trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiPháp luật
26.4.2006
Trà Đoá
Tự do cho bà Út
 
Những ngày này trên các mặt báo trong nước thật “nóng”. Cả hệ thống tuyên truyền khổng lồ đang chạy hết công suất cho Đại hội Ðảng. Nhưng thật kỳ lạ, sáng nay tôi lại đọc thấy một tin về thân phận một con người – một người đàn bà khoảng 50 tuổi – có lẽ là một trong vô vàn nạn nhân điển hình của hệ thống tư pháp trá hình của chính quyền toàn trị [1] .

Phạm Thị Út – tên người đàn bà đó – người bị kết án oan 20 năm tù về tội “giết người” và “huỷ hoại tài sản công dân”, vừa được “giải oan” và được chính quyền “xin lỗi công khai” cùng số tiền đền bù 323 triệu đồng. Vị chi mỗi ngày trong tù bà Út được “trả” gần 3 USD.

3 USD cho một ngày bị tước quyền tự do và nhân phẩm!

Giá này là “cao” hay “thấp”?

Theo tôi thì cái giá này cao, bởi nó gấp gần 3 lần mức trung bình mà một ngườI Việt Nam kiếm được trong vòng 20 năm đổi mới [2] .

Nhưng khi nhìn gương mặt khắc khổ và hoảng hốt của bà Út, chẳng ai dám nghĩ rằng người đàn bà này đủ can đảm để sống tiếp, khi mà cái quãng đời đáng sống nhất của một đời người bà phải sống trong sự hàm oan cay đắng.

Lúc này bà Út đang nghĩ gì?

Với bản chất chất phác của một người Việt hiền lành, có thể bà sẽ tính xem mỗi ngày mình sẽ phải xài bao nhiêu tiền để có thể sống được cho đến khi theo ông bà vải? Vì bà không còn cơ hội làm việc để kiếm tiền. Nghĩa là nếu may mắn sống được thêm 20 mươi năm nữa thì mỗi ngày bà sẽ xài khoảng 3 USD.

Ðó là về mặt vật chất, còn về mặt tinh thần bà Út sẽ “sống” như thế nào trong những năm tiếp theo? Liệu bà Út có được “tự do” đúng nghĩa, khi sự ám ảnh về 20 năm hàm oan trong tù cứ đeo đẳng hằng ngày? Và rằng có cách nào để xoá được cái khoảng cách thăm thẳm 20 năm ngăn cách bà với xã hội? Và một câu hỏi... ngớ ngẩn cuối cùng: liệu bà Út có còn khả năng cảm nhận được “tự do” hay không, và cần bao lâu để bà tìm lại được cái cảm giác ấy?

Nhưng trước tiên, tự do là gì?

Tôi không có ý bàn về tự do theo nghĩa triết học ở đây. Bởi người Việt, theo truyền thống, ít có những suy ngẫm kiểu siêu hình học. Nếu không thế thì chẳng giải thích được vì sao suốt 2000 năm không có lấy một nhà tư tưởng đúng nghĩa. Tự do theo ý tôi ở đây được hiểu như một trạng thái đối lập với trạng thái “bị hạn chế hoặc bị tước bỏ chính thức hay không chính thức” theo nghĩa đen về các hoạt động sống, các cảm xúc thực của con người như yêu ghét, và về các hoạt động tinh thần và tâm linh. Hay nói cách khác, tự do được hiểu như sự tôn trọng các quyền cơ bản của con người.

Ðối với người Việt, có rất nhiều thứ tự do mà đôi lúc chính họ theo một thói quen hay một nếp nghĩ méo mó lại không biết hay không nghĩ đến. Ðiều này rất phổ biến ở Việt Nam. Chẳng hạn quyền được cư trú bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam của một công dân, nhưng điều này được coi là hiển nhiên bị hạn chế nếu như không có tạm trú, tạm vắng. Khi chính quyền vi phạm hiến pháp, và sửa luật thành những thứ hầm bà lằng cho phù hợp với “năng lực” của họ, thì những thứ hầm bà lằng này được cho là hiển nhiên đúng. Hầu hết những thứ tự do hay quyền con người đều có thể tìm thấy trong hiến pháp Việt Nam. Nhưng mỉa mai là khi có ai lên tiếng đòi những quyền đó thì lập tức bóc lịch ngay. Ở cái đất nước mà sự nhập nhằng, ma mãnh luôn hiện diện trong những tổ chức quyền lực cao nhất, thì tránh sao được việc người dân xem hiến pháp hay luật pháp chỉ là mớ giấy lộn.

Trở lại trường hợp bà Út, và những người dân Việt bình thường khác, liệu những người này cần thứ tự do gì? Chắc những người dân bình thường này sẽ không cần tranh luận với ai trên báo chí. Về tín ngưỡng họ cũng chỉ cần thắp nhang cho ông bà, hay vái Phật, vía Bà là đủ. Chỉ giản dị vậy thôi, nhưng tại sao bất hạnh lại luôn đổ xuống đầu những con người hiền lành và bình dân này? Và những bất hạnh này lại do những đồng bào của họ gây nên chứ chẳng phải do “ông trời” nào cả. Những con người bình dân này sẽ chẳng bao giờ hiểu được “tự do” là gì. Nhưng có phải vì điều này mà họ luôn là những người bị mất tự do, nếu hiểu theo nghĩa đúng về các quyền con người? Vậy những người này cần thứ tự do gì? Ðó là:

Họ không muốn bị chính quyền dọa nạt họ hằng ngày.

