trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 11 / 11 bài
  1 - 11 / 11 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
10.6.2006
Đào Mai Trang
Mỹ thuật đương đại Việt Nam liên ứng với thế giới – Nhìn từ Hà Nội
 1   2   3   4   5   6   7 
 
3. Internet và mỹ thuật đương đại Việt Nam

Giờ đây, internet đã trở thành công cụ tra cứu quan trọng của mọi giới. Nó là cánh cửa trực tiếp để mỗi người tìm kiếm đối tác, thông tin, tài liệu và giới thiệu bản thân với toàn nhân loại mà không vướng bận bất kỳ một trở ngại địa lí, hành chính hay tài chính nào. Internet là một phương tiện hữu hiệu nhất đặc biệt cho các dự án kết nối khu vực hay toàn thế giới - hướng đi của nhiều dự án nghệ thuật đương đại hiện nay. Lang thang trên internet để tìm kiếm thông tin về mỹ thuật đương đại Việt Nam và danh tính của nghệ sĩ làm mỹ thuật đương đại Việt Nam là một cách để kiểm nghiệm lại tính “quốc tế” của lĩnh vực này.

3.1. Tìm tên nghệ sĩ mỹ thuật đương đại Việt Nam

Một trong những địa chỉ website tra cứu về mỹ thuật đương đại phổ biến nhất thế giới là: www.artnet.com. Ðịa chỉ này do tập đoàn Artnet AG (thành lập theo luật pháp của CHLB Ðức năm 1998) và Artnet Worldwide Corp (thành lập năm 1989 tại New York, Hoa Kỳ) xây dựng.

