trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
16.5.2006
Nguyễn Huệ Chi
Đôi điều thưa lại cùng ông An Chi
 
Tôi không ngờ bài viết ngắn của mình về “Nét ngài và mày ngài” trên mạng talawas [1] chỉ đơn giản nhằm phản bác nhà nghiên cứu tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa Đổng Văn Thành lại được nhiều người chú ý và trở thành “ba vấn đề” đáng bàn bạc đối với ông Nguyễn Ngọc Đình, để thông qua lời chất chính của ông, ông An Chi đã phải giải đáp liền trong 2 số Kiến thức ngày nay 565 và 566 (tháng 4 & 5-2006). Âu đấy cũng là một điều may, giúp bạn đọc có dịp đi sâu hơn vào tài năng dùng chữ bậc thầy của nhà thơ trác việt Nguyễn Du. Dùng chữ bậc thầy không có nghĩa là chữ nào trong Truyện Kiều ta cũng dễ dàng tìm được sự thống nhất về ngữ nghĩa một cách sáng tỏ. Chính vì vậy, sau khi đọc ông An Chi, bên cạnh khá nhiều điều tâm đắc, tôi cũng xin mạn phép trao đổi thêm “ba vấn đề” mà theo tôi, kiến giải của ông chưa thật có sức thuyết phục.


1.

Trước hết, tôi tán thành ông An Chi coi “nét ngài” và “mày ngài” là những thuật ngữ ước lệ chỉ lông mày đẹp, nhưng dầu ước lệ đi nữa thì theo thói quen của phép liên tưởng trong ngôn ngữ, khi nhắc đến những chữ ấy, người nghe rất dễ có ngay một sự so sánh giữa hai hình ảnh: lông mày = râu con ngài, hoặc lông mày = con tằm. Phủ nhận việc đó không phải là chuyện cứ nói lý với nhau mà xong bởi nhìn cho đến tận gốc nguồn, những từ tượng hình kiểu “râu trê”, “bụng cóc”, “răng bàn cuốc”, “mắt lươn”, “cổ ngỗng”, “lưng ong”... chắc chắn bao giờ cũng được tạo thành nhờ một ví von cụ thể nào đấy và lâu về sau nhiều người mặc nhiên chấp nhận rồi dần dần mới ước lệ hóa chúng, chứ không dưng ai đem hai hình ảnh gắn với nhau để định nghĩa làm gì. Mấy chữ “nga mi” hay “ngọa tàm mi” cũng trong trường hợp đó. Khi xem xét từ tổ “mày ngài” của Truyện Kiều, vì đã có những cách hiểu khác biệt qua bao nhiêu chú giải từ hơn 100 năm nay, tôi không thể cứ nói một cách mơ hồ rằng đó chỉ là ước lệ chỉ lông mày đẹp là đủ, mà phải tìm đến tận từ nguyên của nó. Và tìm đến từ nguyên thì khó có thể phủ nhận được là “mày ngài” có cả hai xuất xứ là “ngọa tàm mi” và “nga mi”. Ông An Chi không tán thành xuất xứ “ngọa tàm mi” mà chỉ tán thành xuất xứ “nga mi”, nhưng chẳng phải câu thành ngữ Việt Nam “mắt phượng mày ngài” hoặc “mắt phụng mày tằm” vốn có gốc gác từ “đan phượng nhãn, ngọa tàm mi” trong Tam quốc diễn nghĩa đấy sao? Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du viết “Râu hùm, hàm én, mày ngài” tưởng chừng không liên quan gì đến “ngọa tàm mi” của truyện Tam quốc, kỳ thực nhà thơ đã cắt lấy hai ý (hàm én, râu hùm) trong đoạn mô tả Trương Phi: “Báo đầu, hoàn nhãn, yến hạm, hổ tu 豹 頭 環 眼 燕 頷 虎 鬚” (đầu báo, mắt tròn như ngọc, hàm én, râu hùm) đem ghép với một ý (mày tằm) trong đoạn mô tả Quan Vũ “Diện như trùng tảo, thần nhược đồ chi, đan phượng nhãn, ngọa tàm mi面 如 重 棗 。脣 若 塗 脂。丹 鳳 眼 。臥 蠶 眉” (Mặt như táo chín, môi tựa tô son, mắt phượng đỏ [2] , mày tằm nằm) của chính Tam quốc diễn nghĩa để viết nên câu thơ của mình. Cũng có thể trong Kim Vân Kiều truyện, chính Thanh Tâm Tài Nhân đã lựa chọn giúp Nguyễn Du một phần, vì Thanh Tâm Tài nhân tả Từ Hải như sau: “Bạch diện tú mi, hổ đầu yến hạm 白 面 秀 眉 虎 頭 燕” = mặt trắng, mày thanh tú, đầu hổ, hàm én. Nhưng khi tiếp thu, Nguyễn Du cải tạo lại, bỏ đi mấy chữ “bạch diện” chắc theo ông là cốt cách thư sinh không hợp với Từ Hải, cũng bỏ đi “hổ đầu” để lấy lại chữ “hổ tu” của Tam quốc diễn nghĩa thành “râu hùm”. Cũng theo khuynh hướng ấy, nhà thơ không thể lấy chữ “nga mi” thay cho “tú mi”, bởi “tú mi” là lông mày thư sinh mà thay bằng “nga mi” là lông mày con gái đẹp thì cốt tướng Từ Hải còn yếu hơn cả thư sinh. Vậy thì “mày ngài” chỉ còn một “ảnh xạ” là “ngọa tàm mi” của Tam quốc diễn nghĩa. Cho nên nói gì thì nói, xét về từ nguyên, “mày ngài” ở đây trước sau vẫn đích thực có xuất xứ từ “ngọa tàm mi” [3] .

