trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ngôn ngữ
3.6.2006
Nguyễn Văn Hiệp
Vài nét về lịch sử nghiên cứu cú pháp tiếng Việt
 1   2   3 
 
Lịch sử nghiên cứu cú pháp tiếng Việt, cũng như lịch sử các môn khoa học khác, bao giờ cũng là một sự phát triển liên tục. Tuy nhiên, ta có thể có thể tạm chia ra làm 3 giai đoạn lớn, căn cứ vào sự xuất hiện và tồn tại của những khuynh hướng nổi trội cùng với những tác giả, công trình tiêu biểu. Ba giai đoạn đó là: giai đoạn trước năm 1945, giai đoạn từ sau 1945 đến những năm 80 và giai đoạn từ những năm 90 trở lại đây. Sự phân chia giai đoạn như vậy chỉ là tương đối, tuy nhiên chúng tôi sẽ cố gắng, trong mức cao nhất có thể, bằng những ví dụ và phân tích cụ thể, biện minh cho sự phân chia này. Ở mỗi giai đoạn như vậy chúng tôi tập trung vào các khuynh hướng và cách tiếp cận tiêu biểu, với những miêu tả riêng về cấu trúc cú pháp của câu tiếng Việt cùng một số vấn đề liên quan đến nghĩa của câu.


Giai đoạn trước năm 1945

Có lẽ những trình bày đầu tiên về cú pháp tiếng Việt là những ghi chú sơ sài về từ loại, vai trò của trật tự từ... trong những từ điển đối chiếu mà các học giả phương Tây biên soạn. Với con mắt nhìn của họ, tiếng Việt có mấy đặc trưng nổi bật:

- Từ không biến đổi hình thái khi được sử dụng trong câu, không có cơ sở (hình thái học) để xác định từ loại, và do đó có thể xem tiếng Việt là một ngôn ngữ không có từ loại;

- Trật tự từ trong câu đóng một vai trò rất quan trọng, quyết định đến việc hiểu nghĩa của câu.
Chẳng hạn, trong chương 8 của “Báo cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Ðông kinh”, được in trong cuốn Từ điển An Nam–Lusitan-Latinh của A. de Rhodes xuất bản tại Rome năm 1651, tác giả có những ghi chú, được trình bày dưới dạng các luật, về chức năng của từ trong câu tiếng Việt như sau:

“Luật thứ nhất: chủ từ phải đi trước động từ; bằng không nó không còn là chủ từ của động từ ấy nữa (...)

Luật thứ hai: danh từ theo sau động từ là bổ sung của động từ ấy (...)

Luật thứ tư: trong hai danh từ đặt liền nhau thì tiếng thứ hai chỉ gián tiếp, thí dụ: Chúa nhà, Dominus domus (ông chủ của nhà); nếu tôi nói nhà Chúa, idest, domus Dominus (tức là nhà của ông Chúa)” [dẫn theo Nguyễn Minh Thuyết 1998; 28]

Hay trong cuốn Dictionarium Anamitico-Latinum do J. L. Taberd chủ biên, xuất bản vào năm 1838, ta bắt gặp những ghi chú về những từ công cụ (những hư từ) của tiếng Việt (miêu tả nghĩa khái quát, vị trí trong câu, kèm theo ví dụ minh họa). Chẳng hạn, tác giả đã ghi chú về những từ như chớ, cũng, dẫu, đặng, hãy, hẵng, kẻo, mà, rất, sẽ, con, cái, thì... Một số tổ hợp có tính đặc ngữ cũng được chú thích công dụng và cách dùng, như “thì thôi’, “thì chớ”... (ví dụ: “Ðã đánh người thì chớ, lại đốt nhà cùng cướp của người” (tr. XXXV). Dẫu tác giả đã có nhiều nhận xét thú vị, nhưng có thể thấy rằng, đây chỉ là những ghi chú rời rạc và tản mạn, tính hệ thống được thể hiện rất ít.

