trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
28.4.2006
Stanley Karnow
Cuộc chiến không ai thắng
Hoàng Nguyễn dịch
 1   2   3   4   5 
 
Ngây ngất với những thành công thời chiến, những người cộng sản đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng nhằm phát triển kinh tế ở mức 14 phần trăm mỗi năm. Kế hoạch sụp đổ thảm hại. Tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 2 phần trăm mỗi năm, lẹt đẹt theo sau mức sinh đẻ 3 phần trăm, một trong những sinh suất cao nhất thế giới – một xu hướng có gốc gác từ hơn nửa thế kỷ trước. Bất chấp chiến tranh và thiên tai như bão lụt hạn hán, từ năm 1930 đến lúc đó, dân số đã tăng gấp ba trong khi sản lượng lương thực chỉ tăng gần gấp đôi. Việt Nam nhanh chóng lâm vào khốn khó mặc cho bản tính năng động của nhân dân – những người mà nếu được khích lệ thì có thể đạt được, thậm chí vượt qua, những thành tựu kinh tế của các quốc gia châu Á khác.

Lúc đầu, người cộng sản sai lầm vì bấu víu một cách mù quáng vào cái tín điều mác-xít lỗi thời rằng tăng trưởng kinh tế dựa vào sự khuyến khích các ngành công nghiệp nặng như sắt thép và hóa chất. Nhưng họ thiếu vốn và công nghệ để phát triển công nghiệp nặng, mặc dù các đồng minh Liên Xô và Đông Âu cung cấp cho họ các khoản tín dụng và cả chuyên viên kỹ thuật nữa. Họ cũng trông đợi một cách vô ích vào khoản tiền 4,7 tỉ đô-la “bồi thường chiến tranh” của Mỹ, khoản tiền mà tổng thống Nixon bí mật hứa sẽ cung cấp cho họ vào đầu năm 1973 để thuyết phục họ ký vào hiệp định ngừng bắn. Không có ngoại tệ mạnh để nhập khẩu nguyên liệu, số nhà máy ít ỏi của đất nước hoặc không hoạt động được hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Sản lượng than đá, một mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, suy giảm nhanh vì thiếu xe tải và băng chuyền. Ngay ở Hà Nội cũng không tìm được những mặt hàng tầm thường như xà phòng hay nến; cái cửa hàng bách hóa tổng hợp duy nhất ở đó lúc nào cũng trống rỗng, chỉ có những tủ kính bày hàng mẫu, còn trên các quầy thì chẳng có gì.

Cảng biển chính của miền Bắc là Hải Phòng gần như tê liệt. Một nửa số hàng hóa vận chuyển bằng đường biển từ Liên Xô và các quốc gia cộng sản khác tới chưa kịp bốc dỡ thì đã bị ăn cắp hoặc bị bỏ mặc cho hư thối trên bến cảng. Tôi đã tận mắt nhìn thấy những đống thiết bị chất lộn đầu xuống dưới hoặc bị rỉ sét do không ai quan tâm. Cầu cảng bị tắc nghẽn vì tàu bè neo chờ bốc hàng quá lâu do tình trạng các quan chức Việt Nam coi mặt chủ tàu giàu nghèo mà vòi vĩnh, khăng khăng đòi phải có tiền hối lộ mới cho hàng hóa thông quan. Những tàu Nhật Bản có khả năng lót tay đến năm ngàn đô-la mỗi chuyến thì được dỡ hàng và trở ra biển chỉ trong vài ba ngày trong khi các chủ hàng không chịu hào phóng như thế có thể bị giam hàng đến ba tháng. Lời tuyên bố của Hà Nội về tình đoàn kết vô sản đã bị thực tế làm ngược lại, các con tàu cộng sản thì bị gây khó dễ và phải nằm chờ dài ngày cho đến khi họ chấp nhận luật chơi.

Kế hoạch kinh tế theo chủ nghĩa Marx cũng hình dung các nguồn cung cấp lương thực thực phẩm sẽ đổ vào các thành phố, đô thị từ những nông trại tập thể, nơi giai cấp nông dân đã được giác ngộ cách mạng làm việc cho nhà nước. Nhưng dân nông thôn vốn quen với việc canh tác mảnh ruộng riêng của mình, đã không chấp nhận cái mô hình đó – nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ phía nam Sài Gòn. Thay vì giao lúa gạo, rau quả và thịt cá cho các đại lý thu mua của nhà nước, họ bán sản phẩm ra thị trường chợ đen. Ở một số vùng, thậm chí nông dân thà làm thịt trâu bò chứ không để nhà nước sung công, mặc dù con trâu con bò là người bạn chí thiết của họ trong công việc đồng áng nặng nề; thay vì canh tác cho chính phủ, họ thà bỏ hoang hàng ngàn hec-ta đất.

Sản lượng lúa gạo dự kiến đạt được 21 triệu tấn vào năm 1980, song thực tế ba năm sau vẫn còn thấp hơn dự kiến ấy đến 5 triệu tấn. Trong suốt thời gian tôi có mặt ở Sài Gòn, năm 1981, khẩu phần lương thực chỉ còn 30 pound (13 ki-lô-gam) mỗi tháng – phần lớn là khoai sắn và các thứ hoa màu mà người dân Việt Nam căm ghét. Thịt rất hiếm và cá – nguồn chất đạm chính trong bữa ăn của người Việt Nam, cũng thật hiếm – có lẽ một phần do hàng vạn ngư dân không có dầu chạy ghe đi đánh cá, một phần do tàu thuyền đã bỏ đi vượt biên khá nhiều. Tại bệnh viện nơi bà làm việc, bác sĩ Dương Quỳnh Hoa chỉ cho tôi thấy những đứa trẻ sơ sinh chen nhau bốn năm đứa một cái nôi hoặc phải nằm trên sàn nhà, bụng chúng lép kẹp vì suy dinh dưỡng trầm trọng. Bà nói trong tiếng thở dài: “Tình hình quả là “invivable” (không sống nổi). Từ đây chúng tôi sẽ ra sao?”

