trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngĐại hội X và cải cách chính trị tại Việt Nam
25.3.2006
Nguyá»…n Thanh Giang
Bàn về dân chủ
 1   2   3 
 
Tóm tắt

Dân chủ trở thành lý tưởng của nhân loại vì nó là một học thuyết nhân danh con người và phụng sự con người. Dân chủ và phát triển vừa là nhân vừa là quả của nhau, nương tựa nhau, bồi bổ cho nhau đưa lịch sử tiến tới.

Sở dĩ Tây Đức phát triển hơn Đông Đức, Đài Loan và Hồng Kông giầu có hơn Trung Quốc, Nam Hàn phồn vinh hơn Bắc Triều Tiên là vì Tây Đức, Nam Hàn, Đài Loan, Hồng Kông đều dân chủ hơn Trung Quốc, Đông Đức, Bắc Triều Tiên.

Chẳng những dân chủ không gây mất ổn định mà thiếu dân chủ thì không thể phát triển bền vững. Lịch sử Trung Quốc cho thấy, nhà Tần chỉ tồn tại 14 năm, trong khi nhà Hán 426 năm, nhà Đường 289 năm… Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết chỉ tồn tại 72 năm trong khi Hợp chủng quốc Hoa Kỳ bền vững đã hơn 200 năm.

Chỉ có dân chủ mới mở đường và bảo đảm cho phát triển lành mạnh. Sau khi đổi mới, kinh tế Việt Nam tiến vọt hẳn lên so với những năm u ám trước đó để đạt tốc độ tăng trưởng vào loại cao nhất thế giới. Nhưng, xét trong tổng thể, không thể nói Việt Nam đang phát triển lành mạnh. Việt Nam hiện là một trong những nước tham nhũng nhất thế giới (xếp hạng 94/143 nước), Việt Nam hiện vẫn còn được xếp hạng kém nhất thế giới về chỉ số phát triển con người (xếp hạng 112/177 nước), Việt Nam hiện là một trong những nước có chỉ số tự do báo chí tồi tệ nhất thế giới (xếp hạng 135/143 nước)…

Nước ta có truyền thống dân chủ tự ngàn xưa. Các hình thái dân chủ, các sinh hoạt dân chủ đã xuất hiện trong lịch sử nước ta còn sớm hơn cả ở rất nhiều nước Phương Tây. Tư tưởng dân chủ, tinh thần thượng tôn pháp luật đã nẩy nở khá sớm và phát triển ngày một cao từ cổ đại, qua thời Bắc thuộc đến thời Pháp thuộc. Tiếc rằng, tất cả đã chựng lại sau Cách mạng tháng Tám và ngày càng suy thoái trong chế độ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Đấu tranh vì sự nghiệp đẩy mạnh công cuộc dân chủ hóa đất nước tất gian khó, thậm chí phải hy sinh nhưng đấy là nghĩa vụ không thể thoái thác đối với tổ quốc, với nhân dân. Chúng ta đã từng xả thân vì cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, cuộc cách mạng dân chủ này còn thiêng liêng, cao cả hơn. Nụ cười rạng rỡ của tổ quốc Việt Nam dưới ánh ngời dân chủ sẽ là vinh quang, là phần thưởng vô giá cho tất cả những ai đang vững bước tiến lên trong ngọn trào dân chủ.


*


Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định xây dựng nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam một thiết chế dân chủ xã hội chủ nghĩa triệu lần dân chủ hơn dân chủ tư sản.

Nhưng, Phạm Hồng Sơn vào tù vì chỉ dịch và phổ biến tài liệu Thế nào là Dân chủ của Hoa Kỳ, Nguyễn Vũ Bình vào tù vì đệ đơn xin thành lập đảng Tự do - Dân chủ, Nguyễn Khắc Toàn vào tù chỉ vì giúp bà con đưa đơn thỉnh nguyện lên cấp trên, Lê Chí Quang vào tù vì dám sử dụng quyền tự do thông tin ở cửa hàng internet …

Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội X của ĐCSVN quy định nội dung thiết chế dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam gồm:

“Lấy việc xây dựng một bộ máy, một đội ngũ cán bộ, công chức thật sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân làm tiền đề để phát huy dân chủ XHCN. Mọi chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều thể hiện ý chí, lợi ích chính đáng của nhân dân.

