trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngĐại hội X và cải cách chính trị tại Việt Nam
8.4.2006
Hà Văn Thuỳ
Sự khốn cùng của trí tuệ
 
Vẫn nghĩ rằng, trong tình hình hiện nay, Dự thảo Văn kiện trình Đại hội X sẽ chưa có gì đột phá. Nhưng không ngờ nó lại cũ kỹ, bảo thủ đến vậy. Điều này chứng tỏ rằng những người chủ trương soạn thảo quá xa rời cuộc sống, bất chấp tâm lý nguyện vọng của nhân dân, coi nhẹ lợi ích dân tộc, không đại diện cho trí tuệ và nhân cách hàng triệu đảng viên. Vì trách nhiệm chung, chúng tôi xin chân thành góp đôi lời.


1. Chín điều lú lẫn

Chúng tôi nhặt sơ sơ từ bản Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội X ra 9 điều lú lẫn:

Điều lú lẫn thứ nhất: Tình hình thế giới và khu vực diễn biến hết sức phức tạp.

Không biết nằm mơ giữa ban ngày hay từ hành tinh khác vừa giáng thế mà người viết Dự thảo dám hạ một câu xanh rờn như vậy? Ai cũng biết rằng, sau cơn bão tài chính năm 97 mà Việt Nam chỉ bị bão rớt thì năm năm qua tình hình khu vực Đông Nam Á là ổn định. Do chính sách đổi mới đáng tin cậy nên uy tín Việt Nam với bạn bè được nâng cao. Tuy đôi lúc có căng với ta về tự do tôn giáo và nhân quyền nhưng các nước cùng các định chế tài chính vẫn áp dụng chính sách khá ưu ái với ta. Vốn đầu tư nước ngoài, viện trợ phát triển ODA tràn vào giải ngân không kịp… Phải nói là tình hình khu vực và thế giới rất thuận lợi cho ta, chưa bao giờ thuận như thế! Thuận như thế mà không biết tranh thủ thời cơ, lỡ nay mai khó thực thì xoay sở thế nào? Sự nhận định không đúng của Dự thảo thể hiện điều gì? Rõ ràng là thuận đà ca sáu câu trình độ thấp, thiên tai, dịch bệnh… từ một nghị quyết trước đó, người viết thiếu tỉnh táo “cóp” lại nguyên xi!

Điều lú lẫn thứ hai: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đây là việc làm không khả thi vì phản khoa học. Kinh tế thị trường tuân theo quy luật cung cầu, nó linh động mà đỏng đảnh như gió. Những nước tư bản với 300 năm làm kinh tế thị trường mà có nước nào dám nói đã hoàn thiện thể chế? Các nhà kinh tế tài giỏi nhất, lĩnh giải Nobel, nhiều lắm cũng chỉ có thể phát hiện ra 1-2 quy luật hay dự báo tương đối gần việc vận hành của nền kinh tế! Đường đi của kinh tế là con đường từ cuộc sống sinh ra, nó biến chuyển cùng cuộc sống, cực kỳ sinh động, cực kỳ sáng tạo. Nền kinh tế thị trường hoàn toàn tự do đã vậy, còn cái quái thai kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chưa ai biết mặt ngang mũi dọc của nó ra sao liệu có thể áp đặt cho nó một thể chế, một khuôn khổ được chăng? Việc gì Đảng phải gồng mình lên làm Thượng đế, tự giao cho mình một công việc không bao giờ làm nổi vậy? Việc gì phải làm cái việc mua dây buộc mình vậy?

Điều lú lẫn thứ ba: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc.

Không kể sự bất thông về ngữ pháp tiếng Việt thì câu trên là một núi mâu thuẫn, chứng tỏ một tư duy không lành mạnh.