Một chính sách đàn áp không khoan dung càng làm cho nền kinh tế thêm tồi tệ. Khi các quan chức của chính phủ Sài Gòn đầu hàng ông Bùi Tín năm 1975, ông quả quyết với họ: “Tất cả mọi người Việt Nam đều là người chiến thắng, chỉ có đế quốc Mỹ bị đánh bại. Nếu các người yêu đất nước mình, yêu dân tộc mình thì ngày hôm nay là ngày hạnh phúc”. Nhưng chính quyền cộng sản đã bắt giam hơn hai trăm ngàn người miền Nam là công chức, sĩ quan quân đội, bác sĩ, luật sư, giáo viên, nhà văn và các thành phần trí thức khác vào các trại tập trung được gọi một cách mỹ miều là “trung tâm cải tạo”.

Điều khôi hài, một trong các trại cải tạo tệ hại nhất chính là Côn Đảo – hòn đảo giữa biển khơi mà nhà cầm quyền thực dân Pháp đã giam cầm những người bị tình nghi là cộng sản trong suốt thập niên 1930 và chế độ Sài Gòn sau này giam cầm những kẻ chống đối. Và những người cộng sản đối đãi với tù nhân của mình không nhân đạo gì hơn những kẻ đã giam cầm họ trước kia. Đói khát, bị hành hạ vì bệnh sốt rét và kiết lỵ, người tù thường bị cùm chân phơi nắng nhiều giờ mà không được uống nước, bị tra tấn, có người bị hành quyết. Nhiều người trong số họ từng là người chống đối chính quyền Sài Gòn, có những người là cựu chiến binh Việt Cộng, nay bị những người cộng sản miền Bắc coi là phần tử có tiềm năng ly khai. Năm 1981, một cán bộ Hà Nội cố biện minh cho những vụ thanh trừng đó khi nói với tôi rằng: “Chúng tôi phải quét sạch những tàn dư tư sản”.

Không chỉ vô nhân đạo, chế độ gu-lag còn tước đoạt của quốc gia những người lao động chuyên nghiệp, những người có khả năng đóng góp vào công cuộc xây dựng lại đất nước. Nhiều người bị trừng phạt chỉ vì họ đã học tập tại Mỹ hoặc được chế độ Sài Gòn sử dụng, thường là ở các chức vụ thấp bé. Ông Trần Bạch Đằng nói với tôi rằng: “Lẽ ra chúng tôi nên tha thứ cho họ. Thay vì vậy, chúng tôi đã hoang phí một nguồn nhân tài và sử dụng những kẻ quan liêu dốt nát không có học hành gì cả. Đây là một tổn thất của đất nước – và tôi phải thú nhận rằng, tôi cảm thấy xấu hổ”.

Dưới áp lực quốc tế, cuối cùng cộng sản phải đồng ý trả tự do cho những người tù như vậy, với điều kiện là Hoa Kỳ phải tiếp nhận họ. Đa số những người này đã định cư tại “Tiểu Sài Gòn”, khu vực có đông di dân Việt Nam ở phía nam thành phố Los Angeles. Nơi đó, từ những cuộc đời tan vỡ, họ sinh sống nhờ vào trợ cấp xã hội hoặc cố gắng làm những công việc tầm thường.

Một di sản cay đắng khác của cuộc chiến tranh là số phận của khoảng năm mươi ngàn “con lai” có cha là binh sĩ Mỹ. Đại đa số chúng tập trung ở thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các thành phố lớn, nơi đồn trú các đơn vị lính Mỹ. Các trại trẻ mồ côi chăm sóc được một ít, nhưng phần lớn các “con lai” bị người Việt Nam đối xử như là những sinh linh bị ruồng bỏ; chúng không được đi học, thậm chí không có khẩu phần lương thực. Tôi quan sát được một số trường hợp vào năm 1981 – một số đứa có mái tóc vàng hoe và mắt xanh, một số tóc đen và mắt đen – chúng đi bán dạo hoặc ăn xin ở các góc phố. Những bé gái xinh xắn có thể sẽ trở thành đĩ điếm. Những bà mẹ sinh ra chúng, thường đã bị gia đình từ bỏ, đã nhiều lần van nài các cơ quan di dân quốc tế giúp tìm kiếm cha của đứa con mình; thường họ chỉ biết tên của các người cha ấy đơn giản là Joe hoặc Bill hoặc Mac – những người chồng mà họ đã “kết hôn” mười sáu, mười bảy năm về trước!

Lúc đầu, những người cộng sản không muốn để cho đám “con lai” ra đi; họ hy vọng có thể sử dụng chúng làm lá bài trong cuộc mặc cả ngoại giao với chính phủ Mỹ. Vì những lý do chính trị quốc nội, tổng thống Reagan và Quốc hội Mỹ cũng chần chừ trong việc sửa đổi luật di trú của Hoa Kỳ. Nhưng cuối cùng, hai bên cũng dịu bớt lập trường. Từ năm 1990, đã có khoảng bốn mươi ngàn đứa trẻ “con lai” được đưa sang Mỹ, được cha đẻ chúng hoặc các gia đình bảo trợ đem về nuôi nấng, số còn lại cũng sẽ được giải quyết.

