trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
  1 - 20 / 64 bài
  1 - 20 / 64 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
14.6.2006
Đào Mai Trang
Mỹ thuật đương đại Việt Nam liên ứng với thế giới – Nhìn từ Hà Nội
 1   2   3   4   5   6   7 
 
2.3. Hội đồng Anh tại Hà Nội

Hội đồng Anh tại Hà Nội được thành lập từ năm 1993 nhưng phải đến năm 2001, cơ quan này mới có những hợp tác đáng kể trong giao lưu mỹ thuật đương đại ở Việt Nam nói chung. Nhìn lại bốn năm có hoạt động mỹ thuật đương đại, dễ dàng thấy năm 2003 là năm mà tổ chức này thực hiện được nhiều hoạt động mỹ thuật nhất, đó cũng là năm Hội đồng Anh kỷ niệm 10 năm hiện diện tại Việt Nam.

Nước Anh được coi là một trung tâm lớn nhất của mỹ thuật đương đại thế giới - nơi sản sinh ra những nghệ sĩ tiền phong và độc nhất, kiểu như nghệ sĩ mỹ thuật sinh thái - nghệ thuật của những xác ướp động vật - Damien Hirst. Vì vậy, một trong những mục tiêu mà ban Nghệ thuật của Hội đồng Anh tại Hà Nội mong muốn làm là giới thiệu những nghệ sĩ mỹ thuật tiêu biểu của Anh với công chúng và giới làm nghệ thuật đương đại nói chung của Việt Nam. Đó cũng là một cách trao đổi thông tin hữu hiệu nhất về nghệ thuật. Tuy nhiên, không dễ gì biến mong muốn đó trở thành hiện thực vì các tiêu chuẩn tài chính, môi trường ngoại cảnh, điều kiện trưng bày triển lãm,... đáp ứng được đòi hỏi chuyên môn của nghệ sĩ đến từ một nền nghệ thuật chuyên nghiệp phát triển như nước Anh hiện nay không thể có ở Việt Nam.

Cho đến nay, Việt Nam chưa có một triển lãm mỹ thuật đương đại quy mô nào đến từ nước Anh. Thay vào đó, Hội đồng Anh chú trọng hỗ trợ và khuyến khích các nghệ sĩ mỹ thuật Việt Nam làm việc và triển lãm. Cam kết của Hội đồng Anh là “hỗ trợ cho một mạng lưới nghệ thuật đương đại mới tại Việt Nam. Mạng lưới này được thành lập để cổ vũ nghệ thuật đương đại trong số các nghệ sĩ trẻ. Nhóm này bao gồm những hoạ sĩ, nhà thiết kế, nghệ sĩ múa, nghệ sĩ sắp đặt và trình diễn, video art và nghệ thuật đa phương tiện có tài năng đầy hứa hẹn” [1] . Năm 2003, họ đã hỗ trợ cho nghệ sĩ Nguyễn Bảo Toàn làm sắp đặt Mùa vàng và nhóm nghệ sĩ Trần Lương làm một sắp đặt video Súp cổ tích. Ðó cũng là hai triển lãm nhân kỷ niệm 10 năm Hội đồng Anh hiện diện tại Việt Nam. Năm 2004, Hội đồng Anh tiếp tục tài trợ cho nghệ sĩ Nguyễn Bảo Toàn thực hiện sắp đặt Hối tụ, triển lãm được coi là gây tác động lớn đến công chúng nghệ thuật của Hà Nội [2] . Cũng trong năm này, Hội đồng Anh có tham gia thực hiện fesstival nghệ thuật trình diễn Lim dim. Ðặc biệt, tổ chức này có tài trợ khá thường xuyên cho Ryllega Gallery - số 1A Tràng Tiền, Hà Nội, gallery nghệ thuật mới duy nhất tại Hà Nội. Ðây là một trường hợp hỗ trợ tài chính hi hữu hiện nay đối với hoạt động của các hình thức nghệ thuật mới tại Hà Nội. Ryllega Gallery được thành lập từ tháng 6-2004 bằng nguồn tài chính của một nhóm hoạ sĩ Hà Nội mà đại diện là Nguyễn Minh Phước. Diện tích của gallery này chỉ khoảng 10m2. Mục đích của nó là trở thành một địa chỉ của nghệ thuật mới tại Hà Nội (mà các nghệ sĩ vẫn khiêm tốn gọi là “nghệ thuật thử nghiệm”). Gallery không hạn chế đối tượng tham gia triển lãm tại đây, nghệ sĩ nước ngoài “tạt ngang” vào Việt Nam, sinh viên mỹ thuật, nghệ sĩ đã có danh tiếng,... Việc không hạn chế này có ưu điểm là làm cho nghệ sĩ, đặc biệt là những người mới chập chững bước chân vào lĩnh vực mới mẻ này, không e dè thể hiện khả năng của mình. Có thể đây là một bước đi sơ khởi của nhóm nghệ sĩ chủ trì gallery để tạo lập một chỗ đứng trong cộng đồng nghệ thuật mới đã và đang phát triển. Bước đi này phù hợp với hoàn cảnh xã hội hiện nay của nghệ thuật đương đại tại Việt Nam. Việc nhóm nghệ sĩ này bỏ tiền túi ra tạo một địa chỉ cho nghệ thuật mới là một việc làm cần được ủng hộ. Theo quan điểm của đại diện ban nghệ thuật - Hội đồng Anh, không ít triển lãm diễn ra tại Ryllega có chất lượng thấp. Tuy nhiên, họ tài trợ cho địa chỉ này vì họ muốn ủng hộ cho một cái mới trong đời sống nghệ thuật đương đại Việt Nam [3] . Trong khi các tổ chức cơ quan Nhà nước “còn e dè” (Lương Xuân Ðoàn) trước cái mới thì phía các tổ chức nước ngoài lại sẵn sàng hỗ trợ và cổ vũ cho nó. Ðây là một nghịch lý thực ra không nên có trong khi trên hệ thống tuyên truyền, chúng ta vẫn luôn luôn nói cổ vũ sáng tạo nghệ thuật, mở cửa giao lưu với toàn cầu.