Trong xã hội có nhiều giai cấp, ngoài sự độc lập thống nhất quốc gia là tài sản chung, thì quyền lợi các giai cấp không đồng nhất. Vì vậy, một khi đã đại diện cho giai cấp này thì không thể đại diện cho giai cấp khác. Lẽ cố nhiên, khi đã đại diện cho giai cấp công nhân thì không thể đại diện cho quyền lợi của giai cấp tư sản. Như vậy cũng không thể đại diện cho cả dân tộc! Xã hội là tổng hoà quan hệ giữa các giai tầng. Các quyền lợi thường mâu thuẫn nhau nên nhà nước sinh ra để điều hoà mối quan hệ này. Do vậy, bất cứ chuyên chế của một giai cấp nào đều phương hại đến giai cấp khác và phá vỡ cơ cấu xã hội. Để điều hoà mâu thuẫn này thì khi đã có đảng của giai cấp công nhân, cũng phải có đảng của giai cấp nông dân, của giai cấp tư sản, của trí thức… bênh vực quyền lợi cho họ. Các đảng này đấu tranh trong nghị trường hay dẫn quần chúng xuống đường để cuối cùng đạt được sự đồng thuận. Nói đảng của giai cấp công nhân lại đại biểu trung thành cho lợi ích nhân dân lao động và của dân tộc là cách nói lấy được, phản khoa học, lừa mị phi đạo lý của người cả vú lấp miệng em không cho ai cãi lại. Không phải người dân Việt dốt nát đến độ không nhận ra sự giả dối của ý tưởng đó. Nhưng do Đảng một mình một chợ nên người dân đành im miệng!

Điều lú lẫn thứ tư: Bảo đảm vai trò nền tảng và hạt nhân chính trị của tổ chức cơ sở Đảng.

Khẩu hiệu này không mới, ta đã thấy trong nhiều nghị quyết trước đây. Nhưng thực tế cho thấy đó là chuyện nói cho vui chứ không bao giờ thực hiện được. Trong quá khứ, thời hoạt động bí mật hay chiến tranh, tổ chức cơ sở Đảng với những đồng chí kiên cường, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp của Đảng và dân tộc, đã làm nên thắng lợi của cách mạng. Nhưng sự việc đã khác khi xây dựng trong hoà bình. Lúc này, tổ chức cơ sở Đảng biến thành nơi tước đoạt quyền dân chủ của đảng viên, đố kỵ nhân tài, thanh trừng những người trung thực, dung dưỡng kẻ bất tài cơ hội, trở thành nơi tha hoá đảng viên, bắt họ tuân phục những đầu lĩnh quyền lực. Tổ chức cơ sở Đảng ngày càng hư hỏng - hư hỏng một cách có tổ chức. Thống kê có đến 85% tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh nhưng cũng có đến ngần ấy phần trăm các vụ tham ô xảy ta tại những chi bộ, đảng bộ vững mạnh trong sạch! Cái tệ đoan mang tính nhất quán và hệ thống này nguy hại đến nỗi trên báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, số ra ngày 13/2/06, ông Võ Văn Thôn, nguyên giám đốc Sở Tư pháp thành phố đã kiến nghị: chỉ tổ chức chi bộ đảng ở địa phương. Đấy là một sáng kiến nhưng sẽ chằng bao giờ được áp dụng!

Việc giao quyền quá lớn cho cơ quan Đảng cấp tỉnh là một sai lầm nghiêm trọng. Chính đây là đầu mối nảy sinh tệ địa phương chủ nghĩa, thói cát cứ làm giảm hiệu lực của nhà nước trung ương, là màn chắn thực thi pháp luật, là cái nôi của tham nhũng tập thể… Trước thực tế như vậy mà Dự thảo vẫn: Bảo đảm vai trò nền tảng và hạt nhân chính trị của tổ chức cơ sở Đảng thì chỉ dẫn Đảng lao sâu xuống vực thẳm!

Điều lú lẫn thứ năm: Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng.