“Trong điều kiện cơ cấu giai cấp-xã hội đang có sự thay đổi sâu sắc, cần có các tổ chức thích hợp để thu hút và tạo điều kiện cho mọi người, mọi tầng lớp nhân dân tham gia các công việc chung của Đảng, Nhà nước và xã hội.

“Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế nhằm tổ chức, thu hút và tạo điều kiện để nhân dân thụ hưởng, thực hiện các quyền dân chủ trên các lĩnh vực kinh tế, chính trj, văn hoá, xã hội… trong trật tự, kỷ cương và bằng pháp luật, đề cao trách nhiệm pháp lý giữa Nhà nước với công dân và công dân với Nhà nước.

“Thực hiện dân chủ hoá sinh họat và phong cách lãnh đạo ngay trong Đảng và trở thành tấm gương thực hiện dân chủ cho toàn xã hội”

Từ điển Triết học của Liên Xô do nhà xuất bản Tiến bộ tại Moskva phát hành năm 1975 thì quan niệm: “Dân chủ là một trong những hình thức chính quyền mà điều đặc trưng là việc tuyên bố chính thức nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số và thừa nhận quyền tự do và bình đẳng của công dân… Trên thực tế, bất cứ nền dân chủ nào với tính cách là một hình thức tổ chức chính trị của xã hội, xét đến cùng, đều do các quan hệ sản xuất trong một xã hội nhất định quyết định… Trong những hình thái giai cấp đối kháng, nền dân chủ chỉ tồn tại một cách thực tế đối với những đại diện của giai cấp thống trị”.

Trong khi đó, tài liệu Thế nào là Dân chủ của Mỹ lại ghi nhận rằng hiện thực dân chủ “phụ thuộc vào sự quyết tâm cống hiến và sự khôn ngoan tập thể của chính bản thân người dân chứ không phải dựa trên bất kỳ quy luật nào của lịch sử và chắc chắn cũng không dựa trên lòng nhân từ được mong mỏi từ các nhà lãnh đạo độc đoán.

“Khác với một số nhận thức, một xã hội dân chủ lành mạnh không chỉ đơn giản là một đấu trường cho các cá nhân theo đuổi các mục đích của cá nhân họ. Dân chủ chỉ được thực hiện khi dân chủ là mong muốn của các công dân có quyết tâm sử dụng quyền tự do mà họ vất vả mới giành được để tham gia vào đời sống của xã hội – góp tiếng nói của họ vào các tranh luận tập thể, bầu ra các vị dại diện có trách nhiệm đối với các hành động của họ và chấp nhận đòi hỏi sự dung hoà và thoả hiệp trong đời sống công cộng…”

Thì ra, hoạt động dân chủ tuy đã được khởi nguyên từ Athens cổ đại nhưng cho đến nay những ý niệm về dân chủ vẫn còn khác biệt nhau nhiều lắm. Những khác biệt đó đã và sẽ còn tồn tại theo thời gian, giữa các xã hội khác nhau, với những ước muốn của các cá thể khác nhau. Cho nên tìm hiểu về dân chủ, phát biểu về dân chủ, bàn luận về dân chủ là chuyện không bao giờ dứt và không chỉ là nhiệm vụ của các học giả uyên thâm.


1. Những ý niệm về dân chủ

1.1. Một cách thông thường và đơn giản, người ta thường hiểu dân chủ theo định nghĩa của J. J. Rudent: dân chủ là quyền lực của nhân dân. Định nghĩa này xuất phát từ các từ nguyên cổ Hy Lạp: Démos là nhân dân, Krátos là sức mạnh, là quyền lực.

Định nghĩa này quá sơ giản và ngày càng trở nên khiếm khuyết so với yêu cầu của xã hội hiện đại. Trước hết vì nó chỉ tập chú dân chủ vào vấn đề quyền lực, quyền lực áp đảo, quyền lực khống chế, quyền lực cai trị, dù là quyền lực đó được gọi là của nhân dân. Vì từ nhân dân không đơn nghĩa nên rất dễ và đã từng bị lợi dụng quy cho một số đông, một tầng lớp, một thành phần xã hội nào đó… Dẫn chứng nghịch cảnh dễ thấy nhất khi ta được nghe tô vẽ rằng chuyên chính vô sản mang bản chất dân chủ tuyệt vời! Nhà tư tưỏng cổ đại Plato cũng từng định nghĩa “Dân chủ đến sau khi những người nghèo lật đổ những người giầu, tàn sát một số và giữ lại một số khác. Đó là chính quyền của người nghèo”.

