trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 7412 bài
  1 - 20 / 7412 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
5.5.2006
Nường Lý
Dương Thu Hương - Người đàn bà Việt răng đen mắt toét đốt đuốc làm giặc
 
Nhà văn Dương Thu Hương trong buổi nói chuyện tại Thư viện Thành phố New York ngày 30.4.2006
Sáng ngày 30 tháng 4 năm 2006, trước thư viện tại trung tâm thành phố New York, nhiều người Việt khắp nơi trên nước Mỹ đã tụ về tham dự buổi nói chuyện của Dương Thu Hương, nhà văn nữ nổi tiếng thế giới với ngòi bút sắc sảo và nhiệt tâm tranh đấu cho tự do, dân chủ Việt Nam.

Dương Thu Hương ghé New York để dự Đại hội Văn chương Thế giới (Pen World Voices), do Hội Văn bút Hoa Kỳ (PEN), trung tâm New York, tổ chức, với sự góp mặt của 135 văn sĩ từ 33 quốc gia trong 54 chương trình, kéo dài từ 25.4 cho đến hết ngày 30.4.2006.

Chủ đề của Đại hội năm nay là: “Các tiếng nói trên thế giới” (World Voices).

Đây là lần đầu tiên nhà văn Dương Thu Hương đến New York, thành phố của Nữ thần Tự do.

Trong dịp tham gia Đại hội Văn chương Thế giới lần này, bà đã lên tiếng tối 26 tháng 4 tại Hội trường Toà Đô chính New York, với đề tài: “Nhu cầu cứu rỗi”, do dịch giả Nina McPherson trình bày bản Anh ngữ, còn riêng bà thì đọc mấy câu Kiều:

Ngẫm hay muôn sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
Có đâu thiên vị người nào,
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai,
Có tài mà cậy chi tài,
Chữ tài liền với chữ tai một vần.

Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.


Chủ nhật 30 tháng Tư, Dương Thu Hương nói chuyện cùng nhà văn Robert Stone tại Thư viện New York với chủ đề “Cuộc chiến Việt Nam, tình trạng kiểm duyệt và vai trò của nhà văn tại Việt Nam”, với sự tham dự của trên 200 khán giả Mỹ, Việt đến từ khắp nơi. Thông dịch viên cho bà trong dịp này là ông Nguyễn Quí Đức (phụ trách chương tŕnh Pacific Time trên làn sóng phát thanh KQED).

Đặc biệt, người ta nhận thấy sự hiện diện của học giả Nguyễn Ngọc Bích, nữ sĩ Trương Anh Thụy, trưởng ban Việt ngữ Đài VOA Michael Mathes, ký giả Gia Minh của RFA, Ông Huỳnh Kim Khánh và Nguyễn Khoa Thái Anh của Đàn Chim Việt, Ông Đinh Quang Anh Thái của Little Saigon Radio và Viet Tide, nhóm phóng viên kiều diễm của Little Saigon, Ông Võ Thành Nhân và Đặng Văn Sâm của VATV, Ông Phạm Bội Hoàn, cameraman kỳ cựu của CBS, từng thu hình tại toà Bạch ốc qua sáu nhiệm kỳ Tổng thống dưới các thời Ford, Carter, Reagan, Bush, Clinton, Bush. Ngoài ra có Linh mục Chương từ bút nhóm Lửa Việt cùng 14 anh chị em trẻ thuộc nhóm Meet-up tại New York. Thêm vào đó, còn có sự hiện diện của một số sinh viên Hà Nội du học về ngành báo chí và một số đông các khán giả Việt Mỹ khác.

“Chỉ là một sự tình cờ…” [1]

Đó là câu trả lời của nhà văn Dương Thu Hương, khi được hỏi bà nghĩ sao về thời điểm được xếp đặt cho cuộc nói chuyện lần đầu tiên của bà tại New York, thành phố mà Nữ thần Tự do giơ cao ngọn đuốc soi đường cho những người tị nạn chính trị từ mọi nơi trên thế giới tụ về, vào đúng ngày 30 tháng 4. Dương Thu Hương đã theo chân đoàn quân chiến thắng vào tiếp thu Sài Gòn, và bà đã “ngồi xuống vỉa hè ôm mặt khóc như cha chết, vì nhận ra rằng, kẻ thắng trận là một chế độ man rợ hơn người thua”, bà có “một cảm giác vô cùng hoang mang và cay đắng”,“cái đẹp phải tan nát, và nền văn minh phải quy hàng”. Dương Thu Hương nói: “Thế hệ của chúng tôi đã bị lừa…”

“Năm 69, khi tôi gặp những tù binh đầu tiên hoàn toàn là những người Việt Nam thì tôi biết mình đã bị lừa. Tôi tưởng kẻ thù của mình phải mắt xanh mũi lõ và da trắng… Năm 69, tôi thấy họ là người mũi tẹt da vàng tóc đen.” “Cả thế hệ của chúng tôi đã bị lừa.” Bà nói một cách cay đắng.