Nhưng “ngọa tàm mi” cụ thể là thế nào? Ông An Chi quả quyết “Ngọa tàm mi tuyệt đối (NHC nhấn mạnh) không có nghĩa là “lông mày con tằm nằm”. Sở dĩ các nhà chú giải của ta cứ ngỡ và giảng như thế là vì họ chưa tìm hiểu cái cấu trúc đang xét cho đến tận ngọn nguồn” (Số 565, tr. 44). Và ông liền mở hai cuốn từ điển Từ nguyên bộ cũ và Vương Vân Ngũ đại từ điển ra để xác nhận rằng “ngọa tàm” chỉ có nghĩa là nếp nhăn ở dưới vành mắt theo các nhà tướng số; từ đấy ông đi đến kết luận: “vì ngọa tàm là một lối nói của tướng số nên ta phải hiểu nó một cách “trọn gói” theo lời giảng của các nhà chuyên môn (nhà tướng số) chứ không thể dịch từng thành tố của nó theo nghĩa đen thành “tằm nằm” được” (số 565, tr. 45). Có khác với ông An Chi, tôi đã tra cứu cả Từ hảiTừ nguyên bộ cũ cũng như bộ mới nhưng cuối cùng vẫn quyết dựa vào bộ mới, vì tôi quan niệm bộ mới - như lời giới thiệu của ngành từ điển học Trung Quốc cách đây khoảng mươi năm - đã được hàng trăm chuyên gia đầu ngành khắp nước Trung Hoa tập trung công sức chỉnh sửa trong nhiều thập kỷ thì thế nào cũng hoàn hảo hơn bộ cũ, sẽ khắc phục được những cái sai và thiếu của bộ cũ. Trong Từ nguyên bộ cũ, “ngọa tàm” quả chỉ có một nghĩa như ông An Chi đã dẫn, trong khi ở Từ nguyên bộ mới (1998), “ngọa tàm” có hai nghĩa, mà nghĩa đầu tiên là: “Như ngọa tàm hình đích mi mao 如 臥 蠶 形 的 眉 毛”; tạm dịch: “ngọa tàm là lông mày như hình con tằm nằm”. Rồi phụ thêm vào nghĩa thứ nhất này bộ từ điển mới đưa ra một nghĩa dẫn thân là “nếp nhăn dưới mắt theo cách gọi của các nhà tướng thuật”. Còn nghĩa thứ hai là một danh từ trong ngành thú y thì xa với vấn đề của chúng ta nên khỏi bàn ở đây. Chứng tỏ Từ nguyên bộ mới đã bổ sung thêm đến hai nghĩa cho chữ “ngọa tàm”, trong đó nghĩa thứ nhất, có tính chất từ nguyên (ngọn nguồn) của thuật ngữ, là hết sức quan trọng. Hơn nữa, nói nghĩa từ nguyên không phải cái nghĩa ấy không được dùng trong sinh hoạt ngôn ngữ. Trái lại, chính nó mới được sử dụng làm thi liệu văn chương. Cũng chính Từ nguyên bộ mới sau khi nói đến nghĩa thứ nhất của “ngọa tàm” (là mày tằm nằm), đã dẫn tiếp liền hai câu thơ và một câu văn để minh họa. Hai câu thơ trích từ bài Dụ Thúc Kỳ thái Pha thi nhất liên.... thù dĩ tứ thập vận喻 叔 奇 采 坡 詩 一 聯 。 。 。 。酬 以 四 十 韻: “Sầu toán ngọa tàm mi/Thống triệt phục tê não 愁 儹 臥 蠶 眉 / 痛 澈 伏 犀 腦”; tạm dịch: “Buồn đọng trên lông mày hình con tằm nằm/Đau buốt đến tận óc sau vầng trán”. Còn câu văn thì trích từ tiểu thuyết Thủy hử, hồi 57, đoạn miêu tả Từ Ninh: “Loan loan lưỡng đạo ngọa tàm mi, phượng chú long tường tử đệ 彎 彎 兩 道 臥 蠶 眉 。 鳳 翥 龍 翔 子 弟”; tạm dịch: “Cong cong hai đường lông mày hình tằm nằm, vốn con nhà rồng bay phượng múa (học hành lễ nghĩa)”.

