trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phíaVăn họcVăn học Việt Nam
12.6.2006
Phạm Lưu Vũ
Khi Vũ Ngọc Tiến viết về chiến tranh
 
Mặc dù cái tiêu đề là như thế, song tôi chưa thể bắt đầu ngay với Vũ Ngọc Tiến và những tác phẩm viết về chiến tranh của ông được. Có lẽ phải (mào đầu) hơi dài dòng một chút. Tôi nhớ đến mấy câu thơ trong một bài “chân dung” của văn nhân kiêm thi sĩ Xuân Sách: “Tôi hát chiến tranh như trảy hội / Đừng nên xấu hổ khi nói dối...” Vâng! Trên giá sách nhà tôi phơi phới những tác phẩm viết về chiến tranh. Sách in có, sách giáo khoa phủ đầu cho học trò từ bậc tiểu học đến bậc đại học có. Thơ, văn, nhạc, họa... đủ các kiểu tưng bừng. Tất cả đều đẹp đẽ, trơn tru, đều ngợi ca hết mực phía bên này và căm thù, ghê tởm phía bên kia... Và chung nhất, đó là những cái kết có hậu mà nếu căn cứ vào đó, thì cuộc đời bây giờ hẳn phải tươi đẹp không biết đến nhường nào. Tiếc thay đó chỉ là những ảo tưởng. Hãy chịu khó đọc đi. Rồi bạn sẽ thấy hiện lên cả một sự mê muội, nếu không thì cũng là dối trá có chủ ý, từ những chữ đầu tiên, cho đến tận con chữ cuối cùng. Kí ức của một thời “Đường ra trận mùa này đẹp lắm...” vẫn còn hằn rõ trong tôi. Năm ấy, chú ruột tôi ra đi và không bao giờ trở về nữa. Ông bà nội tôi trước khi trút hơi thở cuối cùng mới được con cháu ghé tai báo cho biết cái nỗi đau xé lòng ấy. Nỗi đau ập xuống như một phát súng ân huệ để ông bà tôi lìa bỏ cõi đời này. Không biết bây giờ, xương cốt chú tôi đang bị chôn vùi lạnh lẽo nơi đâu, và chắc chắn còn hàng triệu, hàng triệu người như chú tôi nữa...

Sẽ có bao nhiêu thế hệ học trò chỉ biết đến chiến tranh thông qua những sách giáo khoa lịch sử, văn thơ, triết học...? Lịch sử ấy sẽ ra sao? Văn chương ấy sẽ ra sao? Các nhà phê bình chính thống, hưởng học tước, bổng lộc của chế độ từng có chung nhận định, rằng văn học chiến tranh ở xứ ta đến giờ vẫn chưa có tác phẩm ngang tầm với những cuộc chiến mà dân tộc vừa mới trải qua. Tóm lại là chưa có tác phẩm vĩ đại xứng với những cuộc chiến vĩ đại. Chà! Ngợi ca thế vẫn còn chưa đủ chăng? Hay là họ muốn có những tác phẩm kiểu như Chiến tranh và hòa bình của Lép Tônxtôi? Họ không hiểu nguyên nhân tại sao, trong khi nhà văn ta đông thế, tài thế, lại “trưởng thành” từ những cái nôi chiến tranh nhiều thế, được học tập, rèn dũa “chủ nghĩa anh hùng cách mạng” kĩ thế... Nhiều lúc tôi tự hỏi, rằng không hiểu sao cái nền văn học gọi là “lọt sàng xuống... sông” này vẫn còn cần đến những tác phẩm như thế để làm gì nhỉ? Chẳng phải văn học xưa nay chỉ dùng để tuyên truyền, giáo dục (theo một chiều duy nhất đúng) đấy thôi?

Thì ra, để chuẩn bị cho “hội nhập”, người ta cũng cần phải “rửa mặt” một tí với văn chương thế giới. Dạo ấy, người ta (nghiến răng) trao giải thưởng, rồi lu loa rầm rĩ về một cuốn tiểu thuyết được coi là “giọng điệu lạ”, “cái nhìn lạ”... về cuộc chiến tranh (?). Đến nỗi bác hàng xóm thương binh cụt chân của tôi sống bằng nghề đan sọt để hót phân nghe đồn, sang nhờ tôi tìm mua cho bằng được. Vậy mà đọc xong, bác thương binh ấy chỉ thở dài buông một nhận xét kinh hồn: “Những kẻ ca ngợi chiến tranh là không có lương tâm. Riêng cái này không thấy ca ngợi. Nhưng viết như thế này thì cũng chỉ mới thấy có lương mà chưa hẳn đã có tâm”. Lời nhận xét càng về sau càng thấy nghiệm. Té ra “nó” chẳng qua chỉ là một chén nước xà phòng, dùng để (tạm) “rửa mặt” cho một nền văn học lối mòn, chuyên nghề nói a dua mà thôi. Cái gọi là “lạ” ấy đã nhanh chóng tan biến vào biển cả của sự quên lãng. Tóm lại là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mồ côi tác phẩm lớn ấy ở chỗ nào, văn tài trốn ở đâu đây hở giời? Than ôi! Bạn cứ đọc lại những “tác phẩm” lớp lớp đang hiện hữu trên giá sách kia đi, đọc bằng cái đầu đích thực, không cần ai phải “định hướng” cho mình, cái đầu biết xót xa trước mỗi thây rơi, bất kể thây rơi đó thuộc về bên nào, thì bạn khắc “ngộ” ra nguyên nhân. Té ra rất đơn giản. Làm sao có thể có được những tác phẩm vĩ đại theo đúng nghĩa của mĩ từ đó, khi mà sự dối trá đã ngự trị, đã “vĩ đại” sẵn rồi.

