trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 97 bài
  1 - 20 / 97 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcLý luận phê bình văn học
17.4.2006
Trần Quang Đạo
Lí luận phê bình văn học trong mùa lá rụng
 
Tôi không có ý định tách lí luận phê bình văn học ra bằng một dấu phẩy ở giữa, bởi vì, theo thiển nghĩ của tôi, thì người làm lí luận văn học đúng nghĩa, trước hết phải là người làm phê bình, từ phê bình tác phẩm cụ thể cộng với nhiều khả năng tổng hợp từ nhiều nguồn thu nạp, nhờ một bộ óc sáng tạo khác người mới đúc rút ra lí luận được. Cũng tương tự, người làm phê bình văn học phải có lí luận mới thực sự phê bình được tác phẩm văn chương, nếu không cái sản phẩm anh ta cho ra đời chỉ là một mớ hổ lốn, nhà văn và bạn đọc quay mặt đi không tiếp nhận. Tuy nhiên, tùy theo khả năng, sở trường sở đoản của từng người mà người này trở thành nhà lí luận, còn người kia trở thành nhà phê bình văn học. Nói vậy để tôi có cơ sở nhìn nhận tình hình lí luận văn học nước nhà thời gian qua trên một sự biện chứng qua lại trong tự thân của ngành này, ngỏ hầu góp một số ý kiến, đánh giá với nền lí luận phê bình văn học đang đặt ra nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp rõ ràng.


1. Nền phê bình văn học và cơ sở tạo dựng nên nó

1.1. Bất cứ một nền lí luận phê bình văn học đáng giá nào cũng được xây dựng trên một cái nền tư tưởng, mà cụ thể là triết học. Có nghĩa là triết học trang bị cho nhà lí luận phê bình một hệ tư tưởng và một phương pháp tư duy cũng như một cảm quan nghệ thuật, từ đó họ vận dụng nó để mổ xẻ tác phẩm văn chương và lập thuyết luận lí. Trong thực tế, có những nhà triết học đồng thời cũng là nhà lí luận phê bình văn học và nhà văn. Họ là những con người xuất chúng, tuy nhiên, trên thế giới số đó chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Còn đại đa số các nhà lí luận phê bình văn học đều phải dựa vào một tư tưởng triết học có sẵn để làm chỗ dựa trong quá trình hoạt động sáng tạo nghề nghiệp.

Con đường hình thành và phát triển các hệ tư tưởng của xã hội loài người trải qua nhiều giai đoạn, từ thô sơ đến hiện đại, khoa học. Trong bước đường phát triển của nó, có những tư tưởng triết học lạc hậu, thậm chí sai lệch hay hoang tưởng, và đương nhiên, ngược lại có những tư tưởng triết học mở ra chân trời mới trong nhận thức vũ trụ, cuộc sống, xã hội…, đem lại một sự phát triển đáng kể cho loài người trong tiến trình vận động của mình. Nhưng dù là tư tưởng triết học thô sơ, lạc hậu hay tiên tiến thì khi nó ra đời cũng để lại dấu ấn trên nhiều phương diện, trong đó có văn học qua các thời kì lịch sử. Bởi vì văn học là tấm gương phản ánh tâm trạng xã hội một cách gián tiếp nhưng trung thực nhất, thông qua cảm quan nhạy cảm của nhà văn. Trong khi đó các nhà lí luận văn học lại đúc rút từ cảm quan, tâm trạng nhà văn, tâm trạng xã hội qua tác phẩm, nâng cao để đưa thành vấn đề lí luận, rồi từ đó ném vào cuộc sống văn học đang trên đường vận động, nhằm hướng dẫn một số đối tượng nhà văn nào đó và bạn đọc trong sáng tác cũng như tiếp nhận văn học. Những luận lí mà các nhà lí luận văn học đưa ra vì thế tùy thuộc rất nhiều vào tư tưởng triết học đang thu phục anh ta. Trên thế giới từ xưa đến nay có nhiều học thuyết, nhiều tư tưởng nảy sinh, phát triển, nên tình hình lí luận văn học cũng theo đó mà sinh sản, phát triển rồi mai một đi theo qui luật khắc nghiệt của cuộc sống. Còn nhà phê bình, đương nhiên là một trong những thành tố của xã hội, trên lưng họ cũng mang một cái mai rùa định mệnh như những người làm công việc sáng tạo khác. Những luận thuyết, luận lí mà nhà lí luận phê bình đưa ra vì thế cũng chịu một sức ép khắc nghiệt từ nhiều phía tiếp nhận và thời gian. Sự phá sản hay tạm thời đứng vững của nó không ít khi là do sự can thiệp ngoài đời sống văn học.

