trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
talaFemina
  1 - 20 / 43 bài
  1 - 20 / 43 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộitalaFemina
5.6.2006
Phan Quân
Mua bán gái tơ
 
Trung Quốc là một nước lớn với đầy đủ ý nghĩa của nó, lớn về diện tích, lớn về dân số, lớn mạnh về kinh tế. Thế nhưng, có một vài điều không lớn, như việc buôn bán gái tơ ở nông thôn, một tệ nạn của thời đại coi chẳng giống ai. Với sự chênh lệch xã hội ngày một gia tăng giữa thành thị ăn nên làm ra và nông thôn nghèo xơ xác, với tình hình tụt hậu văn hóa nặng nề của nông dân, vấn đề buôn bán gái tơ ở nông thôn Trung Quốc càng trở nên nhức nhối.

Phần đông những phụ nữ bị đem ra làm món hàng đó sinh ra và lớn lên tại những vùng kém may mắn, xuất phát từ những gia đình nghèo khó, bản thân còn non trẻ, ngây thơ và ít học, được đàn ông hoặc đàn bà ve vãn bằng cách hứa tìm cho công ăn việc làm lương hậu ở thành thị. Nghe bùi tai, thế là các cô ra đi. Có trường hợp do cha mẹ túng thiếu tán thành, cũng có trường hợp cha mẹ không biết. Họ rời làng mạc ra đi, thế rồi, tứ cố vô thân, họ chợt nhận ra rằng mình là nạn nhân của những tên cò mồi của hàng buôn bán "thịt người còn sống". Nhưng đã quá muộn. Nhiều người bị bán để làm "vợ" của những người nông dân không tìm đâu ra con gái trong vùng. Những kẻ khác thì bị giam giữ trong các nhà chứa miền duyên hải Trung Quốc, Bangkok, Đài Loan và ở những thành phố khác của châu Á.

Đấy là bức tranh ảm đạm của xã hội Trung Quốc được báo chí Tàu đưa ra để nói lên một tệ nạn mà dư luận nghĩ là đã tan biến sau khi Mao Trạch Đông chiếm Hoa lục. Và điều đáng quan ngại hơn nữa là tệ nạn này đang ngày một gia tăng. Người ta đổ lỗi cho xã hội, cho kinh tế thị trường, cho nếp sống học đòi tư bản, nhưng thật ra giới cầm quyền phải chịu trách nhiệm chính. Nếu như có kế hoạch (hóa gia đình) đàng hoàng, hợp lý thì đâu đến nỗi.

Mới mười tám tuổi đầu, Hồng Cẩn bị bắt cóc và bán cho Dong, một nông dân ở Sơn Tây hồi tháng Năm 1993, với số tiền 3700 Nhân dân tệ (350 €). Hai vợ chồng có một đứa con gái, năm nay được 12 tuổi. Mười ba năm sau, không chịu nổi tình cảnh, cô kêu cứu và được Zhu Wenguang - bí danh "Zoro" - một loại thám tử tư ra tay nghĩa hiệp (dĩ nhiên là có thù lao). Theo "Zoro" cho biết thì:

"Thường thường, những cô gái bị bán như vậy trước nhất là bị giam kín trong một căn phòng. Ngày qua, tháng lại, bụng mang dạ chửa, thế là họ đành ở lại với ‘ông chồng’ vì họ không hy vọng gì trốn thoát với đứa con mà họ thấy cảm mến. Và dù cho trốn được đi nữa họ cũng sợ làm mất danh giá gia đình, coi như đã bị làm nhục."

Hồng Cẩn bị gả bán cách nay mười hai năm, đã ba lần cùng "chồng" và con gái trở về thăm nhà ở Tứ Xuyên. Nhưng, gần đây cô mới tâm sự cùng bà mẹ, người cứ tưởng cô đã được cưới hỏi đàng hoàng. Dù hơi ngỡ ngàng nhưng bà mẹ vẫn khuyên con gái nên duy trì tình cảnh đó "để gia đình khỏi mất mặt", dù cho Hồng Cẩn phải cắn răng chịu đựng những cực hình.