Cũng may là văn chương muôn đời, văn chương tồn tại không chỉ nằm trong số những tác phẩm được cấp giấy phép lưu hành, không chỉ của các “nhà...” trong hội nhà văn... (nếu tôi nhớ không nhầm thì thời các cụ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, các cụ thuộc Ngô gia văn phái... ở xứ ta chưa hề có một cái hội kiểu này). Trong không khí thơm phưng phức của văn chương từ trong Hội Nhà văn tiết ra, tôi lại phải dẫn ra đây một nhận xét khác của bác thương binh cụt chân đan sọt ở trên. Bác trỏ tay vào cái chân cụt mà nói, nguyên văn như sau:

“Tôi không những là nhân chứng của cuộc chiến, mà còn là độc giả, và là người đóng thuế nuôi những nhà văn, nhà thơ viết ra những thứ giả dối, ca ngợi sự đểu giả, ca ngợi chiến tranh theo một chiều duy nhất ấy đấy. Là nhân chứng, tôi khinh bỉ. Là độc giả, tôi thất vọng. Là người đóng thuế, tôi căm giận (!) Chung quy cho đến giờ, tôi chỉ có chừng ấy cảm giác mà thôi.”

Ôi! Bác thương binh đáng kính, vị độc giả đáng trọng, người đóng thuế đáng thương của tôi ơi, may mà còn nhiều người khác tuy không có lương nhưng có tâm, vẫn ngày đêm miệt mài viết về sự thật, dù những sự thật ấy còn ở trong bóng tối, còn phải cất dưới hầm sâu. Cái gọi là văn chương chính thống, các nhà phê bình chính thống ăn bổng lộc có thể quên, hoặc cố tình lờ đi, không một dòng nhắc đến. Song văn chương đích thực, văn chương của muôn đời chắc chắn sẽ ghi công những con người như thế. Bởi sự thật bao giờ cũng là cái mà muôn đời cần đến biết bao. Tác giả mà tôi sắp nói tới đây với những tác phẩm viết về chiến tranh của ông, hy vọng sẽ mang lại cho bác những cảm giác khác hẳn.

Tác giả đó là Vũ Ngọc Tiến. Tôi tình cờ được đọc ông trên mạng internet. Tác phẩm đầu tiên tôi muốn kể đến là truyện ngắn có cái tên: “Vị phồn thực”. Bỏ qua những vòng vo dẫn truyện, điều đầu tiên đập thẳng vào trái tim người đọc là sự tuyên chiến với cái giả dối. Ông bắt đầu viết về cái đói của những người lính như thế này:

Trên hồ sơ báo tử từ mặt trận gửi về Bộ Quốc phòng chỉ ghi lạnh lùng hai chữ sốt rét, nhưng xin các ông bố bà mẹ, những người vợ hiền ở hậu phương thời ấy biết cho, lũ lính chúng tôi sốt rét ít thôi, đa phần là chết đói. Đói vì mấy ông chỉ huy hám thành tích, vững lập trường “tự lực cánh sinh”, chỉ nhận người và vũ khí, còn lương thực xin cấp trên cho được tự túc...

Vâng! Đúng thế đấy tác giả Vũ Ngọc Tiến ạ. Những ông bố, bà mẹ, những người vợ hiền ở hậu phương thời ấy, nào có ai được biết đến sự thật này đâu. Câu chuyện xoay quanh hai cái đói, đói bụng và đói tình. Những thanh niên, trí thức cùng nòi giống mũi tẹt da vàng bị giằng khỏi cuộc sống, ném thẳng vào cái cối xay thịt của chiến tranh, Một bên thì tàn nhẫn, dã man với đồng loại, một bên bị hai cái đói đó hành hạ. Người chết biến thành những con ma không đầu vĩnh hằng, đói vĩnh hằng. Kẻ sống biến thành lũ man rợ, thèm khát phụ nữ, thèm khát máu người. Những người lính chứng kiến cảnh người vợ đối phương gào khóc bên xác chồng vừa bị họ giết như thế nào? Hãy đọc đoạn đối thoại sau đây:

“Giết nốt con đĩ này thôi, anh em ơi!”

