trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
29.4.2006
Stanley Karnow
Cuộc chiến không ai thắng
Hoàng Nguyễn dịch
 1   2   3   4   5 
 
Các thông báo chính thức của Mỹ và báo chí thường chuyển tải cái ý tưởng rằng những cuộc ném bom của không quân Mỹ đã tàn phá nặng nề miền Bắc Việt Nam. Người Mỹ đã ném bom các cơ sở quân sự, các con đường tiếp tế và nhiều mục tiêu khác. Và trong chuyến đi đầu tiên ra miền Bắc, tôi nghĩ rằng mình sẽ chứng kiến cảnh tàn phá tan hoang. Nhưng Hà Nội, Hải Phòng và vùng nông thôn lân cận gần như còn nguyên vẹn. Tôi nhớ lại rằng đại tướng Curtis LeMay từng kêu gào “ném bom để đưa miền Bắc trở về thời đại đồ đá”. Nhưng trong những chuyến lang thang khắp miền Bắc tôi nhận ra rằng vùng đất này đã ở trong thời đại đồ đá nhiều thập kỷ rồi.

Trong suốt thời kỳ chiến tranh, những người cộng sản không cấp thị thực cho tôi đến Hà Nội. Thế rồi khi tôi được đặt chân đến đó, đối với tôi cái khối dân số ba triệu người của Hà Nội dường như đang lờ đờ trong một khoảng thời gian sai lệch. Hà Nội là một trong những thành phố cổ kính nhất châu Á, những đền đài bia đá hoang tàn chứng thực cho sự huy hoàng của thành phố như là thủ đô phong kiến của vùng Tonkin, miền Bắc Việt Nam. Vào cuối thế kỷ 19, người Pháp đã chọn Hà Nội làm nơi đặt bộ máy cai trị thực dân. Như họ đã làm ở Sài Gòn, người Pháp xây dựng vỉa hè cho các đường phố, trồng cây xanh hai bên đường, thiết lập các công viên, quảng trường, xây dựng hàng loạt biệt thự quét vôi vàng nhạt lợp ngói nâu với những mái hiên cong cong và các hành lang rộng rãi – một kiểu kiến trúc lai tạp thường bị chế giễu là “ngôi chùa xứ Norman”. Họ dựng nên một tòa nhà bưu điện oai nghiêm giữa vườn cây tươi tốt và một bản sao của nhà hát opera của Paris. Dù vậy bây giờ cuộc khủng hoảng kinh tế đã đẩy Hà Nội rơi xuống sự bần hàn. Người dân bỏ nhiều giờ lục lọi để tìm chút thực phẩm hoặc vài que củi. Nông dân từ các vùng quê đói kém bò vào thành phố để ăn xin trước cửa các khách sạn dành cho người ngoại quốc và xúm xít vào nhau tránh rét trên hè phố vào những đêm đông lạnh cắt da. Những biệt thự Pháp cũ thì mốc meo, hư hỏng. Trong thực tế, trong gần nửa thế kỷ qua Hà Nội không có công trình mới nào được xây dựng, ngoại trừ hai dinh thự kệch cỡm bằng đá hoa cương – một là viện bảo tàng nơi trưng bày những vật kỷ niệm về ông Hồ Chí Minh và hai là khu lăng tẩm bằng đá trưng bày cái thi hài đã ướp tẩm của ông, do các kiến trúc sư Xô Viết thiết kế, bắt chước hệt lăng ông Lenin ở Mạc-tư-khoa.

Nếu còn tại thế, hẳn ông Hồ cũng kinh hoàng. Ông đã nói rõ trong di chúc của mình rằng, tro thi hài của ông phải được cất trong ba cái bình sứ và chôn trên đỉnh ba ngọn đồi vô danh trên ba miền đất nước. Ông nói: “Hỏa táng không chỉ tốt xét về phương diện vệ sinh mà còn tiết kiệm được đất canh tác”. Ấy vậy mà những người kế tục ông đã vi phạm lời di chúc ấy vì họ gắng tìm kiếm chút ảnh hưởng từ niềm vinh quang của ông. Khi người cựu thư ký của ông Hồ tiết lộ cái di chúc ấy vào năm 1989, hai mươi năm sau khi ông mất, việc phanh phui những gì những người kế tục ông đã làm đã khiến công chúng cảm xúc mạnh. Dù vậy một quan chức cao cấp bảo vệ cho sự vi phạm đó. Ông ấy bảo tôi: “Chúng tôi trưng bày Bác Hồ vì Bác thuộc về nhân dân”. Ông ta có lý. Mỗi ngày từng đám đông người Việt lê bước vào lăng, nhiều người trong số họ bồng theo con dại, nhiều người khóc thút thít khi họ nhìn ngắm cái thi hài phủ sáp của vị cứu tinh.

Trong lần viếng thăm Hà Nội đầu tiên, tôi nghỉ tại khách sạn Thống Nhất – nguyên là khách sạn Metropole lộng lẫy do một công ty Pháp lập nên vào năm 1911. Từ trên trần phòng rơi xuống từng mảng sơn, ống nước trong phòng tắm thì bị rò rỉ, chuột chạy nhốn nháo ngoài sảnh đón khách, nơi các chính trị gia cánh tả lỗi thời của châu Âu trao đổi những biệt ngữ cách mạng ngốc nghếch với những người nổi dậy ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La-tinh thường được huấn luyện tại Việt Nam. Sau đó khách sạn được một tập đoàn của Pháp hợp tác với ngành du lịch Việt Nam tiến hành nâng cấp một cách tỉ mỉ và khánh thành trở lại vào tháng 3 năm 1992. Mặc dù được bảo trợ chủ yếu bới du khách ngoại quốc, những người có đủ tiền thanh toán giá phòng cao chót vót ở đây, dù sao nó cũng biểu thị rằng Hà Nội, tuy không nhiệt thành bằng thành phố Hồ Chí Minh, cũng đang nhấc từng bước tới chủ nghĩa tư bản.

