trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
12.5.2006
Trần Nguyên Vấn
Thư gửi Trần Vàng Sao
 
Hà Nội, ngày 12 tháng 2 năm 2006

Kính gửi anh Trần Vàng Sao (Nguyễn Đính),

Vừa đọc hồi ký Tôi bị bắt của anh do Lữ Phương sưu tầm (2.11.2005) và đưa lên mạng talawas (2005), tôi hết sức sửng sốt, bất ngờ, rất phẫn nộ.

Tôi đã sống với anh mấy tháng ở chiến khu Thừa Thiên tại cơ quan Ban tuyên huấn Thành uỷ Huế vào những năm 1967 - 1968 với bao kỷ niệm tốt đẹp.

Tháng 6 năm 1967, từ Hà Nội vào, tôi được anh Hoàng Phủ Ngọc Tường đi trực ra trạm giao liên đón về Ban tuyên huấn Thành uỷ Huế. Tôi ở đây khoảng ba tháng, sau đó được điều động lên Ban tuyên huấn Khu uỷ Trị Thiên Huế cùng anh Thanh Hải. Cuối tháng 12 năm 1967, tôi cùng nhiều anh chị ở Khu về phối hợp với anh em ở Ban tuyên huấn Thành uỷ Huế làm báo Cờ giải phóng số Tết Mậu Thân (1968) và lo tài liệu cho chiến dịch Mậu Thân.

Ngày 11.4.1968 tôi bị thương vì pháo 122mm ở đường 12 phải vào bệnh viện. Ra viện, tôi lại về Ban tuyên huấn Khu. Năm 1969, tại Đại hội của Chi hội Văn nghệ giải phóng Khu Trị Thiên Huế, anh và tôi đều được bầu vào Ban chấp hành. Sau đó vì vết thương cũ tái phát và bệnh tật, anh được Thành uỷ Huế giới thiệu ra Bắc chữa bệnh. Từ đó tôi không biết trong thời gian ở miền Bắc, anh chữa bệnh và làm gì ở đâu. Khoảng năm 1983, tôi vào Huế dự đại hội văn nghệ tỉnh Bình Trị Thiên mới gặp lại anh và nhớ có lần tôi đến nhà anh ở Vĩ Dạ để thăm gia đình anh.

Theo hồi ký Tôi bị bắt của anh, ngày 25.1.1972 tại Viện điều dưỡng K65 ở thị xã Sơn Tây, lãnh đạo K.65 đã truy bức tư tưởng và hành động của anh, coi anh là kẻ phản động, nói xấu lãnh tụ, đả kích chế độ, anh bị nguyền rủa, phỉ nhổ, cô lập, v.v.

Theo anh, tất cả những việc anh bị hành hạ, trừng trị ở K65 ngày 25.1.1972 là do có người tố cáo với tổ chức K65 trong đó có một tờ giấy lộn mà anh cho là có chữ của tôi viết tố cáo anh…

Sau đây là những đoạn trong hồi ký của anh có nói đến tôi, theo bản in lấy từ mạng talawas (2005):

… Sáng Chủ nhật tôi qua K10 ở Gia Lâm thăm ông Sự. Ông Sự là Phó ban tuyên huấn Thành uỷ Huế ra Bắc chữa bệnh và học tập. Lúc đó, ông ta đang ở K10 bồi dưỡng sức khoẻ chuẩn bị vào Nam. Tôi ngỏ ý với ông Sự là tôi muốn trở lại chiến trường và nhờ ông tạo điều kiện cho tôi vào càng sớm càng tốt. Khác với những lần gặp trước, bao giờ ông Sự cũng hỏi tôi đã khoẻ chưa, vết thương ở đầu gối và cái bụng thế nào, có đủ sức leo dốc không. Lần này ông Sự chỉ ậm à ậm ừ với tôi. Tôi không để ý đến thái độ lạnh nhạt của ông đối với tôi. Tôi hỏi ông:

"Bao giờ anh vào lại?".

Ông Sự loay hoay xếp dọn, lục lọi, tìm kiếm những thứ vặt vãnh giấy má gì đó giữa giường, trong ba lô với những cử chỉ, động tác của chân tay quờ quạng lúng túng, thừa một cách vô ích, thỉnh thoảng lại khịt mũi vài cái. Ông nói không nhìn tôi:

"Cũng chưa biết nữa".