1.2. Nền văn học Việt Nam từ khi ra đời đến nay đã trải qua nhiều thời kì phát triển, mỗi thời kì đều phải đi qua cửa của hệ tư tưởng chính thống mới mong khai sinh một cách chính thức theo con đường hợp pháp. Thông qua hệ tư tưởng chính thống, những sáng tác của nhà văn được chấp nhận, rồi từ đó đi vào bạn đọc. Từ khi văn học viết ra đời, do chế độ xã hội của ta đã rập khuôn theo chế độ xã hội của phong kiến Trung Quốc, nên hầu như tất cả những hệ tư tưởng đã, đang tồn tại lúc đó đều hiện diện ở nước ta. Trong thời kì dài đằng đẵng của chế độ phong kiến, những tư tưởng lúc này lúc khác thống trị xã hội là Phật giáo, Nho giáo và Lão- Trang. Những tư tưởng này khi vào Việt Nam có nhiềi lúc “đồng nguyên”, nhưng rồi tư tưởng Nho giáo dần thắng thế. Những nhà văn của chúng ta thời đó đa phần là những người ở “bậc trên”, được học hành và có địa vị trong xã hội, quyền lợi của họ gắn liền với quyền lợi của giai cấp thống trị, vì thế sáng tác của họ phục vụ cho giai cấp thống trị. Một số ít nhà văn khác có những sáng tác không theo con đường chính thống, hay tố cáo xã hội đương thời, nhưng cũng đều lấy tư tưởng Phật, Nho hay Lão- Trang làm gốc cho tư tưởng tác phẩm của mình. Tuy nhiên, đối với những nhà văn tài năng như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Trần Tế Xương… tuy có những ảnh hưởng các tư tưởng trên song với tài năng và sự nhạy bén cảm quan của mình đã viết nên những tác phẩm mà tư tưởng vượt tư tưởng thời đại mà họ đang sống.

Trong thời kì phong kiến, ở nước ta, lí luận văn học nhìn chung không phát triển thành một ngành riêng biệt như hiện nay. Lúc đó các nhà văn thường phát biểu quan niệm sáng tác của mình, lúc thì bằng những câu văn, lúc thì bằng những câu thơ. Ðó là những phát biểu mang tính lí luận đầu tiên ở ta. Nhưng những câu phát biểu về quan niệm văn chương đó cũng không thoát khỏi trường ảnh hưởng của những câu phát biểu về văn chương của các nhà văn Trung Quốc. Còn phê bình thì được chú trọng hơn. Ðầu tiên bắt nguồn từ những “chiếu” xướng họa của các nhà thơ, dần dần phê bình (chủ yếu là khen) đã được hình thành, có những bài được ghi lại bằng văn bản, còn lưu giữ đến ngày nay. Lấy những lời bình luận, giới thiệu Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi khi sưu tập lại ta sẽ thấy rõ điều đó. Những lời giới thiệu, bình luận của Dương Bá Cung, Nguyễn Năng Tĩnh, Ngô Thế Vinh về Quốc âm thi tập rất hay. Từ năm 1833 Nguyễn Năng Tĩnh đã viết được những lời bình về thơ Nguyễn Trãi như thế này thì thật đáng khâm phục: “văn chương của tiên sinh tinh vi, thâm thuý, rộng rãi, chính đáng, cứng rắn là tiên sinh rèn luyện và phát huy được. Tiên sinh vốn không có ý đúc chuốt văn chương, nhưng một khi lời nói thổ lộ đều sáng sủa, đẹp đẽ, mạnh mẽ, dồi dào không có cái gì có thể che lấp được”. Còn Ngô Thế Vinh vào năm 1868 đã bình thơ Nguyễn Trãi là thơ “có đủ sức để sửa sang việc đời”, văn chương của ức Trai “gốc ở tính tình, học vấn, cũng chẳng đợi ai tán dương rồi mới làm sáng tỏ”…Như vậy, chúng ta thấy nền phê bình văn chương ở nước ta thời phong kiến đã ra đời và có những thành tựu đáng ghi nhận. Còn về mặt lí luận văn học thì nhìn chung đang còn vắng bóng; các nhà văn là những người đầu tiên đã có ý thức phát biểu lí luận sáng tác, tuy đang ở mức độ sơ khai, chưa có hệ thống và lập thuyết cụ thể.

