trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 305 bài
  1 - 20 / 305 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
6.5.2003
Phan Thị Vàng Anh
?
 
Có một câu chuyện cười, rằng có một anh chuẩn bị đi thi môn Sinh vật. Anh có tới mấy giám khảo hỏi thi vấn đáp, và bài thì rất nhiều. Nhưng anh, không hiểu vì lý do làm sao, vì bận bịu hay vì đặc biệt ái mộ, mà lại chỉ chọn con bọ chét làm bài tủ để học. Vào phòng thi, giám khảo đầu tiên yêu cầu anh nói về mèo. Anh bảo, mèo thì con nào cũng có bọ chét. Và anh nói về bọ chét. Ðến giảm khảo thứ hai, ông này đề nghị anh nói về cá chép. Anh bảo, cá chép không có lông, chứ có lông thì ắt phải có bọ chét. Và anh lại nói về bọ chét... Ðại khái vậy, kết cục ra sao thì quên rồi, hình như nhạt nhẽo thôi. Nhưng thế cũng đã có chỗ cho tôi bấu víu vào. Ðó là năm nay, người ta nói tôi viết bài về ngựa. Năm nay là năm con ngựa - một con xa lạ với tôi về mặt tiếp xúc trực tiếp. Tôi ở gần hơn với một giống gần ngựa, cũng bốn chân, trung thành - con chó. Tôi sẽ viết về con chó vậy.

*

Có một người bạn gửi cho mấy trang kinh Phật, bảo tôi đọc đi mà biết kiếp trước mình là con gì, sau này mình là con gì, những con hiện nay đang ở cạnh mình xưa là gì, sau là gì.

Những trang kinh Phật đó thật là rắc rối. Có quá nhiều từ Hán Việt, lại thêm những mối liên hệ lòng vòng, khiến tôi, để nắm được, đã phải chép lại thành bảng biểu trên... Excel.

Ðại khái, theo những trang kinh Thủ Lăng Nghiêm đó, tôi biết rằng, những con chó mà nhà tôi đang nuôi đây, ở một kiếp xa xưa nào đó, bọn chúng là hạng người ưa bè phái, cấu kết. Chúng đã phải trả hết cái tội này trong những vạc dầu đâu đó nơi địa ngục trong ít hay nhiều kiếp. Rồi trước khi làm chó nhà tôi, bọn chúng đã phải trải qua một kiếp quỷ - truyền-tống-quỷ[1]. Kiếp quỷ hết, chúng mới trở về trần thế, làm nốt kiếp súc sinh, trả cho tôi cái món nợ nào đó, ở một kiếp xa xôi nào đó, đã có vay mà chưa có trả. Trả xong cái kiếp súc sinh rồi, những con chó cỏ này sẽ được làm người, lại là hạng người thông đạt, giỏi giang. Và đó cũng là số phận của bọn ngựa, của những "bọn quấn quít bên người" - như chữ của trang kinh viết.

*

Nghe nói ở Hà Nội, bây giờ người ta đã ăn thịt ngựa.
Thịt chó thì người ta đã ăn từ lâu, bất kể mức độ quấn quít bên người của con vật đó.

Tôi cũng ăn được thịt chó. Và quả thật, chẳng hề xúc động gì trước một đĩa thịt của một con chó mình không rõ mặt mũi, tính tình.

Nhưng một hôm, trên đường đi làm, đi sau một chiếc xe Honda có chở một cái lồng nhốt vài con chó, nhìn những con chó cỏ đăm đăm ngó ra đường - con đường đến lò mổ - làm tôi nhớ tới những con chó nuôi ở nhà. Làm sao chúng có thể ngờ một ngày kia, cái người mà chúng lẽo đẽo chạy theo từ cổng vào nhà, cái người mà chúng ngước lên nhìn yêu thương, không chớp mắt, lại có thể bán chúng vào lò mổ!

Người ta nói về việc ăn thịt chó với các sắc thái và động cơ khác nhau. Có người ăn mà chối bỏ việc này, có người xưng xưng nhận như một cách chứng minh nam tính, có người tỏ vẻ ghê tởm một cách theo thời và sang trọng, có người thờ ơ, có người hào hứng thật tình như hào hứng trước cua, tôm. Nhưng có nhiều người không thích ăn, không phải vì sợ đĩa thịt cụ thể trước mắt, mà chỉ vì nghĩ tới cái biểu tượng của lòng trung thành. Một khi người ta vẫn còn có thể làm thịt những biểu tượng một cách dễ dàng như thế, phải chăng người ta vẫn còn sơ khai, "dã man"?

Hồi trước tôi đọc báo, có chuyện một ông đầu bếp hạng sang được thuê nấu món cá ngân long với giá rất đắt. Ông không nấu, vì con cá đó là biểu tượng của sự phú quý, và giết nó lúc này không dừng lại ở giết một con cá nữa.

Nếu trao con cá đó cho một ngàn ông bán chó thịt, chắc cũng chẳng có ông nào dám giết, vì sợ rằng mình sẽ giết sự thịnh vượng của chính mình. Hoàn toàn khác với trường hợp những con chó, là biểu tượng của lòng trung thành. Ðó là chuyện của người khác, của những nền văn minh khác.

Và đó cũng đang là số phận của con ngựa, ở đây.

*

Số phận của con ngựa, so với số phận của con cáo, thì con nào là may mắn hơn?

Và tội dối trá, so với tội kết bè phái, thì tội nào nặng hơn?
Vẫn theo mấy trang kinh đó, thì loài cáo vốn là những kẻ (ở kiếp xa xưa nào đó) mắc tội dối trá. Còn bọn chó, mèo, và ngựa - như đã nói, là những kẻ mắc tội kết vây kết cánh.