Nhưng không có hình ảnh nào minh họa rõ hơn về sự phản kháng của người Việt đối với tình trạng nghèo đói và dã man hơn là cuộc di tản từ Việt Nam thời hậu chiến – cuộc di cư lớn nhất trong thời hiện đại. Đã có hơn một triệu người đào thoát khỏi đất nuớc, chủ yếu bằng đường biển. Nhiều người đã chết vì phơi nắng hoặc chết đuối, hoặc bị cướp bóc, hãm hiếp, bị giết về tay những đám hải tặc vẫn thường xuyên càn quét trên vùng biển Đông Nam Á. Cũng có khoảng một nửa triệu người đào thoát khỏi nước Lào và Căm Bốt - hai lân bang ngày xưa cùng nằm trong Đông dương thuộc Pháp – sau khi người cộng sản chiếm được các nước này. Từ ba nước nói trên, đã có khoảng một triệu người đến định cư tại Mỹ nhưng vẫn còn hàng trăm ngàn người đợi chờ mòn mỏi trong các trại tị nạn đông đúc và dơ bẩn ở Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines. Trừ phi họ chứng minh được rằng động cơ của họ là chính trị chứ không phải kinh tế, họ có nguy cơ bị buộc phải hồi hương trở về Việt Nam – như rất nhiều người đã bị chính quyền Hồng Kông cưỡng bức quay về. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người bất chấp hiểm nguy mà tiếp tục ra đi.


*


Năm 1985, nền kinh tế Việt Nam sụp đổ. Trên nhiều vùng ở miền Bắc vốn vẫn thường thiếu thốn lương thực, nạn đói đe dọa hàng chục triệu con người. Công nghiệp đình đốn trong lúc những người thất nghiệp hoặc thiếu việc làm lang thang khắp các thành phố. Thương mại cũng tê liệt, ngoại trừ chợ đen vẫn còn nhộn nhịp, cung cấp mọi thứ từ viên thuốc cảm đến đồng đô-la Mỹ - những mặt hàng do buôn lậu hoặc của người Việt Nam ở nước ngoài gửi về cho gia đình. Khắp nơi lan truyền lời đồn đại về một cuộc nổi dậy chống lại chế độ.

Trong tâm trạng kinh hoàng, hàng ngũ đảng cộng sản tổ chức hội nghị khẩn cấp ờ Hà Nội vào tháng 12 năm 1986 và sau nhiều cuộc tranh cãi gay gắt, ông Nguyễn Văn Linh được chọn làm tổng bí thư đảng. Ông là một nhà cách mạng từng trải, tuổi đã bảy mươi và nguyên là bí thư đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh. Đảng hy vọng những chiến lược mềm dẻo mà ông ủng hộ sẽ giúp ngăn chặn đà tụt dốc của nền kinh tế. Tuy nhiên lo sợ cải cách sẽ làm suy yếu quyền lực của đảng, đảng đã trao phần lớn quyền lực chính trị cho một nhóm các lãnh tụ theo đường lối cứng rắn do ông Lê Đức Thọ cầm đầu. Ông Thọ chính là người khiêu khích Henry Kissinger trong suốt những cuộc thương lượng hoà bình giữa hai người vào đầu thập niên 1970. Thế cân bằng mong manh này đã làm cho các chính sách của Việt Nam luôn bị chao đảo trong suốt nhiều năm về sau.

Mặc dù phe bảo thủ đã cố gắng hết sức để ngăn cản sự thay đổi, song những nguyên lý của chủ nghĩa Marx dần dần phai nhạt hoặc bị phớt lờ. Giờ đây, giám đốc các doanh nghiệp nhà nước điều hành xí nghiệp theo quyết định của chính họ, ít màng tới các khoản trợ cấp của chính phủ, mưu tìm lợi nhuận và hoặc phải hoạt động hiệu quả hoặc bị khiển trách. Giờ đây, người hướng dẫn tư tưởng cho họ là Paul Samuelson, kinh tế gia tự do người Mỹ từng được giải Nobel. Sách giáo khoa kinh tế học của ông đã được dịch sang tiếng Việt. “Thế là các ngài đã ôm lấy chủ nghĩa tư bản,” tôi trêu chọc ông Nguyễn Cơ Thạch, vị bộ trưởng ngoại giao rất tinh tế và là người cải cách có tiếng. Không chấp nhận cái thuật ngữ hồ đồ đó, ông đáp: “Tuyệt nhiên không! Chúng tôi chỉ vận dụng kinh tế thị trường và quy luật cung cầu”.

Để biện minh cho sự đổi hướng đó, các nhà tuyên huấn của đảng đã vớt lên – hoặc phát minh ra – một lời dạy của ông Hồ Chí Minh mà đến lúc đó chưa ai nghe thấy: “Người nghèo sẽ giàu lên và người giàu sẽ giàu hơn nữa”. Chương trình cải cách, được gọi là “đổi mới” chính là phiên bản Việt Nam của chương trình cải cách mà Mikhail Gorbachev thực hiện ở Liên Xô và gọi là perestroika. Nó gần như xóa bỏ chính sách hợp tác hóa nông nghiệp cực kỳ xuẩn ngốc và mặc dù quyền sở hữu tư nhân chưa được khôi phục, nông dân đã có thể thuê đất dài hạn và hoạt động sản xuất theo từng gia đình như tổ tiên họ đã làm hàng chục thế kỷ qua. Không còn bị bắt buộc phải giao nộp phần lớn sản lượng của họ cho chế độ theo một mức giá cố định, họ có thể bán sản phẩm trên thị trường tự do theo giá cạnh tranh.