Cái cửa hàng bách hóa tổng hợp trống rỗng hồi năm 1981 nay đã đầy hàng hóa. Không phải nó đang vào thời kỳ phát triển tươi đẹp nhất nhưng người quản lý, bà Mê Lai Bảo Khánh, đã phải né tránh các phương pháp xã hội chủ nghĩa. Để cạnh tranh, bà phải thường xuyên cải tiến chất lượng sản phẩm, thay đổi giá từng ngày, tăng thời hạn bảo hàng các thiết bị gia dụng và cho nhân viên đến lắp đặt tận nhà khách hàng mà không tính thêm chi phí. Các nhà hàng và quán bar tư nhân, một thời hoạt động lén lút cứ như kinh doanh lậu thì nay mọc lên như nấm. Các biệt thự Pháp đổ nát bây giờ được tân trang lại và cho người ngoại quốc thuê mướn với giá cắt cổ. “Hanoi Hilton”, nơi giam giữ các tù binh Mỹ - sở dĩ có cái tên ấy vì nhà tù kéo dài cả một dãy phố, đã bị phá dỡ một phần lấy mặt bằng xây dựng một khu phức hợp văn phòng khổng lồ bằng tiền của một công ty Singapore. Một buổi sáng, người hướng dẫn của tôi đưa tôi ra ngoại thành để nhìn thoáng qua cái mà anh ta gọi là “Đồi Beverly của Hà Nội”. Từ một vùng đất rộng bùn lầy đã mọc lên rất nhiều ngôi nhà sặc sỡ, trang trí bằng những mái vòm kỳ quái, và những chiếc cầu thang xoắn dẫn lên các ban-công bao bọc trong dãy chấn song được chạm trổ tỉ mỉ. Công cuộc xây dựng hỗn loạn đe dọa nghiêm trọng mạng lưới đê điều bảo vệ thủ đô trước nguy cơ lũ lụt thường niên của sông Hồng, nhưng người ta chẳng làm gì để hạn chế những kẻ đầu cơ bất động sản. Được sự dung túng của các quan chức chính quyền, những kẻ đầu cơ này thuê mướn đất đai của nhà nước, xây nhà hoặc tân trang nhà cũ, thu trước tiền thuê nhà vài ba năm rồi dùng số tiền đó tái đầu tư vào các bất động sản khác nữa. Cứ như vậy, nếu miền Bắc đã chinh phục được miền Nam trong cuộc chiến thì tinh thần của miền Nam đã chinh phục miền Bắc sau cuộc chiến.

Nhưng phần lớn Hà Nội vẫn còn giữ vẻ cổ kính. Tôi đã thử ngồi trên vỉa hè cho một bác thợ cắt tóc cạo râu và trả một đô-la cho một bà già để được cân trọng lượng cơ thể trên một cái cân cũ kỹ. Tôi đã lang thang vào các ngõ phố, ngồi húp phở soàn soạt với người lao động Việt Nam. Tôi cũng dạo quanh khu phố cổ Hà Nội ba mươi sáu phố phường, nơi mỗi đường phố được đặt tên theo sản phẩm đặc trưng hoặc theo cái ngành nghề mà cư dân phố đó thực hiện – phố Hàng Bạc, phố Hàng Gai, phố Thợ Nhuộm, phố Hàng Đường, phố Hàng Đào… Bây giờ khi người thợ thủ công không còn bị ngăn trở bởi những quy định hạn hẹp, các khu phố đều mở ra hoạt động mạnh.

Trong một lần đi dã ngoại ra ngoài thành phố, tôi có dịp dừng chân ở làng Bát Tràng; ba ngàn cư dân của làng đều tham gia nghề làm gốm như tổ tiên họ đã làm trong suốt bảy thế kỷ qua. Ông Lê Văn Cam là một nghệ nhân gốm sứ sáu mươi lăm tuổi nhưng còn khỏe mạnh rắn chắc và có chòm râu dài, đã mất một chân trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông chống nạng đưa tôi đi xem cơ sở làm ăn của ông. Phần lớn lợi nhuận ông thu được là từ việc sản xuất ngói lợp nhà nhưng ông thích sao chép các đồ gốm sứ cổ với nước men mà chính ông đã nghiên cứu hoàn thiện được. Đến trước bàn thờ người chị gái đã khuất ông thắp hương và cúi lạy trước khi dẫn tôi vào nhà. Trong phòng khách chúng tôi ngồi đàm đạo trong bộ ghế bành rộng, dưới những tấm bằng khen và giấy chứng nhận đảng viên của ông Cam. Sau khi rót đầy các chén trà như một thông lệ, ông bắt đầu đả kích những người cộng sản. Ông Cam nói: “Họ cho chúng tôi y tế và các phúc lợi xã hội khác nhưng họ trói buộc chúng tôi bằng các tay quản lý khắt khe và bất tài. Chỉ mới mấy năm trước tôi còn phụ trách một hợp tác xã chuyên sản xuất chén bát. Cả gia đình tôi sống chen chúc trong một gian phòng và toàn bộ tài sản chỉ là chiếc xe đạp. Công cuộc đổi mới đã tạo điều kiện cho tôi điều hành công ty riêng của mình. Bây giờ thì tôi có nhà lớn, có ti-vi, máy nghe nhạc xem phim, có cả máy giặt nữa. Nếu tôi có một cái ga-ra, có lẽ tôi đã mua xe hơi”.


