trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
Lịch sử
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngLịch sử
6.5.2006
Phạm Quang Tuấn
Alexandre de Rhodes tới triều đình Pháp để xin gì?
 
Tuy tôi không lưu tâm mấy về những tranh luận công tội của Alexandre de Rhodes nói riêng và Giáo hội La Mã nói chung, bài của Bùi Kha có đề cập đến ý kiến ngắn của tôi, nên tôi xin trả lời những điểm liên quan tới ý kiến ngắn đó, và cũng hy vọng làm sáng tỏ phần nào lý do de Rhodes đã phải vào triều đình Pháp. Tôi xin phép trích dẫn nguyên văn từ bài của Bùi Kha, vì không trích dẫn thì rất có thể ông Bùi Kha lại bảo tôi diễn tả ý của ông không chính xác!

Bùi Kha viết "các ông Phạm Quang Tuấn, Nguyễn Tấn Hưng, Hòa NguyễnDương Phẩm... chủ yếu nhằm thảo luận về hoạt động và quan điểm chính trị của linh mục A. de Rhodes hơn là đề cập đến việc linh mục này có phải là người đầu tiên có sáng kiến phiên âm tiếng Việt theo mẫu tự La tinh hay không, ngoại trừ tác giả Hòa Nguyễn". Thực ra, tôi không đề cập gì đến "hoạt động và quan điểm chính trị" của de Rhodes mà chỉ sửa cách hiểu sai từ "soldat" thành "lính chiến" của Bùi Kha. Đây hoàn toàn là vấn đề ngôn ngữ, không dính dáng đến chính trị. Đối với những người thông thạo tiếng Anh hay tiếng Pháp và dùng nó thường ngày, không có gì là mập mờ trong câu nói của de Rhodes cả. Hầu hết nội dung bài của các vị kia cũng tập trung nói về vào cách hiểu và dịch sai này. Còn việc de Rhodes không phải là người đầu tiên có sáng kiến phiên âm tiếng Việt theo mẫu tự La tinh, đối với tôi, là việc quá hiển nhiên không có gì phải bàn cãi, nhất là bàn cãi theo cung cách thiếu nghiêm túc và sặc mùi chính trị của ông Bùi Kha. Theo tôi, việc de Rhodes không phải là người đầu tiên sáng chế chữ Quốc ngữ có nghĩa là ta cần vinh danh những người đi trước ông, nhưng không có nghĩa là ta phải ngừng vinh danh de Rhodes, vì ông có những đóng góp rõ ràng.

Bùi Kha viết "Ông Phạm Quang Tuấn dùng những định nghĩa (tổng quát) trong thông tin điện tử Google để biện luận cho nghĩa ngữ trong hai cụm từ ‘plusieurs soldats’ & ‘a conquête de tout l’Orient’, thao tác này không giúp giải thích rõ quan điểm chính trị của linh mục A. de Rhodes." Chẳng nhẽ Bùi Kha không phân biệt được thế nào là định nghĩa và thế nào là ví dụ? Tôi không hề dùng định nghĩa nào cả, dù tổng quát hay cá biệt, mà đã đưa ra hàng trăm ngàn ví dụ cụ thể của chính người Anh và người Pháp khi họ dùng chữ soldat trong ngữ cảnh Thiên chúa giáo. Khi gặp một thành ngữ bóng bảy, cách tốt nhất để hiểu nó không phải là tra từ điển Pháp Việt hay Anh Việt, mà là xem trong thực tế nó được dùng như thế nào. Tôi cũng hoàn toàn không quan tâm đến việc "giải thích rõ quan điểm chính trị của linh mục A. de Rhodes". Kinh nghiệm với những chế độ Quốc xã và cộng sản cho ta thấy nên tách rời chuyện chính trị ra khỏi chuyện học thuật.

Bùi Kha viết "Tự điển Pháp Việt của Ðào Duy Anh định nghĩa chữ ‘soldat’ là lính chiến. Chữ ‘soldier’, theo Anh-Việt từ điển của Nguyễn Văn Khôn cũng có nghĩa là binh lính. Thực ra, chữ ‘missionnaires’ mới có nghĩa là những thừa sai. Tôi chưa bao giờ thấy ai dịch chữ ‘soldat’ là lính thừa sai, và cụm từ ‘la conquête de tout l’Orient’ là ‘nước Cha trị đến’." Lý lẽ này rất nực cười. Muốn hiểu mọi nghĩa đen nghĩa bóng của một chữ thì phải xem người đời dùng chữ đó ra sao, chứ từ điển (nhất là từ điển yếu lược như những từ điển Pháp Việt, Anh Việt hiện có) làm sao mà kê khai được tất cả những lối viết văn vẻ, bóng bảy của mọi giới, mọi nghề? Chỉ có những người không rành tiếng Anh hay tiếng Pháp mới phải viện dẫn hai từ điển đó. De Rhodes không tra từ điển trước khi dùng những chữ đó, và người đọc mà thông thạo tiếng Pháp, Anh và quen thuộc với ngôn ngữ Thiên chúa giáo thì không cần tra từ điển cũng hiểu ngay là de Rhodes nói gì!