Những sự cách tân này, cùng với bản chất dẻo dai bền bỉ cố hữu của người Việt, bắt đầu sản sinh kết quả.

Vào năm 1988, tốc độ lạm phát hàng năm đã tăng tới mức chóng mặt là 800 phần trăm, giá xăng dầu tăng gấp bốn lần, giá một bát phở - món ăn dân tộc của người Việt, cũng tăng gấp ba lần. Các doanh nhân hắt hủi đồng tiền Việt bản địa mà giá trị tụt giảm nhanh chóng, và tiến hành giao dịch bằng vàng, đô-la và hàng hóa buôn lậu. Thế rồi ngân hàng nhà nước đột ngột tăng lãi suất và nhân dân đổ xô đi gửi vào ngân hàng những đồng tiền từ lâu chôn giấu của mình. Chẳng bao lâu sau đó, lạm phát được kiềm chế và lãi suất cũng hạ xuống. Chế độ cũng dần dần loại bỏ được thị trường tiền tệ chợ đen thông qua việc phá giá đồng nội tệ mà tỷ giá hối đoái so với đô-la Mỹ đã ở mức khó tưởng tượng nổi. Chỉ một năm sau, khi dây trói đã được tháo gỡ gần hết, nông dân Việt Nam đã làm ra một vụ lúa đưa Việt Nam lên hàng thứ ba trong các nước xuất khẩu gạo lớn nhất trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Thái Lan.

Không ở đâu mà nỗ lực dập tắt kinh tế tư nhân lại xuẩn ngốc hơn là ở thành phố Hồ Chí Minh. Ngay từ buổi đầu thời kỳ thực dân Pháp, Sài Gòn đã là trung tâm thương mại sầm uất và phát triển đến đỉnh điểm khi người Mỹ có mặt. Vào thời cao điểm của cuộc chiến tranh, thành phố bốc mùi băng hoại. Những quán bar Sài Gòn khi ấy là nơi cung cấp ma túy, các khách sạn biến thành nhà chứa, các đại lộ biến thành chợ trời chào bán mọi thứ từ súng ống đến thuốc xịt tóc – tất cả đều do chôm chỉa từ các kho hàng của quân đội Mỹ. Các anh lính từ Illinois hoặc Georgia, da đen hoặc da trắng, túi quần rủng rỉnh tiền xanh thong thả dạo trên những đường phố đầy đĩ điếm, ăn mày, thương phế binh và đủ loại nạn nhân chiến tranh khác. Các tướng lĩnh miền Nam Việt Nam trở nên giàu có nhờ câu kết với các đối tác Hoa kiều biết giữ mồm giữ miệng, sở hữu những biệt thự cầu kỳ nằm không xa những khu xóm nghèo nàn hôi hám đông đặc dân tị nạn, các quan chức và thương nhân thì liên tục đồng lõa với nhau, họ xào qua xáo lại cái dòng chảy đô-la dường như vô tận. Đó là một thành phố để bán – thành phố bị sự tham lam ngự trị, hiển nhiên là đang chờ tới ngày diệt vong.

Đối với tôi, Sài Gòn có sức hấp dẫn đặc biệt. Những di tích của sứ mệnh mission civilisatrice (khai hóa văn minh) kiêu ngạo của người Pháp – như các giáo đường Thiên chúa giáo, nhà hát mô phỏng theo Nhà hát Opéra Paris và những chiếc bánh baguettes (bánh mì gậy) ngon nhất ở miền đông kênh đào Suez – pha trộn với bầu không khí Á châu trong một sự hoà quyện độc đáo. Sau chiến tranh, vẫn còn cảm nhận được cái môi trường ấy, cái không khí ấy, mặc dù người cộng sản dường như cố tình sửa chữa lại thành phố. Ngoài việc đặt lại tên thành phố, đóng cửa các quán bar và nhà chứa, họ dán lên đường phố, dinh thự những cái nhãn cách mạng và ái quốc chủ nghĩa. Khách sạn Majestic – một tuyệt tác về kiến trúc và nghệ thuật trang trí nội thất cổ điển của Pháp, đổi tên thành khách sạn Cửu Long, hoặc Chín con rồng. Khách sạn Caravelle, nơi cánh báo chí ngoại quốc thường tụ tập trong thời kỳ chiến tranh, bây giờ là khách sạn Độc Lập. Năm 1959 khi tôi đến, đường phố chính của Sài Gòn là đường Catinat – đặt theo tên một đô đốc hải quân của vua Louis XIV, một chiến hạm Pháp tham gia công cuộc đánh chiếm Việt Nam vào thế kỷ 19 cũng mang cái tên ấy. Trong những năm 1960, chế độ Ngô Đình Diệm đổi tên phố thành đường Tự Do và bây giờ người cộng sản lại thay đổi – lần này họ đổi thành đường Đồng Khởi, nhưng nhiều người vẫn gọi đó là đường Catinat.