Thời thuộc địa thực dân Pháp, nền lí luận phê bình bắt đầu phát triển và dần trở thành một chuyên ngành riêng, song song phát triển cùng sáng tác văn học. Lúc này các nhà Tây học tiếp thu thành tựu lí luận văn học của Pháp cũng như tiếp thu triết học và các tư tưởng phương Tây, nhào nặn nó để đưa ra những lí thuyết sáng tác. Bên cạnh đó nhiều nhà văn, nhà lí luận Mác- xít đã lấy triết học Mác- Lê- nin và lí luận văn học xã hội chủ nghĩa làm hạt nhân, dựa vào tình hình văn học nước nhà để đưa ra lí luận văn học, nhằm hướng dẫn người sáng tác và bạn đọc. Ðã có cuộc tranh luận sôi nổi về mặt lí luận văn học giữa hai phái nghệ thuật vị nghệ thuật nghệ thuật vị nhân sinh mà đại diện của nó là giai cấp vô sản và giai cấp tiểu tư sản.

Khi cách mạng tháng Tám thành công đến thời kì đổi mới năm 1986, về lí luận văn học, chúng ta rập khuôn nền lí lận văn học Liên Xô, xếp tác phẩm văn học và nhà văn dựa trên phương pháp sáng tác. Từ phương pháp sáng tác, nhà văn và tác phẩm mà họ sáng tác ra được qui về các “rọ”: Lãng mạn, hiện thực phê phán, hiện thực xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, các nhà lí luận văn học qui văn học về nhiều “tính”: Tính đảng, tính nhân dân, tính giai cấp và đề ra cho văn học nhiều chức năng như: Giáo dục, định hướng, thẩm mỹ… Trong một khoảng thời gian khá dài, các nhà văn của chúng ta đã sáng tác theo phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa. Có nhiều tác phẩm văn học ra đời từ phương pháp sáng tác này gây được xúc động cho người đọc. Song cũng có nhiều tác phẩm viết theo công thức, khô cứng, hô hào khẩu hiệu và đặc biệt là có quá nhiều tác phẩm giông giống nhau, làm cho nền văn học trở nên đơn điệu.

Từ khi đổi mới, trong xu thế cởi mở, chúng ta được tiếp xúc khá nhiều với nền lí luận văn học phương Tây, từ đó chúng ta biết thêm nhiều điều mới lạ. Những nhà văn là những người nhạy bén nhất đã khơi mào cho cuộc lột xác nền văn học mà người có công đầu tiên là nhà văn Nguyễn Minh Châu. Sau phát biểu của Nguyễn Minh Châu và những sáng tác thể nghiệm của mình, nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến rút ra bản chất nền văn học xã hội chủ nghĩa là nền văn học “phải đạo”. Phát biểu của Nguyễn Minh Châu và Hoàng Ngọc Hiến đã gây lên một cú sốc cho giới lí luận và bạn đọc. Những ý kiến tranh luận nảy lửa đã xảy ra. Nhưng từ đây, các nhà lí luận phê bình bắt đầu giật mình. Tất cả lí thuyết mà các nhà lí luận đưa ra từ trước đến nay bị coi là lỗi thời, nền lí luận văn học “tụt hậu” làm cho họ cuống cuồng tìm nguồn bổ sung. Cũng nhu trước đây, các nhà lí luận phê bình thông thạo ngoại ngữ, hay những người chưa thông thạo ngoại ngữ thì đi học tiếng Anh để tìm các nguồn sách lí luận văn học xuất bản ở Anh, Mĩ và các nước phương Tây để dịch hoặc men theo đó để viết những bài báo hoặc cuốn sách lí luận tung ra thị trường. Nhờ những người làm lí luận văn học mà nhà văn, bạn đọc biết được tên tuổi và những luận thuyết lí luận của các nhà lí luận văn học phương Tây.

