trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
  1 - 20 / 64 bài
  1 - 20 / 64 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
12.6.2006
Đào Mai Trang
Mỹ thuật đương đại Việt Nam liên ứng với thế giới – Nhìn từ Hà Nội
 1   2   3   4   5   6   7 
 
Chương hai: Khi người ngoài là khách trong nhà

1. Các nghệ sĩ nước ngoài sinh sống ở Hà Nội

1.1. Lí do xã hội

Có rất nhiều nghệ sĩ nước ngoài hiện sinh sống ở HN, thành phố HCM. Ða số đến từ những nước phát triển ở phương Tây và Mỹ. Mỗi người có một hoàn cảnh xã hội riêng: người theo vợ hoặc chồng sang đây làm việc, người đến vì mưu sinh, người đến vì ham vui,... nhưng hầu hết khi được hỏi tại sao lại tìm cách ở lại Việt Nam sinh sống, đều có chung câu trả lời, họ cảm thấy tự do hơn rất nhiều so với quê hương của họ: không phải chịu sức ép từ cuộc sống hậu công nghiệp căng thẳng, không phải cạnh tranh nhiều với đồng nghiệp, thậm chí được xem như thuộc một đẳng cấp khác. “Mối liên hệ với thời gian còn tồn tại trong hầu hết các khía cạnh khác của đời sống người Việt Nam, một cuộc sống chậm rãi hơn, uyển chuyển hơn và cần nhạy cảm. Một cuộc sống buộc tôi phải thừa nhận rằng thời gian thực sự là đang hiện hữu. Còn cuộc sống ở Ðức và phương Tây nói chung thì sao: theo kế hoạch, khẩn trương, ngay lập tức, hết ngày nọ qua tháng kia, v.v... Vì thế, tôi cho là mình đã phát hiện và được sống trong một nền văn hoá khác, rất thú vị để đồng thời phát hiện lại bản thân... Có khoảng 20 nghệ sĩ Ðức, giống như tôi, đang sống và làm việc ở HN. Sau khi được sống trong một cuộc sống đầy màu sắc sinh động ở HN, chúng tôi cũng cảm thấy là sẽ phần nào tẻ nhạt nếu trở lại những thành phố quê hương với lối sống quá công nghiệp, quá khắc nghiệt về thời gian. Ở đó, thậm chí chúng tôi chẳng có đủ thì giờ quan tâm tới cái chết của người thân quen nữa.” [1] . Những bí ẩn phương Ðông hiện hữu trong nghệ thuật và đời sống ở Việt Nam nói chung cũng là một hấp lực đối với giới nghệ sĩ vốn ưa thay đổi để tìm cái mới cho tinh thần và lí trí. “Không có gì khó tin cả đâu nếu như bạn biết rằng tôi đã phải rời bỏ cuộc sống ở Luân Ðôn, một thành phố lớn của thế giới bởi vì tôi đã hầu như biết tất cả mọi thứ ở đó. Cuộc sống trở nên tẻ nhạt bởi cái gì cũng quá ư rõ ràng, khoa học và dường như được sắp đặt sẵn. Một sự không hiểu được, một sự bí ẩn và đòi hỏi tôi phải khám phá chính là một lí do để tôi vẽ bộ tranh ‘Thập điện Diêm Vương’. Tôi vẽ lại bộ tranh ấy để học” [2] .

1.2. Một số nghệ sĩ nổi bật

Veronika Radulovic (CHLB Ðức)