Thế mà bọn cáo thoát được kiếp bị thuần hóa.
Quá trình thuần hóa, nghĩ cho cùng, thật là hai mặt của một tấm huy chương. Trong số muôn loài, tự nhiên có vài loài trở thành "nổi tiếng", đang lẫn lộn giữa rừng xanh, một hôm được một ông quần áo da voi tiền sử đưa về, để rồi từ đó được nhắc tới thường xuyên trên cửa miệng con người, dù là dưới khía cạnh đáng buồn (thịt heo chẳng hạn). Có loài được bàn tay người vuốt ve thường xuyên (như mèo, như chó). Có loài lên phim nhiều, vào tranh nhiều, có khi ngốn hết cả một đời ông Từ Bi Hồng (như ngựa).

Tôi cứ hay ngồi nghĩ lẩn thẩn, rằng cái tình bạn tiền sử đó khởi đầu là sao, có phải chính những con vật mà mình đang nuôi nấng/sử dụng/hành hạ/giết thịt... ngày nay, chính là những con vật đã đến gần đống lửa bên hang tiền sử nhất? Là những con vật dễ tin, thân thiện nhất... giữa đám dữ dằn cọp beo hay quá nhút nhát thỏ, rùa? Cái niềm tự hào được thuần hóa của chúng, (nếu chúng quả thật có tự hào về điều đó), thật đáng thương, như sự hớn hở của những chú cá heo sau màn xiếc nhảy lên nhận vài con cá lẻ làm phần thưởng, để rồi lại loanh quanh trong hồ, làm sao sánh được khi còn ở biển, hàng đàn, hàng đàn tung tăng đi theo tàu và tự do tuyệt đối để mà thể hiện tình yêu với mấy anh thủy thủ.

Cũng như vậy, cái niềm tự hào "đã thuần hóa được" của con người biết đâu cũng là một niềm tự hào tội nghiệp. Họ chỉ mang về hang được những công dân hạng nhàng nhàng của rừng xanh. Họ mơ ước hổ nhưng đành hài lòng với mèo. Họ thèm muốn sư tử nhưng đành chấp nhận với chó. Họ say mê công nhưng chỉ mang về được gà...

Nhưng trong bộ Ngón lẻ, có thể họ đã chọn được "công dân hạng nhất" là con ngựa.

Cái con khởi thủy chỉ lớn hơn con mèo, rồi cứ tiến hóa dần để to hơn, đẹp hơn, chạy nhanh hơn. Trong sách giáo khoa hẳn hoi, người ta nói, cho đến giờ, ngựa vẫn còn đang trong thời kỳ tiến hóa để tăng vóc. Nó không có cái vẻ hài lòng về không gian của mình như chó hay mèo, nó đầy đủ văn minh mà có vẻ vẫn giữ được tự do, nó lúc nào cũng làm con người phải dành lại một chút nghi ngờ vào khả năng của bản thân trước cái cụm từ "con ngựa bất kham" mà không ai dùng cho con mèo hay con chó.

*

Rồi,
Bây giờ đã rõ ra là tôi không biết gì nhiều về ngựa, đến nỗi thoạt tiên phải dùng con chó để nói thế chuyện con ngựa, và cuối cùng thì lại mượn chuyện con ngựa để mắng con chó.

Nhưng ít ra, tôi có biết một câu chuyện cổ về ngựa tôi nghe hồi bé:
Có một cô gái nhớ bố đang đi buôn đường xa. Mỗi ngày, cô ra vỗ về con ngựa "Tìm cha ta về cho ta, rồi ta lấy mi làm chồng." Con ngựa lên đường và một ngày kia dẫn ông bố về cho cô con gái.

Có bố về rồi, cô gái quên lời hứa. Mỗi ngày cho ngựa ăn, ngựa hí như nhắc nhở, nhưng cô gái, dĩ nhiên, mặc kệ ngựa hí.
Rồi con ngựa già, và chết. Người ta lột da nó phơi.
Một hôm, cô gái đi qua tấm da ngựa phơi trên hàng rào, chợt nhớ tới lời hứa, bèn vuốt lên tấm da và nói: "Tao nói đùa thế mà mày cũng tin à, làm sao tao lấy mày được, mày chỉ là ngựa thôi."

Vừa dứt lời, một trận cuồng phong nổi lên, và tấm da ngựa cuốn chặt lấy cô gái, bay đi mất.
Ðó là sự tích cái kén của con tằm.
Con tằm - có người từng nuôi tằm kể tôi nghe, khi sắp nhả tơ làm kén, thường ngỏng đầu trông hệt đầu con ngựa.

Chuyện con tằm thì nhiều, và nhà tôi cũng có trồng một cây dâu. Nhưng con tằm thì không nằm trong mười hai con giáp. Và như thế, tôi cũng chẳng thể viết về con tằm trong một tờ báo Xuân nào được, trừ phi tiếp tục phong cách bọ chét ở đầu bài, tôi sẽ viết về con tằm vào năm con dê là con vẫn hay ăn lá dâu, theo tích Tàu.

12. 11. 01

© 2003 talawas



[1] Trong lời cuối sách Kinh này, người dịch là thầy Tâm Minh Lê Ðình Thám cũng có nói: "Người học đạo không nên câu chấp các danh từ, các phân loại, v.v..., mà chỉ nên nghiên cứu về quan hệ nhân quả."Không phải là lười, nhưng quả thật cũng đã tìm hiểu mà tôi vẫn không biết cái tên của con truyền-tống-quỷ này nghĩa là sao.