Thế tưởng cũng là rõ: “ngọa tàm” đúng hơn là “ngọa tàm mi” trước khi là thuật ngữ của tướng số đã là thuật ngữ của văn chương, với cái nghĩa lông mày hình con tằm nằm. Thuật ngữ này đã được dùng theo nghĩa đen rất lâu trong nhiều sách vở Trung Quốc mà Tam quốc diễn nghĩa có liên quan đến việc tiếp nhận của Truyện Kiều là một dẫn chứng. Chính đó là lý do khiến tôi cứ phân vân, không dám quả quyết cho chữ “ngài” mà Nguyễn Du dùng trong danh ngữ “mày ngài” để miêu tả cặp lông mày của Từ Hải cũng phải là một với chữ “ngài” được nhà thơ dùng trong “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” tả Thúy Vân hoặc trong “Bên thì mấy ả mày ngài” tả các nàng ca kỹ.


2.

Vì thiên về cách hiểu “ngọa tàm mi” là nếp nhăn dưới mắt theo tướng số học, ông An Chi đi đến bác bỏ tất cả các nhà chú giải Truyện Kiều hơn một trăm năm qua. Ông nói: “Lời dẫn của Phạm Kim Chi (“Diện như mãn nguyệt, mi nhược [Phạm Kim Chi viết “như” - NHC] ngọa tàm”), ghi là lấy ở Tướng thư, thì chẳng qua chỉ là chép lại lời dịch câu “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” sang tiếng Hán trong bản Kiều Oánh Mậu 1902 chứ chẳng phải của sách “tướng thư tướng tịch” nào cả. Đến như hai tiếng tàm mi (mày tằm) mà Nguyễn Thạch Giang đưa ra trong Truyện Kiều (chú thích và khảo đính) năm 1973, chẳng qua chỉ là một sự dịch ngược tùy tiện. Dĩ nhiên là ai kia có thể gặp may mà thấy được hai chữ tàm mi ở một chỗ nào đó, nhưng đây chỉ là một từ tổ tự do nên chỉ thuộc về lời nói chứ đâu có phải một đơn vị cố định của ngôn ngữ” (số 565, tr. 44). Ông còn viết thêm: “Vì không chịu tìm hiểu cho thấu đáo nên các nhà chú giải của ta mới giảng một cách ngộ nghĩnh rằng ngọa tàm là “(con) tằm nằm”, rồi ngọa tàm mi là lông my (sic) như con tằm nằm (Bùi Kỷ & Trần Trọng Kim), là “mày tằm nằm” (Nguyễn Thạch Giang), là “lông mày giống con tằm nằm” (Đào Duy Anh), v.v...” (số 565, tr. 45) (không hiểu sao ông bỏ qua Nguyễn Quảng Tuân, vì Nguyễn Quảng Tuân là người chú giải Truyện Kiều muộn nhất cho đến nay (1996) [4] cũng giải thích “lông mày như con tằm nằm ngang, chỉ cái tướng phúc hậu”?). Về phần tôi, tôi không dám võ đoán coi tất cả các nhà hiệu khảo áng văn kiệt tác của Nguyễn Du trong suốt thế kỷ XX đều là những người làm ẩu. Nói như thế tôi cảm thấy bất nhẫn. Cho nên, trước khi đi đến một lời khẳng quyết các bậc Kiều học tiên khu như Phạm Kim Chi, Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim đã dựa vào sách tướng số xưa để giảng giải điển “ngọa tàm mi”, tôi có tra cứu lại hẳn hoi. Tất nhiên, trong các thư viện mà tôi có thể tra tìm không làm gì có sách tướng, nhưng tôi đã nhờ mạng internet hỗ trợ giúp mình, và kết quả cũng không đến nỗi nào. Dùng mấy chữ 古 相 書 (cổ tướng thư) truy cập trên mạng Google, hóa ra có rất nhiều tài liệu nói về tướng mặt và tướng lông mày, song chỉ cần 2 tài liệu sau đây cũng đủ minh oan cho các nhà học giả:

a. Đông phương hà lạc dự trắc võng 東 方 河 洛 預 測 网 của Lý Kế Trung 李 計 忠: phần nói về khí sắc con người (Thương nghiệp quan nhân thuật, thương nghiệp quan nhân đích khí sắc) có đoạn viết: “Hữu đích nhân diện như mãn nguyệt (NHC nhấn mạnh), thanh tú nhi thần thái xạ nhân, trình triêu hà chi sắc有 的 人 面 如 满 月。清 秀 而 神 采 射 人。呈 朝 霞 之 色”; tạm dịch: “Có người mặt như trăng tròn, thanh tú mà thần thái chấn động đến người khác, bày ra cái vẻ [đẹp] của ráng sớm”.

b. Mi mao眉 毛 , tác giả khuyết danh [5] , có đoạn: “Mi như tân nguyệt, mi như xuân sơn, mi như ngọa tàm (NHC nhấn mạnh), mi thanh mục tú 眉 如 新 月 。眉 如 春 山 。眉 如 臥 蠶 。眉 清 目 秀”; tạm dịch: “Lông mày như trăng non, lông mày như núi mùa xuân, lông mày như tằm nằm, mày thanh mắt tú”.