Quyền lực phải được quy định bởi ba yếu tố: quyền lực của ai, thuộc về ai, xuất phát từ ai?, quyền lực do ai kiểm soát? và quyền lực được sử dụng cho ai, vì ai? Do không được ràng buộc chặt chẽ bởi ba yếu tố trên, nền dân chủ ở Athens đã bị Plato phán xét, rằng đó là “Thế lực tự phát của thói hèn hạ vô chính phủ”. Plato và Aristotle thì phân biệt dân chủ có luật pháp và dân chủ không bị luật pháp hạn chế.

Dân chủ không chỉ chứa đựng những nội hàm chính trị, mà còn xã hội nữa. Định nghĩa trên không bao hàm được những thành tố xã hội phi chính quyền như giữa người với người, giữa các thành viên trong gia đình (vợ chồng, cha con, ông cháu…), trong học đường (thầy, trò…), giữa các sắc dân, giữa các tín ngưỡng…

Trong xã hội thông tin như ngày nay, dân chủ không chỉ nhằm điều tiết những quan hệ trên dưới, giữa cai trị và bị trị, không chỉ có quan hệ phụ thuộc mà còn có quan hệ hoà hợp, quan hệ dưới lên, quan hệ phổ biến toàn xã hội… Người quản lý cũng như người bị quản lý, người chủ cũng như người trực tiếp sản xuất… đều phải được thông tin để bảo đảm cho xã hội hoạt động bình thường và cho sản xuất phát triển.

Ý niệm dân chủ này đã được quán triệt và thực hiện từ Công xã Pari với dân chủ trực tiếp, không phân quyền, chủ yếu sử dụng các biện pháp trấn áp. Công xã Pari về sau được xem là tiền đề của dân chủ vô sản và được các nước XHCN coi là một “hình thức nhà nước” mẫu mực.

1.2. Theo B. Kurashvili thì dân chủ là phương thức tổ chức những tác động qua lại về mặt xã hội sao cho giải thoát khỏi chuyên quyền. Đặc trưng phương thức tổ chức dân chủ của ông là sự bình đẳng của các bên, hoặc là ưu thế của những người bị quản lý so với những người quản lý.

Ý niệm này gắn được dân chủ với bình đẳng theo hàm nghĩa rộng, gồm cả các quan hệ từ trên xuống dưới, quan hệ từ dưới lên trên, giữa quản lý với bị quản lý và quan hệ ngang. Mặc dầu vậy, ý niệm này vẫn chưa vươn tới được những quan hệ xã hội đời thường. Nó cũng chỉ chú ý được đến vấn đề bình đẳng mà chưa quán xuyến được lĩnh vực tự do. Ngày nay, ý niệm này còn tỏ ra khiếm khuyết ở chỗ không bao hàm được đời sống dân chủ trong xã hội thông tin. Trong xã hội thông tin, nhu cầu thông tin theo chiều ngang nhằm bảo dảm hiệu quả kinh tế nhiều khi còn bức xúc hơn cả những lý lẽ của dân chủ chính trị. Dân chủ về kinh tế trong xã hội thông tin nhằm đáp ứng vấn đề vai trò của người sản xuất ngày nay ngày càng phụ thuộc vào khối lượng thông tin mà họ nắm được. Trong sản xuất ngày nay, sự thông thạo chuyên môn còn phải bao gồm cả kinh nghiệm tiếp xúc cá nhân với quần chúng và khả năng đối thoại với dư luận xã hội… Tại các xí nghiệp Nhật Bản, có biểu hiện sự lắng nghe ý kiến của người sản xuất rất rõ và trả tiền cao cho những ý kiến hay. Đấy cũng là hệ quả của dân chủ.

1.3. Claude Polin định nghĩa: “Dân chủ là một từ ngữ để chỉ vừa là lý tưởng của việc nhân đân tự cai trị lấy mình và cũng là để chỉ những thể chế có thật hay là phải có để bảo đảm những điều trên”.

Định nghĩa này đã phân biệt được giữa cái lý tưởng và cái thực tiễn, cái hiển nhiên và cái cần phấn đấu của dân chủ. Tuy nhiên ở đây vẫn chỉ bao hàm chủ yếu lĩnh vực chính trị.

1.4. Theo S. Alexiev, “Dân chủ ngày nay là một hình thái của tự do cá nhân, đồng thời là phương thức quản lý xã hội, và cũng là chỉ số phản ánh trình độ hoạt động xã hội của dư luận”.