Năm 1994, nữ nghệ sĩ này đến Việt Nam hoàn toàn vì muốn học làm hội hoạ sơn mài sau khi được xem một số triển lãm hội hoạ Việt Nam tại Singapore. Chị ngụ cư tại HN một thời gian ngắn, với dự định tìm hiểu sâu hơn về chất liệu này. Cuộc sống HN đã hấp dẫn chị mạnh mẽ. Radulovic tìm cách để có lí do ở lại thành phố này. Chị đề xuất với Ðại học Mỹ thuật HN một chương trình thỉnh giảng về các trào lưu mỹ thuật trên thế giới kể từ đầu thế kỷ XX. Chương trình này dành cho tất cả những sinh viên và giảng viên trong nhà trường, người ngoài quan tâm cũng có thể đến dự. Hình thức của nó khá đơn giản: giảng viên cung cấp thông tin, thường bao gồm: tiểu sử nghệ thuật, những tác phẩm có tính chất bước ngoặt hoặc tiêu biểu cho từng thời kỳ sáng tạo của nghệ sĩ, thông tin so sánh giữa các cá nhân hoặc nhóm nghệ sĩ xuất hiện cùng thời nhưng khác nhau về quan điểm nghệ thuật hoặc xã hội. Cuối buổi, học viên có thể hỏi thông tin bổ sung, trao đổi, tranh luận với giảng viên hoặc giữa các học viên với nhau về chủ đề đã theo dõi. Thông tin được cung cấp qua sách, băng video, mạng internet: từ các hoạ sĩ vĩ đại như Henri Matisse, Picasso, Van Gogh, các nhà điêu khắc như Brancusi, Giacometti, đến những nhân vật nghệ thuật đặc biệt: Otto Dix (hoạ sĩ của trường phái biểu hiện cường điệu Ðức), nhóm hoạ sĩ Cây cầu (“Die Brücke”, Ðức), Fernado Botero (hoạ sĩ Columbia), Francis Bacon (một trong những nhân vật tiên phong của trào lưu nghệ thuật đương đại thế giới), Christo và Janne Claude (cặp vợ chồng nghệ sĩ nổi tiếng toàn thế giới với mô hình nghệ thuật “gói” các công trình kiến trúc và tự nhiên)...; từ các trường phái hội hoạ ngây thơ, biểu hiện trừu tượng đến điêu khắc chuyển động, nghệ thuật với những đồ vật có sẵn, nghệ thuật ý niệm - các khởi điểm của nghệ thuật đương đại, tiếp đó là nghệ thuật sắp đặt, land-art (tạm dịch là nghệ thuật sinh thái), trình diễn, video-art rồi nghệ thuật đa phương tiện,... Cần phải nhắc lại rằng những năm 1994, 95, 96, thông tin về nghệ thuật thế giới nói chung, nghệ thuật đương đại nói riêng, còn khá hạn chế ở Việt Nam. Ðối với nhiều sinh viên, ngay cả các giảng viên kỳ cựu, những thông tin nhận được từ lớp học của Radulovic là những thông tin lần đầu tiên họ được biết. Vị trưởng khoa điêu khắc đương nhiệm khi đó của trường, thông qua lớp học này, mới được biết về điêu khắc chuyển động và những nghệ sĩ sáng tạo nó trên thế giới. Ngoài giờ ở trường, sinh viên có thể đến nhà riêng của Radulovic để tiếp cận thêm với nhiều thông tin khác qua sách và băng video. Bà cởi mở và tạo điều kiện cho những người thực sự có nhu cầu tìm hiểu. Lớp học kéo dài đến năm 2001. Tuy nhiên, thực chất hiệu quả của chương trình này đối với Veronika Radulovic không cao. Quan điểm của bà là nghệ sĩ cần phải hiểu được ý tưởng phía sau các hình thức biểu hiện nghệ thuật và rất có thể, các trào lưu nghệ thuật phương Tây không phù hợp với bối cảnh xã hội khác, như ở châu Á chẳng hạn, là vì chúng mới chỉ được chuyển dịch đến mà thôi chứ chưa được tiếp biến. Vì vậy bà muốn các sinh viên, giảng viên trẻ tham gia chương trình thỉnh giảng của bà nên có cái nhìn phê phán hơn đối với nghệ thuật phương Tây. Nhưng kết quả gần như ngược lại. Sinh viên chỉ tìm mọi cách thức dễ dàng nhất để có thể copy ai đó hoặc nghệ thuật của ai đó dễ dàng copy về mặt hình thức mà chẳng để tâm đến sự phù hợp với bản thân họ hay không. Họ cũng không thực sự quan tâm đến những ý tưởng phía sau hình thức nghệ thuật của các trào lưu như Dada, Lập thể,... Thực tế đó khiến bà không khỏi thất vọng [3] .

