trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
19.6.2006
Đỗ Minh Tuấn
Nguyễn Thuý Hằng - Người mộng du chuyên nghiệp
 
Bộ sách Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý của tác giả Nguyễn Thuý Hằng do NXB Trẻ cấp giấy phép vừa ra mắt sôi nổi tại Viện Goethe với những dư luận trái chiều. Bằng vào số lượng các bài viết đã được công bố thì thấy rõ các ý kiến khen ngợi, bảo vệ, thậm chí tâng bốc bộ sách là nhiều hơn những ý kiến phủ định, chê bai mà đến nay mới thấy có hai bài của Nguyễn Thanh Sơn. Vậy mà, trong bài trả lời phỏng vấn in trên Văn Nghệ Trẻ số 23 ngày 4-6-2006, Nguyễn Thanh Sơn đã thản nhiên khẳng định rằng bộ sách của Nguyễn Thuý Hằng nằm trong số những tác phẩm “bị công chúng bắt bẻ kháng cự, thậm chí khước từ”. Ở đây, Nguyễn Thanh Sơn đã bộc lộ thái độ cảm tính chủ quan, hay anh tự coi mình chính là đại diện của công chúng? Hay, nói theo cách anh đã nói về Nguyễn Thuý Hằng, anh đang đã làm cái việc “nấp sau lưng công chúng” để liên tục ném ra những ý kiến cá nhân?

Nguyễn Thanh Sơn viết: “chúng ta hình như có đủ các siêu mẫu, thiên tài, nhà thơ thế nhưng chẳng có ai căn cứ vào tác phẩm của họ để giải thích cho chúng ta về tài năng xuất chúng của họ”. Ðây là một đòi hỏi đúng về nguyên tắc - phải căn cứ vào tác phẩm để phân tích và bình giá. Thế nhưng bản thân Nguyễn Thanh Sơn cũng hầu như chẳng căn cứ vào tác phẩm của Nguyễn Thuý Hằng mà chỉ chú tâm bàn những chuyện ngoài tác phẩm. Anh qui kết Nguyễn Thuý Hằng “nấp sau lưng cái mới”, chạy theo “thời thượng” “hòng đạt được sự chú ý của đám đông”. Những quy kết động cơ như vậy thật thiếu căn cứ. Bộ sách của Nguyễn Thuý Hằng được tổ chức như một chỉnh thể với ba phần khác nhau gắn kết hữu cơ trong một cách nhìn nghệ thuật khá táo bạo và mới lạ, thế nhưng Nguyễn Thanh Sơn chỉ dẫn ra mấy bức vẽ ở cuối sách, qui về chuyện sắp đặt trong nghệ thuật tạo hình, so sánh với những bức vẽ minh hoạ trong Hoàng tử bé của Saint Exupery rồi phán rằng một sự kết hợp thành công giữa hội hoạ và văn học vẫn chưa xảy ra (!). Ðánh đồng sắp đặt với hội hoạ và minh hoạ là những lầm lẫn trùng điệp về học thuật. Quy sự thể nghiệm trong tác phẩm của Nguyễn Thuý Hằng về sự kết hợp giữa văn học và hội hoạ là một sự đánh tráo vấn đề rất cẩu thả. Vì ba tập sách của Nguyễn Thuý Hằng tuy thể hiện cơn mộng du thẩm mỹ của một họa sĩ trong đời sống đương đại hỗn tạp và dung tục, nhưng không phải là một nỗ lực dung hợp văn học và hội hoạ. Những bức tranh ở cuối tập Do đó, nó lại đến chỉ là những biển báo nho nhỏ cho cái địa chỉ thẩm mỹ mà cuộc mộng du của thi sĩ đã đưa họ đến, không phải là những bức minh hoạ như của Saint Exupery hay những đứa con lai của hội hoạ và thơ.