Nhưng người cộng sản tiến xa hơn những thay đổi bề ngoài như vậy. Nhiều doanh nghiệp tư nhân từng bị đẩy vào trại lao động vì “hoạt động tư bản chủ nghĩa” đã được thả ra khi những nhà cải cách đánh giá cao sự hữu dụng của họ trong việc khôi phục kinh tế. Một ví dụ là ông Chun Hon, người vẫn tiếp tục điều hành xưởng làm bánh mì của mình sau ngày cộng sản chiếm được thành phố. Ông bị bắt vào năm 1978 và bị đưa đi đào mương thủy lợi một năm; cho đến khi chính quyền nhận thấy cần có bánh mì ngon thì ông được thả về. Họ cung cấp bột mì cho ông và việc kinh doanh của ông trở nên phát đạt. Đến năm 1990, ông đã có được bảy xưởng bánh mì nhỏ và có kế hoạch xây dựng siêu thị đầu tiên tại Việt Nam.

Vào giữa thập niên 1990, khi sự kiểm soát của chính quyền cộng sản được nới lỏng, thành phố bắt đầu trở lại giống như xưa, thậm chí vượt qua thành phố Sài Gòn hào nhoáng và lộn xộn trước kia. Từ trạng thái lờ đờ, cái đô thị khổng lồ với 5 triệu dân đang vươn vai đứng dậy với một sức sống mới. Người Việt mô tả cái nhịp điệu mới này là “sống vội”. Khắp nơi mọc lên những tòa cao ốc, đổ bóng xuống những vườn hoa xinh đẹp của thành phố. Những đường phố đầy ắp và lộn xộn xe hơi, xe tải, xe đạp, và nhiều hơn hết là xe gắn máy do những thanh thiếu niên mặc quần jeans lái đi với tốc độ chóng mặt, cô bạn gái mặc váy ngắn bám chặt sau lưng. Phụ nữ buồn bã chia tay những tà áo dài lụa, những chiếc áo cao cổ và quần rộng thùng thình, thay vào đó họ mặc quần bó và áo khoác mang phù hiệu của các trường đại học Mỹ. Các bảng quảng cáo giới thiệu máy tính của Hewlett-Packard, hàng điện tử của Panasonic và Samsung. Các cửa hiệu chất đầy ti-vi, đầu máy video-cassette, giàn máy hát, máy ảnh, đồng hồ nhại kiểu dáng của Rolex và Piaget và áo quần thời trang khoe ra những nhãn hiệu Lacoste và Ralph Lauren. Hầu hết là hàng buôn lậu bằng đường bộ từ Trung Quốc hoặc đường biển từ Thái Lan. Các tủ kiếng bày hàng đầy dẫy những thuốc lá Marlboro, Salem, rượu Johnnie Walker, Heinessy và Rémy Martin. Mặc dù tiền đồng vẫn là đồng bạc chính thức, song mọi người, từ vị thương gia tới anh lái tắc-xi đều khoái xài tiền đô-la. Phía sau những đường phố tấp nập xe cộ là những người Hoa ở Chợ Lớn – khu phố Tàu huyền bí. Cũng giống như người Do Thái ở châu Âu thời trung cổ, họ bị người Việt Nam ngược đãi. Nhiều người đào thoát ra nước ngoài, nhưng những người còn ở lại thao túng thị trường vàng và ngoại tệ, còn chính quyền thì dựa vào họ để thực hiện nhiều loại dịch vụ, từ thanh toán các hợp đồng nhập khẩu đến cung cấp các phụ tùng hiếm có cho xe cộ.

Một công nhân viên chức thu nhập mỗi tháng tương đương ba mươi đô-la Mỹ sẽ khó mà mua nổi một bao thuốc lá ngoại nhập với giá một đô-la mỗi bao, còn để mua một cái ti-vi, họ mất khoảng hai năm tiền lương. Vì thế, hàng hóa tràn ngập thành phố hầu như chỉ dành cho những người Việt có thân nhân ở nước ngoài gửi tiền về, những người có của cải đem ra bán đi, hoặc những ai có các nguồn thu nhập bí ẩn. Những viên chức ngồi chật các nhà hàng ăn uống tư nhân, nơi mà hóa đơn của một bữa ăn tối có khi nhiều hơn cả một tuần lương, phần lớn là những kẻ ăn hối lộ. Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa bảo tôi rằng những người phụ trách bệnh viện nơi bà làm việc thường kê khống quỹ tiền lương, nhận tiền lại quả từ các nhà cung cấp dược phẩm hoặc tuồn thuốc men ra bán trên thị trường chợ đen. Phu nhân của các tướng lĩnh cộng sản thường xuyên bay tới bay lui từ Hà Nội vào Sài Gòn và ngược lại trên những máy bay quân sự để mua bán cổ vật, nữ trang và các loại đồ gia bảo từ những gia đình trước kia giàu có nhưng nay phải sống sót bằng cách bán tài sản với giá rẻ mạt. Tôi nhận ra rằng, việc lợi dụng chức quyền này nhắc tôi nhớ tới chế độ Sài Gòn thời chiến tranh, khi các bà vợ của mấy ông tướng tranh nhau đầu cơ bất động sản, vàng ngọc, giấy phép nhập khẩu và đủ thứ sinh lợi khác. Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa cũng công nhận cảm giác đó của tôi, bà nói: “Đúng như vậy. Đây vẫn còn là một xã hội phong kiến cho dù được phết lên lớp sơn ý thức hệ nào”.