Hình như lối nói lấy được đã trở thành thói quen của các đảng cộng sản. Thói quen này hình thành từ thời Lenin, lên cực thịnh thời Stalin. Nhưng đó là điều cực kỳ dối trá vì đã nhốt hai phạm trù đối kháng với nhau như nước với lửa vào chung một rọ. Đã tập trung thì không thể có dân chủ. Còn dân chủ thực sự thì không chấp nhận tập trung. Nguyên tắc này được Lenin đưa ra trong một mưu toan đánh tráo khái niệm, mị dân và lừa đảo để tước quyền của đảng viên. Năm 1948, trong bản thảo tiểu thuyết Bác sĩ Zivago, văn hào Pasternak viết đại ý: “Chuyên chính vô sản có nghĩa là chuyên chính của giai cấp công nhân, nòng cốt của vô sản. Từ đó dẫn tới chuyên chính của đảng cộng sản, đội tiền phong của giai cấp. Chuyên chính của đảng tất dẫn tới chuyên chính của ban chấp hành, bộ chính trị và cuối cùng là của tổng bí thư. Như vậy là sau khi tiêu diệt dòng họ Romanov, Lenin đặt đít mình lên chiếc ngai của các Sa hoàng.”

Nguyên tắc tập trung dân chủ đã gây bao hệ luỵ cho Đảng Cộng sản Việt Nam và dân tộc Việt Nam. Dưới chiêu bài dân chủ, những người nắm quyền lực thao túng Đảng, biến đại hội thành tiểu hội, thực thi mưu đồ phe nhóm của mình như có lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp than phiền. Chính nguyên tắc này làm cho Đảng Cộng sản Việt Nam bị tha hoá mất dần trí tuệ và sức chiến đấu, trở thành vật cản bước phát triển của dân tộc. Vậy mà Dự thảo vẫn theo nếp nhà, xưng tụng nguyên tắc này thì quả là sự lú lẫn hết thuốc chữa!

Điều lú lẫn thứ sáu: Mở rộng quyền đề cử và tự ứng cử, giới thiệu nhiều phương án nhân sự để lựa chọn.

Vẫn biết công tác cán bộ quyết định sự nghiệp của Đảng. Nhưng ngoài “sáu câu” chung chung muôn thuở về phẩm chất cán bộ, Dự thảo chỉ đưa ra được phép mầu mở rộng quyền đề cử và ứng cử, giới thiệu nhiều phương án nhân sự để lự chọn. Nhưng đó chỉ là bó cỏ buộc vào càng xe trước mõm con ngựa! Anh có quyền ứng cử nhưng người bầu là của tổ chức, của cấp uỷ cũ. Tuân theo cái gậy chỉ huy, ai dám bầu cho anh? Một thời công thức trên cũng được áp dụng trong bầu Hội đồng Nhân dân và Quốc hội, nhưng rối người ta nhận ra ngay đấy chỉ là trò hề. Chúng tôi từng nghe câu chuyện cười ra nước mắt thế này: Trước Đại hội VI, ông trời con Lê Đức Thọ gọi Uỷ viên Trung ương Nguyễn Văn Linh đến nhà. Nằm duỗi dài người trên ghế đu, hạ cố nhìn thuộc cấp, ông thủng thẳng phán: “Khoá này bố trí đồng chí làm Tổng Bí thư!” Hiện trạng mất dân chủ nghiêm trọng trong Đảng chưa được khắc phục thì cái phép màu kia chỉ là chuyện nói giỡn, sẽ chỉ được thực thi qua loa chiếu lệ tốn thời gian, tiền bạc và chuốc thêm sự nhục mạ con người!

Điều lú lẫn thứ bảy: Củng cố, nâng cao chất lượng các cơ quan chuyên ngành về công tác tư tưởng, lý luận.