So với Viện Goethe và L’ Espace, số lượng triển lãm của Hội đồng Anh ít hơn cả và tần số các hoạt động liên quan đến mỹ thuật đương đại cũng thưa vắng hơn. Có những lí do cơ bản sau đây:

Thứ nhất, mục đích trước tiên của tổ chức này tại Việt Nam là giáo dục (dạy tiếng Anh) và tư vấn du học, bên cạnh mục đích chính trị. Bổ sung cho hai mục đích cơ bản này là các hoạt động như: cung cấp thông tin đa dạng về nước Anh thông qua hệ thống thông tin đa phương tiện; hỗ trợ quan hệ cộng đồng thông qua nghệ thuật; và nghệ thuật. Trong phạm vi nghệ thuật, ý hướng của ban lãnh đạo Hội đồng Anh tại Việt Nam lại ưu tiên cho nghệ thuật mang tính ứng dụng cao như thời trang, nhiếp ảnh hoặc các dự án nghệ thuật cộng đồng như dạy trẻ em nhiễm HIV/AIDS vẽ tranh, làm triển lãm ảnh và nghệ thuật sắp đặt với trẻ em nông thôn, vùng sâu vùng xa, triển lãm ảnh và nghệ thuật đa phương tiện về tác hại của việc chặt phá rừng, v.v...

Thứ hai, kế hoạch tài chính dành cho Hội đồng Anh tại Việt Nam còn một phần phụ thuộc vào trụ sở Hội đồng Anh toàn cầu tại Luân Ðôn. Theo chương trình hoạt động mới của tổ chức này, họ hướng hoạt động nghệ thuật đến các dự án lớn mang tính chất toàn khu vực, nhằm kết nối hoạt động của các văn phòng Hội đồng Anh toàn khu vực tiến tới toàn cầu. Chính vì thế, các khoản kinh phí nhỏ lẻ dành cho các hoạt động triển lãm nhỏ lẻ tại Hà Nội nói riêng thường là khoản tiền “gạn lọc” từ kế hoạch hoạt động lớn của Ban Nghệ thuật [4] .

Dù sao, một sự ủng hộ cho cái mới của Hội đồng Anh, ủng hộ tinh thần và tài chính, là một điều đáng quý cho các nghệ sĩ làm nghệ thuật mới tại Hà Nội.