Một thời, các cán bộ đảng cho rằng môn tennis là một thứ trò chơi suy đồi ở Cercle Sportif, câu lạc bộ thể thao của người Pháp ngày xưa, nay được đổi tên là nhà văn hóa lao động. Môn đua ngựa thì phát triển mạnh vì nhà nước thu được tiền nhờ đánh thuế cá cược. Ngay cả môn thể thao thuần túy tư sản là môn đánh golf cũng được tôn vinh. Đã có một nửa tá sân golf hoạt động trên khắp nước, một sân golf được mở ở vùng “tam giác sắt”, một căn cứ cũ của Việt Cộng cách Sài Gòn khoảng hai mươi cây số về phía bắc. Để gia nhập câu lạc bộ chơi golf, phải mua thẻ hội viên không dưới hai mươi ngàn đô-la, nên các sân golf chủ yếu được dành cho giới doanh nhân ngoại quốc, các quan to của đảng thì được miễn hội phí.

Các khách sạn sang trọng mọc lên khắp nơi, có những cao ốc toàn bằng nhôm và kính mô phỏng theo các khách sạn Marriott và Sheraton. Với tâm trạng hoài cổ, tôi thường lưu trú tại khách sạn Continental, một di tích kiến trúc Pháp được xây từ năm 1880. Trong sổ đăng ký khách của khách sạn này có những tên tuổi nổi tiếng như André Malreaux, Somerset Maugham và Graham Green – những khi ông chưa mệt nhoài bên bàn đèn thuốc phiện. Được gán cho cái biệt danh là “Nơi trú ẩn Continental”, cái hàng hiên mở rộng của khách sạn là nơi thư giãn thời chiến tranh của các viên chức, phóng viên, kẻ môi giới, gái điếm và điệp viên. Nhiều năm sau, cái hàng hiên này đã biến thành một nhà hàng có máy lạnh.

Năm 1981, một quan chức cộng sản khẳng định với tôi rằng công cuộc “chuyển hóa xã hội chủ nghĩa” đã xóa sạch các tệ nạn trụy lạc rơi rớt lại từ thời Mỹ. Nhưng mười lăm năm sau đó, người ta dự tính có khoảng năm mươi ngàn gái điếm tại thành phố Hồ Chí Minh – một sự gia tăng đáng kể so với thời chiến tranh. Ăn vận thật bắt mắt trong những chiếc áo chật căng và váy cực ngắn, các cô lượn lờ kiếm khách trong các quán bar, quán café, điểm mát-xa và các sảnh khách sạn; thậm chí có cô còn bạo dạn kèm xe máy theo xe của khách để chào mời. Các cô phục vụ chủ yếu cho người nước ngoài nhưng nhiều người cũng phục vụ các viên chức của đảng. Ví dụ vào năm 1995, đội chống tệ nạn xã hội đã truy quét quán bar Bambi. Bà chủ của quán bar này, bà Nguyễn Thị Tốt, cũng là người có quan hệ rất phức tạp với các quan chức cao cấp. Họ che chở cho bà khỏi cặp mắt của đám cảnh sát ghen ăn tức ở cũng như cung cấp nguồn khách cho bà.

Giống như mọi nơi khác trên thế giới, Việt Nam bị cuốn hút vào làn sóng văn hóa đại chúng (pop art) của Mỹ. Các đài truyền hình địa phương chiếu các phim cũ của Tracy và Hepburn cùng với bản tin của đài Cable News Network (CNN). Ăn mặc rất hợp thời trang, các jeunesse dorée (cô cậu công tử) lắc lư thâu đêm suốt sáng trong các vũ trường disco kín mít và ngột ngạt, dưới những chùm ánh sáng đèn pha đầy màu sắc. Tôi thoáng thấy bản quảng cáo giới thiệu một cuộc thi sắc đẹp sắp diễn ra và một buổi biểu diễn ca nhạc của Elvis Phương – ca sĩ lấy nghệ danh theo một ngôi sao ca nhạc bất tử. Trên phố, những người bán hàng rong chào mời những chiếc túi đeo vai có hình Snoopy hoặc chuột Mickey, các bức ảnh Michael Jackson và những chiếc áo thun T-shirt in dòng chữ “Good Morning Vietnam” (Xin chào Việt Nam) – nhan đề một bộ phim của Robin Williams. Hai anh khổng lồ Pepsi và Coke đang cạnh tranh nhau giành lấy thị trường nước giải khát và một chi nhánh của hãng kem Baskin-Robbins đã đưa những mùi kem quen thuộc của nó đến Sài Gòn. Quán bar sinh động nhất của thành phố là Apocalypse Now, đặt theo tên một bộ phim siêu tưởng về cuộc chiến Việt Nam của đạo diễn Francis Ford Coppola. Hai mươi năm về trước, tôi thường đến ăn cơm ở quán Cheap Charlie, một quán rượu nhỏ của người Hoa. Nay quay lại, tôi thấy cửa tiệm ngày xưa đã biến thành nhà hàng thức ăn nhanh treo biển HAM-BU-GƠ CA-LI-PHO-NIA.

Khi tôi đặt chân đến Sài Gòn lần đầu tiên, giới thượng lưu Việt Nam nói tiếng Pháp. Nay ngôn ngữ được lựa chọn là tiếng Anh, được coi là cần thiết để giao dịch kinh doanh. Các bảng quảng cáo giới thiệu lớp học tiếng Anh và nhu cầu giáo viên đã thu hút rất nhiều bạn trẻ Mỹ đến Việt Nam. Lướt qua các hiệu sách, tôi thấy từng đống sách như Common English Idioms (Thành ngữ tiếng Anh thông dụng), English Made Easy (Tiếng Anh đơn giản) và Business Correspondence in English (Giao dịch thư tín bằng tiếng Anh). Các tiệm sách cũng bày bán nhiều sách Mỹ nhập lậu, trong đó có cả cuốn sách này, do các thân nhân bên Mỹ gửi về rồi được in nhái bằng máy photocopy.