Trong quan điểm này, lần đầu tiên vấn đề cá nhân được đề cập cho nội hàm dân chủ. Có cá nhân đòi dân chủ thì mới có xã hội dân chủ. Có cá nhân dân chủ với bản thân mình thì xã hội mới buộc phải thực hiện dân chủ. Alexiev cũng rất quan tâm đến dư luận xã hội. Thái độ quần chúng và năng lượng tác động của họ vào đời sống chính trị xã hội thể hiện qua dư luận xã hội. Thông qua dư luận xã hội mà trạng thái dân chủ được bộc lộ ra một cách chân thực.

1.5. Theo tài liệu Thế nào là Dân chủ do bác sỹ Phạm Hồng Sơn lấy từ trang web của Đại sứ quán Hoa Kỳ và đã dịch ra tiếng Việt, thì các cột trụ cơ bản của một nền dân chủ gồm:

  • Quyền tối cao của nhân dân
  • Chính phủ thành lập dựa trên sự nhất trí của người dân
  • Nguyên tắc đa số
  • Các quyền thiểu số
  • Đảm bảo các quyền cơ bản của con người
  • Bầu cử tự do và công bằng
  • Bình đẳng trước pháp luật
  • Thực hiện đúng luật
  • Hiến pháp đặt ra và giới hạn quyền lực đối với chính phủ
  • Đa nguyên về chính trị, kinh tế và xã hội
  • Thúc đẩy các giá trị của dung hoà, thực dụng, hợp tác và thoả hiệp.
Trong đó:

  1. Chính phủ dân chủ là “chính phủ được thành lập bởi nhân dân, trong đó quyền lực tối cao được trao cho nhân dân và được thực hiện bởi nhân dân hoặc bởi các đại diện được bầu ra từ một hệ thống bầu cử tự do”. Theo Abraham Lincoln, dân chủ là một chính phủ “của dân, do dân và vì dân”.

  2. Về nguyên tắc đa số và các quyền thiểu số: các thể chế dân chủ là các hệ thống trong đó mọi công dân được tự do đưa ra các quyết định chính trị theo nguyên tắc đa số. Nguyên tắc đa số phải được ràng buộc với sự bảo đảm các quyền con người của cá nhân, các quyền này, đổi lại, lại đóng vai trò bảo vệ quyền lợi cho bên thiểu số, dù đó là dân tộc ít người, nhóm tôn giáo hay chính trị hoặc chỉ đơn giản là những người thua cuộc trong tranh luận về một vấn đề lập pháp nào đó. Các quyền của thiểu số không phụ thuộc vào ý nguyện của bên đa số và cũng không thể bị loại bỏ hoàn toàn bởi biểu quyết của đa số.

  3. Trong một thể chế dân chủ, chính phủ chỉ là một thành phần cùng tồn tại trong một kết cấu xã hội bao gồm rất nhiều các định chế khác nhau, các đảng chính trị, các tổ chức và các hiệp hội. Tính chất đa dạng này được gọi là đa nguyên và thể chế dân chủ đó quy định sự tồn tại, tính pháp lý hay quyền lực của các tổ chức và các định chế khác nhau trong một xã hội dân chủ không phụ thuộc vào chính phủ. Xã hội dân chủ luôn có hàng ngàn các tổ chức tư nhân hoạt đông ở phạm vi địa phương hay toàn quốc. Rất nhiều các tổ chức đó đóng vai trò trung gian giữa các cá nhân và các định chế của chính phủ hay các tổ chức xã hội liên hiệp khác mà họ là một thành phần.

1.6. Theo Hồ Chí Minh thì “Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều vì dân, của dân. Đầu tiên là vì dân, rồi đến của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân, sự nghiệp kháng chiến kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến chính quyền trung ương là do dân cử ra. Đoàn thể từ trung ương đến xã là do dân tổ chức nên. Như vậy là của dân, do dân, vì dân. Nói tóm lại quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

Ý niệm dân chủ này đã bao hàm được nội dung cơ bản là nhà nước của dân, do dân, vì dân như tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln đã đề xuất từ năm 1776. Điều đặc biệt là Hồ Chí Minh đã đưa tiêu chí vì dân lên đầu, trong khi A. Lincol xếp ở cuối. Dẫu sao, ở đây còn thấy một thiếu sót cơ bản là chưa xác định được chính quyền này phải do cái gì, do cơ quan nào kiểm tra, kiểm soát?


