trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
13.6.2006
Nguyễn Khoa Thái Anh
Tôn Nữ Thị Ninh, bà là ai?
 
Bà Tôn Nữ Thị Ninh thuyết trình tại Đại học Stanford tháng 5.2006
Ảnh: Nguyễn Khoa Thái Anh
Nói đến gương anh thư liệt nữ, người Việt thường hay nhắc đến Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Ngày nay trải qua mấy ngàn năm văn hiến, Việt Nam tuy không còn trong chế độ mẫu hệ nữa, nhưng dòng giống oai linh của Mẹ Việt Nam còn tồn tại đến ngày hôm nay là nhờ di truyền tính của các các bà vẫn còn tiềm tàng trong hậu duệ chúng ta. Do đó từ việc giữ vững cơ đồ cho đến chuyện bảo tồn nòi giống, chúng ta vẫn phải nhớ ơn khai phóng của nữ giới, tôn vinh “con cháu Hai Bà”: những người phụ nữ thầm lặng và sáng giá vẫn son sắt với dòng đời.

Riêng cá nhân tôi, lúc nào cũng cảm phục sự hy sinh và sức chịu đựng của các phụ nữ đời thường, lúc nào cũng tò mò muốn tìm hiểu thêm về con người và tư duy của họ. Làm thế nào để tìm về bản chất của những người sống chung quanh tôi đã khó chứ đừng nói gì đến chí hướng của những phụ nữ cao xa!

Gần đây, khi có cơ may gặp gỡ hai người đàn bà: nhà văn Dương Thu Hương và bà đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh, tôi mang suy tư nặng trĩu về vai trò nối tiếp hữu ích của hai người; tuy thanh cao hơn, nhưng ở một mức độ nào đó, tôi cảm nhận trong họ một mức chịu đựng mãnh liệt và vô biên, không khác gì những người chân lấm tay bùn (mà bà Hương thường nhắc đến) có khác chăng họ là những con người sống cho lý tưởng và chọn lựa của mình bất kể những trạng huống ngang trái và éo le của cuộc đời.

Người ta sẽ chất vấn tôi: Tại sao lại có thể đặt hai người đàn bà này trong cùng một câu văn như thế. Không có hình ảnh nào có thể tương phản hơn, không có lý tưởng nào lại đối chọi như vậy. Người thứ nhất tự cho mình là một người nhà quê dốt nát, chân đất váy đụp, cố gióng lên tiếng nói quả cảm của lương tri để thức tỉnh công dân Việt sống sao cho xứng đáng với trách nhiệm và bổn phận làm người và con dân của họ. Người thứ hai thuộc dòng dõi hoàng tộc, học vấn uyên thâm, đại diện cho cả nước đi chiêu dụ thế giới góp phần xây dựng Việt Nam.

Tôi đã viết nhiều về Dương Thu Hương nên hôm nay xin nói về bà đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh. Do vậy mục đích bài viết này không phải để so sánh hai người và chỗ đứng của họ đối với nhà nước Việt Nam, nhưng nếu có thể được, sẽ cố tìm hiểu những điều cụ thể, những ẩn dụ và bóng gió trong lời nói, những gì chưa hoặc không nói ra. Vì đối với một nhà ngoại giao uyên thâm, khôn khéo, mềm mỏng và từ tốn như bà Tôn Nữ Thị Ninh thì từ luận điệu đến ngôn từ chắc gì đã hàm chứa nhiều bằng cách thức và âm điệu của chúng?

Và tôi cũng xin phép những nhà ái quốc chân chính - những người tự cho mình quyền phán xét thế nào là yêu nước đúng (thế nào là) sai - để nói rằng từ trên đỉnh cao trí tuệ của mình, bà Tôn Nữ Thị Ninh hẳn đã tin rằng chuyện mình đang thực hiện là đúng (yêu nước), cũng như bà Dương Thu Hương, người bị buộc lưu đày xa quê hương dấu yêu tin rằng quyết định (yêu nước) của mình đúng. Người thứ nhất, cố thi hành những điều tích cực mà bà có thể trong vai trò của mình, dù phải đại diện cho một chế độ như hiện tại. Người thứ hai cố thức tỉnh lương tâm của dân tộc mình, đang ngủ một giấc say và mệt nhoài, cổ vũ họ hãy sống sao cho xứng đáng với lương tâm con người, trách nhiệm và bổn phận làm dân.