Cho đến những năm 40, các tài liệu có liên quan đến cú pháp tiếng Việt đều chủ yếu do các học giả nước ngoài viết. Vì vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi chúng thể hiện cái nhìn châu Âu đối với cú pháp tiếng Việt nói riêng và ngữ pháp tiếng Việt nói chung. Một số tác giả người Việt như Phạm Duy Khiêm, Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim cũng có một cách nhìn không khác mấy, lý do là họ học ngôn ngữ học qua tiếng Pháp, tiếp thu bộ máy khái niệm và cách miêu tả cú pháp tiếng Pháp. Hệ quả, cú pháp tiếng Việt được họ viết ra có thể được xem là một thứ cú pháp tiếng Pháp được minh họa bằng tiếng Việt [1] . Giai đoạn này thể hiện rất rõ tinh thần “dĩ Âu vi trung” mà ở trong địa hạt cú pháp là cách tiếp cận mang tính “từ bản vị”. Cách tiếp cận này, vốn rất thích hợp với quy trình phân tích cú pháp các thứ tiếng châu Âu, cùng với những hệ quả của nó, có thể được tóm tắt như sau:

- Thoạt tiên, dòng ngữ lưu được phân cắt thành các từ. Công việc này tương đối dễ, bởi các ngôn ngữ châu Âu đều là ngôn ngữ có hình thái, các biến tố được xem như là chỉ báo cho ranh giới từ.

- Tiếp theo là sự phân loại các từ. Về đại thể, có hai loại lớn: (1) loại có hai bộ phận là căn tố cùng với hình thái (ví dụ book/s, go/es, tall/er...); (2) loại không có hai bộ phận căn tố và hình thái như (1). Loại thứ nhất được xem là thực từ, loại thứ hai được gọi chung là hư từ hay từ chức năng.

- Các thực từ tiếp tục được phân loại dựa vào hình thái của chúng: các từ có hệ hình thái giống nhau sẽ được quy về cùng một từ loại, chẳng hạn: danh từ có hệ hình thái giống nhau về giống, số, cách; động từ có hệ hình thái giống nhau về ngôi, thời, thể v.v.

Tuy nhiên, hình thái của các từ trong câu bao giờ cũng có sự tương ứng với chức năng của chúng, hay nói cách khác, hình thức của từ trong câu là một loại chỉ báo cho vai trò mà chúng đảm nhận trong tổ chức câu. Vì thế, có một sự tương liên giữa từ loại và chức năng của từ trong câu, và như vậy có thể phân tích, miêu tả thành phần câu bắt đầu từ những đặc trưng ngữ nghĩa của từ loại và dạng thức của chúng. Một trong những dẫn dụ sinh động nhất của tinh thần này là ngôn ngữ học châu Âu hiện nay vẫn dùng chính động từ (verb, verbe) để gọi chính thành phần vị ngữ của câu, thể hiện qua mô hình câu SVO quen thuộc.

Quy trình phân tích cú pháp trên đây dẫn đến một số hệ quả đáng lưu ý:

- Thứ nhất, chỉ có thực từ mới có tư cách làm thành phần câu, bởi chỉ thực từ mới có hình thái.

- Thứ hai, mỗi thực từ trong câu đều có tư cách một thành phần câu nào đó, bởi lẽ thực từ trong câu bao giờ cũng xuất hiện dưới một hình thái nhất định.

- Thứ ba, mỗi thành phần câu thường gắn với những từ loại nhất định, bởi vì những từ cùng từ loại thì có hệ hình thái giống nhau [dẫn theo Nguyễn Minh Thuyết 1994; 57-67]
Theo cách phân tích này, các tác giả Việt ngữ lúc bấy giờ đều xem định ngữ như là một thành phần phụ của câu, tức định ngữ cũng có tư cách thành phần câu như chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ, bổ ngữ v.v. Và những câu như:

- “Người tôi gặp hôm qua là nhà văn

sẽ được coi là câu ghép, đúng như tinh thần của ngôn ngữ học châu Âu. Bởi lẽ trong các tiếng châu Âu, câu tương đương với câu này có hai động từ ở hình thức hữu tận; chẳng hạn trong câu tiếng Anh tương đương: “The person I met yesterday is a writer”, hai động từ ở hình thái hữu tận là met (to meet) và is (to be).