Rồi xoay qua xoay lại ông nói lảng một mình:

"Chà không biết để mô hè?"

Tôi đi gặp một vài người quen ở các phòng gần đó. Lúc tôi quay lại thì ông Sự đã đi đâu rồi. Tôi tìm một miếng giấy loại để đi cầu. Tôi thấy ở dưới đất phía trên đầu giường của ông Sự một tờ giấy vo tròn lại. Tôi nhặt lên. Vào ngồi trong cầu, tôi trăn tờ giấy ra, hoàn toàn tình cờ. Chữ của thằng Trần Nguyên Vấn, bằng bút bi bấm màu xanh viết trên giấy kẻ ngang, tờ ét, xếp đôi. Hèn gì ông Sự đối xử với mình lạnh nhạt và đờ đẫn. Lâu nay tôi có hơi nghi thằng Nguyễn Viết Trác (chứ không nghĩ nó có thể phản tôi), tôi nghi ngờ về lòng thành thật và thẳng thắn của hắn. Khi nói chuyện với tôi, nhất là về chuyện chính trị, về tình trạng xã hội ở miền Bắc, về chiến tranh, về Đảng… hắn bao giờ cũng chỉ ậm ờ và làm ra vẻ lắng nghe, và không bao giờ tỏ vẻ phản đối hay đồng ý. Còn thằng Trần Nguyên Vấn, hắn ở với tôi cùng một cơ quan trong rừng. Lúc ra Hà Nội cho đến lúc này, hình như tôi có gặp một hai lần gì đó. Nó không biết gì về tôi lúc ở miền Bắc hết. Chỉ có thằng Trác. Tôi giật mình và đắng cuống cổ. Tôi hoàn toàn không ngờ và cho đến hôm nay, ngày 25 tháng 1 năm 1972, người ta đem xử tôi, tôi cũng không nghĩ là người ta đã xử sự với tôi như thế. Không phải là công việc của họ đã được tổ chức và âm mưu một cách bí mật, rất tài nên tôi không biết được. Thực sự lúc này đây, lúc tôi đang ngồi trong cầu tiêu của K10 này, tôi đã dự đoán được một đôi điều sẽ xảy đến cho tôi và tôi đã biết người muốn "lật tẩy phản động, chống Đảng" của tôi là ai. Tôi cho rằng tôi không có gì phải sợ về những điều tôi viết trong nhật ký và trong những bài thơ của tôi lúc tôi ở miền Bắc. Trong thư gửi cho ông Sự mà tình cờ tôi tưởng là giấy loại đó và lúc này tôi ngồi trong nhà cầu đang đọc đây, thằng Vấn báo cho ông Sự biết công việc của hắn và thằng Trác, đại ý thế này: Cả hai đứa đã làm việc với Ban bảo vệ Đảng và Cục đón tiếp cán bộ B về tôi và hỏi ý kiến ông Sự với tư cách là thủ trưởng của tôi về cách xử lý trường hợp của tôi như thế nào. Cứ như lời lẽ trong thư thì thằng Vấn không nói trắng ra nhưng cố giành phần lớn công cho hắn về việc "phát hiện tôi là một tên phản động chống Đảng". Khoảng năm 1978, 1979 gì đó; Võ Quê có nói với tôi "ông Trác luôn vỗ ngực cho mình đã lập được một công lớn là phát hiện Trần Vàng Sao là một tên phản động". Võ Đại Ngẫu kể hồi 1976 hắn gặp thằng Vấn ở Hà Nội, thằng Vấn cũng vỗ ngực giành công kịp thời tố cáo tôi là một tên phản động chống Đảng.

Tôi vò lá thư của thằng Vấn lại như cũ và xé bao thuốc thay vào cho việc riêng của tôi trong nhà cầu. Tôi bỏ lại lá thư vào chỗ cũ dưới thềm nhà trên đầu giường của ông Sự. Tôi nghĩ một cách dại rằng như thế làm như tôi không biết gì về âm mưu của thằng Trác, thằng Vấn với ông Sự. Tiếc là tôi đã không giữ được lá thư đó. Nhưng nếu tôi có giữ thì sau này cũng bị tịch thu.