“Cho nó đi chầu Diêm vương với thằng chồng ác ôn!”

“Lột quần áo nó ra ngắm cho sướng mắt rồi hãy làm thịt!”

“Phải đấy, xem thử cái lồn người Sài Gòn nó đen-trắng, dày-mỏng thế nào rồi hãy giết!”

Hơn chục thằng lính Hà Nội đang cơn say máu, nhao nhao quát thét, ánh mắt man dại. Riêng hắn lặng đi, trán vã mồ hôi, mặt tái mét, trân trối nhìn thiếu phụ...

Chả cứ gì nhân vật “hắn” lúc đó phải tái mặt. Cho đến tận bây giờ, khi mà cuộc chiến ấy đã lùi xa hơn ba mươi năm, những thế hệ học trò chỉ được “học” văn học viết về chiến tranh trong các sách giáo khoa, hẳn cũng phải tối tăm mặt mũi khi đọc đến đoạn này. Đây chính là những điều mà cả một nền văn học chính thống, hùng hậu vì nhiều lý do phi nhân bản, đã luôn phải né tránh (!) “Hắn” là nhân vật trung tâm của tác phẩm, kẻ thuộc phe thắng trận còn sót lại chút lương tri. “Hắn” về sau được chính người thiếu phụ ấy cứu sống bằng những dòng sữa của mình, dòng sữa của người mẹ. Nhân vật thiếu phụ, vợ người sĩ quan đối phương tử trận ấy như một vầng hào quang sáng lòa giữa cuộc chiến khốc liệt, tối tăm. Nàng đã vượt lên trên cuộc chiến, thành Phật ngay giữa cuộc chiến. Tôi phải xin cám ơn tác giả Vũ Ngọc Tiến, bởi văn chương của ông đã thẳng thắn, dũng cảm nhận ra và mô tả điều kì diệu đó của cuộc sống. Đã là nỗi đau thì không phân biệt địch, ta nữa, chỉ biết rằng đó là một nỗi đau hóa Phật, khiến những kẻ man rợ, súng ống đầy mình và đói khát tình dục kia không thể phạm tới nàng được. Và nàng đã ban ân cho “hắn”. Phật Bà đã ban cho “hắn” được lần đầu tiên nếm trải mùi đời. Đây là đỉnh điểm, là cao trào của cốt truyện, dẫn đến một tư tưởng đã chứng ngộ, đã “siêu thăng” cho nhân vật “hắn”, tư tưởng: “Vị phồn thực”.

Trước khi bước vào cuộc chiến ấy, chắc hẳn “hắn” đã được tuyên truyền, “giác ngộ”, rằng cuộc chiến này sở dĩ phát động là nhằm “vị” một cái gì đó, một lý tưởng... chẳng hạn. Song đến lúc ấy thì những điều đó trở nên vô nghĩa, mọi lý thuyết đều là màu xám. Nếu có “vị”, thì hãy “vị” chính những thứ “phồn thực” kia kìa. Vũ Ngọc Tiến quả đã chạm đến cái “đạo” của cuộc đời khi để cho tư tưởng “vị phồn thực” ấy thoát thai từ chính sự tàn bạo và man rợ của chiến tranh. Cái “phồn thực” ấy mới vĩ đại, tuyệt vời làm sao. Tác giả đã dụng công mô tả nó tương đối kĩ ở phần đầu câu chuyện, thông qua những tác phẩm hội họa của người họa sĩ – kiếp sau của nhân vật “hắn”. Tôi hiểu cái thâm ý của ông. Người xưa quan niệm những “phồn thực” trên thân thể người phụ nữ như những huyệt đạo nằm trên... long mạch. Bao gồm hai huyệt lồi (gọi là Âm lai - Dương thụ) nằm chính giữa hai bầu vú, một huyệt lõm (gọi là Dương lai - Âm thụ) nằm đúng giữa âm đạo (...). Đó là những huyệt (cực quý) do các long mạch kết thành. Trên mặt đất bao la này, nếu ai may mắn tìm được những huyệt đạo tương tự mà để hài cốt ông cha, hẳn con cháu sẽ được phồn thịnh, đông đúc không biết đến thế nào. Bức tranh mà tác giả mô tả, do “hắn” vẽ hai nhánh sông Trà Khúc kẹp lấy một bãi bồi hình tam giác lún phún lau sậy, và hai đỉnh hòn Nghiên, hòn Bút của núi Ấn... hẳn là muốn nói đến những huyệt đạo phồn thực của hai thế giới tương đương Linh Địa – Nữ Nhân đó vậy. Chính nơi ấy, “hắn” chẳng đã thụ hưởng (Dương thụ) những dòng sữa đến từ hai bầu vú (Âm lai) của người mẹ đó sao? Và nàng chẳng đã đón nhận (Âm thụ) từ “hắn” cái tinh khí đàn ông (Dương lai) trong lần ban ân “giữa trời mây sông nước bao la” đó sao? Câu chuyện không có gì tục cả, bởi đây là lẽ huyền cơ, là việc giao nhau giữa Âm với Dương, là công việc của Càn, Khôn, công việc giữa Đất và Trời...