Hai ngày 25 và 27 tháng Năm 2006, tôi có cơ hội được nghe và gặp gỡ bà Tôn Nữ Thị Ninh. Thứ Năm tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á Thái Bình Dương Shorenstein ở Đại học Stanford. Bài diễn văn của bà nhan đề "Tư thế độc đáo của Việt Nam trong một thế giới nối liền" (Vietnam Uniqueness in A Globalized World). Thứ Bảy lại đi nghe bà nói chuyện ở Menlo Park (gần San Jose) trong một bầu không khí thu gọn và riêng tư hơn (khoảng gần 30 người hầu hết là Việt Nam và 6 du sinh Việt, ngoại trừ một người đàn ông Mỹ) Với một giọng Huế thân mật và truyền cảm mà bà thích sử dụng hơn Anh văn, bà cố gây thiện cảm với người nghe.

Là hậu duệ mấy đời của hoàng tộc Huế, với tư cách lịch sự, hiền hòa và giọng Ăng-lê Oxford pha với âm hưởng Pháp khả ái, bà đã chiếm cảm tình và thu phục được nhiều thành phần ở Hoa Kỳ, Âu châu và nhiều nơi trên thế giới trong vấn đề giao tế tích cực hơn với Việt Nam. Kể cả những nhà an bang tế thế của miền Nam thời trước, phải nhìn nhận ít có ai sánh kịp với vai trò ngoại giao của bà. Không hiểu có phải do cái buồn diệu vợi trước tình thế lưỡng nan của đất nước ̣(kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa) mà bà đã thích ứng với vai trò đại sứ lưu động không? Nhưng những người tinh ý sẽ cảm thông cho vai trò khó khăn của bà, và có lẽ sẽ chia sẻ với nhận định của giáo sư Don Emerson, Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á Shorenstein ở Stanford, người đã giới thiệu bà hôm thứ năm: "Trong môi trường ngoại giao nói riêng, nhất là ngoại giao đa phương, có thể nói rằng không có một lãnh đạo Việt Nam nào có thể đại diện cho Việt Nam một cách ý tứ và bặt thiệp như bà Ninh". Ông cho biết thêm, vào tháng Mười năm nay ở Hội nghị Thượng đỉnh Las Vegas, bà Ninh sẽ được Fortune Magazine vinh danh là một trong 100 Phụ nữ Quyền uy Nhất Thế giới. Thật vậy, là cố vấn cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà là người có trọng trách dàn xếp nỗ lực của quốc tế cho Việt Nam cũng như giúp tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh các nước Pháp thoại ở Hà Nội năm 1997.

Bắt đầu từ thập niên 60, khi là sinh viên miền Nam du học ở đại học Sorbonne (Pháp) và Cambridge (Anh) bà đã tham gia hoạt động với Mặt trận Giải phóng Miền Nam và sau đó dạy Anh văn và văn học Anh văn ở Université de Paris 1, École Normale Supérieure Sonetenay aux Roses và Université des Droits (Đại học Luật khoa) vào cuối thập niên 60, sau đó về dạy ở Đại học Văn khoa Sài Gòn cho đến năm 1975. Từ năm 2000 đến 2003 đại diện cho Việt Nam làm đại sứ ở ba nước Bỉ, Hòa Lan, và Lục Xâm Bảo và đứng đầu đại diện của phái đoàn Việt Nam ở Liên hiệp Âu châu ở Bruxelles (Bỉ). Bà giữ một nhiệm kỳ trong Ủy ban Trung ương của Hội Phụ nữ Việt Nam.

Một điều mà tôi cảm nhận được xuyên qua hai buổi nói chuyện là bà Tôn Nữ Thị Ninh, hơn là một người chống chế cho chế độ, hơn là một người chỉ chấp nhận thực thể Đảng trị của nhà nước, cũng là một người mong đợi một sự biến đổi nào đó trong chính quyền.