Tôi chào ông Sự rồi về Hà Nội. Gặp Nguyễn Hữu Ngô, Hồ Tính Tình tôi chỉ nói: Sáng thứ hai tao lên Sơn Tây. Loanh quanh luẩn quẩn trong Hà Nội với anh em bè bạn, mượn một vài cuốn sách, mua một vài tờ báo rồi về bệnh viện E2. Tôi hoàn toàn không biết kể từ lúc này tôi đang bị theo dõi sát nút. Tôi đi đâu, đến nhà ai, gặp ai ở Hà Nội người ta đều biết.

Sáng thứ hai có xe, tôi lên Sơn Tây. Tôi sống trong một tâm trạng bồn chồn, lo lắng, không yên. Trước sau tôi cũng bị. Thằng Trác cố tránh tôi. Tôi hoàn toàn không biết là thời gian tôi ở bệnh viện E2, va ly của tôi đã bị lục soát. Và thằng Trác chủ mưu trong việc này. (Lúc tôi về E2 tôi gửi chìa khoá va ly cho hắn). Vài ngày sau đó tôi tìm cách đốt mấy tập nhật ký của tôi rất dày, khoảng 4, 5 tập vở một trăm trang viết hai mặt. Việc đốt tập nhật ký rất khó. Tôi đã đốt và làm như việc đốt giấy loại. Có khi tôi đốt trước mặt mọi người, nhưng không ai để ý. Có khi nhân chuyện làm vệ sinh đốt rác, tôi xé nhỏ các tập vở lấp rác lên rồi đốt. Tôi làm như một kẻ không có việc chi làm lấy chuyện đốt rác nhìn lửa cháy khói bay cho vui.

Và bây giờ đây tôi đang bị tra tấn trong cái phòng của căn nhà C này.

(Hồi ký Tôi bị bắt của Trần Vàng Sao trang 3, 4, 5).

… Ông Lai tiếp, giọng khi không có dịu bớt và chậm lại:

"Anh Đính, anh có thương mẹ anh không?"

Mới nghe nói như thế là tôi đã lộn ruột lên rồi. Đồ mất dạy.

"Nếu anh thương mẹ anh, chắc anh nghĩ rằng sẽ có ngày anh về gặp lại mẹ anh. Anh hãy khai thật đi, khai hết đi, chỉ có như thế anh mới hy vọng có cơ hội gặp lại mẹ anh".

Thằng Trác, cả thằng Vấn nữa, là những thằng bẩn thỉu, vô lương, mất dạy. Tôi thường nói chuyện với chúng về mẹ tôi, và chính trong nhật ký tôi viết rất nhiều về mẹ tôi. Đối với tôi, trên đời này tôi chỉ còn có mẹ tôi. Cả hai thằng này đã mách nước cho bọn này cách tra khảo tôi. Tôi chợt nghĩ, nếu lúc này mẹ tôi ở miền Bắc, chắc bọn người này sẽ bảo tôi: "Hãy khai thật đi, không thôi tao bắn mẹ mày". Những người đang ngồi bao vây tôi ở đây không thể hiểu câu hỏi: "Anh có thương mẹ anh không?" đã làm cho tôi khinh bỉ và ghê tởm họ, và đã làm cho tôi bình tĩnh hơn, mặc dù lúc đó cái dạ dày của tôi đang lên cơn. Hạ sách tàn tệ đó của họ đã đặt tôi vào thế đối thủ, kẻ thù với họ.

"Thế các anh có thương cha mẹ của các anh không mà các anh lại hỏi tôi câu đó?

(Hồi ký Tôi bị bắt trang 13)