Bùi Kha viết "Danh từ ‘La France’ (nước Pháp) chứ không phải danh từ ‘Eglise francaise’ (Giáo hội Pháp) là chủ từ của mệnh đề đó, nên chữ ‘soldat’ phải được hiểu là ‘lính chiến’ chứ không thể hiểu ẩn dụ là ‘lính thừa sai’ được." Xin hỏi tại sao nước Pháp (la France) lại không thể có thừa sai, hay những linh mục có thể gửi đi làm thừa sai? Như vậy nói "Pháp có nhiều tàu chiến" là sai, phải nói là "hải quân Pháp có nhiều tàu chiến" mới là đúng sao?

Bùi Kha viết "Chính linh mục Alexandre de Rhodes đã nhờ Giám mục thành Puy, Henri de Maupa, cũng là tuyên uý của Hoàng hậu vợ vua Louis XIV, dẫn vào triều đình để vận động xin giúp nhiều lính chiến (plusieurs Soldats) để chinh phục toàn cõi phương Ðông (la conquête de tout l’Orient, trong đó có Việt Nam)." Vào triều đình đâu có nghĩa là chỉ có thể để xin lính chiến. Tại sao Bùi Kha không nghĩ là de Rhodes xin bảo trợ tiền bạc cho thừa sai, và giúp ông quảng bá lời kêu gọi truyền giáo của ông đi khắp các giáo phận của Pháp? Trước đó thì triều đình Bồ Đào Nha đã bảo trợ rất nhiều cho công việc truyền giáo, vậy de Rhodes xin triều đình Pháp bảo trợ thì có gì là không hợp lý? Ngoài ra, ước muốn chính của de Rhodes là có giám mục đi Việt Nam, vì chỉ giám mục mới có quyền phong chức linh mục cho người bản xứ, để cho việc truyền đạo được nhanh chóng. Vì vậy de Rhodes cần vào triều đình (xin xem giải thích thêm ở sau).

Bùi Kha viết "Chưa hết, tiếp theo đoạn vừa dẫn, Linh mục de Rhodes cũng đã bộc lộ thêm: ‘Tôi chưa công bố thánh chiến chống mọi địch thù của đức tin ở Nhật, ở Trung Quốc, ở Ðàng Trong, ở Ðàng Ngoài và ở Ba Tư thì lập tức đã có một số đông con cái thánh Inhaxu, đầy tinh thần đã đưa thánh Phanchicô Xavie tới ba trăm quốc gia, các ngài đã bừng bừng ao ước vác thánh giá Thầy và đem đi cắm những nơi cùng kiệt cõi đất’." Thật lạ lùng khi Bùi Kha dùng đoạn này để chứng tỏ soldat là lính chiến (nghĩa đen)! Câu này cho thấy là de Rhodes lúc nào cũng nghĩ tới các nhà truyền đạo, chứ đâu có nghĩ tới lính đánh trận. Ông Bùi Kha có hiểu "con cái thánh Inhaxu" và Phanchicô Xavie là những ai không nhỉ?

Bùi Kha viết "Giáo sĩ Ðắc Lộ (hoặc bất cứ một giáo sĩ nào) không thể trông cậy vào Giáo hội Pháp (hoặc bất cứ một giáo hội nào) nên ông đã vào triều đình Pháp để xin lính chiến là do bối cảnh chính trị tôn giáo trong thời kỳ đó như thế. Nhưng trong thời gian trị vì, vua Louis XIV bận rộn với những cuộc chiến tại Âu châu và phí tổn xây cất cung điện Versailles quá lớn, nên việc vận động của giáo sĩ Ðắc Lộ, có lẽ vì thế, mà không thành." Không hiểu Bùi Kha đã lấy tài liệu ở đâu về cái "bối cảnh chính trị tôn giáo" kỳ cục của ông để suy diễn lung tung như vậy. Trong thời kỳ de Rhodes đến Pháp tìm thừa sai, Louis làm sao mà "bận rộn với những cuộc chiến tại Âu châu và phí tổn xây cất cung điện Versailles"! Lúc ấy, Louis XIV hãy còn là "vua kiểng", quyền hành nằm hết trong tay quan nhiếp chính Mazarin cho tới khi ông này chết vào năm 1661. Versailles chỉ bắt đầu xây năm 1661. De Rhodes trở về Âu châu năm 1649, thăm Pháp trong thập niên sau đó, và chết ở Ba Tư năm 1660.

