trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Xã hội
Giáo dục
  1 - 20 / 171 bài
  1 - 20 / 171 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Xã hộiGiáo dục
6.7.2006
Đông La
Trước ngưỡng cửa đại học
(Nhân kỳ thi vào đại học 7-2006)
 
Đó là cái ngưỡng cửa thần diệu bởi nó có thể biến đổi cả khả năng và số phận của một con người, có thể biến được những đứa trẻ chăn trâu thành những nghệ sĩ và những nhà khoa học. Nước ta là một nước văn hiến, luôn coi trọng sự học. Trong một truyện của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có gia đình làm nghề mổ lợn, tuy giầu có nhưng vẫn ức vì thuộc dòng họ ít chữ, “thô lậu”, nên cụ trưởng tộc trước khi nhắm mắt xuôi tay đã gạt mâm thức ăn khi người con cả dâng cho mà trăng trối lại rằng: “Chả ra gì, chữ mới cần”.

Quả thật, chữ mới cần. Hơn bao giờ hết, một đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu, đang phấn đấu vươn lên như nước ta hôm nay, càng cần đến chữ nghĩa. Nhà nước luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, mỗi gia đình cũng đều coi việc học hành của con cháu là mối quan tâm hàng đầu. Chính vì thế chưa bao giờ chuyện giáo dục lại được mọi người quan tâm, thảo luận, góp ý sôi nổi như những ngày hôm nay.

So với hồi chúng tôi đi học phổ thông hai, ba chục năm về trước, xem sách giáo khoa ba môn toán, lý, hóa, ta thấy lượng kiến thức được giảng dạy hôm nay toàn diện và cao sâu hơn nhiều. Cửa hàng sách nào cũng tràn ngập sách luyện thi. Theo đà phát triển kinh tế, cơ sở trường lớp, đời sống giáo viên ngày một nâng cao, học sinh cũng được nuôi dưỡng chu đáo hơn. Tức điều kiện để dạy và học hôm nay đã tốt hơn xưa rất nhiều. Thế nhưng sao còn quá nhiều âu lo, quá nhiều gay gắt khi mọi người nói và viết về ngành giáo dục Việt Nam trong chính những ngày hôm nay. Thậm chí có những giáo sư đáng kính đã phải phẫn nộ khi cho rằng, ngành giáo dục đã thực hiện một hành động tội ác đối với học sinh khi đưa ra chương trình cũng như phương pháp giáo dục quá tải, nhồi sọ, học vẹt, phản tác dụng, học quá nhiều nhưng hiểu lại chẳng được bao nhiêu!

Trong một buổi tọa đàm “Dạy, học và thi ở phổ thông” do Viện Nghiên cứu Giáo dục thuộc Đại học Sư phạm TPHCM và báo Tuổi Trẻ tổ chức, một giáo viên toán cho biết những năm trước, đến kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, Bộ Giáo dục đều ra đề cương chuẩn kiến thức và đề mẫu, rồi ra đề thi trong đó, nên môn toán 70-80% thí sinh đạt yêu cầu, khi bỏ cách làm trên, kết quả tụt ngay xuống 61%. Còn cho các kỳ thi đại học, Bộ ra 150 đề mẫu kèm lời giải, các trường lấy đó ra đề thi; rồi chính những người ra đề lại tổ chức luyện thi... Như vậy, các cách làm trên đã khiến cho học sinh học tủ, học lệch, tất dẫn đến kiến thức què, cụt. Khi Bộ Giáo dục thay đổi cách thi, ra chung đề, vừa để loại bỏ chuyện học tủ vừa có điều kiện để thống kê, đánh giá khả năng học sinh trên cả nước, kết quả là đã khiến nhiều người phải “rùng mình” khi trên 80% học sinh đạt điểm thi dưới trung bình, rất nhiều em tổng ba môn chỉ được 1-2 điểm! Tại sao với một chương trình đào tạo đồ sộ, ngay học sinh cấp I đã phải đeo ba lô đến trường như cha ông đeo ba lô vượt Trường Sơn ngày nào lại quá tệ như vậy?