*


Có lần vào năm 1990 tôi bị giật mình vì cái điện thoại do Nhật Bản sản xuất lắp trong phòng khách sạn. Thay vì reo chuông, nó phát ra bản nhạc “Ông già Noel đang xuống phố”. Bản nhạc này có lẽ là một thông điệp mang tính tượng trưng: Việt Nam đang rất cần những nguồn vốn khổng lồ từ bên ngoài. Nhưng đâu phải ngày mai đã là lễ Giáng sinh!

Trong thời chiến tranh, Liên Xô và Trung Quốc đã viện trợ cho miền Bắc nhiều khoản tiền lớn khi hai nước này cạnh tranh nhau biểu lộ nhiệt tình ủng hộ cuộc đấu tranh chống “chủ nghĩa đế quốc” Mỹ. Nhưng sau nhiều năm căng thẳng gia tăng giữa hai nước, cuối cùng vụ xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc bùng nổ thành chiến tranh biên giới năm 1979, khiến Việt Nam chỉ còn trông cậy vào Liên Xô. Tuy nhiên vì có những vấn đề riêng tích tụ từ năm này sang năm khác, cuối cùng thì Liên Xô cũng hết quan tâm tới vùng Đông Nam Á. Thế rồi Liên Xô sụp đổ, và Việt Nam rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Họ không thể quay lại với Trung Quốc, còn Hoa Kỳ thì vẫn đặt ra những điều kiện cứng nhắc trước khi chấp nhận cung cấp cho họ viện trợ và quan hệ thương mại.

Quan hệ giữa Việt Nam với các đồng minh của mình luôn luôn là quan hệ nhiều gai góc, hun đúc trong họ những bóng mờ của chủ nghĩa hoài nghi. Việt Nam đã chống lại những cuộc xâm lược của Trung Quốc trong gần hai ngàn năm. Sau khi đánh bại nước Pháp, tại Hội nghị Geneve năm 1954 người cộng sản tin rằng họ sẽ được giao quyền lãnh đạo toàn cõi Việt Nam nhưng Nga và Trung Quốc buộc họ phải chấp nhận một đất nước bị chia đôi. Trong những năm tháng kế theo đó, hy vọng rằng việc kéo dài chiến tranh sẽ khiến nước Mỹ kiệt quệ, Trung Quốc đã cổ vũ Việt Nam tiếp tục chiến đấu và thậm chí Trung Quốc còn giảm viện trợ cho miền Bắc vào năm 1968 khi miền Bắc đồng ý đàm phán với Hoa Kỳ tại Paris. Thế rồi vào năm 1972, những người cộng sản Việt Nam một lần nữa cảm thấy mình bị phản bội: trong lúc họ đang tiếp tục cuộc chiến đấu chống Mỹ thì cả Trung Quốc và Liên Xô đều bước vào đối thoại với tổng thống Richard Nixon. Sau đó nữa, khi những đơn vị chiến đấu của Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam đầu năm 1973, người Trung Quốc còn cố gắng ngăn cản miền Bắc tiến công chiếm lấy toàn miền Nam. Đối với lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông sự thống nhất hai miền Việt Nam cũng xa vời như giấc mơ của chính ông về sáp nhập Đài Loan vào đại lục. Ông ta lưu ý ông Phạm Văn Đồng rằng: “Tôi không có cây chổi đủ dài để vươn tới Đài Loan và đồng chí cũng không có cây chổi đủ dài để quét tới Sài Gòn”.

Sau chiến tranh đã có bốn ngàn kỹ thuật viên Xô Viết được phái tới Việt Nam để giúp khôi phục hệ thống đường sắt cổ lỗ, xây dựng các nhà máy điện và nhiều nhiệm vụ khác; họ thật tương phản với những người Việt duyên dáng và thanh tú. To con lớn xác, nhễ nhại mồ hôi, mặc những bộ trang phục xấu xí và không phù hợp với khí hậu nhiệt đới, họ trông giống một cách kỳ lạ với những người Mỹ to béo và đầy mồ hôi đội những chiếc mũ cứng được các công ty xây dựng thuê làm việc ở Việt Nam thời chiến tranh. Nhưng người Mỹ thì lúc nào trong túi cũng rủng rẻng tiền bạc, còn những người Xô Viết thì trông như những anh muzhik (nông dân Nga) không có lấy hai đồng xu teng. Người Việt chế giễu những người Nga này là “người Mỹ không có đô-la”; họ truyền miệng nhau câu chuyện tiếu lâm phản ánh nỗi bực dọc của họ trước sự keo kiệt của người Xô Viết cũng như tình cảnh nghèo hèn của chính mình. Để từ chối lời cầu viện, Mạc-tư-khoa đánh điện cho Hà Nội: “Hãy thắt lưng buộc bụng”. Hà Nội đáp: “Thì hãy viện trợ dây thắt lưng đã”.

