trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
10.4.2006
Song Chi
Thật đáng sợ - Vài suy nghĩ nhân chuyện nhà văn Nguyễn Ngọc Tư bị Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cà Mau kiểm điểm vì truyện ngắn “Cách đồng bất tận”
 
Ðọc bài phỏng vấn ông Dương Việt Thắng - trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Cà Mau đăng trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 8.4.2006 và bài viết của thạc sĩ Vưu Nghị Lực - phó giám đốc Sở Vă hoá Thông tin Cà Mau đăng trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 9.4.2006, cảm giác đầu tiên của tôi là sự rùng mình kinh sợ và ngao ngán. Kinh sợ và ngao ngán vì đến thời điểm này rồi mà người ta vẫn còn có những cách đọc như thế, cách phê phán như thế, cách ứng xử như thế với một nhà văn. Tôi không muốn trích dẫn ra đây những câu phê phán tác giả và truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” của hai nhân vật trong hai bài báo trên, cũng như cách hành xử của cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau khi đề nghị Hội VHNT tỉnh phải “kiểm điểm tác giả một cách nghiêm khắc”, phải “tạo điều kiện cho nhà văn nâng cao nhận thức nghiệp vụ chuyên môn chứ như hiện nay Nguyễn Ngọc Tư chỉ mới học xong lớp 11” nên viết sai lệch, viết tầm bậy, hoặc như lời ông Dương Việt Thắng, “có ý kiến còn đòi bài trừ, trục xuất nhà văn ra khỏi địa bàn”... Nếu đây là thời điểm của mấy mươi năm trước thì còn có thể hiểu được, nhưng đây là năm 2006 rồi, vậy mà người ta vẫn suy nghĩ và ứng xử với nhà văn như vậy đấy. Ðã là thế kỷ thứ 21, đã hơn 30 năm kể từ khi thống nhất đất nước và hai mươi năm từ khi Ðảng và Nhà nước Việt Nam tuyên bố đi theo con đường “đổi mới”, nhưng thực tế đã cho thấy sự “đổi mới, cởi trói” đó chỉ mới được áp dụng một cách rất nhỏ giọt trong lĩnh vực kinh tế, còn về mặt chính trị, tư tưởng thì chẳng thay đổi gì. Có thể được phép làm ầm ỹ, tung hô hết mức những cuốn nhật ký kiểu như Nhật ký tuổi 20, Nhật ký Ðặng Thuỳ Trâm… nhưng mọi cách viết khác, “chệch hướng” khỏi nhiệm vụ “giáo dục và định hướng, nói về cái tốt trong xã hội” mà người ta định ra cho VHNT, cho những người sáng tác... là không thể được. Người ta kêu lên rằng cái truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” này không có tác dụng giáo dục xã hội, giáo dục con người, phản động, xuyên tạc thực tế xã hội, hay“có mặc cảm tính giao bệnh hoạn” (chữ dùng của ông Vưu Nghị Lực), người ta lo sợ rằng giới trẻ mới lớn lên đọc cái truyện ngắn này sẽ hoài nghi vào xã hội... Vậy tất cả những chuyện tiêu cực, tham nhũng, bất công, những vụ bê bối động trời như vụ PMU vừa qua, những con người như Lương Quốc Dũng trong vụ bê bối dính tới gái vị thành niên trước kia hoặc Bùi Tiến Dũng trong vụ PMU... được phơi bày nhan nhản hằng ngày có làm cho giới trẻ hoài nghi về xã hội hơn gấp nhiều lần là do đọc một cái truyện như “Cánh đồng bất tận” không?

Muốn có một nền VHNT phát triển phong phú thì phải có một môi trường sáng tác lành mạnh, tự do. Với một môi trường sáng tác vẫn còn quá nhiều điều bị kiểm duyệt, không được cho phép hoặc tệ hơn là sẵn sàng chụp mũ, quy kết, kiểm điểm, lên án... tác giả và thu hồi, cấm in ấn, cấm phổ biến, cấm thể hiện... đối với tác phẩm như vẫn đang xảy ra ở Việt Nam, liệu có thể có một nền VHNT phát triển phong phú và lành mạnh được không? Câu trả lời đã quá rõ. Ðòi hỏi người sáng tác phải có những tác phẩm “gan ruột”, nói lên nhiều chiều kích khác nhau của hiện thực cuộc sống, nhưng đừng quên rằng cũng phải có một đối tượng người đọc người nghe tương xứng. Nếu vẫn còn có những cách đọc chỉ muốn VHNT có một chiều, một dòng sáng tác, một kiểu “mặc đồng phục tư tưởng” như VHNT ở miền Bắc trước năm 1975 và sẵn sàng chụp mũ, quy kết mọi cái gì khác thì đừng mong sẽ có được những tác giả dám sống và viết những điều mình nghĩ. Mọi biểu hiện khen hoặc chê quá mức tác phẩm, “chê cho nó chết” mà “khen cũng là khen cho nó chết”, như đã từng xảy ra với một số tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ trẻ Ðỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Thuý Hằng... đều là những biểu hiện bất bình thường phản ánh một môi trường sinh hoạt văn học nghệ thuật bất bình thường, chỉ có trong một quốc gia không có nền tự do dân chủ thật sự trong sáng tác. Và bây giờ là trường hợp Nguyễn Ngọc Tư với “Cánh đồng bất tận”.

Một nhà văn nữ như Nguyễn Ngọc Tư, sinh ra và lớn lên ở một vùng đất xa xôi tận cùng đất nước, sáng tác trong điều kiện “một tay viết một tay bế con hoặc nấu cơm, ngồi viết trong tiếng máy chạy đều đều của những con tàu chạy ngang qua nhà”, rất có ý thức rằng văn học là một cái gì đó tuy lớn lao thật nhưng không phải lớn đến nỗi chị phải hy sinh những cái cụ thể mà mình đang có: gia đình, chồng con, cuộc sống êm đềm ổn định bình thường hằng ngày..., như trong những lời chị đã từng phát biểu trong các bài phỏng vấn báo chí, thì liệu một sự cố như thế này có làm cho chị chùn tay lại mà không dám viết bất cứ cái gì nữa không? Viết để làm gì khi mà phải bị kiểm điểm, bị phê phán dữ dội trong một số bài viết như của thạc sĩ Vưu Nghị Lực, thậm chí còn bị đe doạ “bài trừ, trục xuất nhà văn ra khỏi địa bàn”?

Và cuối cùng, điều mà tôi muốn nói đến ở đây là thái độ rất trịch thượng của ai đó khi nhắc đến việc nhà văn Nguyễn Ngọc Tư có nhận thức tư tưởng và nghiệp vụ chuyên môn non kém vì chỉ “mới học xong lớp 11 mà thôi”. Có ai quy định rằng để trở thành một nhà văn, nhà thơ cần phải tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ không? Tất nhiên, để có thể đi lâu dài và đi xa trên con đường sáng tác, việc có một nền tảng văn hoá dày dặn, có một kiến thức sâu rộng là một điều kiện không thể thiếu. Nhưng điều đó không có nghĩa là chỉ có một con đường thu nạp kiến thức duy nhất qua trường lớp, học hành, tốt nghiệp bài bản. Cũng có nghĩa là đừng nên đánh giá trình độ con người - cụ thể ở đây là người sáng tác, qua bằng cấp!

Câu chuyện này chỉ lại thêm một lần nữa chứng minh rằng sống làm một người dân bình thường ở xứ mình đã khó, làm một người sáng tác ở xứ mình càng khốn khổ hơn nhiều!



Song Chi, đạo diễn phim, hiện sống tại Sài Gòn.

© 2006 talawas