Có chuyện học tủ, học lệch có lẽ bởi khả năng tiếp nhận tri thức của con người có giới hạn. Với mục tiêu tốt đẹp là đào tạo con người toàn diện, nền giáo dục chúng ta coi trọng các môn như nhau đối với mọi học sinh; rồi môn học nào cũng muốn truyền thụ thật sâu thật rộng kiến thức. Như vậy sẽ dẫn đến sự quá tải, học sinh không thể gánh vác nổi cái mong ưóc tốt đẹp đó, nên phải tự cứu lấy mình, bằng cách tự phân ra những môn chính phụ, rồi dành thời gian cho những môn chính để đối phó với kỳ thi vào đại học hắc búa. Học sinh tất phải học tủ, học lệch, phải bám vào các lớp luyện thi và trông cậy vào may rủi khi đi thi.

Bộ Giáo dục đã giải quyết sự quá tải bằng một động tác cơ học đơn giản là cắt bớt nội dung giảng dạy. Như vậy là đã chủ động tạo ra những lỗ hổng kiến thức. Nhưng cắt gọt bao nhiêu thì vừa đủ, trong khi sự phát triển của tri thức là một hành trình liên tục. Người ta không thể chỉ biết cái cũ mà không biết cái mới, bởi cái cũ hôm qua là đúng thì hôm nay không còn hoàn toàn đúng nữa; nhưng người ta cũng không thể chỉ biết có cái mới, bởi để hiểu được cái mới người ta cần phải biết cái cũ. Vậy để giải được bài toán giảm tải cần phải xác định lại cái mục đích. Học tập là để hiểu biết chứ không phải học vẹt, thi cử là để kiểm ra sự hiểu biết, sự sáng tạo của học sinh chứ không phải kiểm tra sự học thuộc lòng của học sinh.

Cũng trong buổi tọa đàm trên, giáo sư Phạm Phụ (Đại học Bách khoa TPHCM) có một ý kiến thú vị: “Cần xem lại mục tiêu và nội dung giáo dục phổ thông. Tôi có cảm giác chúng ta chuẩn bị để đào tạo ra các nhà toán học, các nhà ngôn ngữ học nên còn nặng về nhồi nhét, hạn chế việc tư duy”. Ông cũng cho rằng: “Sách giáo khoa đến người lớn cũng còn chưa hiểu huống gì học sinh”. Như vậy chúng ta cần phải xác định tính chất của tri thức phổ thông. Theo tôi cần phải truyền đạt cho học sinh phổ thông một cách toàn diện tri thức cơ bản mà thời đại đã đạt tới nhưng ở mức độ phổ thông. Sự quá tải trong chương trình hiện tại không chỉ do nội dung quá nhiều mà chính là dạy quá sơ sài nhưng thi cử lại quá hóc búa. Các đề thi không nhắm vào sự hiểu biết bản chất tri thức mà chủ yếu nhắm vào những kỹ xảo tính toán (với các môn tự nhiên), khả năng học thuộc lòng (với các môn xã hội). Nhiều bài toán rất phức tạp nhưng chỉ để hiểu những điều rất đơn giản. Thí dụ trong một đề thi khối A, để tìm được tần số góc ( trong bài toán mạch điện xoay chiều, học sinh phải đưa ra được 3 phương trình liên quan đến những tri thức khác nhau; bài thi còn những bài khó khác nữa. Vậy chỉ với 180 phút làm bài, ra đề như vậy, có khác gì đánh đố, nếu không luyện thi không một học sinh nào có thể làm được, và với một độ phức tạp như vậy, chính những người ra đề cũng khó mà làm được nếu không biết trước.