Như sẽ thấy ở phần tiếp theo đây, quan niệm này về sau, những năm 60, 70, đã bị phê phán mạnh mẽ và hiện nay hầu như đã bị từ bỏ. Nói chung, ở giai đoạn trước năm 1945, các tác giả thường gò cấu trúc câu tiếng Việt theo khuôn mẫu cấu trúc câu tiếng Pháp, các tên gọi thành phần câu tiếng Việt chẳng qua chỉ là sự sao phỏng tên gọi các thành phần câu tiếng Pháp, ví dụ chủ từ (sujet), động từ (verbe), túc từ (complément)... Có thể kể tên các tác giả theo xu hướng này là Vallot P.G, Bulteau R, Trà Ngân, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Phạm Duy Khiêm, Phạm Tất Ðắc...


Giai đoạn sau năm 1945

Giai đoạn sau năm 1945 có một cái mốc đáng ghi nhớ, đó là sự xuất hiện cuốn Việt ngữ nghiên cứu của Phan Khôi vào năm 1955, trong đó tác giả phê phán khuynh hướng “từ bản vị” đồng thời khẳng định khuynh hướng “cú bản vị”, là khuynh hướng du nhập vào Việt Nam qua cuốn ngữ pháp tiếng Trung Quốc “Tân trước quốc ngữ văn” của Lê Cẩm Hy. Phan Khôi cho rằng với một thứ tiếng không biến đổi hình thái như tiếng Việt mà theo “từ bản vị”, “mà sách văn pháp lại cứ bắt đầu chia ra từ loại thì thật xa vời sự thật quá, nếu không nói là vô lý” [1955; 16]. Tác giả đề nghị theo “cú bản vị”, tức “lấy tổ chức câu làm gốc, làm phần chính trong sự dạy văn pháp. Bắt đầu từ câu ngắn đến câu dài, từ câu đơn đến câu kép... Trong khi ấy mới tuỳ ở vị trí và chức năng của từng từ mà quy nó vào loại nào, và nhân đó mà nhìn rõ công dụng của nó” [1955; 16]. Theo tinh thần này, tác giả cho rằng câu tiếng Việt “có thể có đến sáu thành phần” gồm chủ ngữ, vị ngữ, tân ngữ, bổ túc ngữ, hình dung phụ gia ngữ và phó từ phụ gia ngữ. Có thể thấy, chuyển từ bản vị (phần nào phản ánh qua các tên gọi chủ từ, túc từ...) sang cú bản vị (phần nào phản ánh qua các tên gọi chủ ngữ, vị ngữ, bổ túc ngữ...) trong phân tích cấu trúc câu tiếng Việt là một bước ngoặt đáng ghi nhận. Các tác giả khác như Phan Ngọc, Nguyễn Lân cũng chịu ảnh hưởng rõ rệt khuynh hướng này.

Trong giai đoạn này, đáng chú ý còn có Lê Văn Lý, được coi là người đầu tiên áp dụng một số phương pháp của ngôn ngữ học cấu trúc vào miêu tả cú pháp tiếng Việt. Tác giả dùng một số hư từ, gọi là từ chứng, thử đem kết hợp với các từ của tiếng Việt để chia từ tiếng Việt ra các loại A, B, B’ và C (ít nhiều ứng với danh từ, động từ, tính từ và hư từ). Sau đó, ông nêu ra các kết hợp có thể có được của các từ loại này, ví dụ [dẫn theo Emeneau M.B 1951; 228-232]:

AAAAAA
: Sáng cháo gà, tối cháo vịt.
CCCCCCCCC
: Dù sao chăng nữa cũng tại chúng mày cả.
AB
: Nước chảy.
AB’
: Nhà cao.
AC
: Xe tôi.
ABA
: Mẹ về chợ.
ABB
: Chó muốn chạy.