Nỗ lực thẩm mỹ hoá một thế giới dung tục

Nguyễn Thanh Sơn đã nghiễm nhiên qui luôn tất cả ba tập sách về thể loại thơ và cho rằng viết như trong tập Do đó, nó lại đến không phải là thơ. Trong cảm nhận của tôi, bộ sách Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý là một tác phẩm tổng hợp các thể loại: thơ, truyện ngắn, thư từ, nhật ký, tạp ghi, lưu niệm với một cảm hứng thẩm mỹ xuyên suốt mang nhiều yếu tố đột phá mới lạ, kích thích cảm hứng sáng tạo cho người đọc. Nguyễn Thuý Hằng đã hai lần nhắc đến cụm từ “người mộng du chuyên nghiệp”. Cụm từ đó có thể dùng để nhận diện chính tác giả của bộ sách độc đáo này.

Phần đầu Cửa sổ đập có thể thấy nổi bật lên cảm hứng chiêm ngưỡng “người chết trôi đẹp nhất trần gian”, đó là sự cảm nhận có phần duy mỹ về thế giới đương đại. Phần hai Cá thể ướt kỳ lạ là nỗ lực cổ tích hoá những con người, những đồ vật tầm thường trong cuộc sống đương đại, như một Andersen của thời đại A còng. Phần thứ ba Do đó, nó lại đến là những nỗ lực thẩm mỹ hoá cuộc sống thường nhật hỗn tạp trong những không gian sinh hoạt cũ nát và vô vọng.

Xuyên suốt cả ba tập sách là một nỗ lực thẩm mỹ, một khát vọng thăng hoa, một cái nhìn huyền thoại của người hoạ sĩ mộng du nghệ thuật luôn nhảy vọt khỏi cái thế giới chết chóc tầm thường và thực dụng. Hãy đọc kỹ các tạp ghi trong tập Do đó, nó lại đến ta sẽ thấy lúc đầu các thực phẩm chỉ là đồ ăn trong thực đơn, nhưng sau đó những đồ ăn ấy được nhìn như chất liệu của hoạ sĩ cho một tác phẩm sắp đặt hay một không gian thẩm mỹ. Nếu trước đây nhân vật của Nam Cao trong “Sáng trăng” nhìn vầng trăng như thứ thực phẩm không ăn được, thì giờ đây Nguyễn Thuý Hằng nhìn tất cả thực phẩm ăn được như những mảnh trăng. Ðó là mọt sự đảo thế có tầm văn hoá, bộc lộ một nội lực thẩm mỹ lớn. Cách nhìn của Nguyễn Thuý Hằng thấy thế giới như tác phẩm sắp đặt, thức ăn như chất liệu hội hoạ cũng đáng trân trọng như cách nhìn của Don Quichotte nhìn những cối xay gió thành những gã khổng lồ. Don Quichotte bị ám ảnh bởi khát vọng giải phóng con người khỏi bất công, còn Nguyễn Thuý Hằng bị ám ảnh bởi khát vọng thẩm mỹ hoá thế giới tầm thường và dung tục.

Cái nhìn mới mẻ xuyên suốt ba tập sách là cái nhìn của một hoạ sĩ chuyên nghiệp, nhìn vào đâu cũng thấy màu sắc bố cục và ý tưởng tạo hình. Nỗi đam mê tạo hình chi phối cách nhìn cuộc sống của tác giả. Nhà thơ-hoạ sĩ hiện ra trong tư cách một thầy phù thuỷ, không chỉ tạo ra những bức tượng từ những thực phẩm, những phế liệu của đời sống, mà còn thổi vào những hình nhân đó một sinh khí mới của vương quốc huyền thoại-thẩm mỹ mà mình vẫn hằng sống trong những cuộc mộng du:

“Tôi bắt đầu dựng năm hình người lần lượt theo các chất liệu sau: sắt vụn, nắp chai rượu sâm banh, giấy báo, ly cafe, giấy Strada, lốp xe cũ. Sau đó tôi đặt tất cả năm hình người này ngồi vào năm chiếc ghế.” (Do đó, nó lại đến - trang 96)