Ngoài ra, lại có một tài liệu không thuộc về tướng thuật mà là tiểu thuyết võ hiệp gọi là Kiếm linh truyền thuyết 劍 靈 傳 說, in từng kỳ trên mạng Lan Hương các, ngay ở kỳ đầu tiên ra ngày 6 tháng Năm năm 2005 đã có đoạn miêu tả một chàng thiếu niên võ sĩ “diện như mãn nguyệt, mi như ngọa tàm (NHC nhấn mạnh), tuệ nhãn thùy quang, cố miện hữu thần 面 如 满 月。眉 如 臥 蠶 。慧 眼 垂 光 。顧 盼 有 神”; tạm dịch: “mặt như trăng tròn, lông mày như tằm nằm, mắt tuệ buông luồng sáng, ngoái nhìn như có thần”.

Ông An Chi thấy đấy, trong các tài liệu trên đã có đúng hai vế “Diện như mãn nguyệt” và “Mi như ngọa tàm”, hoặc tách riêng hoặc đứng liền đầy đủ cả. Hẳn sẽ là khôi hài nếu cho rằng những tài liệu này cũng liên quan đến bản Kiều của Kiều Oánh Mậu 1902, vì các cụm từ của chúng sao lại giống như lột câu văn trong sách tướng do Phạm Kim Chi cũng như Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim dẫn ra mà ông An Chi nói là “chép lại” Kiều Oánh Mậu? Vậy phải chăng ta nên thừa nhận cho thật công bằng là cả mấy nhà nghiên cứu Truyện Kiều lớp đàn anh buổi đầu thời văn xuôi quốc ngữ đã xuất phát từ “tướng thư tướng tịch” xưa thật, có điều đến nay ta chưa tìm thấy nguyên gốc, ngoại trừ ít nhiều dấu vết trong sách tướng Trung Quốc hiện đại cũng như trong loại văn chương võ hiệp vốn có liên quan mật thiết với sách tướng cổ mà thôi.

Nhưng có phải như ông An Chi nói: “ngọa tàm mi là một lối nói của khoa tướng số, nó chẳng có liên quan gì đến con tằm cả, càng không phải là “con tằm nằm”” (số 565, tr. 45) hay không? Ở chỗ này tôi lại phải đi tìm thêm sách tướng trên mạng internet. Đúng là với hai chữ “ngọa tàm”, hầu hết sách tướng Trung Quốc hiện nay đều nhắm vào hai nếp nhăn phía dưới hốc mắt. Nhưng với ba chữ “ngọa tàm mi” thì tôi chưa thấy sách tướng số nào tách rời việc giải thích lông mày khỏi hình ảnh con tằm nằm. Lại xin dẫn ra một tài liệu khác để ông An Chi và độc giả cùng xem: Ngọa tàm mi phối thượng đan phượng nhãn, vị cao quyền trọng trung nghĩa cái thế 臥 蠶 眉 配 上 丹 鳳 眼 。位 高 權 重 。忠 義 蓋 世do Tất Hưu畢 休soạn, trên mạng Thuật số tạp đàm 術 數 雜 談. Trong tài liệu này có đoạn viết: “Yếu thanh sở khán đáo hoàn chỉnh mỹ hảo đích “ngọa tàm mi” tịnh bất khốn nạn. Chỉ yếu tử tế khán Quan Thánh đế đích thần tượng tiện tri kỳ dạng. Tha cụ hữu ngọa tàm mi, đan phượng nhãn. “Ngọa tàm mi” tòng tự diện thượng khả liễu đáo kỳ mi tự nhất điều tàm trùng hoành tại nhãn chi thượng. Giá chủng mi hữu lưỡng hạng phân biệt: Hữu tá chỉnh điều mi thị trực tuyến đích. Tàm đích hình thái thị tĩnh chỉ đích. Tuy toán thị hảo mi, độc vị thuyết đắc thị chính thức đích ngọa tàm mi. Chân chính đích ngọa tàm mi, mi đích trung đoạn lược trình loan khúc, vi vi hướng thượng dương. Khí thế điều thuận, đới hữu động cảm, sắc hắc hữu thái, Quan phu tử đích mi tựu xúc giá nhất loại. Thông minh duệ trí, cương trực trọng nghĩa, phối thượng đan phượng, doãn văn doãn vũ, tự phi phàm nhân liễu. 要 清 楚 看 到 完 整 美 好 的 「臥 蠶 眉」 並 不 困 難 。只 要 仔 細 看 關 聖 帝 的 神 像 便 知 其 詳 。他 具 有 臥 蠶 眉 。丹 鳳 眼 。「臥 蠶 眉」 從 字 面 上 可 了 到 其 眉 似 一 條 蠶 蟲 橫 在 眼 之 上 。這 種 眉 有 兩 項 分 別 。有 些 整 條 眉 是 直 線 的 。蠶 的 形 態 是 靜 止 的 。雖 算 是 好 眉 。獨 未 說 得 是 正 式 的 臥 蠶 眉 。真 正 的 臥 蠶 眉 。眉 的 中 段 略 呈 彎 曲 。微 微 向 上 揚 。氣 勢 調 順 。帶 有 動 感 。 色 黑 有 彩 。關 夫 子 的 眉 就 屬 這 一 類 。聰 明 睿 智 。剛 直 重 義 。配 上 丹 鳳 。允 文 允 武 。自 非 凡 人 了”; tạm dịch: “Muốn xem thật rõ vẻ đẹp hoàn chỉnh của “ngọa tàm mi” tuyệt không phải khó. Chỉ cần nhìn kỹ tượng Quan Thánh đế là biết. Ông vốn có mày tằm nằm, mắt phượng đỏ. “Ngọa tàm mi” theo mặt chữ có thể hiểu là lông mày tựa như con tằm nằm ngang ở trên mắt. Kiểu lông mày này chia làm hai loại: Có những cặp lông mày chỉ là một đường thẳng. Tư thế con tằm ở đây là nằm im. Dẫu xét ra đó là tướng lông mày tốt, vẫn chưa thể nói được là “ngọa tàm mi” chính thức. Loại “ngọa tàm mi” chân chính thì ở đoạn giữa lông mày phải cong xuống một tí, lại hơi hơi rướn lên phía trên. Khí thế nhuần nhị, động đậy tí chút khi xúc cảm. Sắc lông mày đen nhuốm đôi nét vằn. Lông mày Quan Phu tử chính là loại này. Thông minh tài trí, cương trực trọng nghĩa, phối hợp với mắt phượng đỏ, vừa văn vừa võ, tự nó không phải là người bình thường rồi”.