Nga tài trợ cuộc xâm lăng vũ trang của Việt Nam vào đất nước Căm Bốt, kéo dài từ cuối năm 1978 đến mùa thu năm 1989. Nhưng để nhận được viện trợ, Việt Nam phải đồng ý cho Nga sử dụng căn cứ quân sự của Mỹ trước đây tại vịnh Cam Ranh – một điều kiện mà Việt Nam né tránh bằng cách chỉ cho họ sử dụng một phần rất giới hạn. Trợ giúp của Nga cũng bao gồm những khoản tiền cho vay mà Việt Nam phải thanh toán chủ yếu bằng nguyên liệu thô và hàng hóa. Đó là một tình thế khó xử cho Việt Nam. Việt Nam không thể xuất khẩu hàng hóa sang phương Tây để thu ngoại tệ mạnh; nếu không có ngoại tệ mạnh họ không thể mua được các công nghệ mà Liên Xô không có. Mạc-tư-khoa còn hạ đo ván Hà Nội bằng cách bán những hàng hóa do Việt Nam cung ứng ra thị trường toàn cầu với giá thấp hơn giá bình quân trên thế giới.

Năm 1991, được khích lệ bởi sự hòa hoãn mới thiết lập được với Mỹ và sự bất đồng với các đồng minh Đông Âu, Nga cắt đứt viện trợ cho Hà Nội. Từ đó trở đi, Việt Nam phải mua hàng hóa từ Mạc-tư-khoa, tính giá theo đồng đô-la Mỹ mà tất nhiên là họ không có sẵn để thanh toán. Họ đã mắc nợ Liên Xô khoảng 15 tỉ đô-la, khoản nợ mà không biết họ sẽ xử lý như thế nào.

Phương án thay thế duy nhất cho Việt Nam lúc ấy là tìm cách tái lập quan hệ với Hoa Kỳ - quốc gia đã hứa cung cấp quan hệ thương mại, viện trợ và đầu tư. “Chiến tranh đã là quá khứ, chúng ta hãy là bạn bè của nhau,” một quan chức Việt Nam cao cấp ở Hà Nội nói trong lúc chỉ cho tôi xem ngôi biệt thự Pháp đẹp đẽ được chọn làm nơi đặt tòa đại sứ Hoa Kỳ. Ông nói thêm rằng, biệt thự đã được diệt hết chuột. Một số quan chức khác đề nghị các tàu chiến Mỹ có thể sử dụng lại căn cứ hải quân tại vịnh Cam Ranh.

Nhưng công cuộc hòa giải giữa Việt Nam và Mỹ bị giẫm chân tại chỗ do số phận của binh lính Mỹ mất tích trong chiến tranh và tình trạng của nước Căm Bốt láng giềng.

Quan chức Mỹ tố cáo rằng Việt Nam vẫn giữ hài cốt của gần hai ngàn lính Mỹ mất tích làm công cụ để mặc cả việc chính phủ Mỹ công nhận Việt Nam. Lời tố cáo này không hoàn toàn bịa đặt. Thông thường người Việt chỉ hợp tác tốt khi điều đó phù hợp với mục tiêu của họ. Các nhà nghiên cứu phát hiện trong một trường hợp, hài cốt được cho là của lính Mỹ thì lại là xương người châu Á. Nhưng nhiều chính trị gia và các nhóm lợi ích ở Mỹ lợi dụng vấn đề này và sở dĩ họ lợi dụng thành công được một phần vì cuộc chiến Việt Nam không giống với mọi cuộc chiến tranh khác mà giằng xé tâm can người Mỹ.

Trong số gần ba trăm ngàn lính Mỹ chết trong Thế chiến thứ II, hơn hai mươi phần trăm không tìm được hài cốt. Và cuộc chiến tranh Triều Tiên cũng có tỉ lệ như vậy. Nhưng ở Việt Nam đến năm 1996 chỉ có rất ít hài cốt của những người đã chết chưa được tìm thấy, một phần nhờ vào công nghệ hiện đại sử dụng trong công tác tìm kiếm. Công nghệ cũng cho phép xác định từng người Mỹ mất tích trong chiến tranh. Các viên chức Lầu Năm góc được lệnh phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xác định binh sĩ mất tích ở Việt Nam, chỉ chấp nhận những cỗ quan tài nào mà căn cước của hài cốt đã được biết rất rõ.

Không thể nào tìm kiếm hết những binh sĩ đã mất tích trong chiến tranh. Thi hài tan rữa rất nhanh trong khí hậu nóng ẩm vùng nhiệt đới và địa hình của đất nước này quá gồ ghề đến mức ngay cả người Việt cũng không xác định nổi vị trí chôn cất khoảng hai hoặc ba trăm ngàn chiến sĩ đã ngã xuống trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ.

Nhưng thay vì hiểu được thực tế đó, nhiều chính trị gia Mỹ, kể cả các tổng thống, vẫn cố ý thổi bùng vấn đề lên vì những mục đích riêng của họ. Họ cũng từ chối tuyên bố công khai những điều mà trong chốn riêng tư phần lớn họ đều tin tưởng – rằng không còn người Mỹ sống nào bị cầm giữ ở Việt Nam. Thái độ hai mặt của những người này làm sản sinh ra một nghề chuyên bịa “những điều trông thấy” giả mạo. Thế là không thể nào từ bỏ hy vọng gặp lại người thân, nhiều gia đình thân nhân của những người lính mất tích đặt niềm tin vào các cuộc vận động hành lang chỉ có tác dụng kéo dài trò lừa đảo tàn bạo này. Hơn thế nữa, các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy đa số người Mỹ - kể các các cựu chiến binh – tin rằng Hà Nội đang giam cầm những tù binh Mỹ ngoài ý muốn của họ.

Những nỗ lực hàn gắn quan hệ Mỹ-Việt còn bị trắc trở do việc Việt Nam xâm lăng Căm Bốt vào mùa Giáng sinh năm 1978 – một biến cố gợi nhớ những kỷ niệm về quá khứ phức tạp của vùng Đông Nam Á.