Nhưng, hồi tháng Tư vừa qua, Hồng Cẩn đã gởi một bức thư tuyệt vọng về cho cha mẹ. Trong thư cô kể lại những trận đòn ác độc như ống sắt đánh vào hông, những nhát dao đâm vào đùi, và cả ý định quyên sinh của mình. Cô kết thúc bức thư bằng một câu đầy chán nản: "Con chịu hết nổi rồi!" Gia đình cô sinh sống bằng cách canh tác mấy mẫu đất quèn, luôn thiếu trước hụt sau. Muốn giải thoát Hồng Cẩn, hai ông bà phải nhờ đến Zhu, người ở cùng làng.

Nhà thám tử tư Zhu, một cựu bảo vệ, rất nổi tiếng ở Tứ Xuyên vì đã giải cứu được hàng trăm người phụ nữ bị bán đi từ năm 1992. Tổng Zhongjiang, một miền quê nghèo nàn thuộc tỉnh Tứ Xuyên, nơi sinh quán của ông, đã chứng kiến nhiều vụ bắt cóc trong những năm chín mươi. Động lòng vì người bị bắt đầu tiên mà ông đã giải cứu được, bực tức vì thấy công an thờ ơ với những trường hợp như thế, ông Zhu cảm thấy như đó là nghĩa vụ của mình.

Hàng năm, ở Trung Quốc có từ mười đến năm mươi nghìn người đàn bà bị bán ra như thế. Để hoàn thành những cuộc truy tìm vất vả này, Zhu chỉ xin bồi hoàn chi phí chuyên chở và ăn ở vì tất cả các gia đình nạn nhân đều là những người nông dân nghèo khó. Ông không sợ nguy hiểm. Zhu tâm sự:

"Năm khi mười họa, tôi mới bị những kẻ nắm quyền sinh sát các bà và các người thân cận của ông ta hành hạ. Ở những làng mạc nghèo nàn và hẻo lánh đó, dân chúng rất đoàn kết với nhau. Không một người phụ nữ nào chịu làm vợ của mấy tên nông dân nghèo xơ nghèo xác, không biết đến điều xằng bậy khi mua một người con gái do bọn bắt cóc mời mọc. Muốn có tiền để trả, họ vay mượn loanh quanh. Sau đó, họ nhất quyết không để cho những người mà họ coi như của riêng của họ ra đi. Phần đông là những người phụ nữ Tứ Xuyên bị đem bán cho những người đàn ông Sơn Tây."

Nhà trinh thám dũng cảm 44 tuổi đời đó, suốt đời vật lộn với bộ hình sự và những hồ sơ của mình để chống lại sự thờ ơ của công an khắp nơi trên đất nước Trung Quốc, đã được báo chí Tàu đặt cho biệt danh là "Zuo-Lo" (Zoro), một chuyện phim truyền hình của Pháp phổ biến trong những năm 60, được dân chúng Tàu ưa thích khi được trình chiếu ở đây trong những năm 90.

Ngày 21 tháng Tư vừa qua, với ba công an quận, được ông thuyết phục để cùng hành động, Zhu cùng bà mẹ và người anh họ của Hồng Cẩn đi đến ngôi làng khoảng một nghìn dân, nơi người đàn bà bị quản thúc. Nhưng Dong, "người chồng" của Hồng Cẩn, chắc được công an khu vực báo trước, đã đem "bà xã" đi giấu kín. Sáng hôm sau, người anh họ và mẹ Hồng Cẩn trở lại đó làm dậy làng, dậy xóm mà không cho nhà trinh thám hay biết. Hai người tìm được Hồng Cẩn, đang bị ông "chồng" đe dọa bằng một cây vặn vít. Khắp người cô đầy thẹo và đứng không vững vì bị Dong hành hạ hồi tháng Ba vừa qua sau khi cô định trốn đi. Người anh họ nói:

"Tôi muốn thử nói phải trái với Dong. Nhưng, chuyện không thành. Dong và nhiều anh em họ hàng khác nữa cầm dao hăm dọa và đòi phải đưa 30.000 nhân dân tệ (khoảng 4000 US$) mới trả Hồng Cẩn lại. Cuối cùng, Dong đe dọa rồi đuổi chúng tôi đi, còn bắt giữ mẹ của Hồng Cẩn lại làm con tin. Tình hình là như vậy." Thám tử Zhu than: "Rắc rối hết sức. Bây giờ lại phải giải cứu tới hai người."