Tôi có dịp nhìn lướt qua ảnh hưởng của sự trù phú mới mẻ này ở miền quê qua một chuyến đi ra vùng Đồng bằng sông Cửu Long – một vùng đất bằng phẳng, cảnh quan đơn điệu, chỉ có những đồng lúa, những rừng dừa mà tôi đã biết khá rõ từ thời còn chiến tranh. Gần đây, nhà cửa đã được quét vôi lại, dấu hiệu cho thấy nông dân đã có thu nhập đủ để quan tâm tới vẻ bên ngoài. Nhưng tôi có ấn tượng mạnh nhất đối với rừng ăng-ten ti-vi vươn cao trên những mái rạ vẫn còn thiếu những tiện nghi tối thiểu như hệ thống ống dẫn nước vào nhà. Tôi lắc lư trên một con đường đầy bụi và ổ gà tới một ngôi làng khuất sau hàng dừa. Trẻ con và gà vịt bu quanh. Một anh nông dân mảnh khảnh mặc đồ bà ba dẫn tôi vào thăm nhà anh. Căn nhà tuềnh toàng chỉ có một ít vật dụng: bàn ghế, một cái tủ đứng, chiếc giường gỗ và một chiếc ti-vi đen trắng. Trên tường, bên cạnh bức chân dung cần phải có của cha mẹ anh và của ông Hồ Chí Minh, anh đã cẩn thận viết lên những câu châm ngôn đại loại như: “Look before you leap” (Nhìn trước khi nhảy), “A stich in time saves nine” (Sai một li, đi một dặm). Anh bảo tôi, anh học được mấy câu đó từ một chương trình dạy tiếng Anh trên truyền hình. “Tôi đang dạy các con tôi học tiếng Anh để sau này khi chúng lớn lên, chúng có thể lên sống ở thành phố, đi làm công ty, kiếm được nhiều tiền và săn sóc vợ chồng tôi lúc tuổi già”, anh nói với vẻ hãnh diện.

Tò mò muốn biết những người cộng sản lão thành suy nghĩ như thế nào về cuộc chen nhau lao vào chủ nghĩa tư bản này, tôi nêu vấn đề với đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một cuộc trò chuyện với ông tại Hà Nội đầu năm 1995. Từ những cuộc phỏng vấn trước đây, tôi biết rằng đại tướng không ngại những vấn đề có khả năng gây tranh cãi. Tôi hỏi ông, có thể với chút khiêu khích: “Điều gì đã xảy ra với chủ nghĩa Marx?” Ông bình tĩnh trả lời: “Marx là nhà phân tích vĩ đại nhưng ông ấy không bao giờ truyền lại cho chúng tôi một công thức để cai trị đất nước”. Tôi cố đẩy vấn đề đi xa hơn một chút. “Thế còn chủ nghĩa xã hội? Tôi được dạy rằng, chủ nghĩa xã hội biểu thị cho quyền kiểm soát của nhà nước đối với mọi phương tiện sản xuất và phân phối”. Ông Giáp nhếch mép cười: “Cher ami, (Bạn ơi,) chủ nghĩa xã hội là bất cứ cái gì mang lại hạnh phúc cho người dân”.

Phu nhân của tướng Giáp, bà Đặng Bích Hà là một giáo sư sử học và cũng là một đảng viên lão thành, hưởng ứng quan điểm của ông theo cách riêng của bà. Tôi chắc rằng chỉ một thập niên trước, bà cũng đã lên án chủ nghĩa tư bản Mỹ như là nguồn gốc của mọi điều ác. Nhưng trong một buổi chiều bên tách trà, bà bảo tôi rằng, “Những hình ảnh về nước Mỹ chiếu trên truyền hình thật thú vị - xe hơi, tủ lạnh, nhà riêng. Thật là thừa mứa! Lẽ ra nước Mỹ phải là mẫu mực của chúng tôi”.

Cho đến năm 1995, đã có khoảng mười ngàn người Mỹ đến thăm Việt Nam. Một số người là thân nhân của những lính Mỹ mất tích trong chiến tranh – mà cuối cùng chính phủ Việt Nam đã cố gắng thống kê đầy đủ. Phần lớn những người đến Việt Nam để du lịch giải trí hoặc chỉ đơn giản do tò mò. Một nhóm các vận động viên lướt ván đã đến lướt sóng trên bãi biển Đà Nẵng, nơi mà lính Mỹ thường gọi là China Beach, một nhóm khác thì đạp xe vòng quanh đất nước. Nhiều du khách là cựu chiến binh. Họ lang thang qua những cánh đồng, những thôn làng một thời là bãi chiến trường, đôi khi hướng dẫn viên của họ chính là những chiến binh cộng sản cựu thù. Có người còn bị mấy tay bán hàng rong lừa mua những tấm thẻ bài giả, những chiếc bật lửa Zippo có khắc phù hiệu của các đơn vị quân đội Mỹ. Nhưng đa số những người Mỹ đến Việt Nam đều rất hài lòng với tính hiếu khách của người Việt. Một viên cựu trung sĩ nhận xét: “Với tư cách một cựu chiến binh Mỹ trở lại Việt Nam, tôi được chào đón nồng nhiệt hơn là với tư cách cựu chiến binh Việt Nam quay về nước Mỹ”.