Nguyễn Thanh Sơn thấy tác giả đưa thực đơn vào tác phẩm vội liên tưởng ngay tới thơ và tiểu thuyết hậu hiện đại của các ông bà Tây. Cái lối tư duy cứ đem chữ nghĩa của hôm nay lùa vào những cái khuôn của quá khứ để tung hô hay dè bỉu là lối tư duy gọt chân cho vừa giày, quan liêu và tàn nhẫn. Tại sao ta không thể đối diện với chính tác phẩm cụ thể của hôm nay để nhận diện, giải mã cho cái riêng, cái mới của tác giả chưa hề có trước đây? Việc dùng các tên tuổi để trấn áp hay dùng các cụm từ “một mớ hỗ độn”, “trò xiếc với từ ngữ” để quy chụp chỉ biểu hiện một thái độ lười biếng và học phiệt. Nếu đọc kỹ Nguyễn Thuý Hằng ta sẽ thấy cái bản lĩnh đối mặt với thế giới chết chóc, đói khát, dung tục và thực dụng hôm nay để tìm kiếm, sáng tạo một thế giới thẩm mỹ thăng hoa từ chính thế giới có vẻ phi thơ ấy.

Có thể nói văn học của chúng ta chưa có tác phẩm nào thể hiện cơn mộng du thẩm mỹ xuyên qua từng chữ, từng trang như Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý. Một khối thịt cằn cỗi cũng được Nguyễn Thuý Hằng chắp cánh cho bay trên một đám mây, xác chết trôi cũng trở thành một hình ảnh “đẹp nhất trần gian”, quỷ cũng “trang trí cho phần mộ của nó”. Những khát vọng sáng tạo, thăng hoa bứt phá khỏi đời sống thường nhật đầy nhàm chán với kinh nguyệt, tiểu đường và thực đơn các loại cứ le lói, lởn vởn, ám ảnh trong từng trang ghi chép có vẻ tuỳ tiện và dễ dãi. Người nghệ sĩ muốn chiếm đoạt toàn bộ đời sống thường nhật vô hồn nhàm chán, tẻ nhạt và đơn điệu… làm chất liệu xây dựng thế giới nghệ thuật mang một trật tự mới, một sinh khí mới. Cái ám ảnh thường trực về một thế giới thẩm mỹ như Nguyễn Thuý Hằng đã thể hiện là một điều khá mới mẻ trong văn học Việt Nam.

Trong ba tập sách có nhiều ẩn dụ mang mã tư duy sáng tạo của Nguyễn Thuý Hằng, đó là những huyền thoại về sự thăng hoa của cái đẹp. Ẩn dụ “nhảy múa trên khúc xương” và “người chết trôi đẹp nhất trần gian” là hành trình cái đẹp thăng hoa từ cái chết; ẩn dụ người gỗ cạo mặt nói về sự cộng sinh của cái đẹp với cái giả tạo; ẩn dụ cái nắp cống là chuyện cổ tích về lịch sử cái đẹp ở nơi tận cùng dơ dáy; ẩn dụ đàn bò tái sinh từ những miếng thịt bò trong lò vi sóng là một huyền thoại về sự thăng hoa vượt thoát khỏi tư cách thực phẩm tầm thường để trở thành công dân của vương quốc nghệ thuật v.v.…

“Lạ thay khi nút báo của nồi cơm điện nhảy tách từ màu đỏ sang màu xanh thì tôi lại nghe tiếng rống nho nhỏ từ bên trong, mở ra thì thấy một chú bò bé bằng con chuột nhắt đang bơi lội giữa hành, tỏi, dấm và vài con tôm nhỏ. Chú bò nhỏ bỗng cựa quậy và nhảy phắt ra khỏi nồi, đi lung tung, sục sạo khắp nơi trong nhà. Cuối cùng, chú bò đến chân tôi, cạ cái mõm vào cổ chân, rồi cứ đứng nhìn tôi chờ đợi.” (Do đó, nó lại đến, trang 65)

