trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 482 bài
  1 - 20 / 482 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcThơ và Thơ Trẻ
4.4.2006
Nguyễn Chí Hoan
“Ngữ pháp” của cảm giác
(Ðọc Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý, Thơ Nguyễn Thuý Hằng, Nxb Trẻ, 2006)
 
1. Dưới một cái tên chung, tác phẩm này chia làm 3 tập: “Cửa sổ đập”, “Cá thể ướt kỳ lạ” và “Do đó, nó lại đến”, gồm 153 bài với 56 tranh và ảnh hoặc đi cùng với phần chữ hoặc đứng riêng như tác phẩm độc lập. Cần phải nói ngay rằng khái niệm bài thơ như một hình thức tổ chức ngôn ngữ văn chương/ ấn tượng/ cảm xúc đặc thù và cho trước (mặc dù, ai cũng biết, về nguyên tắc thì hình thức đó là một hệ thống mở, rất linh hoạt) như ta quen hình dung thì đã biến đổi một cách hoàn toàn tự do và ngẫu nhiên trong tác phẩm này của Nguyễn Thuý Hằng, đến mức mà, theo chúng tôi, ở đây nên gọi đó là các phần của tập sách. Như vậy, tác phẩm này có 209 phần. Bên cạnh đó, hầu hết số hình ảnh hiện diện trong các tập sách này là những tác phẩm sắp đặt – một loại hình nghệ thuật thị giác cho đến gần đây vẫn chưa thật quen mắt với công chúng ở đây. Nghệ thuật sắp đặt được cho là nhằm hướng người xem vào chính cái hành vi gọi là sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ, vào sự phát hiện cái không gian thẩm mỹ nghệ thuật trong cái không gian thông thường hàng ngày (qua việc sử dụng chất liệu là những vật liệu, đồ vật thông dụng, thậm chí là vô dụng, tầm thường). Trên chiều hướng đó, loại hình nghệ thuật này bao hàm ý nghĩa là con đường/ quá trình đổi thay, biến đổi những phẩm chất thông thường đã biết thành những cái khác thường, kỳ lạ... Có thể coi đó là một thực hành “phép lạ” của thời hiện đại, phản ánh một cái mong muốn xa xưa mà vẫn trường tồn trong tâm trí con người ta về một năng lực/ cách thức làm chuyển hoá thế giới thực tại trong những quy mô rất gần gũi, thường ngày. Theo ý nghĩa đó, các tác phẩm sắp đặt ở đây – như những hợp phần của tổng thể tác phẩm này – cho thấy những dấu hiệu của một chủ đề trung tâm: sự biến đổi và cái khác lạ.

Các phần bằng chữ của tác phẩm này cũng biểu hiện một cách thức diễn đạt tương đồng với các phần bằng hình ảnh. Từ tập I (“Cửa sổ đập”) qua tập II (“Cá thể ướt kỳ lạ”), lượng những phần mang dáng dấp văn xuôi tăng lên rất nhanh và đến tập III (“Do đó, nó lại đến”) thì hầu không còn phần nào có dáng dấp một bài thơ nữa. Nhưng tất cả các đơn vị cấu thành những đoạn văn này, những đơn vị mà theo quy ước ta cứ coi như những câu văn / thơ ở đây thì vẫn nhất quán một cách diễn đạt: chúng đều diễn tả các ấn tượng và hành vi, các sự việc, sự kiện, sự vật / nhân vật nối tiếp nhau theo một cách có vẻ hoàn toàn ngẫu nhiên và rất ít biểu cảm.

Cũng xin lưu ý, các cái gọi là nhân vật ở đây chỉ là các dấu hiệu / ký hiệu chỉ sự có mặt của một người nào đó, hoàn toàn không phải khái niệm nhân vật ta quen dùng với văn xuôi kể chuyện.

Ðặt cạnh nhau trong một hành tiến ngôn ngữ có nhịp điệu, tất cả các diễn tả nói trên chủ yếu chỉ là sự vật và hành trạng nhân vật. Những diễn tả này nói chung là trắng về ngữ pháp và cú pháp, nghĩa là chúng không bị buộc phải tuân thủ các quy tắc thông dụng về câu và đoạn văn, cũng có nghĩa là chúng không đi theo những sự hợp lý thông thường của tri giác (cái mà ta nghĩ rằng ta tri giác một cách thông thường). Chúng trước hết là những tổ hợp sắp đặt các ký hiệu / dấu hiệu bằng ngôn ngữ.
Theo đó, ngôn ngữ của các phần bằng chữ của tác phẩm này không phải là ngôn ngữ từ chương văn học, cũng không phải là ngôn ngữ khẩu ngữ đã được văn–bản–hoá. Chúng là thứ ngôn ngữ có cả hai tính chất đó trong một cố gắng làm cho đơn giản một cách hiện đại, cố gắng chỉ là sự biểu hiện đơn thuần, chỉ là tên gọi đơn thuần của các sự vật, hành trạng và nhân vật. Theo chiều hướng đó, thứ ngôn ngữ này cố loại bỏ các ý nghĩa thông thường, giải thể các biểu tượng mà ngôn ngữ thông thường hay mô phỏng, tức là cố gắng làm cho câu chữ gần gũi hơn với sự vật được biểu hiện trong câu chữ đó. Tất cả những gì còn lại là một tập hợp khác, một sự sắp đặt khác trong đó ngôn từ đại diện cho vật thể / tình trạng và chỉ đại diện cho những thứ ấy mà thôi.