Thành tựu nổi bật của Cách mạng Tư sản Pháp là tách nhà thờ khỏi nhà nước. Nhưng hơn 200 năm sau cuộc cách mạng đó, những người cộng sản Việt Nam biến đạo cộng sản thành quốc giáo thống lĩnh tư tưởng toàn xã hội với hệ thống trường Đảng dày đặc, dạy đạo cộng sản cho 2 triệu tín đồ và hàng chục triệu người ngoại đạo. Trong các trường Đảng ấy, người ta dạy những tín điều quá chừng sai lầm và lạc hậu, chỉ dẫn tới kết quả duy nhất là ngu dân. Nhận xét về việc này, một vị giáo sư phải lên tiếng: “Đó là môn học thày không muốn dạy mà trò không muốn học.” Cùng với trường Đảng là hệ thống cơ quan tư tưởng văn hoá ngày càng phình to, ngày càng ôm đồm kiềm toả xã hội, cộng với cơ quan bảo vệ an ninh tư tưởng văn hoá đã không mở đường cho sáng tạo mà chỉ nhằm bóp nghẹt, đàn áp tư tưởng, nạo thai, trấn nước, bóp mũi tác phẩm văn chương. Giở lại lịch sử lãnh đạo văn hoá của Đảng thì thấy từ những người tù nổi tiếng như Thuỵ An, Nguyễn Hữu Đang, Vũ Thư Hiên, Bùi Ngọc Tấn, Hà Sĩ Phu cho đến những người bị hành hạ sát ván như Trần Dần, Phùng Quán… không có ai thực sự phản động. Họ chỉ là trí thức văn nghệ sĩ yêu nước muốn nói lên suy nghĩ xây dựng của mình. Đảng cũng thấy sai nhưng chưa hề có sự tạ lỗi thoả đáng với họ. Sau mỗi kỳ đại hội, cái công thức trên được tăng cường và dẫn đến tệ trạng: nền văn hoá dân tộc bị liệt kháng, mất khả năng tự bảo vệ chống lại hoạ xâm lăng văn hoá diễn ra hàng ngày.

Vấn đề hôm nay không phải là nâng cao vai trò của các cơ quan tư tưởng, lý luận mà đời thường hoá, cuộc sống hoá những công việc vốn rất sống động rất đời thường này để tự cuộc sống sáng tạo ra con đường của mình. Không phải trói buộc mà là cuộc cởi mở thực sự. Hãy tin dân, tin trí thức và trả lại cho dân những công việc vốn dĩ của họ.

Điều lú lẫn thứ tám

Dự thảo văn kiện cho thấy Đảng rất tự hào về thành tích lãnh đạo đổi mới của mình. Đấy là ngộ nhận tệ hại. Thực chất của đổi mới là gì? Là việc dân tộc bị đẩy tới đáy vực khốn cùng đã vùng dậy tháo gỡ những dây nhợ mà Đảng trói buộc: nông dân phá xiềng tập thể hoá, thương nhân xé rào cấm chợ ngăn sông, nhà sản xuất lỏn lẻn gỡ bỏ những cấm kỵ về chức năng kinh doanh, xin được quyền xuất nhập khẩu, he hé mở cửa với thế giới… Có thể mô tả hiện tình dân tộc Việt hai chục năm nay như sau: Cả dân tộc đi lên từ đáy vực khốn cùng, bước từng bước run rẩy. Trong khi đó, Đảng đối mặt với nhân dân (quay lưng về tiến bộ), một tay tháo gỡ những mắt xích không còn giữ được, một tay cố trì níu những mắt xích khác, miệng niệm thần chú quản tới đâu mở đến đấy! Và ở cuối cái chặng đường giằng co vật lộn, Đảng lui từng phân, dân lấn từng bước ấy; Đảng, theo truyền thống, một lần nữa lại cướp công của dân, tự thưởng huy chương cho mình, bắt dân vỗ tay tung hô sáng suốt!

