cuộc tranh luận ”Đảng viên có được làm kinh tế tư bản hay không?"... cũng y như vậy; việc “tham gia góp ý, tranh luận” những vấn đề thuộc về ý thức hệ của một Đảng chính trị từ quan điểm của người ngoài Đảng, những người vốn không được trang bị thế giới quan cộng sản là “trật lất”, “dễ trật rìa”; rồi đi tới kết luận: Sáng kiến mời toàn dân góp ý cho Báo cáo chính trị của Đảng đúng là chuyện… tức cười!.

Tôi thấy lấy chuyện nhà Phật để so sánh như trên là không có lý, vì chuyện tu hành và theo đạo là chuyện riêng thuộc thế giới tâm linh trong phạm vi một đạo, còn ý thức hệ xã hội không chỉ là chuyện riêng của Đảng mà của cả xã hội, nó tác động đến mọi mặt cuộc sống, nó được tuyên truyền giáo dục hàng ngày bằng tất cả các phương tiện thông tin đại chúng, trong cấp học đại học, môn “chính trị” là môn học bắt buộc trong tất cả các trường. Mà xin mọi người lưu tâm, không phải cứ những người học chuyên về chính trị, học nhiều hơn, là sẽ hiểu sâu sắc hơn so với người khác, nhất là những người học tự nhiên, bởi môn triết học, không hiểu khoa học tự nhiên thì sẽ không thể hiểu được nhiều nguyên lý cơ bản.

Tiếp theo, Đoàn Tiểu Long yêu cầu khi tranh luận các đảng viên cộng sản phải dựa trên một hệ quy chiếu chung là thế giới quan cộng sản. GS. Nguyễn Đức Bình cũng cho: tố chất người cộng sản... là tố chất người công nhân giác ngộ về sứ mệnh lịch sử của toàn bộ giai cấp, về lợi ích của toàn bộ phong trào, họ là chiến sĩ chính trị, chiến sĩ cách mạng, nên một người đảng viên... không thể vừa là chiến sĩ cộng sản lấy việc xóa bỏ chế độ bóc lột làm lý tưởng đời mình, lại vừa làm ông chủ tư bản lấy bóc lột lợi nhuận làm lẽ sống.

Thứ nhất, quả thật, nếu phải theo đúng một cách giáo điều như vậy, nghĩa là phải coi hiện tại vẫn có một đảng cộng sản tinh chất, trong sáng theo đúng sách vở, CNXH hiện thực áp dụng đúng những giáo điều vẫn đang gặt hái những thành tựu rực rỡ..., thì thực sự không còn gì để bàn nữa. Bởi cái quan trọng nhất là nền sản xuất XHCN quốc hữu hóa, tập thể hóa và theo kế hoạch hóa chúng ta đã từ bỏ rồi, và còn coi việc từ bỏ đó chính là cái xương sống của công cuộc đổi mới. Thứ hai, hiện tại những đảng viên có quyền có chức của Đảng Cộng sản Việt Nam liệu còn bao nhiêu phần trăm phẩm chất “cộng sản” theo đúng lý thuyết, khi trong thực tế tệ quan liêu cửa quyền, quốc nạn tham nhũng đã trở thành phổ biến, còn bao người thực sự là “đầy tớ” của dân, “quên mình” vì dân? Mà thực tế, như tôi đã viết, chủ nghĩa cộng sản ở nước ta đã nhuốm mầu của cái chủ nghĩa “đục nước béo còvà chủ nghĩa “tham lam” rồi! Vậy hãy nhìn Đảng đúng như thực trạng của nó, và hãy đặt nó trong thực tại với tất cả sắc mầu của cuộc sống để bàn bạc và thảo luận; hãy dựa trên tinh thần đổi mới và cách nhìn tương đối, cách nhìn theo nguyên lý bất định chứ không phải theo tư duy quyết định luận máy móc khô cứng xưa cũ. Như thế ta sẽ thấy, sự yếu kém của Đảng chính là hậu quả của những điều chưa hợp lý và chính việc “đảng viên làm kinh tế tư nhân” có thể sẽ là một trong những cách thay đổi tốt để điều chỉnh những điều bất hợp lý đó.