Tuy nhiên, với những gì giới lí luận văn học đã làm trong thời gian gần đây không đem lại được sự hài lòng cho cả bản thân họ cũng như các nhà văn. Các nhà lí luận phê bình văn học đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, và nhà nước đã thành lập Hội đồng lí luận văn học, nhưng tình hình vẫn chưa có đường ra. Chính các nhà lí luận phê bình đã thốt lên rằng, lí luận văn học đang có nhiều “vấn nạn”.

Tóm lại, nước ta có một nền lí luận văn học biên dịch. Nền lí luận biên dịch đó đã có những tác động không nhỏ vào sự sáng tác của nhà văn để họ cho ra đời nhiều tác phẩm mang tính giáo dục. Còn bản thân nhà văn vốn là nhà lí luận phê bình không lộ diện đã luôn là người đầu tiên “kích nổ” trái bom trên sân lí luận phê bình, để làm cho những nhà lí luận phê bình chạy tán loạn tập hợp đội ngũ ứng phó.


2. Lí luận phê bình và nhà văn hay chuyện con gà mái và quả trứng

2.1. Quả trứng có trước hay con gà mái có trước là câu chuyện gây bàn cãi từ lâu nhưng không bao giờ đi đến hồi kết. Chuyện này đem ứng vào lí luận phê bình và người sáng tác thật đúng. Bởi vì lâu nay nhà lí luận văn học luôn cho rằng người sáng tác văn học phải sáng tác trên một nguyên lí mà nhà lí luận phê bình đưa ra. Và chỉ nhà phê bình mới thực sự chỉ ra cho nhà văn một cách đúng nhất nhà văn đó sáng tác theo phương pháp sáng tác nào. Ðây là một vấn đề đã có thực tế kiểm chứng từ nhiều năm nay. Cụ thể là nhà văn chúng ta trong một thời gian dài sáng tác theo phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa mà các nhà lí luận văn học đã đưa ra, ít có sự chệch hướng, mà nếu có sự chệch hướng thì lập tức được uốn nắn kịp thời ngay. Và cuốn sách nào viết thật sự đúng phương pháp sáng tác trên, và có tác dụng giáo dục kịp thời sẽ được các nhà lí luận phê bình tung hô rầm rộ. Sự thắng thế trên thửa ruộng độc canh một phương pháp sáng tác đã làm cho các nhà lí luận phê bình ngất ngưỡng vỗ bụng bằng lòng, không cần nhìn sang thửa ruộng của nhà hàng xóm xem họ cấy trồng bằng nhiều loại giống và cho ra nhiều sản phẩm phong phú như thế nào. Chính vì vậy, những người thưởng thức và bản thân các nhà phê bình khi phân tích tác phẩm văn học cũng đi theo đường ray mà phương pháp sáng tác đã vạch sẵn. Nếu tác phẩm đó thật sự có “tầm nhìn xa”, thật sự “gieo mầm” trong lòng bạn đọc một khoảng trời hửng sáng hay một mầm sự sống mới thì đó là tác phẩm tốt, nếu chưa làm được điều đó thì ngược lại. Ðó còn là cẩm nang trang bị cho học sinh cấp ba, giáo viên dạy văn và nhiều đối tượng thưởng thức hoặc hành nghề văn học… Như vậy đích thị là nhà văn phụ thuộc vào lí luận văn học.

Còn không ít nhà văn thì cho rằng lí luận phê bình luôn ăn theo tác phẩm của họ. Họ lập luận, nếu không có tác phẩm văn học thì nhà lí luận phê bình thất nghiệp. Xung quanh những lí lẽ này đã từng nảy sinh ra nhiều chuyện bi hài trong giới sáng tác và lí luận phê bình văn học. Và đương nhiên các nhà văn luôn cho rằng, lí luận phê bình không theo kịp sáng tác, thậm chí người làm lí luận phê bình nhiều khi không hiểu ý đồ sáng tác của nhà văn. Với những phát biểu như thế hoặc tương tự thế đã làm nảy sinh ra những cuộc bút chiến và khẩu chiến giữa nhà lí luận phê bình và nhà văn. Có nhiều nhà văn và nhà lí luận phê bình vốn là bạn thân mà phải từ mặt nhau hay coi nhau như tình địch.

Như vậy vấn đề con gà mái và quả trứng xem ra vẫn là câu hỏi không có lời giải đáp, vì nhà văn và nhà lí luận phê bình không bên nào chịu bên nào.