Trong những năm 60, 70, khi tiếng Việt được giảng dạy một cách sâu rộng trong nhà trường ở cả hai miền Nam Bắc, các nhà nghiên cứu đã có ý thức phân tích câu tiếng Việt thoát khỏi khuôn mẫu của câu tiếng Pháp. Theo tinh thần này, một số đặc trưng của câu tiếng Việt đã được phát hiện, đặc biệt là sự thừa nhận một loại thành phần câu không hề có trong các sách ngữ pháp tiếng Pháp, được gọi tên là chủ đề (nhóm Trương Văn Chình, Nguyễn Hiến Lê) khởi ngữ (Nguyễn Kim Thản) hay từ-chủ đề (nhóm Nguyễn Tài Cẩn, I.X Bưxtrov, N.V. Xtankevich...). Tư cách của thành phần câu này đến hôm nay vẫn là một trong những tiêu điểm gây tranh cãi trong nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt.

Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê cho rằng trong những câu như “Thư/Giáp gửi rồi” tiếng diễn tả thoại đề (“đề”, mục đích câu nói) và chủ từ không phải là một. Các tác giả đã đề xuất một thành phần câu có “chức vụ riêng”, gọi là “chủ đề” và định nghĩa như sau: “Chủ đề là tiếng đứng ở đầu câu, dùng để diễn tả thoại đề mà không phải là chủ từ. Về ý tứ, chủ đề có liên lạc hoặc với một tiếng khác trong câu, hoặc với cả câu. Nhưng về ngữ pháp thì chủ đề đứng riêng biệt, không có quan hệ với một tiếng nào trong câu cả. Chủ đề đặt trước chủ từ” [1963;530]. Nguyễn Kim Thản thì gọi thành phần câu này là khởi ngữ, một loại “thành phần thứ yếu của câu thường xuyên đứng ở vị trí 1 trong câu song phần” [1964; 208], về mặt nghĩa khởi ngữ có thể trùng với chủ ngữ, vị ngữ, bổ ngữ, định ngữ hoặc không trùng với một thành phần nào trong câu hay từ tổ, như có thể thấy qua các ví dụ sau:

  • Tôi thì tôi xin chịu.
  • Giàu, tôi cũng giàu rồi. Sang, tôi cũng sang rồi.
  • Cô Toản, tôi gặp một lần ở Yên Bái, lấy chồng được hai con.
  • Nhà, bà ấy có hàng dãy ở khắp các phố. Ruộng, bà ấy có hàng trăm mẫu ở nhà quê.
  • Quan, người ta sợ cái uy của quyền thế. Nghị Lại, người ta sợ cái uy của đồng tiền.
Chung quanh cương vị của khởi ngữ (chúng tôi tạm dùng thuật ngữ này chung cho các tên gọi khởi ngữ, chủ đề, từ chủ đề) trong cấu trúc của câu, lúc bấy giờ và về sau, trong những năm 70, 80 đã có những bất đồng giữa cái gọi là khởi ngữ thực thụ với bổ ngữ đảo trí hay một thành tố nào đó trong câu được đài lên phía trước (tương đương với hiện tượng Fronting, hay rộng hơn, là Inversion trong miêu tả cú pháp các tiếng châu Âu). Một số tác giả thiên về những kỹ thuật miêu tả cú pháp hình thức thì cho rằng thành tố đứng đầu câu, biểu thị chủ đề của câu nói, có thể chuyển về vị trí ban đầu (thường là sau động từ vị ngữ) chỉ là các thành tố được đảo trí chứ không phải là khởi ngữ. Chẳng hạn, các tác giả này cho rằng ngữ đoạn đứng đầu câu trong “Những thú vui nho nhỏ ấy, giờ Mận bỏ hết” chỉ là bổ ngữ đảo trí, bởi lẽ, bằng một phép cải biến vị trí, (là thủ pháp biến đổi một cấu trúc này sang cấu trúc khác theo một quy tắc nhất định với điều kiện là quan hệ ngữ nghĩa giữa các thực từ tham gia sự chuyển đổi đó, về cơ bản, vẫn được bảo toàn) có thể khôi phục lại vị trí ban đầu của ngữ đoạn này: Giờ Mận bỏ hết những thú vui nho nhỏ ấy.