Điều lú lẫn thứ chín

Có thể kể ra nhiều nhiều những điều lú lẫn khác trong bản Dự thảo nhưng chúng tôi xin tạm dừng để nói về điều lú lẫn tệ hại nhất: Kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Trước hết, đây là lầm lẫn lớn. Từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra mục tiêu độc lập dân tộc. Từ 30/4/75 mục tiêu đó hoàn thành. Tại sao, sau 30 năm sạch bóng quân xâm lược, đất nước thu về một mối mà Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội X vẫn còn ghi mục tiêu độc lập dân tộc? Nếu không phải yếu kém về chính trị thì người viết quá dốt tiếng Việt. Về tư tưởng Hồ Chí Minh: Cụ Hồ là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới. Rồi Cụ sẽ được phong thánh và bất tử trong lòng dân tộc Việt. Chúng tôi tin vậy nhưng cũng tin rằng không hề có cái gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh. Việc Cụ nhắc lời người xưa trong các bài viết bài nói là nhằm truyền bá tư tưởng của ông bà lại cho đồng bào. Chính Cụ cũng nói mình không hề có tư tưởng gì cao siêu cả. Việc “phát hiện” ra rồi xưng tụng cái gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh là không khoa học nên không thuyết phục. Điều ngộ nhận nhuốm màu sắc cơ hội chủ nghĩa này không những không làm vẻ vang cho Hồ Chí Minh mà còn gây phản cảm tai hại. Chúng tôi cũng tin rằng có những người mưu toan núp sau chiêu bài tư tưởng Hồ Chí Minh để chống Hồ Chí Minh, để che đậy những việc làm xấu làm ác của mình. Họ cũng từng làm biết bao nhiêu điều xấu điều ác nhân danh Đảng! Chúng tôi cho rằng, việc nên làm không phải là chế tác ra tư tưởng Hồ Chí Minh hão huyền mà là vạch ra ranh giới giữa chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc của Cụ với những gì Cụ mượn từ chủ nghĩa Mác-Lê nin như phương tiện đấu tranh giải phóng dân tộc.

Dù sao hai điều kể trên chỉ là chuyện vặt so với điều lú lẫn lớn nhất: kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa xã hội!

Lịch sử chứng tỏ, những người cộng sản đầu tiên của Việt Nam là người yêu nước, theo chủ nghĩa dân tộc. Họ thấy ở lý thuyết của Marx một công cụ khả dĩ giúp họ giải phóng dân tộc. Quả thật, công cụ đó đã tiếp thêm cho họ sức mạnh. Nhưng cùng với đà thành công của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thì học thuyết Marx đã biến dần từ phưng tiện trở thành cứu cánh, thành mục đích chiến đấu của Đảng. Dân tộc thành thứ yếu, thành công cụ phục vụ cho chủ nghĩa! Khi người ta dâng tất cả để tôn thờ chủ nghĩa (Tố Hữu) thì lá cờ đỏ sao vàng từ vị trí độc tôn nơi BÀN THỜ TỔ QUỐC với khẩu hiệu TỔ QUỐC TRÊN HẾT bị biến thành lá cờ phụ thuộc, tôi đòi trên kỳ đài! Khẩu hiệu TRUNG VỚI NƯỚC HIẾU VỚI DÂN thời cứu nước bị thay bằng TRUNG VỚI ĐẢNG ngày độc lập! Khi hoàn toàn nắm vận mệnh đất nước trong tay, một bộ phận người cộng sản đã tự cho mình quyền thực nghiệm những công thức cách mạng xã hội ngoại nhập làm tàn dân hại nước mà cả dân tộc từng cay đắng gánh chịu. Nhìn ra ngoài thì chủ nghĩa cộng sản gây vô vàn tội ác cho nhân loại: Để áp đặt ý tưởng tập thể hoá nông nghiệp, Lenin cho lính xả súng giết hàng nghìn Kulak rồi bỏ cho chết đói hàng triệu nông dân. Trong thời của Stalin, 30 triệu người bị giết và 30 triệu người bị lưu đày trong các trại cải tạo. Cuộc cách mạng của Mao Trạch Đông làm cho 75 triệu người chết vì bị giết hoặc vì đói. Pol Pot của Khmer Đỏ giết 2 triệu người. Chủ nghĩa cộng sản cũng gieo rắc sự giết chóc và tàn phá kinh hoàng trên lục địa Đen. Năm 1974 Mengistu Haile Mariam, thủ lĩnh marxist giết hàng triệu người Ethiopia. Mugabe ở Zimbabwe, Gaddafi ở Lybia đang cùm xích nhân dân đất nước họ trong vòng trung cổ. Lịch sử thống kê rằng, trong thế kỷ XX, có đến 150 triệu người bị giết theo lệnh của những người marxist. Simon Sebag Montefiore - “Quái vật mang tên Karl Marx” - Daily Mail 16/7/05. talawas 23/2/06. Chính vì thế mà ở hầu hết các nước từng một thời là đồn luỹ của chủ nghĩa Marx, nhân dân đã vùng lên chối bỏ tà thuyết tà giáo này. Cũng chính vì tội ác mà chủ nghĩa cộng sản gây cho nhân loại nên ngày 25/1/06, Quốc hội châu Âu ra nghị quyết 1481 lên án chủ nghỉa cộng sản phạm tội ác chống loài người! Nhiều đại biểu còn đòi đưa các nước cộng sản ra xét xử trước toà án quốc tế. Trước thực tế lịch sử như vậy, trước tinh thần, tâm linh của nhân loại như vậy mà chúng ta cứ khăng khăng kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin thử hỏi chúng ta có còn là Homo Sapiens – con người khôn ngoan? Chẳng lẽ trí tuệ của chúng ta không hơn con chuột chui sừng trâu sao?