Hơn nửa tháng sau, ngày 9 tháng Năm, tình hình không có gì thay đổi. Nhà thám tử tư còn phân vân giữa hai biện pháp, mạnh bạo và dịu hiền. Chung cuộc, ông ta quyết định áp dụng giải pháp sau cùng, cốt để trắc nghiệm đường lối hợp pháp xem sao. Vì không phải công an, ông ta cần phải có sự hợp tác của công lực. Nhưng, vì giới chức địa phương không muốn dây mơ rễ má vào, ông ta phải lên gặp cấp cao hơn, yêu cầu ra lệnh nghiêm chỉnh cho đồn công an địa phương. Zhu cho biết: "Rất may là tôi có người bạn làm thủ trưởng công an chống bạo động. Nếu không được thì tôi sẽ cùng với người anh họ giải cứu bà ta ban đêm." Ngày hôm sau, Zhu đi đến đồn công an Thái Nguyên, tỉnh lỵ của Sơn Tây. Họ chờ bên ngoài tòa nhà màu xanh lá mạ, cao khoảng 20 tầng. Ở mặt tiền có treo những biểu ngữ, chữ trắng trên nền đỏ: "Hãy tăng cường tư thế lãnh đạo của Đảng, bảo vệ trật tự an ninh, bảo đảm cho dân chúng được yên lành và hạnh phúc... Phải cương quyết và công bằng." Zhu trở ra với một thư giới thiệu có đóng con dấu màu đỏ. Trên nguyên tắc, với giấy thông hành đó, Zhu có thể yêu cầu công an cơ sở tiếp tay. Nhưng khi đến nơi thì giới chức hữu quyền không có đó và không làm sao tìm ra được. Thế là kế hoạch A, với sự giúp đỡ của chính quyền, kể như thất bại. Nhà trinh thám tư nghĩ: "Dong dám giết Hồng Cẩn lắm chớ chẳng chơi, mình phải ra tay gấp!" Thế là ông ta quyết định chọn giải pháp mạnh. Ông gọi điện thoại đến nhà Dong, may quá gặp được Hồng Cẩn và bàn tính chuyện ngay. Giờ hành động sẽ là lúc chạng vạng tối. "Zoro" và người anh họ núp trong một chiếc xe con tầm thường, trên đoạn đường từ nông trại của Dong đến một tiệm uốn tóc tàng tàng, cách nhau độ 500 thước. Dong bước ra trước với Hồng Cẩn và bà mẹ muốn đi làm tóc. Khi cả ba người chở mô tô qua ngang chiếc xe con thì hai người trong xe cúi xuống không cho Dong thấy. Ở tiệm uốn tóc, Hồng Cẩn nại cớ đau bụng và bước ra ngoài. Zhu rồ máy và dọt mạnh lên hốt cô và chạy biến thật nhanh, ... thế là Dong cởi xe mô tô tức tốc rượt theo. Ra xa lộ, Zhu dọt lẹ, bỏ rơi chiếc xe đang đuổi theo, có bốn người mà ông "chồng" huy động để đuổi bắt.

Đến 22 giờ Hồng Cẩn được đưa vào một phòng khách sạn ở Thái Nguyên và kể như được an toàn. Mặt mày đẹp đẽ, đôi mắt u buồn. Phía dưới mắt trái có một vết bầm vì bị Dong đánh bằng cây vặn vít. Hai bàn tay đỏ và sưng lên chứng tỏ là hàng ngày bà phải làm lụng vất vả. Chạy thoát được, cô kể lại cuộc sống thảm thương.