Một tài liệu nữa tôi mới tìm ra gần đây là Do nhân tướng học trắc tri phong thủy由 人 相 學 測 知 風 水 của Liễu Vô Trai 了 無 齋 cũng giải thích “ngọa tàm mi” giống với Tất Hưu (chỉ gói gọn trong loại “ngọa tàm mi” thứ hai, một biểu trưng đặc thù của lông mày Quan Vũ) nhưng lại có kèm thêm hình vẽ:

Hình vẽ này cho ta hình dung cụ thể hình dạng con tằm đang di động, không phải là con tằm nằm im như loại “ngọa tàm mi” thứ nhất. Mặt khác, cũng qua hình vẽ, ta sẽ thấy cách quan niệm của thuật tướng số về lông mày Quan Vũ không hẳn đã thống nhất trăm phần trăm với hội họa và điêu khắc cổ Trung Quốc - vốn là nghệ thuật cách điệu nên người này người khác và thời này thời khác từng cách điệu cặp lông mày vị Quan Thánh đế quân đến mức rất xếch, như trong các bức hình ông An Chi đã cung cấp nhằm chứng minh “ngọa tàm mi” không phải là lông mày tằm nằm (số 566, tr. 44). Đặc biệt, cũng tài liệu của Liễu Vô Trai còn nói đến năm loại lông mày khác mà một số loại như “tân nguyệt mi” (lông mày trăng non), “xuân sơn mi” (lông mày như ngọn núi mùa xuân)... đều lấy hình dáng mặt trăng, ngọn núi để lý giải. Như vậy, tuy có nhằm tới mục tiêu đoán mệnh vận con người qua tướng mày tướng mặt, sách tướng số vẫn không thể thoát ly hẳn cái nghĩa từ nguyên của từ ngữ mà nó mượn dùng. Nói gộp một lời như ông An Chi nhằm loại bỏ hết thảy mọi hạt nhân hợp lý trong hàng loạt chú giải của người đi trước e chưa phải là thể tất nhân tình.


3.