Với 9 điều lú lẫn ở văn bản siêu quan trọng là Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội X, không thể không nói rằng, đó chính là sự khốn cùng về trí tuệ và nhân cách của Đảng Cộng sản Việt Nam.


2. Nguyên nhân của sự khốn cùng

Vạch ra sự lú lẫn của Dự thảo không khó. Điều khó hơn là chỉ ra nguyên nhân của sự lú lẫn ấy.

Nói Dự thảo Báo cáo Chính trị là sự khốn cùng về trí tuệ và nhân cách của Đảng Cộng sản Việt Nam là chính xác nếu văn kiện đó thực sự tập trung trí tuệ của toàn Đảng. Nhưng trên thực tế đó chỉ là sản phẩm của một thiểu số chóp bu trong Đảng, hoàn toàn không đại diện cho trí tuệ cũng như nhân cách của 2 triệu đảng viên. Từ lâu rồi, do cơ chế tổ chức và đường lối cán bộ phản khoa học, phản tiến hoá nên đảng viên bị tước mất quyền dân chủ. Hầu hết người trung thực dám có ý kiến riêng đều bị vô hiệu hoá hoặc thanh trừng. Trong Đảng là sự thắng thế của nhiều phần tử cơ hội xu phụ theo quyền và lợi. Vì vậy việc bầu cử đề bạt chỉ đưa lên hầu hết những phần tử cơ hội bất tài. Cơ quan chóp bu của Đảng là đỉnh cao của vòng xoáy ma quỷ ấy. Kết quả là Đảng khủng hoảng lãnh tụ, không có ngọn cờ đủ tài năng, đức hạnh và uy tín. Những nhân vật chóp bu làm việc theo lối trông chừng nhau, hoàn toàn không thể có sáng kiến cá nhân và không dám chịu trách nhiệm. Điều này tác động đến mọi hoạt động của Đảng. Từ đó dẫn tới cái quy trình chế tác Dự thảo văn kiện được vận hành một cách sai lầm:

Vị cai thầu là Gs. Ts. Nguyễn Phú Trọng cho gọi 70 Gs. Ts. tay em đến, giao nhiệm vụ: “Các đồng chí vinh dự được Đảng tin tưởng giao cho công việc cực kỳ quan trọng là dự thảo nghị quyết. Các đồng chí hãy mang hết tài năng của mình ra thực hiện nhiệm vụ. Đảng cho các đồng chí tự do sáng tạo trong 3 khuôn khổ sau: 1) Kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; 2) Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và 3) Đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng.” Các Gs. Ts. vốn được Đảng tín nhiệm, coi là kẻ ăn người ở trong nhà (lời của ông Hồng Chương đăng trên báo Nhân dân năm 1988), cắn quản bút trước giấy trắng, trên đầu gờn gợn vết xiết của 3 vòng kim cô. Những kẻ “học giả” bất tài thì yên tâm với sự chỉ đạo, cóp lại những điều tưởng còn xài được từ những nghị quyêt cũ đem xào xáo. Những người thực sự có tài có tâm thì tủi phận và đau đớn nhức nhối với vòng kim cô trên đầu. Nhưng vốn là kẻ ăn người ở, ăn cơm Chúa múa tối ngày nên cũng đành buông xuôi viết ra những điều mà chính mình không tin, chính mình cho là lú lẫn! Đó là kết cục tất yếu của cách ép buộc cuộc sống vận hành theo kiểu đặt chiếc cày trước con trâu!