Sau 7 năm sống ở Việt Nam, cảm nhận được rõ nét hơn sự tương hợp và thích thú một cuộc sống kiểu Tây ở Việt Nam, rất mở mà cũng rất đóng, rất quảng giao nhưng cũng rất kén chọn của mình, đồng thời vì những lí do riêng tư khác chẳng hạn như sự khó khăn khi trở lại Ðức, thiết kế lại từ đầu công việc của một nghệ sĩ trong xã hội công nghiệp khô lạnh điển hình, Veronika Radulovic tiếp tục kiếm tìm tài trợ để có thể kéo dài hơn nữa cuộc sống của bà ở HN. Công việc này vừa làm thoả mãn cuộc sống cá nhân của bà vừa tiếp tục giúp bà bảy tỏ ý đồ nghệ thuật hay “tình yêu” Việt Nam. Năm 2004 và 2005, Veronika Radulovic được cơ quan trao đổi hàn lâm Ðức (DAAD) tại Hà Nội tài trợ cho việc tổ chức hai dự án nghệ thuật thị giác mang chủ đề Nước (2004) và Cây (2005). Hai dự án này được hợp tác thực hiện với Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Nghệ thuật Tạo hình - Ðại học Mỹ thuật Hà Nội. Ý đồ tổ chức của bà là những sáng tác nghệ thuật tạo hình, từ cổ điển hàn lâm đến đương đại thể hiện chủ đề, đều sẽ được lựa chọn trưng bày trong triển lãm, để đem lại cho người xem một sự so sánh, đối chiếu và suy ngẫm về sự khác biệt hay tương ứng của các loại hình nghệ thuật trước cùng một chủ đề thể hiện. Mặt khác, không chỉ có sáng tác của các nghệ sĩ Việt Nam mà còn có sáng tác của một số nghệ sĩ nước ngoài, theo lựa chọn của bà. Một số sinh viên năm cuối và giảng viên trẻ của Ðại học Mỹ thuật HN được tham gia hai dự án này. Những cọ xát công việc với người nước ngoài ít nhiều mang đến cho các tác giả trẻ thêm kinh nghiệm, khả năng kích thích trí tưởng tượng nghệ thuật và đặc biệt nhất là khả năng vượt qua những rào cản vô hình trong sáng tạo nghệ thuật, ví dụ như: tính dân tộc, tính trường phái, sự tự kiểm duyệt ý tưởng,... Ðây là những dự án công việc ít nhiều đem lại cho bà sự hứng thú hơn, vì lẽ, đã là dự án nghệ thuật thì sự can thiệp ý đồ của nhà trường không thể nhiều như đối với một chương trình thỉnh giảng có hợp đồng cụ thể. “Vấn đề là nhà trường không đồng ý cho tôi ra những bài thực hành cụ thể cho sinh viên. Tôi không bao giờ có thể phân tích hay phê bình sáng tác thực tập của một sinh viên nào đó như tôi muốn làm cả. Và chúng tôi cũng không bao giờ có thể thử nghiệm một sáng tác nào đó, ngay cả với thể loại sơn dầu cổ điển... Sự khác nhau cơ bản giữa nghệ thuật phương Tây và châu Á là cách thức xây dựng đường đi của cá nhân. Giáo dục Việt Nam vẫn dựa trên việc cóp nhặt từ ai đó... đó là sự tái sản xuất đơn thuần” [4] .

Một khía cạnh công việc thứ ba rất đáng chú ý của Veronika Radulovic là xúc tiến cho hình ảnh của mỹ thuật đương đại Việt Nam ra với cộng đồng quốc tế. Một số nhà tổ chức triển lãm từ Ðức, Mỹ, Australia, Singapore, quen biết bà qua những mối quan hệ cá nhân từ trước, khi muốn tổ chức triển lãm mỹ thuật Việt Nam, không thể không tìm đến bà tham vấn hoặc nhờ hỗ trợ tổ chức. Hoạt động đáng kể đầu tiên có sự tham gia đắc lực của bà là chương trình giới thiệu nghệ thuật thị giác Việt Nam mang tên Gặp Việt Nam tại Nhà Văn hoá Thế giới - thủ đô Berlin, Ðức năm 1999. Triển lãm như một thông điệp đầu tiên, quy mô, về hiện tại của nghệ thuật Việt Nam sau bức màn chiến tranh, lạc hậu và gần như bị quên lãng trên bản độ nghệ thuật đương đại thế giới (một phần khác của triển lãm là nghệ thuật điện ảnh, xin không đề cập ở đây). Những nghệ sĩ làm nghệ thuật mới nổi bật của Việt Nam khi đó như Trương Tân, Vũ Dân Tân, Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Văn Cường,... đều tham gia triển lãm này. Và Veronika đã luôn rất muốn làm công việc này một cách thường xuyên. Chỉ tiếc rằng, lí do khiến bà khó tiến hành là vì chất lượng nghệ thuật đương đại Việt Nam còn rất nhiều vấn đề khó khơi thông để hoà cùng dòng chảy thế giới. “Ðôi khi tôi nghĩ, các nghệ sĩ Việt Nam chỉ muốn đi du lịch, họ muốn thấy một đất nước khác đồng thời cũng muốn kiếm tiền một cách dễ dàng. Họ không muốn bước vào một cuộc hội thoại nghệ thuật quốc tế một cách nghiêm túc như các nghệ sĩ từ Thái Lan chẳng hạn. Một ví dụ, tôi nghe rất nhiều quỹ tài trợ từng mời nghệ sĩ Việt Nam triển lãm ở nước khác phàn nàn rằng nghệ sĩ Việt Nam không có khả năng phản ánh được những hoàn cảnh sống mới và sáng tạo nên một tác phẩm nghệ thuật nói lên trải nghiệm cuộc sống mới của họ. Họ thích đem tác phẩm có sẵn từ nhà đi và nhiều curator không thích thế. Có thể, điều đầu tiên các nghệ sĩ Việt Nam nên học hỏi là: dù bạn là ai hay ở bất cứ đâu, bạn cũng cần phải giữ mình một cách nghiêm túc nhất.” [5]

Giờ đây, Veronika Radulovic đã chia tay Việt Nam thực sự. Bà hiện sống ở Berlin và dành hầu như toàn bộ thời gian có thể để hoàn thành một cuốn sách về Việt Nam, trong đó, nghệ thuật đương đại chắc chắn được đề cập như một chương quan trọng nhất vì có lẽ, đó cũng là chương quan trọng nhất trong cuộc đời của bà [6] .