2.2. Dẫu sao thì nhà lí luận phê bình và nhà văn vẫn cùng ở chung trong một cơ thể sống là văn học. Tất cả những phát biểu của nhà văn hay nhà lí luận phê bình văn học cuối cùng đều nhằm đúng nỗi đau của mỗi bên mà rơi xuống. Bởi vì nói cho cùng, nhà văn khi mới sáng tác bao giờ cũng sáng tác theo bản năng. Những thần đồng thơ, những nhà văn sáng tác khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng đã để lại những tác phẩm vượt thời gian. Có nghĩa là khi họ sáng tác vốn học vấn trong họ là chưa đáng kể. Bên cạnh đó là những nhà văn sáng tác theo kiểu học theo- nghĩa là đọc tác phẩm văn học, thấy các nhà văn viết như thế thì nghĩ mình cũng viết được và bắt tay vào sáng tác. Qua mày mò, khổ ải, cuối cùng, cái gọi là bản nháp tác phẩm cũng ra đời. Viết nhiều, vừa viết vừa rút kinh nghiệm vừa học đồng nghiệp, học các nhà văn bậc thầy, cuối cùng tác phẩm cũng được giới thiệu với bạn đọc. Rồi họ thành nhà văn. Nhưng có một điều oái oăm là có nhiều nhà văn của ta sáng tác theo bản năng thì hay, nhưng khi được học tập để nâng cao học vấn, học các nguyên lí lí luận văn học mà các nhà lí luận văn học đưa ra thì lại tịt luôn hoặc viết rất khó nhọc. Cắt nghĩa vấn đề này sao đây? Theo tôi có hai trường hợp xảy ra: một, nhà văn đó không thông minh và không có tài; hai, cái mà anh ta học có vấn đề không ổn.

Còn nhà lí luận phê bình văn học không thể không học mà hành nghề được. Họ phải có con dao mổ trong tay và phương pháp mổ đã được học. Nghĩa là họ phải được trang bị một vốn lí luận và một phương pháp làm lí luận phê bình theo một tư tưởng, một quan điểm nào đó mới dám đụng đến tác phẩm của nhà văn. Một cô y tá hay hộ lí không thể mổ cho một bệnh nhân có khối u trong cơ thể được. Vì vậy rấy hiếm những nhà lí luận văn học “cao thủ” có tuổi đời trẻ, mà đa phần là những người đã khá “chín chắn”. Trong khi đó đời sống văn học phát triển với tốc độ nhanh, nhà lí luận phê bình vừa phải hành nghề vừa phải học tập để theo kịp sự chuyển động của nó. Theo tôi có thể đào tạo được nhà làm lí luận phê bình văn học, nếu như ta tuyển chọn được một “đầu vào” khá kĩ lưỡng và người tuyển chọn phải có “con mắt xanh”. Tuy nhiên, nếu chỉ tuyển chọn như vậy cũng chỉ đạt được non nửa phần trăm, hơn nửa phần trăm còn lại phụ thuộc vào giáo trình, thầy dạy, phương pháp và quan điểm, mục đích dạy học như thế nào.

Từ đó đễ dàng nhận thấy một điều rằng, giữa nhà văn và nhà lí luận phê bình ở ta không có chuyện Bá Nha- Tử Kì theo như cách hiểu của một số người, mà là chuyện bắt mạch để xem xét “tình trạng sức khoẻ” tác phẩm văn học của các nhà lí luận phê bình. Tuy nhiên có một số trường hợp các nhà lí luận phê bình có “con mắt xanh”, tri âm tri kỷ đã làm cho những tác phẩm của nhà văn thêm một sức sống mới. Nhưng trường hợp này không nhiều, và hình như càng ngày càng hiếm.

Tóm lại, chuyện giữa nhà văn và nhà lí luận phê bình ở ta là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Nhưng không nói thì không được, phải nói đến khi nào chúng ta có một nền lí luận phê bình có thuyết lí và tư tưởng riêng làm cho nhà văn tâm phục khẩu phục mới thôi.