Về mặt phương pháp luận, giai đoạn này nổi lên khuynh hướng dùng lý thuyết từ tổ (cụm từ), một lý thuyết rất thịnh hành ở Liên Xô lúc ấy, áp dụng vào phân tích cú pháp tiếng Việt. Có thể coi người tiêu biểu cho khuynh hướng này là Nguyễn Kim Thản. Ông cho rằng, cần phân biệt thành phần phụ của câu với thành phần phụ của từ tổ (cụm từ). Theo ông, cái gọi là định ngữbổ ngữ thật ra không có tư cách thành phần câu. Chúng chỉ là thành phần của các từ tổ danh từ (danh ngữ) và từ tổ động từ (động ngữ) khi các từ tổ này tham gia cấu tạo câu. Nguyễn Kim Thản chỉ thừa nhận trạng ngữkhởi ngữ là thành phần phụ đích thực của câu tiếng Việt, bởi lẽ những thành tố này không bị bao hàm trong các từ tổ đóng vai chủ ngữ và vị ngữ trong câu.

Cũng theo khuynh hướng này, vấn đề câu đơn và câu ghép (hay phức) cũng được nhìn nhận lại. Câu “Người tôi gặp hôm qua là nhà văn” được xem là câu đơn, bởi vì ngữ đoạn “tôi gặp hôm qua” chỉ là thành tố phụ của từ tổ danh từ “Người tôi gặp hôm qua”. Về sau, vấn đề này còn được xem xét lại, thể hiện qua sự phân biệt câu phứccâu ghép: câu phức là một loại câu đơn mà các thành tố của nó có thể được mở rộng ở dạng một kết cấu C-V (chẳng hạn, câu được dẫn trên đây:“Người tôi gặp hôm qua là nhà văn”), còn câu ghép là câu có từ hai cụm C-V trở lên không bị bao hàm trong nhau (chẳng hạn, “Ông nói gà, bà nói vịt”).

Có thể nói, vấn đề phân biệt thành phần câu với thành phần từ tổ là một trong những vấn đề sôi động nhất của cú pháp tiếng Việt những năm 60, 70, mà hệ quả là hình thành những cách nhìn phi truyền thống đối với một số thành phần câu như đã dẫn trên đây. Tuy nhiên, một số tác giả có quan điểm dung hoà hơn. Chẳng hạn, các tác giả cuốn Ngữ pháp tiếng Việt (1975) là Bưstrov, Nguyễn Tài Cẩn và Xtankêvich chấp nhận tính cách nước đôi của các thành phần câu này: “Mỗi một thành phần chủ yếu hay thứ yếu của câu đều có thể được biểu thị bằng đoản ngữ. Các thành phần phụ của đoản ngữ này có thuộc tính nước đôi: một mặt, chúng tham gia vào đoản ngữ, vì sự có mặt của chúng bị ước định bởi các thuộc tính từ vựng-ngữ pháp của hạt nhân đoản ngữ; mặt khác, bởi vì đoản ngữ đi vào thành phần câu nên chúng lại là các thành phần phụ thuộc mà điển hình là định ngữ [1975; 134].
Bên cạnh những nét mới đã dẫn trên đây, cần ghi nhận thêm những nỗ lực áp dụng các lý thuyết ngôn ngữ học khác để nghiên cứu cú pháp tiếng Việt, không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài, không chỉ được thực hiện bởi các tác giả Việt Nam mà còn bởi các tác giả nước ngoài. Có hai tác giả nước ngoài đáng được nêu ra ở đây do cái mới mà họ đem đến trong việc phân tích và miêu tả câu tiếng Việt. Ðó là Yu.K. Lekomtsev và L.C Thompson, cả hai đều vận dụng phương pháp phân tích thành tố trực tiếp (IC), phương pháp rất nổi tiếng của trường phái miêu tả thời bấy giờ, để nghiên cứu câu tiếng Việt.