Liên tục trong nhiều thế kỷ, Căm Bốt là miếng mồi của các lân bang hùng mạnh Thái Lan và Việt Nam. Quốc trưởng Căm Bốt, hoàng thân Norodom Sihanouk thường than thở với tôi, ông bị ám ảnh bởi cơn ác mộng rằng một ngày nào đó đất nước của ông sẽ bị xóa tên và người ta chỉ nhớ tới Căm Bốt nhờ những đền tháp uy nghi ở Angkor. Liên tục luồn lách để ngăn cuộc chiến tranh Việt Nam không lan vào đất nước chùa tháp, ông đã ngầm ưng thuận cho Việt Cộng lập căn cứ trên đất nước mình nhưng phủ nhận sự tồn tại của các căn cứ đó vì sợ người Mỹ sẽ tấn công. Sau này, nhìn thấy trước thắng lợi của phe cộng sản, ông cho phép Mỹ ném bom các căn cứ của Việt Cộng và quân đội miền Bắc Việt Nam. Tháng 3 năm 1970, Sihanouk bị lật đổ trong lúc ông đang ở Paris trong chuyến đi chữa bệnh béo phì hàng năm. Phe đảo chính đã cung cấp cho tổng thống Nixon cái cớ để gửi quân chiến đấu Mỹ vào Căm Bốt – đất nước mà bây giờ đã trở thành một bãi chiến trường mới.

Người kế tục hoàng thân Sihanouk là viên đại tướng bất tài và hay đau yếu Lon Nol chỉ lo giữ gìn an ninh của thủ đô Phnompenh, trong lúc không quân Mỹ mặc sức ném bom các căn cứ Việt Cộng và lực lượng Khmer Đỏ - những đồng chí Căm Bốt của Việt Cộng – tăng cường sự kiểm soát của họ trên khắp vùng nông thôn rộng lớn. Ngày 17 tháng 4 năm 1975, Khmer Đỏ chiếm Phnompenh, trong lúc các binh đoàn Bắc Việt Nam đang tiến như vũ bão về phía Sài Gòn. Chỉ trong 5 năm chiến tranh đã có nửa triệu người Căm Bốt chết và bị thương, phần lớn do bom Mỹ. Nhưng điều tồi tệ nhất vẫn còn ở phía trước.

Được tổ chức và huấn luyện ở miền Bắc Việt Nam, lực lượng Khmer Đỏ bắt đầu lớn mạnh từ đầu thập niên 1970. Cũng giống như đa số người Căm Bốt, họ ghét người Việt và sự căm ghét đó giúp cho họ tranh thủ được sự ủng hộ của Trung Quốc, khi ấy đang tranh cãi ầm ĩ với Việt Nam. Họ bị ảnh hưởng bởi lời truyền phán của Mao Trạch Đông về cách mạng thường trực nhưng họ cũng cố gắng xúc tiến học thuyết riêng của mình. Lãnh tụ của Khmer Đỏ là Saloth Sar, con trai của một viên chức cấp thấp, đã từng du học ở Paris. Tại Paris, ông ta đùa nghịch với cái ý tưởng thuần hóa người nông dân trong một thiên đàng nông nghiệp – một kiểu mơ mộng mà Lenin từng phê phán là “ấu trĩ tả khuynh”. Quay về nước, ông ta khoác cái nom de guerre (tên chiến trường) nghe bùi tai nhưng vô nghĩa là Pol Pot. Việc lính Mỹ vào Căm Bốt năm 1970 tạo động lực cho phong trào của Pol Pot và 5 năm sau đó với tư cách người chiến thắng ông ta bắt đầu biến những quan niệm của mình thành hiện thực.

Khi họ tiến hành di tản dân chúng ra khỏi Phnompenh và các thành phố khác, có vẻ như các binh đoàn của Pol Pot đang cố gắng làm giảm áp lực dân số lên các đô thị đã bị phình to bởi dòng người tị nạn chiến tranh đổ về. Nhưng những nấm mồ tập thể, những đống sọ người, những báo cáo tỉ mỉ và những câu chuyện kể của người sống sót sau này lại nói lên một câu chuyện hoàn toàn khác và hết sức ghê tởm. Khmer Đỏ đã tàn sát khoảng hai triệu người Căm Bốt – khoảng một phần tư dân số. Dân chúng bị lùa thành từng đàn vào các dự án sử dụng lao động nô lệ, phần lớn gục ngã vì đói khát, bệnh tật, bị đánh đập và kiệt sức, thậm chí có những trường hợp bị ăn thịt. Những người mang kiếng hoặc nói được một ngoại ngữ thì bị coi là trí thức ăn bám, hàng ngàn người đã bị hành quyết. Trường học và công sở bị biến thành phòng tra tấn, trang bị những thiết bị điện và những công cụ tra tấn khác. Ở Toul Sleng – một trường lycée (trung học) của Phnompenh, trong suốt nửa đầu năm 1977 việc giết người diễn ra với mức bình quân mỗi ngày một trăm người, bất kể đàn ông đàn bà hay trẻ nhỏ - các nạn nhân đều được chụp hình trước và sau khi bị hành quyết. Khmer Đỏ đánh dấu sự khởi đầu chế độ của họ là Năm Zê-rô, bắt đầu của một “cộng đồng mới”, xóa sạch những “văn hóa suy đồi và tệ nạn xã hội”.