Hàng chục ngàn người Việt đi tị nạn trước kia nay cũng lần lượt trở về, phần lớn là từ Mỹ. Họ được người dân gọi là Việt kiều – người Việt sinh sống ở nước ngoài. Trong số họ, có những người đã tốt nghiệp các đại học về kinh tế và luật danh tiếng của Mỹ. Nhờ khả năng ngôn ngữ và kiến thức về phong tục tập quán, họ trở thành những nhà môi giới được giới đầu tư nước ngoài thèm muốn. Những người khác thì cố gắng tìm cách tự đầu tư, thường là vào các doanh nghiệp nhỏ. Vẫn còn những người khác nữa được biết tới như là “spaceman” thường xuyên bay qua bay lại trên Thái Bình Dương để ráp nối các thương vụ lại với nhau. Đóng vai những kẻ khôn khéo gặp thời, một vài người đã dụ dỗ phụ nữ vào các cuộc hôn nhân giả tạo. Người Việt trong nước nhìn họ với cặp mắt thán phục, ghen tị hoặc khinh ghét, tùy thuộc vào cách cư xử của từng người.

Di sản của người Mỹ ở Việt Nam sâu nặng hơn là người Mỹ nghĩ. Tôi thường gặp những người Việt từng làm việc cho Mỹ trong thời gian chiến tranh. Ví dụ, trong một thành phố nhỏ ở đồng bằng sông Cửu Long, tôi có dịp tiếp xúc với một phụ nữ trung niên. Bà hỏi tôi bằng một thứ tiếng Anh khá lưu loát rằng tôi có quen biết trung sĩ McNeil, trước kia làm quản lý cái câu lạc bộ sĩ quan nơi bà làm tiếp viên hay không. Bà không thể chứng minh về công việc ngày xưa của mình, bởi vì bà đã đánh mất thẻ nhân viên. Tôi thì ngờ rằng bà đã tiêu hủy cái thẻ đó để tránh bị những người cộng sản chụp mũ là cộng tác viên của Mỹ và đưa bà đi học tập cải tạo.

Mỗi người Việt Nam, dù ở bên này hay bên kia, đều đã mất một người cha, người anh, một đứa con hoặc bạn bè thân thiết trong cuộc chiến tranh đã qua, chưa kể rằng có vô số phụ nữ và trẻ em đã chết hoặc trở nên tàn phế. Có thể họ đã quên nỗi đau đớn cùng cực của chính họ, nhưng tôi thì choáng váng trước thái độ không muốn nhớ nhiều về cuộc chiến của họ. Có lẽ đúng là như vậy, bởi vì họ thường xuyên phải chiến đấu, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác cho nên xào xáo quá khứ không phải là một công việc ưu tiên của họ. Hoặc cũng có thể do họ quá bận tâm với việc cải thiện cuộc sống hàng ngày. Dù thế nào đi nữa, họ cũng bộc lộ rất ít ác cảm đối với người Mỹ. Ở thủ đô Hà Nội, mảnh vỡ của những chiếc xe tăng và máy bay Mỹ được phô ra ngay cổng vào bảo tàng chiến tranh cách mạng, nhưng bên trong bảo tàng, phần trưng bày chính là những tranh ảnh và hiện vật về cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên-Mông năm 1287.

Tiểu thuyết, thơ và hồi ký của các cựu chiến binh Mỹ lúc nào cũng tập trung vào những nỗi kinh hoàng của chiến tranh, trong khi văn học nghệ thuật cộng sản ca ngợi cuộc chiến như là một thiên anh hùng ca. Nhưng vào đầu những năm 1990, một vài cựu chiến binh cộng sản đã bắt đầu viết về con đường đau khổ của họ. Tôi có một buổi tối uống bia trong một quán cà phê ở Hà Nội với nhà văn Bảo Ninh, một trung sĩ trong quân đội miền Bắc, tóc tai bờm xờm, anh vừa bị nhà nước khiển trách vì đã quá nhấn mạnh đến khía cạnh “bi thảm cực độ” hơn là niềm vinh quang của cuộc chiến trong cuốn tiểu thuyết rất sinh động của anh Nỗi buồn chiến tranh. Anh nói: “Tôi đã chiến đấu 6 năm và nếu như cuộc chiến kéo dài thêm thì chắc tôi cũng đã bị giết. Nó buộc tôi phải suy nghĩ về những tổn thất của chúng tôi. Đành rằng chúng tôi phải chiến thắng nhưng không nên hồi tưởng về chiến tranh chỉ như một sự kiện anh hùng hoặc không nên nghĩ mình là những siêu nhân”.



Về tác giả: Là một trong số ít các phóng viên nước ngoài có mặt ở Việt Nam từ đầu đến cuối cuộc chiến tranh, Stanley Karnow chứng kiến tận mắt những sự kiện lớn và có mối quan hệ với nhiều nhân vật quan trọng của các bên. Ông cũng đã trở lại Việt Nam nhiều lần để tiếp xúc, phỏng vấn các lãnh tụ chính trị, quân sự. Tác phẩm Vietnam – A History của ông là một cuốn sử về nước Việt Nam hiện đại từ khi tiếp xúc với phương Tây, trọng tâm là cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam-Bắc. Đây là tác phẩm chủ yếu của Stanley Karnow, mang về cho ông giải thưởng Pulitzer danh giá của báo chí Mỹ và đã có hơn một triệu bản được phát hành. Ngoài tác phẩm này Stanley Karnow còn tham gia tư liệu cho bộ phim tài liệu nổi tiếng Việt Nam – một thiên lịch sử bằng truyền hình.


Bản tiếng Việt © 2006 talawas
Nguồn: Stanley Karnow: Vietnam – A History, Penguin Books, 1997; chÆ°Æ¡ng thứ nhất “The War Nobody Won”, trang 9-59