2. Dân chủ với tự do

Dân chủ trở thành lý tưởng của nhân loại vì nó là một học thuyết nhân danh con người và phụng sự con người. Nó bảo đảm tính hợp lý, hợp quy luật, hợp lẽ phải (chân); hợp nhân tính (thiện); hợp với khát vọng về sự hài hoà và những tình cảm cao thượng của con người (mỹ). Những giá trị căn bản phổ biến được dân chủ bao gồm là: quyền tự do cá nhân, quyền bình đẳng về điều kiện hay bình đẳng về cơ hội phát triển cho mỗi cá nhân trong xã hội, sự thống nhất trong tính đa dạng (hoà đồng, hoà điệu, chấp nhận lẫn nhau, khoan dung và bảo tồn tính đặc thù) của các cá thể trong mỗi cộng đồng trong một quốc gia dân tộc, rộng hơn nữa là giữa các nền văn hoá, văn minh trên trái đất.

Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1789 từng viết: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình dẳng về quyền lợi”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích nguyên văn câu này vào Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam năm 1945. Người còn nhấn mạnh thêm: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Marx và Engels cũng đã viết: “Thay cho xã hội tư sản, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, xuất hiện một liên hợp, trong dó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”. Trong Chống Dühring, F. Engels còn khẳng định: “Xã hội không thể nào giải phóng cho mình được nếu không giải phóng cho mỗi cá nhân riêng biệt”.

J. J. Rousseau đã nói đến tự do cá nhân trong Khế ước Xã hội: “Tự do là từ bản chất con người mà có. Luật đầu tiên của tự do là mỗi người phải được chăm lo cho sự tồn tại của mình. Những điều quan tâm đầu tiên là quan tâm đến bản thân. Ở tuổi lý trí, con người phải tự định đoạt các phương tiện sinh tồn của mình và do vậy, tự mình làm chủ lấy mình”, “Từ bỏ tự do của mình là từ bỏ phẩm chất con người và cả nghĩa vụ làm người”.

Trong buổi bình minh của lịch sử nhân loại, trước sự hoang dã của thế giới tự nhiên, con người không thể tồn tại bên ngoài cộng đồng huyết tộc. Cái cá nhân hoà tan tuỵệt đối trong cái cộng đồng. Sức mạnh cá nhân nằm trong sức mạnh cộng đồng. Sức mạnh cộng đồng là tổ hợp đơn giản của sức mạnh các cá nhân. Trong cộng đồng thị tộc, mặc dù khái niệm nhân dân chưa xuất hiện nhưng họ là tất cả các thành viên cộng đồng sống tự do, bình đẳng, không ai tách khỏi cộng đồng đòi hỏi một quyền ưu tiên nào cả. L. Morgan, nhà nhân chủng học Mỹ thế kỷ XIX nhận xét: “Trong xã hội cộng đồng nguyên thuỷ toàn thể các thành viên trong xã hội thị tộc đều là những người tự do. Họ đều có quyền cá nhân như nhau, cả tù trưởng lẫn thủ lĩnh quân sự đều không đòi hỏi quyền ưu tiên nào cả. Họ kết thành một tập thể thân ái, gắn bó với nhau bởi quan hệ dòng máu. Tự do, bình đẳng, bác ái tuy chưa bao giờ được nêu thành công thức nhưng vẫn là nguyên tắc của thị tộc”.

Theo thuyết Sáng thế, con người là hình ảnh của Thiên chúa, nên tự do cũng là món quà mà Thiên chúa ban cho con người, tự do tinh thần được coi trọng hơn tự do thân xác. Thậm chí, ngay cả khi con người bị biến thành nô lệ thì sự nô lệ thân xác vẫn không ngăn cản được ý chí tự do.

Những năm 20 của thế kỷ XIX đã xuất hiện cách giải thích tự do theo ý chí luận, mà đại diện tiêu biểu là A. Schopenhauer. Ông cho rằng, ý chí là bản nguyên sống cố hữu của con người, ý chí sinh tồn hiện hữu khắp nơi và trở thành ý chí vũ trụ. Thế giới là ý chí biểu tượng của Tôi. Tôi cảm nhận thế giới qua lăng kính ý chí và biểu tượng của Tôi, bởi lẽ thế giới hiện ra không như nó vốn là như vậy, mà qua sự biểu tượng của Tôi. Ý chí của Tôi áp đặt cho thế giới đó một ý nghĩa chủ quan; ý chí tự do và sáng tạo dẫu sao cũng là mù quáng. A. Schopenhauer còn cho rằng tự do ý chí sẽ không còn ý nghĩa nếu khả năng của con người bị giới hạn theo những khuôn mẫu của lý trí. Chân lý duy nhất không dành chỗ cho sự tự do lựa chọn. Độc quyền, nhất nguyên, sự thiếu vắng tự do lựa chọn tự chúng đã mâu thuẫn với bản chất con người.