... Thằng Trác quen tôi là tình cờ. Hắn đến chơi với thằng Lê Ngọc Từ nằm cùng phòng với tôi ở khoa ngoại B1 bệnh viện E2 khoảng giữa năm 1970. Lúc đó hắn cũng đang chữa bệnh và nằm ở khoa khác. Hắn mượn tôi sách báo. Sau đó hắn cho tôi mượn quyển Larousse. Tôi nói chuyện với hắn nhiều lần về chủ nghĩa Marx-Lénine, về Đảng, về nền kinh tế ở miền Bắc, về tình trạng xã hội… Tôi có đọc cho hắn nghe nhiều đoạn trong nhật ký của tôi và đưa thơ tôi cho hắn đọc. Lúc gặp hắn ở bệnh viện E1 (Thạch Thất - Hà Tây) tôi đã đọc bản đề cương của tôi về nền chuyên chính vô sản và sự lãnh đạo của Đảng. Khi nói chuyện, hắn cứ ngó quanh quất làm như có ai lảng vảng đâu đó. Hắn nói: "Nói nhỏ nhỏ a". Suốt thời gian nói chuyện, tôi nói nhiều hơn hắn nói, hắn không tỏ vẻ phản đối hoặc đồng ý những suy nghĩ của tôi. Hẳn chỉ ầm ừ, miệng ngậm khít, mắt mở trừng. Hắn biết tư tưởng và suy nghĩ của tôi. Hắn báo cáo Ban bảo vệ Đảng biết. Hắn cùng Ban bảo vệ Đảng để mưu sắp lớp lục va ly tôi và chụp ảnh nhật ký của tôi. Hắn gặp thằng Trần Nguyên Vấn lúc đó mới ra Bắc ở khu tập thể số 2 Lê Phụng Hiểu, Hà Nội, toa rập với nhau bàn với ông Sự cách trị tôi.

Và bây giờ thì hắn giả bộ đau khổ, vì chơi với tôi mà phải liên luỵ. Hắn giả vờ sợ sệt một cách tội nghiệp, thảm não.

Đã quá giờ ăn trưa, người ta cho tôi về.

(Hồi ký Tôi bị bắt của Trần Vàng Sao trang 15)

Như thế mọi việc xảy ra cho anh là trước ngày 25.1.1972 tại Sơn Tây. Những năm này tôi còn ở chiến trường Trị Thiên-Huế.

Năm 1971, tôi cùng anh Nguyễn Kim Cúc đi công tác ở vùng đường 9 Quảng Trị (Hiện nay anh Cúc ở 2H, Phan Bội Châu, Huế. ĐT 054845181). Ngày 31.10.1971, khai mạc trại sáng tác văn nghệ của Chi hội Văn nghệ giải phóng Trị Thiên-Huế có các anh sau đây tham dự: Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Quang Hà, Nguyễn Khoa Điềm, Quế Lâm, Hà Nguyên, Trần Lâm, Nguyễn Kim Cúc và tôi (Trần Phương Trà). Trại ở ngay tại Ban tuyên huấn Khu uỷ. Ngày 20-11-1971, máy bay B52 của Mỹ ném bom khu nhà ở của Ban tuyên huấn và Ban y tế Khu uỷ Trị Thiên Huế. Tôi bị thương ở trán phải đi bệnh viện. Ngày 31.12.1971, trại sáng tác bế mạc.

Mùa hè năm 1972 tôi cùng các anh Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Văn Đồng, Trọng Thanh, Văn Thái ở vùng Núi Rẩm thuộc xã Lộc Tụ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên khoảng hơn 2 tháng.

Sau Hiệp định Paris 1.1973, tôi về huyện Hương Trà phụ trách tuyên huấn của Ban cán sự II Thành uỷ Huế mà tôi là uỷ viên, ông Nguyễn Hữu Hường tức Hường Thọ, tỉnh uỷ viên, bí thư Huyện uỷ Hương Trà, bí thư Ban cán sự II Thành uỷ Huế. Hiện nay ông Hường Thọ ở 178 đường Thái Phiên, Thành nội Huế ĐT: 524562.

Cuối tháng 7 năm 1973, tôi được Thành uỷ Huế cử ra Bắc công tác. Về đến Hà Nội, tôi lại bị sốt rét, viêm gan phải đi nằm bệnh viện. Khi tôi ra Bắc, anh Nguyễn Khoa Điềm có gửi nhiều thư cho tôi mang ra cho tiểu ban Văn nghệ miền Nam và nhiều bà con, bạn bè. Hiện có lá thư ngày 29-7- 1973 của anh Nguyễn Khoa Điềm được đăng lại trong tập Văn nghệ một thời để nhớ do nhà thơ Bảo Định Giang sưu tầm, biên soạn, nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 2001. (Có bản phôtôcopy thư của các anh Trần Hoàn, Nguyễn Khoa Điềm kèm theo thư này).