2. Vậy thì cái gì có thể cố kết chúng lại với nhau sau khi đã loại bỏ ý nghĩa, ngữ pháp và cú pháp từ chương?

Khá đơn giản: bởi chúng là ngôn ngữ, tức là một tập hợp ký hiệu mà bản chất là quy ước và quy tắc, cho nên chúng không thể vượt ra ngoài giới hạn của quy ước và các quy tác cố hữu được.

Biểu hiện trước hết của điều này là âm điệu của các câu và các ngữ đoạn. Ta hãy xem một vài ngữ đoạn ở ngay đầu phần “Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý”:

Ví dụ như: sáng chủ nhật, căn phòng 36m2 (----) cửa luôn mở (----) tủ lạnh chất đầy không khí + thuốc ho”.

Ðọc đoạn này lên, ta thấy âm điệu ngôn từ rất thuận tai (lưu ý: ta thực sự đọc “36m2” thành: ba mươi sáu / ba sáu mét vuông; dấu (+) tất nhiên ta đọc là: cộng) theo thang âm sáu thanh của tiếng Việt như sau: Sắc Nặng Không – Sắc Hỏi Nặng – Không Bằng (/ Huyền) Không Không Sắc Sắc Không – Hỏi Không Hỏi – Hỏi Nặng Sắc Bằng (/ Huyền) Không Sắc Nặng Sắc Không.

Theo thanh điệu thì các âm Không là chủ điệu cố kết các ngữ đoạn này thành một câu kép, trong đó hai âm Bằng / Huyền lần lượt đóng vai trò cao trào và thoái trào của hành tiến chuỗi âm điệu. Một thí dụ khác, phần số 35, trang 40, tập III:

“ăn cắp được 7 nắp cống. 1 và 2 3 và 4 5 6 và 7: mở nắp lên thấy tôi nằm dưới lỗ”.

Thanh điệu của phần này (đọc) cũng thuận tai: [1] Không Sắc Nặng Hỏi Sắc Sắc – [2] Nặng Bằng (Huyền) Không – [3] Không Bằng (Huyền) Sắc – [4] Không – [5] Sắc Bằng (Huyền) Hỏi – [6] Hỏi Sắc Không Sắc Không Bằng (Huyền) Sắc Ngã.

Ta thấy âm đoạn [1] giống như một chủ đề âm thanh, trong đó hai âm Sắc liền nhau gợi ý đó là một cấu tạo nhịp điệu (tức là có gắn kết, không đơn thuần là chuỗi ngẫu nhiên). Các âm đoạn [2], [3], [4], và [5] giống như những phân tích triển khai. Âm đoạn [6] là cao trào với sự lặp lại cặp âm Sắc – Không, chuyển ngay vào kết thúc qua âm Bằng (Huyền) khiến cho Sắc - Ngã ở cuối dịu đi về ấn tượng màu âm và gợi ý đã giải đáp / giải thể âm Nặng ở [1].

Tương tự như vậy, ta có thể thấy cả một đoạn liệt kê đồ vật (phần 37, trang 41, tập III) cũng đi theo một hành tiến âm điệu thuận tai, mở đầu bằng âm Sắc và kết thúc bằng âm Sắc, thông qua những đoạn âm có cấu tạo nhịp điệu (kể cả bằng các dấu ngắt câu) v.v...

Tính thuận tai ở đây được xác định dựa vào các mẫu âm hình câu thơ tiếng Việt cổ điển kể từ thất ngôn, ngũ ngôn, lục bát cho đến Thơ Mới và thơ tự do; bao gồm cả dạng thức của thể phú cổ hay phần ca từ của thể hát nói – những dạng thức mà âm hình kéo dài, chứa đựng nhiều ngữ đoạn nhưng vẫn đảm bảo một tính đăng đối linh hoạt về các thanh bằng thanh trắc.

Tính thuận tai như vậy gợi ý rằng các phần văn bản chữ của cả ba tập tác phẩm Thời hôm nay,... là dựa trên một tính chất căn bản của ngôn ngữ thơ và như vậy là có tính mục đích, có một diễn tiến hướng đích và tạo nên ý nghĩa.