2.4.Tiểu kết

Nhìn lại hoạt động của ba trung tâm văn hoá nước ngoài, thấy rõ ràng họ đã chiếm ưu thế đối với nghệ sĩ làm nghệ thuật mới tại Hà Nội. Theo lời ông Franz Xaver Augustin, giám đốc Viện Goethe, người quyết định tất cả các hoạt động triển lãm nghệ thuật mới tại đây, ông không bao giờ có ý muốn làm khó cho giới chức văn hoá tại Việt Nam do có sự khác biệt về quan niệm quản lý và hỗ trợ nghệ thuật giữa hai bên. Ông chỉ muốn sự hiện diện của Viện Goethe tại Hà Nội thực sự như hình ảnh mong muốn - một trung tâm giao lưu và hỗ trợ văn hoá Ðức - Việt đương đại đúng nghĩa. Ông thừa nhận không phải triển lãm nào diễn ra tại đó cũng có chất lượng cao và ông luôn thảo luận với nghệ sĩ muốn trưng bày tại đó về nội dung triển lãm làm sao cho hiệu quả. Thậm chí, “có những triển lãm tôi thất vọng và biết chắc khán giả sẽ không hứng thú nhưng tôi vẫn đồng ý, với suy nghĩ rằng đó là một cách hỗ trợ để nghệ sĩ tự nhận ra chất lượng nghệ thuật của họ sau những cọ xát với công chúng.” [5] .

Mặt khác, những vấn đề mà nghệ sĩ Việt Nam gặp phải trong quá trình tìm kiếm nguồn hỗ trợ cho nghệ thuật của họ từ bên ngoài như trường hợp Nguyễn Ngọc Lâm rất cần được giới chức văn hoá trong nước quan tâm. Mặc cảm của nghệ sĩ, đôi khi, chính là đại diện cho mặc cảm của dân tộc rất cần được gạt bỏ. Song nếu không có một hành lang pháp lý mới cho các hình thức nghệ thuật mới tại Việt Nam, thì các nghệ sĩ của chúng ta vẫn tiếp tục phải đi tìm kiếm ở bên ngoài, tiếp tục phải vượt qua những mặc cảm khác, những trở ngại khác, kéo dài thêm lộ trình đi tới một chất lượng nghệ thuật cao hơn.

3. Trong con mắt của các nhà nghiên cứu nước ngoài

3.1. Giới thiệu chung

Cho đến nay, người nước ngoài duy nhất đặt vấn đề nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam một cách lâu dài là Nora Taylor, phó giáo sư về văn hoá nghệ thuật Ðông Nam Á và Việt Nam tại Ðại học Tổng hợp bang Arizona (Arizona State University), Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, có khá nhiều người làm nghiên cứu hoặc phê bình nghệ thuật quan tâm đến mỹ thuật Việt Nam như một đối tượng văn hoá đặc sắc của một đất nước từng là tâm điểm chú ý của nhân loại trong thế kỷ XX. Mỹ thuật đương đại châu Á vẫn được xem là đến từ Trung Quốc, với những liên hoan nghệ thuật đương đại định kỳ 2 năm (biennale) tại Thượng Hải, Bắc Kinh, là đến từ Hàn Quốc với biennale Pusan, Gwangju, là đến từ Nhật Bản với một trong những hệ thống bảo tàng mỹ thuật đương đại chuyên nghiệp nhất thế giới. Có thể có lí do chính trị ở đây nhưng nếu xét từ góc độ văn hoá, sự chú ý của cộng đồng nghệ thuật đương đại dành cho ba nước nói trên hoàn toàn chính đáng, đơn giản là vì ở ba nước đó đã hình thành đầy đủ những thiết chế xã hội tạo điều kiện cho mỹ thuật đương đại trở thành yếu tố tồn tại đương nhiên trong đời sống thường nhật. Ðiều này chưa có tại Việt Nam.

3.2. Về khía cạnh dân tộc tính

Bàn tròn về Mỹ thuật đương đại Việt Nam có tiêu đề “Mỹ thuật đương đại Việt Nam đang ở đâu?” trên diễn đàn điện tử www.talawas.org [6] , kéo dài từ tháng 10-2002 đến tháng 1-2003 đã thu hút sự quan tâm của một số người người đã và đang nghiên cứu hoặc viết phê bình hoặc có những suy nghĩ về mỹ thuật Việt Nam: Nora Taylor, Birgit Hussfeld (CHLB Ðức, Thạc sĩ ngành Nhân học, đã từng học Việt Nam học và Trung Quốc học, viết nhiều bài về Mỹ thuật đương đại Việt Nam), Natalia Kraevskaia (Salon Natasha), Veronika Radulovic,...