Sau khi đánh đuổi Khmer Đỏ ra khỏi thủ đô Phnompenh, Việt Nam thiết lập một chính phủ đại diện. Họ ngăn chặn được nạn diệt chủng và tự tôn vinh mình như người cứu rỗi, nhưng ý định của họ không phải là cứu giúp người Căm Bốt. Cái chính là họ sợ rằng Khmer Đỏ do Trung Quốc giật dây sẽ chiếm lại những vùng đất Việt Nam mà nhiều thế kỷ trước tổ tiên họ đã chiếm của Căm Bốt. Những vụ đột nhập cướp phá của Khmer Đỏ vào Việt Nam đã diễn ra rất sớm từ năm 1977 và tháng 2 năm 1979 quân đội Trung Quốc tấn công vào biên giới phía bắc Việt Nam. Cuộc tấn công nhanh chóng bị đẩy lùi nhưng đối với người Việt vụ đánh lén này cho thấy họ bị Trung Quốc bao vây như thế nào. Một quan chức ở Hà Nội nói với tôi: “Khi chúng tôi nhìn sang Căm Bốt, chúng tôi chỉ thấy Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc.”

Khi ấy có khoảng hai trăm ngàn binh lính Việt Nam chiến đấu chống các phe nhóm Căm Bốt – kỳ quặc là ngay cả ông hoàng Sihanouk cũng liên minh với Khmer Đỏ bất chấp sự kiện nhiều thành viên hoàng gia đã bị giết trong cuộc diệt chủng dưới tay Pol Pot. Đối lập với các mục tiêu của Trung Quốc, Mạc-tư-khoa ủng hộ Việt Nam trong khi Trung Quốc có sự hợp tác của Thái Lan, cung cấp vũ khí cho Khmer Đỏ. Nghiêng về phía Trung Quốc, Hoa Kỳ phản đối chính quyền bù nhìn do Việt Nam dựng lên ở Phnompenh, và thậm chí còn tán thành cho Khmer Đỏ làm đại diện hợp pháp của Căm Bốt tại Liên hiệp quốc.

Tình trạng hỗn độn đó kéo dài hơn một thập kỷ, trong đó Khmer Đỏ và chính quyền Phnompenh cứ vừa đánh vừa đàm. Cuối cùng vào mùa hè năm 1990 họ bằng lòng để cho một lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc triển khai tại Căm Bốt để giám sát công cuộc bầu cử. Việt Nam đã rút quân khỏi Căm Bốt vào tháng 9 năm trước, một phần để xoa dịu Hoa Kỳ, phần khác vì viện trợ của Liên Xô đã giảm sút trầm trọng. Một chính quyền mới được dựng lên ở Phnompenh, trong đó hoàng thân Sihanouk làm vua nhưng chỉ có vai trò danh dự. Dù sao chính quyền đó cũng tồn tại đến bây giờ.


*


Năm 1977 tổng thống Jimmy Carter tán thành một sáng kiến mở một mối liên hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Ông ủy quyền đàm phán cho Richard Holbrooke, trợ lý bộ trưởng ngoại giao phụ trách châu Á, người đã phục vụ ở Việt Nam trong thời chiến tranh nhưng với tư cách một nhân viên dân sự. Các cuộc đối thoại diễn ra ở Paris và nhanh chóng đình trệ do Việt Nam nhấn mạnh rằng lời hứa của Nixon về khoản “bồi thường chiến tranh” phải được thực hiện. Họ đã tính toán số tiền đó vào kế hoạch kinh tế của mình. Nhưng do không được ai bày vẽ về hệ thống chính trị của Mỹ, họ không hiểu rằng chỉ Quốc hội Hoa Kỳ mới có quyền bỏ phiếu phân bổ ngân sách. Vào cuối năm 1978, nhận ra rằng mình đã lầm lẫn, họ bỏ qua cái yêu cầu đó. Nhưng đã quá muộn. Cố vấn về an ninh quốc gia của tổng thống Carter, ông Zbigniew Brzezinski đang tìm kiếm phương cách để tăng sức ép đối với Nga, đã kết luận rằng, “bình thường hóa” mối quan hệ gần như chính thức với Trung Quốc là điều quan trọng hơn. Các chuyên gia chính trị ở Nhà Trắng cũng đồng ý như vậy; họ lưu ý rằng quan niệm của công chúng Mỹ đang ác cảm với Việt Nam do vấn đề người Mỹ mất tích. Thế rồi đến hiện tượng di tản ồ ạt của “thuyền nhân”, song song là cuộc xâm lăng của Việt Nam vào Căm Bốt. Việc công nhận chính phủ Hà Nội thế là bị gác lại và giữ nguyên tình trạng đó trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của Reagan và Bush.