J. P. Sartre thì đề cập đến sự tự do lựa chọn thái độ sống của mỗi cá nhân. Ông viết: “Con người là một dự phóng, sống bằng cuộc sống riêng của mình, thay vì là một đám rêu xanh mốc meo, hoặc một bắp cải ôi”.

Thực ra, tự do cá nhân có chiều cạnh triết học của nó. Chiều cạnh triết học ấy được thể hiện trong việc giải quyết mối quan hệ giữa cái tự do mang tính bản năng với cái tất yếu mang tính xã hội. Triết học luôn cố gắng tìm tòi tính đặc thù của con người so với giới tự nhiên còn lại. Tính đặc thù ấy biểu hiện ở chỗ con người có ý thức, có ý chí tức là nó có tự do, nhưng mặt khác, con người cũng là một bộ phận của giới tự nhiên cho nên nó phải phục tùng những quy luật của giới tự nhiên, trong đó có quy luật nhân quả - quan hệ nhân quả với tư cách quan hệ phổ biến. Chính từ đó đã nẩy sinh một vấn đề quan trọng và nan giải đối với triết học, đó là vấn đề mối tương quan giữa tính chế định nhân quả của ý thức với tự do ý chí. Trong lịch sử triết học, vấn đề này còn được đặt ra và giải quyết như là vấn đề quan hệ giữa tất yếu và tự do ý chí của con người.

Trong khi giải quyết mối quan hệ giữa tất yếu và tự do ý chí ở con người, việc nhấn mạnh hoặc tất yếu hoặc tự do đã đưa tới hai quan điểm đối lập: định mệnh luận và duy ý chí luận.

Các nhà triết học theo quan điểm quyết định luận máy móc khẳng định sự tồn tại của tính chế định nhân quả và coi đó là định mệnh đối với mọi hành động, mọi hành vi của con người, kể cả lối ứng xử có ý chí ở họ. Hoạt động tự do, tích cực của con người là cái không thể có. Mọi hoạt động của con người đều là tất yếu. Không những lối ứng xử của một cá nhân riêng biệt, mà toàn bộ tiến trình phát triển của lịch sử đều được định trước. Con người chỉ là một sinh thể phục tùng một cách thụ động, mù quáng các quy luật của tự nhiên và của xã hội, ý chí của họ không thể để lại dấu ấn ở các sự kiện lịch sử.

Duy ý chí luận giữ một lập trường đối lập hoàn toàn với định mệnh luận. Các nhà triết học theo quan điểm vô định luận cho rằng tự do là tuyệt đối và được thể hiện ra thông qua quyền tự do mong muốn, quyền tự do có động cơ ứng xử; rằng thông qua tự do ý chí, quyền tự do hành động của con người dường như sinh ra từ tự ý thức, từ sự quan sát hàng ngày về người khác và từ tự quan sát của con người.

Khát vọng tự do là cơ sở bùng nổ sáng tạo trong cuộc sống, mà cuộc sống là sự thực hiện những khát vọng và bùng nổ sáng tạo ấy. Tuy nhiên, chính cuộc sống lại đặt ra các nhu cầu, những giới hạn, những tính quy định cho hoạt động con người mà thiếu chúng, con người sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ, không thể kiểm soát được. Ở đây nẩy sinh mâu thuẫn, xung đột và đấu tranh giữa người với người, thúc đẩy sự giằng co giữa cái xã hội và cái phi xã hội trong con người

Tư tưởng dân chủ phân biệt rõ ràng giữa tự do của cá nhân (con người xã hội) và tự do bản năng hay thú tính. Tự do mang tính người phải là tự do nhuốm mầu sắc lý tính. Theo Kant, nó phải tồn tại trước hết dưới dạng tự do ý chí, tức là quyền của cá nhân được khẳng định ý chí của minh. Quyền đó chỉ bị hạn chế bởi quyền tự do tương tự của những người khác, vì những người khác cũng có quyền năng như vậy.