Việc tôi vào chiến trường Trị Thiên-Huế từ tháng 4. 1967 rồi ra đến Hà Nội công tác và sau đó đi chữa bệnh tháng 8 năm 1973, chị Nguyễn Thị Ngọc Trai ở Tiểu ban Văn nghệ miền Nam biết rất rõ (Địa chỉ của chị Ngọc Trai: số 6, Lý Thường Kiệt; ĐT: 04.7198568 số 68 Xuân Diệu, quận Tây Hồ, Hà Nội).

Ghi lại vài cái mốc thời gian ở trên để nói với anh Trần Vàng Sao là tôi không hề hay biết và liên quan gì đến các sự kiện đã xảy ra với anh khi anh ở miền Bắc trong thời gian 1969-1975. Chính anh cũng đã viết: "Còn thằng Trần Nguyên Vấn, hắn ở với tôi cùng một cơ quan trong rừng. Lúc ra Hà Nội cho đến lúc này (1.9.1993 - Trần Nguyên Vấn ghi lại ngày Trần Vàng Sao viết xong hồi ký Tôi bị bắt ở Vỹ Dạ), hình như tôi có gặp một hai lần gì đó. Nó không biết gì về tôi lúc ở miền Bắc hết". Anh đã nói "Nó không biết gì về tôi lúc ở miền Bắc hết" vậy mà anh đã có những lời nói nặng nề, thô bỉ vu khống tôi trong hồi ký của anh. Tại sao anh lại làm như thế?

Anh còn viết "Võ Đại Ngẫu kể hồi 1976 hắn gặp thằng Vấn ở Hà Nội thằng Vấn cũng vỗ ngực giành công kịp thời tố cáo tôi là một tên phản động chống Đảng". Thực tế năm 1976 tôi ở Sài Gòn và tôi chưa hề quen Võ Đại Ngẫu để có thể tâm sự những chuyện tầy trời như thế!

Những lời vu cáo của anh đã biến tôi thành một kẻ vô cùng hèn hạ, đê tiện, đểu cáng trong con mắt của các độc giả trong nước và trên thế giới khi đọc hồi ký của Trần Vàng Sao.

Hơn hai tháng nay, nhiều bạn bè của tôi ở trong và ngoài nước đã ngạc nhiên chất vấn tôi về các sự việc anh đã vu cáo tôi trong hồi ký của anh.

Bây giờ anh phải giải thích việc làm của anh đối với tôi, viết thư xin lỗi tôi và viết bài cải chính những chỗ viết về tôi trong hồi ký và đưa lên mạng talawas.

Tôi cũng chia sẻ với anh những nỗi đau đớn mà anh đã kể trong hồi ký. Chúc anh chị và các cháu mạnh khoẻ, bình an.

Mong được anh trả lời sớm

Chào anh,
Trần Nguyên Vấn
Số nhà 17 Ngõ 192 Phố Thái Thịnh
Đống Đa - Hà Nội
ĐT: 04.5141884



Ghi thêm:

  1. Kèm theo thư này là bản phôtôcopy thư của các anh Trần Hoàn, Nguyễn Khoa Điềm trong đó có nhắc đến thời gian 1971 và 7.1973 tôi còn ở tại chiến trường Trị Thiên - Huế.
  2. Sao thư này gửi chị Nguyễn Thị Ngọc Trai, nguyên cán bộ Tiểu ban Văn nghệ miền Nam… để biết.


*


Thư anh Trần Hoàn gửi anh Bảo Định Giang

Ngày 24 tháng 3 năm 1971

Kính gửi anh Giang.

Lần trước có người ra, đã gửi thư thăm anh, lần này lại có người ra, Hoàn lại viết thư thăm anh.

Được ra Hà Nội lại không gặp anh, cũng rất tiếc vì biết anh lo toan đến phong trào văn nghệ miền Nam, biết anh rất nhiệt tình và có trách nhiệm, khi vào nghe tin anh ra, mà thấy thiếu thiếu một cái gì đó.

Tin thắng trận đường 9 mấy hôm nay làm hả lòng hả dạ mọi người. Bọn Hoàn, Cúc, Vấn, Nguyễn Khoa Điềm, hằng ngày nhắc đến các anh và miền Bắc mà vui. Cũng do địch hành quân xâm lược Lào nên đường hành lang cũng khó khăn. Bọn Hoàn độ này ăn 2 lạng gạo mỗi ngày và rau trong 3 tháng nay rồi, song vẫn yêu đời, vẫn khoẻ. Và năm nay phải có chương trình tự túc lương thực cả năm. Vì vậy trong mùa xuân này trừ những người đi trước, còn tất cả phải đi ra rẫy sản xuất khẩn trương để giảm bớt khó khăn cho nhà nước, dồn vật chất về phía trước cho bộ đội tấn công địch.