GS. Nguyễn Đức Bình phản đối: Trước sau tôi vẫn không đồng ý quan điểm trong Đảng có thể có tư bản tư nhân, với những lý lẽ như sau: tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như chủ nghĩa Mác – Lênin cho Đảng chống chế độ “người bóc lột người” và tiêu chuẩn trong sạch của đảng viên là “không bóc lột người”.

Nếu phương thức sản xuất XHCN là tốt thì ý của giáo sư như trên không có gì cần bàn. Nhưng thực tế đã chứng minh ngược lại. Đảng đã coi “tư nhân hóa”, “kinh tế nhiều thành phần”, “cổ phần hóa”, “kêu gọi đầu tư” là cứu cánh của đổi mới, như vậy tính chất “bóc lột” của sản xuất tư nhân đã được thực tế chứng minh là tốt, thế thì nó chỉ tốt với nhân dân mà không tốt với Đảng sao? Nó không tốt sao Đảng lại coi nó là kết quả của sự lãnh đạo“thành công” của mình! Như vậy sản xuất tập thể “không bóc lột” lại trở thành điều không tốt, vì nó trói buộc sức sản xuất, dẫn đến hậu quả người thì thất nghiệp, người thì lương không đủ sống, hàng hóa khan hiếm, giá cả đắt đỏ..., đưa đến thực trạng Đảng không thể lo việc cho hết mọi người, kể cả đảng viên của mình. Vậy đảng viên không được làm chủ chỉ được đi làm thuê, tức chỉ được “bị bóc lột” thôi, liệu những đảng viên này có lại lãnh đạo công nhân chống lại “công cuộc đổi mới” của chính Đảng của mình không? Cũng chính vì nạn thất nghiệp, và không phải ai sinh ra cũng có thể làm chủ được, nhu cầu cần “bị bóc lột” của dân ta là cấp thiết, nên mới có chính sách mở cửa kêu gọi đầu tư, thực chất là việc kêu gọi người nước ngoài đến “bóc lột” dân mình. Điều này đã là một quốc sách, là cứu cánh, là tốt, vậy tại sao không cho những đảng viên, những công dân ưu tú của ta, có khả năng làm chủ, thực hiện điều tốt này. Bởi “lọt sàng xuống nia” dầu sao vẫn hơn lọt vào túi người ngoài chứ!

Giáo sư Nguyễn Đức Bình viết: khó mà hình dung được một nhà tư sản đang đường đường là một ông chủ lấy lợi nhuận... làm mục tiêu... làm sao... đồng thời đêm ngày lo nghĩ được sự nghiệp XHCN của Đảng. Tôi cũng có thể nói ngược lại: khó mà hình dung một đảng viên với đồng lương tượng trưng, không sản xuất tư, làm sao có thể đêm ngày lo nghĩ được sự nghiệp XHCN của Đảng! Mà theo Ăngghen thì không thể có điều đó, vì ông cho rằng, con người chỉ hoạt động tinh thần khi đã có điều kiện để sống, nếu chưa đủ cơm ăn, áo mặc, nhà ở, con người chưa thoát khỏi cuộc sống con vật. Và thực tế đã chứng minh, nhiều đảng viên có chức có quyền đã “tự cứu lấy mình” bằng cách kéo bè kéo cánh để móc ngoặc, ăn chia, tham ô, hối lộ. Những trường hợp như vậy họ không chỉ không “đêm ngày lo nghĩ cho sự nghiệp XHCN” mà còn bôi bẩn thanh danh của Đảng và dẫn đất nước đến thảm họa!

Như vậy để giải quyết mâu thuẫn trong nhận thức này, ta chỉ cần nghĩ khác đi về sự bóc lột là xong. Chính Mác cũng cho sự bóc lột không chỉ là sự hưởng chênh lệch giá trị thặng dư mà còn phải kèm theo sự bần cùng hóa và nô dịch hóa người lao động. Vậy chuyện làm kinh tế tư nhân của đảng viên không phải là “bóc lột” mà là việc có lợi cho người lao động và xã hội, thúc đẩy xã hội phát triển, tạo điều kiện cho những người “bị bóc lột” cũng đều có cơ hội làm điều ngược lại: trở thành người “bóc lột”. Trong một truyện ngắn tôi đã viết, cốt ý là nếu làm được vậy xã hội sẽ bớt đi tệ nạn mọi người tối ngày tìm cách “móc túi nhà nước”, mà thay vào đó người ta thi nhau “móc túi chính cuộc sống”!