Cách thức nhìn nhận của Veronika Radulovic về thực trạng dạy và học trong Ðại học Mỹ thuật HN cũng như về toan tính kiếm lời kiểu nông dân trục lợi của nhiều nghệ sĩ Việt Nam có thể làm người Việt chúng ta phật lòng nhưng đó là cái nhìn khách quan, duy lí rất cần thiết để người Việt Nam cải thiện sự lạc hậu trong tư duy nghệ thuật, nhất là nghệ thuật đương đại vốn phi lợi nhuận và có tính chất xã hội cao độ.

Bradford Edwards: đến từ bang California, Mỹ

Năm 1992, anh đến Hà Nội như một khách du lịch thuần tuý. Anh vốn là nhân viên quầy bar, sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành xã hội học. Anh có một óc quan sát tinh tế, một suy nghĩ cởi mở về cuộc sống và một bản năng nghệ thuật ít nhiều được nuôi dưỡng từ một cuộc sống tinh thần phong phú của cá nhân anh. B. Edwards tìm đủ việc để kiếm sống ở HN và có thể nuôi nghệ thuật của anh. Anh đặt mua những món đồ phục cổ ở Hà Nội, Lào, Campuchia để bán sang Mỹ kiếm lời. Anh viết báo về nhiều vấn đề xã hội bên cạnh lĩnh vực mỹ thuật Việt Nam mà anh thực sự quan tâm, đăng tải trên các báo Vietnam News, Heritage, Tuổi Trẻ (trong nước), Asean Art News (Hồng Kông, giới thiệu về các hoạ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Hồng Thái, về mỹ thuật Việt Nam nói chung,...). Không đều đặn nhưng hầu như năm nào anh cũng có một triển lãm cá nhân giới thiệu nghệ thuật của anh. Ở Hà Nội, anh bày tại Mai Gallery (3B Phan Huy Chú), Salon Natasha (30 Hàng Bông), Viện Goethe, khách sạn 22 Tạ Hiền, Nhà triển lãm của Sở VHTT Hà Nội,... bên cạnh các triển lãm tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia). Nghệ thuật của anh đa dạng chất liệu, lúc thì là ảnh in trên giấy dó (tại thủ đô Phnom Penh), lúc là sắp đặt ảnh (Viện Goethe), có khi là sắp đặt với vàng hương và đàn violin (Salon Natasha), hoặc cành đào khô với ảnh âm bản (dự án triển lãm Cây - Ðại học Mỹ thuật HN),... Anh đã trở thành một nhân vật nghệ sĩ nước ngoài quen tên với giới mỹ thuật Việt Nam, một nhà báo về mỹ thuật và các vấn đề xã hội, được mời trả lời phỏng vấn về thế hệ nghệ sĩ mỹ thuật trẻ Việt Nam [7] ,... điều mà chắc chắn không thể xảy ra với anh nếu sống ở nước Mỹ rộng lớn.

Một sáng tác của Bradford Edwards tại Salon Natasha
Từ một cá nhân vô danh xa lạ, trở thành một nhân vật ít nhiều có vị trí xã hội ở nơi mình sống - đây là điều vui thú đối với bất cứ ai. Cũng có thể những nghệ sĩ tự học như B. Edwards không mưu cầu gì khác ngoài một cuộc sống tự do cá nhân đầy đủ, được làm điều mình thích, không quá vất vả kiếm sống,... Tất cả những thứ đó, họ dễ dàng tìm được ở HN. Cũng cần phải nói rằng, vị thế “người nước ngoài” thường được người Việt Nam nói chung, giới làm nghệ thuật nói riêng, nhìn nhận một cách ưu ái, đôi khi quá mức. Nhưng nếu họ không có chút ít tài năng hay ý tưởng sáng tạo khác người thì cũng rất khó tồn tại lâu hoặc được tôn trọng.