Yu.K. Lekomtsev, tuyên bố là theo tinh thần của Ngữ vị học Ðan Mạch, một khuynh hướng thiên về những lược đồ toán học trừu tượng trong miêu tả ngôn ngữ, đã biểu diễn sơ đồ đầy đủ cấu trúc câu đơn tiếng Việt theo tầng bậc các thành tố trực tiếp như sau:



Sau khi có được mô hình đầy đủ cấu trúc câu đơn tiếng Việt như vậy, tác giả mới xem xét cấu tạo của mỗi thành tố trực tiếp theo tầng bậc (được ký hiệu là En), thành tố đó ứng với tên gọi nào của thuật ngữ truyền thống và vị trí đối đãi của nó đối với thành tố trực tiếp cùng bậc với nó (thường là một tổ hợp) được ký hiệu là Kn. Theo đó, tác giả xác định E1 là các từ tình thái, có thể đứng đầu hoặc cuối câu. E2 là các trạng ngữ chỉ thời gian, được cấu tạo bởi ngữ thể từ, có hoặc không có giới từ, phụ thuộc vào cả kết cấu chứa chúng nói chung, vị trí của E2 đối với K2 là E2-K2, K2-E2, E2-:-K2 (E2 nằm giữa K2). E3 là các trạng ngữ địa điểm, được cấu tạo bởi ngữ thể từ không có giới từ, vị trí đối đãi của E3 so với K3 là E3-K3, K3-E3, E3-:-K3. E4 là những trạng ngữ địa điểm (cũng có khi là trạng ngữ thời gian), được cấu tạo bởi ngữ thể từ với các giới từ dẫn xuất như trong, trên, sau, dưới, bên..., vị trí của E4 đối với K4 là E4-K4, K4-E4, E4-:-K4. E5 là chủ ngữ, được cấu tạo bởi thể từ hay ngữ thể từ không có giới từ, vị trí điển hình của E5 đối với K5 là E5-K5 v.v... [Lekomtsev 1964; 54-63].

Gần như đồng thời với Yu. K. Lekomtsev, L. C. Thompson đã dùng phương pháp phân tích thành tố trực tiếp để nghiên cứu cấu trúc câu tiếng Việt. L. C. Thompson cho rằng lối phân tích câu theo các thành tố trực tiếp (Immediate Constituents) là “kiểu phân tích tỏ ra có lợi nhất theo quan niệm cấu trúc đối với phát ngôn... Ðối với người bản ngữ của một ngôn ngữ hay đối với nhà ngôn ngữ học có hiểu biết tốt về ngôn ngữ ấy, sự chia tách thành các thành tố trực tiếp dường như là tương đối đơn giản và trong đa số trường hợp là chẳng gặp rắc rối gì... Cái trực cảm này thực tế là thể hiện một ý sâu có trong cấu trúc của ngôn ngữ” [1965; 109]. Cách phân tích thành tố trực tiếp cho thấy cấu trúc câu tiếng Việt là một kết cấu tiêu điểm (Focal construction): ‘Kết cấu tiêu điểm tạo ra những ngữ hạn định với vị từ là đỉnh (head) hay tâm. Các loại thể từ, ngữ thể từ, và thậm chí vị từ xuất hiện như là các bổ ngữ tiêu điểm’ (The Focal Construction forms restrictive phrases with predicates as head or center. Various kinds of substantives, substantival phrases and even predicates occur as focal complements) (Thompson 1965, tr 239)... Ví dụ:

Nhà cháy rồi
Bạn đã làm cho tôi
Cơm đưa lên
Con chó bị chết
Hai ông ấy học tiếng Việt Nam
Trên bàn có nhiều cây bút chì
Hôm qua mưa to quá
Thế gian có nhiều kẻ hiếu lợi hơn ta
Hai bên cũng chưa có vợ có chồng
Ở bên nam nóng lắm

Cũng có những từ đơn lẻ xuất hiện như bổ ngữ tiêu điểm mà không phải là thể từ cũng như không phải là vị từ: chúng là một số loại tiêu điểm, được nhận ra do các vị trí (ở trong câu) mà chúng xuất hiện:

Sao ông không đến nhà chơi
Ðấy ông thấy làng Phát Diệm [Thompson 1965; 239-240]

Bổ ngữ tiêu điểm bao giờ cũng đứng ở đầu câu và được phân ra nhiều loại, như có thể được thấy qua biểu đồ khái quát sau đây:


