trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
10.4.2006
Trần Vũ
“Thịt sống” là hình ảnh thích hợp nhất với “Tre rừng” - Về truyện ngắn của Lynh Bacardi
Pierre Bùi thực hiện
 
Pierre Bùi: Thưa nhà văn Trần Vũ, được biết, anh là người đã gợi ý tựa cho truyện ngắn “Tre rừng” của tác giả Lynh Bacardi? Anh có thể nói lý do?

Nhà văn Trần Vũ: Vâng. Tựa ban đầu, “Khi nắng tắt sau bụi tre rừng”, theo tôi, không gọn. Cụm từ “Khi nắng tắt” đã được dùng nhiều như “Khi tan nắng” của Nguyễn Thị Ngọc Nhung. “Sau” và “bụi” mang công dụng duy nhất là gợi tính tò mò của độc giả, hàm ý đây là một câu chuyện vụng trộm, mờ ám, không lành mạnh. Tựa như vậy cổ điển trong khi truyện hoàn toàn không cổ điển. Tôi đề nghị với Lynh Bacardi lấy “Tre rừng” sẽ mạnh, cứng, nhọn, ám ảnh, hình tượng đập vào mắt hơn. “Tre” là một vật cứng, dài, cứa sắc, và “rừng” là một cái gì gai góc, hỗn độn, rối mù, nguyên thủy,… Tuổi trẻ thẳng tắp như một thân tre phải mọc và tồn tại giữa môi sinh phức tạp, hung hiểm. Lấy “Tre rừng” là đầy đủ ý nghĩa câu chuyện Lynh kể.

Pierre Bùi: Cũng được biết, Lynh Bacardi không phải là tác giả đầu tiên được anh góp ý về tác phẩm. Điều gì ở tác giả này đã gây cho anh ấn tượng?

Trần Vũ: Truyện Lynh viết cho thấy rõ cá tánh của cô. Đây là một ưu điểm vì Lynh tạo ra được một thế giới truyện của mình, riêng biệt, không trùng lặp với ai. Với “Tre rừng”, ấn tượng của tôi khi đọc là đang ăn một miếng cá sống như món sashimi Nhật Bản. Văn phong của Lynh trong truyện này vô cùng sống động. “Thịt sống” là hình ảnh thích hợp nhất với “Tre rừng”. Văn mạnh bạo, đậm đặc xúc giác, đầy mùi vị. Đọc truyện vừa cảm giác vị mặn, ngọt của thịt, vừa cảm giác vị chua, xon xót của một thứ gì rất đắng. Nhưng thành công nhất là ở cảm giác bất ổn, và trong cách xử lý thời gian liên tục, luôn luôn xẩy đến những chi tiết mới ở mỗi câu văn khiến người đọc sống trong chờ đợi một chuyện gì đó sắp xẩy ra. Mạch văn nhanh, thoăn thoắt và hình ảnh tiếp nối, hình này chồng lên hình khác. Kết hay. Đứng về mặt kỹ thuật như vậy là đạt.

Pierre Bùi: Truyện có một nhân vật nữ, trung tâm, khá lạ lùng; tuy nhiên, hình tượng này có đủ thuyết phục?

Trần Vũ: Lynh tạo ra được một nhân vật nữ vừa đĩ thõa vừa ngây thơ khiến người đọc quyến luyến, muốn tìm hiểu nhân vật, không khí sống sượng xen kẽ với không khí buồn bã bảng lảng. Cô viết truyện giống vẽ tranh Cực thực Dã thú, “Hyper réaliste à l’état brut” (rất khác với trường phái Cực tiểu, “Minimalisme”, mà cô đã chọn đi theo trong truyện „Con bé bịt mắt“). Thế giới của Lynh là một thế giới hỗn mang của xã hội Việt Nam bây giờ. Nhân vật nữ sống bất cần đời, nhưng lại vô cùng tình cảm. Giống Ðỗ Hoàng Diệu, Lynh Bacardi có khả năng đặc biệt đánh đồng tác giả với nhân vật, đánh đồng nhân vật với thân phận con người và đánh đồng con người với tình trạng đất nước.

Pierre Bùi: Anh cho „Tre rừng“ sẽ được tiếp nhận kiểu nào?

Trần Vũ: „Tre rừng“ của Lynh sẽ được chú ý vì rất xuất sắc, giống một lưỡi lam cạo râu đem gọt dứa. Lưỡi lam mỏng làm người gọt đứt tay mà trái dứa thì be bét… Truyện cực kỳ sống động, người đọc trông thấy cả một góc xã hội đang sinh sống, ăn, ngủ,… Lynh Bacardi có chất của Nguyễn Thị Thụy Vũ, nhưng táo bạo, mạnh dạn, liều lĩnh, và nhịp văn nhanh hơn Thụy Vũ. Vừa có chất dung tục của Nguyễn Thụy Long, kết hợp với nhân sinh quan của Bình Nguyên Lộc. Chắn chắn sẽ bị đánh giá là vô đạo đức ở Việt Nam, nhưng Lynh cùng với Nguyễn Ngọc Tư, một người bằng giọng Bắc di cư, một người bằng giọng Cà Mau, đang tái sinh thế giới của các nhà văn miền Nam. Tuy nhiên, nếu Ngọc Tư được khen ngợi nhiệt liệt vì viết đúng thuần phong mỹ tục và phù hợp với… đạo đức cũng như chuẩn mực xã hội chính thức, Lynh biết thoát ra khỏi thứ chuẩn mực chính thức này để làm loạn.

Pierre Bùi: Nhận xét của anh rất tinh tế, phong phú, và độc đáo. Anh có dự định viết một bài nhận định về truyện ngắn cũng như tác giả?

Trần Vũ: Tiếc là tôi không còn làm báo nữa để giới thiệu Lynh Bacardi, tuy tôi có góp ý truyện ngắn kế tiếp, chưa đặt tên, mà tôi tạm gọi là “Truyện hậu sản của một đất nước ung bướu”. Ðến truyện thứ 3 này, Lynh hoàn toàn khẳng định phong cách của cô, chuyên gia mô tả hiện thực của những làng ung thư, xóm ung bướu, nghĩa trang Ðồng Nhi, bằng một bút pháp phản hiện thực. Hy vọng nhà thơ mang linh hồn văn xuôi này sẽ tìm được một tổng biên tập đủ can đảm in truyện của cô trong nước.

Pierre Bùi: Cám ơn nhà văn Trần Vũ đã trả lời phỏng vấn.

Saigon, 07.04.2006

© 2006 talawas