Brian Ring, nghệ sĩ Canada

Năm 1996, ông sang Việt Nam theo gia đình, vợ ông là nhân viên phát triển dự án của Liên hiệp quốc. Brian Ring là một nghệ sĩ mỹ thuật tự do, ông từng học đồ hoạ tại quê nhà Canada. Triển lãm đầu tiên của ông tại HN là triển lãm với đồ hoạ và giấy dó (Gallery Tràng An năm 1997). Tiếp đó là các triển lãm trình bày kỹ thuật đồ hoạ kết hợp với nhiếp ảnh tạo ra sự phong phú và khác biệt của hình ảnh tại Salon Natasha hàng năm, kể từ năm 2001. Khi phong trào làm mỹ thuật mới bắt đầu lan rộng, ông cảm thấy mình có thể chia sẻ nhiều hơn với giới nghệ sĩ mỹ thuật Việt Nam. Ông tích cực tham gia các hoạt động triển lãm chung với các nghệ sĩ, kết giao và trao đổi thông tin nghệ thuật với họ. Brian Ring chuyển sang thiên về nghệ thuật video với nguồn cảm hứng dường như vô tận về đường phố HN - cuộc sống và con người ở đó. Không thuần tuý là những hình ảnh sinh hoạt có tính chất cộng đồng làng xã hiện diện khắp nơi trên đường phố HN, các VA của ông thể hiện khá rõ tâm trạng vừa quen thuộc, vừa xa lạ, ít nhiều trắc ẩn của ông - một người nước ngoài sống ở đây: “Khi chuẩn bị cho dự án VA Crosswalk (tại L’Espace, tháng 6-2004), tôi nhận ra một điều: vị trí của tôi ở Việt Nam giống như vị trí của một người đi bộ băng qua phố trên phần vạch trắng dành cho họ vậy. Ðó là phần đường dành cho họ đấy, họ an toàn ở đó đấy nhưng thực ra nơi đó không thuộc về họ mà vẫn thuộc vào đường của xe cộ, họ chỉ được phép đi qua mà thôi... [8] . Tâm trạng chống chếnh ấy khiến nghệ thuật của ông sâu sắc hơn, có sức cuốn hút hơn. Năm 2003, ông đã trở thành thành viên Ban giám khảo cuộc thi mỹ thuật Ánh mắt trẻ, do Hội Mỹ thuật Việt Nam và Ðại sứ quán Pháp tổ chức hàng năm, từ năm 2000, dành cho các nghệ sĩ mỹ thuật cả nước dưới 35 tuổi. Ðây là một chuyện hi hữu với một nghệ sĩ trong nước chứ chưa nói đến nghệ sĩ nước ngoài. Ông là nhân vật không thể thiếu trong một số dự án nghệ thuật đương đại do Viện Goethe và nữ nghệ sĩ Veronika Radulovic điều hành, hoặc do L’Espace tổ chức như triển lãm mừng Viện Goethe chuyển đến địa điểm mới Xanh-Ðỏ-Vàng (2003), hai dự án nghệ thuật mang chủ đề Nước (2004) và Cây (2005), các chương trình nghệ thuật thị giác từ 2001 đến 2004 tại L’Espace. Rõ ràng ông đã trở thành một nghệ sĩ nước ngoài có uy tín, nói như chính ông: “Ở đây, sự nghiệp nghệ sĩ của tôi càng ngày càng tốt hơn” [9] .

Môi cảnh xã hội là như nhau đối với bất kỳ ai nhưng nếu biết tìm ra điểm dung hoà, tìm ra lối đi vừa khôn ngoan tận dụng lợi ích từ môi cảnh vừa khéo léo vượt qua môi cảnh ấy, họ sẽ thành công. Ðiều này dường như là một điểm yếu của nghệ sĩ Việt Nam, khi đối sánh với trường hợp Brian Ring.