Thompson có lẽ là người đầu tiên thấy được vai trò của tiểu từ thì trong cấu trúc tiêu điểm của câu tiếng Việt và từ đó ông đi đến nhận định rằng chẳng nên phân biệt thứ hạng của chủ ngữ và bổ ngữ (theo thuật ngữ truyền thống) trong hệ thống thành phần câu. Ông viết: “Sự thể là tiếng Việt đã gom nhóm các bổ ngữ tiêu điểm thành một loại lớn (trong đó không có gì khác nhau nhiều giữa các thực thể có dáng dấp như chủ ngữ với các bổ ngữ thời tính, vị trí và phương thức) càng được nhấn mạnh khi quan sát cách dùng tiểu từ thì (focal head particle thì ): nó xuất hiện như là để dựng lên, đánh dấu bổ ngữ chủ đề (focal topic) cũng như các loại bổ ngữ khác” [1965; tr 257]. Thông qua những miêu tả của Thompson về cấu trúc câu tiếng Việt, có thể thấy ông là người đã có một trực cảm nhạy bén về một loại đặc trưng loại hình của tiếng Việt mà sau này một số nhà ngôn ngữ học xếp vào nhóm các ngôn ngữ thiên chủ đề (topic-prominent). Phần lớn những gì được ông gọi là bổ ngữ chủ đề và các loại bổ ngữ khác về sau được những người tuyên bố theo quan điểm Ngữ pháp Chức năng trong tiếng Việt gọi là phần Ðề trong cấu trúc Ðề-Thuyết, với tư cách là cấu trúc cơ bản của câu tiếng Việt.

Cũng cần nêu ra ở đây những nghiên cứu của Trần Ngọc Ninh, được thể hiện trong bộ Cơ cấu Việt ngữ (Lửa thiêng xuất bản, 1973). Ðiểm mới mẻ của tác giả này là đã thử vận dụng một số luận điểm và thủ pháp của Ngữ pháp Tạo sinh (Generative Grammar) của N. Chomsky vào nghiên cứu cú pháp tiếng Việt. Chẳng hạn, tác giả cho rằng cơ cấu chìm nằm trong

Sự biến cải từ cơ cấu nổi có thể diễn bằng biểu đồ cây:


(Trần Ngọc Ninh 1973, 121-122)

Nói chung, Trần Ngọc Ninh đã có ý thức xây dựng một thứ ngữ pháp có năng lực giải thích sự hình thành câu nói, theo khuôn thước của Ngữ pháp Tạo sinh. Những rất tiếc là cố gắng của tác giả chưa thật sự đem lại những kết quả khả quan và cũng không có mấy người theo đuổi đường hướng này.


Tác giả: Nguyễn Văn Hiệp, PGS. TS. Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội



[1]Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là không có những quan sát thú vị cùng những nhận định chính xác, dựa trên cảm thức bản ngữ. Chẳng hạn, Trương Vĩnh Ký trong Sách mẹo Annam (Abrégé de Grammaire Annamite) (bằng tiếng Pháp) đã gọi những từ như con, cái, cục, chiếc, hòn... cũng đều là danh từ chung (appellatifs), có tư cách hoàn toàn giống các danh từ chung khác là: bản, bận, bộ, bó, bốc, bụm, buồng, cây, cặp, cuốn, đám, đoạn, đồng, gói, khúc, miếng, miểng, múi, mớ, nắm, nhúm, nùi, pho, tấm, trái, viên, vốc, xấp. (Trương Vĩnh Ký 1924, tr. 16-20). Cao Xuân Hạo đánh giá rất cao sự minh định đáng kinh ngạc này của Trương Vĩnh Ký khi cho rằng, về câu chuyện loại từ, ngôn ngữ học Việt Nam, kể từ Trương Vĩnh Ký, đã “lùi một bước lùi đáng kể” (Cao Xuân Hạo 1998)

Nguồn: Tạp chí Ngôn ngữ, Hà Ná»™i, số 10/2002. Bản đăng trên talawas đã được tác giả sá»­a chữa và bổ sung.