Sự hoá thân, tái sinh vừa kỳ diệu, vừa khiếp đảm vừa đầy khả nghi đó giống như Chúa-Jêsu-nghệ-thuật tái sinh trên thập giá của đời sống dung tục. D. T. Suzuki đã viết đại ý: “Những bông hoa dại ngoài đồng nhỏ bé khiêm nhường và giản dị biết bao. Nhưng nếu ta chăm chú nhìn vào nó, đến một lúc nào đó ta sẽ thấy nó lộng lẫy hơn cả vua Salamon lúc Ngài còn sống”. Nguyễn Thuý Hằng y như một thiền sư nhìn đăm đăm vào đồ vật và thực phẩm để đi tới môt khoảnh khắc bừng ngộ. Vật thể bước ra từ lò vi sóng chính là những ý tưởng sáng tạo, những hình tượng nghệ thuật vụt hiện làm người nghệ sĩ ngây ngất và choáng váng. Trong cái sa mạc mênh mông của một đời sống đầy chết chóc, bệnh tật, dung tục và nhàm chán vẫn dai dẳng một năng lực huyền diệu để chuyển hoá đồ đạc, thực phẩm, xác chết thành nghệ thuật, thành những giấc mơ. Ðó là do phép lạ của cái nhìn nghệ sĩ phóng chiếu vào đời sống. Ðiều kỳ diệu đó luôn ú tim, thấp thoáng ẩn hiện trong đời sống hàng ngày, trong lúc ăn lúc ngủ, lúc nấu nướng, đi vệ sinh… để rồi đến một khoảnh khắc nào đó nó thăng hoa, bùng nổ, tạo nên những huyền thoại dị thường trong chính những đồ ăn, vật dụng bình thường như quả trứng, miếng thịt bò, lò vi sóng v.v…


Andersen của thời đại A còng

Khi nhìn chăm chú vào một sự vật theo cách một thiền sư, Nguyễn Thuý Hằng không chỉ chờ đợi sự thăng hoa ra đời của một thế giới mới thoát xác từ những sự vật tầm thường đó, mà còn thể hiện sự gắn bó với cuộc sống thực, với thế giới này theo một cách riêng, giống như cái cách mà Andersen và Saint Exupery đã từng làm. Ðó là viết nên những chuyện cổ tích mới cho những vật tầm thường tràn ngập đời sống đương đại. Ðây là một đoạn trong chuyện cổ tích về những cái nắp cống trong thành phố:

“Tất cả những nắp cống ấy đều được sản xuất từ thế kỉ mười sáu, nơi nhiều con khủng long bò mộng ra đời, miệng có một cái vòi và chỉ uống toàn sữa chua. Người ta đặt chúng lung tung trên phố, có khi trên mái nhà, vì đơn giản có nhiều thứ rác từ trên trời rơi xuống, có khi là nước, có khi là một cơ thể dính vài ba giọt sương trôi tuột vào ban đêm, lọt vào chiếc giường êm ái. Nhưng từ khi loài khủng long bò mộng ấy mất dần đi thì cũng là thời gian những nắp cống được hạ từ mái nhà xuống lòng đường, ven phố. Mỗi người đều muốn chiếm đoạt chúng bằng việc viết lên nhưng dòng chữ đơn giản nhất, ao ước có một bữa ăn tối thật ngon, có được kẻ lạ mặt trong nhà, có được một âm thanh kì quặc nhất. Nhưng vào thời điểm tôi xuất hiện nơi đây thì chúng biến thành những lời răn đe, đừng để kẻ lạ mặt vào nhà, đừng cho âm thanh nào xáo trộn đời ta nhất, đặc biệt là đừng nên ao ước có một buổi tối thật ngon, vì kéo theo đó là sự chán nản buồn nôn, ói mửa và quặn người trong buồng tắm độc thân.“ (Cá thể ướt kỳ lạ, trang 74-75)

Nếu trong văn xuôi, đôi giầy đỏ dưới chân người phụ nữ làm dáng khua vang trên đường phố phòng họp hay trong bếp có thể trở thành hình tượng cô Kếu gái tân thời, những lon sữa và túi ni lông lăn lóc trên quảng trường có thể trở thành những chi tiết trong một phóng sự phê phán về vệ sinh môi trường hay nếp sống văn hoá trong đô thị thời đổi mới, thì trong tác phẩm của Nguyễn Thuý Hằng tất cả đều được cổ tích hoá biến thành những tiếng kèn vang lên quanh thân thể người phụ nữ:

“Họ đang cố xây dựng ngay quảng trường này thân thể một người phụ nữ nhằm xua đi những hỗn loạn âm thanh bên ngoài. Vẽ, kí họa, bôi xoá rồi phác thảo. Nhưng cuối cùng vẫn chỉ là một khoảng trống dành cho những tay chơi kèn trứ danh, kèn làm bằng lon sữa loại giảm béo, kèn làm bằng thứ lông chim mỗi chiều bay bát nháo trên chóp nhà thờ, kèn làm bằng thứ nhựa trong suốt mà người ta cố gắng đi thâu lượm ni lông ở các thùng rác rồi nung chảy chúng. Còn tôi, đứng giữa trời với một thứ kèn đặc biệt làm từ đôi giày người đàn bà nọ, mỗi khi tôi thổi nó lên mọi người đều ùa vào và nói “a, đây là đôi giày của cô B… mỗi tối cô ta mang nó và đứng ở góc đường đằng kia, sáu năm trời gắn bó, một miếng giẻ rách trên đầu, tả tơi”. Cứ thế, tiếng giày người phụ nữ khua liên tiếp trên đường phố, khi trầm lặng khi vội vã hoặc đi một cách kiên nhẫn từ nhà đến một cửa hiệu nào đấy. Có nhiều thời gian, tôi lại nghe tiếng chân cô lê nhẹ quanh phòng, loay hoay trong kệ bếp và đứng tư lự bên thành cửa. Cô chờ đợi một người đàn ông đang cố trở về nhà trong đôi chân nhỏ xíu, mở cửa chạy ùa vào lòng cô.” (Cá thể ướt kỳ lạ, trang 70)

Khi viết những chuyện cổ tích về đôi giày, nắp cống… Hằng đã giống như một Andersen trộn lẫn cái tầm thường và cái huyền diệu, sự ngạc nhiên và sự mỉa mai, sự khoan dung có chút gì hài hước và cay nghiệt. Nhà thơ đã thực sự sáng tạo ra những hình tượng nghệ thuật mới mẻ ám ảnh và day dứt, làm bừng lên những ánh sáng huyền ảo của cái đẹp soi rọi vào cuộc sống còn nhiều ô hợp và nham nhở quanh ta.


Một thế giới liên thông mang tinh thần Phật giáo

Trong bài viết phê phán bộ sách Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý, Nguyễn Thanh Sơn đã dẫn ra đoạn trích dưới đây làm bằng chứng cho cách viết “cố làm ra vẻ kỳ bí”. Ðiều thú vị là đoạn trích này lại được nhiều độc giả coi là một trong những đoạn hay nhất của bộ sách trên:

“Hôm nay gà trống tơ có quá nhiều con quỷ đến uống nước và trao đổi suy nghĩ cho nhau, chúng đánh đổi quả tim nhàu nát hoặc quả thận đã thối rữa chỉ dùng cho sáu ngày. Tôi ngồi giữa những con quỷ đó quan sát tuần hoàn máu của nó. Lại một lần nữa màu đỏ có sức quyến rũ dữ dội, bên dưới chiếc mông của nó, một màu đỏ cũng lặng lẽ chảy êm đềm, cuốn hút say mê, nệm ghế và quần lót cũng màu đỏ nốt. Tôi phải pha loại cà phê gì đây? Người đứng trong quầy hỏi, đến giờ này cà phê cũng có chung một màu đặc sệt. Tôi nói, cà phê dành cho tiểu đường, thật nhiều đường, máu. Những con bò trôi lượn lờ dưới chân bàn, thả tiếng kêu trong lỗ tai, bọn chúng lại hỏi: đối lập với bí mật là gì? Vào thời điểm này, trong thời kỳ lớn dậy của màu đỏ, tôi thấy chỉ có đôi giày đỏ có sức đối lập với bí mật.” (Do đó, nó lại đến, trang 22).