Khi được hỏi: "Có phải Việt Nam ngày nay theo chế độ tư bản hơn là xã hội?", bà trả lời một cách sửng sốt, như bị điện giật: "Chủ nghĩa xã hội không phải là chuyện để tôi xía vào!"; như thể đây là chuyện cấm kỵ, bà vội nói: "Nói trắng ra là, nếu ông hỏi tôi, cho tôi biết chủ nghĩa xã hội là gì, thì có lẽ chúng ta chỉ có thể gãi đầu gãi tai mà thôi… không, tôi nói thật đó. Vì sao? Bởi vì nếu ông thật tình theo dõi, ông sẽ thấy diễn biến ở Đông Âu đã làm cho mọi người phải lo nghĩ, ngay cả ở Việt Nam, ngay cả trong Đảng Cộng sản Việt Nam, và cũng vì chuyện ở Đông Âu mà đã có những thay đổi trong Đảng Cộng sản Việt Nam nữa. Kỳ Đại hội Đảng vừa qua đã có quyết định là đảng viên có quyền làm ăn riêng, cho phép họ mở doanh nghiệp tư. Đảng Cộng sản đã tốn 20 năm để đi đến quyết định này. Con người không đổi ý mau như thế, đúng không? Và nói thật, thí dụ như ở Mỹ thử hỏi xem người ta có muốn cấm súng, như vậy chuyện ấy có thành hình ngày mai không? Các ông sẽ có chuyện tranh cãi dữ dội đúng không? Và có thể chuyện này, tôi cũng không biết sẽ kéo dài bao nhiêu năm. Như vậy mọi xã hội phải tự quyết định lấy họ có an tâm với cái đà cải tổ này hay không. Vì vậy chúng ta đừng nên nói đến nhãn hiệu. Chúng tôi gọi là chủ nghĩa xã hội, các ông có thể gọi nó bằng bất cứ tên gì các ông thích."

Rồi hình như vẫn còn dao động vì câu hỏi tại sao Việt Nam hơn bốn ngàn năm nay vẫn bị giới cai trị hứa hẹn một ngày mai tươi sáng giống như bài hát "Chờ nhìn quê hương sáng chói" của Trịnh Công Sơn, người Huế đồng hương của bà (sáng tác trước 1975), một bài hát rất mỉa mai và vẫn ứng nghiệm hôm nay, bà trả lời: "Nói về phát triển, mở mang, chúng tôi đang thực hiện điều đó hiện nay, hãy về Việt Nam và thử một phen xem sao. Điều mà chúng tôi biết, chúng tôi đang tìm một nền kinh tế thị trường với bộ mặt nhân bản, chú tâm đến chuyện công bằng xã hội, văn hóa và phát triển về mặt nhân văn… Còn chuyện khi nào chúng tôi mới tìm đến đó được, tôi cũng không rõ. Chúng tôi đang thật sự cố gắng". Rồi với một thái độ như muốn thố lộ điều gì, bà cho biết:

"Mau cỡ nào, cái đó còn tùy thuộc vào tất cả các người dân trong nước."

Xong có vẻ như cam chịu với đà tiến triển quá chậm chạp của Việt Nam trong phạm vi chấp chính này, khi có người hỏi tại sao cải cách về dân chủ vẫn còn quá chậm so với cải cách kinh tế, bà trả lời: "Mong mỏi dân chủ hóa ở Việt Nam là một điều ai cũng muốn", và bà nhìn nhận hai phạm trù này không phát triển đồng bộ ở Việt Nam hiện giờ, bà lại tiếp tục: "Nhưng điều này có thể thay đổi". Rồi bà kết luận một cách khó hiểu: "Mười năm tới đây, ai biết chuyện gì có thể xảy ra?"