N. Kraevskaia, với trải nghiệm của một cá nhân người nước ngoài làm dâu Hà Nội, hơn nữa lại mở một salon nghệ thuật - một trong những địa chỉ gallery tư nhân đầu tiên của Hà Nội (năm 1990), đã có những nhận xét sâu sắc về ảnh hưởng của tính dân tộc và quan niệm duy mỹ của nghệ sĩ Việt Nam đối với chính nghệ thuật của họ. “Trong nghệ thuật đương đại Việt Nam, khái niệm về tính dân tộc và về cái đẹp lan tràn và bó hẹp tầm nhìn của nghệ sĩ” và thậm chí, theo bà, “dấu ấn ‘made in Vietnam’ được sử dụng chủ yếu để khuyến mãi trên thị trường”. Thực tế đó cho thấy “phần lớn các hoạ sĩ không cưỡng nổi việc hùa theo và thậm chí còn tạo thuận lợi cho sự thương mại hoá ngày càng tăng trong nghệ thuật. Hơn nữa, tôi còn đồng ý rằng có một khủng hoảng về nhận thức và về đạo đức... Tư tưởng và ý tưởng, đó chính là cái đang thiếu trong dòng chủ lưu của mỹ thuật Việt Nam. Dạo một vòng qua các gallery ở Hà Nội và Sài Gòn, tôi chỉ đọc được có một thông điệp được thể hiện bằng một ngôn ngữ thích đáng: “Này, dân nước ngoài ngu ngốc kia, với kỹ thuật xuất sắc của ta từ Ðại học Mỹ thuật, ta sẽ khiến ngươi phải bỏ tiền ra mua một con trâu vô nghĩa của ta, một cô gái mặc áo dài hay bất cứ cái gì... Trong mỹ thuật Việt Nam, thiếu chiều sâu, thiếu chất trí thức, thiếu sự háo biết, máu phiêu lưu, thiếu cái tự nhiên của một người sáng tạo khao khát muốn hiểu và phản ánh cuộc sống, muốn đưa ra nhận định của chính mình về sự kiện hay hiện tượng này nọ...” Quả là một sự phê phán nặng nề. Qua việc quan sát hiện tượng sử dụng tràn lan những motif “dân tộc tính” như con trâu, cái nón lá, thiếu nữ mặc áo dài trong hội hoạ, bà đã nhìn thấu vấn đề tư tưởng và nhận thức của giới làm mỹ thuật Việt Nam. Từ những điều được biết qua quan hệ của cá nhân với giới mỹ thuật quốc tế, N. Kraevskaia cho rằng nghệ thuật Việt Nam giờ đây đã “mang tiếng xấu” là “thương mại” và điều đó khiến cho không nhiều người tổ chức các triển lãm hay biennale quốc tế uy tín muốn qua Việt Nam kiếm tìm tài năng thực sự nữa... Cùng chung quan điểm với N. Kraevskaia, Birgit Hussfeld thừa nhận trong thời gian sống ở Hà Nội, bà cũng thấy “nhiều hoạ sĩ nói về “tính dân tộc” như một mối quan tâm chính trong tác phẩm của họ” và bà “không thể tin được rằng điều đó lại là mối bận tâm lớn đến thế của các hoạ sĩ Việt Nam nhằm tạo ra một thứ mỹ thuật dân tộc”. Bởi cuối cùng, nhìn vào tranh, đâu cũng chỉ thấy con trâu, ruộng lúa, nón lá, áo dài, đến “mệt mỏi” (Birgit Hussfeld) thì đó là tính dân tộc hay chỉ đơn thuần là một thứ chủ nghĩa tượng trưng hình thức thuần tuý? Theo bà, thực chất đó là sản phẩm phục vụ nhu cầu “mang tính địa phương” của một dạng khách du lịch nước ngoài, một số Việt kiều nhớ quê hương... B. Hussfeld đã dẫn chứng một hoạ sĩ Nga, Kabakov, người thoạt tiên đến với thế giới như một hoạ sĩ Nga, nhưng nay, người ta nhắc đến ông mà không cần thêm dòng chữ đó đi kèm nữa, tức là ông đã trở thành một hoạ sĩ đẳng cấp quốc tế. Tuy nhiên, tranh của ông vẫn bộc lộ rõ cuộc sống của gần hết cuộc đời ông trong một căn hộ ở Moskva. “Câu hỏi đặt ra là các hoạ sĩ tiếp cận tác phẩm của họ như thế nào, họ dựa vào những khuôn mẫu sáo rỗng, cố gắng bóc trần chúng hoặc là hay hơn cả, chẳng quan tâm gì tới chúng”.