Năm 1992, chính một người bạn thời thơ ấu đã bắt cóc cô. Anh ta giới thiệu cho cô một việc làm ở Quảng Đông, nhưng khi tới nhà ga, anh chàng cho cô uống thuốc ngủ. Nửa tỉnh, nửa mê, cô bị đồng bọn đưa lên xe lửa, nói rằng cô bị bệnh. Người chủ đầu tiên đã đánh đập cô. Cô cảm thấy nhẹ nhõm khi được bán lại cho Dong, người lúc đầu đối xử với cô rất tử tế. Cô tâm sự:

"Lúc bấy giờ tôi không có ý định trốn vì nhất là tôi sợ bị bắt lại và đem bán cho người khác, còn tệ hơn. Thế rồi sau đó khó khăn hơn. Tất cả những người láng giềng đều thông đồng với nhau, kể cả công an. Họ không rời tôi nửa bước."

Trong ngôi làng bất hạnh đó, có ba bà khác cũng bị bán như cô: "Một người quê ở Hồ Nam, người kia quê Quý Châu và người thứ ba quê Vân Nam. Cả ba rốt cuộc đều trốn đi hết, bỏ con ở lại. Chỉ có mình tôi ở lại, cũng vì thương con." Hồng Cẩn vừa kể vừa khóc. Cô chịu làm những công chuyện vặt vãnh, cách nhà mấy mươi cây số để đem tiền về cho Dong. Cô nói tiếp: "Tôi chỉ là người đàn bà nhà quê, cấp tiểu học thì tôi còn hy vọng gì nữa đâu?" Làm một "món đồ" cho Dong, cô mất tự do, nhưng dưới cái nhìn của thiên hạ, cũng như đối với gia đình, cô không mất danh dự. Nói đến đây, cô mệt lả, rồi bỗng nhiên sực nhớ lại: "Mà không, tôi muốn thấy mặt con tôi. Đã bao lần tôi không chịu bỏ bố nó để được ở gần nó, nay tôi có thể làm như thế nữa!"

Zhu ngắt lời cô: "Tôi nghĩ là cô không tính đến chuyện trở lại chung sống với một thằng cha coi cô như một con thú! Con cô thì cô sẽ bắt lại sau bằng cách đưa Dong ra tòa... Bây giờ, phải lo chuyện giải cứu mẹ cô cái đã." Nhất định là bọn cớm địa phương đã ăn chịu với Dong, nhưng hù khéo là Dong sẽ sợ. Ngày hôm sau, Zhu chìa ra tờ giấy giới thiệu của giới chức cao cấp ở Thái Nguyên. Trúng kế, ngày 13 tháng Năm, Dong đưa con đi trốn, bỏ bà mẹ Hồng Cẩn ở lại một mình, dĩ nhiên là không quên đánh đập. Vài ba giờ sau, bà, người anh họ và Hồng Cẩn lên xe lửa về Tứ Xuyên. Với nhà thám tử tư thì vụ việc nay đã khóa sổ. Chưa định thần, Hồng Cẩn còn do dự phương cách để bắt con lại.

"Zoro" mỉm cười, mân mê sâu chuỗi đeo ở cườm tay, thổ lộ:

"Tôi tin ở cái nghiệp của Phật giáo. Những việc làm lành kiếp này sẽ được hưởng ở kiếp sau. Sâu chuỗi này, một bà bị bắt ở Hợp Phì được tôi giải cứu đã tặng tôi năm 2004. Câu chuyện còn phức tạp hơn nhiều..."


Tài liệu tham khảo:

Philippe Grangereau, “Au Shanxi, ‘Zorro’ délivre les femmes vendues”, Libération thứ Ba, 30 tháng 5, 2006.
Uni in Depth, “Des filles à vendre: prévention de la traite des femmes en Chine.”, No. 64, thứ Ba, 22 tháng 11, 2005.
Dominique Bari, “Chinoises en longue marche”, l’Humanité, ngày 6 tháng 3, 1992.
Pierre Haski, “La Chine peine à ‘chérir ses filles’”, Libération thứ bảy, ngày 18 tháng 9, 2004.

© 2006 talawas