Cũng chính vì những điều đã nêu, trong bài viết trước, sau khi đắn đo cân nhắc, tôi đã phải gạt vấn đề “mày ngài” của Từ Hải sang một bên và tạm khoanh hai chữ “nga mi” vào cụm danh từ “nét ngài” chỉ lông mày Thúy Vân và “mày ngài” chỉ các ả ca kỹ. Ông An Chi thì hiểu tất cả các chữ “mày ngài” trong Truyện Kiều đều là “nga mi”. Một thuận lợi cho ông là Giáo sư Cao Xuân Hạo từng có bài viết “Nghĩa của ‘mày ngài’ trong câu thơ ‘Râu hùm hàm én mày ngài’” trên tạp chí Ngôn ngữ từ 1982 [6] cũng có ý tưởng gần như ông. Tuy nhiên, đọc bài Cao xuân Hạo, tôi thấy giữa họ Cao và ông vẫn có chỗ khu biệt. Thứ nhất, ông An Chi trước sau đều nói “nga mi” chỉ là ước lệ tả lông mày đẹp, còn Cao xuân Hạo cho rằng “nga mi” đích thực là râu con ngài: “ngài tằm là hai hình ảnh có giá trị mỹ học hoàn toàn khác nhau, gợi lên những ấn tượng và những liên tưởng hoàn toàn khác nhau, cho nên, nhất là khi được dùng như những ẩn dụ, ngài không thể dùng để chỉ con tằm hay ngược lại, cũng như sâu róm không thể dùng để chỉ con bướm hay ngược lại” [7] . Người ta có thể hỏi ông An Chi: Nếu chỉ thuần là ước lệ tu từ, cớ sao không để cho “mày ngài” của Nguyễn Du có vị trí độc lập trong ngôn ngữ Việt Nam mà còn buộc nó phải bắt nguồn từ “nga mi” Trung Quốc làm gì cho thêm rắc rối? Có phải một cách vô tình, ông vẫn muốn tìm từ nguyên cho nó, và khi tìm từ nguyên thì ông lại lướng vướng vào “thói quen liên tưởng” mà ai cũng dễ có khi dùng loại từ này như trên tôi đã nói chăng (nếu không, sao lại “nga mi” mà không “ngọa tàm mi”)? Về phần tôi, xem xét Truyện Kiều như một tác phẩm văn chương cổ điển, với hệ thống thi pháp cổ trung đại phương Đông, tôi không thể cho phép mình chỉ dùng suy lý mà buộc phải “nói có sách mách có chứng”. “Mày ngài”→“ngọa tàm mi” trong quan hệ tương hỗ Truyện KiềuTam quốc diễn nghĩa là một chứng cứ khó lòng bác bỏ, nên tuy rất muốn thừa nhận quan điểm thẩm mỹ mới mẻ của Nguyễn Du khiến nhà thơ “không đồng nhất tướng mạo của Từ Hải với tướng mạo của một Quan Vân Trường, vì ông sống ở một thời đại có đủ điều kiện để chấp nhận và thưởng thức một kiểu nhân vật không vẹn thuần như thế” [8] nói như Cao Xuân Hạo, nhất là khi đọc đến đoạn ông Hạo bàn giải rất hay về bộ râu con ngài: “Ai đã từng xem kỹ đôi mày (hay nói cho đúng hơn, đôi ăng ten) của con ngài, đều phải chú ý đến vẻ đẹp lạ lùng của nó. Ðó là bộ phận đẹp nhất trong con vật vụng về, yếu ớt và chẳng lấy gì làm thanh tú này. Ðặc điểm nổi bật của nó là ở chỗ nó xếch lên, hơi cong và khá dài so với “mặt” của nó, hai bên đường sống chính có hai hàng tơ mảnh tỏa ra thành hình lá dương xỉ (hay phượng vĩ) hẹp và nhọn. Ví thử đôi “mày” này màu đen, trông nó sẽ có phần thô hơn, có chiều rộng hơn lông mày trung bình của con người. Nhưng màu trắng sữa và chất liệu mỏng manh, nhẹ nhàng của nó làm cho nó trông rất thanh tú. Ðường nét hơi cong của đôi mày ngài khiến cho nó có được một dáng dấp mềm mại, hướng đi chếch lên của nó khiến cho nó có được một phong thái uy nghi. Nó chính là mẫu hình của một trong những cách vẽ lông mày trong truyền thống hóa trang trên sân khấu cổ điển của ta, của Trung Quốc và của Nhật Bản, dành cho một số nhân vật trẻ đẹp, hoặc thuộc phái nữ, hoặc thuộc phái nam, tuy mày của đàn ông đương nhiên phải vẽ to và đậm nét hơn của đàn bà, và cũng không phải không bao giờ có thể tìm thấy trên sân khấu cổ điển một vai nữ có đôi mày cong nhưng không xếch lắm, hay một vai nam, nhất là một vai võ, có đôi mày xếch nhưng không cong lắm, v.v.” [9] , tôi vẫn cứ phải... tỉnh táo dè chừng, không để mình bị “quyến rũ” vô điều kiện. Thế còn với “nét ngài” và “mày ngài” dùng cho Thúy Vân, cho các nàng ca kỹ, vì sao tôi dễ dàng đồng tình đấy là “nga mi” chứ không tán thành các ông Nguyễn Thạch Giang, Nguyễn Quảng Tuân đã quá nệ cổ tin theo các cụ Phạm Kim Chi, Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim? Bên cạnh sức thuyết phục của vẻ đẹp bộ râu con ngài (đúng như Cao Xuân Hạo nói) [10] và sự trợ lực rất “nặng ký” của các ý kiến Nguyễn Đức Vân, Đào Duy Anh [11] , chính sách tướng số cũng cho tôi biết “ngọa tàm mi” chỉ thích hợp với trạng mạo của phái nam mà không thích hợp chút nào với phái nữ: “ Đãn “ngọa tàm mi” tắc tòng vị kiến cập. Nữ tính nhi cụ [hữu] giá chủng mi giả, thù phi cát triệu. Cái thử chủng mi chỉ thích nghi ư nam tính. Nhân ám tàng sát khí, cương dương thậm thịnh 但 臥 蠶 眉 則 從 未 見 及 。女 性 而 具 [有] 這 種 眉 者 。殊 非 吉 兆 。蓋 此 種 眉 只 適 宜 於 男 性 。因 暗 藏 煞 氣 。剛 陽 甚 盛” (Tất Hưu, tài liệu đã dẫn); tạm dịch: “Duy “mày tằm nằm” thì chưa từng thấy [ở nữ giới]. Người mang nữ tính mà có loại lông mày này thì tuyệt không phải là điềm tốt. Vì thế loại lông mày này chỉ thích hợp cho nam tính, do chỗ nó ẩn giấu sát khí, cương dương rất thịnh”.