3. Thực chất của nền lí luận phê bình văn học hiện nay và những câu hỏi bỏ ngỏ

3.1. Công bằng mà nói, nền lí luận phê bình văn học ở ta đã có những đóng góp cho sự phát triển của văn học và thưởng thức văn học dù còn khá đơn điệu và mang tính công thức. Bên cạnh đó nó còn đóng góp cho sự thắng lợi của hai cuộc kháng chiến và công cuộc xây dựng XHCN và đổi mới hiện nay. Các nhà làm lí luận phê bình có quyền tự hào là đã đứng chung với hàng ngũ các nhà văn trong mặt trận tư tưởng văn hóa để phụng sự cho đân tộc, đất nước. Những tên tuổi như Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Ðăng Mạnh, Hà Minh Ðức, Phan Cự Ðệ,Trần Ðình Sử, Phạm Vĩnh Cư và Lê Ngọc Trà, Trần Ðăng Suyền, Trương Ðăng Dung, Trần Ngọc Vương, Trương Ðăng Dung, Ðỗ Lai Thúy…đã có những đóng góp đáng kể cho nền lí luận phê bình nước nhà.

3.2. Nhưng nền lí luận phê bình nước ta hiện nay đang đứng trước những thách thức nặng nề, khó có thể vượt qua nếu không có một sự thay đổi về bản chất, có nghĩa là phải “thay máu tư duy”. Bởi vì không thể để mãi tình trạng một nền lí luận phê bình biên dịch, không có tư tưởng, được khai triển theo công thức đã lỗi thời. Hiện nay, chúng ta đang có nguy cơ lặp lại một nền lí luận văn học biên dịch ở mức độ cao hơn và tinh vi hơn những năn năm mươi đến những năm tám mươi của thế kỉ trước. Có nghĩa là chúng ta đi chọn dịch những tác phẩm lí luận văn học của những nhà lí luận văn học phương Tây hoặc những tác phẩm lí luận của các nhà chủ nghĩa hình thức Nga đã xuất bản từ thế kỉ trước, mà trong đó có không ít tác phẩm đã lỗi thời, chỉ có tác dụng tham khảo. Những Thi pháp học, Giải cấu trúc, Lô- gíc học về các thể loại văn học, Phê bình mới, Tự sự học, kí hiệu học, Mỹ học tiếp nhận… mới với chúng ta nhưng đã quá cũ so với các nước phương Tây. Trong khi đó tình hình lí luận văn học trên thế giới phát triển với một tốc độ mới. Và một điều hết sức oái oăm là chúng ta tiếp thu lí luận văn học phương Tây, lí luận mà họ đúc rút ra từ thực tiễn sáng tác ở đó lại được đem áp dụng cho văn học nước nhà, làm “cú hích” cho văn học nước nhà phát triển, như thế khác nào đem dao mổ bò để thịt vịt.

3.3. Một thực trạng nữa là hiện nay ở nước ta, nhà nhà làm phê bình. Ai cũng có thể trở thành nhà phê bình, kiểu như ai cũng có thể trở thành nhà thơ dễ dàng, khi sáng tác được vài câu thơ con cóc. Nhà toán học, nhà y, các cụ phụ lão ở tổ hưu, một em học sinh… đều có tiềm tàng trở thành nhà phê bình nếu có một tình yêu văn chương. Cao hơn một chút là những nhà báo phụ trách các chuyên mục văn hóa văn nghệ, các nhà giáo dạy văn ở các trường phổ thông và ở bậc đại học. Trước tình hình báo chí tăng số lượng và phát hành ồ ạt như hiện nay, nhu cầu phê bình văn chương, nghệ thuật được đặt ra thường xuyên. Nhưng trong khi đó các nhà lí luận phê bình văn học thì bận đi dạy thêm, học ngoại ngữ hay làm thêm một việc gì đó tăng thu nhập, thỉnh thoảng mới viết một đôi bài, thành thử toà soạn bắt buộc phải dùng những bài kém chất lượng hay những bài phê bình không có tay nghê. Tôi đồng ý với ý kiến của PGS. TS. Phan Trọng Thưởng khi ông cho rằng, những nhà báo phụ trách chuyên mục văn hóa văn nghệ ở các báo hiện nay khó có thể viết được bài phê bình cuốn tiểu thuyết mới Khải huyền muộn của Nguyễn Việt Hà.

