5. Đồ gốm Bát Tràng: Bát Tràng đi vào ca dao với những viên gạch lót sân, nhưng thật ra gạch chỉ là một phó sản. Gạch Bát Tràng (dân địa phương gọi là gạch da sắt, thật ra là bao nung để nung các món khác, sau 3 lần nung, thì trở thành gạch da sắt) được bán để lót sân, lót hè. Bát Tràng sản xuất rất nhiều đồ gốm các loại, dùng trong đời sống hàng ngày, trong việc thờ phụng Phật, Thánh, đình làng… như chén đĩa, lu, hũ, bình, ấm, bình vôi, điếu bát, chân đèn, lư hương, hình tượng, mâm, đỉnh… Gốm bát tràng cũng gồm nhiều nước men màu, trắng ngà, trắng xám, nâu, xanh rêu… Hoa văn phong phú, đủ mọi thể loại, từ hoa lá, muông thú đến các sử tích Trung Hoa (bát tiên quá hải, Tô Vũ chăn dê…). Ðồ Bát Tràng ghi những niên hiệu nhà Mạc, nhà Lê, nhà Tây Sơn, Nguyễn, niên hiệu cổ nhất ghi năm làm là năm Sùng Khang thứ 7 đời nhà Mạc (1572).
[1] Cho đến nay, Bát Tràng vẫn liên tục sản xuất đồ gốm cho thị trường nội địa. So với đồ gốm Chu Đậu thì nước men Bát Tràng không mỏng bằng và nét vẽ lem luốc hơn.
|
Men lam Huế, đĩa Mai Hạc – do Nguyễn Du đặt làm
(Các hình trong bài chụp từ bộ sưu tập của Bùi Ngọc Tuấn) |
6. Đồ ‘Men lam Huế’:
Trước hết xin nhắc lại rằng, màu men xanh biếc của đồ sứ đời Minh, đời Thanh chính là của men xanh Persian, chỉ mới được nhập cảng vào Trung Hoa bắt đầu từ đời nhà Nguyên, theo ngót chân quân Mông Cổ (Trung Hoa và Việt Nam không có khoáng chất cobalt tạo nên màu men xanh nước biển đậm đó). Chắc vì giá đắt nên ở Việt Nam, màu men lam này được dùng chung với màu chàm (đồ Chu Đậu) để tạo nên hai sắc lam đậm nhạt trong đồ gốm Việt. Những đồ men lam thường được sưu tập là đồ nhập cảng nguyên chiếc hay đặt làm từ Trung Hoa vào. Vì đồ này được dùng rất nhiều ở cung đình Huế nên thường được gọi là đồ 'men lam Huế'. Chúng tôi lại chia loại này thành hai: (1) Đồ Nội Phủ và đồ Khánh Xuân, do Trịnh Sâm đặt bên Tàu; (2) Đồ đời Nguyễn do các vua Gia Long, Thiệu Trị, do sứ bộ Nguyễn Du, sứ bộ Phạm Phú Thứ... họa kiểu, đặt làm bên Tàu.
a. Đồ Nội Phủ và Khánh Xuân:
|
Men lam Huế, đĩa Nội Phủ - của chúa Trịnh Tùng |
Trịnh Sâm họa kiểu và cho đặt tại lò Cảnh Đức Trấn bên Tàu.
[2] Theo ông Vương Hồng Sển, mới đầu Trịnh Sâm làm đồ 'Nội Phủ', dưới đáy viết mấy chữ: 'nội phủ thị trung', 'nội phủ thị tả', 'nội phủ thị hữu', 'nội phủ thị đoài'... (Phủ đây là phủ Chúa, để phân biệt với cung Vua). Vài năm sau, khi sửa soạn chiếm ngôi vua của nhà Hậu Lê, Trịnh Sâm bỏ đồ 'Nội Phủ', mang hết các món này cho vua Lê, rồi đặt làm cho mình một loại đồ đẹp hơn, dưới viết mấy chữ 'Khánh Xuân thị tả'. Tuy làm cùng một lò, nhưng đồ 'Khánh Xuân' đẹp hơn và lộ ý muốn chiếm ngai vàng nhà Lê một cách rõ rệt. Chúng tôi có được vài đĩa Khánh Xuân lớn 26cm, với hình rồng năm móng (biểu hiệu dành riêng cho vua) và lân (Trịnh Sâm và thế tử Trịnh Cán), và vài đĩa khác chu vi 26cm, cũng với đôi rồng năm móng.
[3] Đồ Nội Phủ và Khánh Xuân được người ta xếp vào loại 'Men lam Huế' vì ngoài những nét tương tự, những đồ này cũng lại được tìm thấy ở Huế, khi bà Từ Dụ cho bán đi mấy chục năm trước đây. Học giả Vương Hồng Sển nói rõ rằng: Khi ra chiếm Thăng Long, vua Quang Trung đã mang hết các đồ dùng của chúa Trịnh về Phú Xuân. Khi thống nhất sơn hà, vua Gia Long lại lấy đồ của nhà Tây Sơn mà dùng tiếp, vì thế đồ Nội Phủ và Khánh Xuân mới xuất hiện nhiều ở Huế.
|
Đĩa Khánh Xuân - của chúa Trịnh Tùng |
Ngẫm lại thấy nhà Trịnh, nhà Nguyễn, nhà Tây Sơn đánh nhau, rồi lại đều ăn uống trong cùng các tô, đĩa này, bây giờ khi cầm mấy món này trong tay săm soi, ngắm nghía chúng tôi không thể ngưng bàng hoàng xúc động. Rồi lại buồn thêm rằng lịch sử chẳng bao giờ thay đổi; cứ đánh giết nhau thả giàn, rồi kẻ thắng thì hân hoan chiếm đoạt vợ con tài sản của người ta; kẻ thua thì chết trong đau đớn hay chạy trốn xa khơi, lạc nhà, mất nước, thật là phiền nhiễu. Chi bằng cứ cùng ngồi chén chú chén anh, ăn trong cái tô Lý Lục có ám họa hoa cúc, uống từ cái ấm Lý Nâu vẽ chân chim như đời sống an bình mà người thợ đồ gốm đã làm ra cho mình, chẳng sướng hơn sao?