Giữa ông An Chi và Cao Xuân Hạo còn khác nhau ở một điểm thứ hai: trong khi ông An Chi đi vào trình bày nhiều mặt của vấn đề thì ông Hạo lại gói gọn vấn đề chủ yếu ở góc độ cấu trúc ngôn ngữ. Ấn tượng về luận điểm của ông trong tâm trí người đọc do đó có phần đậm nét hơn. Theo ông Hạo, trong cấu trúc tiếng Việt có một loại tổ hợp danh ngữ gồm “hai từ đơn tiết ghép lại thành cặp, không có giới từ hay liên từ đứng giữa - đặc biệt là khi từ đầu chỉ một bộ phận của cơ thể động vật và từ sau chỉ loài động vật có cái bộ phận ấy” [12] “được dùng như những ẩn dụ để tả người” [13] thì bao giờ quan hệ giữa hai yếu tố cũng phải là quan hệ có ý nghĩa sở hữu chứ không có ý nghĩa tỷ dụ (chẳng hạn nói “râu hùm” là muốn nói râu của con hùm chứ không phải muốn nói râu như con hùm, hoặc nói “hàm én” là muốn nói hàm của con én chứ không phải muốn nói hàm như con én...). Sau khi viện dẫn hàng chục trường hợp hoàn toàn ăn khớp với quy tắc đó, nhà ngôn ngữ học đi đến một biện luận then chốt: “Cách thuyết minh bác học về từ tổ mày ngài (theo quan hệ tỷ dụ: mày như hình con tằm - NHC) tạo nên cái lệ ngoại duy nhất cho một quy tắc có tác dụng tuyệt đối trong một phạm vi bao gồm hơn hai vạn trường hợp, và có lẽ cũng là cái lệ ngoại duy nhất trong toàn bộ sáng tác của Nguyễn Du, một nhà thơ vốn chú tâm sử dụng tiếng Việt đúng như người Việt bình thường vẫn hiểu, đến nỗi có khi sẵn sàng đi ngược lại với từ nguyên, và bao giờ cũng tôn trọng sự đối xứng giữa các thành tố song hành của câu thơ. Quả thật khó lòng có thể tìm được một trường hợp nào khác mà Nguyễn Du dùng một từ này thay cho một từ khác đến mức người Việt chỉ có thể hiểu thành một ý khác hẳn ý của ông như vậy, và cũng thật khó lòng tìm được một câu thơ nào khác của Nguyễn Du trong đó có hai hay ba cặp từ (hoặc cụm ba, cụm bốn từ) đối xứng với nhau chan chát về nghĩa từ vựng như râu hùm, hàm én, mày ngài mà lại bị đặt vào những mối quan hệ ngữ pháp và ngữ nghĩa khác nhau đến như trong cách thuyết minh này” [14] . Nghĩa là Cao Xuân Hạo cho rằng trong Truyện Kiều, xét về mặt cấu trúc, tổ hợp “mày ngài” chỉ có một nghĩa là râu của con bướm tằm, kể cả dùng cho Từ Hải cũng như Thúy Vân. Về mặt lôgich mà nói, khó ai bác bẻ được ý kiến của ông. Dẫu sao, trong thực tiễn đời sống ngôn ngữ hình như vẫn có những lệ ngoại. Chẳng nói đâu xa, trong câu “Mày tằm, mắt phụng, môi son” mà chúng tôi từng trích từ Lục Vân Tiên ở bài viết lần trước, thì “mày tằm” và “môi son” lại đúng là quan hệ tỷ dụ (mày như con tằm, môi như thỏi son), chỉ có “mắt phụng” mới thuộc quan hệ sở hữu (mắt của chim phượng). Mà “mày tằm mắt phụng” vốn là thành ngữ hết sức phổ biến ở Nam Bộ, không phải riêng một Nguyễn Đình Chiểu mới dùng (ca dao: “Gái Mỹ Tho mày tằm mắt phụng/Giặc đến nhà chẳng vụng gươm đao”). Ngay như các cặp từ “miệng hùm gan sứa”, “khẩu Phật tâm xà” trong thành ngữ Việt Nam nếu ta giải thích bằng quan hệ sở hữu e chưa chắc đã thích hợp bằng quan hệ tỷ dụ, vì nói “miệng của hùm, gan của sứa” người đọc sẽ khó thông hơn là nói “miệng [dữ] như hùm, gan [mềm] như sứa”, nói “miệng của Phật, bụng dạ của rắn” sẽ khó thông hơn là nói “miệng [hiền] như Phật mà bụng dạ [độc] như rắn”. Kể cả một cặp từ có hơi xa với những ví dụ đang bàn là cặp “mẹ cú con tiên” đứng về mặt ngữ pháp cũng không thể lấy quan hệ sở hữu giải thích thay cho quan hệ tỷ dụ được (mẹ xấu như cú, con đẹp như tiên). Vân vân...