Bùi Kha viết "Về mặt giáo quyền, Giáo hội Pháp bị ràng buộc bởi giáo lệnh của Giáo hoàng Alexander VI, 4.5.1493, nên Linh mục de Rhodes không thể xin Giáo hội Pháp lính thừa sai (missionnaires) được. Vì vậy, khi Cha Ðắc Lộ tiếp cận nước Pháp (hay bất kỳ nước nào khác, ngoại trừ Bồ Ðào Nha và Tây Ban Nha) là để xin lính chiến, hoặc để xin gì cũng được, ngoại trừ những gì liên can đến Giáo hội như giáo sĩ, giáo sản và giáo quyền… Cha Ðắc Lộ dùng chữ soldats (lính chiến) rất chính xác. Nước Pháp hay chính phủ Pháp làm gì có quyền cung cấp các vị thừa sai cho Cha? Hoàng hậu và vua Louis XIV thì có quân đội, chứ làm gì có linh mục, giám mục trong đó mà cha vào gặp vợ vua để xin?"

Quả là người đọc, nếu không hiểu về bối cảnh chính trị tôn giáo ở Pháp thời đó, sẽ lấy làm lạ về việc de Rhodes tìm tới triều đình Pháp và có thể suy diễn lung tung như ông Bùi Kha đã làm. Lý do là sự tương quan và tranh chấp quyền lực không đơn giản giữa vua Pháp và Giáo hoàng. Bên nào cũng sợ bên kia lấn quyền của mình (hơi giống như tương quan giữa chính quyền Việt Nam và Vatican thời nay). Lúc đầu thì Giáo hoàng lấn lướt hơn, nhưng càng ngày vua Pháp càng thắng thế. Theo cách phân quyền giữa Vatican và Pháp suốt thế kỷ 17 (gọi là thể chế Gallicanisme), địa vị của vua trong Giáo hội Pháp rất mạnh. Các giáo phận của Pháp chỉ trực thuộc Giáo hoàng về phương diện tinh thần, giáo lý. Ý niệm Gallicanisme đã có từ nhiều thế kỷ trước, đến 1594 thì những nguyên tắc phân quyền giữa triều đình và Giáo hoàng được in ra rõ ràng, năm 1639 được Hồng y Richelieu in lại, năm 1663 được viện Sorbonnes (viện thần học chính của Pháp) xác nhận, năm 1682 được hội đồng giám mục Pháp tái xác nhận. Gallicanisme chỉ chấm dứt với cách mạng Pháp năm 1789 khi Giáo hội Pháp bị Cách mạng chèn ép và phải quay về với Vatican.

Liên quan chuyến đi của de Rhodes, điểm quan trọng nhất của sự phân biệt quyền hành kiểu gallican đã được viết ra rõ ràng trong văn kiện Les Libertés de l'Église Gallicane (1594):

  • Giáo hoàng không được gửi sứ thần sang Pháp nếu không có sự yêu cầu hay chấp thuận của vua nước Pháp.

  • Các giám mục không được ra khỏi nước Pháp nếu không được vua chấp thuận, dù là có lệnh của Giáo hoàng [1] .
Do đó de Rhodes, một sứ giả của Giáo hoàng, sang Pháp tìm thừa sai và nhất là tìm giám mục cho Việt Nam (theo lời nhấn mạnh của chính ông trong câu nói về chuyện xin "soldats" đó), phải vào yết kiến nhà vua trước là chuyện đương nhiên!

Cũng nên biết rằng chỉ sau đó vài năm, năm 1663, Louis XIV chiếm giáo địa Avignon, quê hương của de Rhodes, và sáp nhập vào nước Pháp. Không hiểu có ai kết tội de Rhodes xúi bẩy vua làm chuyện đó không? Cũng có thể de Rhodes làm vậy để trả đũa Giáo hoàng vì đã không cho ông thừa sai đấy chứ!