Hegel cho rằng tự do ý chí của cá thể không thể thoát ly khỏi tiến trình chung của sự phát triển xã hội. Trong Những bài giảng về triết học của lịch sử, Hegel đã quan niệm tiến trình này là quá trình lột xác và khai nở của ý niệm tự do qua các giai đoạn: 1. thời kỳ mông muội: không một ai tự do, 2. thời kỳ xuất hiện xã hội có nhà nước (nô lệ và phong kiến): một người (phương Đông), hoặc một nhóm người (phương Tây) tự do, 3. thời kỳ hiện đại (xã hội tư sản của Châu Âu thuở ấy): một số cộng đồng văn minh tự do, 4. tương lai: toàn thể nhân loại sẽ đi đến trạng thái tự do hoàn toàn, khi sự chuyển hoá và thâm nhập vào nhau tới độ đồng nhất giữa tự do ý chí và tất yếu của xã hội, được hoàn tất trong ý niệm tuyệt đối.

Giới hạn của tự do hành động bởi cả bản tính tự nhiên của con người lẫn của thế giới, tạo nên một không gian sinh tồn mang tính xã hội cho con người, hay không gian của tự do. Tự do chân chính chỉ có ý nghĩa với điều kiện là mỗi người thừa nhận những giới hạn của không gian này, cũng như tính tương hỗ hay chế ước nhau của quyền lợi và nghĩa vụ.

Marx và Engels đồng ý với quan niệm của Hegel: tự do là sự nhận thức được tất yếu. Tất yếu nẩy sinh từ bản chất bên trong của các sự vật, hiện tượng và nói lên tính quy luật, trật tự, kết cấu của chúng. Tất yếu tồn tại trong tự nhiên và xã hội dưới hình thức các quy luât khách quan. Tuy nhiên, Marx và Engels đã đi xa hơn khi cho rằng tự do không chỉ là nhận thức được tính tất yếu mà còn là hành động dựa trên sự nhận thức đó, nghĩa là vận dụng nó vào hoạt động thực tiễn của con người. Trong Chống Dühring, Engels viết: “Tự do không phải là ở sự độc lập tưởng tượng đối với các quy luật tự nhiên mà là ở sự nhận thức được những quy luật dó và cái khả năng - có được nhờ sự nhận thức này - buộc những quy luật đó tác động một cách có kế hoạch nhằm những mục đích nhất định”, “Tự do là ở sự chi phối được chính bản thân và tự nhiên bên ngoài, một sự chi phối dựa trên sự nhận thức được những tất yếu của tự nhiên”.

Marx và Engels cho rằng sự hoàn thiện nhất của lịch sử là ở chỗ con người được giải phóng khỏi thân phận nô lệ, trở thành người tự do, được phát triển tự do mọi khả năng lao động sáng tạo của mình, kết hợp được một cách hài hoà sự phát triển tự do của mỗi cá nhân với sự phát triển tự do của cả cộng đồng.

Tự do mà chúng ta hướng tới và đang đạt tới là sự tự do của những cá nhân. Không tồn tại một tự do nào khác ngoài tự do của con người. Nhưng nếu các cá nhân muốn nhận được toàn bộ hay thậm chí là một phần tự do có thể là tự do của họ thì cần phải hiểu là tự do của mỗi cá nhân phụ thuộc vào những gì tất cả mọi cá nhân cùng nhau hợp nhất thành xã hội đã làm được và sẽ làm được. Nó phụ thuộc vào khả năng hoạt động và sự lựa chọn hoạt động mà cá nhân sử dụng. Đến lượt mình, các khả năng và sự lựa chọn có ở mỗi cá nhân lại phụ thuộc vào các phương tiện nào để hoạt động và để đáp ứng nguyện vọng được tạo ra trong xã hội mà cá nhân thuộc về, cũng như phụ thuộc vào việc các thành viên khác của xã hội có cho phép hay không cho phép cá nhân đó làm.

Động viên tinh thần của nền dân chủ, bổ sung nó về mặt đạo đức, dựa vào trách nhiệm của cá nhân và sự tôn trọng của mỗi người đối với quyền và lợi ích của người khác - đó là những điều kiện cần thiết để làm lành mạnh hoá xã hội, sử dụng một cách văn minh các quyền và tự do.

Engels đã chỉ ra mối quan hệ không tách rời giữa tự do và trách nhiệm: “Con người chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình, nếu khi thực hiện nó con người có tự do ý chí một cách đầy đủ”.