Cũng bàn về “bóc lột”, Đoàn Tiểu Long cho là cố chứng minh nhà tư bản không bóc lột là hành động mị dân, lừa bịp. Tác giả đã phân tích bằng một ví dụ cụ thể: một khi nhà tư bản trả cho giám đốc bao nhiêu tiền đó, thì ông ta phải kỳ vọng là công ty dưới sự điều hành của giám đốc phải làm ra hơn thế nhiều lần. Khoản dôi ra là lợi nhuận. Như thế, nếu nhà tư bản tự tay điều hành thì cái khoản chênh lệch đó không phải do lao động của ông ta tạo ra, mà đích xác là giá trị thặng dư do người khác tạo ra.

Việc lấy phép tính đại số để tính sự “dôi ra”, “giá trị thặng dư” như trên là quá thô sơ, vì tác giả không tính đến những yếu tố “vô giá” khác như sự sáng lập doanh nghiệp, khả năng tổ chức, quá trình tạo nên một thương hiệu, ý tưởng kinh doanh, ngoài ra nhiều ông chủ còn là chủ của những sáng chế phát minh nữa... Trong đó, sự sáng lập, khả năng tổ chức, trách nhiệm đứng mũi chịu sào là quan trọng nhất. Có thế ta mới thấy trong lịch sử người có tài hơn chưa chắc được làm vua, như Hàn Tín tài hơn Lưu Bang nhưng vẫn phải “làm thuê” cho Lưu Bang; Gia Cát Lượng mưu cao hơn Lưu Bị vẫn phải thờ Lưu Bị... Gộp chung tất cả những yếu tố “vô giá” trên cộng với tất cả mọi chi phí cho sản xuất và điều hành lại cũng chỉ mới gần đủ giá trị “làm chủ” thôi. Vì việc tính giá trị thặng dư còn phải tính đến giá trị sử dụng của sản phẩm nữa. Ví dụ, tôi triển khai một ý tưởng của tôi, làm một loại nông dược bổ dưỡng cho trái cây, ngoài việc công nhân hưởng lương, người phân phối hưởng lợi nhuận, còn phải tính đến việc tăng năng suất nông sản nữa chứ! Như vậy, cộng trừ tất cả các thứ lại một cách sòng phẳng, thì chính tôi, dù “làm ít hưởng nhiều”, vẫn có thể là người “bị thiệt thòi”, là người “bị bóc lột”!

Đoàn Tiểu Long viết: Nếu không có hàng vạn nhân viên, đố Bill Gates kiếm ra hàng tỷ đô la mỗi năm chỉ bằng cái đầu của mình đấy! Ông ta mà đi làm thuê thì vẫn với tài năng đó bất quá kiếm được vài triệu đô la là cùng!

Cái chính ở đây là Bill Gates lại có khả năng vô giá là “làm chủ”. Và không ai bắt hàng vạn người phải làm thuê cho Bill, không ai cấm hàng vạn người đó lập công ty để thành tỷ phú như Bill. Cũng không thể so sánh một cách khập khễnh như tôi đã đọc ở đâu đó giữa Einstein và Bill, cho nếu công bằng thì Einstein tài hơn phải giàu hơn. Trong khoa học, người ta tôn vinh những nhà bác học phát minh nhưng cũng rất coi trọng khoa học ứng dụng. Một lý thuyết không triển khai chỉ mãi là những dòng chữ số vô giá trị. Giả sử nếu Einstein ham làm giàu, chạy được giấy phép kinh doanh, tự tay mở được xưởng độc quyền sản xuất bom nguyên tử xuất phát từ cái phương trình giản dị và vĩ đại của ông E = mc2, cung cấp cho các cuộc cạnh tranh quân sự, chắc danh hiệu người giàu số một hiện nay là ông chứ không phải Bill Gates!