Trong tình hình đó nhiều anh em vẫn cố gắng sáng tác, ví như Điềm được đặc biệt dành thời gian sáng tác, còn anh em búi lắm, đang tức đẻ nhưng chưa đẻ được cái gì. Đó là điều băn khoăn rất lớn của anh em. Vừa rồi anh Tố Hữu có điện vào hỏi thường vụ khu uỷ yêu cầu bao nhiêu văn công, sáng tác. Song do tình hình đường 9, nên thường vụ còn ngần ngừ chưa trả lời - một số anh em quay phim vào thì kịp đi chiến dịch đường 9 ngay. Song tiếc là phim quay thì rất ít vì số 5 nghìn thước phim tôi áp tải về, bị mắc kẹt dọc đường chưa tới được. Phim chụp cũng không có gì, bí bách hung.

Anh Giang ơi! Anh vào B ra có chuyện gì hay không?

Có gặp anh Phước không? Tình hình này cần phải chuẩn bị lâu dài lắm anh nhỉ? Riêng tôi một chân tuyên huấn, một chân văn nghệ lòng vẫn bị chia đôi. Đôi lúc muốn được giải phóng để tự do hơn và viết được cái gì thì viết. Song bận rộn nhiều quá, vả lại cán bộ tuyên huấn quá ít. Mối mâu thuẫn này day dứt tôi quá đôi lúc muốn được bồi dưỡng về lý luận, kiến thức song không biết cách nào? Anh từng hiểu về các anh em miền Nam chắc anh biết điều đó nhiều rồi.

Song nhiệm vụ rất nặng. Kháng chiến còn dài, còn phải đảm đương công việc trước mắt nhiều nên bọn Hoàn không áy náy gì, chỉ mong các anh ngoài đó hết sức giúp đỡ ủng hộ cho là mừng. Thuận Yến, Phạm Ngọc Cảnh rất khoẻ sung sức, Thanh Hải không biết đã về chưa anh nhỉ? Xin cho gửi lời thăm.

Rất mong được thư anh và nhờ anh chuyển hộ cho Doãn Triều, Ngọc Trai, anh Bối, Khương Minh Ngọc, Phan Tứ và anh chị em ở nhà xuất bản Giải phóng mối tình gắn bó của anh em văn nghệ miền Nam với những người thân thiết.

Có anh Mai Trọng Thường, Cục phó cục xuất bản Quân đội trước đây, Anh gặp anh Thường sẽ hiểu thêm nhiều chuyện về Huế, về Hoàng Phủ Ngọc Tường và anh em trong này.

Bắt tay rất chặt

Trần Hoàn


*


Kính gửi các anh chị trong Tiểu ban Văn nghệ miền Nam

Trị Thiên Huế 11-10-71

Hôm nay tôi xin gửi ra Tiểu ban một số bài. Sau đây tôi xin kể ít nét về công việc của tôi để anh chị biết.

Cuối tháng 4-71 tôi trở lại công tác ở cơ quan Tuyên huấn của tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế. Tôi có dịp gần phong trào sát thành phố Huế hơn nên nhận thức và tình cảm được nâng lên nhiều. Tuy tôi chưa viết được nhiều, được tốt (do hoàn cảnh ở đây chật vật hơn) nhưng tôi tin rằng về lâu dài thì tôi sẽ trưởng thành hơn.

Hiện nay tôi đang trở lại Khu để dự hội trại sáng tác Văn nghệ do chi hội mở. Về công chuyện của trại thì chắc các anh Hoàn, Vấn, Cúc đã có thư cho các anh chị. Riêng bản thân tôi cũng rất muốn tận dụng thời gian quý báu này để viết thêm những bài mới và suy nghĩ thêm về công việc của mình.

Không dám nói trước mình sẽ làm ra ngô ra khoai trong hai tháng này, nhưng điều chắc chắn hơn là sau khi rời trại trở về địa bàn, chắc sẽ có nhiều hào hứng bắt tay vào đợt sáng tác mới.