Công trình biên soạn sách giáo khoa cũng vô cùng quan trọng. Một cuốn sách được soạn tốt, đọc đến đâu hiểu đến đấy thì việc học nhiều không phải là gánh nặng mà là sự thú vị. Trái lại, một cuốn sách soạn dở, người đọc bị vấp, không hiểu, mà khi đã không hiểu thì dù có học ít bao nhiêu cũng sẽ là quá tải. Sự khó hiểu đối với tri thức không chỉ vì nó cao sâu mà còn vì sự truyền đạt. Thầy giỏi, nhiều kinh nghiệm luôn giảng dễ hiểu hơn. Với một vấn đề hóc búa, có khi ta không hiểu một tí gì khi đọc ở cuốn sách này nhưng lại hoàn toàn có thể hiểu khi đọc một cuốn sách khác. Vậy việc biên soạn sách giáo khoa cần phải giao cho những người có trình độ cao, có kinh nhiệm giảng dạy, có khả năng diễn đạt mạch lạc, phải hiểu được khả năng tiếp nhận của học sinh. Cần chú ý sự giải thích, tránh nói tắt, làm sao học sinh khá trở lên có thể tự hiểu, người thầy chỉ cần hỗ trợ và mở rộng tri thức trên cơ sở đó. Sách giáo khoa những môn tự nhiên chưa được vậy nên Giáo sư Phạm Phụ mới nói “đến người lớn cũng không hiểu” là vì thế. Nếu sách giáo khoa sơ lược, viết tắt, trên bục giảng thầy cô cũng theo đó mà dạy sơ lược, dành phần chi tiết để dạy thêm, dành phần khó để ra đề thi, như thế con cháu chúng ta làm sao mà không bị quá tải, khác nào bị tra tấn!

Một vấn đề nữa cũng tạo nên sự quá tải, đó là nền giáo dục của chúng ta coi tất cả các môn tự nhiên cũng như xã hội quan trọng như nhau đối với mỗi học sinh. Chiến lược đào tạo con người toàn diện là tốt, nhưng cào bằng các môn là không nên. Bởi những học sinh thiên về toán, lý, hóa có muốn cũng không đủ thời gian đi sâu vào các môn xã hội. Tri thức thì mênh mông, khả năng tiếp thu của con người chỉ giới hạn, vậy đòi hỏi quá cao là không tưởng. Có lẽ ta nên coi trọng các môn như nhau nhưng yêu cầu với mỗi đối tượng học sinh thì khác nhau. Ví như môn lịch sử, các học sinh thi đại học khối A, làm sao có thể có thời gian và hứng thú học thuộc lòng tất cả ngày giờ các trận đánh, bao nhiêu quân địch bị chết trong mỗi trận... Ngồi xem tivi nghe mấy ông thầy mặt mày nghiêm trang bồi dưỡng môn Địa, giảng kế hoạch phát triển kinh tế y như trình bầy trước quốc hội, mấy cô cậu 18 tuổi măng sữa làm sao mà thích thú được, nhưng vẫn buộc phải học. Như vậy, tính chất nhồi sọ, sự áp đặt tri thức một cách khiên cưỡng, không phù hợp với tâm lý người nghe không thể làm cho con cháu chúng ta phát triển toàn diện được, mà chỉ là sự hành xác. Đi học không xuể, đi thi bị điểm kém tất sẽ sinh ra phản tác dụng. Vậy yêu cầu về các môn xã hội đối với các em thiên về tự nhiên không thể như với các em thiên về xã hội, và ngược lại. Như vậy việc chia ban là cần thiết. Nhưng làm sao giải được bài toán về đào tạo nhân cách toàn diện. Theo tôi, chính sự quyến rũ của những bài giảng khiến cho học sinh yêu những vấn đề trong đó chứ không phải do những biện pháp cưỡng chế bằng thi cử. Không ai bắt con cháu chúng ta học sử Trung Quốc nhưng phim lịch sử Trung Quốc hay quá nên chúng hiểu lịch sử Trung Quốc hơn cả lịch sử nước ta. Cần dạy cho học sinh hiểu lịch sử, khơi dậy tình yêu bằng những ý nghĩa sâu sắc của những sự kiện chứ không nên buộc học sinh phải thuộc lòng các chi tiết như những nhà viết sử. Nếu em nào sau này thích đi vào ngành sử, các em chỉ cần biết đọc cũng có thể tra cứu đầy đủ những chi tiết đó nếu có tài liệu, vậy cần gì phải bắt học sinh học thuộc?