Dương Thu Hương cho rằng dân Việt Nam đã bị đẩy vào một cuộc chiến vô nghĩa vì luôn luôn mang tâm thức phải “chiến đấu chống ngoại xâm”, một hệ quả từ ngàn năm chống Tàu và trăm năm chống Tây.

Theo Dương Thu Hương, cho đến hôm nay, sức đè của phương Bắc và những cuộc chiến liên tiếp cùng sự lãnh đạo ngu dốt đã khiến người Việt đã chỉ “tranh đấu để tồn tại” chứ không thực sự “sống”.

“Người Việt Nam đầy đủ can đảm để chết, nhưng chưa bao giờ đủ trí khôn để mà sống, đủ khát vọng để mà sống một cách tử tế. Và đấy là là lý do tôi phải làm giặc. Lý do duy nhất tôi chọn làm giặc là vì tôi muốn bảo dân tộc của tôi phải biết mở mắt ra để nhìn vào cuộc sống.”

Bà tuyên bố: “Tôi chấp nhận là một kẻ làm giặc”… “như một người tội phạm luôn luôn bị săn đuổi và sẵn sàng chết bất cứ lúc nào. Khi chấp nhận như vậy thì sợ hãi không còn nữa, và người ta sống với khoảnh khắc hôm nay, và ở đây, còn ngày mai thì mặc kệ, vì vậy tôi cảm thấy rất tự do…”

Tâm sự với trên 200 khán giả đến từ khắp nơi trên nước Mỹ, bà nói chế độ cộng sản hiện còn tồn tại là nhờ vào 3 điều:

  1. Sự sợ hãi của dân chúng

  2. Sự thiếu hiểu biết của người Việt

  3. Hào quang chiến thắng từ 31 năm xưa, mà ngày nay chỉ còn là một xác chết thối rữa nhưng vẫn được lôi ra tô điểm lại để tiếp tục ru ngủ và lừa mỵ dân Việt. “Chúng ta không thể tiếp tục ngủ với xác chết”.
Theo đuổi lý tưởng tranh đấu cho một đời sống đáng sống đích thực với tự do dân chủ cho dân Việt, Dương Thu Hương đã thách thức tất cả đàn áp dọa nạt từ chính quyền cộng sản, với những ngày tù đầy, sách và hồi ký bị tịch thu, cấm phát hành hay lưu truyền trong nước. Tuy vậy, bà vẫn không ngừng sáng tác. Nhiều tác phẩm của bà đã được dịch ra trên 10 thứ tiếng và đã được giới thiệu trên hầu hết các báo lớn ở Tây phương như Figaro hay Le Monde ở Pháp, Corriere della Sera ở Ý, hoặc tờ New York Times hay cả nguyệt san Readers Digest ở Mỹ. Gần đây nhất, bà đã sáng tác ba tiểu thuyết mới. Truyện Chốn vắng được thế giới văn bút tiếp nhận nồng nhiệt qua hai bản dịch Pháp văn và Anh ngữ, tuy bản tiếng Việt vẫn chưa in.

Theo nhà văn Antoine Audouard, “những tác phẩm của bà Dương Thu Hương đã mở ra một cánh cửa để độc giả am hiểu Việt Nam một cách sâu sắc hơn, về lịch sử và những truyền thống Việt Nam, về nội tâm và nỗi đau thương của Việt Nam”.

Dương Thu Hương nói bà đã sống theo quan niệm “vô úy” của triết thuyết Phật giáo, dùng sự “không kiêu căng, không sợ hãi” để đạt đến tự do và thản nhiên trước mọi áp lực của bạo quyền. Bà luôn đi tìm cái đẹp tuyệt đối của sự thực.

Một số người trẻ cho rằng Dương Thu Hương đang tiếp tục nói về các vấn đề xưa cũ, từ trên 30 năm trước. Có ý kiến cho rằng trong truyện của bà, các nhân vật nữ quá mạnh mẽ, và thiên về tư bản, vật chất, tính dục. Cũng có người hỏi sao bà còn tiếp tục tranh đấu khi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam nói họ đã đổi mới rất nhiều từ năm 1986, và từ năm 1995 đến nay, đời sống vật chất đã được nâng cao tại Việt Nam.

Dương Thu Hương khẳng định, phải có sự thay đổi từ cốt lõi, chứ vật chất chỉ là cái vỏ bề ngoài, và dân Việt Nam vẫn chưa có tự do, dân chủ thực sự. Bà đòi hỏi chính quyền phải thực sự đổi từ độc đảng sang đa đảng, và tôn trọng các quyền dân chủ.

Dương Thu Hương cũng nói khả năng tồn tại dai dẳng nhất của bà là từ sức mạnh truyền thống của một người đàn bà nhà quê Việt Nam, chân đất váy đụp, không ngừng lên dốc với quang gánh nặng trĩu trên vai nhưng không bao giờ bỏ cuộc.

“Nếu mà trong tôi không có một người đàn bà răng đen mắt toét, thì tôi không thể nào tồn tại được.

New York, 30 tháng 4. 2006

© 2006 talawas



[1]Các đoạn in nghiêng là phát biểu chính thức của Dương Thu Hương.