Đến thời tổng thống Bill Clinton, việc công nhận chính phủ Hà Nội vẫn còn là vấn đề ít được ưu tiên. Tuy nhiên bị hấp dẫn bởi những dự báo sáng sủa về Việt Nam, rất nhiều doanh nhân Mỹ đã khẩn cầu tổng thống xem xét mối quan hệ giữa hai nước. Ông Clinton là một người đã từng trốn quân dịch, lại là người phản đối chiến tranh Việt Nam nên ông cảm thấy e ngại trước sự phê phán của đảng Cộng hòa đối lập cũng như từ các thế lực ngay trong đảng Dân chủ của ông. Và như ông thường làm mỗi khi gặp vấn đề có thể gây tranh cãi, ông áp dụng cách câu giờ. Và có lẽ ông Clinton còn tiếp tục câu giờ nữa nếu không có hai thành viên Quốc hội với thành tích chiến đấu không chê vào đâu được thúc giục ông hành động. Đó là thượng nghị sĩ John McCain, đảng Cộng hòa bang Arizona – nguyên là phi công trong lực lượng hải quân đã từng bị giam giữ sáu năm tại Hà Nội với tư cách tù binh chiến tranh; và John Kerry, nghị sĩ đảng Dân chủ bang Massachusett, một cựu binh hải quân được tuyên dương. Vào tháng 2 năm 1994, Bill Clinton bãi bỏ cấm vận thương mại và đầu tư với Hà Nội – và tại một bữa tiệc nhỏ tổ chức ở Nhà Trắng ngày 11 tháng 7 năm 1995, ông công bố công nhận hoàn toàn chính phủ Việt Nam. Ông nói với cử tọa gồm các thành viên chính phủ, các lãnh tụ quốc hội, các tướng lĩnh và lãnh đạo các nhóm cựu chiến binh đứng bên cạnh mình rằng: “Giây phút này đem lại cơ hội hàn gắn những vết thương của chúng ta… Hãy cất vào quá khứ những gì chia rẽ chúng ta ngày trước. Hãy để cho giây phút này, theo như lời Kinh Thánh, trở thành thời kỳ hàn gắn, thời kỳ xây dựng”.

Những người ủng hộ vỗ tay hoan nghênh cử chỉ đó nhưng Việt Nam tỏ ra chưa đáp ứng được mong đợi của họ. Được người cộng sản dán cho cái nhãn “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, cơ cấu mới ở Việt Nam là một cách nói trại về chủ nghĩa tư bản nhà nước. Sự can thiệp của chính phủ vào doanh nghiệp lan tràn khắp nơi. Quân đội cũng tham gia đủ mọi lĩnh vực, từ xây dựng khách sạn đến điều hành sân chơi golf. Bộ nông nghiệp thì bán phân bón, bộ công nghiệp thì quản lý các nhà máy dệt. Bộ ngoại giao thu của các phóng viên nước ngoài đến làm việc mỗi ngày năm mươi đô-la một người để cung cấp những hướng dẫn viên mà lương tháng chỉ có một trăm đô-la. Theo lệ, các quan chức thường dành riêng cho thân nhân của mình hợp đồng cung cấp những hàng hóa mà các cơ quan của đảng và nhà nước sẽ mua sắm.

Càng khám phá Việt Nam, càng nhiều doanh nhân nhận ra, như một người nói với tôi, “đây là sự trêu ngươi lớn lao nhất về đầu tư ở Á châu”. Chủ nghĩa quan liêu là một bãi lầy, luật pháp là một mớ bòng bong những quy định không biết đằng nào mà lần. Người ngoại quốc bị cấm sở hữu bất động sản; điều đó cho phép người Việt nắm giữ cổ phần chính trong các công ty liên doanh chỉ bằng cách góp quyền thuê mướn một mảnh đất với giá trời ơi. Để có được tấm giấy phép đầu tư cần phải có sự phê chuẩn của một tá các bộ và các ủy ban, đến cấp nào cũng phải tốn tiền. Các quan chức ở địa phương thì thường phớt lờ các cải cách do chính phủ ở Hà Nội ban hành, có thể do ghen ghét vì đặc quyền, hoặc có thể do tính trì trệ. Có lần, khi Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Sài Gòn có kế hoạch tổ chức một buổi họp mặt, họ đã bị Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cấm trên cơ sở rằng Phòng thương mại không có giấy phép tổ chức hội họp đông người. Một doanh nhân Mỹ nhận xét: “Cái đầu của con rồng thì biết mình đang đi đến đâu nhưng tôi không chắc cái đuôi có biết điều đó hay không”.

Vì thế, đầu tư nước ngoài cứ chập chờn. Các chuyên gia dự tính rằng, để duy trì tốc độ tăng trưởng, cho đến cuối thế kỷ 20 Việt Nam cần có 20 tỉ đô-la vốn đầu tư nhưng cho đến cuối năm 1996, chỉ có 3 tỉ đô-la trong số vốn đăng ký đầu tư được giải ngân. Điều lạ lùng là các nhà đầu tư hàng đầu đều đến từ Đài Loan và Hàn Quốc, những quốc gia chống cộng kiên định nhất châu Á. Các công ty Mỹ, mặc dầu được dự đoán là sẽ ồ ạt đổ vào, chỉ mới đầu tư khoảng 200 triệu đô-la, chủ yếu vào các dự án dầu mỏ ngoài biển khơi. Michael J. Scown, một luật sư Mỹ ở Sài Gòn, nhận xét với tôi rằng người Việt đang tự lừa dối mình khi nghĩ rằng thế giới đang đua nhau kéo tới Việt Nam. Ông nói: “Doanh nhân là thành phần khó tính. Họ sẽ không chịu đau đầu nhức óc khi họ có thể chọn lựa làm ăn ở nơi khác”.

Năm 1996, một nhóm các kinh tế gia của đại học Harvard được chính phủ Việt Nam đặt hàng một cuộc nghiên cứu về tiến bộ của đất nước, đã cảnh báo rằng mặc dù sự trỗi dậy của Việt Nam có vẻ ngoạn mục song “những gì đã gặt hái được xem ra rất đỗi mong manh”. Họ nói thêm rằng: “Công cuộc cải cách là đầu voi đuôi chuột”. Trong số những đề xuất của mình, họ khuyên rằng những luật lệ mơ hồ cần phải được làm sáng tỏ, những quy định cứng nhắc đối với đầu tư nước ngoài phải được nới lỏng, bộ máy quan liêu trì trệ phải được sắp xếp hợp lý và độc quyền nhà nước phải bị giải thể để khuyến khích cạnh tranh chân thực. Sự đánh giá của họ đi đến kết luận: “Vấn đề không phải là ở chỗ Việt Nam có thể thành công hay không, bởi vì Việt Nam có thể. Điều nghi ngờ là ở chỗ Việt Nam có sẽ thành công hay không”.