Maritta Nurmi, nghệ sĩ đến từ Phần Lan

Maritta Nurmi đến HN từ năm 1993, thoạt tiên vì muốn giúp đỡ anh trai bà, một người con rể Việt Nam, mở quán ăn. Bà vốn là thạc sĩ về sinh học tại Phần Lan, cũng từng học qua Viện Nghệ thuật Turku, Phần Lan. Tuy nhiên, sự nghiệp nghệ thuật của bà ở trong nước được khởi động muộn, khi bà đã 36 tuổi (bắt đầu học tại Học viện nghệ thuật Turku). Trong quá trình học, bà cũng có tham gia một vài triển lãm nhóm nhưng có lẽ, bà cũng cảm nhận được sự khó khăn để có một sự nghiệp nghệ thuật ở đó. Sang Việt nam, Maritta Nurmi bị ấn tượng mạnh bởi nghệ thuật sơn mài truyền thống, đặc biệt là cách dùng bạc ở dòng tranh này. Bà đã cất công tìm hiểu kỹ lưỡng kỹ thuật làm sơn mài truyền thống qua các khoa học dành cho người nước ngoài tại Ðại học Mỹ thuật HN, năm 1994. Triển lãm cá nhân đầu tiên của bà diễn ra tại Trung tâm Trao đổi Nghệ thuật 43 Tràng Tiền, HN. Maritta Nurmi đã sáng tạo ra công thức dùng quỳ bạc trên khung vải, tạo ấn tượng thị giác hoàn toàn khác biệt với sơn mài. “Triển lãm đó của tôi đã gây ngạc nhiên lớn cho người tổ chức triển lãm, vì tôi chỉ treo khoảng 10 bức tranh trong toàn bộ phòng triển lãm, trong khi các triển lãm của hoạ sĩ Việt Nam thường treo tranh kín tường. Tôi còn nhớ có rất đông người đến...” [10] . Sau đó, hầu như năm nào, bà cũng bày sáng tác mới tại Salon Natasha, nhưng như bà thừa nhận, kỹ thuật sơn mài trên khung vải của bà chưa tiến triển bao nhiều, bà không hài lòng với nghệ thuật của mình. Dù vậy, Maritta vẫn lao động hết sức nghiêm túc. Năm 1998, qua các liên hệ của bà với Ðại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội, chính phủ Phần Lan đã tài trợ cho một tour triển lãm của Salon Natasha tại một số thành phố lớn của nước này như thủ đô Helsinki, thành phố Turku. Bản copy khung cảnh salon và tác phẩm của 22 hoạ sĩ từng được giới thiệu ở đó như một lời giới thiệu đầu tiên về nghệ thuật đương đại Việt Nam tại đất nước này. Triển lãm mang tên Tâm hồn Hà Nội - Nghệ thuật đương đại từ Việt Nam (Spirit of Hanoi - Contemporary Art from Vietnam), gồm sáng tác của các hoạ sĩ như Trương Tân, Ðinh Ý Nhi, Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Quang Huy, Vũ Dân Tân, Ðinh Thị Thắm Poong, Nguyễn Minh Tâm, Vũ Bích Thuỷ,... tất nhiên không thể thiếu Maritta Nurmi [11] . Kể từ sau triển lãm này, tên của bà được giới nghệ thuật Phần Lan chú ý. Không chỉ có vậy, Salon Natasha cũng được xem như một bệ phóng quan trọng của bà. Một số liên hệ của các gallery ở Thái Lan, Singapore, Mỹ,... đã tìm đến nghệ thuật của bà như một nét khác lạ trong dòng chảy nghệ thuật đương đại Việt Nam. Năm 2001, Maritta Nurmi được mời tham gia triển lãm WomanFesto như đại diện duy nhất từ Việt Nam, triển lãm do một nhóm nữ nghệ sĩ mỹ thuật Thái Lan tổ chức, với sự tài trợ của văn phòng tại Thái Lan của Quỹ Rockerfeller (Mỹ) và sự tham gia của rất nhiều nghệ sĩ nước ngoài. WomanFesto là triển lãm mỹ thuật thường kỳ 2 năm dành cho các nữ nghệ sĩ toàn thế giới, đúng hơn nó là nơi để gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm làm nghệ thuật của giới nữ trước bao biến động trong đời sống nhân loại [12] . Triển lãm được xem như một bước ngoặt nghệ thuật thứ hai của bà trên hành trình làm nghệ thuật tại Việt Nam. Bà đã sống hoàn toàn nhờ vào bán tranh nhưng không có nghĩa là bà làm tranh thương mại. Năm 2005, tranh của bà được tham gia triển lãm tranh Hoa sen - nghệ thuật Việt Nam do ba bảo tàng lớn tại Phần Lan (Sunebrychoff Art Museum, Hameenlinna Museum và Waino Aaltonen Museum) kết hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, bày luân phiên tại nhiều thành phố lớn của Phần Lan cho đến hết năm 2005. Bên cạnh đó, Gallery Art Việt Nam (30 Hàng Than, Hà Nội) cũng chọn tranh của bà trong số 9 nghệ sĩ mỹ thuật đương đại nổi bật của Hà Nội để giới thiệu tại Gallery Bankside (số 48 phố Hopton, Luân Ðôn, Anh) và sau đó tại Gallery Fielding Lecht (số 708 Ðại lộ Congress, Austin, Texas, Hoa Kỳ) trong hai tháng 11 và 12-2005.