Ðoạn trích trên là bằng chứng của việc Nguyễn Thuý Hằng luôn luôn sống trong cơn mộng du nghệ thuật. ở đâu, lúc nào Hằng cũng bị ám ảnh bởi hình ảnh và mầu sắc của một bức tranh. Những câu chữ có vẻ lộn xộn đó cho thấy một sự giao thoa hoà trộn giữa những ám ảnh về màu sắc và những tưởng tượng miên man của người hoạ sĩ trong cuộc sống thực của quán cà phê, như một hoà âm trong bản giao hưởng mộng du nghệ thuật. Nguyễn Thanh Sơn không cảm thụ được sự hoà trộn tinh tế đó nên đã đem cách đọc tuyến tính của mình ra làm thước đo phán xét thi pháp của nhà thơ. Anh đã phê phán những đoạn như trên đây từ quan điểm sáng tác thể hiện trong hình tượng người phụ nữ đan len:

Một nhà văn thực sự, cũng giống như người phụ nữ đan len, cẩn thận nắm lấy suy nghĩ đầu tiên của mình, luồn nó vào vào sợi kim đan, và bắt đầu nhẫn nại đan nên chiếc áo-tác phẩm của mình. Theo vòng quay của cuộn len, những suy nghĩ cứ nối nhau xuất hiện, được rút tỉa, thắt chặt, nối thêm, để cuối cùng, trở thành một tác phẩm, với muôn ngàn tư tưởng phức tạp được kết nối lại hài hoà, nhưng vẫn được bắt đầu từ một suy nghĩ đầu tiên.

Những người viết vội vàng cũng giống như chú mèo con bới cuộn len tư tưởng hấp dẫn (...) làm rối tung các ý nghĩ, cho đến khi những sợi len cuộn chặt lấy chân làm chú ngã xuống, hoặc có ai đó lôi chú ra khỏi đám hỗn độn mà chú vừa tạo nên. Nguyễn Thuý Hằng cũng giống như chú mèo ấy, và đám hỗn độn là ba tập sách vừa được xuất bản Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý.”

Nguyễn Thanh Sơn đã thô thiển hoá, đơn giản hoá tư duy sáng tạo của nhà văn, coi nó như một công việc thủ công mà nguời cầm bút phải tiến hành thao tác theo trình tự đầu đuôi. Trên thực tế, nhiều nhà văn sáng tác đoạn giữa hoặc đoạn kết trước khi tìm thấy đoạn đầu. Nhiều ý tưởng thiên tài vụt đến toàn khối trong những mặc khải và linh cảm chứ không phải xếp hàng tuần tự trong óc nhà văn để ra đời theo kiểu đan len, mũi trước đan xong mũi sau tiếp nối. Nếu sử dụng ẩn dụ của Nguyễn Thanh Sơn, coi người viết như một phụ nữ đan len thì người ta cũng có thể viết một đoạn kết hoàn toàn khác theo tinh thần sáng tạo toàn khối đã nói trên đây. Khi thấy cô gái ngồi khóc trước cuộn len bị rối, Bụt đã hiện lên ném tất cả mảnh áo vừa đan vào sọt rác rồi cho cô chiếc áo dệt bằng phép lạ thần linh. Nguyễn Thuý Hằng và nhiều nhà văn khác đã vứt bỏ những trang viết theo logic thủ công đơn giản để nhận lấy những quà tặng bất ngờ của trực giác sáng tạo kỳ diệu với những cảm xúc và liên tưởng ở đẳng cấp mới như đã thấy trong bộ sách Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý. Những liên tưởng của Hằng trong ba tập sách thoạt xem có vẻ loạn xạ và tuỳ tiện, nhưng tất cả đều tuân thủ logíc của một thực tại nghệ thuật theo kiểu tranh Dali. Một phần thân thể con người có thể vắt trên cành cây, chiếc giầy có thể đặt trong khay thức ăn và con bò tí hon có thể bơi lội trong lò vi sóng. Nguyễn Thuý Hằng giống như một hoạ sĩ đặt tất cả các vật thể lên một mặt toan, cho chúng tương tác với nhau theo logíc của màu sắc và bố cục, và không ít những liên tưởng bất ngờ sâu sắc bật lên từ thế giới có vẻ hổ lốn và phi lý đó:

“Người con trai uể oải ngắm nhìn cơ thể trong chiếc gương cũ, một viên bi nhỏ nơi chiếc lưỡi, ngày mai ta đến trường với thân thể trần như nhộng, bắp thịt nhảy nhót, ta muốn chiếm trọn một khoảng không, một quảng trường, chẳng hạn, nơi cành cây kia ta sẽ mang một phần cơ thể trên đó, và bạn, nụ cười nhỏ, ta sẽ dành một khoảng trống cho người, ôi tiếng chim không ngừng nhảy nhót, một ô vuông bé, vừa vặn bàn tay nhỏ, cơ thể ta sẽ nằm đó, mọi thứ đều hướng lên trời, kì diệu thay dưới bàn chân nhỏ của chàng tình nhân, mọc lên một gương mặt ta trong đó, mỉm cười.” (Cá thể ướt kỳ lạ, trang 38-39)

Trên sân chơi mênh mông của vũ trụ, con người và sinh vật, tư tưởng và đồ vật, không gian và thời gian, mùa thu và bọn quân phiệt, lá vàng và chấy rận đều được xếp cạnh nhau trong tương tác bình đẳng, như một xã hội mở rộng, một xã hội mà con người không chỉ giao tiếp với nhau mà còn liên thông, biến hình với / trong / thành vô vàn thứ khác. Trong thơ Hằng, luôn luôn có một điều kỳ diệu mi ni, như con bướm nhỏ đậu trên những điều tầm thường vụn vặt, thậm chí ẩn náu sau những điều nhàm chán và thô kệch để bất chợt bay lên.

Lần đầu tiên thấy trong thế hệ 8X cái da diết trữ tình hiện ra trong ống kính vạn hoa, nhuần nhuyễn trong cái mới, liên thông và hoà trộn. Không phải là sự ghép lại những mảnh vụn của cái bình đã vỡ như cách nhìn hình dung sách vở thô sơ của các nhà phê bình lạc hậu và lười biếng, mà ở đây bộc lộ cảm hứng về sự hoà trộn xâm nhập thẩm thấu liên thông của các sinh thể, vật thể trong vũ trụ theo quan niệm của người phương Ðông. Trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Thuý Hằng, những nắp cống, lò vi sóng, đàn bò, tượng sắt, xác chết… những vật thể sinh linh trong vũ trụ đều được nối kết, hoà trộn, chồng kề và tan biến vào nhau nhờ phép lạ của cái nhìn hoạ sĩ, theo tinh thần Phật giáo. Trong những trang viết của Hằng có sự hoà trộn của nhiều sắc thái tình cảm: chua chát, cay nghiệt, thảng thốt, ân tình và bình thản. Ðôi khi, có những câu những đoạn rờn rợn một mặc khải, có dáng dấp những dòng kinh Coran. Trong sự kết nối, hoà trộn, liên thông đó, con người và sự vật trở nên mất đi hình hài toàn vẹn, ý nghĩa toàn vẹn, logíc toàn vẹn, thái độ và hành vi toàn vẹn, nhiều khi chỉ còn là những ánh đom đóm lập loè từ cả bên trong chủ thể sáng tạo và bên ngoài cuộc sống xã hội. Sự vật, con người, ý nghĩa và cảm xúc bị cắt vụn ra, được nhà thơ chụp lấy một mảnh nào đó có vẻ ngẫu nhiên, vu vơ rồi cho chúng chuyển động theo một logíc riêng trong liên tưởng của nhà thơ, tạo nên những đốm sáng của một thể thơ flash. Lúc vui mắt kỳ ảo, lúc lập loè ma quái, lúc điên loạn rối ren.

V. I. Lenin đã thể hiện một thái độ trí thức khi nói rằng ông không thích thơ Mayacovsky nhưng không thể biến sự không thích của cá nhân ông thành nguyên tắc thẩm mỹ bắt mọi người phải tuân theo. Nguyễn Thanh Sơn có quyền không thích thơ Nguyễn Thuý Hằng và thơ của nhiều người khác nữa, nhưng anh cũng nên học theo thái độ lịch lãm của Lenin để không dùng quyền lực của ngòi bút phê bình áp đặt sở thích cá nhân vào đời sống văn chương, biến mọi sở thích cá nhân - đôi khi xuất phát từ sự ngẫu hứng quan liêu - thành những nguyên tắc thẩm mỹ quan trọng nổi cộm trên sách báo.

© 2006 talawas