Nhưng một số người Mỹ vẫn lạc quan. Eugene Matthews, một người tốt nghiệp trường luật ở đại học Harvard, định cư ở Hà Nội từ năm 1990 vì cho rằng Việt Nam cuối cùng sẽ trở thành một cánh đồng chín rộ cho hoạt động đầu tư. Ông học tiếng Việt và sau này được thuê mướn bởi các công ty như Revlon, Lehman Brothers và American Express. Khi chiến tranh nổ ra ông ta còn quá trẻ, không thể tham gia cũng không thể phản đối, cho nên ông nhấn mạnh rằng các doanh nhân nước ngoài có thể thành công ở Việt Nam nếu họ bỏ thời gian tìm hiểu những chỗ mạnh chỗ yếu của nó – và trên hết là hãy nhìn về phía trước hơn là ngoái lại đàng sau. Ông bảo tôi: “Đây là một đất nước, không phải là một cuộc chiến tranh. Đừng làm cho họ thất vọng sớm”.


*


Cho đến Thế chiến thứ II nước Mỹ vẫn chưa bắt đầu quan tâm đến vùng Đông Nam Á – chỉ vì mối quan hệ hời hợt tới cuộc xung đột với Nhật Bản. Vài người Mỹ quen thuộc với Việt Nam thường biết tới dân tộc này như là những người thiết tha với nền độc lập và căm ghét Trung Quốc. Tuy nhiên lời khuyên của họ đã không được chú ý đến vào năm 1950 khi tổng thống Truman quyết định giúp người Pháp giành lại quyền cai trị ở Đông Dương. Ông ta bị thôi thúc bởi bộ trưởng ngoại giao của mình là Dean Acheson, người luôn nghĩ rằng nước Pháp hết sức cần thiết cho chính sách của Mỹ ở Âu châu. Acheson cũng là người đề cao học thuyết “đô-mi-nô” với quan niệm rằng nếu người Pháp không được bảo vệ, chủ nghĩa cộng sản sẽ nuốt chửng toàn khu vực. Ý nghĩ của ông ta bắt nguồn từ niềm tin ngờ nghệch rằng Hồ Chí Minh là một quân cờ của Nga và Trung Quốc mà không chịu xem xét cái khả năng rằng, ông Hồ cũng giống như thống chế Tito của Nam Tư là một nhà dân tộc chủ nghĩa, gắn bó sâu nặng với nền độc lập của Việt Nam hơn là với chủ nghĩa cộng sản toàn cầu. Thế là những giả thuyết mơ hồ đã đẩy nước Mỹ vào một khu vực chẳng mấy liên quan đến lợi ích chiến lược thật sự của nó.

Khi cuộc chiến tranh lạnh leo thang, vùng Đông Nam Á trở thành bãi chiến trường quốc tế. Nhưng trong nhiều thế kỷ qua, các thế lực nước ngoài đã thâm nhập vào vùng này để tìm kiếm của cải hoặc ảnh hưởng hoặc để chống lại những tham vọng của các đối thủ. Không có cuộc tấn công nào để lại dấu ấn sâu sắc hơn là sự can thiệp của thực dân phương Tây, đã chuyển hóa những thể chế mới, những ý tưởng mới trong công cuộc thử thách các phong tục truyền thống và những giá trị cổ xưa. Sự va chạm giữa phương Đông và phương Tây kích thích người châu Á, họ vừa tiếp thu vừa chống lại, truyền cho họ cái sức mạnh nhằm khôi phục lại bản sắc của mình, sửa chữa các lề lối cổ lỗ và xác định những cảm hứng mới mẻ. Kinh nghiệm đó cũng lay động người Việt Nam – gieo mầm cho một cuộc đấu tranh mà cực điểm của nó là hơn năm mươi tám ngàn tên tuổi người Mỹ được khắc trên đài tưởng niệm bằng đá hoa cương tại thủ đô Washington.



Về tác giả: Là một trong số ít các phóng viên nước ngoài có mặt ở Việt Nam từ đầu đến cuối cuộc chiến tranh, Stanley Karnow chứng kiến tận mắt những sự kiện lớn và có mối quan hệ với nhiều nhân vật quan trọng của các bên. Ông cũng đã trở lại Việt Nam nhiều lần để tiếp xúc, phỏng vấn các lãnh tụ chính trị, quân sự. Tác phẩm “Vietnam – a history” của ông là một cuốn sử về nước Việt Nam hiện đại từ khi tiếp xúc với phương Tây, trọng tâm là cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam-Bắc. Đây là tác phẩm chủ yếu của Stanley Karnow, mang về cho ông giải thưởng Pulitzer danh giá của báo chí Mỹ và đã có hơn một triệu bản được phát hành. Ngoài tác phẩm này Stanley Karnow còn tham gia tư liệu cho bộ phim tài liệu nổi tiếng “Việt Nam – một thiên lịch sử bằng truyền hình”.

Bản tiếng Việt © 2006 talawas
Nguồn: Stanley Karnow: Vietnam – A History, Penguin Books, 1997; chÆ°Æ¡ng thứ nhất “The War Nobody Won”, trang 9-59