Quan niệm cận hiện đại về tự do luôn gắn kết với sự hình thành và khẳng định tư tưởng về con người cá nhân, về xã hội công dân và nhà nước pháp quyền. Tổng thống Pháp F. Mitterrand nói: “Không có thứ dân chủ không cần đến nhà nước… Nhà nước cấp tiền để thực hiện những quyết định dân chủ dưới dạng các bộ luật hoặc các văn bản dưới luật; nó bảo đảm việc duy trì pháp luật - nỗ lực phải có để thực hiện dân chủ, nó bảo vệ và bảo đảm sức sống của các quyền tự do của nhân dân”.

Montesquieu từng nói: “Tự do là quyền làm cái mà luật pháp cho phép. Gíá như công dân có thể làm cái mà luật pháp này ngăn cấm thì hẳn là họ sẽ mất tự do vì những công dân khác cũng có thể làm được điều giống hệt như thế”. Trước đó J. Locke cũng đã phát biểu: “Mặc dù những lời lý giải có thể giả dối đến đâu, mục đích của luật vẫn là không thủ tiêu và hạn chế mà là bảo toàn và mở rộng tự do…. nơi nào không có luật, nơi đó cũng không có tự do”.

Tuy nhiên, môi trường để cho cá nhân công dân thực hiện được đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình trong quan hệ pháp luật với nhà nước là dân chủ.

Nhà nước dân chủ pháp trị coi nhiệm vụ của mình, sứ mạng của mình là bảo đảm tất cả các quyền tự do cho mỗi công dân cụ thể; không cho phép mình phục tùng bất cứ chuẩn mực nào đứng trên hiến pháp, dù là nhà vua hay đảng.

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản từng dõng dạc tuyên bố: “Giai cấp vô sản biến thành giai cấp thống trị, là giành lấy dân chủ”.

Chẳng nhẽ dân chủ là sự thống trị của giai cấp vô sản?!

Tiếc thay, tư tưởng của Tuyên ngôn này cũng đã được thể hiện rõ ràng trong giải thích của Từ điển Triết học Liên Xô: “… nền dân chủ chỉ tồn tại một cách thực tế đối với những đại diện của giai cấp thống trị”.

Thực ra, trong học thuyết dân chủ, vấn đề chính trị quan trọng không phải là vấn đề ai cầm quyền, mà là cách thức giám sát việc sử dụng nó. Vì không nhà cầm quyền nào không thể bị quyền lực mê hoặc nên vấn đề chính trị cơ bản không phải là ở chỗ giao quyền lực cho ai, mà thực ra là ở cách thức giám sát hữu hiệu nhất đối với quyền lực thông qua các thiết chế chính trị.

Ưu việt vì dân nhất của chế độ dân chủ là ở chỗ nó bảo đảm khả năng thiết lập sự giám sát đối với hoạt động của những người cầm quyền hay là của những cá nhân có chức quyền. Nó cũng đồng thời cho phép, trong trường hợp cần thiết, phế truất những người cầm quyền mà không sử dụng bạo lực.

Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ năm 1776 đã công bố rõ ràng: “Khi một hình thức chính phủ nào đó trở nên đối nghịch với các mục đích trên (bảo đảm quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân) thì nhân dân có quyền thay đổi hay phế bỏ chính phủ đó, và thiết lập một chính phủ mới, dựa trên nền tảng những nguyên tắc như vậy và tổ chức các quyền lực của mình theo hình thức nào để cho các quyền lực đó có khả năng bảo đảm an ninh và hạnh phúc cho họ nhiều nhất”.

Nhà xã hội học Đức hiện đại K. Popper phát biểu như sau: “Tôi hiểu dân chủ không là một cái gì đó không xác định, giống như ‘quyền lực của nhân dân’ hay là ‘quyền lực của đa số’, mà là một hệ thống các thiết chế (trong số đó đặc biệt là các cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu, tức là quyền của nhân dân bãi miễn chính phủ của mình), hệ thống cho phép thực hiện sự giám sát xã hội đối với những người cầm quyền và bãi miễn họ theo ý muốn của những người không cầm quyền, cho phép những người này đạt tới những cải cách vượt khỏi tầm của nhà cầm quyền mà không cần sử dụng bạo lực”.

Tự do, nếu không bị hạn chế, sẽ tự thủ tiêu bản thân mình. Quyền lực nhà nước cần thiết và có chức năng giám sát tự do, nhưng dân chủ càng cần thiết hơn để giám sát quyền lực nhằm bảo vệ các quyền tự do thiêng liêng chân chính của con người.

© 2006 talawas