b. Đồ đời Nguyễn:
Dưới đời Nguyễn, kỹ nghệ đồ gốm của người Việt suy sụp, thị trường trong nước và quốc tế bị mất vào tay người Tàu, người Nhật. Vua quan nhà Nguyễn mê chuộng văn hóa Trung Hoa, cái gì cũng rập theo nhà Thanh. Triều đình nhà Nguyễn đặt rất nhiều đồ men Lam làm bởi lò Cảnh Đức Trấn bên Tàu. Thời vua Gia Long, đồ lấy được của Tây Sơn - Chúa Trịnh còn nhiều, khá dư dùng. Thêm vào đó, Gia Long dựng nước trên mình ngựa, ít thì giờ chú trọng đến việc này, nên số đồ đặt bên Tàu còn ít. Nhưng sang các đời sau (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức) thì đồ đặt rất nhiều. Tên húy của các vua nhà Nguyễn (Ánh, Đảm, Thì...) thuộc bộ 'nhật' của chữ Hán, nên các tô đặt làm có ký chữ nhật dưới đáy). Những khi gặp tô chữ nhật, (nếu không phải là đồ giả do Nhật Bản làm bán cho những người mới bắt đầu sưu tập), ta biết ngay đây là đồ dùng trong cung điện nhà Nguyễn. Những tô chữ nhật này khá lớn, trong lòng tráng men trắng, bên ngoài có vẽ cảnh phong thủy Việt Nam, và có thơ chữ nôm.
[4]
Nổi tiếng nhiều trong loại đồ này là ‘đồ mai hạc’. Những bộ chén, đĩa trà vẽ hình cây mai và chim hạc, cùng hai câu thơ nôm của Nguyễn Du:
'nghêu ngao vui thú yên hà - mai là bạn cũ, hạc là người quen'. Đồ này được Nguyễn Du đặt làm lần đầu khi đi sứ nhà Thanh năm 1813. Ngoài những đồ đặt làm, đời Nguyễn còn nhập cảng nhiều đồ men lam khác của nhà Thanh. Những món này được giới quan lại và các nhà giàu Việt Nam rất ưa chuộng.
Hy vọng rằng những hình ảnh và lời giới thiệu ngắn ngủi trong bài viết này sẽ tạo nên những hiểu biết và ý thích khởi đầu nơi những người trẻ tuổi, để từ đó tìm hiểu, duy trì và phổ biến những giá trị đặc biệt rất đáng được ngợi ca, hãnh diện của văn hóa Việt Nam. Trong suốt lịch sử dân tộc, những chuyển biến chính trị dù xáo động đến thế nào cũng chỉ có giới hạn ngắn. Những ảnh hưởng, chủ thuyết ngoại lai thảy rồi cũng bị gạn lọc, đào thải, để chỉ có phần hay đẹp mới được hoà nhập vào dòng văn hóa Việt Nam. Chúng tôi tin rằng những thay đổi tốt đẹp trong xã hội, văn hóa, dân tộc Việt sẽ từ từ chuyển biến. Và trong khung cảnh đó, các cuộc khai quật, nghiên cứu, duy trì và phổ biến đồ gốm, đồ đồng dân tộc sẽ phát triển mạnh mẽ. Nhiều nhà nghiên cứu ngoại quốc đã khám phá, nghiên cứu và ca ngợi đồ gốm Việt Nam.
[5] Thế giới nhìn ra và đánh giá rất cao khía cạnh này của văn hóa Việt, tại sao chúng ta lại lơ là? Tại sao chúng ta không khuyến khích những lò gốm ở Việt Nam hiện nay trở lại học và làm những món đồ giống như đồ Lý-Trần, đồ Chu Đậu đó để dùng hàng ngày? Những đồ này đẹp ăn đứt chén đĩa làm bằng máy, sản xuất hàng loạt của Tàu của Nhật, của Âu Mỹ.
Nếu không có Adobe Reader™ để đọc bản PDF, xin bấm vào |
|
© 2006 talawas
[1]Thật ra, Bát Tràng đã góp phần trong nền đồ gốm Lý Trần rực rỡ bắt đầu từ thế kỷ 11 trước đó rồi.
[2]Ðây là lò gốm dành riêng cho việc chế tạo đồ dùng trong cung điện Trung Hoa, thời này do Đường Anh, một tay kỳ tài của đồ gốm Trung Hoa điều khiển.
[3]Muốn biết rõ về loại đồ này xin đọc sách
Lược khảo về đồ sứ cổ men Lam Huế cuả Vương Hồng Sển.
[4]Người Tàu không đọc được chữ nôm nên đôi khi đã viết sai. Ông Trần Ngọc Sơn, ở Huế có tìm được một tô chữ nhật với bài thơ 'một sắc nước in trời' mà câu thứ hai được lặp lại hai lần, còn câu thứ ba thì lại thiếu trọn. Xin xem
Đồ sứ men Lam Huế - Những trao đổi học thuật, nxb Thuận Hóa, 1997.
[5]Trong những cuộc bán đấu giá của nhà Christie of London, của nhà Sothebys, có những món đồ gốm Việt được bán với giá hàng chục nghìn Mỹ Kim.