Sức khoẻ tôi không thể nói là tốt, nhưng rõ ràng nó không ngăn cản tôi thiết tha sống và làm việc cho chiến trường.

Ít dòng báo tin và thăm các anh chị. Xin hẹn lần khác. Xin chúc các anh chị mạnh.

Nguyễn Khoa Điềm


*



Kính gửi các anh chị trong Tiểu ban

Ngày 29 tháng 7 năm 1973

Hôm nay tôi xin gửi các anh chị một số bài mới viết và sửa chữa trong hai tháng 6, 7.

Lần này Văn nghệ Thừa Thiên Huế có anh Trần Nguyên Vấn ra, chắc chắn anh Vấn cũng có dịp gặp gỡ các anh chị để kể chuyện tình hình trong này. Tôi xin không nói nhiều.

Hiện nay tôi công tác ở cơ quan thành phố làm báo Cứu lấy quê hương, cơ quan của Liên minh.

Vừa qua anh em làm thơ Thừa Thiên Huế có góp và in một tập sáng tác lấy tên Những ngày giữ đất in cũng sắp xong, khi nào có sách chúng tôi sẽ chuyển ra. Không biết số bài tôi gửi ra đầu tháng 6 trong đó có những bài chẳng hạn "Năm con 30 tuổi", "Kính chào Tổ quốc" các anh đã nhận được chưa? Vì sơ suất trong bài "Năm con 30 tuổi" tôi có đưa ra một câu không chính xác các anh chị sửa cho không kỳ lắm.

Câu ấy tôi đã viết thế này:

Nửa thế kỷ đi qua con về trụ bám
Mỗi kíp mìn loé một khoảng đất sâu

nay xin sửa lại:

25 năm đi qua, con về trụ bám
Mỗi kíp mìn loé một khoảng đất sâu

Đã lâu anh em trong này ít được nghe tin Văn nghệ Trung ương và ý kiến của Tiểu ban chúng tôi khao khát lắm. Rất mong những lá thư của các anh chị.

Điềm xin dừng đây xin chúc các anh chị mạnh khoẻ.

Thân mến
Nguyễn Khoa Điềm


*


Gửi anh Trần Vàng Sao (Nguyễn Đính) ở Vĩ Dạ, Huế

Hà Nội, ngày 15 tháng 3 năm 2006

Ngày 12.2.2006, tôi đã gửi cho anh lá thư của tôi gửi anh qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Thư này gồm 6 trang khổ A4 kèm 2 trang phôtôcopy thư của anh Trần Hoàn và anh Nguyễn Khoa Điềm gửi tiểu ban Văn nghệ miền Nam thời kỳ chống Mỹ được ông Bảo Định Giang cho in lại trong cuốn sách Văn nghệ một thời để nhớ, nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 2001, trang 78-79 và trang 50-51.

Ngày 27.2.2006 tôi lại gửi cho anh bản sao 6 trang A4 thư ấy và 2 trang phôtôcopy kèm theo, qua dịch vụ chuyển phát nhanh.

Hôm nay ngày 15 tháng 3 năm 2006, sau hơn một tháng gửi thư cho anh, tôi chưa nhận được thư trả lời của anh. Các anh Nguyễn Hữu Ngô, Nguyễn Quang Hà ở Huế đã đến thăm anh ở Vĩ Dạ, có cho tôi biết, anh đã nhận được thư của tôi. Tại sao anh lại im lặng? Các chứng cứ về thời gian tôi nêu trong thư đã hoàn toàn bác bỏ việc anh đã vu cáo tôi, nói theo từ luật pháp là tôi hoàn toàn ngoại phạm.

Anh đã viết ra hồi ký Tôi bị bắt, anh phải chịu trách nhiệm về các trang viết của mình.

Tôi sẽ cho công bố những lá thư tôi gửi anh để mọi người biết sự thật và đánh giá việc làm sai trái của anh đối với tôi.

Trần Nguyên Vấn
17 Ngõ 192 Thái Thịnh - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04.5141884

Lá thư thứ 3 này gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh (15.3.2006). Anh Trần Vàng Sao từ chối không nhận. Thư được trả lại cho người gửi (24.3.2006).

© 2006 talawas