Rõ ràng, không phảI Maritta Nurmi đến Việt Nam khi đã là nghệ sĩ có tên tuổi tại quê hương bà nhưng bà đã nỗ lực hết sức có thể để có được một hành trình nghệ thuật tốt đẹp hơn cho chính mình ngay tại Việt Nam: “Tôi bị công việc hội hoạ thu hút, có lẽ vì tôi đang thất bại trước nó. Tôi làm việc cật lực, rất nghiêm túc với trái tim của mình để hi vọng sẽ tiến triển. Tôi càng vẽ, càng cảm thấy trong lòng được yên ổn, tôi muốn làm nghệ thuật để lòng mình được ấm áp lại và đôi khi mơ mộng là sẽ giúp được người khác cũng thấy thế...” [13] . Trả lời câu hỏi nếu xây dựng hành trình ấy tại quê nhà, liệu nó có tốt đẹp như vậy hoặc hơn thế không, bà trả lời: “Tôi cũng nghĩ là có thể được như vậy. Phần Lan là một đất nước nhỏ, chỉ có chừng 5 triệu dân. Nghệ sĩ ở đó không phải ít nhưng chúng tôi được nhà nước tài trợ. Nhiều nghệ sĩ thậm chí còn được hưởng lương hưu khi về già, không sáng tác được nữa. Bản thân tôi giờ đây cũng đã được nhìn nhận như một nghệ sĩ tốt, đã được nhận tiền tài trợ của chính phủ cho các triển lãm bày bên ngoài Việt Nam và tại quê hương. Tôi không còn phải lo lắng nhiều quá về việc bán tranh nữa. Chính phủ chúng tôi có chế độ nếu nghệ sĩ sáng tác được nhiều, càng triển lãm nhiều, càng có nhiều tài trợ.” - Vậy đâu là thuận lợi khi sống và sáng tạo tại Việt Nam? - “Thứ nhất, không phải lo lắng nhiều về tài chính trong cuộc sống cá nhân. Thứ hai, tôi được hưởng một sự thanh bình trong không khí sống và quan hệ gia đình - xã hội ở đây. Không khí ấy làm cho tôi muốn ước mơ được làm nghệ thuật nhiều hơn, tốt hơn.” [14] Một thuận lợi lớn khác đối với bà, trong hoàn cảnh là một “người ngoài” ở Việt Nam là bà thường dễ dàng hơn trong kết nối công việc với các salon hoặc gallery do người nước ngoài tổ chức tại Hà Nội như Salon Natasha, Gallery Art Việt Nam (30 - Hàng Than, Hà Nội của bà Suzanne Lecht - một nhà kinh doanh hội hoạ Việt Nam có thâm niên). Từ đó, các cánh cửa mở ra thế giới bên ngoài Việt Nam đối với người như bà cũng dễ dàng hơn. Ngay tại Phần Lan, hầu hết báo chí viết về bà xuất phát từ lí do bà là một “người ngoài” sống tại Hà Nội [15] . Những thuận lợi này luôn luôn tồn tại cùng các nghệ sĩ nước ngoài sống tại Hà Nội. Nó là một lí do níu giữ họ ở lại đây. Mặt khác, theo thời gian, sự ổn định cuộc sống là quan trọng, một khi đã có sự ổn định tương đối, như với Maritta Nurmi chẳng hạn, việc trở lại quê hương là cả một thử thách lớn vì họ phải thiết kế lại cuộc sống từ bước đầu tiên.

James Goodall, nghệ sĩ đến từ Scottland

Ông từng có gần 30 năm làm việc cho tổ chức DANIDA (Tổ chức hỗ trợ phát triển quốc tế của Ðan Mạch). Từ đầu năm 2000, ông sang Việt Nam theo công việc của tổ chức này với Bộ Thuỷ sản. Ông vốn là sinh viên hạng ưu của Trường Nghệ thuật và Kiến trúc Edinburgh (Scottland) nhưng không theo nghiệp nghệ thuật một cách chuyên tâm mà làm giáo viên dạy tiếng Anh ở Ðan Mạch, rồi làm việc tại DANIDA. Kết thúc công việc với DANIDA tại Việt Nam, vợ chồng ông tìm cách ở lại nơi đây sinh sống. Ông vẽ tranh, tìm cách thích ứng với không khí nghệ thuật ở Hà Nội. “Những hình ảnh trong tranh của tôi hầu hết đều là những gì thân thiết với tôi trong cuộc sống ở Hà Nội và nhiều vùng nông thôn tôi từng đi qua. Một phụ nữ nông thôn lên phố Hà Nội bán hàng hoa quả rong, những quán cơm phở bình dân trên hè phố Hà Nội, một cái cây trồng trên sân thượng nhà tôi hay một cái cổng cổ ngay phía trước ngôi nhà của tôi,...” [16] . Ông còn tìm ra một phương pháp vẽ nét bằng bút kim trên giấy dó để làm mới hình thức cũng như nội dung tranh. Ông bồi hai lớp giấy dó để nét mực không loang, vẽ nét rồi pha thêm màu nước nếu thấy cần thiết cho bố cục tranh. Series tranh ứng dụng kỹ thuật độc đáo này của ông đã được giới thiệu tại Gallery Art Việt Nam, tháng 5-2005. Trước đó, năm 2001, ông từng có triển lãm Hơn một năm ở Hà Nội tại Hanoi Studio, 13 Tràng Tiền, HN. Gallery Zee Stone (Hồng Kông) cũng đã giới thiệu hội hoạ của ông như một đại diện đến từ Việt Nam. Ðiều khá thú vị là ông đã bán được tranh cho người Việt: “Tính ra, trong số khách hàng của tôi, có tới một nửa là người Việt đấy, còn lại hầu hết là người Mỹ. Tôi có một khách hàng Việt Nam “ruột”, ông ấy là chủ một số nhà hàng loại cao cấp ở Hà Nội, thường hay mua tranh của tôi để trang trí” [17] . Tuy nhiên, ông xác định rất rõ thái độ của mình trước nghệ thuật: “Tôi vẽ tranh không phải để bán kiếm tiền và tôi cũng không xác định kiếm sống bằng nghề này. Tôi vẫn làm tư vấn viên độc lập trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, trước mắt là cho Hội Nông dân Việt Nam. Vẽ tranh là một cách giúp tôi mở to hơn nữa con mắt nhìn cuộc đời này, vấn đề là mình mở mắt mình như thế nào mà thôi...” [18] .