Mục đích chính của họ là kinh doanh mỹ thuật qua mạng đồng thời hỗ trợ thông tin nghiên cứu mỹ thuật. Gallery trên mạng của họ đã tập hợp được hơn 1.000 địa chỉ gallery thuộc 250 thành phố trên toàn thế giới, với hơn 150.000 tác phẩm của 25.000 nghệ sĩ mỹ thuật. Sau khi gõ từ khoá “vietnam” để tìm kiếm thông tin liên quan, vào thêm mục “artists”, bạn sẽ thấy danh sách 41 hoạ sĩ (chỉ có hoạ sĩ) Việt Nam, hầu hết được cung cấp bởi gallery Raquelle Azran, Israel - một gallery tự giới thiệu là chuyên về mỹ thuật đương đại Việt Nam. Chủ nhân của gallery này, bà Raquelle Azran, là một người có hứng thú với mỹ thuật Việt Nam từ đầu thập niên 90, thế kỷ XX. Bà từng tổ chức và điều phối một số triển lãm tại New York (1997), Singapore (1998), Israel (2000/ 2002). Năm 2000, gallery này đã tổ chức một triển lãm tranh Việt Nam với tập hợp sáng tác của một 16 hoạ sĩ, trong đó có: Nguyễn Tư Nghiêm, Phan Cẩm Thượng, Ðặng Xuân Hoà, Nguyễn Sĩ Bạch, Vũ Thu Hiền, Mai Ðắc Linh,... Mỗi hoạ sĩ được gallery dành cho một đường kết nối để người xem có được thông tin nền về hoạ sĩ (ngày tháng năm sinh, bằng cấp liên quan, địa điểm và số lần có triển lãm) cùng với một số sáng tác bày tại triển lãm. Ðây cũng là gallery duy nhất liên đới với mỹ thuật Việt Nam trong số hàng trăm gallery chuyên về nghệ thuật châu Á được tập hợp tại Artnet. Ngoài Raquelle Azran, châu Á hầu như chỉ bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Một địa chỉ thứ hai phổ biến không kém là www.yahoo.com. Sau khi lựa chọn mục mỹ thuật (arts), bạn có thể tra cứu phần tập hợp thông tin về các bảo tàng, gallery và trung tâm nghệ thuật (museum, galleries and centers), tiếp tục lựa chọn nhánh hiện đại và đương đại (modern and contemporary), bạn sẽ thấy hàng ngàn địa chỉ nhưng không có một địa chỉ nào từ Việt Nam. Bạn lại trở về trang chủ, chọn theo tên nước và vùng lãnh thổ (countries & regions), chọn Vietnam, sẽ có 38 websites được kết nối với Yahoo liên quan tới nghệ thuật Việt Nam nói chung. Con số đó không nhiều, nhưng đáng tiếc nhất, chỉ có 2 website của nghệ sĩ Việt Nam (Lê Quảng Hà và Lê Thiết Cương). Bên cạnh đó, có thêm site www.vietnamartbooks.com, giới thiệu thông tin đa diện về hoạt động văn hoá, nghệ thuật nói chung tại Việt Nam do một nhà buôn mỹ thuật người Canada thực hiện. Ông này có một số cộng tác viên thông tin tại Hà Nội giúp cập nhật thông tin. Website này chủ yếu phục vụ cho việc buôn bán tranh và sách mỹ thuật Việt Nam. Website cuối cùng về nghệ thuật Việt Nam nói chung (chứ không phải nghệ thuật đương đại), chủ yếu là âm nhạc và văn học, mang tên www.viettouch.com do một nhóm Việt kiều tại Mỹ thực hiện. Hoạ sĩ đương đại duy nhất được website này chăm sóc là ông Lê Bá Ðảng, một người Việt Nam sống ở Paris. 34 websites còn lại đều liên quan đến chiến tranh Việt Nam và Hoa Kỳ, đến du lịch và buôn bán bất động sản tại thành phố Hồ Chí Minh (7, cập nhật ngày 26-10-2005). Bạn hơi thất vọng phải không? Ta lại quay về trang chủ, thử vào mục nghệ sĩ (artists), lại có 38 sites giới thiệu nghệ sĩ được mở ra, trong đó duy nhất website giới thiệu hoạ sĩ có tên Việt Nam Nguyễn Ðình Ðăng, nhưng ông ngụ cư tại Nhật Bản từ năm 1994. 38 website này giống như trang bìa của một tờ báo, nó chứa đựng thông tin ban đầu, còn lại là sự phân loại nghệ sĩ thuộc từng loại hình nghệ thuật để tiện tra cứu. Ví dụ, ở mục nghệ thuật sắp đặt (Installation Art), trong số hàng trăm cái tên được kết nối, chưa kể phần các bậc thầy (Masters), bạn sẽ chỉ tìm được hai cái tên Việt Nam: Vo, Khanh (www.kvostudio.org) và Ngo, Huong (www.huongngo.com) đều là Việt kiều tại Mỹ. Tất nhiên, nếu bạn có tò mò muốn vào mục các bậc thầy, bạn sẽ thất vọng hoàn toàn vì chẳng có một cái tên nào từ Việt Nam.