Khi họ muốn làm những việc như: xin giấy phép xây nhà, làm khai sinh cho con, đăng ký xe máy... thì chính quyền hãy làm cho họ mà không đòi hỏi hay hoạnh hoẹ đủ thứ.

Khi họ không muốn đi bầu cử thì không bị ai bắt phải đi bầu. Vì đến bây giờ họ vẫn chưa hiểu bầu cử để làm gì. Chẳng lẽ lại đi bầu những kẻ sau này sẽ doạ nạt họ.

Khi họ đến một thành phố lớn để kiếm việc làm, xin đừng bắt phạt họ 50 ngàn đồng vì không có tạm trú, tạm vắng. Hay khi con cái họ muốn đi học, lại không được vào trường công vì không có hộ khẩu.

Hằng tháng họ chỉ mong ông tổ trưởng dân phố đừng đến nhà chìa cuốn sổ ra bắt họ phải đóng tiền, nhưng họ chẳng hiểu tiền đó dùng để làm gì.

Khi họ bỏ tiền ra mua nước sinh hoạt, thì xin chính quyền bán cho họ thứ nước sinh hoạt sạch chứ không phải là nước cống.

Khi họ cần chăm sóc y tế thì xin chính quyền cung cấp các dịch vụ y tế đúng nghĩa và tương xứng với tiền bạc họ bỏ ra.
...

Và cuối cùng xin chính quyền xem họ như là những “con người” thật sự chứ không phải là “dân đen” hay “phương tiện người” để khi thích thì “sử dụng”, khi không thích lại xem họ như rác. Và họ mong muốn có ai đó, hay có cái gì đó có thể bảo vệ họ khi họ bị chèn ép hay bị tù oan.

Làm thế nào để đảm bảo các “tự do” trên cho người dân? Ðã mấy chục năm trôi qua nhưng những quyền rất nhỏ bé và giản dị ấy vẫn chưa thật sự đến với người dân đen. Trong trường hợp bà Út, nếu như bà được xử trong một phiên toà công minh và được một luật sư biện hộ cho mình, và toà xử theo phương thức tranh tụng (chứ không phải xét hỏi)... thì có lẽ bà đã không phải mất đến 1/3 đời người sống không tự do và nhân phẩm. Chính quyền gọi những trường hợp này “án oan sai”. Và hằng năm ngành tư pháp Việt Nam ngồi thống kê ra giấy vô vàn những án như thế để “rút kinh nghiệm”. Rồi khi thấy không được, họ phải hét lên tìm cách làm giảm án oan sai. Nhưng cho đến một cuộc họp Quốc hội, các nghị gật vẫn “biểu quyết” chưa cho phép xử theo kiểu tranh tụng mà tiếp tục phải xử theo kiểu “xét hỏi” – nghĩa là xử theo kiểu một quan phụ mẫu ngày xưa xử án cho thần dân của họ.

Ðiều này cho thấy, dù người dân bình thường cần những thứ tự do rất nhỏ bé và giản dị, nhưng bất hạnh đổ xuống đầu họ thì chẳng nhỏ bé và giản dị chút nào. Họ lãnh đủ những điều tệ hại nhất do hệ thống chuyên chế toàn trị mang lại.

Khi bị oan, người dân bình thường sẽ không có chỗ để giãi bày hay minh oan. Khi bị chính quyền chèn ép, họ không biết phải kiện đi đâu vì chỗ nào cũng là chính quyền và “đồng chí” với nhau cả.

Xem ra, những thứ có vẻ như chẳng ăn nhập gì với họ như “tự do ngôn luận”, “đa nguyên chính trị”, “tự do tín ngưỡng”... lại liên quan mật thiết đối với họ. Nghĩa là những thứ chỉ có thể có dưới một thể chế dân chủ, may ra mới có thể bảo vệ được người dân đen – những người chẳng khi nào hiểu hay quan tâm đến “tự do là gì”.

Nhưng có một câu hỏi tôi tự hỏi, lại làm cho tôi nổi gai lưng: liệu có bao nhiêu người Việt sẵn sàng nhận... 3 USD để từ bỏ tự do và nhân phẩm của mình trong một ngày?

24/04/06

© 2006 talawas



[1]Báo Tuổi trẻ, ngày 20/04/06
[2]Lấy mức GDP năm 1990 là 200 USD làm mức thấp nhất (thực ra tổng thu nhập quốc dân những năm trước 1990 thấp hơn mức này rất nhiều), cộng với GDP của năm 2005 là 600 USD, rồi chia hai để làm GDP đại diện cho 20 năm đổi mới – khoảng 400 USD/ năm.