3. Tuy nhiên, khía cạnh âm điệu và tính thuận tai là khía cạnh ít khi được người đọc lưu ý. Ngay cả những trường hợp quá trúc trắc / khổ độc về âm điệu thì trước hết người ta vẫn chú ý đến các kết hợp ngữ nghĩa nhiều hơn. Ở đây, phần văn bản chữ của tác phẩm này đưa ra những tập hợp từ ngữ có vẻ đầy ngẫu nhiên vô lý, thách thức cảm nhận thông thường, v.v... – nhưng chỉ là như vậy nếu ta xem chúng trong trật tự thường dùng của ngữ pháp và cú pháp. Trong khi đó, như chúng tôi đã nhận xét ở phần trước, những ngữ đoạn hay tập hợp ngữ đoạn – dài hay ngắn, có đầu / mối hay không đầu không đuôi, rời rạc – trong các phần văn bản chữ này nên được đọc như là những tập hợp của những biểu hiện của các sự vật, các hành trạng và các mối liên hệ cụ thể giữa chúng với nhau. Ðiều này đặc biệt có ý nghĩa đối với những phần văn bản có dạng gần như chuyện kể, chẳng hạn như phần 43, trang 46, tập III (“Tiếng thét trong lòng microwave”), “Cõng người lạ”, trang 105, tập II, “Vòng lục giác”, trang 19, tập II, v.v... Ngay cả ở dạng những câu chuyện như vậy thì chúng vẫn chủ yếu là một hỗn hợp ngôn ngữ - hình ảnh (hoặc hình ảnh, hoặc sự mô tả hình ảnh đơn thuần). Và ở đó, những mối liên hệ của các hình ảnh ngôn từ đó hầu như là cái duy nhất khiến cho chúng đem lại một ý nghĩa nào đó.

Thí dụ: Ở phần 43, tác giả kể việc “tôi” nấu trứng bằng lò vi sóng, rồi bỗng một lần như vậy, “tôi” ngủ quên, nghe có tiếng nổ khác thường trong lò và sáng ra thấy vết chân người đầy máu từ lò đi ra ngoài qua đường cửa sổ...

Mối liên hệ đáng kể nhất ở đây là liên hệ giữa quả trứng, cái lò, và cái dấu vết hình–như–là-của– người sau biến cố trong đêm đó. Mối liên hệ này gợi ý rằng đây là một hình ảnh ám ảnh về sự sinh đẻ (trứng – máu).

Nhưng ý niệm về sự sinh đẻ trong các ngữ cảnh của phần 43 này cũng như ngữ cảnh toàn tập lại bị hướng dẫn bởi nhiều mối liên hệ khác, giữa các sự vật và hành trạng khác, rất khác, mà có một điểm chung những mối liên hệ chuyển hoá, biến đổi – về trạng thái, về công năng, về hình dạng, về phẩm chất, v.v...

Ðó chính là tính hướng đích hàm ngụ trong hàng loạt những tập hợp của sự biểu hiện sự vật / hành trạng bằng ngôn từ, một sự biểu hiện hướng đến một mức độ thuần tuý cảm nhận / cảm giác. Ðó có thể là những chuỗi sự việc đứng cạnh nhau một cách vô lý, thậm chí vô nghĩa nhưng rốt cục mối liên hệ của chúng lại toát lên rất rõ ràng một ý muốn / một thực trạng thay đổi, đang biến đổi – như trong phần 108, trang 101, tập III (“Bàn”).

Về cái chủ đề Biến đổi, theo chúng tôi là chủ đề trung tâm của tác phẩm này, có thể thấy nó biểu lộ đơn giản và rõ rệt trong hình ảnh các tác phẩm sắp đặt, đặc biệt là các sắp đặt với dây thép và giấy ở tập III. Loạt sắp đặt này biểu hiện những biến dạng khác nhau của một (hình dạng) bộ mặt người, trong đó, hình hai con mắt có quá trình dịch chuyển thành hình người (đầu tiên là một, sau đó là hai người), đồng thời, sự chuyển dịch đó đưa hình gương mặt sang chỗ là một gợi ý về sự mang thai,... Nhân đây, xin nói thêm về thí dụ phần 43 (đã dẫn), trong đó gợi ý một ám ảnh về sự sinh đẻ chính là một gợi ý gián tiếp hơn nữa về sự Biến đổi, từ quả trứng thành con người – một người mới được tạo ra...


4. Như vậy, khi bỏ qua những ấn tượng về sự lộn xộn đầy vẻ vô lý, ngẫu nhiên về ngữ pháp và cú pháp trong sự biểu hiện bằng ngôn từ ở đây, ta có thể thấy chúng dựa vào những mối liên hệ khác mà ngôn từ cũng như hình ảnh vẫn thường biểu hiện. Ðó là mô tả thuần tuý về cảm giác và ấn tượng về sự vật. Cách làm này gợi ý hướng tới một mức độ tự do lớn hơn trong việc biểu lộ trí tưởng tượng, các liên tưởng của người sáng tác và do đó, các tầng lớp ý nghĩa mà một chủ thể tri giác không bao giờ tránh khỏi khi nó tri giác với đầy đủ ý thức.

Ở đây là rất nhiều những cảm giác xoay quanh một sự chú ý về Biến đổi. Nhưng khía cạnh nổi bật trong những cảm giác về Biến đổi ở đây có thể thấy là những cảm giác về một Cái chết đi trong Cái Ðang Sống. Ðó chính là khía cạnh mà nói chung người ta không thích vì nó đưa lại một cảm giác xa lạ.

© 2006 talawas