Tiếp tục đối lập với sự dối trá, tác phẩm tiếp sau đây của Vũ Ngọc Tiến cũng là một truyện ngắn, nhưng theo tôi, nó chính là một tiểu thuyết, một tiểu thuyết dồn nén, được viết theo nghệ thuật biến hoá không gian và thời gian. Trữ lượng của nó không thua kém một tiểu thuyết bởi đó là cả một cuộc chiến tranh với không biết bao nhiêu sự khốn nạn và tang tóc của những kiếp người. Truyện có cái tựa: “Chù Mìn Phủ và tôi”. Tôi đã cố vật vã tóm tắt lại câu chuyện dã man, rùng rợn thời Trung cổ ấy, song lại diễn ra vào cuối thế kỉ hai mươi này mà không tóm tắt nổi, bởi sự căm giận và cảm giác ghê tởm cứ không ngớt dâng trào. Đối với lương tri của nhân loại, có lẽ đó là một cuộc chiến tranh đểu cáng nhất trong lịch sử, do một truyền thống ngạo mạn cố hữu gây ra, một cuộc chiến mà sau này những kẻ gây ra nó đã cố tình lờ đi. Song những đau thương, mất mát giáng xuống những thường dân vô tội ở cả hai bên thì làm sao có thể xóa nổi. Càng đểu cáng hơn khi người ta lờ đi không phải vì xấu hổ hay ân hận, mà chỉ vì những mục đích bẩn thỉu và khốn kiếp nào đó. Đọc xong câu chuyện, tôi rùng mình với một ý nghĩ, rằng nếu không có những tác phẩm như thế này, thì cái sự tảng lờ bất lương và vô liêm sỉ đến độ khủng khiếp kia sẽ đạt được mục đích của nó, và lịch sử sẽ bị một lỗ hổng toang hoác. Một lần nữa xin được cám ơn tác giả Vũ Ngọc Tiến với bản luận tội lạnh lùng, một trang sử đẫm máu, không tiền khoáng hậu này của ông.

Hãy xem tác giả tố cáo cái bản chất ghê tởm của cuộc chiến đó: “Sự thắng bại của cuộc chiến nằm ở dăm ba cái đầu lạnh, còn dân chúng hai bên mãi là kẻ chiến bại, mãi chỉ là công cụ chém giết vô thức mà thôi.” Vâng! Ý này không mới bởi có người đã nói đến từ lâu rồi. Song tác giả vẫn cứ phải nhắc lại, và tôi vẫn phải trích ra ở đây, đơn giản vì phải đặt nó vào giữa những trang viết đẫm máu, khét lẹt thịt người. Nó làm tôi nhớ đến một câu thơ Đường: “Nhất tướng công thành vạn cốt khô” - Phải hàng vạn kiếp người phơi xương cốt trên chiến trường mới làm nên cái công (danh) cho một ông tướng. Thật là khốn kiếp. Hai bản người Mông hiền lành ở hai bên biên giới bỗng nhiên lao vào cuộc bắn giết lẫn nhau. Những cái đầu lạnh, những ông tướng ngực đeo đầy huân chương kia có nghe thấy tiếng kêu xé ruột của họ không? “Giời ơi! Tôi là cái giống gì thế này? Người Mông sao lại đi giết người Mông, hở giời?... Ác giả ác báo mất thôi…” Không thể dùng tội ác để biện minh cho bất cứ điều gì. Tôi lại phải trích ra một đoạn văn ghê rợn như thế này:

Có dăm người dân quân địa phương ngồi quanh đống lửa uống rượu ngô và ba xác chết trần truồng, thi thể bầm dập nằm lăn lóc trên bãi cỏ, hai trai, một gái. Xác người con gái nằm ngửa, không bị đánh đập, nhưng hai đùi bị banh ra, cột chặt vào hai cái cọc được đóng sâu xuống đất, cửa mình vẫn còn củ sắn to bự cắm vào, máu lênh láng chảy ướt đầm mặt cỏ. Hai xác người đàn ông to vật vã, đầy những vết đánh thâm tím, bộ phận sinh dục bị cắt rời nguyên cả cụm, ném vào đống lửa, bốc lên mùi thịt nướng…

Thật không thể bình luận nổi. Câu chuyện còn nhiều đoạn văn như thế nữa. Những trang viết mà sự rùng rợn, man dại không thua gì những trang trong sách Trăm năm cô đơn của G. García Marquez.