Và cuối cùng, ông Bùi Kha đem cái gọi là "Lời thề của các tu sĩ Dòng Tên trước Giáo hoàng" (The extreme oath of the Jesuits) để chứng minh tính chất khát máu, hiếu chiến của các tu sĩ Jesuits nói chung, và de Rhodes nói riêng: "Không kể tuổi tác, đàn ông hay đàn bà, con sẽ treo cổ chúng, thiêu chúng, bỏ chúng vào nước sôi, lột da, siết cổ hay chôn sống những kẻ dị giáo, mổ bụng, moi bào thai trong tử cung vợ chúng ra và đạp nát đầu những hài nhi vào tường, trong mục đích hủy diệt một dân tộc đáng ghét..."

Đối với tôi, chuyện này chẳng dính dáng gì đến vấn đề cách hiểu câu nói của de Rhodes, nhưng thấy lời thề này quá giật gân, quá hấp dẫn (kiểu da Vinci code), tôi không kìm hãm được óc tò mò và đã ráng kiểm chứng xem nó có phải từ kinh sách của dòng Jesuit không. Theo các trang web đăng tải nó [2] thì có ba nguồn: 1: Biên bản Quốc hội Mỹ (Journals of the 62nd Congress, 3rd Session, of the United States Congressional Record, House Calendar No. 397, Report No. 1523, 15 February, 1913, pp. 3215-3216, đã bị xé); 2: Charles Didier trong cuốn Subterranean Rome (New York, 1843); và 3: Alberto Rivera, một người tự xưng là cựu linh mục Jesuit, kể lại cho Jack Chick.

Nguồn thứ 3 khó có thể tin được, vì Alberto Rivera còn "tố cáo" rằng Vatican là thủ phạm đã sinh ra đạo Hồi, Quốc xã, Cộng sản, hai thế chiến, và rất nhiều vụ giật gân khác! Nếu đến thăm trang của Jack Chick (http://www.chick.com/default.asp) thì cũng khó mà tin được đây là một tác giả nghiêm túc. Nguồn thứ 1 cũng khá lạ: chẳng lẽ Quốc hội Mỹ đã bỏ thì giờ điều tra một lời thề bí mật của dòng Tên, và sau khi khám phá ra lời thề động trời đó thì không làm gì nữa cả? Thực ra, đó chỉ là một lời thề giả mạo. Năm 1912, hai ứng cử viên Thomas Butler và Eugene Bonniwell giành nhau một ghế nghị sĩ. Bonniwell thua và kiện ra Quốc hội rằng Butler đã chụp mũ mình bằng cách loan tin Bonniwell là một thành viên nhóm Knights of Columbus và đã thề như vậy (kiểu như ở hải ngoại người ta có thể chụp mũ "tên đó mang thẻ đảng viên trong ví"). Để chứng minh vụ bôi nhọ đó, Bonniwell đã đưa ra nguyên bản lời thề giả mà ông nói rằng Butler đã dùng để chụp mũ, và Quốc hội đã ghi tài liệu đó xuống trong biên bản [3] . Còn có một nguồn tôi chưa kiểm chứng được là cuốn sách của Didier năm 1843. Nếu ai có dịp đọc cuốn ấy và cho biết tác giả lấy tài liệu ở đâu, có khả tín không hay là một loại Mật mã Da Vinci, thì tôi sẽ rất cám ơn.

Còn rất nhiều suy diễn hàm hồ khác mà Bùi Kha đã dùng để bảo vệ cách hiểu của ông, nhưng viết ra hết thì quá dài (và hầu như sẽ nhắc lại toàn bài của Bùi Kha) nên xin dừng ở đây. Cũng xin minh xác rằng tôi không phải tín đồ bất cứ phái nào của Thiên chúa giáo và không có lý do gì để thiên vị hay ủng hộ đạo này. Tôi thừa hiểu rằng, dưới con mắt của người thời nay, nhiều suy nghĩ và hành động của de Rhodes và của Giáo hội nói chung không thể chấp nhận được (cũng như việc cấm đạo và giết giáo dân của các vua Nguyễn không thể chấp nhận được). Tuy nhiên, đã viết ra thì phải có chứng cớ vững vàng và lý luận mạch lạc chứ đừng tung hỏa mù làm rối mắt công chúng. Ông Bùi Kha nên hiểu rằng những lý luận yếu kém, hiểu biết sai lạc và sự khăng khăng bảo vệ nhầm lẫn của mình không những chẳng thuyết phục được ai mà còn làm thiệt thòi cho quan điểm của mình, không kể là mất thì giờ người đọc.

© 2006 talawas


[1]http://www.newadvent.org/cathen/06351a.htm
[2]Chẳng hạn, http://www.ianpaisley.org/article.asp?ArtKey=jesuit
[3]http://pub28.ezboard.com/fexaminingprotestantismfrm21.showMessage?topicID=11.topic