Như vậy, để giảm tải mà lại nâng cao được chất lượng giáo dục, cần thay đổi nhiều về mục đích, nội dung, cách thức đào tạo. Vừa qua, nhà nước đã quan tâm và đầu tư nhiều cho ngành giáo dục. Nhưng không hiểu sao với nhiều chương trình rất tốn kém người ta lại chỉ có thể đưa ra được những cải cách rất buồn cười, điều mà dư luận đã nói nhiều. Sự đổi mới thi cử cũng là vấn đề cấp bách. Người ta nói nhiều đến thi trắc nghiệm. Kiểu thi này phù hợp với phương pháp dạy cho học sinh hiểu biết chứ không cần phải thuộc lòng. Có điều, cần phải có thời gian đổi mới phương pháp dạy trước, nếu vẫn dạy theo kiểu bắt học sinh thuộc lòng lại ra đề cần học sinh hiểu biết thì học sinh sẽ lúng túng. Cần dạy cho học sinh hiểu bản chất và ý nghĩa của khoa học cũng như những vấn đề xã hội chứ không phải nhồi sọ một lượng kiến thức khổng lồ, học sinh sẽ học để đối phó với thi cử, nhưng xong là quên hết, bao nhiêu công sức thành vô nghĩa. Chỉ có hiểu biết đúng và đủ người ta mới có thể sáng tạo, chứ không phải học vẹt.

Tấm gương nhà bác học vĩ đại Einstein có thể là một ví dụ đẹp nhất. Ông không phát minh ra phép biến đổi Lorentz, ông không làm thí nghiệm đo vận tốc ánh sáng như Michelson. Với các phép toán của mình, Lorentz và Poincaré chỉ coi sự biến đổi về kích thước và khối lượng của một vật chuyển động trong những hệ quán tính là những “mẹo” toán học, không có ý nghĩa vật lý. Michelson khi xác định được vận tốc ánh sáng là một hằng số chỉ có thể phát minh ra được giao thoa kế. Còn Einstein thì khác, cũng chỉ với những kết quả cụ thể đó, nhưng là người thông tuệ hơn, ông đã hiểu được bản chất đích thực của những vấn đề mà chính những người tìm ra chúng không hiểu, nên đã phát minh ra thuyết Tương đối, đưa nhận thức của nhân loại tiến một bước khổng lồ và còn mở ra một chân trời khoa học mới.

Hơn bao giờ hết, đất nước ta đang trông chờ ở nền giáo dục. Chúng ta có quá nhiều giáo sư tiến sĩ, kể cả viện sĩ, nhưng lại quá ít sáng chế phát minh. Nước ta đang có tỷ lệ phát triển kinh tế cao, nhưng chủ yếu vẫn dựa vào tài nguyên và cơ bắp, trong khi thế giới đã tiến vào kỷ nguyên kinh tế tri thức. Một nền kinh tế không chỉ là sự áp dụng tri thức mà tri thức còn chính là hàng hóa. Muốn có hàng hóa tri thức phải sáng tạo, mà muốn sáng tạo phải học tốt. Hôm nay chúng ta chưa làm được, vậy chỉ có thể trông chờ ở thế hệ tương lai, nhưng thế hệ tương lai sẽ ra sao nếu cứ được đào tạo trong một nền giáo dục nhồi sọ và “học vẹt” như hôm nay?

TPHCM 3-7-2006

© 2006 talawas