Quy trình như vậy được lặp lại một cách hệ thống hết đại hội này đến đại hội khác. Và sự lú lẫn cứ tăng dần theo vòng xoắn ốc. Nhưng chúng tôi xin nhắc lại, đó hoàn toàn không phải là trí tuệ của đại đa số đảng viên. Trong họ nhiều người rất có tài rất có tâm đang ngày ngày cống hiến cho dân cho nước tại những vị trí nguy hiểm, gian nan nhất với mức hưởng thụ thấp nhất!

Bất hạnh là họ bị tước mất quyền dân chủ trong vòng quay nghiệt ngã của Đảng.

Sự việc sẽ hoàn toàn khác nếu việc dự thảo nghị quyết được vận hành theo quy trình tự do, dân chủ. Nếu thực thi quy trình này thì Giáo sư Nguyễn Phú Trọng phải là người đủ bản lĩnh nói với cộng sự: “Là trí tuệ và lương tâm của Đảng, Đảng hoàn toàn tin tưởng ở phẩm chất, trình độ của các đồng chí nên không có bất cứ hạn chế nào với các đồng chí cả. Các đồng chí có quyền và có trách nhiệm soạn thảo một cương lĩnh chính trị với mục tiêu tối thượng là đảm bảo độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cao nhất cho nhân dân. Để làm tốt công việc, tôi xin gợi ý: các đồng chí chia làm 3 nhóm theo tinh thần tự nguyện, chúng tôi không chỉ định mà các đồng chí tự cử ra nhóm trưởng của mình. Khi hoàn thành, chúng ta mở hội thảo để phân tích đánh giá công trình của từng nhóm. Sau đó chúng tôi sẽ công bố rộng rãi toàn văn ba bản dự thảo cùng những nhận xét chính của hội thảo để cho đảng viên cùng toàn dân góp ý rồi trưng cầu ý dân bằng bỏ phiếu kín. Phương án nào được đa số chấp nhận sẽ trở thành văn kiện chính thức trình Đại hội.”

Tôi tin rằng, với cách làm này, trí tuệ của 2 triệu đảng viên cùng hơn 80 triệu dân Việt cả trong và ngoài nước sẽ tạo ra một bản cương lĩnh tuyệt vời. Chắc rằng trong bản cương lĩnh được dân tộc chấp nhận, ngoài chủ nghĩa yêu nước sẽ không có bất cứ chủ nghĩa nào được kiên trì và cũng không có bất cứ đảng phái nào được độc quyền lãnh đạo đất nước.


3. Kết luận

Thoạt kỳ thuỷ, người yêu nước Việt Nam sử dụng chủ nghĩa Marx như một công cụ giúp họ giải phóng dân tộc. Nhưng do ma dẫn lối quỷ đưa đường, càng ngày cái phương tiện càng phình ra biến thành mục đích. Khi đất nước được độc lập thì cái chủ nghĩa ngoại lai nhập từ trời Tây xa lắc trở thành con quái vật cưỡi lên đầu lên cổ dân tộc. Với phương cách toàn trị, nó thu hút vào mình phần lớn trí tuệ của dân tộc Việt để huỷ hoại. Đồng thời nó cũng nuốt vào bụng toàn bộ năng lực vật chất của đất nước để tiêu phí và tham nhũng. Với những nanh vuốt siêu mạnh là quân đội, công an, là cảnh sát tư tưởng hùng hậu… nó cho mình vô địch.

Có người ngỏ điều lo lắng này cùng vị sư già. Với giọng trầm như gió thoảng, nhà sư nói:

“Trong kinh Đại Niết bàn, Đức Phật dạy: Sư tử trùng thực sư tử nhục. Chúa sơn lâm bá chủ núi rừng, không con vật nào cự nổi. Nhưng ăn thịt chúa sơn lâm lại chính là loài sán loài giun sinh ra trong bụng chúa sơn lâm!”

Sài Gòn Xuân Bính Tuất

© 2006 talawas