Ngày thứ Bảy, trong một buổi họp mặt kéo dài gần bốn tiếng ớ Menlo Park, gần Đại học Stanford, một nhóm thân hữu, gồm những người thích đóng góp tích cực để giúp hoán cải tình trạng ở Việt Nam, tụ tập để trao đổi một cách lịch thiệp và tế nhị, tuy không kém phần thẳng thắn và sôi nổi những đề tài như: Việt Nam vào WTO cho đến chuyện quy chế song quốc tịch của Việt kiều (có thể bị chính quyền bắt bớ vì chuyện tư tưởng của họ hay không) cho đến chuyện thành lập một đại học quốc tế ở Việt Nam, (hàng đầu thế giới, khởi sắc từ chuyến đi Mỹ thăm Harvard của ông Phan Văn Khải). Đây là một nhóm công tác được nhà nước khuyến khích và ban giáng và bà Ninh hẳn nhiên là người chủ xướng. Ngoài chuyện được nhà nước chỉ thị thành lập từ một đến ba đại học như thế từ Nam chí Bắc, bà Ninh có kế hoạch riêng để thiết kế một đại học tư thục ở vùng Bà Rịa-Vũng Tàu mà bà sẽ đặt tên là Việt Trí.

Xét tổng hợp những chuyện bàn đến, cộng với chủ đề "mong chờ và hy vọng" mà bà đã nhắc nhiều trong hai ngày nói chuyện, hay cụm từ "Mau lên mà xếp hàng" mà bà đã dùng trong ngày thứ Bảy, người ta có thể đoán được cái khó khăn của bà trong việc thuyết phục một nhà nước đang lo sợ mất tự chủ với những lý tưởng mà bà muốn đưa ra. Như thế dự án thành lập một đại học, tuyển dụng Việt kiều trong ban giáo sư, soạn đề án và giáo trình, ngay cả chức vụ làm viện trưởng với lương bổng tương đương của thế giới có thể thành hình không? Chúng ta chỉ biết tin vào (chờ nhìn) ngày mai sáng chói.

Còn chuyện giới trẻ của Việt Nam (60 % dân số là những người dưới 30 tuổi) mà bà đang muốn thu hút và nói tới, có phải họ đang đối đầu với một sự thui chột lịch sử to lớn khi thế hệ chuyển tiếp của cha ông họ đang muốn viết lại lịch sử hay đoạn tuyệt với quá khứ này để chính nghĩa hóa sự trị vì của mình? Do đó, ngoài chương trình tin học, quản trị kinh doanh, quản trị hành chánh (do một du sinh trẻ Việt Nam đề xướng) và chuyện lịch sử văn hóa (do một luật sư ở San Jose đề nghị) có thể nào lịch sử Việt Nam cận đại từ thực dân đến cộng sản/quốc gia phải được dạy lại?

Dẫu vậy, sau khi mọi tranh cãi lắng xuống, bà Ninh vẫn là bộ mặt sáng sủa nhất mà Việt Nam có thể trình ra cho thế giới hiện nay, một người văn hóa thâm thúy, học vị cao lại sành sỏi về thời sự quốc tế cũng như guồng máy chính trị Hoa Kỳ. Thiết nghĩ không còn một người Việt Nam nào có thể thay thế bà trong vai trò của bà hiện nay. Nếu có một điều nghịch lý sái buổi chợ, lỗi thời trong chế độ cộng sản hiện nay: bà Tôn Nữ Thị Ninh chính là một trong những bộ mặt nhân ái nhất trong thời hậu-cộng-sản-kiêm-tư-bản của Việt Nam hiện giờ. Bởi vì người ta không thể dùng cụm từ "cộng sản với bộ mặt con người" một cách đồng nhất hay chính xác hơn ở Việt Nam được nữa.

Tôi đã theo dõi bà Ninh với nhiều ngạc nhiên và quan ngại và có thể nói tôi thông cảm vấn nạn của bà. Bởi vì sau cùng, tôi đồng cảm với vai trò đại sứ nhiều thiện chí cho một quốc gia, nơi mà hứa hẹn tương lai đang che lấp thực tế của một nhà nước giữ cửa, không chấp nhận sự đóng góp của công dân họ trong guồng máy hành chánh, 60 năm sau khi Bác Hồ tuyên bố độc lập cho một Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Quảng trường Ba Đình.

Nguồn: Tuần báo V-Times, San Jose, số 2, ra ngày thứ Sáu, 09 tháng Sáu 2006