Một trong những địa chỉ quan trọng bậc nhất châu Âu về giao lưu văn hoá phải kể đến Nhà Văn hoá Thế giới (House of the World Cultures) tại Berlin, CHLB Ðức, website của nó là: www.hkw.de. Nơi này từng tổ chức một triển làm nghệ thuật thị giác quy mô về Việt Nam năm 1999, mang tên Gặp Việt Nam. Hiện tại, một dự án lớn về nghệ thuật đương đại Ðông Nam Á mang tên Spaces and Shadows (từ 30-9 đến 20-11-2005), bao gồm mỹ thuật (triển lãm mang tên Politics of Fun), âm nhạc (âm nhạc bản xứ Malaysia), nghệ thuật trình diễn sân khấu (Hàn Quốc). Trong danh mục các nghệ sĩ tham gia, có hai nhân vật Việt Nam: Bùi Công Khánh (nghệ sĩ trình diễn, người Ðà Nẵng) và Trần Lương (Hà Nội). Thông tin này làm cho bạn rất phấn khích và bắt đầu đọc qua phần giới thiệu. Càng đọc, bạn sẽ thấy khó tin. Phần giới thiệu chú trọng đến triển lãm Politics of Fun do hai curator người Thái Lan và Singapore tổ chức, với sự tham gia của 19 nghệ sĩ đến từ Thái Lan, Singapore, Indonessia, Malaysia, Philippines nhưng không có nghệ sĩ Việt Nam. Tuyên ngôn của triển lãm là “Dẫu bạn không thể thay đổi được cả thế giới này trên diện rộng, bạn vẫn có thể thay đổi được thể giới của chính mình”. 19 nghệ sĩ tham gia triển lãm được giới thiệu là “một phần của thế hệ nghệ sĩ và nhà hoạt động nghệ thuật mới trong khu vực”. Phần phụ của triển lãm là chương trình giới thiệu video art có tên Living Room của khoảng 20 nghệ sĩ, trong đó có hai nghệ sĩ Việt Nam của chúng ta. Ngược trở lại phần điểm qua tiến trình mỹ thuật đương đại của khu vực Ðông Nam Á, bạn cũng sẽ không thấy tên Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh được liệt kê trong những thành phố đã và đang diễn ra những sự chuyển đổi lớn trong nhận thức và sáng tạo nghệ thuật đương đại, thay vào đó là Bangkok, Jakarta, Kuala Lumpur, Manila và Singapore. Ðến đây, tôi nhớ lại trong lần trò chuyện gần đây với ông Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội, ông có nói rằng, với chương trình Gặp Việt Nam năm 1999, những người tổ chức nó tại Nhà Văn hoá Thế giới, Berlin, đã từng nuôi hi vọng rằng triển lãm là một cột mốc đối với nghệ thuật Việt Nam và từ đó sẽ tiếp tục thấy các nghệ sĩ của Việt Nam tiến xa hơn, nhưng cho đến tận năm 2005 này, hi vọng đó đã dường như bị nguội lạnh (trao đổi ngày 28-10-05). Còn nữ nghệ sĩ Veronika Radulovic thì nói: Các nghệ sĩ Việt Nam không muốn tham dự vào những môi cảnh nghề nghiệp có tính chất quốc tế như nghệ sĩ Thái Lan (trao đổi riêng với nghệ sĩ, nguyên văn là international dialogue)... Hay là có thể sẽ phải nghĩ rằng vì không có một curator chuyên nghiệp và có đẳng cấp nào đến từ Việt Nam nên nghệ thuật đương đại Việt Nam và nghệ sĩ Việt Nam chịu thiệt thòi từ ngay lời giới thiệu dự án: dù có hai đại diện, Việt Nam vẫn chưa đáng được kể tên... Thế thì hai nghệ sĩ của chúng ta sẽ được xem là nghệ sĩ Ðông Nam Á nói chung?

Một trong những địa chỉ tra cứu mỹ thuật quan trọng trong khu vực châu Á khác là Asia Art Archive (cơ quan lưu trữ nghệ thuật Châu Á) tại website: www.aaa.org.hk. Ðại bản doanh của cơ quan này đặt tại Hồng Kông. Tổ chức này thành lập năm 2000 như một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận đầu tiên trong khu vực tập hợp được tài liệu về nghệ thuật thị giác đương đại toàn khu vực đặt trong bối cảnh quốc tế. Ngay từ ban đầu, tổ chức này đã đặt vấn đề sưu tập mọi tài liệu in ấn liên quan từ Trung Quốc, Hồng Kông, Ðài Loan và Macao, sau đó, mỗi năm sẽ cố gắng tập trung thêm vào một vài nước khác trong khu vực. Mặt khác, AAA cũng nỗ lực ngay từ ban đầu trở thành mạng thông tin về các triển lãm mỹ thuật đương đại quan trọng trong toàn khu vực.