1.3. Kết luận

Nhìn lại hành trình nghệ thuật của một số nghệ sĩ nước ngoài tại Hà Nội, có thể nhận ra một số kết luận sau:

Thứ nhất, các vị khách của mỹ thuật Việt Nam rất biết tận dụng những lợi thế của một “người ngoài” trong bối cảnh xã hội mới làm quen với mở cửa ở Việt Nam nói chung để ổn định một địa vị xã hội của mình trong đó. Lợi thế đó chính là sự yếu ớt của nền mỹ thuật này cũng như sự mặc cảm, tự ti của giới mỹ thuật đương đại nói chung - như một vấn đề của tâm lý. Veronika Radulovic sớm trở thành một nhân vật quan trọng của mỹ thuật đương đại Việt Nam, ở khía cạnh cung cấp thông tin và làm cầu nối các mối quan hệ với bên ngoài Việt Nam.

Thứ hai, các vị khách rất nhạy cảm với những khác biệt trong lối sống, cách ứng xử, tinh thần sống với người Việt Nam để vừa hoà mình trong đó, vừa luôn giữ vị thế “người ngoài”. Họ lấy đó làm ảnh hưởng nghệ thuật, đem lại sự khác biệt trong nghệ thuật của họ - hình thức phương Tây nhưng chứa đựng ít nhiều tinh thần phương Ðông. Sự khác biệt này là một cơ may đưa họ đến thành công - cả danh tiếng lẫn tiền bạc - điều mà họ rất khó có thể đạt được nếu sống tại quê hương.

Thứ ba, hầu hết các nghệ sĩ nước ngoài khi đã tìm kiếm được một địa vị xã hội nào đó từ Việt Nam, họ rất hiếm khi muốn trở lại quê hương. Ở đó, họ buộc phải làm lại từ đầu với rất nhiều khó khăn, có khi là cả cảm giác mặc cảm, tự ti của một người không có vốn liếng đáng kể khi trở lại quê nhà. Việt Nam chưa phải là một thương hiệu mỹ thuật đương đại đáng chú ý, ngay tại khu vực Ðông Nam Á chứ đừng nói đến thế giới. Chính vì thế, tương tự như câu ngạn ngữ của người Việt, “chột làm vua xứ mù”, họ thà xa quê hương còn hơn. Bên cạnh đó, tâm lý “xa quê” không nặng nề đối với người phương Tây, nếu so sánh với người Việt.

Thứ tư, liệu có ảnh hưởng nào từ nhóm người này đến mỹ thuật đương đại Việt Nam? Chắc chắn là có, ít nhiều, trực tiếp hoặc gián tiếp. Tuy nhiên, những ảnh hưởng có thể thấy được chỉ có từ những người hoạt động xã hội nhiều như Veronika Radulovic, hay Bradford Edwards hoặc Brian Ring (cung cấp thông tin, viết báo, tổ chức triển lãm, tham gia tích cực với đời sống mỹ thuật đương đại Việt Nam, kết giao rộng với nghệ sĩ Việt Nam,..), còn các nghệ sĩ độc lập khác thì hầu như họ rất “độc lập” với xã hội nghệ sĩ Việt Nam, cho dù họ có tham gia triển lãm chung hoặc chơi bạn bè cùng.

Thứ năm, sự có mặt của nghệ sĩ nước ngoài trong đời sống mỹ thuật đương đại ở Việt Nam nói chung, đặc biệt là HN, làm cho nó màu sắc hơn, thú vị hơn, tiếng nói của mỹ thuật đương đại Việt Nam ra nước ngoài đôi khi cũng đặc biệt hơn khi có những vị khách này cùng lên tiếng.

© 2006 talawas



[1]Việt Mai, Veronika Radulovic: “Sống ở Việt Nam để thấy thời gian là hiện hữu”, Thể thao & Văn hoá, tháng 11-2001.
[2]Việt Mai phỏng vấn hoạ sĩ Anh Simon Redington, Thể thao & Văn hoá, tháng 6-2004.
[3]Trao đổi thư từ với nghệ sĩ tháng 9-2005.
[4]Tài liệu đã dẫn
[5]Tài liệu đã dẫn
[6]Tài liệu đã dẫn.
[7]Báo Thể thao & Văn hoá, tháng 7-2003.
[8]Việt Mai phỏng vấn Brian Ring, Thể thao & Văn hoá, tháng 8-2004.
[9]Bài đã dẫn.
[10]Phỏng vấn nghệ sĩ, tháng 9-2005.
[11]Catalogue triển lãm Tâm hồn Hà Nội.
[12]website chính thức của triển lãm: www.womanifesto.com
[13]Việt Mai phỏng vấn Maritta Nurmi, Thể thao & Văn hoá, tháng 9-2005.
[14]Phỏng vấn nghệ sĩ, tháng 9-2005.
[15]Tài liệu đã dẫn.
[16]Phong Vân phỏng vấn James Goodall, Thể thao & Văn hoá, tháng 3-2005.
[17]Bài đã dẫn.
[18]Bài đã dẫn.