Tác phẩm của Nguyễn Minh Thành
Một khía cạnh dân tộc tính thú vị khác đã được Veronika Radulovic đề cập đến trong bàn tròn này: tính “tập thể hoá của xã hội Việt Nam”. “Tại Việt Nam, người ta phần lớn nói về một đám đông, một nhóm, một tập thể. Cá nhân không tồn tại như nó tồn tại ở châu Âu... Tôi cho rằng, nếu tồn tại những nghệ sĩ mạnh mẽ, ví dụ như Nguyễn Minh Thành, thì nhiều nghệ sĩ sẽ đi theo và muốn trở thành như vậy. Ở Việt Nam, không ai muốn đứng một mình.” Xin được nhắc lại một chút ở đây nhân vật Nguyễn Minh Thành (xem chương Các hình thức nghệ thuật mới). Thành thực sự là một nghệ sĩ bản lĩnh, khi “một mình một kiểu” trong bối cảnh xã hội và nghệ thuật Việt Nam vẫn tồn tại không ít khe khắt, định kiến về sự tiếp nhận của cái mới, “cái tôi”. Có thể liên hệ tới câu nói sau của Hou Hanru, sinh năm 1963, một curator nổi tiếng toàn thế giới hiện nay, một người Trung Quốc định cư tại Paris từ thập niên 90, thế kỷ XX: “Ðiều quan trọng nhất mà thế hệ của tôi đã làm được (trong và cho mỹ thuật đương đại Trung Quốc là chúng tôi đã thực sự trở thành những cá nhân (individual) (có ghi chú về Hou...). Những cuộc tranh luận về bản sắc, về giá trị hay vai trò của truyền thống, về sự du nhập của các hình thức nghệ thuật mới vào đất nước, v.v và v.v... cũng đã từng xảy ra tại Trung Quốc, hay tại rất nhiều quốc gia thuộc thế giới thứ ba như Việt Nam. Tuy nhiên, sự khẳng định giá trị cá nhân độc lập mạnh mẽ, cả quyết, đôi khi tới mức cuồng tín của giới mỹ thuật đương đại Trung Hoa đã tạo nên những làn sóng nghệ thuật đương đại liên tiếp, kéo theo sự tin tưởng của giới chức khi chính thức đưa nghệ thuật đương đại lên như một sản phẩm văn hoá Trung Hoa đương đại. Hàng loạt các Biennale ra đời tại Thượng Hải, Bắc Kinh thu hút khách du lịch, kích thích nghệ sĩ sáng tạo và vô hình chung, nghệ thuật đương đại Trung Quốc đã nhanh chóng nổi bật trong thế giới nghệ thuật đương đại toàn cầu. Như vậy tính cá nhân không hề phủ nhận tính dân tộc và ngược lại, nhiều cá nhân hợp lại sẽ đẩy tính dân tộc lên một vị thế mới trong tương ứng với một xu thế xã hội mới, toàn cầu mới. Ðây là một cách nghĩ mà chúng tôi rất muốn chia sẻ với giới làm nghệ thuật đương đại Việt Nam.”

© 2006 talawas



[1]Xem website chính thức của Hội đồng Anh tại Việt Nam: www.britishcouncil.org/vietnam.
[2]Xem website chính thức của Hội đồng Anh tại Việt Nam: www.britishcouncil.org/vietnam
[3]Trao đổi với bà Phùng Thị Ngọc Trâm, Ban Nghệ thuật, Hội đồng Anh Hà Nội, tháng 9-2005.
[4]Tài liệu đã dẫn.
[5]Trao đổi riêng với ông X. Augustin, tháng 9 - 2005.
[6]Trang web này do nhà văn Phạm Thị Hoài làm tổng biên tập, thu hút sự đóng góp của một số trí thức trong nước và đặc biệt là Việt kiều và những nhà nghiên cứu người nước ngoài về nhiều khía cạnh của Việt Nam như Việt Nam học, âm nhạc, mỹ thuật, văn chương, v.v... Website này hiện nay không được phổ biến chính thức ở trong nước.