Tìm hiểu thêm về thành phần nhân viên làm việc cho AAA, bạn có thể vào mục nhân viên làm việc bán thời gian (Part-time Staff): có 7 nhân viên, mỗi người phụ trách nghiên cứu một nước hoặc khu vực nhưng trong đó không có Việt Nam, mà chỉ có Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singpore, Ðài Loan, Thái Lan. Vui nhất có lẽ là trong danh sách 31 thành viên ban cố vấn (Academic Advisory Board), bạn tìm thấy một tên từ Việt Nam: Trần Lương (nghệ sĩ và curator). Mục các đường kết nối (links) thường là quan trọng, nó cho thấy rõ quy mô và phạm vi quan hệ của một địa chỉ trực tuyến. Mục này của AAA lại được phân chia thành nhiều phần nhỏ: phần nguồn (resource) không có một đường dẫn nào từ Việt Nam, ngoại trừ website: www.vietnamartsbook.com; phần các tổ chức (Organisations), không có một địa chỉ nào của Việt Nam. Phần bảo tàng (Museum), cũng không có một địa chỉ website bảo tàng nào Việt Nam (trong đó ngay một tỉnh, Quảng Ðông, của Trung Quốc đã có kết nối với AAA); phần các trung tâm/viện (Center/Institution), Việt Nam có duy nhất địa chỉ của Salon Natasha (30 Hàng Bông, HN); phần gallery, Việt Nam có 4 đường kết nối từ ArtVietnam Gallery (30 Hàng Than - địa chỉ kinh doanh tranh của nhà buôn tranh người Mỹ Suzanne Lecht), Blue Space (Không gian Xanh, trong khuôn viên của Bảo tàng Mỹ thuật thành phố HCM), Hoa Mai (nhánh gallery tại Pháp của www.vietnamartsbook.com) và Quỳnh Galerie (23 Lý Tự Trọng, Q1, thành phố HCM); phần tư vấn (consultant) cùng biennale/triennalenhà đấu giá (Auction house) đều không có link nào từ Việt Nam. Ðể tiện so sánh, Trung Quốc có 4 nhà đấu giá mỹ thuật và rất nhiều biennale/triennale kết nối với AAA. Phần nghệ sĩ/nhóm nghệ sĩ (artist/artist group), Việt Nam có hai nghệ sĩ kết nối với AAA là Lê Quảng Hà (www.lequangha.com) và Bùi Quang Anh (www.buiquanganh.com), bên cạnh một nghệ sĩ Việt Kiều ở Mỹ với website www.thunguyen.com.

Nếu bạn có tò mò thêm mà vào mục các sự kiện trên thế giới (World events), bạn sẽ thấy tuyệt đại đa số là tên các triển lãm (có kết nối trực tuyến) từ Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, còn Việt Nam thì hầu như không có gì ngoại trừ triển lãm được giới thiệu tại Quỳnh galerie (cập nhật ngày 27-10-2005).

Ðến đây, tôi thực sự nản chí. Tôi thử phỏng đoán rằng sự thưa vắng thông tin về mỹ thuật đương đại Việt Nam không phải vì AAA không (chưa) chú tâm vào Việt Nam mà do chúng ta chưa thực sự xứng đáng để họ chú tâm. Một ví dụ, chiểu theo các đề mục trong mục các đường kết nối của AAA, bạn sẽ thấy đó chính là quy chuẩn của một cấu trúc hệ thống các cơ quan - tổ chức như là nền tảng của đời sống mỹ thuật đương đại, mà chúng ta lại chưa hề có. Sự gắng gỏi hoạt động độc lập của các nghệ sĩ của chúng ta cũng chưa cao để nhận được sự chú ý của họ. Hay là các nghệ sĩ của chúng ta xem thường các kết nối trực tuyến? Tôi nhớ ra một chuyện: cách đây không lâu, Như Huy - một hoạ sĩ trẻ có nhiệt huyết, một trong những sáng lập viên của mạng thông tin trực tuyến www.vnvisualarts.com, một website cung cấp thông tin sự kiện và dữ liệu nghiên cứu về mỹ thuật trên toàn thế giới, đặc biệt là các bản lý thuyết nghiên cứu có tính chất khởi điểm cho việc hiểu và sáng tạo mỹ thuật đương đại, kể với tôi: anh đã gửi hàng trăm e-mail đến các hoạ sĩ trong Nam, ngoài Bắc, giới thiệu về website phi lợi nhuận này và mời mọi người gửi thông tin hoạt động nghệ thuật của cá nhân đến website để phổ cập nhưng rút cục, anh chỉ nhận được 3 e-mail trả lời.

© 2006 talawas