Và cái điều mà Đoàn Tiểu Long cho rằng nếu ai đó đi làm kinh tế tư bản thì sớm muộn sẽ... biến chất cũng chẳng có gì đáng sợ, vì như đã chứng minh, nếu làm kinh tế tư bản một cách tử tế, người ta sẽ biến chất thành người tốt chứ không phải người xấu.

Tuy viết cả bài chống việc đảng viên làm tư, nhưng cuối cùng Đoàn Tiểu Long lại kết luận một ý hay, đây là lý do tôi đã cho anh là người viết biết nhìn trước nhìn sau: Còn nếu như Đảng Cộng sản thay đổi học thuyết của mình, sửa lại những điểm không được thực tiễn xác nhận, phát hiện và chứng minh được các quy luật khác của sự phát triển xã hội... Khi đó không chừng đảng viên sẽ được làm nhiều điều mà hiện đang bị cấm, chứ không chỉ kinh tế tư bản tư nhân! Có điều lúc đó đảng không còn là Đảng Cộng sản nữa. Đối với người Mác-xít chân chính điều đó không có gì là thảm hoạ cả. Riêng tôi cũng đồng ý với rất nhiều người, cần phải trả lại cái tên chân chính mà Bác Hồ đã đặt cho Đảng là “Đảng Lao động”, một cái tên mãi mãi đúng!

Cuối cùng, có một điều tôi thấy cần phải thận trọng, tất cả những chính sách tốt, những học thuyết nhân đạo, mọi tôn giáo... đều có thể bị lợi dụng; nếu thực hiện sai, đều có thể dẫn đến những hậu quả tai hại, thậm chí thảm họa. Vậy việc tổ chức thực hiện, đưa ra những cơ chế hợp lý, các biện pháp để khuyến khích cái tốt, ngăn chặn cái xấu là vô cùng cần thiết.

Khi cho phép đảng viên làm kinh tế nghĩa là tự do làm ăn nới thêm một nấc, điều này khiến cho nền kinh tế sẽ giống như chuyện cỗ xe chạy nhanh hơn thì đòi hỏi các biện pháp an toàn cần phải cao hơn. Cụ thể là các công việc thuộc về các ngành thanh tra, kiểm sát, tòa án cần phải hoạt động tốt hơn.

Kinh tế tự do, khả năng mỗi người đều được giải phóng, người tài hơn, chăm chỉ hơn chắc chắn sẽ giàu hơn, nên sự cách biệt giàu nghèo sẽ càng ngày càng lớn là một điều tất yếu. Vậy cần phải có chính sách phân phối lại hướng về những người không may, những người yếu kém, những ngành sinh lợi thấp, những vùng khó phát triển... để bảo đảm được tinh thần nhân đạo của CNXH và sự ổn định xã hội. Cũng cần phải tính đến chế độ trợ cấp thất nghiệp để cho những người cùng đường vẫn có thể sống được. Hiện tại nền kinh tế thị trường ở ta có phần giống như tình trạng “đem dân bỏ chợ”, nhiều người rất dễ bị bần cùng hóa. Như những vùng nông thôn đất chật người đông, không thiên tai thì dịch hại, không mất mùa thì đói ăn, lúc được mùa thì giá nông sản lại hạ. Chính điều này đã dẫn đến một trong những hậu quả tai hại nhất hiện nay là có quá nhiều các cô gái trẻ đẹp ở tất cả các vùng quê, hết chị đến em, hết em đến cháu, lần lượt lên thành phố bán thân mình, dưới mọi hình thức và mọi cấp độ, để cứu nhà!

Và cuối cùng, cái xấu nhất của vấn đề “đảng viên làm kinh tế tư nhân” có thể sẽ xảy ra là: với những đảng viên vừa giữ chức vụ cao vừa làm ông chủ lớn, thì chuyện chân ngoài dài hơn chân trong”, chuyện “việc nhà thì siêng việc chú bác thì nhác”, việc lợi dụng quyền hạn, việc dùng ưu thế của mình để cạnh tranh, triệt hạ đối thủ... là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Đây mới chính là sự bất công thực sự, cần phải đề ra mọi biện pháp để ngăn chặn!

TP. Hồ Chí Minh 11.3.2006


© 2006 talawas