Câu chuyện xuyên suốt từ lúc bắt đầu cho đến mãi thời hậu chiến. Chính điều đó đã tạo nên sự toàn bích của tác phẩm và đồng thời, cũng là sự tố cáo đanh thép cái cuộc chiến tội lỗi, vô nghĩa lý ấy. Hai nhân vật chính người Mông trong tác phẩm và số phận của họ, của con gái họ thật khủng khiếp. Nhân vật nữ Thào A Máy đã phát điên khi chứng kiến người con gái bị cưỡng hiếp, bị giết dã man trong đoạn văn trên chính là bạn gái của mình. Tác giả đã rất nhân bản khi để cho nhân vật Chù Mìn Phủ bỏ trốn khỏi cuộc chiến tranh cùng với Thào A Máy, để hai người thành vợ, thành chồng. Song ông cũng chỉ làm được đến thế mà thôi, bởi cái cuộc đời chó má đã gây ra cuộc chiến chó má ấy đâu có buông tha họ, dù họ đã mang nhau trốn vào tận rừng sâu. Chù Mìn Phủ bị cướp đất, cướp nhà, bị đi tù. Thào A Máy đi tìm chồng bị lạc đường rồi kiệt sức mà chết. Điều khủng khiếp là cái chết của kiếp người ấy vẫn chưa phải là đã hết. Lại một đoạn văn làm tôi lợm giọng trước sự khốn nạn của con người:

Cô đi tìm chồng bị tù, lạc đường, kiệt sức nằm chết ở bờ ruộng ngô, phân cách đất của hai nhà người La Chí. Nhà này bế con cô về nuôi, nhưng lén hắt xác cô sang ruộng bên cạnh vì sợ chôn ở ruộng mình con ma sẽ về bắt mất đứa bé. Nhà kia thấy vậy chửi bới một hồi, hắt xác cô sang ruộng của người nhận nuôi con cô. Cứ thế cái xác hắt qua hắt lại, kiến bu đầy, áo quần tơi tả.

Tôi đã đọc đi đọc lại câu chuyện nhiều lần, lần nào đọc đến đoạn này, nước mắt tôi cũng nhòa hết bàn phím. Ôi! Thào A Máy ơi! Thế kỉ hai mươi ơi! Những tuyên ngôn bánh vẽ và bịp bợm ơi! Trước những cái chết như thế này, con người khó mà có thể ngẩng mặt lên được nữa.

Sự khốn nạn chưa dừng lại ở đấy. Số phận đứa con gái bé bỏng của hai nhân vật chính ấy ở thời hậu chiến cũng khủng khiếp không kém. Cái cuộc chiến ghê tởm ấy kết thúc, hàng vạn nấm mồ của cả hai bên chưa kịp xanh cỏ, biết bao oan hồn còn đang gào thét... Thế mà không một lời xin lỗi, không một mảy may ân hận, những “cái đầu lạnh” của hai bên lại trâng tráo ca bài: “hợp tác toàn diện, hướng tới tương lai” (?) Cứ như thể cuộc chiến vừa qua (đối với họ) chỉ là một vụ va quệt nhẹ trên đường? Và cái “tương lai” mà người ta hướng tới ấy là gì? Là những “ông chủ lớn” phía bên kia thi nhau phá trinh các cô gái người Mông, người Dao, những “ông chủ nhỏ” phía bên này hưởng sái nhất, sái nhì... Chúng là những quan chức chính quyền hai bên, những thủ phạm đã gây ra cuộc chiến ấy. Cô bé Chù Thào Mỷ mười ba tuổi bị cưỡng hiếp. Cái cảnh như thế này diễn ra ở một đất nước có truyền thống bốn nghìn năm quật cường kiêm... nô lệ đây:

Hai thằng chủ nhỏ Việt Nam bẻ gập đùi cô bé và banh ra cho lão bản Trung Quốc bò lên người liếm láp khắp chỗ, rồi từ từ nhét dương vật to và dài như dái ngựa vào mình cô bé trong tiếng thét kinh hoàng vì đau đớn của nó.

Chỉ một câu văn đủ nói lên tất cả. Than ôi! “Biểu tượng” của sự “hợp tác toàn diện” mới ghê gớm làm sao. Cả một thế hệ trước vừa bị đẩy vào một cuộc chết chóc, thì ngay thế hệ sau của họ đã bị cái lũ vừa mới no nê máu người kia đè ra cưỡng hiếp. Hậu quả của sự đốn mạt ấy mà cô bé Chù Thào Mỷ về sau phải gánh chịu thật là kinh khiếp. Tôi không trách Vũ Ngọc Tiến về những trang mô tả tình dục, mô tả cái bản năng rất thực, rất con người này của ông. Thậm chí chính những trang ấy đã làm tôi liên tưởng đến tác phẩm Trăm năm cô đơn như đã nói ở trên.