Chốt lại, qua nhiều đợt bàn thảo lâu dài trên không ít báo chương, câu hỏi chưa có lời giải trọn vẹn vẫn cứ là: “mày ngài” là “mày ngài” hay “mày tằm”? Buộc lòng, chúng ta đành phải tùy văn cảnh mà tìm lấy ngữ nghĩa thích hợp chứ không thể nhất loạt áp dụng một kiểu cấu trúc nào đó hay một loại định kiến nào đó để rút ra đáp số cuối cùng.

Hà Nội, 6-5-06

© 2006 talawas



[1]Xem talawas 27-3-2006
[2]Về mấy chữ “đan phượng nhãn” tôi rất tán đồng với ông An Chi hiểu “đan” là bổ ngữ cho “phượng” chứ không phải bổ ngữ cho “nhãn”. Vì thế ở đây con mắt không phải có màu đỏ mà là mắt của loài chim đan phượng. Xin được đính chính lại chỗ nhầm lẫn trong bài viết trên talawas của mình.
[3]Cần chú ý thêm: tại sao người Nam Bộ nói “mắt phụng mày tằm” mà không nói “mắt phụng mày ngài”? Phải chăng “ngài” là bắt nguồn từ “nga” trong chữ Hán nhưng Việt hóa triệt để hơn và sớm hơn “tằm” bắt nguồn từ “tàm”? Cũng vậy “phượng” có gốc là “phụng” nhưng đã được Việt hóa triệt để hơn “phụng”. Và trong quy luật đồng bộ của ngôn ngữ vần vè tiếng Việt, đã phát âm Hán Việt ở danh từ này thì cũng phải phát âm Hán Việt ở danh từ kia tương ứng với nó và ngược lại? Từ đây có thể suy đoán xa hơn: nghề trồng dâu nuôi tằm vốn không có ở nước ta mà du nhập từ Trung Quốc, cho nên buổi đầu người Việt lẫn lộn “tàm” = con tằm với “tàm nga” = con ngài, và đã gọi tỉnh xưng là “con ngài” để chỉ cả hai. Rất lâu về sau mới gọi phân biệt “ngài” và “tằm”. Nếu đúng như thế thì “mày ngài” = “mày tằm” hiện còn bảo lưu ở vùng Nghệ Tĩnh như Nguyễn Đức Vân nói là điều dễ hiểu.
[4]Nguyễn Du toàn tập, tập II, Nxb. Văn học và Trung tâm nghiên cứu quốc học, 1996; tr. 48.
[5]Tôi không dám chắc sách này là sách tướng nhưng chắc chắn là sách tập hợp các thành ngữ xưa nói về tướng mạo.
[6]Tạp chí Ngôn ngữ, số 2-1982. Đăng lại trên mạng talawas 1-4-2006.
[7]Cao Xuân Hạo, Bđd.
[8]Cao Xuân Hạo, Bđd.
[9]Cao Xuân Hạo, Bđd.
[10]Xin nhắc lại, Từ hảiTừ nguyên bộ mới đều có cách lý giải “nga mi” thống nhất và rất chuẩn, hoàn toàn không phải là ước lệ: “Nga mi: tàm nga đích xúc tu, loan khúc nhi tế trường, như nhân đích mi mao, cố dĩ tỉ dụ nữ tử trường nhi mỹ đích mi mao 蛾 眉 。蠶 蛾 的 觸 鬚。彎 曲 而 細 長 。如 人 的 眉 毛 。故 以 比 喻 女 子 長 而 美 的 眉 毛”; Tạm dịch: “Nga mi: sợi râu của con ngài tằm, cong cong mà dài mịn, giống như lông mày của người, cho nên dùng để tỷ dụ lông mày dài và đẹp của phụ nữ”.
[11]Xin xem “Nét ngài” và “mày ngài”, Bđd.
[12]Cao Xuân Hạo, Bđd.
[13]Cao Xuân Hạo, Bđd.
[14]Cao Xuân Hạo, Bđd.