Nhưng ngược lại, cũng có không ít những nhà lí luận văn học “lười biếng”, tác phẩm trước đây của họ đã nằm đắp chiếu trong thư viện vẫn không cho ra đời một tác phẩm nào nữa. Sự trì trệ hay bỏ lí luận phê bình đi vào nghiên cứu đã làm cho chúng ta mất khá nhiều cây bút phê bình đáng ra là có đóng góp cho văn học. Một số nhà phê bình khác bảo thủ, lạc hậu, mãi bám vào những thuyết lí đã theo từ trước, phê bình máy móc, công thức, thành thử khi đọc những bài phê bình của họ tôi thấy dường như họ chưa hiểu tác phẩm văn học được viết trong thời gian gần đây rồi từ đó sinh ra những cuộc tranh luận vô bổ hoặc có khi đao to búa lớn hay quy chụp. Và có không ít các nhà phê bình chọn nhầm nghề. Có người trong họ có bằng cấp hẳn hoi, nhưng rất non tay khi hành nghề. Họ mới ở tầm y tá hoặc y sĩ như trong trong ngành y mà thôi.

Trong khi đó có một số nhà lí luận phê bình cao ngạo, không thèm đọc tác phẩm của các nhà văn trong nước. Ðối với họ, đọc tác phẩm của các nhà văn trong nước như là một sự chiếu cố. Sở dĩ có tình trạng đó là có không ít các nhà văn muốn lăng- xê tác phẩm của mình, hay nhờ vả chạy cửa các nhà phê bình để họ viết cho. Nhưng những nhà lí luận phê bình cao ngạo không nhiều, đa phần trong số này là những người tỏ ra cao ngạo là chính, còn thực chất không phải như thế. Ðây là một sự tự đánh bóng mình của một số nhà phê bình hiện nay.

Hiện nay cũng còn những nhà văn làm phê bình. Họ viết cho bạn bè, đồng nghiệp. Thấy thích thì viết, hay “bị” nhờ vả, nể quá cũng viết. Có những nhà văn tinh thông, am hiểu lí luận phê bình thì viết hay, đúng mực, khích lệ được sự sáng tác của bạn bè đồng nghiệp. Nhưng cũng không ít nhà văn phê bình theo cảm tính, không có nghề, không khoa học, thường tán thưởng tâng bốc bạn bè. Nhưng biết làm sao được, khi các nhà phê bình im tiếng thì nhà văn phải lên tiếng!

3.4. Việc học văn, dạy văn hiện nay cũng làm cho tình hình lí luận phê bình dẫm chân tại chỗ. Cụ thể là về lí luận văn học được đưa ra trong sách giáo khoa và trong giáo trình không đủ sức thuyết phục. Ngay bản thân thầy giáo dạy lí luận văn học cũng lúng túng trên lớp. Bởi vì sự “phá sản” lí luận văn học mà chúng ta đã dạy cho học sinh, sinh viên nhiều chục năm nay làm bàng hoàng nhiều người vốn gắn bó với nó mật thiết nay chưa thực sự hoàn hồn. Bên cạnh đó việc soạn sách giáo khoa và giáo trình có quá nhiều điều bất ổn. Bất ổn ở chỗ là vội vàng, không có sự thống nhất, còn người soạn thì trình độ có hạn. Vì thế chúng ta đào tạo ra nhiều học sinh, sinh viên mà trình độ phân tích, hiểu tác phẩm văn học hời hợt, nông cạn và có khi “điên rồ”. Những sinh viên được đào tạo chuyên ngành văn ở Trường đại học Khoa học xã hội nhân văn bị rơi rụng khá nhiều.

Tóm lại, thực trạng lí luận phê bình đáng báo động thì ai cũng biết, song giải pháp tháo gỡ thì dường như chưa có, mặc dù chúng ta đã có nhiều cố gắng. Tôi đã đọc được một số giải pháp mà các nhà phê bình hay các nhà văn viết lên báo thì thấy phần lớn là thiếu thực tế và không tưởng. Theo tôi, trước mắt chúng ta phấn đấu xây dựng một nền văn học và giáo dục lành mạnh đã, còn các bước tiếp theo chúng ta “vừa làm vừa nghĩ”.

Trên đây là những cảm nhận và quan sát về nền lí luận phê bình văn học nước ta trong thời gian qua. Ðây là cảm nhận và quan sát mang tính chất cá nhân, có thể đúng hoặc có những chỗ chưa chính xác. Mong các nhà văn, các nhà lí luận phê bình bổ khuyết.

Nguồn: Báo Văn nghệ Trẻ, số 14 (488) ra ngày 02.4.2006