Rất may là rốt cuộc, kiệt tác về sự đau đớn, mất mát của những kiếp người (?) này cũng kết thúc có vẻ có hậu, song những vết thương thì không bao giờ lành được nữa. Nhân vật “tôi” trong truyện đã tìm thấy Chù Mìn Phủ, thiên thần có tên là Chúc (Chù Thào Mỷ) kia rồi sẽ được đoàn tụ với cha đẻ của mình. Nhưng hình như đó chỉ là một kiểu hy vọng, bởi tôi cứ nghi ngờ việc tác giả để cho nhân vật Chù Mìn Phủ ấy, trải qua bao nhiêu đau đớn của cuộc đời, cuối cùng thành một ông già bán phong lan. Hình ảnh: “Một ông già tóc bạc trắng phau, buông xõa ngang vai, râu dài chấm ngực” đeo gùi phong lan đi bán ở chợ cứ ám ảnh tôi mãi. Cái giống hoa đẹp nhất, tinh khôi nhất của núi rừng biên giới ấy được đặt vào tay kiếp cùng khổ đó, nếu không phải là thông điệp của một niềm hy vọng thì là cái gì? Chẳng lẽ lại là sự bắt đầu của một tấn bi hài? Tôi lo ngại điều đó lắm. Bởi văn chương trong truyện nhiều lúc đạt tới trạng thái chông chênh như đang đứng sát bên miệng vực thẳm, ví dụ đoạn kể về cái đêm cô bé Chúc (Chù Thào Mỷ) lên cơn khát tình với chính nhân vật “tôi”; ví dụ câu hỏi cuối cùng của ông già bán phong lan, một câu hỏi không có câu trả lời: “Con của tao, con bé Chù Thào Mỷ vẫn còn sống thật ư? Đời nó liệu có đỡ khốn nạn hơn tao với mày không, hở giời?…

Tác phẩm thứ ba của Vũ Ngọc Tiến mà tôi muốn nói đến trong bài viết này là một truyện ngắn tưởng chừng không hề viết về chiến tranh, nhưng chính là viết về chiến tranh, còn hơn thế nữa, bởi nó vượt lên trên mọi cuộc chiến. Truyện ngắn có tên: “Gà ô tử mỵ”. Trong bài viết này, tôi cố ý đặt nó ở vị trí sau cùng vì hai nhẽ. Thứ nhất, nếu “Vị phồn thực” và “Chù Mìn Phủ...” là hai tác phẩm nói về cái “thực” đến độ ghê gớm của những cuộc chiến, thì “Gà ô tử mỵ” chính là đã nói lên cái “đạo” của chiến tranh vậy. Thứ hai, nếu bạn đã có đủ sức lực và sự bình tĩnh để đọc một mạch hai sự thật trần trụi và rùng rợn ở trên, thì tưởng cũng nên đọc tiếp câu chuyện này để lấy lại cho mình một chút gì thư thái, nhưng là sự thư thái của một cảm giác siêu thoát. Câu chuyện xoay quanh một trận chiến giữa... hai con gà chọi.

Nếu như ở truyện ngắn “Chù Mìn Phủ...”, tôi biết Vũ Ngọc Tiến rất am hiểu ngôn ngữ cũng như phong tục, tập quán của người Mông thì ở truyện “Gà ô tử mỵ” này, tôi lại phải bái phục những kiến thức về xem tướng gà của ông. Người xưa chịu chơi, chơi công phu, chơi có đạo nên mới sáng tạo ra “kinh” cho các việc... chơi. Ví như chơi chó thì có “cẩu kinh”, chơi mèo thì có “miêu kinh”, chơi đá thì có “thạch kinh”... Ở đây là chơi gà nên phải có “kê kinh”. Đã gọi là “kinh” thì chẳng phải chuyện đùa. Đó là một khoa học “thông suốt mọi huyền cơ”, vận dụng cả Dịch lẫn thuyết âm dương, ngũ hành... Tôi đọc những đoạn này mà cảm thấy cực kì thú vị. Ví dụ đoạn tả con gà ô tử mỵ:

