trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 3021 bài
  1 - 20 / 3021 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
21.4.2006
Hoà Nguyễn
Bản dịch toàn văn bài viết của Roland Jacques được đăng trên tạp chí Định Hướng xuất bản tại Paris, Pháp quốc, số 17, vào mùa Thu 1998, trong đó có câu viết đầy đủ hơn phần ông Bùi Kha đã trích dẫn trong bài viết "Alexandre de Rhodes - Đối luận với tác giả Hoàng Hưng", xin chép lại như sau:

"Tôi nghĩ rằng Pháp quốc vốn là vương quốc sùng đạo nhất trên thế giới, hẳn có thể cung ứng cho tôi nhiều chiến sĩ lên đường chinh phục toàn Đông phương, để đưa về Chúa Giêsu Kitô, và đặc biệt là tôi mong xứ ấy giúp tôi có được những giám mục, là những bậc làm cha, làm thầy của chúng tôi trong các giáo hội ấy...".
 
Chính tác giả Roland Jacques bình luận câu viết trên là "một lối nói bóng bảy", và "Thế mà có những học giả cấp đại học từng giải thích các hình ảnh tỷ dụ trong ngôn ngữ sùng đạo 'chiến sĩ’ và ‘chinh phục’ theo nghĩa đen của chúng." Viết vậy chắc là Roland Jacques khi cố chứng minh chữ "Quốc ngữ" có thể đã được Francisco de Pina sáng tạo hay dùng đầu tiên trong tác phẩm của mình, nhưng vẫn muốn công bằng với Alexandre de Rhodes hơn về mặt chính trị.

Nếu ai đã từng đọc Tân Ước (dù theo cách hời hợt của kẻ "ngoại đạo" như tôi), chắc cũng nghĩ các từ ngữ như mở rộng "thiên quốc" (nước Trời), để Jesus sẽ là "vua của các vua", chỉ có ý nghĩa ẩn du. Gán cho Rhodes có ý định kêu gọi vua Pháp (đem quân) mở mang thuộc địa ở Á Đông trong đó có Việt Nam thì e chưa đủ chứng cứ, xét theo sử liệu còn lại. Đánh đồng hành động, hay mưu đồ, của Alexandre de Rhodes với Pigneau de Behaine (Bá Đa Lộc) sau này e là khiên cưỡng hay vô lối.
 
Alexandre de Rhodes là giáo sĩ của Tòa thánh Vatican (không phải của nước Pháp) và khi đi truyền giáo thì nằm trong sự bảo trợ và phải tuân thủ luật lệ của vương quốc Bồ Đào Nha. Có thể nghĩ Rhodes khó lòng mở miệng mời gọi vua Pháp đi chiếm vùng ảnh hưởng của Bồ, dù cho là Rhodes rất yêu nước Pháp của ông. (Ghi thêm: Công ty Đông Ấn của Pháp thành lập năm 1664.)
 
Chuyện chữ "Quốc ngữ" là công trình của nhiều người, trong đó các giáo sĩ Bồ Đào Nha đóng vai trò tiên phong rất quan trọng, thì đã được nhiều người công nhận. Công trình tập thể này không thể chối cãi vì ít ra trong chừng 200 năm (cho đến khi xuất hiện Từ điển La-Việt của Taberd năm 1838) chữ "Quốc ngữ" đã phát triển và thay đổi từ những mẫu tự La-tinh dùng ghi âm theo giọng nói của người dân Hội An thời xưa để thành chữ viết hoàn chỉnh ghi theo giọng nói của người dân miền Bắc, có thể thuộc vùng Hải Dương cách nay một hai trăm năm, rất gần giọng Hà Nội. Nhưng hai tác  phẩm chứa đựng bản văn tiếng Việt xuất bản sớm nhất tại Roma, năm 1651, là Từ điển Việt-Bồ-LaPhép giảng Tám ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội mà vào đạo thánh Đức Chúa Trời đều của tác giả Alexandre de Rhodes, và qua đó chữ viết tiếng Việt bằng mẫu tự La-tinh đã chính thức thành hình. Cho nên nếu cần "vinh danh" những người đã góp công sáng tạo chữ "Quốc ngữ" thì Alexandre de Rhodes là đại biểu xứng đáng, dù phần đóng góp thực sự của ông có thể được nghĩ là ít hơn người ta tưởng.