Bác nhìn kỹ sẽ thấy gà ô nhà mình có nhiều tướng ẩn. Khi nó ngủ, đầu và cổ thả xuống đất thõng mềm như con rắn. Đó là tướng gà tử mỵ, ngủ mà như chết. Nếu nhìn kỹ, bác sẽ thấy, chỉ lúc nó phơi nắng hay đập cánh, ta mới nhìn rõ mỗi cánh chỉ có một chiếc lông trắng muốt. Đó là tướng ẩn thứ hai, gọi là gà ô điểm bạch. Gà tướng ẩn nhiều khi mới vào trận có vẻ ngu ngơ chịu đòn để thăm dò hoặc khích tướng đối phương. Vào lúc bất ngờ nó bùng lên, xuất những chiêu thức lạ và đối thủ có khi chết ngay tại trận. Điều đáng quý và đó là tướng ẩn thứ 3 như bác vừa trông thấy. Gà ô nhà mình là giống gà chiến lẫy lừng nhiều chiêu độc thủ vậy mà khi nãy vừa ăn vừa cúc cúc gọi mấy chú gà con đến ăn cùng. Dáng điệu nó lúc ấy thật hiền từ, âu yếm thương quý đám gà con như cha thương con. Có nhiều con gà chọi khác đang ăn thấy gà con sán đến liền giương mắt mổ một nhát toét cả đầu. Bác đã gặp ai trên đời độc ác, thiếu tình yêu với trẻ con mà hậu vận được tốt đẹp không?...

Hay là đoạn tả con gà tía sau đây:

Con gà này đúng là linh kê. Đã lâu lắm ngoài con ô nhà này, hôm nay tôi mới gặp được một con gà quý tướng. Các bác xem: con tía này thuộc loại tầm đại, lực lưỡng hơn con ô tầm trung. Nó nặng hơn con ô ít nhất 4 lạng, cao hơn sáu phân. Đầu nó nhỏ, theo xuôi với cần cổ. Mỏ ngắn và chắc, hàm lại rộng, mổ vào đối phương cứ là dứt từng miếng thịt. Gò má cao, da mỏng, đỏ tươi. Mi mỏng, mắt sâu, con ngươi nhỏ, quầng mắt lầm cát. Ức nhỏ, mình dài, phao câu lớn. Lông nó mượt và chặt lông, nếu ngã xuống nước chỉ cần lắc mình vài cái là khô liền. Đôi chân con tía này mới thực tuyệt. Đùi dài hơn cẳng, kheo treo, bắp cơ nổi rắn như tảng đá. Ống chân đã có vẩy phủ địa, lại thêm vẩy liên giáp thành nội ở ngang tầm cựa. Bàn chân vuông vức, ngón chúa dài và bóng láng...

Đọc những đoạn ấy, cứ tưởng tác giả cố ý phô diễn những kiến thức “kê học” của mình, té ra không phải. Ông nói về gà nhưng thực ra là để nói về người, về “triết lý nhân sinh” hẳn hoi đấy. Đoạn này chính là để chuẩn bị cho một tư tưởng huyền diệu về sự thắng bại của bất cứ cuộc chiến nào mà tác giả sẽ nói đến ở phần sau. Con người vốn là cha đẻ của các loại chiến tranh. Từ mấy nghìn năm nay, nhân loại chẳng đã không ngừng nghiên cứu, sáng tạo ra bao nhiêu thứ vũ khí, binh pháp, trận đồ... cốt tiêu diệt nhau cho thật nhiều, thật nhanh, thật gọn... đó sao? Đạo... gà chọi kia nào có kém gì. Đọc cả một đoạn triết lý uyên thâm về gà, nhắm mắt lại, mở mắt ra thấy té ra toàn nói về đạo... con người cả. Cái lối dương đông kích tây như thế này, những người viết văn lương thiện thỉnh thoảng cũng chẳng ngại ngùng gì mà không sử dụng đến.

Tôi vừa nói những đoạn đàm đạo về “kê học” giữa hai nhân vật cụ Huy và Cường trong truyện cực kì thú vị. Nhưng là thú vị về chính những kiến thức “kê học” ấy thôi. Còn xét riêng về cách viết đối thoại thì có chỗ hơi gợn đấy. Tôi đã đọc một số tác phẩm khác của Vũ Ngọc Tiến. Hơi tiếc một điều là ông hình như chưa được “khéo” lắm trong lúc viết các đoạn đối thoại. Văn đối thoại của ông hơi bị thiếu tự nhiên. Đối thoại trong truyện là bản ghi âm khẩu ngữ của những nhân vật, giống như chuyện xảy ra ngoài đời, ngoài chợ... Thế thì nó phải có biến hóa, chưa kể còn phải xây dựng tính cách nhân vật thông qua giọng điệu, cách nói... Người viết văn chẳng lẽ lại như đạo diễn phân phối lời thoại cho các diễn viên lồng tiếng của mình? Vũ Ngọc Tiến thỉnh thoảng rơi vào trường hợp này. Ông nghĩ sẵn nội dung (tất nhiên rồi, nhưng...) rồi “gắn” các nội dung ấy vào mồm các nhân vật, để các nhân vật tuôn ra cho đến khi nào... xong thì thôi. Thỉnh thoảng cũng có dừng lại để biến hoá chút đỉnh (ví dụ cụ Huy xin Cường rót cho hớp rượu “rồi ta bàn tiếp”...), song chừng đó là chưa đủ “liều lượng”. Thế là “vai” thì thao thao bất tuyệt (như nhân vật cụ Huy trong truyện), “vai” thì chỉ làm phụ họa, đưa đẩy (ví dụ nhân vật Cường)...

Tất cả những công phu “kê học” kể trên của tác giả nhằm chuẩn bị cho một cuộc chiến giữa hai con “linh kê”. Song thực chất là cuộc chiến của tư tưởng, của đạo lý, cân não giữa hai phe “chủ” của chúng. Một bên là cụ Huy - một hiền sĩ, triết gia “kê học” và Cường. Đó là phe “đá” vì đạo. Một bên là Mão Sếch và đám lâu la của hắn. Đó là phe “đá” vì tiền. Song bất luận chủ của chúng là ai, thì hai kẻ trực tiếp chiến đấu trên chiến trường ấy cũng đều là “linh kê”, đều là những anh hùng cả. Và anh hùng cũng có lúc sa cơ, “anh hùng bất kiến minh quân”. Cái triết lý “quý vật tầm quý nhân chứ quý nhân không tầm quý vật” được triển khai cao độ ở thiên truyện này. Con gà tía mà cụ Huy hết lời thán phục ở cái tướng “linh kê” kinh điển của nó, bị gã Mão Sếch vừa mua vừa cướp giật từ tay cụ giáo Hợi đất Kinh bắc - một “minh quân” đích thực của nó chính là một anh hùng gặp bước sa cơ. Đọc đến câu nói của cụ Huy: “Tôi đã nghe trong tiếng gáy hùng dũng oai phong của gà tía ở đoạn ngân cuối cùng ẩn chứa một nỗi u hoài...” làm cho tôi rợn cả người. Viết về con vật mà đến mức như thế, tưởng trên đời không dễ gặp được nhiều tác giả như vậy.

Cuộc chiến chưa diễn ra thì cái lẽ thắng bại đã hiện ra rồi. Những quy luật tương xung tương hợp, luật nhân quả... may thay, vẫn ngự trị trên cõi đời này. Con gà tía ở với cụ giáo Hợi thì bách chiến bách thắng. Nhưng về tay Mão Sếch thì thậm chí biến thành con gà đạp mái. Vũ Ngọc Tiến đã đẩy cái ý tưởng này lên cao đến nỗi phải viện cả lẽ âm dương ra đây. Tôi lại xin trích câu nói của cụ Huy bàn về con gà tía khi nó phải ở trong tay Mão Sếch: “Sự buồn nản của gà tía đã dồn xuống đôi chân có vẩy quý tướng rồi, bác chưa biết đấy thôi. Hai mặt âm dương của chân gà đã mất cân bằng, âm đang thịnh lên, dương bắt đầu suy...” Than ôi! Làm hèn đến cả bậc anh hùng lừng danh thì cái gã Mão Sếch kia và lũ lâu la của hắn thuộc loại người như thế nào? Sự thật còn sờ sờ ra đấy, những nhà văn như ông nào có muốn ẩn ý gì đâu? Tôi không bàn đến chi tiết cuộc chiến ấy nữa mặc dù tác giả đã tả rất kĩ, rất hay, kể cả những tay đá gà chuyên nghiệp đọc đến chắc cũng phải bái phục. Chỉ biết rằng tôi đã không cầm được nước mắt khi đọc đến đoạn cụ giáo Hợi xô cửa chạy vào khóc con gà tía: “Ôi tía ơi! Tía ơi! Đường xa, xe kẹt, ta đến muộn, đã hại chết con rồi tía ơi là tía ơ... ơi...” Một anh hùng đã phải ôm hận nghìn thu. Hình ảnh lũ Mão Sếch kia lủi thủi ôm đầu, chuồn khỏi bãi chiến trường mây đen vần vũ... khiến tôi chợt nghĩ tới những “cái đầu lạnh” trong câu chuyện “Chù Mìn Phủ...” ở trên. Quả không phải là một cuộc đá gà nữa rồi...

Và đó mới thực sự là những tác phẩm văn học viết về chiến tranh, văn học chiến tranh của nhà văn Vũ Ngọc Tiến. [1]

Tháng 6/2006

© 2006 talawas


[1]Đường link tới các truyện: “Vị Phồn thực”: http://www.ykien.net/VNT01.html; “Chù Mìn Phủ và tôi”: http://doi-thoai.com./baimoi0506_186.html; “Gà ô tử mỵ”: http://www.vannghesongcuulong.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=3453&LOAIID=2&LOAIREF=1&TGID=798